There is no such thing as a moral or immoral book; books are well written or badly written.

Oscar Wilde, Picture of Dorian Gray, 1891

 
 
 
 
 
Tác giả: Bernard Glemer
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 946 / 7
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6 -
ôi không hiểu làm cách nào Donna có thể dậy sớm được như vậy. Có lẽ nó đã quen trong những năm phải lo toan công việc ở cái nhà trọ trên núi ấy. Nhưng đúng là tôi vừa mới thiếp đi trong cơn ác mộng được một lát, đã có ai đó lay vai tôi và gọi: "Này Carol, dậy đi". Tôi hé mắt, thấy cô nàng người New Hampshire mình trần như nhộng, cúi lom khom, vú vê rung rẩy ngay trước mặt tôi. Tôi chẳng biết có chuyện gì, nên lại nhắm mắt, cố nhớ lại số phận mình ở Tokyo. Tôi không muốn, nhưng tôi cần phải trở lại giấc mơ ấy.
Tôi hỏi: "gì thế?"
"Cậu không nhớ à? Chúng mình đi bơi. Buổi sáng tuyệt trần, dậy mà xem".
"Mấy giờ rồi?"
"5h30"
Tôi ngồi dậy và hét ầm lên: "Đồ chó cái vô lương tâm. Mãi 1h30 sáng chúng mình mới bò vào giường. Cậu định làm trò gì thế?"
"Xuỵt", Donna thì thầm. "Cậu làm mọi người thức giấc bây giờ. Nào, mặc đồ tắm vào, đừng có làu nhàu nữa. Cậu có phải một người được chọn trong số 600 người không thì bảo".
Tôi lần khỏi giường, bắt đầu rờ rẫm ngăn kéo tìm bộ đồ tắm 1 mảnh màu đen mua ở cửa hàng Lord và Taylor (đáng lẽ tôi phải đòi họ trả công quảng cáo, từ đầu đến chân tôi toàn mang đồ nhãn hiệu này). Trong trường hợp đặc biệt này, tôi tức Donna đến nỗi chẳng cần ý tứ gì mà tụt luôn quần áo ngủ và thay sang đồ tắm. Donna thốt lên: "Carol này, người cậu đẹp ghê".
Tôi nhăn nhó: "Thì sao?"
"Khiếp, buổi sáng cậu xấu tính thế".
Giá tôi có cánh tay như của Jurgy, tôi đã táng cho nó một chưởng.
Bộ đồ tắm của Donna khác kiểu của tôi. Nó gồm 2 mảnh bằng xa-tanh trắng, trông hở hang đến mức Lord và Taylor chắc thà chết còn hơn có nó trong quầy, dù là bán chui đi nữa.
Tôi bảo: "Hừ, để xem ông Garrison sẽ nói thế nào khi thấy cậu mặc bộ đồ tắm này".
Chúng tôi khoác áo choàng rồi đi ra. Tối qua đã có người phát hiện ra chiếc thang máy tự điều khiển dùng cho những người đi bơi như chúng tôi. Thang máy chính có người điều khiển đưa bạn xuống cửa chính, ở đó bạn phải diễu qua những đám đàn ông mắt tròn mắt dẹt, còn chiếc thang máy đặc biệt này đưa bạn xuống một phòng tắm rộng có cửa sổ mở ra bể bơi và bãi biển.
Từ thang máy, chúng tôi ra thẳng bãi biển. Trời đẹp vô cùng, làm bao nỗi bực tức của tôi tan biến ngay. Xung quanh không một bóng người, mới tang tảng sáng, bầu trời xanh trong pha ánh hồng, mặt biển một màu xanh nhạt phẳng như gương, làm chúng tôi thấy mình như lạc vào một thế giới hoàn toàn mới mẻ.
"Đẹp hết chỗ nói", Donna thốt lên.
"Đúng là thiên đường".
