We have to walk in a way that we only print peace and serenity on the Earth. Walk as if you are kissing the Earth with your feet.

Thich Nhat Hanh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1389 / 6
Cập nhật: 2015-11-06 17:06:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
hiều nay Phượng xin phép bác Vinh về sớm. Nàng định đi dạo mát một vòng rồi thả bộ đến chợ Đông Ba mua ít hàng vải cho nàng và cho dì Hạnh. Gió nhẹ lùa qua mái tóc, mơn man tà áo. Chiều dần xuống trên bến Thương Bạc thật êm ả, nắng nhạt và ấm, không khí thanh thoát sau cơn mưa ru hồn người dễ chịu. Phượng băng qua đường, đi thơ thẩn theo bờ sông, cỏ cây xen lối xanh tươi. Những giọt nước mưa ban sáng còn đọng lại long lanh trên phiến lá, soi ánh nắng chiều, lung linh những hạt ngọc vàng nhỏ. Một cơn gió thoảng qua, từng hạt vàng rơi vỡ. Phượng xót xa nghĩ đến tình yêu đơn phương của mình. Bao mến thương đầu đời trót trao đi, Phượng mới đau đớn nhận thức rằng mình đã đặt tình cảm không đúng chỗ. Hoàng, ngoài gương mặt khôi ngô, dáng dấp phong nhã, chàng ta không có gì cho Phượng cả. Một tâm hồn rỗng tuếch, nơi Hoàng chỉ có sự tham lam ích kỷ và lợi dụng. Phượng đã nhìn qua được, sau lớp son tô rực rỡ bên ngoài, phần còn lại là tấm gỗ đã rữa mục. Phượng thở dài. Nàng hồi tưởng lại những vui buồn xảy ra từ ngày nàng bước chân đến Huế, tất cả đều trôi qua như một giấc mơ dài. Phượng phải đi, phải rời xa thành phố cổ kính đầy vẻ tịch liêu này. Tâm hồn nàng đang xao động mạnh, nàng không thích nhìn mãi giòng sông Hương u hoài lặng lờ xuôi chảy, tiếng chuông chùa Diệu Đế mỗi chiều ngân nga xoáy mạnh vào lòng người. Phượng còn trẻ, đời nàng còn dài, nàng vẫn hằng ao ước có một sự đổi thay nào đó xảy ra trong cuộc sống, trong tâm tư, thật êm đềm diệu vợi như trong chuyện thần tiên, như chàng hoàng tử ngày xưa phá lối chông gai vào rừng đánh thức nàng công chúa còn say ngủ cho trời đất trổi nhạc tưng bừng. Nhưng mộng mơ đó không bao giờ đến với Phượng. Hoàng không phải là vị hoàng tử can trường đó. Trong một giây phút oán giận, Phượng nghĩ đến Hoàng như một loài quỷ dữ hiện đến phá hoại cuộc sống vô tư của nàng. Sự lãnh đạm của Hoàng là một đổ vỡ khó hàn gắn. Lần đầu tiên Phượng đã khóc thầm vì một người con trai.
- Phượng, Phượng.
Phượng giật mình quay lại, Hoàng đang ngồi trên chiếc Honda dựng sát bên lề đường, cười thật tươi:
- Phượng, em có biết tin tức gì về ông Long không?
Phượng cảm thấy tự ái bị tổn thương. Bao nhiêu lâu không gặp, anh chàng không thèm hỏi thăm mình đến nửa lời, chỉ nghĩ đến cuốn phim với vai chính mình sắp đảm nhiệm. Phượng nhớ đến lá thư của ông Long hôm trước dì Hạnh đã đưa cho nàng xem. Trong thư, ngoài những lời thương yêu thắm thiết, ông có nhắc đến cuốn phim mà ông đang viết phần phân cảnh, đến các tiêu chuẩn chọn lựa diễn viên, ông bảo rằng thời gian bấm máy chắc phải dời lại vì khâu diễn viên chưa quyết định dứt khoát.
