He fed his spirit with the bread of books.

Edwin Markham

 
 
 
 
 
Tác giả: Haruki Murakami
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Trần Đĩnh
Biên tập:
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 41
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3972 / 166
Cập nhật: 2015-11-14 02:34:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
8. Bây Giờ Thậm Chí Không Còn Là Chuyện Đi Hay Không Đi Tàu Điện Ngầm Nữa, Chỉ Cần Ra Ngoài Đi Bộ Thôi Cũng Làm Cho Tôi Sợ Rồi
ây giờ thậm chí không còn là chuyện đi hay không đi tàu điện ngầm nữa, chỉ cần ra ngoài đi bộ thôi cũng làm cho tôi sợ rồi”
Tomoko Takatsuki (26)
Cô Takatsuki sống với chồng tại nhà của bà mình ở khu Shibuya, phía Tây trung tâm Tokyo. Khi cô dính vào vụ đánh hơi độc tại Tokyo, cặp vợ chồng mới cưới này đang sống ở vùng ngoại thành hẻo lánh phía NamKawasaki.
Ngôi nhà hiện nay của họ ở Sibuya là căn nhà cũ của gia đình, nơi mẹ cô đã lớn khôn. Bà của cô đã biến tầng trên thành các gian phòng cho thuê, hai vợ chồng cô sống trong một gian như thế. “Ở đây vào trung tâm thành phố tiện hơn,” cô Takatsuki nói, “thêm nữa, tiền thuê lại rẻ.” Nhưng bà của cô đã mau lẹ bổ sung: “Chân tôi không còn vững nữa, nên anh chị ấy dọn đến đây để săn sóc tôi.”
Cô Takatsuki có vóc người thanh mảnh, trông trẻ hơn tuổi 26 của mình và vẫn có thể bị nhầm là sinh viên. Trong khi cô đánh giá thấp chấn thương của chính mình – “Tôi thoát ra mà không thiệt hại gì thì sao lại phỏng vấn tôi?” – nghe chuyện của cô thì thấy rõ là thậm chí đến tận giờ vụ đánh hơi độc ấy vẫn tác động đến cô. Cô là một phụ nữ mạnh mẽ, nhưng không phải kiểu người có thể ra mặt phát biểu mà không được động viên. Phải mất một thời gian thì tình cảm thật của cô mới lộ ra.
Anh chồng cao lớn, trầm lặng của cô ý tứ rời gian phòng để chúng tôi tiến hành cuộc phỏng vấn. Họ gặp nhau ở một bữa tiệc, khi ấy cô không muốn đến nhưng một người bạn đã nài ép cô.
o O o
Công ty tôi nằm ở Kamiyacho, cho nên tôi thường mất gần một giờ đi tàu điện ngầm từ nhà ở Kawasaki đến đó. Tôi không thấy đi như thế là lâu. Bỏ ra một giờ đi làm mỗi ngày là mức trung bình cho một viên chức điển hình mà.
Tôi dậy vào khoảng 5 giờ rưỡi. Ăn điểm tâm, rời nhà, đến cơ quan lúc 7 rưỡi. Giờ làm việc bắt đầu lúc 9 giờ cho nên tôi có hẳn cả một tiếng rưỡi để đọc báo hay nhâm nhi ăn một cái gì ở bàn làm việc.
Trở lại chuyện đi lại, tàu điện ngầm lúc nào cũng đông. Cho nên tôi rời nhà sớm, quãng 6 rưỡi. Tôi không thích đi trên xe đông khách. Mà tuyến Odakyu thì ông biết rồi đấy, có nhiều tay lập dị lắm. [cười thành tiếng] Tôi chả phải khó nhọc với việc dậy sớm hay gì, hôm ấy tôi chỉ hơi muộn một chút thôi.
Kể từ khi tôi bắt đầu vào công ty đến nay sắp là năm năm. Tốt nghiệp ngành kinh tế chính trị nhưng vào làm ở đây tôi được phân đến Bộ phận Phụ trách Hệ thống. Tôi phải tập huấn ba tháng. Bây giờ tôi phát triển phần mềm nội bộ. Chỉ riêng bộ phận của tôi thôi cũng đã có đến 150 người – nhiều nam hơn nữ.