Chúng tôi lao xuống nước, nhưng đột nhiên một ý nghĩ làm tôi sững lại, ý nghĩ thường có ở một Thompson biết tuân thủ luật pháp. Tôi vội bảo: "Lạy Chúa. Donna, chúng mình không được phép tắm khi không có nhân viên cứu trợ làm nhiệm vụ".
"Carol, tớ thề là không thể nào hiểu nổi đầu óc cậu nữa. Kiếm đâu ra nhân viên cứu trợ làm nhiệm vụ vào giờ này chứ?"
"Vấn đề ở chỗ là không có họ chứ còn gì nữa"
"Tớ biết không có họ và cái hay là ở chỗ ấy. Bọn mình khỏi phải lo bị lũ khỉ đột lông lá nhìn trộm. Tớ chẳng cần mặc đồ tắm nữa, tớ thích tắm truồng trên biển".
"Donna, một vừa hai phải thôi chứ..."
Nó cởi mảnh trên đưa cho tôi. "Này cầm lấy", và định tụt nốt mảnh dưới, thì tôi ngăn lại. "Không được cởi nữa, Donna". Chắc giọng tôi nghe có vẻ đáng sợ nên nó lại kéo lên, mỉm cười và bảo: "Thôi được, cậu có tắm không?"
"Mình chẳng còn cách nào khác khi cậu tồng ngồng như thế. Tốt nhất là mình ngồi trên bờ đề phòng có ai tới".
"Đồ ngốc".
Nói xong Donna ào xuống nước, lội mãi cho đến khi nước ngập thắt lưng rồi lặn rất khéo, nước không bắn một giọt, và trồi lên cách đó khoảng 10m. Đúng là một tay bơi thiện nghệ.
*
"Chào các cô", cô Webley ngọt ngào nói trong khi chúng tôi cố vặn vẹo người cho vừa những cái gông bằng sắt nghẹt thở mà người ta gọi là bàn liền ghế.
"Chào cô Webley", chúng tôi đồng thanh đáp.
Sáng nay trông cô lại càng giống thiên thần. Cô mặc bộ đồ lụa màu xám, cổ và măng-set màu trắng rất đẹp. Mắt cô xanh, long lanh vẻ ngây thơ, hai má lúm đồng tiền trông rất rõ. Có điều lạ là, tôi cũng đã lăn lộn nhiều, nên đủ hiểu những phụ nữ mắt xanh thơ ngây, má lúm đồng tiền, cổ trắng và măng-set trắng. Bạn không tin cậy được họ đến 1 insơ, hoặc bằng khoảng cách bạn quẳng một con voi (không biết cái nào dài hơn). Nhưng ngước nhìn cô Webley, tôi mềm cả người. Cô thật đáng chiêm ngưỡng.
"Nào", cô hỏi. "Trong số các cô có ai bị gù không?"
Không ai giơ tay.
Cô liền nói: "Tôi nghĩ chúng ta nên dành ít phút nói với nhau về chuyện đi đứng và ăn mặc. Từ đây trở đi, không ai được phép so vai thụt cổ nữa. Đi, lưng phải thẳng, đầu ngẩng cao, ngực ưỡn. Ngồi, lưng thẳng, ngực ưỡn ra và đầu gối chụm lại". Cô Webley nói say sưa: "Các cô đừng đi với vẻ bị săn đuổi trong mắt. Tôi muốn các cô đi với vẻ chính xác mình đi đâu, hơn nữa, biết chính xác mình sẽ làm gì khi đến đó. Rõ chứ?"
19 cô khác có thể hiểu rõ, nhưng với tôi, đây là điều hoàn toàn mới mẻ, và tôi cần một chút thời gian để suy nghĩ về nó. Suốt đời, cho tới lúc này, tôi vẫn đi như người bị quáng, vì vậy tôi không dám chắc một sớm một chiều có thể sửa được dáng đi như cô Webley đòi hỏi.