- Kìa Phượng, sao em không trả lời anh?
Phượng sẵng giọng:
- Phượng không biết. Lâu nay chú Long chả ghé nhà Phượng.
Hoàng cắn môi dưới, mắt nhìn đăm đăm phía trước có vẻ bực tức:
- Càng nghĩ đến ông Long, anh càng tức ổng kinh khủng. Nghe đâu ông ta về Sài Gòn hai ba tuần gì đó, thế mà ông không một lời tin cho anh biết.
Phượng im lặng. Hoàng tặc lưỡi:
- Mà anh cũng chả thèm chờ ổng nữa. Hiện giờ, đài truyền hình Huế sẽ dàn dựng vở kịch “Đến với tình yêu” vai nam chính rất nặng ký, họ đã mời anh và Thùy Linh.
Phượng buột miệng:
- Họ mời anh? Cũng đúng thôi!
Không để ý đến lời mỉa mai của Phượng, Hoàng dương dương tự đắc:
- Đương nhiên, còn ai trồng khoai đất này nữa. Hiện giờ bọn anh đang tập dượt.
- Đoàn kịch đã vào Sài Gòn rồi mà.
- Cần gì. Chỉ có anh và Thùy Linh là đủ. Các vai phụ đã có các sinh viên trường kịch nghệ ở đây đảm nhận.
Anh chàng tự phụ quá, Phượng thấy mình nên làm một cử chỉ hững hờ:
- Thôi chào anh Hoàng, Phượng đi đây.
- Kìa Phượng lên xe anh đưa về.
- Phượng phải ghé chợ có chút việc.
Hoàng không năn nỉ một tiếng, phóng vút xe đi. Phượng định bước vào chợ vải, chợt có tiếng gọi:
- Chị Phượng, chị Phượng.
Phượng nhận ra Diệu Hương, cháu nội của bác Vinh. Đó là một cô gái rất xinh đẹp, vừa học xong lớp 12 trường Quốc Học. Tính tình Diệu Hương sôi nổi, dễ thương và hạp với Phượng nhất ở lòng say mê đọc sách. Cô thường ra hàng sách ngồi chơi với Phượng nên hai đứa khá thân nhau.
- Hương đi đâu vậy?
Không trả lời câu hỏi của Phượng, Diệu Hương nắm tay nàng:
- Chị Phương ơi, bộ chị quen với kịch sĩ Minh Hoàng hở?
- Ờ, có chuyện gì không em?
Diệu Hương vỗ tay như trẻ con:
- Hay quá, hôm nào chị giới thiệu Minh Hoàng cho em nha, em thích anh chàng Romeo đó ghê.
- Ủa, té ra Hương cũng rành kịch nghệ quá nhỉ.
- Thật ra em cũng không khoái kịch lắm đâu, chỉ tại Minh Hoàng đẹp trai quá nên em đã đi coi vở “Romeo và Juliette không trẻ mãi” cả chục lần.
Nhìn ánh mắt long lanh của Diệu Hương, Phượng cảm thấy khoảng cách giữa Hoàng và nàng mỗi lúc một xa. Phượng không vào chợ nữa, nàng đi dọc theo bờ sông nhìn những cánh bèo lặng lờ trôi xuôi trên dòng nước. Tình yêu của Phượng cũng trôi dạt dập vùi như những đám lá vô hồn đó. Hoàng ơi, Phượng gọi thầm tên người con trai. Nàng bỗng đâm ra giận hờn mình vô cớ, những cuộc gặp gỡ tình cờ vừa rồi có phải là định mệnh đã sắp bày không. Từ ngày nhận biết mình đã hoàn toàn mất Hoàng, Phượng nghe lời Minh tự tìm lấy một công việc làm thường nhật để cố gắng quên Hoàng. Và quả đúng như vậy, sự bận rộn hàng ngày, những vui buồn nho nhỏ xảy ra trong những lúc làm việc đã làm Phượng bớt buồn rất nhiều và hình bóng Hoàng cũng theo đó dần phai trong tâm trí. Nhưng nay, ai xui khiến Phượng đi dạo chơi, ai xui khiến nàng gặp lại Hoàng để bao kỷ niệm xa xưa tràn về đầy ắp tâm tư. Phượng nghe cay cay bờ mi, không lẽ mình lại sắp sửa khóc? Vì Hoàng ư? Trở về nhà đi thôi. Phượng bỏ ý định mua vải may quần áo.