Vụ xả hơi độc rơi vào khoảng thời gian giữa hai ngày nghỉ lễ cho nên chỉ có chừng nửa số nhân viên đi làm, nhưng tôi không đi nghỉ ở đâu nên vẫn đến sở như bình thường. Tôi thường đi với chồng nhưng vì chuyện gì đó hôm ấy tôi đi muộn và rời nhà một mình.
Tôi xuống tàu ở Kasumigaseki, tôi thường đổi lên tàu tuyến Hibiya ở đây nhưng tàu đông quá và còn lâu mới đến giờ làm việc nên tôi nghĩ mình nên đi bộ quãng đường còn lại. Chỉ chừng mười lăm phút thôi. Lúc đó cái mà tôi nhìn thấy là một nhân viên nhà ga nằm lăn trên sân ga, đang quằn quại đau đớn. Nhưng các nhân viên khác cứ đứng quanh không làm gì hết. Quá kỳ lạ. Tôi đứng đó, tránh qua một bên, chỉ nhìn. Bình thường tôi đã phải lên cầu thang để bắt tàu, nhưng lần này, không hiểu tại sao lại nghĩ: “Bớt chút thời gian cho việc này nào.”
Đúng lúc đó một nhân viên nhà ga trên cầu thang chạy xuống và tôi nghĩ, “A, mình cá là anh ta đi gọi xe cứu thương đây. Đến lúc nên đi tiếp rồi.” Rồi bất chợt chính tôi cũng cảm thấy vô cùng khó ở. “Đứng xem tất cả những thứ này làm mình phát ốm mất rồi,” tôi nghĩ. “Nó đã ảnh hưởng đến mình.” – ý tôi là phụ nữ thì dễ bị ảnh hưởng, phải không nhỉ? – cho nên tôi quyết định tốt hơn mình nên đi thẳng ra ngoài.
Tôi lên được cầu thang nhưng đầu óc tôi trống rỗng, mũi thở phì phò. Tôi còn khóc nữa. Thế là tôi nghĩ: “Ôi không. Mình bị cảm lạnh mất rồi.” Lúc này tôi đã ra ngoài nhưng nhìn cái gì cũng tối sầm lại. “Chắc mình ngây ngấy sốt rồi,” tôi nghĩ. Tôi muốn nói là khi bị sốt thì mình thường thấy đờ đẫn, phải thế không? Cho nên tôi đi tiếp một quãng nữa nhưng mỗi lúc một thấy đau hơn. Tôi tự thú: “Mình đã biết là không nên đứng xem anh nhân viên nhà ga ngã quỵ ở đấy mà.”
Tôi đến công ty làm việc một lúc lâu rồi mà mắt vẫn đau. Nước mắt, nước mũi chảy ròng ròng còn tôi thì luôn miệng kêu: “Đau mắt quá! Đau mắt quá!” – làm nhốn nháo cả công ty. Đau đến nỗi tôi không thể làm việc. Căn phòng tối sầm lại. Tôi liếc quanh để cầm chắc là đèn không tắt. “Lạ thật,” tôi nghĩ, “sao đèn vẫn bật mà cái gì cũng tối mù tối mịt chứ?” Còn tối hơn cả đeo kính râm. Ai cũng nói: “Tối đâu mà tối,” tựa như họ nghĩ là tôi điên.
Sau đó tổng giám đốc đến hỏi: “Ở đây có ai thấy ốm yếu gì không?” Tôi bảo mắt tôi đau và do tivi đã nhắc đến các triệu chứng như thế nên ông ấy bảo tôi phải đi bệnh viện. Nhưng đến lúc ấy họ vẫn không biết đó là hơi độc. Một kiểu nổ gì đó ở tàu điện ngầm, họ chỉ nói được có thế… Một người nữa ở công ty bị thương tệ hơn tôi nhiều – hình như phải nằm bệnh viện cả tuần.
Sau này thì như mọi người đều biết, hóa ra chuyến tàu điện tôi đi không bị rải sarin. Tôi hít phải nó ở nhà ga. Tôi không chắc là lúc nào. Nó có ở đoàn tàu bên kia sân ga. Tôi ở đằng cuối tàu này còn sarin ở đầu đoàn tàu đối diện với tôi. Thế là khi xuống tàu tôi đã ở đúng chỗ đó… Lại nói đến vận đen. Nhân viên của nhà ga ấy chết, ông biết đấy.
