Reading means borrowing.

Georg Christoph Lichtenberg, Aphorisms

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 4
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 870 / 1
Cập nhật: 2015-07-17 09:55:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
ôi biết rồi! Tôi biết từ đâu mà có tấm lịch rồi! Không phải ba tôi mua. Tôi thừa biết rằng ba tôi không bao giờ xài tiền vào việc mua lịch trong khi chị em tôi chưa đứa nào có áo tết, giày tết. Sự khám phá của tôi đi kèm với sự chua xót. Giá mà sáng nay cô giáo Việt văn đừng bảo tôi đi mua một tấm lịch để treo trong lớp học thì tôi đâu đã biết sự việc này. Giá tôi đi đến một nhà in khác. Giá tôi bị kẹt xe… Bao nhiêu chữ “giá, nếu” làm tôi ứa nước mắt. Tôi là đứa con gái thiếu can đảm phải không? Tôi sợ thấy sự thật chăng? “Sự thật”, chính là cảnh ba tôi vác trên vai từng bao lịch nặng trĩu, hết bao này đến bao khác để đem từ nhà in ra xe. Thân người ba tôi như bị đè thấp xuống vì sức nặng của bao hàng. Ba tôi ốm hơn xưa rất nhiều – giờ này tôi mới nhận thấy. Ba tôi đã thức bao nhiêu đêm để suy nghĩ về cuộc đời? Ba tôi đã ngưng làm thư ký ‎ở trường học mới từ khi nào? Ở trong nhà in này, ba tôi được gọi là “chức” gì khi mà luôn luôn phải vác hàng trên vai? Tôi mở to mắt đứng sựng trong sân nhà in, nhìn ba tôi như nhìn một kẻ lạ. Tôi chỉ nói được một tiếng:
- Ba!...
Và chờ đợi ba tôi mở lời. Ba tôi hơi chùn chân khi thấy tôi. Và rồi ba tôi hỏi:
- Con đi đâu vậy, Tú?
- Dạ, con đi mua lịch cho lớp…
- Vào mua đi! Rồi về lớp học ngay nghen!
- Dạ…
Tôi làm như một cái máy. Khi tôi bước xuống bậc thềm để ra về, tôi gặp lại ba tôi. Ba tôi kêu:
- Tú! Ba dặn nè…
- Dạ???
- Đừng nói cho má biết ba làm ở đây nghen!
Đôi mắt ba tôi trở nên tha thiết và hơi long lanh. Giọng ba nhỏ lại:
- Tối nay ba sẽ nói chuyện với con. Bây giờ về đi!
Tôi không có can đảm đứng nhìn ba tôi lâu hơn nữa. Tôi dắt xe đi. Và khi biết mình đã ra khỏi nhà in một đỗi xa, tôi mới đứng dừng lại trước một hàng rào dâm bụt, và tôi khóc ngon lành.
**
Không biết là bao lâu, từ lúc tôi khóc cho đến khi tôi nghe tiếng nói của một ai cất lên bên cạnh. Tôi cảm thấy như có người nhìn mình và muốn hỏi han mình. Tôi cũng nhận ra rằng khóc ngoài đường là kỳ khôi lắm. Nên tôi cắn môi nín khóc. Có một đôi mắt đang nhìn tôi. Đôi mắt không xa lạ nhưng ngây dại lơ láo – đôi mắt của thằng nhỏ bán cà rem trên con đường đi học của tôi. Nó nói gì với tôi những lời không rõ. Đúng ra là nó đang ú ớ như một người câm. Tôi trố mắt nhìn nó. Trong câu nói lạ lùng của nó, tôi nghe được những chữ mơ hồ:
- Sao… khóc… vậy?
Nếu một người khác hỏi tôi như thế chắc tôi sẽ ngượng ngùng lắm. Nhưng trước mặt tôi là thằng nhỏ này, tôi lại không cảm thấy chút nào e ngại, dù nó trông trạc bằng tuổi tôi và nó lại là con trai nữa… Tôi chùi nước mắt. Bỗng nhiên tôi cười với nó một nụ thật gượng nhưng cũng thật chân thành. Nó chưa nghe tôi trả lời, và nó hỏi tiếp:
- Ai… bắt nạt… hả?
Tôi lắc đầu và nghe cổ họng nghẹn thắt. Giá tôi bị một kẻ xa lạ bắt nạt chắc tôi chưa khổ sở bằng như thế này. Tôi phải trông thấy ba tôi oằn lưng vác lịch, và tôi phải giấu giếm những gì tôi đã thấy. Nếu có ai an ủi tôi bằng câu “nghề nào cũng là nghề đẹp cả, chỉ có người xấu thôi”, chắc tôi sẽ tức tối lắm. Có ai đã cảm nhận được sự xót xa của một đứa con gái khi nhìn thấy cha nó lam lũ khổ cực chưa nhỉ? Nghề lao động không xấu nhưng ba tôi không có đủ sức khỏe để làm như thế. Tôi muốn quên mất cái nhà in kia, quên luôn cảnh ba tôi vác lịch trên vai, mà tưởng tượng giờ này ba tôi đang ngồi làm việc trong văn phòng của trường học cũ.
