What's meant to be will always find a way.

Trisha Yearwood

 
 
 
 
 
Thể loại: Trung Hoa
Số chương: 76 - chưa đầy đủ
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3412 / 48
Cập nhật: 2017-03-29 10:21:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
4. Hồng Môn Đại Yến
au khi diệt nhà Tần xong, mấy cánh quân chống Tần phải phân phối quyền lực và lợi ích trong thiên hạ ra sao? Xoay quanh vấn đề này, đã dẫn đến những cuộc tranh chấp mới. Thực ra, người có thực lực nhất phải kể là Hạng Võ, kế đó là Lưu Bang. Do vậy, việc phải xử lý mối quan hệ đứng đắn với Hạng Võ, chính là nhiệm vụ cấp bách của Lưu Bang.
Thuở ban đầu, khi Lưu Bang và Hạng Võ còn "thờ chung" một chúa là Sở Hoài Vương, thì Sở Hoài Vương có giao kết: "Ai vào Quan Trung trước, thì người đó sẽ là vương". Lưu Bang tuy nhanh chóng vào Quan Trung trước, tiêu diệt được triều đình nhà Tần, nhưng đứng về sức mạnh quân sự lật đổ nhà Tần mà nói, không sao bì kịp với chiến công của Hạng Võ. Ngay từ lúc đầu khi chia quân ra thành hai lộ, Sở Hoài Vương và các tướng lãnh chung quanh nhà vua, đã có ý thiên vị đối với Lưu Bang. Họ để Lưu Bang tiến theo con đường phía Nam là con đường dễ dàng hơn. Trái lại, họ để cho Hạng Võ tiến quân theo đường phía Bắc, là nơi phải chạm trán với chủ lực của quân Tần do Chương Hàm chỉ huy.
Trận đại chiến tại Cự Lộc đã cầm chân Hạng Võ, không thể tiến nhanh được. Trong khi đó, cuộc chiến diễn ra tại phía Bắc đã chia sẻ áp lực quân sự cho Lưu Bang. Do vậy, nay Lưu Bang muốn xưng Quan Trung Vương, để ra lệnh cho quần hùng, chiếm địa vị bá chủ về mặt chính trị, thì chắc chắn Hạng Võ, một người không thua sút ai, sẽ không thể chấp nhận.
Một điều quan trọng hơn, ấy là thực lực giữa Lưu Bang và Hạng Võ chênh lệch nhau quá xa. Sau khi chiến thắng tại Cự Lộc, Hạng Võ đã thu nhận hàng binh, biên chế lại thành quân đội của mình (nhưng về sau Hạng Võ hoài nghi số hàng binh này có tâm trạng không ổn định, sau khi vào quan ải chúng có thể nổi loạn, nên đã chôn sống tất cả hai chục vạn (rêu rao là một triệu). Còn Lưu Bang. sau khi tiêu diệt quân Tần xong, quân lực của ông chỉ có mười vạn (rêu rao là hai chục vạn). Xét về tướng tài, thì bản thân Hạng Võ là một tướng lĩnh có sức mạnh nhắc được nghìn cân, oai phong nổi tiếng, và dưới cờ của ông ta, lại còn có những tướng thuộc hạng nhất cả. Những tướng thiện chiến dũng cảm như Kình Bố, Long Thả, Chung Ly Muội, v.v... và những mưu sĩ như Phạm Tăng, Trần Bình v.v... đúng là mãnh tướng và những nhà mưu lược tập hợp quanh Hạng Võ đông đảo hơn bao giờ hết. Mặc dù sự khôn ngoan cảnh giác của Lưu Bang là có thừa, nhưng đáng tiếc về mặt vũ dũng thì lại thiếu. Bộ tướng của Lưu Bang như Châu Bột, Quán Anh, Phàn Khoái, Trí Tâm còn thua Kình Bố, Long Thả, Chung Ly Muội lúc bấy giờ. Sở trường độc đáo của Lưu Bang lúc bấy giờ là biết người và giỏi sử dụng người, có lòng dạ phóng khoáng độ lượng. Nhưng cho dù đó là yếu tố quan trọng về mặt chính trị, nhưng không thể chỉ dựa vào nó mà xoay chuyển được tình thế. Phải trên cơ sở đó, từ từ xúc tích lực lượng, mới có hy vọng chuyển thế yếu thành thế mạnh được.
