Sự khác biệt giữa cơ hội và khó khăn là gì? Là thái độ của chúng ta! Trong mỗi cơ hội có khó khăn, và trong mỗi khó khăn đều có cơ hội.

J. Sidlow Baxter

 
 
 
 
 
Thể loại: Trung Hoa
Số chương: 76 - chưa đầy đủ
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3412 / 48
Cập nhật: 2017-03-29 10:21:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
6. Tuổi Trẻ Chết Sớm
rên đường tiến quân viễn chinh Ô Hoàn, Quách Gia do không hợp thủy thổ nên đã ngã bệnh nằm trên xe. Đến khi ông theo Tào Tháo viễn chinh trở về, lại do làm việc quá mệt nhọc, bệnh tình càng nặng hơn. Tào Tháo luôn phái người đến chăm sóc cho Quách Gia, tỏ ra lo lắng và chu đáo, nhưng không ngờ, vị mưu sĩ tài hoa đang thời trẻ trung này, do bệnh quá nặng nên đã giã từ cỏi đời vào cuối năm thứ mười hai niên hiệu Kiến An (công nguyên 207).
Lúc Quách Gia chết, chỉ mới ba mươi tám tuổi, chính là cái tuổi đang sung sức, khiến mọi người đều hết sức thương tiếc. Sau khi ông qua đời, Tào Tháo đích thân đến điếu tang, và tỏ ra hết sức đau lòng. Vì đối với triều đình bị mất đi một đại thần quan trọng, đối với cá nhân bị mất đi một người phụ tá tài ba", cho nên Tào Tháo đã buột miệng kêu lên:
- Buồn thay Phụng Hiếu! Đau thay Phụng Hiếu! Tiếc thay Phụng Hiếu!
Sở dĩ Tào Tháo thương tiếc và đau đớn như vậy, cũng không có gì lấy làm lạ. Vì sau khi viễn chinh Ô Hoàn thắng lợi trở về, Tào Tháo hết sức vui mừng, và đang chuẩn bị xua quân tiến xuống phía Nam để quét sạch các thế lực đối đầu, thống nhất cả nước Trung Quốc, đang cần tới một người mưu thần, một “túi khôn" có thể ngồi trong quân trướng mà tính toán kế mưu giành thắng lợi ngoài xa nghìn dặm như Quách Gia. Thế mà Quách Gia lại ra đi trong thời điểm đó, quả là một sự tổn thất nặng nề đối với sự nghiệp to lớn của Tào Tháo. Trận đánh Xích Bích sau này, là một thất bại nặng nề về các mặt chánh trị và quân sự trong cuộc đời nhung mã của Tào Tháo, lại xảy ra trong khi Quách Gia vừa tạ thế chẳng bao lâu. Chính vì không có một người phụ tá tài ba để cùng bàn về mưu lược, nên sự thất bại đó mới xảy đến. Thảo nào Tào Tháo đã đau đớn than rằng: “Nếu Quách Phụng Hiếu còn sống, thì cô gia không đến đỗi như thế này?".
Sau khi Quách Gia chết, Tào Tháo đau đớn nói với Tuân Du và những mưu thần ở bên cạnh:
- Các ngài tuổi tác đều suýt soát với tôi, duy chỉ có Quách Phụng Hiếu là nhỏ nhất. Tôi chuẩn bị sau khi chiến loạn được bình định xong, sẽ phó thác mọi việc sau này cho ông ấy. Nhưng, không ngờ ông ấy với tuổi trung niên lại yểu tử. Chả lẽ đấy là số mạng đã định như thế hay sao.
Trong bức thư gởi cho Tuân Vực, Tào Tháo lại tưởng nhớ tới Quách Gia, nói "Quách Phụng Hiếu tuổi chưa đầy bốn mươi, cùng sống và làm việc bên cạnh tôi mười một năm qua, không ngại gian nan hiểm trở từng cùng mọi người chia ngọt xẻ bùi. Quách Gia là người thông tình đạt lý, phân tích thế sự chính xác rõ ràng, nên tôi muốn đem chuyện sau này phó thác cho Quách Gia, nhưng không ngờ ông ấy lại ra đi trước tôi, thực khiến cho ai cũng phải hết sức đau lòng. Quách Phụng Hiếu là người hiểu tôi nhất. Người trong thiên hạ biết nhau không có nhiều. Do vậy, tôi càng thương tiếc hơn. Nhưng, còn có cách nào cứu vãn được?"
