When you look at the sun during your walking meditation, the mindfulness of the body helps you to see that the sun is in you; without the sun there is no life at all and suddenly you get in touch with the sun in a different way.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Bernard Glemer
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 946 / 7
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 19 -
hoảng đầu tháng 4, khi chúng tôi làm việc trên máy bay phản lực được 4 tháng, tôi bắt đầu nhận thấy Jurgy hành động rất kỳ quặc. Cũng không đến nỗi phát hoảng, chỉ có điều là đôi lúc tự nhiên nó trông ngớ ngẩn thế nào ấy. Chẳng hạn lúc ngồi uống cà-phê trong phòng khách hồi 11h trưa, thế rồi khi đang đưa cốc cà-phê lên miệng, bỗng nó sững lại, mắt đờ đẫn cứ như đang ở đâu đó trên cung trăng. Tôi theo dõi cử chỉ này mấy ngày và rồi tôi chợt tìm thấy câu trả lời. Tháng Tư, đúng rồi! Bắt đầu mùa xuân. Lẽ ra tôi phải nghĩ tới điều đó sớm hơn, song ở Florida, bạn không nhận biết khi nào mùa đông kết thúc và bước sang mùa xuân, không có những chồi non nhú trên cành cây trơ trụi - mọi thứ đều đâm chồi ngay trước mắt bạn suốt ngày, suốt đêm và suốt năm, làm cho những kẻ sinh ra và lớn lên ở miền Bắc như tôi kiệt sức.
Tuy nhiên, tôi cho đó là cái tác động tới Jurgy. Dù ở đâu hay ở Florida, người phụ nữ vẫn có thể cảm nhận được mùa xuân đang đến trong huyết quản, cảm thấy sự thôi thúc xây dựng tổ ấm gia đình không sao chế ngự nổi, có thể nghe thấy tiếng khóc của những đứa con chưa chào đời, v...v... Và một tối, ngồi đơm lại chiếc khuy trên bộ đồng phục, bỗng Jurgy ngồi đực ra như con đà điểu nhồi rơm, mồm há hốc, mắt đờ đẫn, tay vẫn cầm kim chỉ. Tôi nhẹ nhàng bảo: "Jurgy này, sao cậu không nghỉ việc đi?"
Nó bừng tỉnh và hỏi: "Hả?"
"Tại sao cậu không thôi bay, lấy chồng và cùng Luke chăm sóc gia đình?"
Suýt nữa nó vặn cổ tôi: "Tại sao tớ lại phải làm vậy?"
"À, cũng đã đến lúc rồi. Cậu bảo Luke là muốn tiếp tục bay trong 6 tháng. Tính đến bây giờ đã được 5 tháng rưỡi".
"Luke và tớ đã nói chuyện về việc đó. Chúng tớ quyết định tớ sẽ thôi bay vào thang 6, và đầu tháng 8 sẽ làm lễ cưới".
"Jurgy, nói thật là nom cậu cứ mơ màng cả mấy hôm nay".
"Mơ màng?"
"Ừ, trông ngớ ngẩn thế nào ấy. Cậu mơ màng chuyện gì vậy?"
Nó dẩu môi: "Cậu thưc muốn biết à?"
"Tớ muốn biết chết đi được"
Nó nhìn quanh phòng như xem có gián điệp nghe trộm không, rồi quay lại bảo: "Đại hội hàng năm của các nhà chăn nuôi bò vùng Bắc, Đông, Nam"
Tôi suýt nữa té ngửa: "Cậu làm ơn nhắc lại cho".
"Ừ", nó nói. "Nhưng giữ kín nhé. Tớ không muốn nói rộng ra đâu. Đại hội hàng năm của những người chăn nuôi bò cùng Đông, Nam, Bắc Mỹ".
"Cậu nói xem tại sao lại nghĩ tớ sẽ rỉ tai người khác về cái tên đọc đến cứng cả mồm ấy?"
Nó nhìn tôi với vẻ nghi ngại. Rõ ràng tôi tỏ ra là một con ranh ngờ nghệch. Nó đã thổ lộ giấc mơ huy hoảng của mình, thế mà tôi có vẻ quá ngu ngốc.