° ° °
Phượng thả hồn lâng lâng trên chiếc võng tơ mắc giữa hai cành vú sữa ngoài vườn. Suốt tuần nay, Phượng cố công tìm chọn một số sách có nội dung phong phú và hấp dẫn. Nàng định dành trọn ngày nghỉ cuối tuần để đọc hết những cuốn đó, bỗng dưng Phượng thấy thèm đọc sách lạ lùng, có lẽ cũng do một phần nơi lời giải thích của Minh. Chiều thứ bảy tuần trước, sau khi giở khăn khai mạc bức tranh “Nắng Lụa” do Phượng làm người mẫu, nàng đã cùng Minh đọc chung một tập truyện. Cuộc tranh luận về nội dung cuốn sách và phương pháp đọc đã gây một sự giận hờn giữa hai người, nhưng rồi cuối cùng, kẻ nhịn thua cũng là Minh. Phượng cười trong sự hài lòng, dù cuộc “chiến thắng” đó không mấy vẻ vang. Những trang sách mới rọc thơm mùi gỗ thông. Phượng say sưa áp má vào những giòng chữ đầu tiên, hồn mông lung mơ về một phương trời xa xôi trìu mến. Nàng bỗng nhớ Sài Gòn vô hạn, nhớ Trinh, nhớ Thảo, nhớ tất cả những gương mặt hồn nhiên cười đùa vô tư trong giờ ra chơi giữa sân trường Trưng Vương ngập nắng thuở nào. Năm tháng học trò giờ đã xa tít mù khơi.
Có tiếng chân ai xào xạc dùa lá khô trên lối mòn dẫn vào vườn. Dì Hạnh đi làm về. Dạo này dì có vẻ tươi tỉnh hơn trước kể từ ngày nhận liên tiếp những lá thư của ông Long. Ông đang van xin một sự nghĩ lại của dì, ông đang chờ đợi một nét chữ hồi âm của dì. Ngay đó, ông sẽ bay ra Huế, bước vào ngôi vườn thơm hương nhãn quen thuộc và ông sẽ cầm lấy đôi bàn tay xinh đẹp của dì để lồng vào ngón áp út búp măng chiếc nhẫn cưới nối liền hai cuộc đời. Nghĩ đến đó, Phượng vui quá. Không ngăn được nôn nóng, Phượng hỏi:
- Dì Hạnh, dì đã trả lời thư chú Long chưa?
Dì Hạnh làm bộ nhíu mày:
- Dì không thích Phượng nói đến chuyện này đâu.
Nhưng dì không lặng lẽ bỏ vào nhà như thường lệ, mà lần này dì vén áo ngồi xuống võng cùng Phượng.
Phượng la lên:
- Ái, coi chừng đứt võng.
Dì Hạnh đưa chân đong đưa chiếc võng.
- Phượng ơi, cháu đã biết gì chưa?
- Có chuyện gì vậy dì?
- Tối nay ti vi phát hình vở kịch “Đến với tình yêu” do Hoàng đóng vai chính. Chắc là hấp dẫn lắm.
- Sao dì biết hay vậy?
- Dì có người bạn làm ở đài truyền hình cho biết. Nì, cháu coi chừng đó, Hoàng có nhiều người muốn kết mô-đen lắm.
