Thất bại lớn nhất là thất bại trong việc cố gắng.

William A. Ward

 
 
 
 
 
Tác giả: Haruki Murakami
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Trần Đĩnh
Biên tập:
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 41
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3972 / 166
Cập nhật: 2015-11-14 02:34:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
7. Tôi Không Phải Là Nạn Nhân Sarin, Tôi Là Một Người Sống Sót
ôi không phải là nạn nhân sarin, tôi là một người sống sót”
Toshiaki Toyoda (52)
Sinh ra ở tỉnh Yamagata, ông Toyoda vào làm việc cho Cơ quan Quản lý Tàu điện ngầm ngày 20 tháng Ba năm 1961 – ba mươi tư năm tính đến trước ngày xảy ra vụ tấn công bằng hơi độc. “Tốt nghiệp xong tôi đến Tokyo, đúng là chỉ với một mảnh chiếu để ngủ,” ông nhớ lại. Ông không đặc biệt thích thú tàu điện ngầm, nhưng lời giới thiệu của một người họ hàng đã đưa ông đến với nghề này. Từ đó đến nay ông là nhân viên nhà ga Tokyo, nhưng ông vẫn giữ một chút giọng Yamagata.
Cuộc chuyện trò với ông Toyoda là một bài học về đạo đức nghề nghiệp. Hay có thể nói là đạo đức công dân. Ba mươi tư năm trong nghề đem lại cho ông niềm tự hào và biến ông thành một người mà người khác có thể tin cậy. Chỉ nhìn ông là đã thấy kiểu mẫu đích thực của người công dân tốt.
Từ những điều ông Toyoda nói với chúng tôi, tôi có thể mạo muội đoán, chẳng ít thì nhiều, rằng hai đồng nghiệp của ông – những người đã không may hy sinh đời mình trong khi cố gắng đem vứt túi sarin – đều có chung quan điểm đạo đức như ông.
Dù đã ở tuổi này, ông vẫn tập đi bộ hai lần một tuần, nên những công việc đòi hỏi nhiều sức lực ở nhà ga chẳng khiến ông vất vả. Ông còn tham gia các cuộc thi đấu thể thao giữa các nhà ga. “Quên đi công việc và được đổ mồ hôi thật là hay,” ông nói.
Chúng tôi chuyện trò ít nhất cũng phải bốn tiếng đồng hồ. Ông không ca thán một lần nào. “Tôi muốn vượt qua tinh thần yếu đuối của chính tôi,” ông nói, “và bỏ lại phía sau vụ tấn công bằng hơi độc ấy.” Chắc chắn là nói thì dễ hơn làm.
Từ khi phỏng vấn ông Toyoda, mỗi lần lên tàu điện ngầm tôi đều chăm chú nhìn từng nhân viên nhà ga. Công việc của họ quả là khó khăn.
o O o
Trước hết tôi muốn nói là tôi thật tình không thích nhắc đến tất cả những chuyện này. Trước vụ đánh hơi độc tôi đã ở cả đêm tại nhà ga cùng với Takahashi, người sau này đã chết. Hôm đó tôi làm nhiệm vụ giám sát tuyến Chiyoda, và hai đồng nghiệp ấy đã chết trong ca tôi phụ trách. Hai người cùng ăn tại một căng tin như tôi. Nếu phải nói gì thì trong đầu tôi chỉ nảy ra điều đó thôi. Nói thật là tôi muốn quên hết chuyện này.
MURAKAMI:Tôi hiểu. Tôi biết chuyện đó phải khó khăn đến thế nào, và đương nhiên tôi không có ý phanh hết những vết thương chỉ vừa mới bắt đầu bình phục đó ra. Tuy nhiên, về phần tôi, tôi ghi lại thành văn bản được càng nhiều lời chứng sống thì càng có thể ghép lại và chuyển đến cho mọi người bức tranh chính xác về những gì đã xảy ra với những người tình cờ có mặt trên những chuyến tàu điện ngầm Tokyo hôm 20 tháng Ba năm 1995.
Thôi được, vậy tôi sẽ cố hết sức.
