Nếu bạn không đủ sức để chịu thua, bạn cũng sẽ không đủ sức để chiến thắng.

Walter Reuther

 
 
 
 
 
Tác giả: Bernard Glemer
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 946 / 7
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7 -
ớp đang nghỉ giữa giờ, tôi tìm thấy các bạn ở tiệm cà-phê. Donna đang ngồi một mình nên tôi mua cốc cà-phê cùng mấy cái bánh rán đến ngồi cùng nó. Donna rướn mắt nhìn tôi và bảo: "Khiếp thật! cậu ở đó với ông bác sĩ tâm thần hàng tiếng đồng hồ. Làm gì vậy?"
"Cậu thừa biết. Thì cũng việc bình thường ấy mà .
"Bình thường thế nào? Tớ chưa bao giờ phải đến bác sĩ tâm thần cả. Tớ không hề biết những việc diễn ra ở đó".
Tôi thấy đầu nhẹ bỗng, tim văng đâu mất và người rạo rực một chút. Tôi bảo: "Donna, đừng vờ vịt nữa. Tất nhiên cậu hiểu chuyện gì xảy ra khi cậu đến bác sĩ tâm thần".
"Tớ chỉ biết ông ta bảo cậu nằm xuống giường. Giường bọc da".
"Đó đó, cậu biết quá còn gì"
"Rồi sao nữa?"
"Ông ta hỏi bao nhiêu là câu hỏi, ngốc ạ"
"Hỏi những gì?"
"Cậu không đoán được à?"
"Về cuộc đời tình ái của cậu?"
"Đương nhiên. Hỏi tất cả các tình tiết bẩn thỉu trong cuộc đời tình ái của mình ".
"Thật à?", Donna thích thú ra mặt.
Tôi hỏi: "Từ lúc tớ đi, lớp có chuyện gì không?"
Donna nhăn mũi: "Cô Webley toàn nói chuyện vệ sinh cá nhân. Này thôi, Carol, kể thêm về tay bác sĩ tâm thần ấy đi".
"Có gì đâu mà kể"
"Tớ biết một điều là khi tớ nằm xuống cái giường da ấy, váy tớ cứ tốc ngược hết cả lên. Cậu nên nhớ tớ cũng đã qua cái giai đoạn ấy. Cậu có bị vướng víu về chuyện váy xống ấy không?"
"Có váy xống gì đâu", tôi trả lời. Chỉ có Chúa mới biết tại sao tôi lại nói thế, tự nhiên buột miệng ra.
Nó kêu ré lên.
Tôi tiếp: "Không một mảnh vải trên người".
"Ồ, khiếp thế à?"
"Ừ, cởi hết quần áo rồi khoác bộ đồ bệnh viện vào".
"Cậu làm thế thật ư?"
"Bác sĩ tâm thần cũng giống như các bác sĩ khác".
"Và cậu nằm trên giường, trong bộ quần áo ngủ, kể cho ông ta về đời tình của cậu. Ông ta có hiểu ý không?"
"Ông ta là bác sĩ. Đồ ngốc."
"Mà cứ cho là thế đi nữa...." Donna lặng dần, rồi lại nói: "Cậu biết không Carol, nghe cũng có vẻ ly kỳ rùng rợn đấy chứ".
"Ừ, mà lại không mất tiền nữa chứ. Những người khác phải trả 25 đôla một giờ".
"Đến quá đi chứ". Donna có vẻ tin chuyện tôi kể lắm.
Cô Webley đứng dậy chuẩn bị đi, và cả lớp cũng đứng dậy theo. Tôi nhận thấy mọi người đều đã tiến một bước dài trên con đường tiến hoá: người thẳng, đầu ngẩng cao, ngực ưỡn ra trước. Tôi uống vội chỗ cà-phê còn lại, rồi cùng Donna theo mọi người về lớp.
Thời gian còn lại, cô Webley nói về lịch sử và tổ chức của hãng hàng không quốc tế Magna, rồi tống thêm cho chúng tôi khoảng 5000 thuật ngữ và định nghĩa không chỉ về các bộ phận của máy bay mà của cả ngành hàng không. Tất nhiên rồi. Đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới, với nhiều từ ngữ riêng cần phải học, chẳng hạn: "đổi hướng gấp, "bay vượt tầm", lượn chờ hạ cánh", và "tiếp tục lượn chờ". Đấy là chưa kể một lô một lốc những chữ viết tắt mà chúng tôi phải thuộc, cần đến một cái là phải nói rõ được ngay, chẳng hạn OVWX, có nghĩa là không hạ cánh xuống nơi quy định vì thời tiết xấu, hoặc RTN là lối viết tắt khá tinh vi của từ: "việc thường nhật, rồi ETA và ETD nghĩa là thời điểm dự tính hạ cánh và cất cánh.
