We should read to give our souls a chance to luxuriate.

Henry Miller

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Lê Khánh Trường
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 40
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1998 / 19
Cập nhật: 2016-03-25 13:03:52 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2: Madame Petukhova Lìa Đời
avđia Ivanovna nằm ngửa, tay mặt gối dưới đầu. Đầu bà đội chiếc mũ trùm màu mận chín, đã có thời là mốt, vào cái thời mà các bà đội mũ "santekler" và mới học nhảy tập tọe điệu tăng-gô Achentina.
Vẻ mặt Klavđia Ivanovna long trọng, nhưng hoàn toàn không thể hiện điều gì cả. Đôi mắt nhìn lên trần.
- Klavđia Ivanovna! - Ippolit gọi
Bà mẹ vợ động đậy môi rất lẹ, nhưng thay vì những âm thanh như lệnh vỡ đã quen với cái tai của Ippolit, ông chỉ nghe thấy tiếng rên khe khẽ, thanh thanh tới mức khiến ông mủi cả lòng. Một giọt nước mắt trong suốt bỗng chảy ra và bò như thủy ngân trên mặt.
- Klavđia Ivanovna - Ippolit lại gọi, - Mamăng làm sao thế?
Nhưng ông vẫn không được trả lời. Bà già nhắm mắt vào và hơi nghiêng mình sang một bên.
Chị kỹ sư canh nông nhẹ bước vào phòng và kéo tay Ippolit đi ra như người ta lôi trẻ con đi tắm rửa.
- Bà cụ chợp mắt một chút đấy. Bác sĩ dặn để bà cụ nằm yên. Còn anh bạn thân mến, anh hãy cầm đơn thuốc này ra hiệu thuốc và hỏi xem mỗi cái túi đựng nước đá giá bao nhiêu?
Ippolit vâng lời mađam Kuznetsova trong mọi chuyện vì cảm thấy chị ta hơn hẳn mình trong những chuyện như thế này.
Chạy đến hiệu thuốc cũng xa đây. Ippolit nắm tờ đơn thuốc trong tay như một cậu học trò và chạy vội ra phố.
Trời đã gần như tối hẳn. Trên nền hoàng hôn đang tắt, nổi lên thân hình òi ọp của lão thợ săng Bejentruc. Lão đứng tựa lưng bên cổng, đang ngoạm bánh mì với hành. Ngay cạnh đấy, ba ông chủ văn phòng "Nimfa" ngồi xổm ăn cháo kiều mạch đựng trong một cái chậu gang, vừa ăn vừa mút thìa chùn chụt. Trông thấy Ippolit, cánh thợ làm quan tài đứng thẳng dậy như những người lính. Bejentruc nhíu vai khó chịu, chìa tay về phía bọn cạnh tranh, lẩm bẩm:
- Bọn họ cứ quẩn dưới chân, đồ của nợ!
Ở giữa quảng trường Statropan, cạnh bức tượng bán thân nhà thơ Giukovski với dòng chữ khắc trên bệ "Thi ca là thượng đế trong những ước mơ thiêng liêng của đất", người ta đang đàm luận sôi nổi quanh cái tin Klavđia Ivanovna ốm nặng... Ý kiến chung của tốp người tụ tập tại đấy tựu trung ở chỗ "tất cả chúng ta rồi đều ở đó" và "trời cho rồi trời lấy".
Tay thợ cắt tóc "Pie và Konstantin" thích nhắc đến với cái tên "Anđrei Ivanovich" lập tức không bỏ lỡ cơ hội bày tỏ hiểu biết của mình về lĩnh vực y học mà anh ta thu lượm được từ tạp chí "Tia lửa nhỏ" - xuất bản ở Mátxcơva.
- Khoa học hiện đại, - Anđrei Ivanovich nói, - đã vươn tới cái bất khả. Chẳng hạn một khách hàng mọc mụn ở cằm. Trước kia chuyện này dẫn đến hoại huyết, còn bây giờ ở Mátxcơva, người ta bảo, chả biết thật hay không, rằng mỗi khách hàng vào hiệu phải có chổi cạo râu riêng đã được sát trùng.
Các vị công dân thở dài thườn thượt.
- Chắc cậu Anđrei bịa thêm ra...