Hôm ấy, tôi phải trực suốt ngày đêm, nên tôi thức cả đêm làm việc trên ke ga số 5 tới 8 giờ sáng. Cỡ 7 giờ 40 phút tôi bàn giao cho Okazawa, trợ lý trưởng ga, bảo anh ta: “Mọi thứ đều ổn.” Tôi đi vòng quanh kiểm tra rào soát vé và các bộ phận khác của nhà ga trước khi quay về văn phòng. Takahashi ở đó. Khi tôi ở ngoài mấy ke, Takahashi phải ở lại văn phòng; khi Takahashi ở thềm ga thì tôi ở văn phòng – các ca của chúng tôi luân phiên nhau như thế.
Trước 8 giờ sáng Hishinuma cũng đến kiểm tra một đoàn tàu trục trặc kỹ thuật. Hishinuma là người trên Cục Vận tải nên ông giám sát các lái tàu và phụ tàu. Hôm ấy thời tiết tốt và ông nói đùa khi chúng tôi uống trà: “Tàu không bao giờ muộn khi tôi trực.” Tinh thần của mọi người đều rất phấn chấn.
Khoảng cùng lúc đó, Takahashi đi lên ke tầng trên còn tôi ở lại văn phòng gửi thông báo của hôm ấy cho những người đến nhận ca. Okazawa lại đến khá sớm, nhấc điện thoại nội bộ lên nói: “Có một vụ nổ hay gì đó ở ga Tsukiji, nên họ đã cho dừng tàu.” Cho dừng tàu của tuyến Hibiya có nghĩa là chúng tôi đang sắp phải vắt chân lên cổ mà chạy vì nếu xảy ra chuyện gì ở Tsukiji thì họ sẽ cho tàu quay về Kasumigaseki. Sau đó Văn phòng Trung tâm gọi: “Nhìn thấy có vật khả nghi trên tàu. Xin kiểm tra.” Okazawa là người nghe điện thoại, nhưng tôi nói, “Tôi sẽ đi xem sao, anh chờ ở đây đi,” rồi ra ngoài.
Nhưng khi tôi tới chỗ đoàn tàu số hiệu A725K, các cửa đều đóng kín. Hình như nó đã sẵn sàng chạy. Tôi chú ý thấy có những vết lấm tấm ở trên khắp ke, gần giống như paraphin lỏng hay đại loại thế. Có mười toa, mỗi toa có bốn cửa. Nhìn dọc về phía đầu tầu, tôi còn nhìn thấy cả món paraphin này nhỏ giọt đâu đó từ cửa thứ hai của một trong các toa. Và xung quanh chân một cái cột là bảy hay tám đùm báo lớn. Takahashi đã ở trên ke – ông đang cố lau sạch cái món kia.
Hishinuma lên cabin và nói chuyện với người lái nhưng hình như không có trục trặc gì đặc biệt về vận hành tàu. Đúng lúc đó một tàu nữa đỗ lại trên đường ray đối diện và có lẽ luồng gió đã thổi sarin bay tản đi.
Xem vẻ một cái hót rác bình thường thì không thể dọn hết đống báo, nên tôi gọi với ra chỗ Takahashi, “Tôi đi lấy túi nylon đây,” rồi đi về văn phòng. Tôi bảo các nhân viên nhà ga, “Paraphin hay cái gì đó đang tung tóe đầy ra ở trên ke kia, nên lấy chổi lau đi. Ai rảnh thì cùng ra giúp một tay nhé.” Okazawa giao việc cho một người khác rồi đi theo tôi. Khoảng lúc đó trên loa phóng thanh của nhà ga có thông báo tuyến Hibiya tạm ngừng hoạt động.
Tôi bị dính sarin đầy người nên trí nhớ có phần lơ mơ về thứ tự các chuyện, nhưng trên đường quay lại thềm ga, hẳn là đã có người đưa cho tôi một cây chổi lau. À, chổi lau là thứ chúng tôi dùng hàng ngày. Nếu chúng tôi không lau sạch rác rến và nước đọng ngay lập tức thì hành khách có thể bị vấp ngã và bị thương. Nếu có ai đổ nước uống lên ke chúng tôi phải lấy chổi lau ngay. Rắc mạt cưa lên trên chỗ đó, chùi cho sạch đi. Đó là phần tất yếu của công việc.
