To read a book for the first time is to make an acquaintance with a new friend; to read it for a second time is to meet an old one.

Chinese Saying

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Lê Khánh Trường
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 40
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1998 / 19
Cập nhật: 2016-03-25 13:03:52 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 20: Từ Sêvilla Đến Grênađa
in lỗi, thế cha Fêđor đâu? Vị cố đạo cắt tóc ngắn ở nhà thờ Flor và Lavr đâu rồi? Hình như cha định đi tới phố Vinográt, số nhà 34, gặp công dân Brune thì phải? Cái người đội lốt thiên thần đi tìm kho báu ấy, kẻ thù không đội trời chung của Ippolit Matveevich (người đang đứng chầu chực cạnh chiếc két sắt trong hành lang tối om), đâu rồi?
Cha Fêđor biến mất. Công cha là công dã tràng. Người ta bảo thấy cha ở góc Poparnaia, tuyến đường sắt Đô-nết. Cha chạy trên sân ga, với nước trà nóng trên tay.
Cha Fêđor say mê cảnh giàu có. Số phận đưa cha đi khắp nước Nga để tìm kiếm bộ đồ gỗ của bà vợ tướng Popova, bộ đồ mà trong đó thú thật là chẳng cất giấu thứ gì cả.
Cha Fêđor cứ đi xe ngang dọc trên nước Nga, và viết thư đều đều cho vợ.
THƯ CỦA CHA FÊĐOR
Viết tại nhà ga của thành phố Khác-cốp
Gửi cho vợ mình ở thị trấn N
Con chim câu của anh, Katêrina Aleksanđrovna yêu dấu!
Anh thật có lỗi với em. Anh đã bỏ em, con chim câu đáng thương, bỏ em một mình giữa thời buổi nhiễu nhương này.
Anh phải kể em nghe đầu đuôi câu chuyện. Em sẽ hiểu anh và có thể hy vọng rằng em sẽ đồng ý thôi.
Anh không hề đi đến tu viện nào cả, dĩ nhiên, cũng chẳng có ý định đi tu nữa, và chúa sẽ tha cho anh tội đó.
Bây giờ em hãy đọc cho kỹ. Chúng mình sắp sống khác đi rồi. Em còn nhớ anh vẫn nói với em về cái nhà máy nến chứ? Nó sẽ là của chúng mình, và chúng mình có lẽ còn có một số của cải khác nữa. Và em sẽ khỏi phải lăn vào bếp nấu nướng cho gia đình, và càng khỏi phải nấu ăn thuê. Chúng mình sẽ đi Samara và sẽ thuê kẻ hầu người hạ hẳn hoi.
Có việc như sau, nhưng em phải giữ thật kín, đừng kể cho bất cứ ai, ngay cả với Maria Ivanôpna. Anh đang tìm báu vật. Em nhớ bà Klavđia Ivanôpna Pêtukhôva, mẹ vợ của Ippolit Vorobjaninov chứ? Trước khi từ giã cõi đời, bà Klavđia đã tiết lộ với anh rằng trong phòng khách nhà bà ở Stargorot, ở một trong số mười hai chiếc ghế, bà ấy có cất giấu nhiều viên kim cương của bà ấy.
Katêrina ơi, em chớ nghĩ anh là thằng ăn cắp nhé. Bà Klavđia đã di chúc số kim cương ấy cho anh và bảo anh lấy hết đi, đừng cho gã con rể đốn mạt Ippolit một chút gì, vì hắn đã hành hạ bà ấy trong nhiều năm.
Chính vì lẽ đó mà anh đã đột ngột bỏ em, người vợ đáng thương của anh, ở lại một mình.
Xin em đừng buộc tội anh.
Anh đã đến Stargorot, và em thử tưởng tượng, cái thằng con rể đốn mạt của bà Klavđia cũng xuất hiện ở đấy. Hắn cũng biết chuyện thì phải. Chắc là hắn đã tra khảo bà lão trước khi bà lão nhắm mắt xuôi tay. Một kẻ đáng sợ biết mấy! Cùng đi với hắn còn một tên tội phạm hình sự nữa kia: hắn đã thuê hẳn một tên tướng cướp làm bạn. Hai đứa đã tấn công anh trực diện, chúng muốn giết chết anh. Nhưng anh đâu dễ bị lừa, anh đâu có để chúng giết mình.