Giọng nó lạnh tanh: "Năm nay nó sẽ được tổ chức ở khách sạn Charleroi. Bắt đầu từ 28 tháng 4, kéo dài 3 ngày".
Tôi bảo: "Jurgy, đó là tin giật gân nhất mà tớ được nghe từ sau cái tin con chó của Lincoln bị chết. Tớ sắp phát điên lên mất".
"Sẽ có 70 đại biểu, mà Luke lại là thư ký Ban tiếp tân".
"Cậu định tiếp đãi 70 nhà chăn nuôi gia súc ở đây chứ gì?"
"Không"
"Vậy thì việc gì phải mơ mơ màng màng thế?"
Nó không trả lời.
Tôi bảo: "Nếu Luke gặp khó khăn trong việc tìm người mua vui, có thể tớ sẽ cố biểu diễn trò lắc tua rua giúp cho".
Nó vẫn im lặng.
"Jurgy", tôi gọi to.
Và rồi như thể không thể giữ nổi cái vẻ ỡm ờ được nữa, nó phá ra cười, cười rũ rượi, đến nỗi phải lấy tay bưng mặt, mắt long lanh, hai má lúm đồng tiền đỏ dừ như một cô bé nhập đồng. Nó bảo: "Ôi Carol! Đúng là điên! Đúng là rồ dại".
"Cái gì?"
"Cậu lại đây"
Tôi đến chỗ nó.
"Carol này, thề có Chúa, tớ nói thật đấy. Đừng kể với ai nhé. Cậu phải giữ kín. Luke định tổ chức một chuyến vui chơi khi đại hội kết thúc".
"Chuyến vui chơi là thế nào?"
"Một chuyến đi nghỉ cuối tuần ở Paris cho tất cả các đại biểu. Chơi dài dài, từ thứ Sáu đến thứ Hai".
"Jurgy, ôi Jurgy! Cậu sẽ đi với họ chứ?"
Nó hít thật mạnh rồi nói: "Chúng mình sẽ đi cùng với họ, cô bạn ạ".
"Chúng mình? Chúng mình là thế nào?"
Các vì sao bắt đầu chiếu sáng trên đầu tôi.
Nó bảo: "Luke sẽ thuê hẳn một chuyến bay của Hãng Magna, hiểu không?". Nó lại không nhịn được cười. "Chuyến bay loại sang. Sẽ có 4 chiêu đãi viên, trong đó có cậu và tớ".
Sao chổi bắt đầu xuất hiện trên trần nhà. "Ôi lạy Chúa. Jurgy, Jurgy. Có thật không?"
"Thật". Mặt nó tươi rói, nụ cười mãn nguyện.
Tôi cố không tỏ ra hớn hở, cố giữ vẻ nghiêm trang một lát. "Nhưng sao Luke làm thế được? Chúng mình đã được bay tuyến quốc tế đâu?"
"Đừng lo, Luke sẽ lo liệu chuyện đó. Luke có thể giải quyết được bất cứ việc gì". Nó nhùn tôi tươi cười: "Cậu muốn đi cùng chứ?"
"Tất nhiên là muốn rồi. Tớ gần như không thể đợi được nữa. Khi nào Luke biết chắc chắn?"
"Một hai ngày nữa. Ông ấy phải bàn bạc các chi tiết cụ thể với người của Hãng Magna".
"Ôi, lạy Chúa. Thế mà tớ cứ nghĩ là tại mùa xuân".
"Mùa xuân thì làm sao?"
"Thì là cái ánh mắt cậu suốt cả tuần qua ấy .
"Rõ ngớ ngẩn. Cậu đã đến Paris chưa?"
"Một hai lần".
"Vậy cậu bảo mua rèm cửa ở đấy có được không?"
"Ồ, tớ không biết Jurgy ạ. Tớ đoán chắc là được. Nhưng sao cậu hỏi thế?"
Jurgy bỗng nói say sưa: "Nhà Luke ở Kansas có tới hơn 60 cửa sổ. Cậu nghe rõ chứ. Hơn 60 cái. Và tớ nói thẳng với ông ấy: khi tớ dọn về đấy ở, tớ sẽ không dùng lại rèm cửa của người khác, tớ muốn rèm cửa của riêng tớ. Tớ chỉ đòi hỏi mỗi chuyện ấy: rèm cửa phải do tớ chọn. Đòi thế có quá đáng lắm không? Vì vậy tớ nghĩ chúng tớ có thể sẽ mua vải làm rèm cửa ở Paris và có thể tiết kiệm được ít tiền. Mà kiểu trang trí cũng đẹp hơn. Carol, cậu nghĩ thế nào?"