Như tôi đã nói, có những đùm chất lỏng bọc trong báo, đặt dưới chân cột. Tôi cúi xuống nhặt chúng lên, cho vào một túi nylon mà Okazawa mở ra giúp tôi. Tôi không biết bên trong là thứ gì nhưng dù có là gì thì trông cũng nhớp nháp kiểu như dầu mỡ vậy. Luồng gió do đoàn tàu tạo ra vẫn chưa khiến chúng xê dịch, nên hẳn là chúng khá nặng. Sau đó, Hashinuma đến, rồi cả ba chúng tôi thu nhặt nốt mớ giấy báo cho vào túi nylon. Ban đầu tôi nghĩ là paraphin nhưng không có mùi paraphin hay dầu hỏa. Hừm, tả cái mùi đó như thế nào bây giờ nhỉ? Rất khó.
Sau này tôi mới nghe nói nhưng rõ ràng cái mùi của nó đã làm cho Okazawa khó chịu cho nên ông cứ nhìn đi chỗ khác. Tôi cũng nghĩ là nó khá ghê. Tôi đã chứng kiến một vụ thiêu xác ở nông thôn và cái mùi đó hơi giống như thế, nếu không thì cũng giống mùi chuột chết. Thối kinh khủng.
Tôi không nhớ lúc đó có đi găng tay hay không. Tôi luôn mang găng tay theo (ông lấy ra đôi găng) để phòng xa, nhưng người ta không thể đeo nguyên găng tay mà mở túi nylon một cách dễ dàng được. Cho nên hẳn là tôi đã không đi găng. Sau đó Okazawa bảo tôi: “Toyoda, tay ông để trần kìa. Cái món kia đang nhỏ giọt từ ngón tay ông xuống kìa.” Lúc ấy tôi không nghĩ nhiều về chuyện này. Nhưng hóa ra không có găng tay lại tốt hơn. Găng tay sẽ ngấm sarin và mang chất độc phát tán khắp nơi cùng với mình. Tay trần thì sarin sẽ nhỏ hết xuống.
Chúng tôi xoay xở cho hết được đống báo vào túi nhưng thứ chất lỏng đó vẫn dính nhơm nhớp trên nền ga. Lúc ấy tôi lại sợ nó có thể nổ. Anh em làm việc ở ga Tsukiji đã ghi nhận có chất nổ và chỉ vài hôm trước, ngày 15 tháng Ba, người ta đã tìm thấy một vali con ở ga chúng tôi, trên tuyến Marunouchi, họ nói chắc cũng là của Aum. Trong vali có vi khuẩn boccilinus hay cái gì đó. Viên trợ lý của ban điều hành, người đã lấy chiếc vali đó khỏi thùng rác tới cửa ra nhà ga, nói: “Trong một tích tắc ở đó, tôi cảm thấy số mình đã tận.”
Suốt quãng thời gian đi làm của mình, tôi luôn bảo vợ: “Em nhớ đấy, đêm nay có thể anh không về.” Ông không bao giờ biết cái gì sẽ xảy ra trong công việc. Có thể chúng rải sarin, hay có thể có đánh nhau và một đứa nào đó có dao. Hay lại nữa, ai biết được khi nào sẽ có một thằng cha điên đột nhiên hiện ra sau lưng và đẩy một nhân viên nhà ga xuống đường tàu. Và nếu có chất nổ, tôi không thể cứ thế mà bảo người dưới quyền rằng: “Anh lo vụ này đi.” Có thể là do tính của tôi nhưng đúng là tôi không thể làm vậy. Tôi phải tự mình làm lấy.
Đó là loại túi nylon trong suốt dùng để lót thùng rác. Chúng tôi cố buộc kín lại, nhưng sau đó mải nghĩ xem nên đem để vào đâu, nên chắc là chúng tôi đã quên không buộc. Tôi và Okazawa mang chúng về văn phòng. Takahashi ở lại ke, quét dọn.
Sugatani ở văn phòng, chuẩn bị nhận ca. Lúc ấy tôi bỗng run hết cả người. Tôi cố kiểm tra bảng giờ tàu nhưng đọc không nổi con số. Ông ấy nói, “Thôi không sao, tôi sẽ nối máy cho anh với Trung tâm.” Rồi kiếm chỗ tử tế xếp đống túi nylon dưới chân một cái ghế trong văn phòng.
