A book that is shut is but a block.

Thomas Fuller

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2174 / 50
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13 -
uân Lan đưa Thanh Tòng ra đến tịnh thất rồi thì nàng lật đật trở về phòng đặng nghe động tịnh. Trong nhà ngủ hết, sau trước im lìm. Nàng tính nằm đợi đến khuya rồi sẽ ra rước Thanh Tòng về cho khỏi lậu sự.
Nàng đương suy nghĩ không biết bây giờ Thanh Tòng với Lệ Bích xử trí ra sao. Lệ Bích chịu dẹp bỏ phụ thù, mà sánh duyên cùng Thanh Tòng theo như lời ước hẹn hay là còn kháng cự nữa? Ví như chịu sánh duyên, bây giờ mới dụng chước nào mà ra mặt cho được? Còn như kháng cự nữa, thì Thanh Tòng làm sao? Xuân Lan còn nghĩ tới xét lui mấy điều đó, thình lình nghe có tiếng người kêu cửa phía trước. Nàng lén bước ra lóng tai nghe coi có việc chi. Quan Ngự sử với quan Chánh sứ đều thức dậy mở cửa, rồi có một người râu ria xồm xoàm, mặc đồ võ phục, ở ngoài bước vô đưa một bức thơ cho quan Chánh sứ mà nói rằng: Bẩm thượng quan, có một cái tin cần yếu lắm nên phu nhơn sai tôi cỡi ngựa đi riết qua đây mà trình cho thượng quan xem.
Quan Chánh sứ đem lại đèn mà coi. Ông đọc riết rồi ông trao cho quan Ngự sử mà nói rằng: Triều đình nguy rồi! Thánh thượng thăng hà; nịnh thần phản loạn, bắt Ðông cung mà hạ ngục. Quan Thủ ngự Kinh lược sứ Lạng Sơn kéo binh về bình loạn, đánh không lại tướng của Trịnh Công Lộ, bị giặc vây tại Bắc Giang, nên rải tờ Hịch khuyên các đạo ra binh cứu viện.
Quan Ngự sử và nghe và xem thơ, ông chắc lưỡi lắc đầu mà kêu trời rồi hỏi rằng:
- Bây giờ ông phải tính làm sao mà giải vây cho ông Lê Thọ Vực rồi kéo binh về trào mà trừ lũ nịnh đặng tôn Thái tử lên ngôi, chớ không lẽ ngồi khoanh tay mà ngó.
- Tôi già yếu, mà dở về sự dụng binh nữa. Tôi lo sao cho kham.
- Trong đạo góp binh hết thảy được chừng bao nhiêu?
- Gom góp hết thảy được chừng năm trăm.
Quan Ngự sử đứng ngẫm nghĩ giây lâu rồi ông nói rằng:
- Ông có nói với tôi rằng Sơn Tòng võ nghệ siêu quần, ngày trước chàng giết đầu đảng lâu la lẹ như nháy mắt. Vậy thì sai chàng cầm binh đi cứu ông Lê Thọ Vực, được hay không?
- Con của tôi còn nhỏ tuổi quá: tuy nó giỏi, song tôi sợ cầm binh xuất trận không lại người ta.
- Không, ông đừng lo. Sơn Tòng tuy trẻ tuổi, nhưng mà tôi xem tướng mạo không phải tầm thường đâu. Ông để tôi kêu chàng ra đây tôi tính với chàng. Thế nào cũng phải lo cứu chúa an dân, chớ không lẽ ngồi ngó cho được.
- Ông liệu thế nào tôi cũng nghe theo hết thảy. Ông tính đi.
Quan Ngự sử sai gia đinh mời phu nhơn ra cho ông dạy việc. Phu nhơn vừa tới thì ông liền dạy trở vào phòng kêu tân lang Sơn Tòng. Xuân Lan nghe biểu kêu Sơn Tòng thì nàng thất kinh. Nàng mở cửa thì ngoài vườn gió giông ồ ồ, trên trời sấm sét vang nổ. Nàng kinh khủng không dám bước ra, nên cứ lính quýnh tại cửa đó hoài. Ngô phu nhơn vô phòng, thấy phòng trống trơn, không có Thanh Tòng mà cũng không có Xuân Lan, bà lấy làm kỳ, bèn đi thẳng vào nhà sau kiếm thị tỳ mà hỏi. Bà đi tới cửa ra vườn, bà thấy Xuân Lan đứng đó, bà kêu mà hỏi rằng: Con làm gì mà đứng đây? Còn tân lang con đi đâu mất rồi?.