Tào Tháo không chỉ một lần bày tỏ ý muốn phó thác mọi việc sau này cho Quách Gia. Qua đó đủ thấy, Tào Tháo đối với Quách Gia trọng thị và tin cậy đến mức độ nào. Tào Tháo lại dâng biểu cho Hán Hiến Đế, yêu cầu truy tặng phong thưởng cho Quách Gia. Trong tờ biểu văn có nói: "Cố Quân Tế Tửu Vỹ Dương Đình Hầu Quách Gia, là người trung trinh lương thiện, trí cao đức đẹp, thông tình đạt lý, cứ mỗi khi gặp việc lớn, mọi người tranh cãi mỗi ý mỗi khác nhau, thì ông chỉ nói một lời là đã giải quyết mọi việc đâu ra đó, và mọi kế sách của ông không bao giờ có chỗ sai sót. Kể từ ngày đi vào quân lữ, theo thần đông chinh bắc phạt mười một năm, lập được nhiều công huân lớn, như bắt sống Lữ Bố, chiếm Tuy Cố, trảm Viên Đàm, bình định Hà Bắc, vượt qua núi non hiểm trở để bình định Ô Hoàn, oai danh rung chuyển cả vùng Liêu Đông. Ông còn tiêu diệt Viên Thượng, công lao không ai sánh bằng. Trong khi thần chuẩn bị biểu dương công huân của ông, thì ông lại chết quá sớm. Khi nhớ lại công của Quách Gia, ai ai cũng không sao quên được. Vậy cần phong thêm thực ấp cho đủ một nghìn hộ, để biểu dương người đã chết, cổ xúy người đời sau”.
Đối với lòng trung thành và tài năng của Quách Gia, Tào Tháo đã tán dương một cách đầy nhiệt tình. Đối với việc Quách Gia chết sớm, Tào Tháo tỏ ra vô cùng thương tiếc. Hán Hiến Đế sau khi đọc xong tờ biểu, liền truy tặng thụy hiệu cho Qưách Gia là Trinh Hầu.
Trong tập đoàn "túi khôn" của Tào Tháo, Quách Gia là người trẻ tuổi lại hoạt động sôi nổi nhất. Tào Tháo bảo ông là người "thấu tình đạt lý", như vậy là Tào Tháo rất biết người. Quách Gia đúng là một con người có tính tình cởi mở, hào phóng, thậm chí không câu nệ tiểu tiết. Trần Quần từng nhiều lần nói với Tào Tháo, Quách Gia "không chú ý sửa đổi hạnh kiểm", nhưng Quách Gia vẫn không để ý tới, vẫn "sống một cách tự nhiên”. Do vậy, Tào Tháo lại càng nể trọng ông hơn nữa. Quách Gia là một con người tài hoa tuyệt vời, lại không câu nệ tiểu tiết, vậy đáng lý ra có nhiều người oán trách ông, nhưng trong sự thật thì trái ngược lại. Điều đó chủ yếu là Quách Gia giỏi xử lý những mối quan hệ giữa con người và con người, luôn sống hòa thuận người chung quanh, vinh nhục cùng chia sẻ. Nhất là mối quan hệ với vị chủ soái là Tào Tháo, Quách Gia luôn tỏ ra hòa hợp, thân mật đến mức "đi thì chung xe, ngồi thì chung chiếu”, được Tào Tháo xem là tri kỷ. Cùng làm việc chung với một con người có quyền thế, có mưu lược như Tào Tháo, lúc nào cũng tiềm ẩn một sự nguy hiểm đối với mình cả. Vì “gần vua như gần cọp" là câu nói không phải ngoa. Đã có bao danh thần mưu sĩ chết dưới lưỡi đao của Tào Tháo rồi. Trong khi đó, thì mối quan hệ giữa Quách Gia và Tào Tháo lại hoàn toàn hòa hợp với nhau. Điều đó một mặt có thể do Quách Gia đối với sự nghiệp của Tào Tháo là rất cần thiết, mặt khác có thể do cách giải quyết những mối quan hệ giữa con người của Quách Gia, bao giờ cũng tròn trịa, khôn khéo. Điều đó chứng tỏ ông tuy là một mưu lược gia kiệt xuất, nhưng cũng có sự khôn khéo khác trong cuộc sống. Điều