Dưới tình hình mạnh yếu chênh lệch như vậy, thế mà Lưu Bang lại có một dạo lại sử dụng mưu lược sai lầm. Có người kiến nghị với Lưu Bang:
- Vùng đất Quan Tây rất giàu có, hơn hẳn mười lần khắp nơi trong thiên hạ, địa thế lại hiểm yếu. Nếu nay Chương Hàm đầu hàng Hạng Võ, Hạng Võ phong cho Chương Hàm làm Ung Vương, sai ông ta xưng vương tại vùng Quan Trung, vậy một khi Chương Hàm đến, thì Bái Công e rằng không thể chiếm được vùng đất này. Chi bằng giờ đây nên phái quân trấn giữ Hàm Cốc Quan, đừng cho những cánh quân chư hầu tiến vào, rồi sau đó tập trung binh sĩ ở vùng Quan Trung để tăng cường lực lượng cho mình, lấy đó đối kháng với Hạng Võ.
Lưu Bang đã nghe theo kế ấy, lén Trương Lương tự ý phái quân tới đóng giữ tại Hàm Cốc Quan. Qua đó khiến giữa Sở và Hán vốn đã có sự mâu thuẫn nhau, lại càng trở thành gay gắt thêm.
Khi Hạng Võ xua quân tới Hàm Cốc Quan, thấy cửa quan ải đóng kín, bên trên quan ải lại có quân của Lưu Bang đóng giữ, liền đùng đùng nổi giận, sai Anh Bố dẫn quân tràn tới tấn công. Vào tháng mười hai, quân Hạng Võ đánh hạ Hàm Cốc Quan, tiến vào trú đóng tại Tân Phong và Hồng Môn (hai địa phương này đều nằm về phía Đông Bắc của Lâm Đồng, thuộc tỉnh Thiểm Tây ngày nay). Sau đó, Hạng Võ chấn chỉnh quân ngũ, định cùng Lưu Bang đánh một trận chết sống.
Mưu sĩ của Hạng Võ là Phạm Tăng, nói với Hạng Võ.
- Trước kia lưu Bang là một con người ham tiền tài và háo sắc, thế mà kể từ ngày vào quan ải cho tới nay, ông ta lại tỏ ra không ham tiền tài và nữ sắc như trước. Qua đó đủ thấy ý chí của ông ta không phải nhỏ, vậy nên kiên quyết tiêu diệt ông ta đi, tuyệt đối đừng bỏ lỡ cơ hội tốt.
Nào ngờ việc chuẩn bị ráo riết để đánh nhau với Lưu Bang của Hạng Võ, đã kinh động tới người chú ruột là Hạng Bá. Giữa Hạng Bá với Trương Lương là đôi bạn chí thân với nhau. Hạng Bá muốn báo đáp lại cái ơn cứu mạng trước đây của Trương Lương, nên đứng ngồi không yên, bèn quyết định báo tin này cho Trương Lương biết.
Ngay trong đêm đó, Hạng Bá cưởi một con ngựa, âm thầm rời khỏi Hồng Môn, đi thẳng tới chỗ Lưu Bang đóng quân. Ông tìm gặp Trương Lương, đem kế hoạch của Hạng Võ và Phạm Tăng nói rõ cho Trương Lương biết. Đồng thời, khuyên Trương Lương nên nhanh chóng rời khỏi Lưu Bang, đừng ở đây chờ chết uổng mạng.
Trương Lương là người đầu óc luôn bình tĩnh, lại túc trí đa mưu. Sau khi nghe qua lời nói của Hạng Bá, sắc mặt vẫn điềm nhiên, ung dung đáp:
- Tôi phụng mệnh Hàn Vương, đưa Bái Công vào bên trong quan ải. Nay Bái Công có chuyện nguy cấp, nếu tôi lén bỏ đi thì thật là bất nghĩa. Vậy chi bằng để tôi nói cho ông ấy hay đã.