- Làm quái gì có chuyện cửa hiệu chuẩn bị cho mỗi vị khách một cái chổi cạo râu riêng? Nói phét!
Prusis, nguyên là dân vô sản lao động trí óc, giờ làm chủ quán, thậm chí nổi nóng:
- Xin lỗi, Anđrei Ivanovich, ở Mátxcơva, theo tài liệu thống kê dân số gần đây nhất, có hơn hai triệu người phải không nào? Nghĩa là cần có hơn hai triệu cái chổi cạo râu ư? Độc đáo quá chừng.
Câu chuyện đã đến lúc găng và có quỷ mới biết sẽ ra sao, nếu ở cuối phố Osyp không hiện ra Ippolit Matveevich.
- Lại chạy ra hiệu thuốc. Chắc là nguy kịch.
- Bà lão khó mà sống nổi. Không phải bỗng dưng Bejentruc cứ chạy nháo lên khắp thị trấn.
- Thế bác sĩ bảo sao?
- Bác sĩ bác siếc gì! Họ làm cho người khỏe mạnh thành ốm yếu thì có!
"Pie và Konstantin" từ lâu đã muốn thông báo về đề tài y học bèn lên tiếng, mắt ngó quanh sợ sệt:
- Bây giờ toàn bộ sức mạnh là ở huyết cầu tố.
Nói xong câu ấy, "Pie và Konstantin" im bặt.
Những người khác cũng im lặng, ai nấy theo kiểu mình suy nghĩ về sức mạnh thần bí huyết cầu tố.
Khi trăng lên và ánh sáng bàng bạc của nó rọi vào bức tượng bán thân nhỏ xíu của Giukovski, thì ở phía sau lưng bức tượng đồng có thể đọc rõ một câu chửi tục viết bằng phấn.
Lần đầu tiên câu chửi tục ấy xuất hiện ở lưng bức tượng ngày 15 tháng 6 năm 1897, vào ngay cái đêm hôm khánh thành đài kỷ niệm. Và dù cảnh sát thời Sa hoàng cũng như công an sau này cố gắng đến mấy, song câu chửi tục hễ được xóa đi, lại xuất hiện ngay sau đó.
Trong các ngôi nhà gỗ có cửa trổ ra phía ngoài, những chiếc ấm xamova đã sôi lên như hát. Đang là giờ ăn tối. Các vị công dân không muốn phí thời gian vô ích nữa, họ tản về các nhà. Gió bắt đầu thổi.
Trong khi đó Klavđia Ivanovna đang hấp hối. Lúc thì bà lão đòi uống nước, lúc thì bảo rằng bà cần đứng dậy và đi lấy đôi giày cao cổ của Ippolit mà bà mới gửi người ta chữa chỗ hỏng. Lúc thì phàn nàn không khí nhiều bụi quá đến chết sặc, theo lời bà, lúc thì đòi đốt tất cả các ngọn đèn lên.
Ippolit đã thấm mệt vì hồi hộp, đang đi đi lại lại trong phòng. Ông nghĩ đến những chuyện tang gia khó chịu sắp phải lo. Ông nghĩ rằng sắp phải vay tiền tạm ứng ở quỹ tương trợ, phải đi mời cha cố và phải trả lời thư chia buồn của họ hàng. Để gạt bớt những ý nghĩ ấy, Ippolit bước ra thềm. Thợ làm săng Bejentruc đang đứng dưới ánh trăng màu xanh lá cây.
- Thưa ngài Ippolit Matveevich, ngài bảo làm thế nào ạ? - Bejentruc áp chiếc mũ vào ngực, hỏi.
- Bảo, bảo cái gì, - Ippolit cau có đáp.
- Cái hãng "Nimfa" ấy, đồ của nợ, hàng của họ chả ra cái thá gì đâu! - Bejentruc lo ngại.
- Quỉ tha ma bắt lão đi! Tôi ngán lão đến tận cổ rồi!
- Dạ, không sao. Ý tôi muốn hỏi ngài về chuyện trang trí hoa văn. Ngài đặt cỗ quan tài thượng hạng chứ ạ? Xin được lĩnh ý ngài.
- Không hoa văn hoa vẻ gì sất. Một chiếc quan tài gỗ bình thường. Hiểu chưa?