Cô Webley nói tiếp: "Bây giờ tới chuyện ăn mặc. Bản thân vấn đề này đã là một chủ đề đặc biệt, sau này chúng ta sẽ nghiên cứu kỹ. Việc cần làm ngay bây giờ là bộ tóc của các cô. Tự các cô cũng hiểu tại sao, tôi nghĩ không cần phải giải thích dài dòng. Các cô thử hình dung mình đang ở trên một máy bay chở khách phản lực mới của hãng. Các cô sẽ phải luôn chân luôn tay bận rộn, phục vụ đồ ăn thức uống, và đương nhiên là phải chuẩn bị trước trong khoang nhà bếp. Hành khách hết người này đến người kia gọi các cô, chưa kể cơ trưởng và phi hành đoàn, v...v.. mà các cô thì không có thời gian để cứ nửa giờ lại chạy vào nhà vệ sinh nữ sửa sang đầu tóc. Không có chuyện đó, các cô ạ. Các cô phải để kiểu tóc sao cho gọn gàng. Hơn nữa, theo quy định, các cô phải giữ nguyên mầu tóc của mình, tức là không được hồ, tẩy hoặc nhuộm tóc. Đồng thời tóc phải cắt ngắn trên cổ áo đồng phục .
Cô dừng lời, đợi cho tiếng rì rầm lặng hẳn mới nói tiếp: "Đấy là tôi mới nói sơ qua như vậy. Khi chúng ta nghiên cứu chi tiết vấn đề này, chúng ta sẽ chọn kiểu tóc hợp nhất với từng người. Còn bây giờ, tôi e rằng ngay tối nay, một số cô sẽ phải tới hiệu làm đầu".
Cô mỉm cười ra vẻ thông cảm, rồi băt đầu nhìn các cô ngồi ở hàng đầu. Một trong hai cô gái người Pháp ngồi ở đó, tóc hung hình đuôi ngựa rất đẹp. "Tóc đuôi ngựa không được, Suzanne ạ".
"Nhưng..."
Cô Webley quay sang cô gái người Pháp kia mà chắc là một chuyên gia tỉa lông chó xù đã cắt tóc cho cô: "Tôi nghĩ cô cần tỉa mỏng bớt đi, Jacqueline ạ".
"Nhưng..."
Rồi cô tiếp tục xuống các dãy bàn sau, cho đến khi cô tới bàn chúng tôi. Trong số 15 cô đầu, chỉ có 3 cô là thoát.
Cô nhìn mái tóc đỏ hoe, lượn sóng của Donna và nhẹ nhàng hỏi: "Màu tóc tự nhiên đấy à?"
"Vâng, thưa cô Webley".
"Đẹp quá, nhưng rất tiếc đằng sau quá dài, phía trước quá rậm. Tối nay cô cắt bớt, được chứ?"
"Nhưng..."
Cô quay sang tôi: "Carol, cắt".
Tôi không kịp mở miệng. Cô chuyển sang Alma, nhìn mái tóc xoăn đen bóng loà xoà của nó, rồi thốt lên: "Ôi, lạy Chúa".
Alma cười ỏn ẻn và nói: "Tóc thật đấy, thưa cô Webley. Nó dài xuống tận lưng".
"Alma..."
"Vâng. Ở Ý, đàn bà đoan trang phải để tóc như thế này".
"Rất tiếc, Alma..."
"Vâng. Ở Ý, đàn ông bảo phụ nữ phải để tóc như thế".
"Alma, cô thấy đấy, quy định..."
"A! Quy định ấy không dành cho con gái Ý. Cho con gái Mỹ thì được, cho con gái Pháp cũng được, vì tóc họ trông phát khiếp lên. Cho các loại con gái khác được,nhưng với con gái Ý thì không".
Cô Webley bình tĩnh nói: "Có thể cô nói đúng, Alma. Tôi sẽ xin ý kiến ông giám đốc".
"Vâng,"Alma đáp. "Ông ta nhạy cảm, ông ta sẽ hiểu".
Cô Webley trở lại bàn.
Donna bực tức nói thầm với tôi: "Lạy Chúa, ở đây còn tồi tệ hơn trong quân đội. Thế quái nào mà họ lại không ra lệnh cạo trọc đầu rồi phát mũ đội cho rồi".