Nhưng khi tôi rời nhà ga lúc đó, chẳng có chiếc xe cứu thương nào và mọi người vẫn đi bộ chung quanh như thường. Ông sẽ không tài nào lại nghĩ là có chuyện rắc rối gì được. Chỉ có mỗi nhân viên nhà ga kia khuỵu xuống ở đấy. Tôi lại tưởng ông ta bị đau tim hay gì đó. Nếu nhân viên nhà ga ấy không nằm ở đó thì có lẽ tôi đã cứ đi qua mà chẳng để ý gì cả.
Dù sao thì mắt tôi đau nên tôi biết cần đến gặp bác sĩ nhãn khoa. Lúc đó tôi chưa hiểu sẽ xảy ra chuyện gì nữa. Tôi đi đến một phòng khám mắt bình thường trong khu, nhưng xem mắt tôi bác sĩ bảo: “Không có gì ngại cả. Đồng tử hơi bị co lại một chút thôi.” “Nhưng đau lắm,” tôi nói. Lúc đó bác sĩ chính ra bảo: “Hừm, cái này không hay rồi. Tốt hơn là cô nên đến bệnh viện lớn.” Cho nên tôi bắt taxi đến Bệnh viện Taronomon vì đó là bệnh viện gần nhất. Nhưng lúc ấy bệnh viện đã ngập người và họ chỉ tôi tới Bệnh viện Đại học Y Jie nhưng trên taxi tôi nghe đài nói ở đó cũng đã đông cứng. Được, vậy Bệnh viện Thánh Luke thì sao? Cũng vậy nốt… Tôi phải làm gì đây?
Vào lúc ấy một người đi đến và nói: “Thế Teishin thì sao?” Bệnh viện Teishin ở Gotanda, thuộc Bộ Truyền thông. Chắc nó không thể đông thế này được. Lúc đó qua bản tin thời sự tôi biết nguyên nhân là sarin. Nhưng như thế có nghĩa là gì? Tôi nên điều trị thế nào đây? Thậm chí cả bác sĩ cũng nói: “Tôi quả thật không biết giúp cô thế nào cả.” [cười to] Phòng khám mắt đã rửa mắt cho tôi, chỉ là để phòng xa nhưng điều đó có vẻ rất có ích. Cho nên tôi bảo bác sĩ và ông nói: “Thôi được, thì rửa mắt cho mọi người nào.” [cười] Các y bác sĩ ở bệnh viện nói, “Cách này chúng tôi không chắc, nhưng cũng đáng thử xem.”
Một việc tốt khác nữa là vừa đến công ty tôi đã thay ngay quần áo. Ở công ty, chúng tôi mặc đồng phục. Điều này xem ra có ích. Sau đó họ thử máu và truyền dịch cho tôi. Họ quyết định cho tôi nằm viện. Tôi thấy rất buồn nôn, cộng thêm lục phủ ngũ tạng của tôi vốn đã không khỏe rồi. Tôi nghĩ cuối cùng nó đã không chịu thấu. Một lúc sau cơn buồn nôn cũng hết nhưng mắt vẫn đau và tôi bị sốt cao.
Tôi chỉ nằm bệnh viện một ngày. Chồng tôi đến thăm, vô cùng lo lắng. Tôi không hiểu đang xảy ra chuyện gì. Mắt đau nên tôi không thể xem tivi, không thể rời khỏi phòng bệnh viện. Tôi bị đứt liên lạc với bên ngoài. Nhưng tôi cảm thấy khá an toàn.
Ngày 21 được nghỉ lễ, nên ngày 22 tôi mới đi làm nhưng tôi không thể ngồi nổi đến mười phút trước màn hình máy tính, “Tôi nghỉ đây,” tôi nói và cứ thế về nhà. Người khác không biết có nên tin tôi hay không, ở công ty cũng vậy. Mọi người thường tỏ thái độ kiểu, “Được thôi, giờ cô nói gì mà chẳng được.” Tôi bảo họ đó là một thái độ không tốt thì họ lại bảo đại loại như, “Làm sao chúng tôi biết được cơ chứ?” Đành rằng các triệu chứng không được công bố, thế nhưng…
Tôi cứ như thế và không làm được bất cứ việc gì suốt một tuần liền. Tôi cố nhìn thứ gì đó nhưng không thể chăm chú nổi. Mọi thứ cứ lóa hết cả lên. Khi tôi cố giải thích cho ai đó thì tôi chỉ nhận được có câu: “Thì mắt cô có bao giờ tốt đâu, đúng không?”
