Hope is important because it can make the present moment less difficult to bear. If we believe that tomorrow will be better, we can bear a hardship today.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Haruki Murakami
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Trần Đĩnh
Biên tập:
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 41
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3972 / 166
Cập nhật: 2015-11-14 02:34:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
5. Tôi Ở Miết Đây Từ Ngày Đầu Tiên Vào Làm
ôi ở miết đây từ ngày đầu tiên vào làm”
Masaru Yuasa (24)
Yuasa trẻ hơn ông Toyoda hay ông Takahashi đã quá cố nhiều. Anh chỉ tầm tuổi con của họ. Với mái tóc trẻ trung đánh rối, trông anh chỉ trạc 16 tuổi. Vẫn có một cái gì ngây thơ và trẻ con ở anh, khiến anh trông càng trẻ hơn tuổi.
Anh sinh ra và trải qua thời thơ ấu ở Ichikawa, Chiba, bên kia vịnh Tokyo. Lớn lên một chút, anh quan tâm tới xe lửa rồi đi học tại trường Trung học chuyên nghiệp Iwakura ở Ueno, Tokyo, điểm đến cho những ai muốn làm việc trong ngành đường sắt. Ban đầu anh muốn làm lái tàu nên chọn theo học ngành cơ khí đầu máy. Anh được Cơ quan Quản lý Tàu điện ngầm tuyển dụng năm 1988 và từ đó đến nay làm việc tại ga Kasumigaseki. Bộc trực và cởi mở, anh tiếp cận công việc hàng ngày với một mục đích rõ rệt. Điều này càng khiến anh sốc hơn trước vụ đánh hơi độc.
Sếp của Yuasa lệnh cho anh giúp đưa ông Takahashi lên cáng cứu thương từ chỗ ông ta bị ngã ở thềm ga tuyến Chiyoda lên mặt đất và chờ xe cứu thương tại một khu vực được chỉ định trước – chiếc xe không hề đến. Anh chứng kiến tình trạng của Takahashi xấu đi ngay trước mắt nhưng bất lực, không làm được gì. Kết quả là ông Takahashi đã chết vì không được chữa chạy kịp thời. Không thể tưởng tượng nổi nỗi thất vọng, hoang mang, giận dữ của Yuasa khi ấy. Chắc vì lý do đó mà ký ức của anh về cảnh tượng này ở nhiều chỗ đã bị mờ đi. Như chính anh cũng thừa nhận, một số chi tiết đã hoàn toàn bị xóa sạch.
Điều này giải thích tại sao những tường thuật song song về cùng một cảnh tượng lại có thể hơi khác nhau, nhưng xét cho cùng thì đó cũng là cách mà Yuasa đã trải nghiệm chuyện này.
o O o
Ở trường, chúng tôi học Cơ khí hay Vận tải. Những người học Vận tải phần lớn là những cha thích thống kê con số, để lịch tàu chạy ở trong ngăn kéo bàn làm việc. [cười] Tôi là tôi thích con tàu chứ không thích những cái lịch kia. Chúng không ám ảnh tôi.
Xét về nghề nghiệp, tập đoàn Đường sắt Nhật bản [JR] là một cửa lớn để nhắm tới. Cho nên nhiều tay muốn được là tài xế của Shinkansen [tàu siêu tốc]. Lúc tôi tốt nghiệp, JR bác đơn xin việc của tôi nhưng Seibu, Odakyu, Tokyu và các hãng tư nhân khác nói chung khá cởi mở, tuy có cái kẹt là để được nhận vào làm thì mình phải sống ở những khu vực có tuyến của các hãng này phục vụ. Đúng, khá là gay. Tôi luôn muốn làm việc trên tàu điện ngầm và Cơ quan Quản lý Tàu điện ngầm cũng rất phù hợp. Lương lậu lại không tồi hơn các nơi khác.
Công việc ở nhà ga dính đến đủ thứ. Không phải chỉ có việc ở phòng vé hay trên sân ga mà còn phải giải quyết chuyện mất mát hành lý và dàn xếp các vụ cãi vã của hành khách. Với một người mười tám tuổi mới vào nghề mà phải làm tất cả những chuyện đó thì thật là không dễ dàng. Đó là lý do tại sao ca trực suốt ngày đêm đầu tiên lại là ca trực dài nhất. Sau chuyến tàu cuối cùng, tôi hạ cánh cửa chớp xuống và thở phào khoan khoái: “A, thế là xong cho hôm nay!” Giờ thì không thế nữa, nhưng ban đầu là như thế đấy.