Hạng Bá nghe lời nói của Trương Lương thật có tình lý, nên càng khâm phục tư cách của người bạn, bằng lòng để cho Trương Lương đi báo tin với Lưu Bang. Thế là Trương Lương lập tức đi vào trướng của Lưu Bang, kể lại tất cả những lời nói của Hạng Bá. Lưu Bang nghe qua thì cả kinh.
Trương Lương hỏi Lưu Bang:
- Theo ngài dự đoán, binh sĩ của ngài có thể chống trả nổi với đại quân của Hạng Vo hay không?
Lưu Bang trầm ngâm một lúc, đáp:
- Thật ra không tài nào chống trả nổi. Vậy, bây giờ phải có biện pháp ra sao?
Trương Lương nói:
- Bây giờ chỉ còn cách nhờ Hạng Bá tranh thủ Hạng Võ mà thôi. Vậy ngài hãy đi gặp Hạng Bá, nói cho ông ấy biết là ngài tuyệt đối không dám phản lại Hạng Võ.
Lưu Bang quả đúng là một bậc anh kiệt, biết tùy thời cơ mà ứng biến, lại biết khi nào phải tiến, khi nào phải lùi. Ông bèn hỏi Trương Lương:
- Tình bạn giữa khanh và Hạng Bá ra sao?
Trương Lương kể lại chuyện mình trước đây từng cứu mạng cho Hạng Bá cho Lưu Bang nghe. Chính nhờ vậy, Hạng Bá mới tìm đến để báo tin.
Lưu Bang lại hỏi:
- Tuổi khanh và Hạng Bá ai lớn hơn?
Trương Lương đáp:
- Hạng Bá lớn hơn tôi.
Lưu Bang hỏi:
- Nếu vậy thì hãy mời ông ấy vào đây, để tôi cư xử với ông ấy như một vị huynh trưởng.
Trương Lương liền bước trở ra, mời Hạng Bá nên vào gặp mặt Lưu Bang một lần. Hạng Bá vốn không có ý định đó, mà chỉ muốn tới đây để thông báo cho Trương Lương kịp thời bỏ đi. Nhưng bây giờ đứng trước tình hình này, ông không nở từ chối, nên đành phải nghe theo Trương Lương vào ra mắt Lưu Bang.
Lưu Bang thấy Hạng Bá vào, tỏ thái độ như người bạn cố tri mới vừa gặp lại, bày tiệc khoản đãi ngay. Trước tiên, Lưu Bang tôn Hạng Bá làm huynh trưởng, rồi lại kết làm thông gia. Sau đó, mới dùng lời uyển chuyển nói:
- Sau khi tôi vào quan ải, đã thanh tra hộ khẩu tại đây, cũng như đã niêm phong phủ khố, hoàn toàn không dám đá động chi đến, mà chỉ chờ Hạng tướng quân tới xử lý mà thôi. Sở dĩ tôi phái binh giữ Hàm Cốc Quan, chủ yếu là để bọn đạo tặc không thể tự do ra vào, đề phòng có chuyện bất trắc xảy ra. Sau khi tôi chiếm được Hàm Dương, ngày đêm trông ngóng Hạng tướng quân đến, để chuyển giao cho ông ấy xử lý mọi việc. Tôi nào dám mưu phản đâu? Vậy, xin nhờ ngài trở về nói rõ tình hình đó cho Hạng Võ biết.
Qua những lời nói khôn khéo của Lưu Bang, Hạng Bá tin là thật, bèn hứa với Lưu Bang sẽ làm theo lời yêu cầu của ông. Hạng Bá còn nói thêm:
- Sáng sớm ngày mai này, ngài cần phải đích thân đến gặp Hạng Võ để nói rõ mọi việc, và ngỏ ý xin lỗi.
Lưu Bang đành phải đồng ý.
Sau khi Hạng Bá trở về đến doanh trại của quân Sở, bèn đem những lời nói của Lưu Bang nói lại cho Hạng Võ nghe và nói thêm:
- Nếu không có Lưu Bang tiến quân vào quan ải trước, thì ngài làm sao có thể vào quan ải dễ dàng như thế này? Người ta đã lập được đại công, thế mà ngài không ban thưởng, còn định xua quân đánh người ta thì thật là bất nghĩa. Bây giờ ngài nên thừa cơ hội này, chiêu đãi Lưu Bang cho tốt mới được.