Tôi nhìn thằng nhỏ. Nó vẫn đứng trong cái thế của một người mất thăng bằng. Tôi hồ như đã quen với cái hình vóc đáng thương của nó, khi tôi ngày ngày đạp xe đi học thấy nó bán cà rem bên đường. Nhưng bây giờ tôi lại cảm thấy tội nghiệp nó hơn. Tôi thấy nó cùng lúc với sự khổ ải của cuộc đời. Tại sao nó vẫn sống được với tấm hình hài tàn tạ này? Tại sao nó vẫn làm việc được bằng một tay độc nhất? Nó có buồn không, khi mỗi phút mỗi giây nó đều nhìn thấy sự khiếm khuyết trên thân thể nó? Nó có cảm thấy tủi thân khi biết rằng nhiều đứa bé – đôi khi cả người lớn – đã sợ hãi nó, khi nó lắc lư khúc tay không quá một tấc của nó để mời mua cà rem? Tôi còn nhỏ tuổi quá, chưa thấy được nhiều cảnh khổ của cuộc đời, nên tôi thấy thằng nhỏ này đã là thảm thê quá đỗi. Bỗng nhiên, trong một thoáng, tôi có ý nghĩ rằng mình hèn nhát. Tôi chưa bằng một góc của thằng nhỏ này. Tôi chưa làm được việc gì để giúp ba má tôi, và tôi đã khóc khi chạm phải một thực tế không như ý.
Thằng nhỏ bây giờ mở nắp thùng kem, chỉ vào đó, nói:
- Gần hết rồi. Mua hông?
Tôi su‎ýt bật cười. Nó muốn dụ tôi ăn cà rem sau khi tôi khóc. Nhưng tôi lại gật đầu. Tôi có ý nghĩ giúp nó bằng mấy chục đồng có trong túi tôi. Ít ra nó cũng đã là bạn của tôi tự nãy giờ. Tôi rút tiền ra, bỏ vào túi áo nó, như mọi người thường làm vì nó chỉ còn có một tay để ôm giữ thùng kem đeo nặng nề trước bụng. Nó nhe răng cười. Tôi bảo:
- Không ăn cà rem đâu! Cất tiền đó đem về cho…
Tôi ngập ngừng… Thằng nhỏ cười sung sướng:
- Cho em, hả?
Tôi nhíu mày, hỏi:
- Có ba má không?
- Ba má… chết… hết ráo rồi, biết hông?
Tôi trả lời theo kiểu ngây ngô như nó:
- Biết… chứ! Rồi… ở đâu?
Thằng nhỏ chỉ tay về phía trước:
- Ở đường Trương Minh Giảng, biết hông? Xa lắm à nha! Đi về nhà… eo ơi sợ lắm!...
Tôi ngạc nhiên:
- Sợ cái gì?
Nó lắc đầu:
- Đừng có hỏi, không nói đâu! Nói… rủi đứa nào nghe được thì… mất hết tiền.
Thằng nhỏ dòm trước dòm sau với điệu bộ sợ sệt. Tôi băn khoăn vô cùng. Nó sợ một đám du đãng ở xóm nó? Hay nó sợ một tên trộm thường xuyên rình rập nó? Tôi không thể đoán được ý nghĩ của nó, vì gương mặt nó – gương mặt của một đứa con trai bằng tuổi tôi kia – khờ khạo, ngu ngơ lắm. Có lẽ lúc buồn hay lúc vui, khi thảnh thơi cũng như khi lo âu, nét mặt nó cũng chỉ là một. Ở sau ánh mắt kia, tôi còn thấy như có ẩn dấu một nỗi kinh hoàng.
Nhận xét về nó làm tôi quên mất nỗi buồn của tôi. Tôi không nhớ rằng trước đó vài phút tôi đã khóc thật ngon lành bên hàng rào dâm bụt. Tôi bỗng thấy mình thật ngộ nghĩnh khi đứng nói chuyện với thằng nhỏ này. Có vài tiếng xôn xao bên tai tôi. Cả tôi và thằng nhỏ đều chú ý đến đám học sinh đầu tiên xuất hiện trên đường vắng. A, đã đến giờ tan học. Tôi giật mình. Tôi phải trở về lớp để gặp cô giáo Việt văn.
- Về nghen!
Tôi nói với thằng nhỏ như vậy. Nó nhướng đôi mắt ngây ngô nhìn tôi, và chỉ vào thùng kem, nói:
- Ăn… cà rem không?
Tôi lắc đầu. Nó lắc lư khúc tay cụt, nhe răng cười:
- Mai gặp lại, hả?
- “Ấy” nói gì?
- Mai… gặp lại… ở đây… ăn… cà… rem.
Thằng nhỏ nhấn mạnh từng chữ làm tôi buồn cười. Tôi quay lưng đi, và cười một mình. Nếu tôi mà kể cho Thùy nghe cuộc đối thoại kỳ khôi này chắc nó sẽ lăn ra cười. Tôi cắm đầu bước nhanh. Nhiều hình ảnh hiện ra, hỗn độn trong trí tôi. Tôi thấy ba tôi ôm đống lịch cứng ngắc nặng trĩu, thằng nhỏ bán kem đeo chiếc thùng kệch cỡm trước bụng. Những cảnh đó có đáng làm cho tôi buồn không? Tôi có làm gì được để thay đổi thân phận của ba tôi, của thằng nhỏ không?
Thằng nhỏ!… tôi vẫn chưa biết tên của nó là gì.
Mứt Đắng Mứt Đắng - Nguyễn Thị Mỹ Thanh