Cùng lúc đó, tàu A725K chuyển bánh. Họ đã dọn các thứ khả nghi, quét lau các toa và cho nó đi tiếp. Đoàn tàu đó thuộc quản lý của Cục Vận tải cho nên chắc người ta đã liên hệ với Văn phòng Trung tâm xin được phép đi tiếp tới gas au.
Takahashi lúc nào cũng đứng ở vị trí phía trước đoàn tàu. Vậy nên khi một hành khách bảo ông, “Trong kia có gì đó lạ lắm,” thì quá ư tự nhiên thôi, ông ấy sẽ cố giải quyết nó càng nhanh càng tốt. Tôi không tận mắt thấy – đây chỉ là đoán, nhưng tôi cá là Takahashi sẽ vơ lấy việc dọn cái món kia. Đằng nào thì ông ấy cũng là người ở gần nhất.
Có một thùng rác ở thềm ga đối diện nên chắc Takahashi đã lấy báo ở đó ra lau sàn toa. Có lẽ chỉ có ông và Hishinuma. Nếu có chổi lau trong tầm tay thì dĩ nhiên họ đã dùng, nhưng họ đành phải dùng đến báo. Lúc đó họ phải suy nghĩ thật nhanh. Đang giữa giờ cao điểm, các chuyến tàu chỉ cách nhau tầm trên dưới hai phút rưỡi.
Sau đó tôi xem đồng hồ văn phòng, nghĩ nên ghi nhớ vài điều vào sổ. Trong công việc, tôi có thói quen ghi lại các điều cần nhớ ngay. Sau đó, tôi phải nhập tất cả vào sổ lưu, vậy nên ghi các điều cần nhớ là việc phải làm. Tôi nhớ lúc đó là 8 giờ 10, và tôi đang cố viết số “8”, nhưng tay tôi run ghê quá. Toàn thân đang run lên bần bật, nhưng tôi không thể cứ ngồi ườn ra đó. Đó cũng là lúc tôi mất thị lực. Tôi không đọc nổi con số. Tầm nhìn của tôi cứ hẹp dần hẹp dần.
Rồi có tin Takahashi quỵ ngã trên thềm ga. Một nhân viên đang giúp dọn dẹp đã đi lấy cáng thương rồi cùng với một nhân viên nữa cố sơ cứu cho Takahashi. Tôi không còn hơi sức nào để ra giúp. Tôi đang run quá, tôi chỉ có thể làm mỗi việc là bấm số điện thoại tàu điện ngầm. Tôi cố gọi Văn phòng Trung tâm – “Takahashi quỵ ngã. Gửi trợ giúp.” – nhưng tôi run không kiềm chế nổi và không nói được thành lời.
Tôi cảm thấy tồi tệ quá, ngờ là ngày mai không làm việc được cho nên tôi bắt đầu kiểm lại giấy tờ công việc và mọi thứ. Tôi nghĩ tốt nhất là xếp dọn gọn ghẽ tất cả lại trong khi còn làm được. Họ đã gọi xe cứu thương để đem chúng tôi đi bệnh viện và tôi không biết khi nào tôi mới trở về. Chuyện ngày mai đi làm là không có rồi. Đó là những gì tôi nghĩ khi vừa run bần bật vừa cố thu xếp đồ. Suốt thời gian đó, các đùm báo ướt đẫm sarin vẫn ở ngay dưới chân tôi.
Khi họ mang Takahashi đi trên cáng, ông ấy đã bất tỉnh, nhưng tôi vẫn gọi với theo: “Trụ vững nhé, Issho!” Nhưng ông ấy không động đậy. Trong tầm nhìn đã hẹp lại của tôi, tôi chỉ thấy một nữ hành khách. Cô ấy đang ở trong văn phòng. Đó là lúc tôi nghĩ tốt hơn là mình nên làm gì đó với mấy túi nylon. Của ấy mà nổ ở đây thì nguy hiểm cho cả hành khách lẫn nhân viên nhà ga.
Mọi người còn bảo răng Takahashi đang đánh vào nhau lập cập y như người bị động kinh. Tôi nhặt mấy túi nylon ấy lên, hy vọng vứt được chúng đi, nhưng cũng biết mình phải làm gì đó cho Takahashi đã. Tôi hướng dẫn họ: “Nhét khăn tay vào miệng ông ấy. Cẩn thận kẻo ông ấy cắn phải tay.” Tôi nghe nói đó là việc cần làm khi có người bị động kinh. Lúc ấy tôi chảy nước mũi, mắt đau rát. Tôi đang ở trong trạng thái thật kinh khủng, tôi hoàn toàn không biết như thế. Chỉ sau này mới hay.
