Không phải tự dưng kim cương có thể sáng lấp lánh.

Mary Case

 
 
 
 
 
Thể loại: Trung Hoa
Số chương: 76 - chưa đầy đủ
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3412 / 46
Cập nhật: 2017-03-29 10:21:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
4. Dự Đoán Về Tôn Sách
rong thời Tam Quốc, nước Ngô hùng cứ tại Giang Đông, thời gian lập quốc dài nhất. Cơ nghiệp của nước Ngô là do người thiếu niên anh hùng Tôn Sách khai sáng.
Tôn Sách tự Bá Phù, là người Phú Xuân (nay là Phú Dương, tỉnh Triết Giang, thuộc Ngô Quận). Ông sinh vào năm thứ tư niên hiệu Hy Bình thời Đông Hán (175 sau công nguyên), trong một gia đình đại tộc nổi danh tại địa phương. Cha của Tôn Sách là Tôn Kiên, tự Văn Đài, trước kia từng làm Huyện Lệnh. Sau khi bùng nổ cuộc đại khởi nghĩa Huỳnh Cân, Tôn Kiên đã chỉ huy "Thiếu niên trong thôn ấp”, kết hợp với hơn một nghìn tráng đinh chiêu mộ được, theo Hữu Trung Lang Tướng là Chu Tuấn trấn áp quân khởi nghĩa. Do có công trong tác chiến, nên được cất nhắc làm Biện Bộ Tư Mã. Về sau, ông lại theo Xa Kỵ Tướng Quân là Trương Ôn đến Dương Châu, tiến công vào thế lực cát cứ tại địa phương do Biên Chương và Hàn Toại cầm đầu. Sau khi trở về kinh được cử làm Nghị Lang.
Năm thứ tư niên hiệu Trung Bình đời vua Hán Linh Đế (công nguyên 187) Tôn Kiên được triều đình ủy nhiệm làm Thái Thú Trường Sa. Ông đã lần lượt trấn áp các cuộc nông dân khởi nghĩa tại ba quận Trường Sa, Đinh Lăng, Quế Dương, và được phong làm Ô Hoàn Hầu. Khi các chư hầu ở Quan Đông cử binh thảo phạt Đổng Trác, Tôn Kiên cũng cử binh hưởng ứng và trên đường tiến quân đã tiêu diệt những lực lượng không thuộc phe của mình. Nhờ đó, lực lượng của ông càng ngày càng to. Khi ông đến Lỗ Dương (nay là Lỗ Sơn, tỉnh Hà Nam) thì có dịp hội kiến với Viên Thuật. Viên Thuật dâng biểu tâu xin cử ông làm Phá Lỗ Tướng Quân, Thứ Sử Dự Châu. Năm thứ ba niên hiệu Sơ Bình đời vua Hán Hiến Đế (năm 192), khi Viên Thuật và Lưu Biểu tranh giành Kinh Châu, thì Tôn Kiên đi làm tiên phong và đánh bại liên tiếp Đại tướng Huỳnh Tổ của Lưu Biểu. Khi tiến lên bao vây Tương Dương, ông bị binh sĩ của Huỳnh Tổ bắn tên giết chết.
Trong khi Tôn Kiên chết thì Tôn Sách đang ở tại Thọ Xuân (nay là Thọ Huyện, tỉnh An Huy), tuổi mới vừa mười bảy, mười tám. Với độ tuổi thiếu niên anh tuấn đó, Tôn Sách thích kết nạp người hào hiệp thông minh, và luôn nuôi chí phục thù cha. Tháng mười hai năm nguyên niên niên hiệu Hưng Bình đời vua Hán Hiến Đế (công nguyên 194), ông đi Giang Đô (nay là Dương Châu, tỉnh Giang Tô) để thỉnh giáo với Trương Hoành, một danh sĩ tại Giang Hoài, về tình thế trước mắt. Ông hỏi Trương Hoành:
- Hiện nay triều đình nhà Hán đang suy vi, thiên hạ đang nhiễu nhương, tiên phụ tôi đang cùng họ Viên đánh bại Đổng Trác, công danh chưa toại thì lại bị Huỳnh Tổ sát hại. Sách tôi tuy còn nhỏ, nhưng chí không nhỏ, muốn tìm đến Viên Dương Châu để xin lại số binh lính trước đây của cha tôi, rồi sẽ theo cậu tôi tại Đơn Dương, thu thêm những người thất lạc hàng ngũ, để chiếm cứ Ngô Hội, báo thù rửa hận, đồng thời cũng làm phên giậu cho triều đình. Vậy ngài thấy thế nào?