Tôi không biết nói thế nào, chỉ ngồi ừ ào cho qua chuyện, làm nó rất phật lòng
*
Luke đã lo xong chuyện đó. Ông ghé qua nhà, miệng cười rộng đến mang tai, và kể cho chúng tôi nghe ông đã làm ra sao. "Chắc chắn rồi. Tôi phải dàn xếp mãi với một tay tên là Barker đấy. Tay này cũng không đến nỗi nào, nghe người ta bảo là phụ trách phòng vé ở quận. Các cô cũng biết những người này là thế nào rồi. Họ phải làm sao bán cho đủ định mức được giao, và cái phi vụ nho nhỏ này rơi vào tay Barker. Rồi chúng tôi làm hợp dồng. Tôi lôi cuốn séc ra, mở sẵn để trên bàn, ở chỗ "trả cho", tôi viết Hãng hàng không quốc tế Magna. Rồi tôi viết số tiền trả. Rồi tôi điền tên Luke vào. Rồi tôi dừng lại không viết nữa. Tay Barker nhìn tôi viết, và khi thấy tôi lưỡng lự, anh ta đâm lo vì không biết tôi đang nghĩ gì. Thế rồi tôi bảo: "Ông Barker này, tôi chợt nảy ra một ý về việc phục vụ trong chuyến đi Paris lần này, và tôi rất mong ông cộng tác nếu có thể được". Chà, anh ta nhảy dựng lên và bảo: "Tất nhiên, tất nhiên rồi, ông Lucas ạ. Tôi sẽ rất sung sướng nếu giúp được ông bất kỳ việc gì. Xin ông cứ cho biết". Thế là tôi bảo: "Ông Barker, ông chọn phi công nào lái chuyến bay, đó không phải là việc của tôi, vì tôi tin là ông sẽ chọn cho tôi một người có thể tìm được đường đến nơi mà chúng tôi cần đến. Song tình cờ tôi lại biết hai cô gái, mà theo thiển ý của tôi sẽ giúp cho chuyến đi này vui thú hơn và tôi sẽ vô cùng biết ơn nếu ông có thể dàn xếp để hai người này làm chiêu đãi viên chính thức trong chuyến bay. Ông nghĩ có thể làm thế được không, ông Barker?". Chà, anh ta có vẻ ngán quá, cứ ậm à ậm ừ mãi, muốn biết các cô đã bay tuyến quốc tế bao giờ chưa, hoặc đại loại như vậy, và rồi anh ta nói thẳng luôn. Tôi rất phục anh ta. Anh ta không có chọn từ cho khéo gì hết, không đâu. Anh ta bảo: "Ông Lucas, tôi xin cứ được hỏi thẳng. Việc ấy có phải nhằm những mục đích vô đạo lý không?". Hỏi thẳng như vậy. Và tôi trả lời: "Ông Barker, tôi rất mừng ông đã hỏi tôi câu đó, vì tôi sẽ vô cùng sung sướng được nói để ông an tâm: một trong hai cô là vợ chưa cưới của tôi, cô Mary Ruth Jurgens hiền dịu, cô gái đáng yêu nhất trên đời. Và cô kia là bạn thân của cô ấy, cô Carol Thompson, cô gái trong trắng nhất trên đời. Tôi sẽ giết chết ngay gã đàn ông nào dám động đến họ. Nói thế đã được chưa, ông Barker?". Tôi đoán chắc là được, vì thấy anh ta thở dài, miệng cười thiểu não và nói: "Thôi được, hãy để tôi dàn xếp xem thế nào". Tôi bảo: "Ông sẽ chẳng chịu bó tay trong chuyện này chứ?" và anh ta trả lời: Không, cứ để tôi lo", và thế là tôi viết nốt tên Lucas vào. Chắc anh ta rất mừng khi thấy tôi làm việc đó".