Ban đầu anh bị nhầm đường. Ở nhà cũ của Ippolit (nay dùng làm nhà dưỡng lão) anh chỉ tìm thấy một chiếc ghế; anh đem chiếc ghế của mình về khách sạn "Sorbonna", nơi mình ở, bỗng từ góc phố có một kẻ gầm lên, nhảy xổ ra như một con sư tử và chộp lấy chiếc ghế. Suýt nữa thì đánh nhau to. Hắn định hạ thủ anh. Sau anh nhìn kỹ, thì ra thằng cha Ippolit. Hắn cạo sạch râu ria và em thử tưởng tượng, hắn cạo trọc cả đầu, đồ con phe, già đời mà không biết nhục!
Anh và hắn phá tung chiếc ghế - bên trong chả có gì. Sau đó anh mới hiểu rằng mình đã lạc đường. Chứ hôm ấy thì anh buồn lắm.
Bực mình, anh mới chửi cho hắn một trận.
Ông ngần này tuổi đầu mà không biết xấu hổ, anh nói, cái nước Nga bây giờ sao mà man rợ đến thế, anh nói, ai đời một gã đô thống quý tộc lại nhảy xổ như một con sư tử vào vị linh mục và định ăn sống nuốt tươi đức cha đáng kính, lại còn mắng đức cha về chuyện không vào đảng! Mày là quân hèn mạt, anh nhiếc hắn, mày đã làm tình làm tội bà Klavđia, mày đã săn tìm tài sản của người khác, cái tài sản bây giờ đã thuộc về nhà nước, chứ không còn là của mày nữa.
Hắn xấu hổ quá, chuồn luôn, chắc là hắn chạy đi tìm nhà thổ.
Còn anh, anh trở về phòng ở của mình tại khách sạn "Sorbonna" và bắt đầu suy tính kế hoạch tiếp theo. Và anh đã nghĩ ra cái điều mà thằng trọc phú ngu ngốc Ippolit không thể nào nghĩ ra được! Anh quyết định đi tìm cái người đã phân phối những đồ gỗ quý bị sung công. Em thử tưởng tượng, Kachia yêu quý, việc anh học khoa luật chẳng uổng phí chút nào. Anh đã tìm thấy người ấy... Tìm thấy ngay hôm sau thôi. Vanrfolomêvich là một ông già đứng đắn. Ông ấy sống với một bà lão, vất vả mới kiếm đủ miếng ăn. Ông ấy đã trao toàn bộ giấy tờ cho anh. Đành phải thưởng cho ông ấy thích đáng. Thành thử anh hết cả tiền (chuyện này anh sẽ bàn sau). Hóa ra tất cả mười hai chiếc ghế ở phòng khách nhà Ippolit đều rơi vào tay kỹ sư Bruns, ở phố Vinográt, số nhà 34. Em nhớ là tất cả mười hai chiếc ghế về tay một người nhé, điều này ngoài sự mong đợi của anh (chỉ sợ rơi vào tay nhiều người khác nhau). Anh mừng lắm. Hôm ấy ở "Sorbonna" anh lại chạm trán với Ippolit, cái thằng khốn nạn. Anh chửi cho hắn và cả thằng tướng cướp bạn hắn một trận không tiếc lời. Anh rất sợ chúng nó biết được bí mật của mình, nên cứ khóa cửa ở tịt trong phòng cho đến lúc hai thằng cuốn gói.
Thì ra Bruns đã chuyển công tác từ Stargorot đến Khác-cốp từ năm 1923. Anh dò hỏi ông già lao công và được biết rằng viên kỹ sư đã mang toàn bộ số ghế ấy đi theo, rằng anh ta hết sức giữ gìn số ghế đó. Người ta bảo Bruns là con người mực thước.