Trương Hoành bèn nói rõ với Tôn Sách về tình hình hiện nay:
- Nay ngài muốn theo con đường của tiên phụ, để trở thành một vị võ tướng hữu danh, nếu đến Đơn Dương và thu binh tại Ngô Hội, thì hai vùng Kinh Dương sẽ có thể hợp nhất, mối thù xưa có thể báo được. Chiếm lấy vùng Trương Giang, phấn đấu để tạo uy tạo đức, diệt trừ bọn cát cứ xấu xa, khuông phò Hán thất, thì công lao có thể sánh với Hoàn, Văn, chứ nào phải chỉ làm phên giậu thôi đâu? Hiện nay, đời loạn nhiều khó khăn, nếu mọi việc thành công, thì nên kết hợp cùng với những người đồng chí hướng, lo xây dựng vùng đất phương Nam.
Tôn Sách tiếp nhận ý kiến của Trương Hoành, quyết định sẽ chiếm giữ vùng Giang Đông. Năm thứ ba niên hiệu Hưng Bình (công nguyên 195) một bộ hạ cũ của Tôn Kiên là Chu Trị thấy Viên Thiệu là người không có đức, cũng khuyên Tôn Sách nên lấy Giang Đông để xây dựng cơ nghiệp. Lúc bấy giờ, người cậu của Tôn Sách là Ngô Cảnh tiến đánh Phàn Năng, Trương Anh, đã kéo dài hơn một năm mà chưa thắng được. Tôn Sách thừa cơ bèn hiến kế với Viên Thuật:
- Nhà tôi có ơn cũ tại phía Đông, bằng lòng giúp cậu chinh phạt Hoành Giang. Một khi Hoành Giang bị hạ, thì sẽ chiêu mộ binh sĩ tại nơi đó ít nhất cũng được ba vạn người, để giúp sứ quân ngài khuông phò Hán thất.
Viên Thiệu đối với việc đó cảm thấy rất hứng thú bèn cử ông làm Chiết Xung Hiệu úy dẫn binh vượt qua sông. Tôn Sách chỉ huy tướng sĩ cũ của cha mình đông chừng một nghìn người, trong đó có Trình Tấn, Huỳnh Cái, Hàn Đương, Chu Trị, Lử Phạm, v.v... ngựa chừng mấy mươi con, kéo sang hướng Đông. Những tân khách lúc ở Thọ Xuân như Tương Khâm, Châu Thái, Trân Võ, v.v... cũng dẫn mấy trăm binh mã theo Sách vượt sông. Về sau, Châu Do cũng dẫn binh nghinh tiếp và trợ giúp cho tiền bạc, lương thực. Khi đến Lịch Dương (nay là Hòa Huyện, tỉnh Giang Tô), thì binh lực của Tôn Sách đã lên đến năm sáu nghìn người.
Sau khi Tôn Sách qua sông, chỉ trong vòng bốn năm ông đã liên tục chinh chiến, đánh Đông dẹp Bắc, tiêu diệt toàn bộ thế lực cát cứ ở Giang Đông, mở mang sáu quận tại đây là Đơn Dương, Ngô Quận, Cối Kê, Dự Chương, Lư Giang, Lư Lăng, xưng bá một cõi tại Giang Đông, để xây dựng sự nghiệp cho mình thời gian khai quốc nhanh chóng của Tôn Sách, hơn hẳn Tào Tháo và Lưu Bị.