"Tôi hy vọng các cô thuộc lòng tất cả các từ này, bởi vì sẽ có kiểm tra", cô Webley bảo. Chúng tôi lại ồ lên, và cô nhìn chúng tôi cười thật dễ thương.
Chúng tôi nghỉ trưa lúc 12h30, và tôi vội xuống quầy cà-phê tìm Jurgy. Nó đang ngồi một mình với tách cà-phê trước mặt, làm tôi sợ hết hồn. Trông nó thật cô đơn và rầu rĩ.
Tôi vội chạy đến bên bàn và hỏi nhỏ: "Chào cậu, chuyện thế nào rồi?"
Jurgy nhìn tôi với vẻ rất lạ, tựa như không hiểu tại sao tôi lại quan tâm đến thế. "Không sao cả".
"Thật không?"
"Thật"
"Ôi, tạ ơn Chúa", tôi thốt lên, rồi buông người xuống chiếc ghế bên cạnh.
Moi được thêm điều gì ở cô nàng này cũng khó như nhổ răng vậy. Con gái hầu hết vừa gợi chuyện một cái đã dốc hết tâm can, song Jurgy thì ngược lại. Mãi sau nó mới nói, vẫn bằng cái giọng khô khan của mình: "Mình lên đó có một lát thôi. Bà Montgomery bảo mình: Bác sĩ Schwartz phải báo cáo với bà những chuyện không bình thường, song chỉ để ghi vào hồ sơ của mình thôi. Không sao cả".
"Ôi, thật nhẹ cả người. Tớ chẳng bảo cậu là bà Montgomery là người tử tế là gì".
Jurgy lại nhìn tôi, ánh mắt rất lạ và nói ngay sang chuyện khác: "Sáng nay cô Pierce làm om cả lớp lên. Tất cả bọn tớ tối nay phải cắt tóc, không lôi thôi gì hết".
"Cô Webley cũng thế".
Jury quay nhìn vào khoảng không trước mặt, và bảo:" Tớ biết cắt tóc, tớ sẽ cắt cho cậu, nếu cậu muốn".
"Vậy thì tuyệt, Jurgy ạ".
*
Sau bữa trưa, chúng tôi thực sự bắt tay vào việc. Cô Webley nêu khái quát những gì phải học, và khi cô nói xong, chúng tôi ngồi đờ người vì sửng sốt. Bao nhiêu là vấn đề. Chúng tôi phải làm quen với các chi tiết của từng loại máy bay hiện nay hãng đang sử dụng; phải tìm hiểu các thiết bị phục vụ hành khách cũng như thiết bị cấp cứu khẩn cấp trên từng máy bay. Chúng tôi phải học cách quản lý ca-bin, những việc phải làm trước chuyến bay, cách thức phục vụ bữa ăn và đồ uống cho hành khách; phải biết về các tờ khai cần phải điền tới ba, bốn và ty tỷ bản mà mỗi máy bay không thể không làm; phải biết cấp cứu sơ bộ, biết các bước phải làm trong trường hợp khẩn cấp. Rồi còn phải biết các thoả hiệp và quy định về chiêu đãi viên, những quy định về nghiệp đoàn hàng không, cách thức nhận việc trước mỗi chuyến bay như thế nào, v...v...
"Nào các cô", cô Webley nói tiếp: "Chúng tôi còn loại máy bay nho nhỏ thỉnh thoảng vẫn dùng trên các tuyến nội địa mà nếu dùng máy bay lớn hơn sẽ không kinh tế. Ví dụ, loại Martin 404. Có thể các cô sẽ bắt đầu sự nghiệp trên các máy bay loại này. Bay trên những máy bay ấy cũng vui lắm. Hay nhất là cả máy bay chỉ có một chiêu đãi viên, vì vậy các cô có thể thấy, nếu các cô là người đó, thì sẽ là con ong chúa, một mình phụ trách toàn bộ công việc trong suốt chuyến bay. Tôi đảm bảo với các cô là rất thích. Không có ai tranh việc cả, các cô cứ việc làm theo cách riêng của mình ".