- Kệ ảnh, cháu chả thèm để ý đâu.
Dì Hạnh nhìn vào mắt Phượng, thăm dò:
- Ủa, không phải Hoàng là bồ của cháu à?
- Dì lầm rồi dì ơi.
- Nhưng có điều này, dì không lầm mô. Dì hỏi câu này, Phượng đừng cho là dì tò mò nhé. Lúc trước cháu có rất nhiều cảm tình với Hoàng và bây giờ thì cháu đang nghiêng tình cảm về Minh phải không?
Phượng bối rối:
- Cháu chưa có nhận xét nào rõ rệt giữa hai người cả. Nhưng bây giờ, cháu thấy quen Minh dễ chịu hơn nhiều.
Chết, Phượng lại lỡ lời mất rồi. Không hiểu sao tự dưng Phượng lại thổ lộ tâm sự vẩn vơ này cho dì Hạnh biết. Dù dì là người thân, nhưng đối với nàng, dì quá lớn tuổi, dì không thể cảm thông được tâm sự của nàng đâu.
Dì Hạnh đứng dậy:
- Vô giúp dì sửa soạn cơm nước rồi còn coi tivi tối thứ bảy chương trình có sớm lắm.
Phượng miễn cưỡng theo dì vào bếp. Thật lòng, lúc này, Phượng chả muốn thấy mặt Hoàng chút nào dù là trên màn ảnh. Nhưng Phượng không thể từ chối ngồi trước ti vi với dì Hạnh, bởi từ trước đến nay khi nào hai dì cháu cũng thường cùng xem để cùng bình luận cô này đẹp cô kia xấu, anh này hát hay, chàng kia hát dở …
Chương trình mới bắt đầu đã nghe tiếng gọi cổng:
- Chị Phượng ơi, chị Phượng.
Diệu Hương hấp tấp đi vào, cô chào dì Hạnh rồi nói với Phượng:
- Nhà em bị cúp điện, tối nay lại có vở kịch …
Dì Hạnh hiểu ý:
- Cháu cứ ở đây coi cho vui, dì nghe tin hành lang là vở kịch rất hay.
Diệu Hương liến thoắng:
- Có Minh Hoàng đóng vai chính là đủ hấp dẫn rồi dì há. Kìa, tới rồi đó.
Sau hàng chữ “Đến với tình yêu” là gương mặt Hoàng được rọi lớn chiếm hết bề rộng màn ảnh. Mắt Hoàng sáng ngời, môi cười tình tứ, hàng ria mép tỉa khéo càng làm tăng lên vẻ hào hoa trang nhã … Phượng không thể không liếc nhìn Diệu Hương đang dán mắt vào hình ảnh trước mặt, mê đắm, sững sờ … Phải công nhận, Hoàng diễn xuất thật tuyệt vời, lúc vui, lúc buồn, lúc khổ đau giận dữ … Hoàng luôn luôn nổi bật giữa đám diễn viên tầm cỡ của Huế, kể cả Thùy Linh giữ vai nữ chính cũng hoàn toàn lu mờ trước nét độc đáo của Hoàng.
Vở kịch kết thúc trong sự nuối tiếc của dì Hạnh và Diệu Hương. Dì Hạnh nhìn đồng hồ:
- Khuya rồi, Hương ở lại đây ngủ hỉ.
Đôi mắt Diệu Hương ràn rụa nước, cô đưa tay áo lên lau:
- Cháu không dặn trước ở nhà dì ạ.
Phượng ngạc nhiên:
- Sao Diệu Hương khóc vậy?
- Ủa, chị Phượng không thấy tội nghiệp cho nhân vật của Hoàng sao. Bao nhiêu cuộc tình tan vỡ dày xéo trái tim của anh ấy, vậy mà ảnh luôn giữ lòng thủy chung …
- Đó chỉ là kịch.