*
Ba ngày sau, từ chuyến bay tới New York trở về, có một thông báo yêu cầu chúng tôi tới gặp cô Duprez, người phụ trách chiêu đãi viên. "Tớ đoán chắc là chuyện đó", Jurgy nhếch mép nói và tôi trả lời: "Ồ, hy vọng là thế". Chúng tôi sửa váy áo cho gọn gàng, nhưng chắc là không ổn, vì vừa trông thấy chúng tôi, cô Duprez đã hét lên như sắp ngất xỉu: "Mary Ruth! Carol! Trời đất ơi! Cả hai cô trông váy áo xộc xệch thế kia! Có chuyện gì vậy?". Chúng tôi giải thích vừa từ chuyến bay chật ních những hành khách đi nghỉ quá vui nhộn, trong đó có tới 18 em bé, song cô không chấp nhận lý do đó. Rồi cô bảo: "Nhân thể thử xem các cô giữ gìn thể trọng thế nào", và rõ ràng chúng tôi vẫn giữ được tốt - tôi vẫn quá cân 5 pao, Jurgy 7 pao như trước. Tôi thề chiếc cân này ăn gian. Cô Duprez tặc lưỡi với vẻ không hài lòng, rồi ghi số cân vào cuốn sách nhỏ màu đen. Tất nhiên, đó chỉ là một màn kịch, chúng tôi biết vậy, nhưng nó lại có tác dụng. Khi một người đã làm việc trên máy bay từ khi bạn còn chưa ra đời như cô Duprez bảo bạn là một cô gái béo phì, luộm thuộm, bạn không thể không tự cảm thấy hơi xấu hổ.
Cô lên lớp cho chúng tôi một bài về tầm quan trọng của việc giữ thể trọng và dung nhan đến 5 phút, và mãi sau mới đi vào đề. "Nào, hai cô, tôi báo các cô một tin thú vị. Các cô sẽ bay đến Paris hôm 1 tháng 5, trở về hôm 4 tháng 5. Đây là chuyến thuê bao với 4 chiêu đãi viên và tất nhiên các cô sẽ là chiêu đãi viên B và D trong chuyến bay này. Các cô thấy thế được chứ?". Cô ngồi ở bàn, hai tay nắm hờ quan sát chúng tôi.
"Ôi, cô Duprez, thật tuyệt vời", chúng tôi đáp. Cô liếc nhìn tôi. Cô nhìn Jurgy chằm chằm. Giọng cô hạ xuống vài độ: "Các cô. Tôi xin nói thẳng là tôi không đồng ý về chuyện đó. Các cô cũng biết, trên các tuyến bay quốc tế, chiêu đãi viên thường được lựa chọn trên cơ sở thâm niên. Hơn nữa, trên các chuyến bay qua châu Âu, vì những lý do hiển nhiên, chúng tôi chỉ chọn các cô đã bay nhiều trên các tuyến quốc tế. Song chồng chưa cưới của cô là người biết cách thuyết phục, Mary Ruth ạ".
Jurgy làm thinh. Tôi dám nói nó cũng giật mình như tôi trước lời lẽ huỵch toẹt này. Chúng tôi đã đánh giá thấp cô Duprez.
Cô nói tiếp: "Ông Barker, người phụ trách phòng vé quận này có lẽ rất không hài lòng nếu biết tôi nói thẳng với các cô như thế này. Suy cho cùng, nhiệm vụ của ông ấy là bán càng nhiều vé cho hãng càng tốt. Nhiệm vụ của tôi hoàn toàn khác. Cũng may là tôi đặt nhiều tin tưởng ở các cô, nếu không, tôi sẽ chẳng bao giờ cho phép sắp xếp như vậy, cho dù có trượt mất cả chuyến thuê bao này đi nữa. Tuy nhiên tôi muốn nói rõ với các cô ngay từ đầu, dù các cô có quan hệ đặc biệt nào đó với một hành khách nào đó trên chuyến bay này, các cô cũng không được xa rời những quy định chung. Tôi yêu cầu các cô phải làm việc và ứng xử theo đúng tiêu chuẩn cao nhất, bằng không, các cô sẽ bị kỷ luật khi trở về. Các cô hiểu chứ?"
Jurgy trả lời: "Vâng, thưa cô Duprez".
"Thế thì được. Khi nào có tin gì thêm, tôi sẽ cho các cô biết".