Thế là chúng tôi bắt đầu nghiên cứu loại máy bay Martin 404 chỉ có hai động cơ, chở được 40 hành khách. "Lạy Chúa", Donna thì thầm, "cậu nghe rồi chứ? Một con ong chúa trông nom 40 hành khách, cậu hình dung xem".
"Ừ", tôi trả lời.
"Mà lại ngay trong lần bay đầu tiên của cậu nữa chứ".
Trong cuốn sổ tay chiêu đãi viên có hình thân máy bay trông như điếu xì gà, và cô Webley dành 2 tiếng để giảng giải. Một máy bay nho nhỏ thế này mà cũng có bao nhiêu chi tiết cần phải học thuộc. Cái ghế cao của chiêu đãi viên trông là biết ngay; rồi các dãy ghế dành cho hành khách. Rồi khoang nhà bếp ở phía đầu máy bay là nơi con ong chúa chuẩn bị đồ ăn thức uống cho cái gia đình bé nhỏ bốn chục người của mình. Tất cả những thứ đó cũng còn được, nhưng lại có hệ thống sưởi nóng mà ong chúa phải điều khiển; rồi hệ thống thông gió; hệ thống phía trên ghế ngồi gần đèn đọc sách, nút gọi chiêu đãi viên, van gió và mặt nạ thở ô-xy; rồi hệ thống loa, đèn cho khoang nhà bếp và lối đi, cầu thang cho khách, thang chuyển hành lý, đèn hiệu, đèn nhà vệ sinh, nghĩa là cả trăm thứ đèn khác nhau. Rồi lại còn thang dùng trong trường hợp khẩn cấp, lối thoát bằng dây dùng khi có sự cố; túi cứu thương, và chỉ có Chúa mới biết là còn những gì nữa. Tôi thề là máy bay loại này có quá nhiều thứ, đến nỗi không thể nhét được gì vào thêm.
"Rất đơn giản, thật đấy", cô Webley bảo. "Các cô chẳng khó khăn gì mà không thuộc. Sáng mai sau giờ nghỉ giữa chừng, chúng ta sẽ kiểm tra về những thứ này".
Có ai đó, xem ra can đảm hơn cả bọn, mếu máo nói: "Nhưng thưa cô Webley, cô bảo tất cả mọi người tối nay phải đi cắt tóc".
Cô Webley vui vẻ nói: "À, việc đó không mất nhiều thời gian lắm đâu .
Một cô khác nói: "Thưa cô Webley, tối nay chúng em còn phải đi siêu thị mua đồ ăn và các thứ khác nữa".
"Nhưng các cô cũng chỉ mất vài phút vào việc đó. Thôi nào, các cô không sợ bài kiểm tra về các bộ phận máy bay Martin 404 đấy chứ? Có gì đâu, tôi dám chắc nếu kiểm tra ngay bây giờ, tất cả các cô đều đạt 100/100.
Không ai dám xì xào, thậm chí cả chớp mắt.
Cô nhìn đồng hồ: "Vẫn còn nửa giờ nữa, vì thế chúng ta sẽ nói về an toàn cho hành khách, việc sử dụng dây an toàn, v...v..
Thế là chúng tôi nghiên cứu cách sử dụng dây an toàn.
*
Đến cuối buổi chiều, tất cả chúng tôi đều kiệt sức, tất nhiên, trừ cô Webley trông vẫn cứ ngời ngời, duyên dáng và mượt mà như bông cúc đại đoá. Trên đường trở lại khách sạn trong chiếc xe buýt sơn hồng sơn xanh, khong ai nói câu nào, nhưng thật trái khoáy, điều đó lại làm tôi phấn chấn, bởi vì ít ra không chỉ có một mình tôi cảm thấy đầu óc toàn bã đậu. 4 tuần còn lại lừng lững như những vách cao dựng đứng vùng Trung Á, gây một cảm giác khác lạ trong khi ta đang lao xe qua những đại lộ chói chang ánh nắng của vùng biển Miami.
Vừa về đến phòng, Donna đã bảo: "Rồi, tớ biết sẽ làm gì rồi".
Tôi hỏi:"Làm gì?". Nó là đứa thông minh, có thể sẽ nghĩ ra cách thông minh nào đó để giải quyết các vấn đề của chúng tôi. Thôi miên tập thể chẳng hạn.
Donna cởi quần áo và gọi: "Này, ong chúa. Tớ đánh bộ đồ tắm vào, chuồn xuống bể bơi, nhảy xuống nước, rồi sẽ ngồi sưởi nắng cho giãn gân cốt. Chứ đầu óc, người ngợm như bây giờ đến chó cũng chẳng thèm chứ đừng nói là đàn ông nữa".