"Nào", cô Webley nói. "Hãy nói một chút về giữ gìn vệ sinh. Các cô, tôi không cần phải bảo các cô về tầm quan trọng của việc vệ sinh thân thể..."
Cô lại phải ngừng lời vì Betty, cô gái đeo kính làm ở văn phòng ông Garrison bước vào. Betty trịnh trọng đến đưa cho cô Webley tờ giấy gấp tư. Tôi vớ vẩn tự hỏi lần này ai là kẻ xấu số bị điệu lên trước đấng tối cao, và vì lý do gi? Mỉm cười với người gác cửa khách sạn Charleroi chăng?
Cô Webley gọi: "Carol Thompson".
Tôi không tin tai mình nữa. Ồ, không! Không phải Mặt Bùn! Không thể có chuyện đó được. Mà tôi đã làm gì chứ? Trên đời này không còn công lý nữa sao? Tim tôi bắt đầu đập như trống làng vì hiểu rằng tôi không thể bị điệu lên gặp ông Garrison hai lần liền mà lại thoát không bị trừng phạt.
Tôi đứng dậy, người run như tàu lá.
Cô Webley bảo: "Cô lên gặp bác sĩ Duer. Betty sẽ đưa cô đi".
Tôi nói: "Thưa cô Webley, hôm qua em đã kiểm tra sức khoẻ tại văn phòng bác sĩ Schwartz".
"Ồ, không. Đây là việc hoàn toàn khác". Rồi cô giải thích với cả lớp: "Các cô, bác sĩ Duer là nhà tâm thần học biệt phái tại trường này. Ông ấy sẽ lần lượt nói chuyện với các cô. Carol, mời cô cùng đi với Betty. Đừng để bác sĩ Duer phải đợi".
Tôi nghĩ thầm: "Lạy Chúa, thế là hết. Bác sĩ tâm thần! Không biết họ còn bày đặt gì nữa đây?".
Ông ta chính là người đeo kính gọng sừng mà tôi đã 3 lần thấy đi cùng với ông Garrison. Betty để tôi đứng ngoài cửa văn phòng rồi đi. Khi gõ cửa, tôi không hề biết mình sẽ gặp ai. Nhưng rồi cửa mở, ông ta đứng đó trong bộ com-lê màu xanh gọn gàng, trông vừa trang trọng mà lại vừa giận dữ, vẻ thân mật nhưng người vẫn như còn đang nhiễm điện. "Chào cô Thompson, rất vui lòng được gặp cô. Xin mời vào". Ông ta khép cửa, ra hiệu mời tôi ngồi xuống một chiếc ghế mềm bọc da rồi bảo: "Xin cô cứ tự nhiên. Cô hút thuốc chứ?"
Tôi nghĩ thầm: lại thuốc. Hừm. Tôi nên hay không nên hút? Ông này không phải là người bình thường đâu. Ông ta là bác sĩ tâm thần đấy, phải cẩn thận.
Nhưng rồi tôi nghĩ: "Kệ, muốn ra sao thì ra. Nếu tôi đủ khôn lớn để kiểm tra tâm thần, tôi cũng đủ khôn lớn để hút thuốc chứ. Tôi đáp: "Xin ông một điếu, cám ơn".
"Mời cô", ông ta nói, đưa tôi một điếu thuốc Kent và châm lửa cho tôi. Xong xuôi đâu đấy, ông ngồi vào ghế sau bàn và nhìn tôi. Tôi cũng nhìn thẳng vào mắt ông, không hề sợ hãi, giống như cách ta nhìn con rắn chuông nếu gặp trên đường.