Hạng Võ là người giỏi chiến đấu, nhưng đầu óc lại rất đơn giản. Nghe qua lời của Hạng Bá, cảm thấy cũng có lý, nhưng Hạng Võ muốn kiểm nghiệm một lần nữa, bằng cách ngày mai này khi Lưu Bang đến doanh trại của mình, ông ta sẽ cật vấn và quở trách thẳng Lưu Bang, rồi mới quyết định mọi việc sau.
Sáng sớm hôm sau, Lưu Bang dẫn Trương Lương, Phàn Khoái và ngoài một trăm kỵ binh tới Hồng Môn. Sau khi gặp Hạng Võ, Lưu Bang đi thẳng vào vấn đề, vừa xin lỗi Hạng Võ vừa nói:
- Tôi và tướng quân phụng mệnh chỉ huy đại binh đi đánh Tần. Ngài quét chúng ở phía Bắc sông Hoàng Hà, còn tôi đánh chúng tại phía Nam sông này. Nhưng không ngờ tôi lại có thể vào quan ải trước để lật đổ triều đình nhà Tần, và nay thì gặp ngài ở đây. Anh em ta gặp mặt nhau, đáng lý là việc hết sức vui mừng. Nhưng không dè lại có kẻ tiểu nhân nào đó, tìm cách ly gián, làm cho giữa chúng ta có sự hiểu lầm nhau.
Lời nói của Lưu Bang nghe rất có tình lý. Theo như lời giao kết trước đây của Sở Hoài Vương thì việc Lưu Bang tiến vào quan ải là danh chánh ngôn thuận, không có điểm nào gọi là vượt quyền cả. Trái lại, Hạng Võ chính là kẽ đã làm trái những điều giao kết trước đây. Như vậy, hai chữ “tiểu nhân" sẽ được người đời dùng để mắng Hạng Võ mà thôi. Vì Hạng Võ không phải là một nhà chính trị giỏi ăn nói, giỏi ứng xử, nên khi bị lúng túng đã nói huỵch toẹt ra:
- Đấy là do Tả Tư Mã Tào Vô Thương của Bái Công nói cho tôi nghe đấy chứ. Ông ấy bảo ông muốn xưng Quan Trung Vương và cử Tử Anh làm Thừa tướng, nếu không phải vậy, thì tôi đâu đến đổi giận dữ như thế này.
Sau đó, Hạng Võ mời Lưu Bang dự tiệc. Trong bữa tiệc, Phạm Tăng luôn luôn đưa mắt ra hiệu cho Hạng Võ cũng như nhiều lần đưa chiếc ngọc bội đang mang lên cao, để ra ám hiệu cho Hạng Võ phải quyết tâm giết chết Lưu Bang. Nhưng lúc bấy giờ Hạng Võ không có phản ứng gì, vẫn điềm nhiên lo uống rượu. Tất cả những việc đó Trương Lương đều nhìn thấy, nên vội vàng nghĩ thầm đối sách để ứng phó.
Phạm Tăng thấy Hạng Võ không có ý muốn giết Lưu Bang, để lỡ mất một cơ hội thật tốt, nên liền rời bàn tiệc, bảo Đại tướng Hạng Can ra múa kiếm để giúp vui, rồi thừa cơ giết chết Bái Công. Thế là Hạng Can liền bước ra múa kiếm để thực hiện sự xúi bẫy của Phạm Tăng. Nhưng ý đồ đó đã bị Hạng Bá thấy được. Ông này cũng vội tuốt kiếm bước ra múa, và luôn đứng chắn ngang Lưu Bang để che chở, khiến Hạng Can không làm sao xuống tay được.
Trương Lương thấy tình thế quá nguy cấp, bèn vội vàng rời khỏi chỗ ngồi ra gặp Phàn Khoái, nói.
- Hạng Can múa kiếm là có ý giết Bái Công.