"Donna, cậu nói đúng đấy. Tớ sẽ đi cùng cậu"
"Được thôi, nhưng phải nhanh lên đấy. Đừng để lãng phí những giây phút quý báu này".
Hôm nay Donna mặc bộ đồ tắm màu xanh khá kín đáo, còn tôi vẫn mặc bộ màu đen, và đúng lúc chúng tôi khoác áo choàng, mang dép chuẩn bị đi, thì chuông điện thoại reo. Tôi gần như nhảy bổ đến bên máy vì đã lâu không được nghe cái thứ âm thanh ấy. Trong phòng tôi, ở gần giường có một chiếc, và một chiếc nữa ở phòng Jurgy và Annette, song tôi không hề nghĩ là nó vẫn còn hoạt động được.
"Không biết ai gọi thế nhỉ", tôi nói.
"Cứ nhấc máy lên khắc biết", Donna bảo.
Tôi cầm máy và nói: "Alô" thì một giọng nữ nhẹ nhàng hỏi: "Có cô Thompson ở đó không?"
"Vâng, tôi đây".
"Ồ, cô Thompson, tôi ở văn phòng ông Courtenay. Khi nào tiện mời cô xuống gặp ông Courtenay được không?"
Tôi lặng người đi vì sợ, rồi hỏi: "Có việc gì vậy?"
"Ông Courtenay sẽ giải thích khi gặp cô. Cám ơn cô Thompson".
Tôi dập máy, ngồi thừ ra giường. Rắc rối. Chắc lại chuyện rắc rối.
"Chuyện không hay à?" Donna hỏi.
"Tớ phải đến văn phòng ông Courtenay"
"Ông ta muốn gì?"
"Làm sao tớ biết được"
"Tớ sẽ đi với cậu, Carol ạ. Cả hai chúng mình vào gặp ông ta. Nếu ông ta định tống cậu đi, ông ta cũng sẽ phải đuổi luôn cả tớ".
Tôi nhìn Donna với vẻ biết ơn. Cô ta là một chỗ dựa chắc chắn.
Tôi thở dài, cởi bỏ áo khoác ngoài và tháo quai áo tắm. Donna quát to, như thể nó cho là tôi làm điều gì ngu xuẩn: "Cậu làm gì thế?"
"Thay quần áo"
"Để làm quái gì?"
"Donna, chúng mình không được đi trong khách sạn nếu không ăn mặc tề chỉnh"
Cô ta trợn mắt: "Cậu bảo là lại mặc quần áo ư? Cậu sẽ lại mặc áo xống, đeo tất, đi nịt vào à?"
"Đành phải thế"
"Rồi sau đó trở về phòng, thay ra và mặc đồ tắm vào?"
"Đúng vậy"
"Đừng có điên"
"Các quy định ấy mới điên, chứ tớ không điên"
"Tất cả đều điên", Donna hét lên với tôi. "Xem chừng tớ đã vào lầm thế giới của bọn điên". Nó bỏ dép, cầm từng chiếc ném vào tường, sau đó bình thản thay quần áo.
Chúng tôi đều mặc đồ trắng, có lẽ trong thâm tâm nghĩ có lẽ sẽ làm vừa lòng ông Courtenay khi diễu đến trước mặt ông trông như hai cô trinh nữ đi lạc. Nhưng thực ra không cần phải thế. Chúng tôi thấy ông ngồi nghiêm trang sau chiếc bàn rộng màu hung đỏ trong văn phòng rộng thênh thang, trang trí lộng lẫy với các loại đồ dùng màu hung đỏ, chiếc thảm cũng màu hung đỏ. Ông đón chúng tôi rất nhiệt tình, đến nỗi tôi bỗng tự hỏi không biết có chuyện quái gì.
"Cô Thompson! Cô Steward! Thật hân hạnh. Cả hai cô cùng xuống thăm tôi; tôi rất vui mừng". Ông nhìn tôi cười rất tươi, nhưng thực ra nụ cười ấy dành cho cả Donna.
Donna nói: "Ồ, thưa ông Courtenay, tối hôm vừa rồi chúng tôi xử sự rất không phải với ông. Ông thật lịch sự, bữa tối ấy thật tuyệt trần. Thế mà khi ra về, chúng tôi không tìm được ông để ngỏ lời cám ơn về lòng mến khách của ông. Ôi, thưa ông Courtenay, chắc ông nghĩ chúng tôi là những kẻ thô kệch nhất mất thôi".
