Hoài nghi là một tên phản bội, bởi nó khiến bạn sợ hãi không dám liều mình, vì thế bạn đánh mất cơ may thành công của mình.

William Shakespeare

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 4
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 870 / 1
Cập nhật: 2015-07-17 09:55:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
ôi ghét những ông văn sĩ – ít ra cũng là mấy “ông văn sĩ” mà tôi đã đọc bài của họ trong những cuốn báo nhi đồng mượn của bạn tôi. Không phải vì họ nói xạo. Tôi biết rằng muốn viết văn, người ta phải có bịa ít, hay bịa nhiều, mới có chuyện để viết. Tôi ghét họ, chỉ vì tôi không tìm thấy tôi trong văn của họ, thế thôi. Tôi thích đọc nhiều sách, nhiều báo, nhưng chưa bao giờ tôi mến được một “ông văn sĩ” nào. Tôi thấy những nhân vật của họ “đặc biệt” quá, độc đáo quá. Mà tôi thì không như vậy. Tôi không phải là một cô bé nhiều mơ mộng, suốt ngày ngậm bút làm thơ hoặc ước ao có được nhiều bánh lắm quà. Tôi không phải là một đứa học trò quá ngoan ngoãn, lễ độ và giúp đỡ mọi người luôn luôn. Tôi cũng không phải là một nhân vật nghèo rớt mồng tơi, áo quần lem luốc và chịu cực khổ như trâu. Chỉ vì vậy, chỉ vì tôi không có gì đặc biệt, nên tôi không tìm thấy tôi trong văn của người ta, và như thế… tôi không thích mấy người viết văn.
Tôi cũng ghét những ông nhạc sĩ, nhất là những ông viết nhạc cho tuổi thơ. Cũng chỉ vì tôi không mộng mơ, không chải chuốt như mấy cô bé trong bài hát. Tôi cũng có tóc dài xõa ngang vai, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đó là một dòng suối, vì suốt ngày tôi phải kẹp gọn sau gáy để làm việc với má tôi trong bếp, chỉ trừ lúc đi học tôi mới tự do mở kẹp ra. Nhưng ở lớp học của tôi, chỉ có một cái quạt trần mà suốt năm lại ù lì không chịu quay, nên hầu như tôi luôn luôn kẹp tóc lên như lúc ở nhà cho đỡ nóng. Tôi cũng có chiếc áo dài trắng nhưng tôi không ví đó là cánh bướm, mà tôi tưởng như đó là những tờ giấy bạc do ba tôi kiếm được chắp lại cho tôi mặc. Và tôi cũng có một chiếc xe đạp, nhưng không ước ao đạp đi rong chơi những chiều gió mát, mà tôi chỉ mong cho nó đừng hư, đừng gãy, để ba má tôi khỏi phải tốn tiền sửa, và… nó đừng mất để tôi không phải khóc bù lu bù loa như cái Thùy dạo nào.
Tôi không thích làm dáng như lũ bạn của tôi. Tôi chỉ gọn gàng, sạch sẽ và tươm tất. Tôi cũng không có thì giờ để mơ mộng vẩn vơ. Nhất là từ khi ba tôi thay đổi chỗ làm, tôi lại thấy mơ mộng là một cái “tội”. Ba tôi mất chỗ làm, không phải vì bị sa thải, mà vì sở của ba tôi đóng cửa. “Sở”, chính là một trường học. Trường học không muốn dạy học nữa thì trường học đóng cửa. Đương nhiên ba tôi – người thư ký‎ của trường - mất chỗ làm. Một sự thay đổi không chọn lựa và không mong muốn bao giờ cũng làm cho con người ta lùi chứ không tiến. Ba tôi nghỉ ở nhà chừng nửa tháng thì được người quen giới thiệu đến một trường học khác. Ba tôi lại làm thư ký, nhưng thư ký “quèn”, không bằng một phần mười của việc làm cũ. Dĩ nhiên, số lương của ba tôi kém đi rất nhiều.‎‎