Trương Lương bèn sai Phàn Khoái cấp tốc bước vào để cứu giá. Phàn Khoái nghe qua, thấy sự việc quá nguy cấp, bên một tay cầm kiếm, một tay cầm thuẫn, xô ngã người vệ sĩ gác cửa rồi xông vào trong trướng, đôi mắt trợn tròn xoe, giận dữ nhìn thẳng vào Hạng Võ. Hạng Võ thấy thế không khỏi giật mình, vội vàng lên tiếng hỏi:
- Đây là ai vậy?
Trương Lương đáp:
- Đây là Tham Thừa Phàn Khoái của Bái Công.
Hạng Võ lên tiếng khen:
- Đúng là tráng sĩ! Vậy hãy mau mời rượu!
Phàn Khoái nhận lấy ly rượu, đứng tại chỗ uống một hơi cạn ly.
Hạng Võ thấy Phàn Khoái tự nhiên như vậy, nên vui vẻ nói:
- Hãy thưởng cho ông ấy một chiếc đùi heo?
Phàn Khoái để chiếc thuẫn xuống đất, rồi để đùi heo lên trên? Dùng kiếm xắt từng miếng bỏ vào miệng nuốt trọng. Không mấy chốc cả một chiếc đùi heo to đã nằm gọn trong bao tử của Phàn Khoái. Hạng Võ nghìn xem đến ngẩn ngơ, lại lên tiếng hỏi:
- Này tráng sĩ, còn có thế uống rượu nữa được không?
Phàn Khoái bình tĩnh như thường, to tiếng đáp:
- Tôi đây chết củng không biết sợ, vậy chả lẽ sợ uống rượu hay sao?
Hạng Võ kinh ngạc nói:
- Lời nói đó nghĩa là sao?
Phàn Khoái đáp:
- Trước đây, Sở Hoài Vương cũng như các chư hầu có giao kết trước: Ai vào Hàm Dương trước thì người đó được xưng vương. Hiện giờ Bái Công đã đánh bại quân Tần, tiến vào Hàm Dương, lại hoàn toàn không dám lấy một thứ gì, niêm phong tất cả kho tàng, cung thất, rút quân ra đóng tại Bá Thượng để chờ Đại vương tới chủ trì. Bái Công là người có công cao và từng chịu nhiều gian khổ, thế mà ngài không tưởng thưởng, trái lại còn nghe theo lời gièm pha, muốn sát hại kẻ có công. Như vậy, chẳng phải lại đi vào vết xe đổ của triều đại nhà Tần và bị tiêu diệt đó sao? Tôi cảm thấy thật khó hiểu.
Nghe những lời nói thẳng nhưng rất có lý của Phàn Khoái, Hạng Võ trố mắt líu lưỡi, tự thấy mình sai, nên không thể đối đáp gì được cả. Mà chỉ nói liên tiếp để mời Phàn Khoái ngồi. Đến chừng đó, Phàn Khoái mới bước đến ngồi bên cạnh Trương Lương.
Lưu Bang thấy không khí dịu lại, biết nơi này không thể ở lâu, bèn chụp lấy cơ hội đó để thoát thân. Ông liền nói với Hạng Võ:
- Thưa Đại vương, tôi cần đi cầu xí một tí.
Hạng Võ đã say, nên không suy nghĩ nhiều khoát tay đồng ý. Lưu Bang liền rời khỏi bàn tiệc. Trương Lương, Phàn Khoái cũng đi theo. Phàn Khoái nói nhỏ với Lưu Bang:
- Ngựa đã chuẩn bị sẵn, xin Bái Công mau rời khỏi nơi này.
Lưu Bang hỏi:
- Không cáo từ mà rời đi, vậy có phải lẽ chăng?
Trương Lương nói:
- Đứng trước một chuyện quan trọng thì không cần nói tới tiểu tiết. Bây giờ người ta là dao là thớt, còn mình là cá là thịt, lúc nào cũng có thể bị nguy hiểm cả, vậy còn nghĩ chi tới chuyện cáo từ!
Lưu Bang lại hỏi
- Sau khi tôi bỏ đi rồi thì khanh sẽ nói sao với Hạng Võ?
Trương Lương đáp:
- Ngài cứ việc thoát thân cùng Phàn Khoái, còn tôi sẽ có cách đối phó sau.