- Theo em, kịch là tấm gương phản ảnh cuộc đời.
Phượng im lặng. Nàng chẳng buồn tranh cãi. Hãy để cho Diệu Hương tôn vinh thần tượng của mình. Không có gì đau khổ cho bằng giấc mơ bị sụp đổ, Phượng coi Diệu Hương như em, nàng không nỡ lôi cô em ra khỏi tòa lâu đài xây trên cát. Diệu Hương vốn thông minh, thế nào cô cũng thấy rõ mặt trái của Hoàng.
Buổi sáng thức dậy, chưa kịp ăn uống gì, Minh đã tìm đến:
- Phượng ơi, Minh vừa tìm được một phong cảnh rất đẹp, Phượng có vui lòng làm người mẫu cho Minh một lần nữa không?
Phượng cười:
- Lúc nào Phượng cũng sẵn sàng. Nhưng sáng nay thì chưa được, Phượng phải ra hàng sách.
- Phượng có thể xin bác Vinh nghỉ một bữa được không?
- Ờ để xem sao.
Minh chờ Phượng ra đến nơi, cửa hàng còn đóng. Bác Vinh đi đâu về, từ trên xích lô bước xuống:
- Cháu Minh, lâu ngày quá hỉ.
Minh bước đến cầm tay bác:
- Dạo này cháu thấy bác khỏe ra.
- Ừ, bác đang tập dưỡng sinh, tốt lắm cháu nờ.
Phượng nháy mắt với Minh, bác Vinh trông thấy:
- Chi rứa, hai đứa làm dấu chi mà bí mật rứa?
Minh đánh bạo lên tiếng:
- Thưa bác, sáng nay Phương bận chút chuyện, xin phép bác cho Phượng nghỉ một buổi.
Bác Vinh lục túi lấy chìa khóa tra vào ổ:
- Được, được. Nhưng hai cháu vào đây uống cùng bác miếng nước đã.
Bác Vinh vào trong đem ra hai ly nước màu nâu:
- Hai cháu uống đi, nước ni được gọi là nước la hán quả, ngon lắm.
Phương nhấp một ngụm:
- Giống nước sâm quá.
Bác Vinh trợn mắt:
- Giống răng được, quý gấp 10 lần nước sâm đó cháu.
Minh đứng dậy:
- Chúng cháu xin phép bác.
- Ừ, hai cháu đi đi. Sáng ni bác cũng có việc, định kêu con Diệu Hương qua phụ bán với Phượng, nhưng con nhỏ đã đi mô biệt tăm từ sớm. Nghe nói nó đi dự buổi họp báo, họp biếc chi đó.
Phượng tò mò hỏi minh:
- Họp báo gì vậy, Minh có biết không?
- Minh có nghe phong thanh là sáng nay có một cuộc họp báo bỏ túi tại khách sạn Thuận Hóa, nói đúng ra, chỉ là một buổi giao lưu giữa kịch sĩ Minh Hoàng và những người ái mộ mà thôi.
Phượng nói một mình:
- Vậy là đúng rồi.
Minh nhìn Phượng:
- Phượng có muốn tham dự không? Minh sẽ đưa đi.
Phượng lắc đầu:
- Thôi, Phượng muốn đến thăm nơi cảnh đẹp mà Minh vừa nói đó.
Xe qua cầu Tràng Tiền. Ánh nắng mai phản chiếu mấy nhịp cầu dát bác lấp la lấp lánh. Minh quay ra sau:
- Sáng nay trời đẹp quá Phượng nhỉ. Giá điều kiện cho phép, Minh sẽ vẽ một bức tranh có Phượng ngay trên chiếc cầu này.
- Ai cấm Minh trổ tài nào.
- Công an cấm chứ ai. Cản trở giao thông cũng là một cái tội đấy.