Lúc này anh đang ngồi ở nhà ga thành phố Khác-cốp viết thư này cho em để nói mấy điều như sau. Thứ nhất, anh rất yêu em, rất nhớ em. Thứ hai, kỹ sư Bruns đã không còn ở đây nữa. Nhưng em đừng thất vọng. Hiện giờ Bruns đang công tác ở Rostôp, ở "Công ty xi măng mới", theo như anh được biết. Tiền ăn đường anh còn quá ít. Một giờ nữa anh phải đáp tàu hàng. Em yêu quý, em hãy đến nhà thằng con rể lấy năm chục rúp (nó nợ anh và đã hứa trả), rồi gửi đến Rostôp cho anh theo địa chỉ sau: Bưu điện trung tâm, hòm thư lưu. Fêđor Ioannôvich Vostricôp. Gửi bằng đường thư thì cước phí rẻ thôi, chỉ độ ba mươi cô-pếch, tiết kiệm được chút nào hay chút ấy, em ạ.
Ở thị trấn ta có nghe gì không? Có chuyện gì mới không?
Kônđrachevna có hay đến chơi với em không? Em bảo cha Kirill rằng anh sắp về nhé, rằng anh đi Vôrônesh thăm bà nhạc đang hấp hối. Em cố gắng ăn tiêu dè sẻn. Evstigneev vẫn ăn trưa ở nhà ta chứ? Em bảo anh gửi lời thăm ông ta và nói rằng anh đi thăm người cô ruột.
Thời tiết ra sao? Ở đây, Khác-cốp đang là mùa hè. Thành phố ồn ào lắm, và đây là trung tâm của nước cộng hòa Ukraina. Ở tỉnh lẻ đến đây cứ có cảm tưởng mình ra ngoại quốc vậy.
Em hãy làm mấy việc:
1- Đem chiếc áo thụng mùa hè của anh đi giặt và sửa lại (tốn 3 rúp còn hơn may cái mới).
2- Giữ gìn sức khỏe.
3- Nếu viết thư cho Gulenca, em cứ làm như vô tình nói rằng anh đến thăm nhà bà cô ruột ở Vôrônesh.
Cho anh gởi lời thăm tất cả mọi người và bảo rằng anh sắp về.
Ôm hôn em và ban phước cho em.
Feđia chồng em.
Nôtabene 1: Hiện nay thằng cha Ippolit đang lùng sục ở đâu đó thì phải.
Tình yêu làm cho con người khô héo. Con bò đực hậm hực vì thèm khát. Con gà trống đứng ngồi không yên. Ngài đô thống quí tộc thì ăn mất ngon.
Bỏ Ostap và tay sinh viên Ivanôpulo ở quán rượu, Ippolit Matveevich lặn mò về ngôi nhà tập thể màu hồng và chiếm lĩnh vị trí bên cạnh cái két sắt. Ông nghe rõ tiếng xình xịch của những chuyến tàu chạy đi Kastilia và tiếng chân vịt quay nước của những chiếc tàu thủy nhổ neo.
Những miền đất vàng tươi
Xứ Alpukhara xa xôi héo hắt.
Con tim đung đưa như quả lắc. Nghe trong tai điểm từng tiếng tích tắc, tích tắc.
Hỡi em yêu
Có nghe chăng tiếng đàn réo rắt
Tiếng gọi của ghita.
Nỗi lo buồn lan khắp hành lang. Không có gì có thể sưởi ấm cái lạnh giá của chiếc két sắt.
Từ Sevilia đến Grênađa
Trong bóng đêm yên hòa...
Tiếng đĩa hát rên rỉ trong mấy căn phòng-hộp bút. Và những bếp đèn dầu reo o o như tổ ong.
Vang vang khúc dạ ca
Hòa trong tiếng gươm khua...
Tóm lại, Ippolit Matveevich đã mê nàng Lida Kalachôva như điếu đổ.