Xuân Lan thấy việc mình giấu muốn bại lộ rồi, nàng sợ Thanh Tòng với Lệ Bích mang tiếng bởi vậy nàng bối rối trong trí, cứ đứng ú ớ, nói không ra lời. Phu nhơn thấy bộ nàng như vậy thì bà nghi, nên bà nắm tay dắt nàng đi thẳng ra tiền đường.
Quan Ngự sử dạy kêu Thanh Tòng, mà phu nhơn lại dắt Xuân Lan ra, ông thấy vậy thì thấy làm kỳ nên hỏi rằng: Tôi dạy kêu tân lang kìa. Vậy chớ tân lang đâu? Phu nhơn đáp rằng: Không có tân lang trong phòng. Quan Ngự sử bèn hỏi Xuân Lan vậy chớ Thanh Tòng đi đâu. Ban đầu Xuân Lan nói không biết. Ông hỏi riết nàng phải quỳ mà thưa thiệt mọi việc, không giấu giếm chút nào nữa hết.
Quan Chánh sứ, quan Ngự sử và phu nhơn nghe rõ rồi thì nhìn nhau chung hửng. Quan Ngự sử cười và nói với với quan chánh sứ rằng: Té ra bấy lâu nay tôi với ông trữ vàng ngọc trong nhà mà không hay. Thiệt may cho mình mà cũng may cho nước lắm. Nếu thiệt quả là Thanh Tòng thì có lo gì dẹp loạn trừ gian không đặng. Vậy chúng ta phải ra tịnh thất mà báo tin cho công tử Thanh Tòng hay liền bây giờ đây. Xuân Lan, con hãy mở cửa cho ông đi.
Tại duyên cớ như vậy, nên Xuân Lan mới dắt quan Chánh sứ, quan Ngự sử và Ngô phu nhơn ra tịnh thất, gặp Thanh Tòng với Lệ Bích đương kề vai quỳ lạy, nàng hơ hải mà kêu đó. Thanh Tòng với Lệ Bích khép nép đứng dựa cửa, trong lòng không an.
Hai ông bước lại nói một lượt rằng: “Chào công tử với công nương. Ấy cũng là nhờ ý trời định, nên công tử với công nương được sum hiệp như vầy, mà sum hiệp nhằm lúc quốc gia hữu sự thì thiệt là may mắn. Thành Tòng vừa muốn mở miệng mà tạ tội, thì quan Ngự sử khoát tay mà nói rằng: Nhờ con Xuân Lan nó thuật rõ công chuyện, nên chúng tôi đã hiểu tâm sự của công tử với công nương rồi. Công tử chẳng cần phải nói nữa làm chi.
Thanh Tòng với Lệ Bích day lại ngó Xuân Lan trong trí thầm trách sao đi tỏ thiệt làm chi vậy.
Quan Ngự sử thấy vậy thì ông cười và nói tiếp rằng: “Chúng tôi biết được công tử với công nương thì càng tốt chớ có hại chi mà công tử ái ngại. Chúng tôi tới đây chẳng phải chúng tôi trách công tử với công nương. Vì chúng tôi mới hay tin quốc gia nguy biến, nên lật đật đi kiếm công tử mà lo tính việc giải cứu. Vậy công tử với công nương hãy theo chúng tôi mà về nhà cho mau, rồi tôi sẽ tỏ việc lớn cho công tử nghe. Thôi đi, mời công tử với công nương đi. Việc gấp lắm. Tôi nóng lòng như lửa đốt.“
Thanh Tòng nghe quan Ngự sử nói quốc gia nguy biến, chàng nhớ tới lời quan Thái úy mách bảo hồi nãy, thì chàng giựt mình, nên lật đật đi theo hai ông mà nghe coi có việc chi. Ngô phu nhơn với Lệ Bích cũng tiếp đi theo sau.
Về tới thính đường, quan Chánh sứ trao tờ Hịch của ông Lê Thọ Vực cho Thanh Tòng và Lệ Bích xem, rồi quan Ngự sử hỏi rằng: Công tử bây giờ tính làm sao?
Thanh Tòng đứng dậy thưa rằng: Xã tắc khuynh nguy, phận con làm trai, tuy con bất tài, song cũng muốn đem thân ra mà nưng đỡ. Vậy con xin hai cha cho phép con đi bây giờ đây. Trước hết con phải qua Bắc Giang mà giải vây cho ông Lê Thọ Vực là ân nhơn của con, rồi con hiệp cùng ngài mà phá giặc. Hễ dẹp binh ở ngoài yên rồi thì thẳng về kinh đô, trong một trận ắt thành công.