Bejentruc đặt ngòn tay trỏ lên môi, tỏ rằng lão đã hiểu rõ tất cả, đoạn lão quay người chuồn thẳng, tay cố giữ cho chiếc mũ quả dưa hấu ngay ngắn, trong lúc thân hình lão hơi lảo đảo. Bấy giờ Ippolit mới biết rằng lão thợ săng đang say tí bỉ.
Ippolit lại cảm thấy bực bội lạ lùng. Ông chưa tưởng tượng được ông sẽ bước vào căn phòng trống trải, rác rưởi sao đây. Ông nghĩ rằng, cùng với cái chết của bà mẹ vợ, sẽ mất đi những tiện nghi nho nhỏ và những thói quen mà ông đã cố gắng tạo ra cho mình sau cái ngày cách mạng tước mất của ông những tiện nghi và thói quen to tát. "Mình nên lấy vợ chăng? - Ippolit nghĩ bụng - Lấy ai nhỉ? Lấy cháu gái tay trưởng ty công an, lấy Varvara Xtepanovna, lấy em gái của Prusis chăng? Hay là thuê một cô gái giúp việc? Không ổn! Chỉ tổ mệt người với pháp luật. Đã thế còn thiệt thòi nữa".
Cuộc đời lập tức trở nên tối tăm trước con mắt của Ippolit. Đầy tức giận và khinh bỉ mọi thứ trên thế gian, ông quay vào nhà.
Klavđia Ivanovna đã thôi mê sảng. Bà lão nằm cao hẳn người trên mấy cái gối, nhìn Ippolit bước vào bằng con mắt hoàn toàn tỉnh táo và ông con rể cảm thấy còn hơi nghiêm khắc là đằng khác.
- Ippolit, - bà lão thì thào rõ to từng tiếng - Anh hãy ngồi xuống cạnh tôi. Tôi phải kể cho anh biết...
Ippolit miễn cưỡng ngồi xuống, chăm chú nhìn bộ mặt hốc hác của bà mẹ vợ. Ông cố gượng cười và nói một câu gì đó để khích lệ. Nhưng nụ cười hóa ra man dại, còn từ ngữ thì tìm mãi không được. Từ cổ họng Ippolit chỉ phát ra một tiếng ậm ọe khó nghe.
- Ippolit, - bà nhạc nhắc lại, - anh có nhớ bộ bàn ghế ở phòng khách nhà ta ngày xưa không?
- Bộ bàn ghế nào? - Ippolit hỏi với thái độ cảnh giác chỉ bộc lộ ra trước những người ốm thập tử nhất sinh.
- Cái bộ bằng vải hoa Ăng-lê ấy...
- À! ở nhà tôi chứ gì?
- Phải, ở Stargorot...
- Nhớ, tôi vẫn nhớ y nguyên... Một đi-văng, một tá ghế và một cái bàn tròn có sáu chân. Loại đồ gỗ thượng hạng, kiểu Hambx... Thế tại sao mamăng lại nhớ đến nó?
Nhưng Klavđia Ivanovna không sao trả lời được. Mặt bà bắt đầu bị phủ một lớp màu vàng nhợt. Chẳng hiểu vì sao Ippolit cũng thấy sợ hết cả hồn. Ông nhớ lại rõ ràng căn phòng khách ở biệt thự cũ của mình, bộ bàn ghế bằng gỗ hồ đào chân cong cong được bày biện một cách cân đối, cái sàn nhà lau chùi bóng như sáp, chiếc dương cầm màu mâu cổ kính và những khung ảnh màu đen hình bầu dục treo trên tường, lồng những bức ảnh người nhà làm quan từ ngày xưa, chụp theo kiểu Dagguerr 1.
Đến đây Klavđia Ivanovna nói bằng một giọng thản nhiên như gỗ.
- Tôi đã giấu các viên kim cương của mình vào đệm ngồi của một chiếc ghế.
Ippolit liếc nhìn bà già.
- Kim cương nào? - Ippolit hỏi như máy, nhưng lập tức sực nhớ - Chả lẽ hôm khám nhà, họ không lấy đi sao?
- Tôi đã giấu kim cương vào một chiếc ghế, - bà già bướng bỉnh nhắc lại.