Trên xe về nhà, tôi cứ tưởng thế nào Jurgy cũng chửi um lên vì tức. Nhưng không. Nó chỉ càu nhàu với vẻ thán phục: "Bà này cũng khiếp thật".
Chúng tôi vẫn bay trên các chuyến bình thường, đến tận 2 ngày trước chuyến thuê bao. Nhưng vào tuần cuối của giai đoạn này, tôi không biết tại sao tính tình của Jurgy lại trở nên thất thường. Tôi không hiểu đầu óc nó ra sao nữa. Luke đã đến từ trước đại hội vì ông có rất nhiều việc phải làm. Ông vẫn ở khách sạn Charleroi như thường lệ và Jurgy thường đến đó với ông rất lâu. Thế càng tốt, vì tôi thích được ở một mình. Tôi đọc sách, nghe nhạc và nghỉ ngơi thanh thản. Chỉ lạ là khi từ chỗ Luke về, nó có những biểu hiện kỳ quặc đến mức không thể chịu được. Nó vui vẻ được một lúc, rồi lại ngồi thần người ra, sau đó mặt hằm hằm như sắp giết ai. Nó như con cá sấu sẵn sàng đớp tôi nếu dám nói chuyện với nó. Cuối cùng tôi không còn có thể chịu được nữa. Cãi nhau với nó cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Tôi đi tới quyết định sẽ tìm chỗ ở riêng càng sớm càng tốt.
Buổi chiều hôm trước chuyến bay ấy, chúng tôi được gọi tới sân bay để họp với ông Barker của phòng vé và một ông nhỏ nhắn, nét mặt phiền muộn tên là Casey, người chịu trách nhiệm cung cấp đồ ăn thức uống cho chuyến bay này, và hai chiêu đãi viên sẽ cùng làm với chúng tôi. Cả hai cô đều tóc nâu, khoảng 26 tuổi và họ nhìn chúng tôi với vẻ thích thú rất lạ, tựa như chúng tôi vừa từ vườn trẻ đến. Tên họ là Kay Taylor và Janyce Hinds, và sau này tôi được biết họ đã làm việc trên máy bay được 6 năm.
Jurgy và tôi chỉ ngồi nghe. Đây hoàn toàn là cuộc họp giữa một bên là ông Barker, ông Casey và bên kia là Kay và Janice, mà hình như chủ yếu là bàn về vấn đề đá. Kay nói: "Ông Casey, chúng tôi cần một lượng đá ít nhất cũng phải gấp ba chuyến bình thường. Tôi đã phục vụ các chuyến bay với những người như những ông chăn nuôi gia súc này rồi. Họ uống dữ lắm". Janyce xen vào: "Ồ, còn phải nói". Bữa ăn chính gồm thịt bò với khoai tây nướng, nhưng vấn đề ăn có vẻ không quan trọng. "Ông Casey này", Kay bảo, "ông cho lượng đá gấp bốn lần ngày thường được chứ? Chúng tôi không muốn đang bay đến giữa Đại Tây Dương lại hết đá, những ông này sẽ làm loạn lên ngay". Ông Casey rên rỉ. Janyce thêm: "Và nhớ đổ đầy rượu Bourbon vào các thùng dầu phụ, ông Casey ạ. Chúng ta có thể để dưới cánh máy bay". Ông Casey bảo: "Các cô sẽ có rượu Bourbon và Scotch đủ để nhận chìm một tàu chiến". Kay nói ngay: "Xin cứ cho gấp đôi số đó. Chúng tôi cần số rượu đủ đánh chìm hai tàu chiến". Jurgy và tôi ngồi nghe mà sợ. Tính cách hai cô này thật kỳ lạ: mặt mũi dễ thương, tính tình dễ dãi, thế mà nói cứ như đinh đóng cột và tự tin hết mức. Sau cuộc họp, Kay bảo tôi và Jurgy: "Ngày mai các cô nhớ phấn son cho kỹ vào nhé. Chúng tôi muốn các ông kinh doanh súc sản này phải trố mắt mà nhìn. Có thể đến Paris biết đâu họ chẳng mua cho mỗi đứa một mũ miện kim cương hoặc một cốc sữa cũng nên. Bây giờ xem nhé: máy bay sẽ cất cánh lúc 9h. Nhớ đến trình diện lúc 8h, không quá một phút. Chúng ta cần kiểm tra kỹ tất cả mọi thứ. Được chứ?"