Tôi bảo một nhân viên vừa đi tới: “Anh mang mấy cái túi này lại đằng kia đi,” đến gian phòng ngủ ở đằng sau, ở chỗ ấy lỡ nó có nổ cũng đỡ nguy hiểm. Ở đó có một cánh cửa bằng thép không gỉ sẽ ngăn được chúng.
Người phụ nữ, sau này tôi được biết là người đã phát hiện ra cái món khả nghi kia ở trên tàu đã đến báo tin cho chúng tôi. Cô cảm thấy khó chịu và trước đó đã xuống tàu ở ga Nijubashi, rồi lại bắt chuyến tiếp theo đến Kasumigaseki[6].
Hishinuma ở sân ga quay trở vào. “Cái thứ chúng ta mang vào đây là đồ quỷ gì thế nhỉ?” ông nói. “Tôi chưa bao giờ bị run ác như thế này. Trong suốt những năm làm việc trong ngành này, tôi chưa từng thấy cái gì như thế.” Ông đã rời sân ga cùng với chiếc cáng khiêng Takahashi. Hishinuma cũng bị mất thị lực nhưng giờ ông phải báo hiệu cho chuyến tàu sắp tới vì không còn nhân viên nhà ga nào ở đó nữa.
“Giờ thì OK,” tôi nghĩ, “mình đã làm việc của mình. Đã dọn sạch cái món chưa biết là cái gì đó. Cả Hishinuma với Takahashi đều đã trở vào trong kia. Mình đã làm tức thời mọi việc trong tầm tay.” Và tôi còn dặn một thành viên của toán trợ giúp là đón xe cứu thương ở Cửa Ra A11, phía trước Bộ Thương mại. Đó là chỗ thuận tiện nhất để đưa người lên xe cứu thương. “Chúng ta đã xong việc của mình, giờ chỉ còn chờ xe cứu thương đến thôi” – tôi tập trung vào chuyện đó. Thế là tôi bảo anh em đem cáng khiêng Takahashi vào văn phòng mà đợi.
Tôi đi rửa mặt. Nước mắt nước mũi giàn giụa, không ra làm sao cả. Phải làm gì cho mình coi được hơn một tí chứ, tôi nghĩ. Tôi cởi áo khoác và rửa mặt ở bồn. Tôi luôn cởi đồng phục khi rửa ráy cho khỏi bị ướt. Đơn thuần là thói quen. Chỉ đến sau này tôi mới biết cởi đồng phục là một việc tốt vì nó đã bị thấm đẫm sarin. Rửa mặt cũng vậy.
Đúng lúc đó tôi bắt đầu run tệ run hại. Không giống như run vì lạnh hay vì cái gì. Tôi không rét, nhưng người tôi không thể ngừng run. Tôi cố thót bụng lại nhưng không ăn thua. Tôi đi đến tủ chứa đồ vớ lấy một cái khăn, đang lau mặt khi quay trở lại thì bỗng không đứng được nữa. Tôi ngất đi, khuỵu xuống.
Tôi cảm thấy buồn nôn, không thể thở được. Tôi và Hishinuma đổ gục và kêu đau gần như cùng lúc. Đến giờ tôi vẫn như nghe thấy tiếng ông ấy bên tai: “Ái, đau!” Tôi cũng nghe thấy những người xung quanh chúng tôi nói: “Cố trụ nhé, gọi xe cứu thương rồi,” và “Cố lên, xe đang đến.” Sau đó tôi không nhớ gì nữa.
Lúc đó tôi không nghĩ mình sắp chết. Tôi còn cá là ngay cả Takahashi cũng không nghĩ ông ấy sắp chết. Cuối cùng, một chiếc xe cứu thương đã chở chúng tôi vào bệnh viện. Tôi còn lo phiền hơn về công việc của tôi, về những việc tôi cần phải làm.