Ippolit đứng bật dậy, nhìn bộ mặt lạnh như đá được ánh đèn dầu rọi sáng của bà Klavđia Ivanovna và hiểu rằng bà ta không nói mê.
- Kim cương của bà! - Ippolit hét lên và sợ hãi sức mạnh giọng nói của mình. - Cất vào ghế! Ai dạy bà làm như vậy? Tại sao bà không đưa cho tôi?
- Làm sao có thể đưa cho anh, trong khi anh vung phí hết cả tài sản cơ nghiệp của con gái tôi? - Bà già giận dữ, thong thả nói.
Ippolit Matveevich ngồi xuống rồi lại đứng dậy. Quả tim của ông ồn ào dắt từng luồng máu đi khắp cơ thể. Có cái gì đó bắt đầu bung bung trong đầu.
- Nhưng bà đã lấy kim cương ra chưa? Những viên kim cương ấy bây giờ ở đâu chứ?
Bà già lắc đầu.
- Không kịp lấy. Anh còn nhớ chứ, chúng ta bất ngờ phải chạy trốn một cách gấp gáp. Kim cương vẫn ở trong chiếc ghế kê ở giữa lò sưởi và cây đèn cầy có chụp bằng sứ.
- Thật là điên rồ! Bà giống hệt con gái bà! - Ippolit Matveevich gào to.
Rổi chẳng ngại gì mình đang ở bên giường người hấp hối, ông gạt chiếc ghế đánh rầm một cái và bước loạn lên trong phòng. Bà mẹ vợ không buồn để ý đến Ippolit.
- Nhưng bà phải tưởng tượng những chiếc ghế ấy có thể rơi vào tay ai chứ? Hay là bà nghĩ rằng chúng vẫn yên vị ở phòng khách nhà tôi và chờ bà về lấy lại món báu vật của bà?
Bà già không hề hé miệng.
Cơn giận làm cho chiếc kính của ông nhân viên phòng hộ tịch tuột khỏi mũi, bay vèo qua đầu gối, rơi đánh bịch xuống sàn.
- Sao? Giấu một số kim cương trị giá bảy mươi ngàn rúp vào đệm ghế! Và không biết ai sẽ ngồi lên chốc nó ư?...
Klavđia Ivanovna nấc lên và ngã cả người xuống mép giường. Cánh tay bà khoát một nửa vòng tròn, cố túm lấy Ippolit, nhưng lại rơi ngay xuống cái chăn bông chần màu tím.
Ippolit rú lên, chạy bổ sang nhà bên cạnh.
- Hình như bà cụ chết rồi!
Chị kỹ sư canh nông nghiêm trang làm dấu thánh, rồi không giấu vẻ tò mò cùng với anh chồng rậm râu cũng là kỹ sư canh nông, chạy sang nhà Ippolit. Còn Ippolit thì ngơ ngẩn đi về phía vườn hoa thị trấn.
Trong lúc hai kỹ sư canh nông cùng với người đầy tớ gái của họ thu dọn căn phòng của người quá cố, Ippolit đi lang thang trong vườn hoa, thỉnh thoảng lại vấp vào các ghế đá và cứ tưởng những cặp trai gái bị lạnh cóng vì tình xuân là các bụi cây.
Có quỷ sứ mới biết đầu óc Ippolit đang nghĩ đến cái gì. Âm vang dàn đồng ca của dân Digan, những giàn nhạc của các bà ngực nở liên tục chơi bản tăng-gô a-máp. Ippolit tưởng tượng cảnh mùa đông ở Mátxcơva và con ngựa ô mình dài hục hặc với những người bộ hành. Ippolit hình dung nhiều thứ: nào món quần lót màu da cam đắt tiền đến mức đáng yêu, nào sự trung thành của bọn đầy tớ, nào khả năng đi thành phố Can-nơ một chuyến.
Ippolit đi chậm lại và bỗng vấp vào thân xác lão thợ săng Bejentruc. Lão kê chiếc áo tu-lúp nằm ngủ chắn ngang con đường nhỏ trong vườn hoa. Bị cú huých, lão tỉnh giấc, hắt xì hơn một tiếng và đứng ngay dậy.
- Ngài khỏi lo, ngài Ippolit ạ - lão nói hăng hái như tiếp tục câu chuyện đã bắt đầu từ lâu - Cái cỗ quan tài nó thích được trang trí lắm.