Thời thế tạo anh hùng, nhưng anh hùng cũng tạo thời thế. Tôn Sách sở dĩ thành công, điều trước tiên là do quyết sách chiến lược đúng đắn. Vì "thời loạn chiếm giữ và khai thác vùng biên cương" là một quyển sách cho thấy ông là người có tầm nhìn xa rộng và sự quả đoán hơn người. Kế đó, Tôn Sách còn là người giỏi thu phục nhân tâm, "giỏi dùng người, nên kẻ sĩ ai ai cũng vui vẻ góp sức với ông cho đến chết mới thôi". Hơn nữa, kỷ luật quân đội của ông rất nghiêm minh, quân ông kéo tới đâu thì con gà con chó, trái ớt cọng hành đều không xâm phạm, cho nên bá tánh ai ai cúng ủng hộ ông. Tất nhiên, một yếu quan trọng khác nứa là Tôn Sách dụng binh "mạnh mẽ thần tốc” kéo tới đâu thắng tới đó, không ai dám đương đầu. Vì đó chính là phẩm chất của một vị đại tướng có tài năng chỉ huy trác tuyệt của ông. Kể từ ngày ông vượt sông Trường Giang cho tới nay, đánh đâu tháng đấy, ai nghe nói đến Tôn lang kéo binh tới nơi, thì đều cuống vó bỏ chạy trước. Viên Thuật từng khen ngợi rằng:
- Nếu tôi có được một đứa con trai như Tôn Lang, thì dù có chết cũng không còn gì ân hận.
Một năm sau khi Tôn Sách vượt sông khai thác vùng Giang Đông, thì đất đai ngày một rộng, thế lực ngày một to, được xem như đã đủ lông đủ cánh, nên muốn thoát ly khỏi Viên Thuật để tự lập. Ông nghe Viên Thuật đang nuôi giấc mộng làm hoàng đế tại Thọ Xuân, bèn chụp lấy cơ hội đó cắt đứt quan hệ với Viên Thuật. Tháng giêng năm thứ hai niên hiệu Kiến An (công nguyên 197), sau khi Viên Thuật xưng đế, Tôn Sách liền áp dụng chính sách liên kết với Tào Tháo ở phương Bắc để chống lại Viên Thuật. Tào Tháo liền dâng biểu phong cho Tôn Sách làm Kỵ Đô úy, kế thừa chức Ô Hoàn Hầu, kiêm luôn chức Thái Thú Cối Kê. Về sau, Tào Tháo biết Tôn Sách đã bình định được vùng Giang Nam thì lại rất lo lắng. Nhưng vì binh lực của Tào Tháo không đủ để tranh phong với Tôn Sách ở một vùng xa xôi này, nên đành chỉ đưa mắt nhìn. Tôn Sách đánh nhau với thế lực cát cứ trong vùng rộng cả nghìn dặm, và chiếm được trọn vẹn vùng Giang Đông. Tào Tháo tuy luôn luôn tìm cách lôi kéo Tôn Sách, nhưng Tôn Sách thì không bao giờ bằng lòng chịu sự tiết chế của Tào Tháo.
Năm thứ năm niên hiệu Kiến An (công nguyên 200), trong khi Tào Tháo và Viên Thiệu giằng co tại Quan Độ, hậu phương lỏng lẻo, Tôn Sách bèn chọn thời cơ này, thực hiện kế hoạch "đánh lén vào Hứa Xương, để rước vua nhà Hán". Tôn Sách bố trí quân đội đâu vào đấy, tập kết tại bờ sông chờ đợi. Khi tin tức này truyền đến doanh trại của Tào Tháo, tập đoàn các mưu sĩ của Tào Tháo đều “lấy làm lo sợ”. Vì Tôn Sách là người dũng cảm thiện chiến, lại có mưu sĩ trứ danh là Châu Do trợ tá. Do vậy, đối với Tào Tháo đây là một sự uy hiếp cực kỳ to lớn.