"Được", chúng tôi trả lời.
Buổi tối tôi ở nhà một mình, vừa là váy áo vừa nghe nhạc trong tâm trạng hết sức thanh thản, thì chuông điện thoại đổ hồi.
"Alô, Carol phải không?"
Vừa nghe đầu dây bên kia đó gọi tên, người tôi đã run như tàu lá. Tôi phải ngồi lên tay ghế bành và vờ hỏi: "Vâng. Ai đấy ạ?"
"Ray Duer"
Tôi gắng gượng nói: "Ồ, chào bác sĩ Duer"
"Em khoẻ chứ?"
"Khoẻ. Rất khoẻ. Ông có khoẻ không?"
Đáng ra tôi không nên gọi bằng ông. Tôi biết điều đó ngay khi vừa buột miệng. Tôi hầu như có cảm giác anh sững người. Từ "ông" ở đây chẳng lịch sự tý nào, nghe nó sống sượng, còn rớt lại từ những ngày chúng tôi cãi nhau. Nhưng tôi không kìm lại được.
Anh trả lời cộc lốc: "Cảm ơn, tôi khoẻ".
"Tay ông thế nào?"
"Tay tôi ư? À phải rồi. Lành rồi, cám ơn".
"Thế thì tốt quá". Tôi nói, bắt đầu cảm thấy nghèn nghẹn ở cổ.
Anh hỏi: "Có gì đặc biệt không?"
"Tôi vẫn làm ở hãng Magna, không biết ông có cho đó là đặc biệt không? Nói chung cũng vui".
"Không, là nói tối nay cơ"
"Tôi đang chuẩn bị để sáng mai bay sớm. Qua châu Âu. Tôi còn nhiều việc phải làm lắm".
"Gặp em một lát được không?"
"Rất tiếc", tôi đáp. "Thành thật xin lỗi".
Tôi cho rằng câu trả lời ấy đã ăn sâu bám rễ trong đầu tôi. Chỉ cần Ray Duer hỏi: "Tôi gặp cô được chứ?" thì câu trả lời buột ngay ra là: "Rất tiếc". Tôi muốn kêu lên: "Ôi Ray, tất nhiên là được. Anh ở đâu, năm giây nữa em sẽ có mặt ở đó, em sẽ chạy", nhưng cái câu kia cứ tự nhiên bật ra.
Anh bảo: "Carol, anh muốn nói chuyện với em".
"Tôi rất lấy làm tiếc".
"Em vẫn giận anh về chuyện Donna Stewart phải không?". Anh không đợi tôi trả lời. Anh cười to và nói tiếp: "Thôi được. Anh sẽ nói ngay bây giờ đây, chỉ mất một vài giây Carol. Anh sẽ cùng đi trên máy bay với em ngày mai".
"Tôi nghĩ có lẽ ông nhầm. Tôi bay chuyến thuê bao tới Paris..."
"Anh biết"
Tôi nhắc lại: "Nhưng đó là chuyến thuê bao cả máy bay".
"Anh biết. Anh biết! Chính vì thế anh muốn nói chuyện với em. Chính vì thế anh muốn gặp em. Anh nghĩ anh cần nói trước với em là anh sẽ đi cùng trên chuyến đó".
"Tôi vẫn chưa hiểu. Sao ông lại phải báo cho tôi biết trước việc đó?"
"Bởi vì em có thể không muốn chuyện đó. Bởi vì lợi bất cập hại".
Tôi bảo: "Bác sĩ Duer, ông vốn là nhân vật quan trọng của Hãng. Tôi chẳng là gì cả. Tôi thích hay không thích cũng chẳng ảnh hưởng gì. Nếu ông có quyền bay chuyến đó, xin ông cứ việc".
"Anh có thể đi chuyến khác".
"Cái đó tuỳ ông"
"Lạy Chúa", anh thốt lên. Rõ ràng anh thấy không thể tiếp tục được nữa. Anh gác máy.
Năm Cô Gái Trường Bay Năm Cô Gái Trường Bay - Bernard Glemer