Có điều là trong mấy ngày qua, tôi đã bị chính những người tôi cho là đáng tin cậy chơi cho mấy vố liền. Ông Garrison tử tế, nhã nhặn là thế, mà cuối cùng đã làm đổ vỡ lòng tin của tôi vào bản chất của con người. Rồi bác sĩ Schwart tốt bụng và đáng yêu là vậy mà vẫn cứ báo cáo chuyện Jurgy có thai cách đây cả tỷ năm. Ngay cả cô Webley của chúng tôi, trông thì ai cũng nghĩ rằng đến bơ cũng không tan chảy trong miệng cô, thế mà cũng đã làm chúng tôi sợ hết vía. Và bây giờ ông ta, người cùng một giuộc. Ông ta tử tế ư? Lạy Chúa, còn hơn thế nữa. Tôi như muốn chết luôn khi ông ta bắt đầu nói, giọng thân tình, dễ dãi. Người ông vừa phải, không quá béo hay quá gầy, các nét khác cũng vừa phải, chỉ trừ cặp mắt xám với hàng mi đen (không chỉ đen, mà còn dày và cong như của Liz Taylor. Tôi nghĩ ông ta trạc 30 hay 32 gì đó, và nhìn chung thuộc loại trí thức dễ mến mà ta vẫn thường hay gặp trong thời buổi này. Rất có duyên, đúng thế. Mẹ tôi chắc sẽ ngưỡng mộ ông lắm. Vì vậy tôi ngồi rít thuốc nhìn thẳng mắt ông không hề sợ hãi.
Ông cất giọng nhẹ nhàng: "Ta sẽ nói chuyện chơi với nhau, để tôi hiểu thêm về cô. nhẹ nhàng thôi. Cô thấy lớp học thế nào?"
Tôi nói rõ là mới vào lớp được hơn một tiếng, nếu nhận xét về lớp thế nào thì hơi sớm.
"Đúng thế", ông ta nói, mắt nhìn tờ giấy trên bàn. Tôi nhận ra lá đơn xin học, trong đó có ghi chi tiết về đời tôi. Ông ta nói tiếp: "Theo chỗ tôi hiểu, cha cô là ông Greg Thompson, người viết nhiều sách hướng dẫn du lịch?"
Tôi không ghi điều đó trong đơn, chắc là ông Garrison đã thêm vào sau lần gặp trước. Tôi đáp: "Thưa ông, đúng vậy".
"Cô hay đi cùng với cha cô?"
"Vâng"
"Mấy năm trước tôi có đọc cuốn sách cha cô viết về Brazil. Tôi nghĩ cuốn sách rất tuyệt. Cô cũng đến Brazil cùng với cha cô chứ?"
"Thưa không. Brazil là nơi cha tôi mất".
"Cô thích đi du lịch".
Đó không phải là câu hỏi, mà là câu khẳng định. Tôi trả lời: "Vâng".
"Và tất nhiên là khi cô làm cho Hãng hàng không quốc tế Magna, cô sẽ có dịp đi du lịch rất nhiều".
Lại một câu ở thể khẳng định và cũng không phải là mới. "Tôi hy vọng là vậy".
"Tôi hỏi cô việc này, cô Thompson. Vào ngày cô đến đây hôm thứ Hai, ở sân bay Tokyo đã xảy ra một tai nạn máy bay. Tôi nghĩ cô có nghe chuyện ấy".
Ông ta chuyển hướng câu chuyện nhanh đến nỗi làm tôi ngỡ ngàng. "Thưa ông, tôi có nghe".
"Nghe thế cô có sợ không?"
Ông ta vẫn nhìn tôi thân thiện, còn tôi thấy sợ ông ta. Ông ta như có phép thần mà các nhà tâm thần học thường có, có lẽ ông đọc được suy nghĩ của tôi, nên đừng hòng mà giấu ông sự thật. Vì vậy, tôi đáp: "Thưa bác sĩ Duer, tôi nghĩ là mình cũng có hơi sợ".
"Ồ"
Ông không hỏi tôi sợ đến mức nào và tại sao sợ. Ông chờ tôi tự nói ra.
Tôi nói: "Tôi không có ý nói nó làm tôi sợ. Tôi chỉ mơ về nó, thế thôi".