Tôi thương ba tôi lắm. Thương ba tôi, tôi không ôm lấy ba tôi mà kêu “Ba ơi! Con thương ba!” như mấy đứa con gái đóng kịch “tâm lý xã hội”. Tôi chỉ lén nhìn ba tôi mỗi khi ông ngồi trầm ngâm trước điếu thuốc. Và thương ba tôi, tôi nhủ lòng không bao giờ mơ mộng viễn vông – đó là một cái “tội”, đối với tôi. Con nhỏ Thùy mà nghe vậy, chắc nó sẽ phản đối liền. Sự mơ ước, nếu có, chính là mơ ước ba tôi có một chỗ làm xứng đáng hơn, nhiều lương hơn và rảnh thì giờ hơn. Tôi cũng thương má tôi nữa. Má tôi càng ngày càng khắc khổ vì xoay vần với trăm nỗi lo âu. Má tôi già trước tuổi vì chưa có một khoảng thời gian nào sung sướng. Còn tôi chưa được bao nhiêu tuổi mà đã cảm thấy rằng tôi lớn. Có lẽ tại vì tôi là chị cả. Dưới tôi có năm đứa em. Tôi chưa làm được gì cho tụi nó. Tôi cũng chưa dạy dỗ được gì cho tụi nó. Tôi chỉ mới học đến lớp chín. Trong đám bạn bè của tôi, nhiều đứa còn nhí nhảnh vòi vĩnh cha mẹ, nhiều đứa vừa đi học vừa bán buôn giúp đỡ gia đình, còn lại đa số vẫn là những đứa như tôi. Tôi bỗng thù ghét cái sự bình thường đến độ tầm thường này. Xung quanh tôi, cảnh sống tiếp diễn như một guồng máy. Ba tôi, má tôi và tôi là những cái máy. Cái máy chạy mãi mà không mệt mỏi – hay không cảm thấy mệt mỏi. Cái máy sẽ mòn lụn dần và rồi sẽ dừng lại. Tôi thương ba tôi, tôi thương má tôi quá!
Tôi đã nhập đề khá dài rồi chăng? Tôi biết vậy, nhưng không đừng được. Giống như một người khi nhận được một bức thư, đoán rằng trong ấy sẽ có những điều vui vẻ, họ sẽ làm một công việc nào đó, hay chạy đi đâu một lát, để tăng sự náo nức của họ khi mở thư ra. Giống như một đứa bé trước khi ăn một món ngon, vẫn còn thích hát vài ba câu líu lo để sự hồi hộp được thúc đẩy thêm. Tôi muốn nói là có một cái máy dừng lại, để nhả ra một ít sản phẩm. Chính hôm nay ba tôi chen vào giữa sinh hoạt lạnh lùng đều đặn kia một sự mới lạ. Ba tôi đem về một gói lớn và dẹp. Má tôi đoán là một cây vải. Nhưng rồi má tôi lại bác bỏ ý kiến đó ngay, vì chẳng bao giờ người ta mua một cây vải cho cả nhà may. Các em tôi đòi mở ra xem liền. Tôi không cho, nhất định đoán cho ra. Nhiều giải đáp quá làm gương mặt ba tôi xìu dần. Ba tôi hết cười như lúc mới về. Ba tôi chậm rãi nói:
- Đoán sai hết rồi! Chưa đến tết, mà đứa đoán vải, đứa đoán pháo. Dẹp lép như thế này mà đoán không ra à? Để ba mở cho xem.
Rồi ba tôi thong thả mở gói giấy. Mấy chị em tôi kêu lên thất vọng:
- Trời! Tấm lịch!
Má tôi cười, và bỏ đi xuống bếp. Lũ em tôi tranh nhau sờ lên tấm lịch. Tôi cũng thấy tấm lịch đẹp thật, nhưng tôi không ham. Sự trang hoàng đối với nhà tôi không cần thiết, vì chị em tôi thích có áo tết hơn là đọc số trên tấm lịch. Ba tôi treo tấm lịch lên vách. Tôi biết các em tôi cụt hứng vì không có quà tết, nên tôi nói lảng đi:
- Thằng Dung, lấy cây chổi lông gà quét bàn quét tủ đi. Thằng Dự, con Thư và con Ti leo lên đi-văng ngồi cho chị Tố lau nhà. Sửa soạn dọn cơm cho ba ăn đó!
Lũ trẻ nghe lời tôi răm rắp. Tôi nghe má tôi cằn nhằn dưới bếp:
- Mua gì cho con không mua, đi mua tấm lịch. Thiệt chán!
Ba tôi lặng thinh, châm thuốc hút và ngồi ngắm tấm lịch.
Chuyện ngày hôm nay chỉ có thế. Vậy mà tôi cũng làm cho chính mình hồi hộp, náo nức. Những cái máy lại tiếp tục chạy trong guồng máy. Sinh hoạt lại tiếp tục trôi qua lạnh lùng, đều đặn. Tôi thương ba tôi, tôi thương má tôi quá!
Mứt Đắng Mứt Đắng - Nguyễn Thị Mỹ Thanh