Tôi sùi bọt mép. Tay tôi không buông được khăn ra. Lúc đó một nhân viên đã làm một việc thông minh. Văn phòng có mặt nạ ôxy và Konno đã lấy ra áp lên mặt tôi và Hishinuma. Tôi thậm chí còn không ngậm nổi đầu ống dẫn khí cho yên trong miệng. Mắt tôi mở trừng trừng. Hishinuma thì bằng cách nào đó đã giữ yên được đầu ống, vậy nên từ lúc đó triệu chứng của tôi xấu đi nhiều.
Họ đã lấy chiếc cáng duy nhất để khiêng Takahashi cho nên không còn cái nào cho chúng tôi. Ai đó liền đến văn phòng ga Uchisawaicho để lấy thêm cáng, và do các triệu chứng của tôi đang nặng nên anh em mang tôi đi trước. Họ để Hishinuma lên mấy tấm ga trải giường và túm góc khiêng ông ra ngoài. Rồi tất cả chúng tôi chờ xe cứu thương ở cửa ra.
Tôi được chuyển đến Bệnh viện Đại học Y Jie nhưng phải đến 11 giờ sáng hôm sau tôi mới tỉnh. Tôi được nhét hai cái ống tiếp ôxy qua miệng để hỗ trợ phổi hoạt động. Tôi không thể nói nổi. Cổ tôi có ống truyền, dẫn cái gì đó vào cả hai động mạch. Gia đình tôi đang vây quanh.
Sau đó bốn nhân viên ga Kasumigaseki đến thăm. Tôi vẫn chưa nói được nên mượn một cây bút. Tôi lại không thể cầm bút đúng kiểu nên đành nắm chặt nó trong lòng bàn tay và chả biết thế nào lại xoay xở viết được chữ ISSHO, tên của Takahashi, hai chữ đơn giản. Một người trong họ chỉ bắt tréo hai tay lên ngực thành chữ “X”. Tôi biết đó là tin xấu. “Takahashi không qua khỏi,” ông ta nói. Tôi muốn hỏi về Hishinuma nhưng không nhớ ra được tên ông. Một cái gì đó chẹn trong đầu tôi. Nên tôi nguệch ngoạc ra chữ VẬN thay cho nhân viên Cục Vận tải. Lại một chữ “X” tréo trước ngực nữa. Nhờ cách đó tôi hiểu ông cũng đã chết.
Sau đó tôi viết KASUMI. Còn có nhân viên nhà ga nào khác bị thương không? Nhưng họ nói mọi người đều ổn: tôi là người nặng nhất.
“Thế là có mỗi mình sống sót,” tôi nhận ra. Tôi vẫn không hay biết đã có chuyện quỷ gì xảy ra nhưng tôi đã ở mấp mé ranh giới giữa cái chết và sự sống. Càng nhiều người lo lắng cho tôi và đến thăm, tôi càng nhận ra sâu sắc hơn rằng mình đã được cứu sống. Tôi cảm thấy sung sướng vì đã sống sót, nhưng lại cảm thấy tiếc về chuyện đã xảy đến với người khác. Điều này khiến tôi rất căng thẳng, và đêm hôm ấy – đêm ngày hai mốt, khi tôi tỉnh hẳn – tôi đã không sao chợp mắt được. Y như đứa trẻ con bị kích động và không ngủ được vào đêm trước hôm nhà trường cho đi dã ngoại vậy. Nhờ mọi người tôi đã được cứu. Họ đã vất vả giúp đỡ, đến cấp cứu nhanh và nhờ đó mà giữ được cái mạng tôi.
Tôi nằm bệnh viện đến tận ngày 31 tháng Ba, sau đó an dưỡng ở nhà một thời gian rồi đến ngày 2 tháng Năm thì trở lại làm việc. Tôi dần lấy lại sức khỏe nhưng để tinh thần hồi phục như bình thường thì khó khăn hơn. Chỉ hai hay ba giờ rồi – hấp! – thức dậy và không thể ngủ lại được nữa. Cứ tiếp diễn như thế nhiều ngày. Mà thế cũng còn tốt chán.
Sau đó đến cáu kỉnh. Tôi dễ nổi nóng, vô lý, lo lắng với mọi cái. Rõ ràng là kiểu bị kích động thái quá gì đó. Tôi không uống rượu, ai cũng thấy, cho nên tôi không có cách giải tỏa tâm lý nào. Tôi cũng không thể tập trung. Bây giờ tôi đã cảm thấy thư thái hơn nhiều, nhưng đôi khi chẳng có duyên cớ gì cũng nổi đóa lên.