Nhiều người đi qua hành lang, qua chỗ Ippolit đứng, nhưng từ họ phả ra mùi thuốc lá, hoặc mùi rượu vốt-ca, hoặc mùi thuốc trị bênh, hoặc mùi canh suông. Trong bóng tối của hành lang, chỉ có thể nhận biết mọi người theo mùi hoặc theo tiếng bước chân nặng nhẹ. Chưa thấy Lida đi qua, Ippolit tin chắc như vậy. Nàng không hút thuốc, không uống rượu vốt-ca và không đi ủng đóng cá sắt. Từ người nàng không thể tỏa ra mùi I-ốt hoặc mùi đầu cá chiên. Thân hình nàng chỉ có thể phảng phất mùi thơm dịu của món cháo lúa mạch hoặc mùi cỏ non mà phu nhân Norđman Sererova đã dùng làm thức ăn cho họa sĩ lừng danh Ilia Rêpin trong một thời gian dài.
Nhưng kìa đã thoáng thấy tiếng bước chân nhè nhẹ, rụt rè. Có ai đó đi dọc hành lang, chạm vào các bức tường đàn hồi của nó, miệng người ấy khẽ lẩm nhẩm:
- Lida đấy phải không? - Ippolit hỏi khẽ như tiếng gió thoảng.
Một giọng trầm đáp lại.
- Làm ơn cho biết gia đình Pfeferkora sống ở phòng nào ạ? Tối như bưng lấy mắt, chả còn nhìn thấy gì.
Ippolit hốt hoảng. Vị khách tìm phòng Pfeferkora ngơ ngác chờ trả lời mãi không được, đành tiếp tục lần mò.
Mãi đến chín giờ tối, Lida mới tới. Hai người bước ra phố, dưới bầu trời màu xám nhạt.
- Ta đi đâu chơi đây? - Lida hỏi.
Ippolit nhìn khuôn mặt trắng trẻo của cô gái và thay vì đọc thẳng câu thơ "Hỡi em, Inezilia, anh đứng dưới cửa sổ phòng em đây", ông lại đi nói dài dòng và tẻ ngắt về chuyện đã lâu ông không ở Mátxcơva, rằng Paris hơn hẳn thị trấn Belokamennala, một nơi dù có tô điểm đến mấy cũng sẽ chỉ là một cái làng lớn, được xây dựng theo một quy hoạch tùy tiện, lộn xộn.
- Tôi nhớ Mátxcơva khác hẳn bây giờ, Lida ạ. Bây giờ ở đây tất cả đều toát ra sự bần tiện. Ngày xưa ấy à, bọn tôi tiêu tiền như rác ấy chứ. "Đời người chỉ sống một lần", có câu hát như vậy đấy.
Họ đi hết đại lộ Frechishten và ra phố bờ sông, phía đền chúa cứu thế.
Những cái đuôi cáo chạy dài phía sau cầu Moskoretski. Những trạm phát điện của nhà máy thủy điện Mátxcơva tỏa khói như một đoàn tàu thủy. Các chuyến tàu điện chạy qua cầu. Mấy con thuyền lửng lơ trôi dưới sông. Tiếng đàn gió rên rỉ buồn rầu.
Lida khoác tay Ippolit, vừa đi vừa kể lại tất cả những nỗi cay cực của mình. Nào những lần cãi nhau với chồng, nào sinh hoạt khó khăn bên cạnh những người hàng xóm - cựu sinh viên hóa học - chuyên nghe lỏm, nào lối ăn chay đơn điệu.
Ippolit vừa nghe vừa tưởng tượng. Quỷ sứ trỗi dậy trong lòng ông. Ông hình dung một bữa ăn tối tuyệt diệu. Ông đi đến kết luận rằng cần phải tìm cách làm cho một cô gái như Lida sửng sốt.
- Ta đi xem hát nhé, - Ippolit đề xuất.
- Xem phim hay hơn, - Lida nói, - đỡ tốn kém nữa.
- Ồ, nghĩ đến chuyện tiền nong làm gì, cô em. Đêm nay đẹp thế này, ai lại nhắc đến tốn kém.
Con quỷ nổi hứng không cần mặc cả, đưa luôn cặp trai gái lên xe ngựa đến rạp chiếu bóng "Ars". Ippolit tỏ ra hào phóng. Ông mua loại vé đắt tiền nhất. Phải nói thêm rằng họ không xem hết buổi, vì Lida đã quen ngồi ở hàng ghế rẻ tiền, gần màn ảnh; lần này từ dãy ghế thứ ba mươi tư đắt tiền, cô nhìn không được rõ.