- Klavđia Ivanovna chết rồi, - người đặt hàng báo tin.
- Cầu trời phù hộ cho vong linh bà cụ, - Bejentruc nói - vậy là bà cụ đã nhắm mắt xuôi tay... Các cụ già bao giờ chết đi, bọn thợ chúng tôi cũng gọi là nhắm mắt xuôi tay... Hoặc gọi là đã xuôi. Tùy theo khổ người. Khổ người nhỏ như bà nhạc của ngài thì gọi là nhắm mắt xuôi tay. Còn khổ người dài hơn một chút, nhưng gầy hơn thì gọi là xuôi mà thôi...
- Ai quy định cách gọi như thế?
- Bọn thợ đóng quan tài chúng tôi ấy mà. Chẳng hạn như ngài là một người đàn ông chững chạc, cao và gầy. Ví thử nói dại mồm dại miệng, ngài chết đi thì gọi là mặc áo ván. Còn một nhà buôn mà chết thì chúng tôi bảo kẻ đó đã hai năm mươi. Một gã lao công hoặc một tay nông phu chết thì gọi là đi đời nhà ma hoặc ngủm củ tỏi. Nhưng những ông quan hoặc nhân viên soát vé xe lửa chết thì gọi là chầu trời.
Sửng sốt về cái lối phân biệt lạ lùng của con người ấy, Ippolit hỏi:
- Thế khi lão chết thì đám thợ bạn gọi là gì?
- Tôi là kẻ hèn mọn. Lúc ấy người ta sẽ bảo: "Bejentruc đi ngủ với giun".
Rồi nghiêm trang nói thêm:
- Kẻ hèn mọn như tôi không thể chầu trời, lên thiên đàng hoặc từ trần được... Thế còn cái khoản cỗ hòm thì ngài định sao ạ? Chả lẽ ngài chỉ đặt một cái áo quan tầm thường thôi ư?
Nhưng Ippolit lại đang chìm đắm trong những ước mơ chói lọi, không trả lời và đi tiếp. Bejentruc bám theo sau, bấm đốt ngón tay tính toán điều gì đó, miệng lẩm bẩm như thường lệ.
Trăng đã lặn từ lâu. Trời lạnh buốt như giữa mùa đông. Những vũng nước phủ một lớp băng mỏng dễ vỡ. Ở phố mang tên đồng chí Guberski, nơi hai người bước ra, gió đang vật lộn với những tấm biển quảng cáo. Từ phía quảng trường Staropan, một chiếc xe cứu hỏa do mấy con ngựa gầy kéo tới.
Mấy anh lính cứu hỏa đội mũ cứu hỏa, ngồi thòng chân ra ngoài, đầu lắc qua lắc lại, cố hát bằng giọng ồ ồ như vịt đực:
Vẻ vang thay đội trưởng của ta
Vinh quang thay đồng chí Nasosov! 2
- Họ đi dự đám cưới tay Colca, con trai ông đội trưởng cứu hỏa về đấy. - Bejentruc thản nhiên nói và xoa xoa bộ ngực dưới lớp áo tu-lúp. - Vậy lẽ nào ngài đặt một chiếc quan tài không có hoa văn trang trí gì?
Vừa vặn đến lúc này Ippolit đã quyết định xong hết thảy. "Mình sẽ đi bằng được - ông quả quyết - Bấy giờ sẽ biết tay nhau". Và trong các ước mơ kim cương, ông cảm thấy bà mẹ vợ có vẻ đáng yêu hơn trước. Ông bèn quay lại bảo Bejentruc:
- Đồ quỷ! Thì làm đi! Trang trí hoa văn cho đẹp vào nhé.
Chú thích
1.Là phương pháp chụp ảnh đầu tiên do L.J. Daguerre (người Pháp) phát minh vào những năm 30 của thế kỷ XIX - Ảnh được chụp trên một tấm kim loại có phủ một lớp bạc Iodua rất nhạy cảm với các tia sáng.
2.Nasosov có nghĩa là bơm.
Mười Hai Chiếc Ghế Mười Hai Chiếc Ghế - Ilya Ilf Và E.petrov Mười Hai Chiếc Ghế