Cuối cùng ông ta và Donna ngừng tâng bốc nhau và ông vào chuyện chính: "Nào cô Thompson", ông cười rung cả người. "Tôi có thứ này làm cô bất ngờ".
Tôi cũng run bắn người, nhưng không phải vì cười.
"Thứ gì vậy, thưa ông Courtenay?"
"Xin cô vui lòng theo tôi"
Tôi và Donna nhìn nhau ngạc nhiên, rồi cùng đi với ông ra hành lang chính, vào thang máy rồi bước ra một ga-ra rộng mà tôi nghĩ ở dưới hầm khách sạn. Ông Courtenay búng tay đánh tách một cái, chỉ vào tôi, và một trong những nhân viên phục vụ đang đứng ở đó vội nói: "Thưa ngài, vâng ạ", rồi lao vút đi như được phóng từ súng cao su vậy. Rõ ràng đây là giây phút trọng đại. Ông Courtenay quay sang tôi, rút chiếc phong bì từ túi trong chiếc áo vét đen, mỉm cười đưa cho tôi và nói: "Thưa cô, cái này sẽ giải thích tất cả".
Tôi mở phong bì, lấy ra tờ giấy bên trong. Thư được viết bằng bút bi đỏ trên giấy có tiêu đề của khách sạn Charleroi:
"Cô Thompson thân mến, tôi thuê chiếc xe này trong một tháng, để cô có thể đi lại, thăm cảnh Florida trong thời gian cô ở đây. Nhớ chứ? Các làng người da đỏ, người lặn hái bọt biển, và nếu có dịp thì xuống thăm Dải san hô".
Thân ái
N.B
Và khi tôi đọc xong lá thư, người phục vụ lái chiếc xe Chevrolet mui trần màu kem mới tinh đỗ cạnh chỗ chúng tôi.
"Ôi, tuyệt quá", Donna thốt lên.
Ông Courtenay nói: "N.B, cô biết đó, chính là ông Brangwyn. Thấy cô cần có phương tiện đi lại trong thời gian cô ở đây với chúng tôi, ông ấy đã thuê chiếc xe nhỏ này để cô sử dụng. N.B là một người rất chu đáo, tôi nghĩ đó là một cử chỉ dễ thương".
"Cho Carol! Của ông Brangwyn?" Donna gần như không tin vào mắt mình nữa. "Ôi, ông Courtenay, tôi chưa bao giờ thấy việc gì đáng yêu hơn thế này".
"Tôi biết ông N.B từ nhiều năm nay", ông Courtenay nói tiếp. "Tôi luôn thấy ông ta là người hào phóng. Cực kỳ hào phóng".
Donna nói như hét lên: "Đó là chiếc Impala đấy Carol ạ. Cậu đã bao giờ thấy thứ gì đẹp hơn không?"
Chiếc xe đẹp đến mức làm tôi muốn khóc. Đệm xe màu kem viền đỏ, bảng đồng hồ bọc da đỏ, lốp viền trắng, còn trái tim ông Brangwyn buộc trong chiếc lẵng hoa ông gửi tặng. Giá nó có là kiểu T Ford, tôi vẫn cứ muốn khóc như thường.
"Cậu thật là số đỏ", Donna bảo.
"Thế nào, cô Thompson", ông Courtenay hỏi.
"Tôi không dám nhận"
"Cậu bảo sao?", Donna cao giọng hỏi lại
"Tôi không thể nhận được. Xin lỗi ông Courtenay, tôi không thể nhận chiếc xe này được".
Donna bảo: "Carol,thật tình..."
Một nhân viên phục vụ gọi to: "Thưa ông Courtenay, ông có điện thoại ạ". Ông Courtenay lịch sự cáo lỗi rồi đi.
"Đồ ngốc", Donna bảo tôi.
Tôi nói: "Này Donna, cậu chưa phải qua những chuyện mà mình đã qua. Donna, trong đời tớ chưa bao giờ phải làm một việc như thế này. Tớ chưa bao giờ nhận quà của người chưa quen, bởi vì tớ cảm thấy mình sẽ là đứa đào mỏ tồi tệ nhất".
"Này, đầu óc cậu chỉ toàn là bã đậu"
Ông Courtenay trở lại và nói: "Thưa các cô, tôi e rằng tôi phải trở lại khách sạn giải quyết vài việc. Tôi hy vọng gặp lại các cô sau". Ông ta mỉm cười với tôi, vẻ hết sức lạnh nhạt và nói thêm: "Cô Thompson, xin cô đừng sợ. Không có điều kiện ràng buộc gì đâu. Cô có thể nhận không cần áy náy; tôi bảo đảm với cô điều đó. N.B không phải loại người như vậy.