"Cô nhớ những giấc mơ đó chứ?"
"Thưa ông, tôi mơ linh tinh lắm. Tôi đang ở trong máy bay, và cùng lúc lại ở ngoài - chắc ông cũng hiểu những chuyện kiểu đó".
"Cô làm gì bên ngoài máy bay?"
"Tôi nhìn. Chẳng hay lắm".
"Còn ở trong máy bay?"
"Chuyện ngốc nghếch, thưa ông. Tôi phát dù và bảo mọi người đeo vào".
Lần này đến lượt ông ta ngỡ ngàng: "Máy bay chở khách không có dù".
"Tôi biết, vì thế tôi đã nói là chuyện ngốc nghếch"
Ông nhìn tôi một lát, rồi nói: "Đừng lo lắng về những giấc mơ ấy. Trên đường tới đây, cô đã bị ức chế thần kinh, tất nhiên nó in đậm trong tiềm thức". Rồi như vẻ vô tình, ông nói thêm: "À, mà tôi cũng ở khách sạn Charleroi".
"Thế ạ?". Đó là chuyện ngoài lề, nên tôi cũng hỏi lại theo tinh thần ấy.
"Vâng, tôi ở tầng 12, phòng 1208".
Nếu ông ta muốn nói chuyện phiếm, tôi sẵn sàng chiều. Tôi bảo: "À, thế là ngay dưới tầng của chúng tôi. Ông biết đấy, họ không có tầng 13, vì tầng 13 bị coi là con số không may mắn".
"Tôi biết", ông ta nói. "Lúc gần 6h sáng, cô và bạn cô làm gì ngoài bãi biển?"
Tôi rúm người. Ra thế đấy. Tôi vừa lơ đãng có 1 giây là ông ta đã cắm ngập nanh vuốt vào rồi. Tôi không trách được ai, mà phải tự trách mình.
"Ngoài bãi biển?" tôi hỏi giọng yếu ớt.
"Tôi thường dậy sớm, cô Thompson ạ. Tôi nhìn qua cửa sổ thì thấy các cô. Người đi cùng với cô là ai thế?"
"Người đi cùng với tôi?", tôi hỏi lại. "Tôi với người nào đó? Ồ phải, cô ta là người tôi gặp trong khách sạn. Một cô gái".
"Donna Steward?"
"Steward?", tôi nhắc lại, giọng thảng thốt. "Steward?"
"Ấy, bình tĩnh nào", ông ta bảo. "Tôi không tố cô đâu mà sợ".
Tôi ngồi ngây người, suýt khóc. "Hãy bình tĩnh". Tôi làm thế nào mà bình tĩnh được. Người tôi run lên trong nỗi hối tiếc. Điều tồi tệ nhất là tôi bắt đầu cảm thấy mến ông ta, bởi vì trông ông ra dáng tu mi nam tử, tử tế và thông minh, và tôi không phải không muốn ông ta cũng thích mình. Thế nhưng ông ta ngồi đó, nhìn tôi dò xét, cứ như tôi là đứa trẻ, mà lại là trẻ vị thành niên có vấn đề. Thật không có gì tổn thương niềm kiêu hãnh của đàn bà hơn thế.
Ông ta tiếp tục: "Cô biết không, sáng nay các cô thật là dại dột. Các cô có thể gặp chuyện rất rắc rối. Có điều trong trường hợp này, cô hoàn toàn vô can. Cô không xuống tắm. Cái gì đã giữ cô lại?"
"Thưa ông, tôi cũng chẳng biết nữa".
"Cô có thể bảo cô ấy rằng cứ cởi trần mà bơi như vậy sẽ có ngày gặp nạn đấy".
"Ôi, lạy Chúa", tôi thốt lên. "Ông cũng nhìn thấy?"
"Tất nhiên. Chẳng lẽ cô và Donna nghĩ các cô là người vô hình sao?"
Tôi nói cứng: "Bác sĩ Duer, cô ấy không trần truồng".