Tôi đi bệnh viện mấy lần nhưng đồng tử của tôi vẫn không trở lại bình thường. Mất chừng một tháng. Thậm chí đến giờ chúng vẫn hơi đau. Hmm, tôi nghĩ. Đôi khi tôi vẫn lo. Không, không phải là mắt tôi hỏng hẳn. Tôi nhìn không đến nỗi tệ. Tuy vẫn ảnh hưởng đến công việc. Dù vậy, tôi mừng là chỉ có mắt tôi bị thôi.
Về sau tôi nghe các báo cáo kết luận những người từng bị thương đâm ra sợ đi tàu điện ngầm hay đại khái thế, song với tôi thì thật sự không có chuyện này. Có thể là vì trên chuyến tàu của tôi không có sarin. Buổi sáng hai hôm sau, khi bắt chuyến tàu điện ngầm đi làm tôi không thấy e ngại gì đặc biệt. Có những người khác ở cùng toa với tôi và – nói thế nào nhỉ? – tôi thấy chuyện đó với tôi không có thật. Ngay ở trước mặt tôi trên sân ga, một ai đó đã chết, nhưng chuyện đó với tôi vẫn không thật.
Tôi rất hay bị đau đầu. Tôi cho đó là hậu quả của sarin nhưng trước nay tôi vẫn luôn bị đau đầu, nên ai mà biết được? Chỉ có tần số cơn đau tăng lên… Khi đau đầu và mỏi mắt thì tôi bắt đầu thấy buồn nôn. Trong mọi điều, điều này đáng ngại nhất. Khi đã nghĩ “phải rồi” thì đúng là không bao giờ chấm dứt được ý nghĩ đó nữa, rồi ông lại phải tự bảo mình, “Không, cái này chẳng có liên quan gì với sarin sất.” Trên tivi vị bác sĩ ấy nói, “Một khi các triệu chứng đã hết thì không còn sợ hậu quả gì nữa,” nhưng đã có ai biết được thật sự thế nào đâu? Tôi chỉ hy vọng sau này đừng có chuyện gì xảy ra.
Dĩ nhiên chuyện này làm tôi tức giận. Tôi không hiểu nổi tại sao lại nên khoan hồng cho bọn tội phạm ấy. Tôi chỉ muốn biết chúng nghĩ chúng đang làm gì cơ chứ. Tôi đòi một lời giải thích và xin lỗi đầy đủ. Tôi khăng khăng phải đòi bằng được.
Tôi đã có thể chết như bỡn ở đó, tôi thực sự nghĩ như thế. Tôi vẫn thấp thỏm khi đi ra ngoài một mình. Bây giờ thậm chí không còn là chuyện đi hay không đi tàu điện ngầm nữa, chỉ cần ra ngoài đi bộ thôi cũng làm cho tôi sợ rồi. Nên bây giờ bất cứ lúc nào ra ngoài tôi đều cố đi với chồng. Đây có phải là một hậu quả tâm lý không?... Nhưng tôi thật sự rất hay nghĩ có thể mình sẽ chết. Trước nay tôi vẫn luôn thuộc tuýp người hay căng thẳng, nên suy nghĩ như thế chẳng giúp được gì hết, nó chỉ làm dạ dày tôi thắt lại.
Chồng tôi thực sự lo lắng cho tôi, có lẽ còn lo hơn cả tôi. Anh nói người ta đã cho tôi xuất viện sớm quá, lẽ ra tôi nên nằm đó lâu hơn. Hễ có bất cứ chuyện gì xảy ra, anh lại đổ cho sarin. Tôi mừng là anh luôn ở bên tôi. Tôi ước gì chúng tôi có nhiều thời gian bên nhau hơn, chỉ hai chúng tôi thôi. Buổi sáng hôm chúng tôi đi tàu điện ngầm, khi chúng tôi chia tay nhau ở nhà ga, tôi nghĩ, “Ôi, mình không muốn đi một mình.” Từ ngày hôm ấy, chúng tôi không bao giờ cãi nhau. Trước kia chúng tôi thường hay thế, bất cứ chuyện gì cũng cãi nhau được. Sau thì tôi nghĩ, giả dụ sau một cuộc cãi cọ, chúng tôi chia tay ở một nhà ga rồi chuyện gì đó xảy ra – tôi sẽ làm gì đây?
Ngầm Ngầm - Haruki Murakami Ngầm