Nhưng, chỉ có Quách Gia là có ý kiến khác hơn mọi người. Ông cho rằng Tôn Sách là một thế lực không đáng lo ngại. Ông đoán, hành động này của Tôn Sách khó mả thành công. Mọi người cảm thấy khó hiểu đối với sự nhận định trên. Quách Gia bèn giải thích rồi suy đoán thêm:
- Tôn Sách vừa mới thôn tính Giang Đông, những người bị Tôn Sách giết đều là anh hùng hào kiệt cả. Dưới tay của họ có rất nhiều môn khách và tướng sĩ sẵn sàng tìm cách trả thù cho chủ nhân của mình. Trong khi đó, Tôn Sách lại rất xem thường, không chú ý phòng bị. Mặc dù dưới tay Tôn Sách có hằng triệu binh mã, nhưng một khi ông ấy đi một mình trong chỗ hoang vắng, nếu có thích khách mai phục đánh lén, thì Tôn Sách chỉ có thể dùng sức cá nhân của mình để đối phó mà thôi. Theo tôi thấy, con người này chắc chắn sẽ chết dưới tay của một kẻ thất phu.
Mọi người nghe qua lời tiên đoán của Quách Gia, vẫn bán tín bán nghi. Họ tin lời phân tích trên của Quách Gia là có lý, nhưng vẫn nghi ngờ Tôn Sách phải chăng "thực sự chết dưới tay của một kẻ thất phu”. Nhưng không bao lâu sau, sự dự đoán chừng như khó tin ấy, lại được sự thật chứng minh là đúng. Sử chép: "Sách đến Giang Đông chưa bao lâu, thì quả bị môn khách của Hứa Công giết chết". Tất cả mọi người đều không tiếc lời khen ngợi sự tiên đoán của Quách Gia, và hết sức bái phục ông.
Thì ra, Hứa Công lúc giữ chức Thái Thú Ngô Quận, từng dâng biểu lên vua nhà Hán, kiến nghị “Triệu Tôn Sách trở về Kinh Ấp", "nếu để ông hoạt động ở ngoài thì sẽ gây họa cho đời". Tôn Sách biết được tin này hết sức giận dữ, bèn chỉ huy một toán quân tiến phía Nam, chiếm lấy Tiền Đường (nay là vùng phụ cận Hàng Châu, tỉnh Triết Giang), để chận không cho Hứa Công liên minh được với Cối Kê Vương là Lang, để chống cự với mình, rồi sau đó mới chuyển quân đánh lên phía Bắc. Chỉ trong một trận là chiếm được Ngô Quận, bắt Hứa Công và ra lệnh cho binh sĩ lấy thừng thắt cổ giết chết.
Sau khi Hứa Công chết, có ba môn khách thường tìm cơ hội để trả thù cho chủ mình, nhưng họ chưa gặp thời cơ thuận tiện.