Đám say rượu là thứ tồi tệ nhất. Khi say thì hoặc họ thân thiết với mình, hoặc đánh nhau, hoặc nôn mửa. Kasumigaseki không phải là một khu vực nhiều tụ điểm giải trí nên chúng tôi không gặp phải đám này nhiều, nhưng đôi lúc cũng có gặp.
Không, tôi chưa bao giờ thi lấy bằng lái tàu. Tôi cũng có vài cơ hội nhưng nghĩ đi nghĩ lại rồi không dự. Cuối năm đi làm đầu tiên của tôi cũng có một kỳ thi sát hạch dành cho lái tàu nhưng sau một năm tôi mới chỉ bắt đầu quen việc ở nhà ga cho nên tôi bỏ qua. Tất nhiên là ở đó có đám say, như tôi đã nói đấy, thứ tôi chẳng thích thú gì cho lắm, nhưng tôi nghĩ tốt hơn vẫn là nên học thêm lấy chút ít những cái cơ bản đã. Tôi cho rằng trong khi tôi cứ làm việc quanh quẩn ở nhà ga thì đam mê được lái tàu ban đầu của tôi đã thay đổi cùng với thời gian.
Ga Kasumigaseki có ba tuyến đi và đến: Marunouchi, Hibiya và Chiyoda. Mỗi tuyến lại có ban điều hành riêng. Lúc ấy tôi ở tuyến Marunouchi. Văn phòng của tuyến Hibiya to nhất, nhưng hai tuyến Marunouchi và Chiyoda cũng có văn phòng và phòng dành riêng cho nhân viên.
Chủ nhật trước vụ đánh hơi độc, tôi lại trực cả ngày lẫn đêm ở văn phòng của tuyến Chiyoda. Họ thiếu nhân viên và tôi được trám vào. Luôn phải có một số lượng nhân sự nhất định trực suốt đêm ở đó. Ban điều hành của các tuyến khác đỡ đần nhau lúc khó khăn như một đại gia đình.
Khoảng 12 rưỡi, chúng tôi hạ cửa chớp, khóa các buồng vé, tắt máy bán vé rồi tắm rửa và mãi sau 1 giờ sáng mới đi ngủ. Ca sớm trước đó xong việc vào khoảng 11 rưỡi và khoảng 12 giờ thì ngủ. Sáng hôm sau ca sớm sẽ thức dậy lúc 4 rưỡi còn ca muộn thức dậy lúc 5 giờ. Chuyến tàu đầu tiên chuyển bánh vào khoảng 5 giờ sáng.
Việc đầu tiên khi thức dậy là dọn dẹp vệ sinh, nâng cửa chớp lên, sửa soạn phòng vé. Rồi chúng tôi lần lượt ăn điểm tâm. Chúng tôi tự nấu cơm bằng gạo của mình, làm lấy món xúp miso. Việc phục vụ ăn uống được trưng rõ lên cùng với mọi nhiệm vụ khác. Chúng tôi ai cũng phải làm.
Đêm hôm đó tôi trực ca muộn, nên tôi dậy lúc 5 rưỡi, mặc đồng phục vào và trình diện ở phòng vé lúc 5 giờ 55. Tôi làm việc tới 7 giờ rồi đi ăn điểm tâm từ 7 giờ đến 7 rưỡi. Rồi tôi đi đến một phòng vé khác và làm việc ở đó đến 8 giờ 15, cơ chừng vậy, rồi thế là xong việc ngày hôm đó.
Tôi đang đi bộ về văn phòng sau khi bàn giao thay ca thì ông Matsumoto, tổ trưởng lao công đi ra với một cây chổi lau. “Cái đó để làm gì thế ạ?” tôi hỏi thì ông nói cần làm vệ sinh nội thất một toa xe. Tôi đã hết ca và lại đang rảnh tay nên bảo, “Tốt, tôi sẽ đi với ông.” Chúng tôi ra thang máy để lên sân ga.
Ở đấy chúng tôi thấy Toyoda, Takahashi và Hishinuma với một mớ báo ướt trên sân ga. Họ đang dùng tay nhét chúng vào mấy túi chất dẻo nhưng nước từ các túi vẫn không ngừng trào ra nền sân ga. Matsumoto dùng chổi lau khô chỗ nước. Tôi không có chổi và phần lớn báo đã được cho hết vào túi nên tôi không giúp gì được mấy. Tôi chỉ đứng sang một bên, nhìn.