Hai đứa cùng cười. Gió sớm nhẹ đùa tung bay mái tóc Phượng, quấn quít vai áo Minh. Ngang qua khách sạn Thuận Hóa, người bên ngoài đứng đông đến nỗi xe cộ phải giảm bớt tốc độ. Phượng nhận thấy có rất nhiều người mang máy ảnh, máy quay video, máy cassette … chắc họ là những phóng viên nhà báo. Minh đi chậm lại:
- Chà, tài nghệ của Minh Hoàng đã lên tới đỉnh cao rồi đó. À, hồi hôm Phượng có xem vở kịch trên ti vi hay không?
- Có, sao Minh không xuống xem. Minh làm gì trên gác vậy?
- Đâu, hôm qua Minh kẹt ở nhà thằng bạn. Minh xem tại đó. Công nhận, vở kịch đã hay, người diễn lại càng xuất thần.
Phượng không muốn nghe ai nhắc đến Hoàng nữa, nàng giục:
- Thôi, Minh đi nhanh lên kẻo trưa.
Minh cho xe phóng thẳng về phía Long Thọ, rồi rẽ vào một con đường đất rợp mát bóng cây. Cỏ ở đây thật xanh, Minh dừng xe ven một con sông nhỏ, một nhánh của sông Bến Ngự, nước hơi đục vì bây giờ đang là mùa hè. Minh chỉ Phượng xem một cây phượng rất lớn bên bờ sông, hoa nở nhiều đến nỗi khuất lấp hết màu xanh của lá. Loại hoa lớn, búp to, xòa ra như cái đĩa, màu đỏ đậm và chói. Phượng reo nhỏ:
- Rực rỡ quá
- Minh mê nhất là nhìn cành phượng soi bóng trên mặt sông. Phượng thấy thế nào?
- Phượng thấy Huế của mình thật đẹp.
Minh tươi cười:
- Minh định vẽ Phượng đứng dưới gốc cây, ngước nhìn những chùm hoa trên cao.
- Ngay bây giờ sao? Phượng chưa chuẩn bị gì cả.
- Chưa đâu. Phượng xem nè, Minh còn để giá vẽ ở nhà mà.
- Vậy Minh rủ Phượng đi làm chi?
Mặt Minh thoáng buồn:
- Bộ Phượng không muốn đi chơi với Minh sao?
Cảm thấy mình lỡ lời, Phượng đính chính:
- Phượng muốn nói là Phượng còn phải bán hàng. Đã giúp bác Vinh thì phải giúp cho trót. Lần sau, chúng mình nên đi chơi vào ngày nghỉ của Phượng. Chủ nhật này nè.
Minh vui trở lại:
- Vậy chủ nhật Phượng nhớ mặc áo dài trắng nhé.
Minh mở giỏ xe lấy ra một tấm nylon:
- Mình ngồi xuống đây chơi, Minh mời Phượng ăn sáng.
Trong một thoáng, trước mắt Phượng, xuất hiện hai ổ bánh mì và một gói thịt nguội gồm paté và chả lụa. Minh lấy dao xẻ bánh mì, Phượng giúp Minh nhét thịt vào giữa:
- Không có muối tiêu hả Minh?
- Chết cha, Minh quên lấy.
- Vậy thì lạt quá, làm sao ăn?
- Ăn nhiều nhiều thịt vậy.
- Ớn chết.
Nói vậy chứ Phượng và Minh thanh toán hai ổ bánh thật mau.
Phượng nói:
- Bây giờ đến lượt khát nước rồi đó Minh ơi.
Minh đứng dậy:
- Khỏi lo, có quán nước gần đây, để Minh đi lấy.
Khi hai người quay trở về, khách sạn Thuận Hóa vẫn còn đông nghẹt người, Phượng thoáng thấy Hoàng đứng trên những bậc cấp cao, xung quanh Hoàng là một rừng hoa.
Nắng Lụa Nắng Lụa - Kim Hài & Thùy An & Dạ Thanh Nắng Lụa