Bình nhật, Tôn Sách rất thích đi săn bắn, thường dẫn theo một ít tùy tùng rồi đi vào rừng săn thú. Bộ hạ của Tôn Sách thấy vậy thường khuyên ông đừng đi ra ngoài một cách liều lĩnh như vậy. Tôn Sách dù thấy lời khuyên trên là có lý, nhưng vẫn không thể thay đổi tập quán vốn ưa thích của mình. Trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa" miêu tả việc này như sau: “Một hôm, Tôn Sách dẫn quân đi săn ở Tây Sơn, thuộc vùng Đơn Đô. Ông đuổi theo một con nai to, nên đã thúc ngựa vượt lên núi. Trong khi đang truy đuổi, thấy trong rừng cây có ba người cầm giáo mang cung đứng ở đấy. Tôn Sách gò cương ngựa hỏi: "Các người là ai?". Đáp: "Chúng tôi là quân sĩ của Hàn Đương đang bán nai ở đây”. Trong khi Sách định thúc ngựa bỏ đi, thì một người cầm giáo nhắm đâm vào đùi của Sách. Sách cả kinh, vội vàng lấy gươm rồi thúc ngựa xông tới chém. Nhưng lưỡi gươm gãy và rơi xuống đất, chỉ còn cán gươm cầm trong tay. Một người nữa cầm cung lấp tên bắn trúng gò má của Sách. Sách nhổ mũi tên trên gò má, rồi lấy cung lắp tên bắn trả lại người đó. Đối phương trúng tên ngã xuống chết tại chỗ. Hai người còn lại bèn cầm giáo đâm Sách túi bụi và la to “Bọn ta đây là gia khách của Hứa Công, đặc biệt tìm tới nơi này để trả thù cho chủ nhân!". Sách không còn vũ khí gì khác, phải lấy cây cung để chống trả, vừa chống vừa bỏ chạy. Hai người kia đuổi theo không tha. Sách bị trúng mấy mũi giáo, con ngựa cũng bị thương. Giữa lúc nguy cấp, thì Trình Tấn dẫn mấy người tới nơi. Sách la to: "Giết giặc?". Trình Tấn dẫn đám đông xông lên, dùng loạn đao bầm nát những gia khách của Hứa Công thành một đống thịt vụn. Khi họ quay lại xem Tôn Sách, thấy ông máu chảy đỏ mặt, bị thương rất nặng. Họ liền cắt vạt án dài để rịt vết thương, rồi cứu Tôn Sách về Đô Hội để dưỡng bệnh”.
Ngay đêm đó, Tôn Sách vì bị thương quá nặng nên đã chết. Năm chết ông mới hai mươi sáu tuổi. Người em là Tôn Quyền lên thay thế chỉ huy toàn bộ binh mã.
Cái chết của Tôn Sách được Quách Gia đoán trúng. Ông ta chết lúc sắp sửa tấn công Hứa Đô, đó âu cũng là ngẫu nhiên thôi. Do vậy, Bùi Tùng khi chú thích "Tam Quốc Chí" có nói: "Gia biết Tôn Sách có tính khinh nhờn, nên chắc chắn sẽ chết dưới tay của một kẻ thất phu, và mọi việc xảy ra đúng như Quách Gia đã tiên liệu. Nhưng đó cũng chưa phải là người thượng trí, vì chưa đoán được Tôn Sách sẽ chết vào năm nào. Nay Tôn Sách chết đúng vào năm chuẩn bị đánh Hứa Đô, đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên". Nhưng ông ấy có thể đoán biết Tôn Sách "chắc chắn sẽ chết dưới tay của một kẻ thất phu, chứng tỏ ông đối với các tập đoàn chính trị, quân sự, đều hiểu rất sâu. Đối với động hướng của họ, ông hiểu rõ từng chi tiết. Đối với những nhân vật chủ chốt có tính tình ra sao, ông cũng hiểu rất cặn kẽ. Là một nhà mưu lược kiệt xuất, Quách
Gia tuy suốt ngày phải bận rộn với chuyện quân vụ trong doanh trại của Tào Tháo, nhưng đối với sở trường sở đoản, mâu thuẫn nội bộ, xu thế phát triển của các thế lực ở Giang Đông dưới sự thống trị của Tôn Sách, thì ông hiểu rõ mồn một. Điều đáng quý hơn, ấy là ông còn có tài năng rất cao để khái quát, phân tích và suy đoán những tài liệu phong phú có sẵn trong tay của mình, nên mới có thể dự kiến một cách chính xác, mà người thông thường không làm sao tưởng tượng nổi.
Mười Đại Mưu Lược Gia Trung Quốc Mười Đại Mưu Lược Gia Trung Quốc - Nhiều Tác Giả Mười Đại Mưu Lược Gia Trung Quốc