khiến Tào Tháo luôn thương nhớ tới Quách Gia, không ngoài do ông vừa có tài năng lại vừa có lòng trung thành. Kể từ khi ông rời bỏ doanh trại của Viên Thiệu chạy sang doanh trại của Tào Tháo, bao giờ cũng trung thành với tập đoàn của họ Tào. Điều đó ai ai cũng thấy. Do vậy, Tào Tháo bao giờ cũng ghi nhớ mãi mãi lòng trung thành và tài năng xuất chúng của ông, gọi ông là người “trung hậu”, lúc nào cũng muốn lập công, không kể chi tới mạng sống. Đối với con người như vậy, có ai quên được bao giờ?. Chỉ riêng trí mưu và tài năng của Quách Gia, cũng đủ làm cho Tào Tháo hết lòng ngưỡng mộ. Tào Tháo bảo Quách Gia là "khi nghĩ mưu lược thì không bao giờ có sai sót", “gặp có cuộc họp bàn rộng rãi hoặc đứng trước kẻ đại địch cần ứng biến, thần chưa kịp có quyết đình gì thì Quách Gia đã nghĩ ra cách đối phó trước. Trong việc bình định thiên hạ, có nhiều mưa trí, công lao rất to". Tào Tháo lại bảo Quách Gia "Người này có tầm quan sát và nhận xét về việc binh sự, giỏi hơn tất cả mọi người”. Có thể làm cho Tào Tháo, một người được đánh giá là "phi thường hơn tất cả mọi người", không tiếc lời tán thưởng, đủ thấy trí mưu của Quách Gia là hơn hẳn mọi người khác. Lòng trung thành và tài năng của Quách Gia, chẳng những làm cho Tào Tháo khâm phục, mà cũng để lại cho người hậu thế những ấn tượng rất sâu sắc.
Quách Gia đảm nhận việc tính toán mưu kế cho Tào Tháo suốt mười một năm, có công lao siêu việt đối với sự nghiệp phát triển và thống nhất vùng đất miền Bắc của tập đoàn họ Tào, đồng thời, cũng đã đóng góp công sức quan trọng cho sự phát triển cửa lịch sử nói chung. Quách Gia tuổi trẻ tài cao, chẳng những sáng suốt lựa chọn người xứng đáng để phục vụ, mà còn có thể nhìn xuyên suốt tình hình trong khắp thiên hạ, biết người biết ta, có dự kiến xuất sắc đối với những diễn biến của tình hình. Ông còn giỏi lợi dụng mâu thuẫn, biết cách "chỉ huy" kẻ thù. Trong đầu óc ông luôn có những mưu kế tuyệt diệu, và còn có đôi mắt nhìn xa thấy rộng, ý thức chiến lược rất cao siêu. Ông chẳng những là một vị phụ tá có kỳ tài, một vị tham mưu cao cấp dưới trướng của Tào Tháo trong đời Đông Hán, mà còn do ông có nghệ thuật cao siêu trong vấn đề đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, đã đóng góp đáng kể vào kho tàng trí tuệ quý giá trong thời cổ đại của nước Trung Quốc qua nhiều nội dung phong phú.
Sau cùng, chúng ta nên lấy bài thơ ca ngợi Quách Gia trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa", để kết thúc bài viết này. Thơ rằng:
Thiên sinh Quách Phụng Hiếu,
Hào kiệt quán quần anh.
Phúc nội tàng kinh sử,
Hung trung ẩn giáp binh.
Vận mưu như Phạm Lãi,
Quyết sách tự Trần Bình.
Khả tích thân tiên táng,
Trung Nguyên lương đống khuynh.
Dịch:
Trời sinh Quách Phụng Hiếu,
Hào kiệt đứng hàng đầu.
Bụng chứa đầy kinh sử,
Giáp binh tiềm ẩn sâu.
Ra mưu như Phạm Lãi,
Quyết sách tự Trần Bình.
Đáng tiếc chết quá sớm,
Rường cột Trung Nguyên chinh.
Mười Đại Mưu Lược Gia Trung Quốc Mười Đại Mưu Lược Gia Trung Quốc - Nhiều Tác Giả Mười Đại Mưu Lược Gia Trung Quốc