“Mấy của nợ này là gì thế nhỉ?” tôi thầm nghĩ. Có mùi rất hắc xộc lên. Tồi Takahashi đi đến một thùng rác ở cuối sân ga, chắc để nhặt lấy ít báo nữa lau khô nốt những chỗ còn ướt. Thình lình ông khuỵu xuống ngất xỉu ở trước thùng rác.
Mọi người chạy lại chỗ Takahashi, hét: “Chuyện gì thế?” Tôi nghĩ có thể ông ta ốm nhưng không có gì nghiêm trọng lắm. “Ông đi được không?” họ hỏi, nhưng rõ ràng là ông không thể cho nên tôi gọi văn phòng bằng điện thoại nội bộ: “Xin cho một cáng thương đến!”
Mặt Takahashi nom phát sợ. Ông không nói được. Chúng tôi đặt ông nằm nghiêng, nới lỏng cà vạt… tình trạng xem ra thật sự đáng ngại.
Chúng tôi mang ông xuống văn phòng bằng cáng, rồi điện thoại gọi xe cứu thương. Lúc ấy, tôi hỏi Toyoda, “Xe cứu thương sẽ đến ở cửa ga nào đấy?” Có quy định cho các tình huống như thế này, nói rõ xe cứu thương nên đỗ ở cửa nào và vân vân. Nhưng Toyoda đã bị cứng lưỡi. Khá kỳ quặc. Nhưng lúc ấy tôi chỉ nghĩ là chắc ông hoảng quá nên không nói được.
Dù gì thì tôi cũng phóng vội đến Cửa Ra A11. Đúng vậy, trước khi đem Takahashi lên, tôi đã tự lên đó để chờ ra hiệu cho xe cứu thương khi nó tới. Thế là tôi ở bên ngoài cửa ra và chờ ở cạnh Bộ Thương mại và Công nghiệp.
Trên đường tới Cửa Ra A11, tôi đâm bổ vào một nhân viên làm việc trên tuyến Hibiya, ông bảo với tôi vừa có một vụ nổ ở ga Tsukiji. Không có thông tin gì hơn nữa. Ngày 15 tháng này người ta đã tìm thấy một vật đáng ngờ ở ga chúng tôi, cho nên trong lúc chờ xe cứu thương tôi nghĩ, “Hôm nay thể nào cũng là một ngày kỳ lạ đây.”
Nhưng tôi chờ, chờ mãi mà không thấy chiếc xe cứu thương. Lát sau một nhân viên đi lên và nói, “Chưa có xe hả? Chúng ta làm gì đây?” Chúng tôi quyết định phải mang Takahashi lên trên mặt đất. Suốt thời gian đó, tôi ở bên ngoài, nhưng hai hay ba người từ dưới văn phòng lên bảo tôi là ở dưới đó họ đã bắt đầu cảm thấy khó chịu. Cho nên họ không muốn quay trở xuống. Hóa ra họ đã giữ ở văn phòng cái của chứa bên trong túi chất dẻo ấy, và đó là thủ phạm.
Takahashi vẫn cần được mang lên nên chúng tôi lại trở xuống cầu thang một lần nữa. Trở lại văn phòng, có một nữ hành khách cảm thấy mệt đang ngồi trên chiếc sofa cạnh của ra vào. Takahashi nằm ở cáng đặt trên sàn phía sau lưng cô. Lúc này ông không động đậy, thực ra là đã cứng đờ. Nom ông tệ đi rất nhiều so với lúc trước, hầu như bất tỉnh. Một nhân viên khác đang cố nói chuyện với ông nhưng không ăn thua. Bốn chúng tôi khiêng cáng đưa ông lên mặt đất.
Nhưng chúng tôi chờ, chờ miết mà vẫn không tăm hơi xe cứu thương. Chúng tôi nản vô cùng. Tại sao không có gì đến cả. Bây giờ thì tôi biết là lúc đó tất cả xe cứu thương đều đã nhào hết tới Tsukiji. Có thể nghe thấy còi hụ xa xa nhưng không chiếc nào đi lại đằng này. Tôi không thể không cảm thấy lo lắng, nghĩ khéo họ đã đến lầm địa điểm. Tôi gần như muốn hét toáng lên: “Này, đằng này cơ mà!” Quả thật tôi đã cố chạy đến hướng đó nhưng tôi cảm thấy chính mình cũng đang chóng mặt… Tôi lại đổ vấy rằng do mình thiếu ngủ.