Thoạt đầu vợ tôi còn thực sự quan tâm từng ly từng tí đến tôi, nhưng hình như tôi đòi hỏi quá nhiều với mọi thứ lặt vặt nên mọi chuyện hóa ra nặng nề với bà ấy. Đã đến lúc phải đi làm trở lại. Tôi muốn mặc lại bộ đồng phục vào và quay về với sân ga. Trở về với công việc là bước đầu tiên.
Tôi không có triệu chứng gì về thể chất, nhưng về tâm lý thì có cái gánh nặng kia. Thế nào thì tôi cũng phải gỡ bỏ nó. Dĩ nhiên, lúc đầu trở về với công việc, tôi sợ chuyện tương tự lại diễn ra lần nữa. Phải suy nghĩ tích cực mới vượt qua nỗi sợ, không thì sẽ mãi mãi mang lởn vởn theo người cái trạng thái tinh thần của một nạn nhân này.
Có những hành khách bình thường đã không may bỏ mạng hay mang những thương tật chỉ vì họ đi tàu điện ngầm. Những người vẫn đang còn đau đớn về tinh thần hay thể xác. Khi nghĩ đến số phận của họ, tôi không thể coi mình là nạn nhân, như thế quá xa xỉ. Đó là lý do tại sao tôi nói: “Tôi không phải là nạn nhân của sarin, tôi là một người sống sót.” Thật tình cũng có vài triệu chứng tiềm ẩn đấy nhưng chẳng là gì mà đòi giữ tôi trên giường mãi. Quả tình tôi vui vì đã sống sót.
Nỗi sợ hãi, những vết thương tinh thần vẫn còn lại với tôi, dĩ nhiên, nhưng chẳng có cách nào trục xuất chúng ra khỏi người tôi được. Tôi sẽ không bao giờ tìm nổi lời nào để giải thích chuyện xảy ra với gia đình của những người đã chết hay những người đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Tôi cố không thù ghét Aum. Tôi để chúng cho nhà cầm quyền. Tôi gần như đã vượt được lên trên hận thù. Có hận thù họ thì cũng chẳng giúp được gì. Tôi không theo dõi báo chí tường thuật việc tòa xử Aum – để làm gì cơ chứ? Không xem tôi cũng biết cái gì là cái gì rồi. Nhắc lại chuyện đó cũng chẳng giải quyết được chuyện gì hết. Tôi không thích thú gì với việc ra phán quyết hay trừng phạt. Cái ấy là để quan tòa quyết định.
MURAKAMI:Chính xác ông định nói gì ở câu “không xem tôi cũng biết cái gì là cái gì”?
Tôi biết xã hội đã đi đến bước sẽ sinh ra thứ gì đó như Aum. Ngày ngày tiếp xúc với hành khách, ông thấy cái mình nhìn thấy. Đó là vấn đề đạo đức. Ở nhà ga, ông có một bức tranh rất rõ rệt về con người vào lúc tiêu cực nhất của họ, những mặt trái của họ. Chẳng hạn, chúng tôi lau quét nhà ga với một cái hót rác và bàn chải cọ, và rồi đúng lúc chúng tôi làm xong thì một ai đó lại lẳng đầu mẩu thuốc lá hay rác vào ngay chỗ chúng tôi vừa dọn sạch. Ở ngoài kia có quá nhiều người tự cho mình là đúng.
Nhưng cũng có những mặt tích cực ở hành khách. Một ông trạc 50 tuổi luôn đi chuyến đầu tiên trong ngày, luôn quen chào tôi, ông ta có lẽ còn cho là tôi đã chết cho tới khi tôi quay lại làm việc. Khi chúng tôi gặp nhau sáng hôm qua, ông nói: “Còn sống và khỏe có nghĩa là ông vẫn còn việc để làm. Đừng bỏ chiến đấu nha!” Thật là một sự động viên lớn khi nhận được câu chào nồng hậu vui vẻ đến vậy. Còn hận thù chẳng đem lại được cái gì đâu.
Ngầm Ngầm - Haruki Murakami Ngầm