Trong túi Ippolit có cả một nửa số tiền mà hai thành viên hợp đồng quyên góp được của hội kín Stargorot. Đấy là một khoản tiền lớn so với Ippolit, người đã quen thói xa xỉ ngày xưa. Hôm nay, phấn chấn vì khả năng dễ dàng chinh phục tình yêu, ông muốn ăn tiêu hào phóng cho Lida lóa mắt. Để làm việc ấy, ông cho là mình đã được chuẩn bị chu đáo. Ông kiêu hãnh nhớ lại mình đã từng chinh phục trái tim nàng Êlêna Bour kiều diễm dễ dàng như thế nào. Thói quen tiêu tiền hoang phí, thoải mái vốn là bản tính của ông. Ở Stargorot ông từng nổi danh là một người bặt thiệp và biết trò chuyện với bất kỳ phụ nữ nào. Ông thấy nực cười, nếu phải vận dụng toàn bộ sự lão luyện ngày xưa của mình vào việc chinh phục một cô bé Xô viết hoàn toàn non nớt, ngây thơ.
Sau nhiều lời năn nỉ, Ippolit chở Lida đến cửa hàng "Praha" là tiệm ăn mẫu mực của Hội tiêu dùng Mátxcơva, "chỗ ăn ngon nhất" ở Mátxcơva theo lời Ostap nói với ông.
"Praha" làm cho Lida kinh ngạc vì ở đây có rất nhiều gương ánh sáng và chậu hoa. Lida thấy mình đến đây là vô tội, vì cô chưa bao giờ tới thăm các tiệm ăn lớn mẫu mực. Nhưng phòng ăn đầy những gương là gương làm cho cả Ippolit cũng sững sờ. Ông lạc hậu mất rồi, đã quên mất phong thái ở tiệm ăn rồi. Giờ đây ông thấy xấu hổ về đôi ủng mũi vuông của mình, về cái quần dài may từ trước chiến tranh và cái áo gi-lê lỗi thời.
Cả hai người đều lúng túng và đứng sững trước đám khách ăn đông đúc, ăn mặc khá chải chuốt, sặc sỡ.
- Ta đi lại góc đằng kia nhé, - Ippolit đề nghị, mặc dù ngay cạnh chỗ dàn nhạc đang dạo một khúc hổ lốn trích từ bản "Baiađerka" có mấy bàn trống.
Cảm thấy tất cả mọi người đang nhìn mình, Lida đồng ý luôn. Con sư tử trần tục và nhà chinh phục đàn bà Ippolit bước theo sau cô. Cái đít quần nhàu nát của con sư tử trên đôi mông gầy nhom trông dúm da dúm dó. Nhà chinh phục đàn bà gỡ kính kẹp mũi ra lau để đỡ phần bối rối.
Chẳng ai lại bàn. Ippolit không ngờ như vậy. Và ông lẽ ra phải lịch sự trò chuyện với cô đầm của mình, thì lại cứ im như thóc, uể oải cầm cái gạt tàn gõ xuống bàn cành cạch và luôn miệng húng hắng ho. Lida tò mò nhìn bốn phía, sự im lặng trở nên mất tự nhiên. Nhưng Ippolit vẫn không thốt ra một lời. Ông quên rằng chính ông bao giờ cũng phải nói trong tình huống như lúc này.
- Anh ơi, làm ơn... - ông gọi nhỏ khi thấy những người phục vụ bàn lướt qua.
- Xin chờ một lát! - Họ vừa rảo bước vừa trả lời ông.
Cuối cùng người ta mang bản thực đơn tới. Ippolit chúi đầu vào xem với cảm giác nhẹ cả người.
- Tại sao, - ông lẩm bẩm, - thịt bê hai rúp hai mươi lăm cô-pếch, phi-lê hai rúp hai lăm mà vốt-ca những năm rúp nhỉ?
- Năm rúp được cả một bình to, - nhân viên phục vụ bàn nói và nóng ruột nhìn sang bàn khác.