Hai ông khen phải, và khuyên Thanh Tòng sửa soạn mà đi cho gấp. Lệ Bích bước ra xin đi với Thanh Tòng. Hai ông với Ngô phu nhơn đều cản, nói rằng nàng đi càng thêm bận cho chàng chớ không ích gì. Thanh Tòng cũng can rằng: “Tôi vẫn biết công nương tuy là phận gái nhưng có tài phá trận công thành, chớ chẳng phải như gái khác. Công nương nghe lũ nịnh phản loạn, muốn soán ngôi trời, công nương cũng nóng nảy, ngồi nhà không an. Ngặt vì đường xá xa xuôi, quân gia không có; thà để một mình tôi bay nhảy lo mưu lập thế, ứng biến thừa cơ, chớ công nương đi theo thì không tiện. Xin công nương an lòng ở lại đây, đừng có đi theo mà khó cho tôi, lại thêm làm lo cho hai cha mẹ nữa.
Lệ Bích nghe lời, không đòi đi nữa.
Quan Ngự sử tính để sáng ông sẽ qua dinh quan Chánh sứ Hưng Hóa mà mượn binh cho Thanh Tòng, có nhiều càng tốt, bằng có ít thì cho năm ba trăm cũng được. Quanh Chánh sứ cũng nhứt định sáng bữa sau ông đi riết về Thái Nguyên mà gom hết binh của ông rồi sai người dắt đón đường mà cấp cho Thanh Tòng, đặng chàng khỏi thất công trở qua Thái Nguyên.
Hai ông đương bàn soạn, Thành Tòng sực nhớ ngày nọ anh em Ðinh Long và Ðinh Hổ giận mình không cho theo, nên dắt nhau lên núi Ngưu Sơn, tính quy tựu anh hùng hào kiệt mà sanh sự. Chàng chắc anh em họ Ðinh còn ở tại đó. Chàng mới viết một bức thơ tỏ việc triều đình nguy biến cho Ðinh Long, Ðinh Hổ hay và xin hai anh em vui lòng đem binh tiếp ứng với chàng.
Bàn tính xong rồi trời đã hừng sáng. Quan Chánh sứ Huỳnh Như Hào từ biệt mà về Thái Nguyên và hẹn sẽ cho người dẫn binh ra đón tại Bạch Hổ Khê, đặng đón mà giao cho Thanh Tòng. Thanh Tòng sai Tô Hộ lãnh thơ đi xuống Bắc Giang tìm anh em họ Ðinh mà cậy xuất binh ứng tiếp.
Quan Ngự sử qua dinh quan Chánh sứ Hưng Hóa mà mượn binh. Ông vừa nói ra thì quan Chánh sứ liền tỏ rằng người cũng có tiếp được tờ Hịch của ông Lê Thọ Vực, người muốn ra sức dẹp loạn, ngặt vì binh quả thế cô nên người không biết làm sao được. Người nghe nói có công tử Thanh Tòng sẵn lòng cầm nghĩa binh đi dẹp loạn, thì người hết sức vui mừng, lật đật góp binh trong đạo được 500 đem qua cấp cho Thanh Tòng liền nội ngày ấy.
Thảnh Tòng được binh Hưng Hóa thì chàng rất đẹp ý vừa lòng. Chàng lo cụ bị khí giới, kiển điểm quân sĩ, đặng ngày sau khởi hành.
Gần đến giờ xuất binh, chàng mặc võ phục vào bái biệt quan Ngự sử và Ngô phu nhơn. Lệ Bích và Xuân Lan đứng một bên Ngô phu nhơn, Thanh Tòng ngó Lệ Bích mà nói rằng: Xin công nương an lòng ở lại đây ít ngày. Tôi thề quyết sẽ trải mật phơi gan mà phò vua giúp nước. Có lâu lắm là vài ba tháng, tôi sẽ trở lên đây, trước là rước cha mẹ sau là rước công nương.
Xuân Lan đứng ngó Thanh Tòng mà chàng không ngó tới, nên mặt nàng buồn xo!
Lệ Bích ứa nước mắt mà nói rằng: Mạng vận của Lê triều, thiếp xin gởi cho công tử. Vậy xin công tử hãy gắng lấy. Phận thiếp chẳng sá gì. Thiếp chỉ cầu chúc cho công tử ra đi đây được chữ công thành danh toại.
Thanh Tòng từ biệt lui ra, rồi leo lên ngựa dẫn binh đi.
Quan Ngự sử, phu nhơn, Lệ Bích, Xuân Lan đứng dựa cửa ngó theo, thấy chàng diện mạo khôi ngô, oai phong lẫm liệt, thì ai cũng khen thầm. Quan Ngự sử thở ra mà nói rằng: Tướng đó không thể nào không có tài.
Lệ Bích nghe ông khen như vậy, nàng mới nói rằng: „Con không sợ thiếu tài, con chỉ lo ít binh mà thôi.
Nặng Gánh Cang Thường Nặng Gánh Cang Thường - Hồ Biểu Chánh