Ông ta nhìn Donna, cười rất tươi và Donna cũng tươi cười đáp lại. Và khi ông ta đi rồi, nó quay lại tấn công tiếp: "Thật đấy Carol ạ, cậu làm tớ ngạc nhiên. Lẽ ra cậu phải thông thạo việc đời, thì cậu lại hành động cứ như một tay nhà quê chính cống".
"Donna, đừng nói với mình như thế"
"Tớ cứ nói. Hình như cậu không thấy việc thuê một chiếc xe trong một tháng cho cậu chẳng là cái quái gì đối với một người như Brangwyn. Ôi lạy Chúa, có lẽ ông ta cũng thường làm những việc như thế này, vì ông ta nghĩ cũng chỉ giống như gửi xì -gà cho bạn bè thôi. Cậu không thấy ư?"
"Không"
Donna thở dài: "Đây nhé, nếu ông ta gửi tặng cậu một chiếc đồng hồ đeo tay bằng vàng, hay một chiếc lắc bằng vàng chẳng hạn, tớ sẽ là người đầu tiên bảo cậu: "Carol, gửi trả lại đi. Nhưng cái này khác hẳn. Ông ta chỉ giúp cậu thôi. Này cậu, nếu cậu đi xe tắc-xi cùng ông ta, cậu có gân cổ không chịu khi ông ta trả tiền xe không?"
"Donna..."
"Nghe đã, đừng có bắt bẻ tớ từng chữ. Đây chỉ là cách của Brangwyn trả trước tiền xe tắc-xi cho cậu, thế thôi. Cậu nghe ông Courtenay nói chứ: không có điều kiện gì ràng buộc gì. Chỉ giống như đi tắc-xi. Chậc chậc! Chúng mình lại cần có xe đi lại. Đây là của trời cho ấy mà".
Tôi bảo: "Ồ, tất nhiên. Cậu nói nghe thì dễ lắm. Cậu chưa bị điệu ra trước ông Garrison và bà Montgomery..."
"Có ai biết đâu, Carol. Cậu thử trả lời tớ xem. Ai biết xe này là của ông Brangwyn thuê tặng cậu?"
"Không ăn thua đâu, Donna. Cậu không thuyết phục được tớ nhận xe này đâu".
Donna tức giận giẫm chân, càu nhàu và chửi thề.
"Tôi bảo: "Rất tiếc, đó là điều tớ nghĩ".
"Thôi được", nó bảo. Thôi được rồi, cậu thắng".
Chúng tôi đứng ngắm chiếc xe xinh đẹp. Tôi cũng phải thở dài. Tôi thích lái xe, mà lái xe mui trần thì đúng như là ăn sô-cô-la có kem ấy.
Donna bảo: "Carol này".
"Gì?"
"Ôi, cậu làm mình rầu thối ruột. Mình không thể bỏ nó được, chiếc xe đẹp là thế. Hay mình dùng nó đi mua đồ tối nay đi. Cậu nghĩ thế nào? Chỉ dùng một lần thôi, ra siêu thị rồi trở về"
Nó đúng là quỷ cái. Tôi không chống cự được với nó nữa. Sức kháng cự của tôi sụp đổ. Tôi nói giọng yếu ớt: "Cậu lái chứ?"
"Xong ngay".
"Chúng mình kéo cả Jurgy đi nữa, tôi bảo. "Tớ phải đi tìm cậu ấy".
"Tớ biết cái đầu bã đậu của cậu cũng còn biết đôi điều. Tớ bảo nhé: tớ sẽ lái xe ra cửa chính và đợi cậu cùng Jurgy ở đó". Cô ta gọi một nhân viên phục vụ. "Này anh, cái xe cà khổ này có xăng không đấy?"
Đang lúi húi mở nắp chiếc Mercedes, anh ta ngơ ngác nhìn và trả lời: "Có, xe vừa đổ đầy xăng đấy cô ạ".
"Cám ơn anh". Rồi Donna bảo tôi: "Đi đi, cô em, đừng phí thời gian nữa". Nó mở cửa chiếc xe Impala, miệng mỉm cười như thể đang trên đường lên thiên đường vậy".
Năm Cô Gái Trường Bay Năm Cô Gái Trường Bay - Bernard Glemer