Khi chúng tôi đem Takahashi lên thì các nhà báo đã ở cửa ra. Một phụ nữ cầm máy ảnh đang liên tục chĩa ống kính vào Takahashi nằm ở đó. Tôi hét to với chị ta: “Không chụp ảnh!” Tay trợ lý của chị ta chen vào giữa hai chúng tôi nhưng tôi cũng bảo anh ta: “Không chụp nữa!” – nhưng chụp ảnh là nghề của chị ta mà.
Rồi một xe của Đài truyền hình Tokyo đến. Họ hỏi quá nhiều, như “Tình hình ở đây thế nào?” – nhưng tôi chả có lòng dạ nào mà trả lời phỏng vấn. Làm gì có khi mà mãi chả thấy xe cứu thương nào đến cả.
Tôi chợt nhận thấy toán làm truyền hình ấy có một xe thùng lớn, thế là tôi thu xếp với họ: “Các ông có xe, các ông phải đưa Takahashi đi.” Chắc tôi còn cáu giận kiểu gì đó, cái cách nói của tôi ấy. Tôi không nhớ chi tiết nữa, nhưng tôi rất khích động. Không ai biết chuyện gì đang diễn ra, nên cần thương lượng đôi chút. Không ai nói ngay được là “Ô, được thôi”, rồi lao vào hành động. Phải thảo luận mất một lúc. Khi thu xếp xong thì họ hạ hàng ghế sau xuống và đặt Takahashi lên đó cùng với một nhân viên nhà ga khác [ông Ohori] cũng cảm thấy khó chịu. Ông đã ở cùng với Takahashi suốt thời gian qua nhưng khi lên đến mặt đất thì ông bắt đầu nôn mửa. Một nhân viên khác [ông Sawaguchi] cũng đi với họ.
“Các vị biết bệnh viện nào không?” tài xế hỏi nhưng không ai biết gì cả. Vậy nên tôi lên ghế trên cạnh tài xế để đi cùng, chỉ cho họ tới bệnh viện Hibiya, nơi chúng tôi thường đưa người ốm ở ga đến. Một phụ nữ nói, “Vẫy một mảnh vải đỏ hay cái gì đó ở cửa xe cho người ta biết là cấp cứu.” Chúng tôi không có miếng vải đỏ nào, nên chị cho chúng tôi khăn tay của chị. Không đỏ, chỉ có một họa tiết bình thường. Tôi ngồi ở ghế trước phất chiếc khăn tay ra ngoài cửa xe suốt đường tới bệnh viện.
Lúc đó là khoảng 9 giờ, nên đường khá đông. Tôi đã mệt phờ, sau ngần ấy thời gian chờ một chiếc xe cứu thương không bao giờ đến. Tôi thậm chí không nhớ được cả mặt tài xế hay người phụ nữ đã cho tôi chiếc khăn tay. Không một ký ức nào hết. Tôi chỉ thấy kiệt sức. Không có thì giờ nghĩ đến những gì đang xảy ra. Tôi chỉ nhớ Ohori nôn ra ghế sau. Chuyện ấy thì tôi nhớ rõ.
Chúng tôi đến nơi, bệnh viện chưa mở cửa. Chúng tôi đưa cáng Takahashi ra khỏi xe rồi tôi đến phòng tiếp tân, “Chúng tôi có một ca cấp cứu đây,” tôi nói rồi quay ra ngoài chờ ở bên Takahashi. Ông vẫn không hề động đậy. Ohori đau gập người lại, bất động. Vẫn không ai ở trong bệnh viện ra. Chắc họ cho rằng trường hợp này không có gì là nghiêm trọng. Nói cho cùng thì lúc đó trông tôi chắc hoảng loạn quá, mà tôi cũng có nói chi tiết gì với họ đâu. Chúng tôi chờ, chờ, nhưng cũng chẳng một ai ra cả.
Nên tôi lại vào phòng tiếp tân, cao giọng: “Làm ơn nào! Ai đó ra đi chứ. Nghiêm trọng đấy!” Rồi một vài người đi ra, trông thấy thực trạng của Takahashi và Ohori liền vội đẩy họ vào trong. Toàn bộ chuyện này mất bao lâu? Hai hay ba phút.
Sawaguchi ở lại phòng tiếp tân còn tôi quay lại cửa nhà ga cùng với tài xế chiếc xe truyền hình. Lúc ấy tôi đã bình tĩnh lại được nhiều, hay ít nhất tôi đã tự nhủ mình phải bình tĩnh. Tôi xin lỗi người tài xế vì chuyện Ohori nôn tung tóe ra ghế sau nhưng anh ta không có vẻ gì là để tâm đến. Chỉ lúc ấy tôi mới có thể chuyện trò nổi, dù chỉ đơn giản như vậy thôi.