"Mình làm gì thế nhỉ? - Ippolit hoảng hốt, - Thành trò cười cho họ rồi".
- Mời cô muốn dùng món gì thì chọn, - Ông nói với vẻ lịch sự muộn màng.
Lida ngượng quá. Cô thấy gã nhân viên phục vụ bàn kiêu ngạo nhìn ông bạn đường của cô và cô hiểu rằng Ippolit đã cư xử không đúng điều gì đó.
- Tôi hoàn toàn không đói, - cô nói, giọng run run. - Hay là... Đồng chí ơi, ở đây có món ăn chay không?
Gã nhân viên phục vụ bắt đầu giậm chân như ngựa.
- Không có món ăn chay. Chỉ có món omlét với giăm bông.
- Thế thì cho tôi món xúc xích vậy, - Ippolit quả quyết nói.
- Cô ăn được món xúc xích chứ, Lida?
- Được.
- Vậy là xúc xích. Đây, mỗi xuất một rúp hai mươi lăm này. Và một chai vốt-ca.
- Chỉ có rượu vốt-ca trong bình thôi.
- Thế thì cho một bình to vào.
Gã nhân viên phục vụ nhìn Lida bằng cặp mắt trong suốt.
- Ông nhắm vốt-ca với gì chứ? Món trứng cá tươi? Cá hồi hay món gì?
Trong con người Ippolit vẫn tiếp tục nổi lên lời nhắc nhở của gã nhân viên phòng đăng ký hộ tịch.
- Khỏi cần, - ông thô lỗ đáp, vẻ khó chịu. - Dưa chuột muối ở tiệm này giá bao nhiêu? Thôi được, cho hai xuất.
Gã phục vụ bàn đã chạy đi, không khí lại trở nên im lặng nặng nề. Lida lên tiếng trước.
- Tôi chưa đến đây lần nào. Ở đây đẹp thật.
- Vâng, - Ippolit dài giọng, ông đang tính nhẩm xem các món vừa đặt hết bao nhiêu tiền cả thảy.
"Không sao, - ông nghĩ, - uống hết rượu là mình rút lui. Không đặt món ăn thì cũng bất tiện".
Nhưng khi ông đã uống rượu và nhấm nháp dưa chuột rồi, thì ông chẳng những không rút lui, mà còn lầm lì hơn. Lida không uống rượu. Không khí tiếp tục căng. Đã thế lại có một người đàn ông đến bên bàn, âu yếm nhìn Lida và mời cô mua hoa.
Ippolit làm ra vẻ không để ý đến gã bán hoa, song gã chẳng chịu xéo đi cho. Mà khi có mặt gã, làm sao có thể nói những câu lịch thiệp được kia chứ.
May mà chương trình có nhạc giúp ông thoát bí. Một ông béo mặc áo Niditca, đi giày bóng lộn bước ra bục diễn.
- Thế là chúng ta lại gặp nhau, - ông ta nói với cử tọa. - Tiết mục sắp tới trong chương trình ca nhạc của chúng tôi là của Vacvara Ivanôpna Gốtlépxkaia, người trình diễn các bài dân ca Nga nổi tiếng thế giới mà bà con ở khu vực Maria đều biết tiếng... Xin mời Vacvara Ivanôpna!
Ippolit uống vốt-ca và im lặng vì Lida không uống và lúc nào cũng nhấp nhổm đòi về, nên ông phải vội vàng uống nhanh cho hết bình rượu to.
Khi một người đàn ông mặc áo nhung ra thay thế tiết muc của nữ ca sĩ mà bà con ở khu vực Maria đều biết tiếng, và cất tiếng hát:
Các anh cứ đi
Lang thang lang thang nơi này chốn nọ
Làm như khúc ruột thừa của các anh
Sẽ no vì đi lắm
Đi lắm,
Ta - ra - ra - ra,
thì Ippolit đã say quá rồi, và cùng với tất cả thực khách của tiệm ăn kiểu mẫu, những người mà nửa tiếng trước ông còn coi là bọn thô lỗ, bọn tướng cướp Xô viết bần tiện, - ông vỗ tay đánh nhịp và hòa theo"
Đi lắm, đi lắm,
Ta - ra - ra - rá...