"Thế cũng là trần truồng. Riêng tôi thấy chẳng sao, nhưng bà Montgomery chắc sẽ không hài lòng".
Đến đây lại im lặng, mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng của mình. Tôi có cảm giác dần dật khó tả, như thể ông ta thấy Donna ở trần và cũng đã thấy tôi ở trần. Nghe vô lý, nhưng tôi hình dung đó là cảm giác ta luôn có khi đối diện với một ông bác sĩ tâm thần.
Cuối cùng ông ta bảo: "Carol, tôi không muốn giữ cô thêm vì cô còn bận học. Tôi chỉ muốn nói với cô một phút nữa thôi. Cô hút thuốc nữa đi".
Tôi từ chối, nhưng rồi vì tâm thần đang bất định nên lại nhận điếu thuốc. Ông đi vòng qua bàn châm thuốc cho tôi, và tôi cũng cảm nhận được hai bàn tay, người ông và đôi mắt xanh ranh ma với hàng mi đen cong dài đang kề sát bên tôi. Ông Trời ăn ở không cân, ai lại để người có cặp mắt quỷ sứ như vậy. Rồi như muốn làm cho tình hình xấu thêm, ông ta trở lại bàn và bỏ cặp kính ra. Trời đất, mắt ông mới đáng sợ làm sao.
Ông ta nói: "Tôi không muốn lên mặt dạy đời, cô đã đủ khôn lớn không cần phải lên lớp nữa. Tôi chỉ muốn giải thích thái độ của chúng tôi ở trường này. Giải thích logic của vấn đề". Ông ta nuốt nước bọt. "Có lẽ cô cho là quá khắt khe, quá nhiều quy định, quá nhiều cấm đoán; song chẳng có gì khó hiểu về vấn đề đó. Hết sức đơn giản".
Trong khi nói, ông không nhìn tôi, còn tôi cũng không nhìn ông. Tôi quan sát hai bàn tay ông, chúng rám nắng và gân guốc.
Ông nói tiếp: "Trước hết, tôi phải nói với cô điều này. Bà Montgomery và ông Garrison cả đời đã gắn bó với hãng hàng không này. Khi kiểm tra một cô gái, họ biết chính xác họ cần gì ở cô ta. Song một, thậm chí hai hoặc ba cuộc kiểm tra cũng chưa đủ. Chúng tôi có thể vẫn bị nhầm. Và một khi chúng tôi biết mình nhầm, không còn cách nào khác hơn là gửi trả cô gái về nhà".
Tim tôi lại bắt đầu đập thình thịch
Ông ta lại nói tiếp, tránh nhìn tôi: "Rắc rối là ở chỗ chúng tôi đòi hỏi ở các cô gái nhiều hơn những điều chúng tôi nghĩ là có thể được. Chúng tôi hiểu điều đó, luôn bị giằng xé về chuyện đó. Thế nhưng chúng tôi không thể làm khác được, buộc lòng phải có những đòi hỏi khắt khe này; và trong thực tế, nó ngày càng mạnh mẽ hơn."
Ông ta nhìn tôi, vẻ chân tình và tôi chợt nghĩ: "bây giờ mới bắt đầu đây".
"Cô hãy đặt mình vào vị trí của chúng tôi xem", ông ta nói.
Tôi biết tỏng cái lối đó. Ông Lefebvre cũng nói đúng như vậy khi ông chuẩn bị cho tôi nghỉ làm ở phòng tranh trên phố 57.
Ông tiếp tục: "Khoan hãy nói đến tương lai, ta hãy nói về hiện tại đã. Máy bay của chúng ta bay với tốc độ hơn 600 dặm một giờ, ở độ cao khoảng 6 dặm. Cô biết một máy bay phản lực chở khách giá bao nhiêu không? Cô thử đoán xem".
"Hai triệu đôla".
"Vẫn thấp lắm. Gần sáu triệu đôla"
"Khiếp thế" tôi thốt lên. Không hiểu ông ta định nói chuyện ấy làm gì.