Lúc đó tôi nghĩ họ đã mang Toyoda và Hishinuma đi, cả hai đều không nhúc nhắc được. Họ đang cố làm hai người ấy hồi phục bằng cách cho thở mặt nạ ôxy và xoa bóp ngực. Xung quanh họ, các nhân viên khác và hành khách đang ngồi ở ngoài Bộ Thương mại và Công nghiệp. Không ai biết chuyện quái quỷ gì đang diễn ra.
Cuối cùng một xe cứu thương cũng tới. Tôi không nhớ rõ nhưng hình như tôi vẫn mang máng là Toyoda và Hishinuma được đưa đi, riêng rẽ. Mỗi xe cứu thương chỉ chở một bệnh nhân nên một người trong họ phải nằm xe thường. Lúc đó, họ là những người duy nhất được chuyển đi. Những người khác tình trạng không trầm trọng bằng. Trước đó, rất nhiều người đã tụ tập quanh Cửa Ra A11: các báo đài, cảnh sát, phòng cháy chữa cháy. Đám truyền thông hừng hực khí thế, micro lăm lăm chĩa ra, phỏng vấn người qua đường và nhân viên tàu điện ngầm. Chắc họ không được vào nhà ga nữa.
Ngay khi tình hình được kiểm soát, tôi đi bộ đến bệnh viện. Khi tôi vào đại sảnh thì tivi đang mở. Đó là chương trình tin tức của kênh NHK. Họ đang tường thuật trực tiếp vụ đánh hơi độc. Chính lúc đó qua một phụ đề chạy bên dưới màn hình tôi mới biết Takahashi đã chết. “Ôi,” tôi nghĩ, “ông không qua nổi. Chúng ta chậm trễ quá…” Không thể nói được là tôi đã buồn đến thế nào.
Tình trạng của bản thân tôi ư? Đồng tử tôi co lại và nhìn cái gì cũng thấy tối đen. Tôi ho nữa. Cũng không có gì nghiêm trọng lắm. Họ truyền dịch cho tôi, chỉ để đề phòng. Tôi bình phục khá nhẹ nhàng. Chắc vì tôi đã sớm ra ngoài. Ohori thì nằm viện rất lâu.
Sau khi truyền dịch, tôi đi bộ về nhà ga với vài nhân viên nữa. Tàu chạy tuyến Chiyoda đang không đỗ ở ga Kasumigaseki nên chúng tôi tới văn phòng điều hành tuyến Marunouchi. Cứ lằng nhà lằng nhằng như thế cuối cùng tôi còn chưa kịp về nhà thì trời đã tối. Đó là một ngày dài, thật là dài. Tôi nghỉ việc hôm sau và quay trở lại với công việc trực suốt ngày đêm vào ngày hai mươi hai.
Nói thật, ký ức của tôi về vụ đánh hơi độc cứ chập chờn. Một vài chi tiết tôi nhớ rõ đến cháy bỏng, còn lại đều chỉ lác đác chấm phá thôi. Tôi đã bị kích động. Takahashi đổ nhào xuống và vụ đưa ông đi bệnh viện – những cái đó tôi nhớ khá rõ.
Tôi không đặc biệt thân với Takahashi. Ông là trợ lý của trưởng ga còn tôi chỉ là một nhân viên trẻ – địa vị của chúng tôi hoàn toàn khác nhau. Con trai ông làm việc trong ngành xe điện ngầm, ở một nhà ga khác, và cũng chừng tuổi tôi. Tôi cho rằng điều đó khiến chúng tôi giống như bố với con, tuy nói chuyện với Takahashi tôi không bao giờ cảm thấy có nhiều cách biệt tuổi tác. Ông không phải là loại người ưa khoe vai vế. Ông thuộc kiểu người trầm lặng, ai cũng yêu mến. Ông cũng luôn lịch sự với hành khách.
Vụ đánh hơi độc không làm tôi suy sụp đến độ nghĩ: “Mình không kham nổi, mình phải đổi việc thôi.” Không hề. Tôi vẫn ở đây miết từ ngày đầu tiên vào làm. Không thể so sánh công việc này với công việc khác, nhưng tôi thật sự thích ở đây.
Ngầm Ngầm - Haruki Murakami Ngầm