Ông cứ đứng dậy luôn và đi vào phòng toa-lét mà không xin lỗi. Các bàn bên cạnh đã gọi ông là bác và kéo ông sang uống bia với họ. Nhưng ông từ chối. Ông bỗng trở nên ngạo mạn và đáng ngờ. Lida quả quyết đứng lên:
- Ông cứ ở lại, tôi về đây. Tôi về một mình cũng được.
- Không, sao lại thế? Là nhà quý tộc, tôi không thể để như vậy! Xinho đâu! Tính tiền! Khốn nạn!
Ippolit xem hóa đơn thanh toán hồi lâu, người cứ đung đưa qua lại trên ghế.
- Chín rúp hai mươi cô-pếch cơ à? - Ông lẩm bẩm, - Có lẽ phải đưa cả cho anh chìa khóa mở cửa phòng để tiền chăng?
Câu chuyện chấm dứt bằng việc người ta phải xốc hai bên nách dìu Ippolit đi xuống. Lida không thể bỏ chạy, bởi vì phiếu gửi áo khoác đang ở trong túi con sư tử trần tục.
Ở ngõ phố thứ nhất, Ippolit tựa hẳn vai vào người Lida và bắt đầu chụp lấy cả hai tay cô. Lida lặng lẽ gỡ ra.
- Ơ hay! - Cô nói - Ơ hay! Ơ hay!
- Mình đến khách sạn thuê phòng đi! - Ippolit năn nỉ.
Lida giằng tay ra và đấm thẳng vào cánh mũi nhà chinh phục đàn bà. Chiếc kính kẹp mũi gọng vàng văng ngay xuống cái mũi ủng hình vuông và vỡ tan.
Gió đêm nhè nhẹ
Không khí êm đềm.
Lida nuốt nước mắt chạy trên phố Serebrian về nhà mình.
Gvađalkvivir 2
Chảy ào ào
Như người mù vì bị mất kính, Ippolit dò dẫm đi theo hướng ngược lại, miệng hét to:
- Bắt lấy kẻ cắp! Bà con ơi!
Sau đó ông khóc một lúc lâu, rồi vừa chùi nước mắt vừa mua cả làn bánh mì vòng của một bà già. Ông ra chợ Smôlensk lúc này vắng tanh và tối om, đi ngang đi dọc trong chợ hồi lâu, vừa đi vừa tung những chiếc bánh mì vòng như người nông dân gieo hạt, miệng lảm nhảm:
Các anh cứ đi
Lang thang, lang thang nơi này chốn nọ,
Ta - ra - ra - rá...
Sau đó Ippolit kết bạn với một tay xà ích, thổ lộ toàn bộ nỗi lòng với anh ta và kể hết chuyện tìm kim cương.
- Một ông chủ vui tính thật! - Tay xà ích nhận xét.
Ippolit quả thật đang vui. Rõ ràng cái vui của ông có phần đáng trách, bởi vì khoảng mười một giờ trưa hôm sau ông thức dậy ở đồn Công an. Từ hai trăm rúp mà ông có trong túi khi mở đầu đêm giải trí nhục nhã, bây giờ ông chỉ còn mười hai rúp.
Ông có cảm tưởng ông đang hấp hối. Xương sống đau như dần, gan đau âm ỉ, đầu nhức buốt, nặng như chì. Nhưng đáng sợ nhất là ông không còn nhớ là ông tiêu ở đâu và như thế nào một món tiền lớn như vậy. Trên đường về nhà, ông phải rẽ vào hiệu kính để lắp mắt kính mới.
Ostap ngạc nhiên nhìn ngó cái thể xác đẫm nước đái của Ippolit một lúc lâu, nhưng không nói gì cả. Hắn lạnh lùng chuẩn bị trận chiến đấu mới.
Chú thích
1.Notaben - tái bút.
2.Tên một dòng sông ở vùng núi Thổ Nhĩ Kỳ (thơ của Puskin).
Mười Hai Chiếc Ghế Mười Hai Chiếc Ghế - Ilya Ilf Và E.petrov Mười Hai Chiếc Ghế