"Cô biết máy bay chở được bao nhiêu người không?"
"Hơn một trăm"
"Đúng. Vì vậy một máy bay đang bay là cả một sự đầu tư lớn về tiền bạc cũng như sinh mạng con người.
"Vâng"
"Thôi được", ông ta bảo. "Tôi đã nói cô đặt mình vào địa vị chúng tôi xem. Và chắc chắn cô sẽ phải làm việc này: cô có nhiệm vụ lựa chọn 4 cô, chỉ 4 thôi, chịu hoàn toàn trách nhiệm về tất cả mọi chuyện trong cabin của chiếc máy bay 6 triệu đôla, chở hơn 100 hành khách, bay với tốc độ hơn 600 dặm một giờ ở độ cao 6 dặm ấy. Bốn cô gái này phải chịu trách nhiệm chăm nom, săn sóc toàn bộ hành khách, từ việc ăn uống đến việc nghỉ ngơi và cả sự an toàn của họ trong trường hợp khẩn cấp. Cô hình dung ra rồi chứ?"
"Vâng", tôi đáp, cảm thấy ông ta như vừa dùng gậy bóng chày nện vào đầu tôi".
Ông hỏi tiếp:"Cô sẽ lựa chọn 4 cô này hết sức cẩn thận chứ?"
"Vâng, thưa ông"
"Bây giờ cô hiểu tại sao chúng tôi lại đòi hỏi quá cao như vậy rồi chứ?"
Mặt ông ta lại trở nên tư lự: "Đó là hiện tại, còn tương lai lại là chuyện khác. Nhiều lúc tôi nghĩ chúng ta phải đợi trong khi chúng ta lai tạo một giống người hoàn toàn mới".
Tôi thu hết can đảm nói với ông: "Bác sĩ Duer, tại sao ông lại kể với tôi chuyện này?"
"Tôi nghĩ cô nên biết".
"Thưa, có phải ông cảm thấy tôi không thể đáp ứng được những đòi hỏi của các ông không? Ông sẽ trả tôi về nhà chứ gì?"
Ông ta nhìn tôi, vẻ nghiêm trang và tôi cũng nhìn thẳng vào mắt ông, nhưng lần này như nhìn một con người. Và tôi bỗng ngạc nhiên nhận thấy giữa tôi và ông ta có một sự giao cảm nào đó, từ cơ thể ông truyền qua tôi, và từ tôi truyền qua ông, nghe ấm áp, rạo rực lạ lạ mà vẫn cảm nhận được. Tự tôi tôi biết, và biết ông cũng thấy thế, vì ông đứng dậy, đeo kính vào (cố giấu ánh mắt có sức công phá ghê gớm ấy) và nói vội vàng: "Chúng tôi không có ý định trả cô về nhà. Tôi chỉ muốn cô giải thích tình thế của chúng tôi, tại sao chúng tôi phải khe khắt đến vậy. Thế thôi."
"Tôi hiểu. Cám ơn ông".
Ông vẫn nói bằng giọng vội vã: "Xin lỗi đã giữ cô quá lâu. Nếu cô có vấn đề gì, xin cứ cho tôi biết, đừng ngại. Hàng ngày tôi đều có mặt ở văn phòng này, còn hầu hết các buổi tối là ở phòng 1208 trong khách sạn. Cô có thể gọi điện cho tôi ở đó".
Ông đưa tôi ra tận cửa, có vẻ buồn bực như thế nào ấy. tôi không buồn bực, nhưng hết sức kinh ngạc là cho tới lúc này, tôi chưa từng trải qua kiểu điện trường kích dục như thế này bao giờ. Ông cố mỉm cười nói: "Thôi, tạm biệt cô nhé". Tôi ngước mắt, nhìn cặp mắt, làn môi của ông và thầm nghĩ: "lạy Chúa, ông ta là một người tuyệt diệu". Rồi chúng tôi chia tay.
Năm Cô Gái Trường Bay Năm Cô Gái Trường Bay - Bernard Glemer