Thế là Lưu Bang được Phân Khoái và một số người nữa hộ vệ, chọn đường tắt đi với một số khinh kỵ gọn nhẹ, nhắm hướng Bái Thượng bỏ chạy như bay, để Trương Lương ở lại đối phó cùng Hạng Võ.
Khi Trương Lương đoán biết số người của Lưu Bang đã về tới doanh trại, mới ung dung trở lại đại trướng của Hạng Võ, Hạng Võ hỏi:
- Bái Công đâu rồi? -
Trương Lương từ trong áo lấy ra một đôi ngọc trắng, và một đôi ngọc đấu trình lên, nói:
- Bái Công đã say, sợ có điều thất lễ, nên không thể trở vào cáo từ. Ông ấy đưa cho tôi đôi ngọc trắng để dâng lên Đại vương, và đôi ngọc đấu để kính hiến Á phụ. Ông ấy thấy thủ hạ của ngài có người muốn gây sự với ông ấy nên đã ra đi một mình. Bây giờ chắc là đã tới doanh trại rồi.
Hạng Võ nhận lấy đôi ngọc trắng, vừa thưởng ngoạn vừa nói:
- Ôi! Tại sao Bái Công không từ giã mà bỏ đi như thế?
Trương Lương đáp:
- Đại vương và Bái Công có tình huynh đệ như thủ túc, nhưng những thủ hạ của Đại vương thì lại hiềm khích với Bái Công, muốn tìm cách giết chết ông ấy để giá họa cho Đại vương. Đại vương mới bình định được thiên hạ, cần phải tỏ ra là người khoan hậu với mọi người, là người có nhân nghĩa với thiên hạ, vậy không nên nghi kỵ Bái Công, nếu Bái Công chết, thì thiên hạ tất nhiên sẽ cười chê Đại vương. Vậy Đại vương hà tất phải ôm lấy cái tiếng xấu hổ. Thí dụ như Biện Trang múa kiếm đâm cọp, nhưng để thực hiện một kế hoạch khác. Bái Công không tiện nói rõ ra, nên chỉ tìm cách thoát thân để tránh họa, chờ sau này Đại vương sẽ hiểu. Đại vương là một vị chúa oai dũng sáng suốt, một khi hiểu được rồi, thì sẽ không trách tội Bái Công tại sao không từ giã mà lại bỏ đi như vậy.
Hạng Võ có tánh đa nghi, nên nghe qua lời nói của Trương Lương thì nghi ngờ Phạm Tăng có âm mưu muốn giết Bái Công, nên đưa mắt nhìn đăm đăm vào Phạm Tăng một lúc lâu. Phạm Tăng do không thực hiện được mưu kế của mình, trong lòng hết sức bực bội. Giờ đây trông thấy Hạng Võ nhìn mình lom lom, nên lửa giận lại bùng cháy. Ông ta đứng phắt dậy, chụp lấy đôi ngọc đấu của Trương Lương vừa tặng, ném mạnh xuống đất, rồi tuốt gươm chặt vỡ thành từng mảnh. Xong, ông ta hầm hầm bỏ đi ra khỏi đại trướng. Khi ra tới ngoài, ông ta ngửa mặt lên trời than rằng:
- Ôi Một người tính tình cứng rắn, chỉ biết làm theo ý mình như vậy, thì không thể tính toán chi với nhau được cả. Kẻ giành được thiên hạ sau này, chắc chắn sẽ là Lưu Bang? Chúng ta hãy chờ đợi để làm những tên tù binh của hắn!
Lưu Bang trở về đến Bá Thượng, liền sai người bắt giải Tào Vô Thương đến trước mặt. Lưu Bang giận đến sắc mặt tái xanh, to tiếng hỏi:
- Bớ Tào Vô Thương, nhà ngươi biết tội chưa?
Tào Vô Thương thấy mọi việc bị đổ bể, sợ hãi đến run cầm cập, vội vàng quỳ ngay xuống đất dập đầu xin tha:
- Xin Bái Công tha chết! Bái Công tha chết!
Lưu Bang nói:
- Nhà ngươi là đồ bán chúa để cầu vinh? Ta đối xử với ngươi không tệ, thế mà không ngờ nhà ngươi lại ăn cháo đá bát, ra ngoài định hãm hại ta. Bây giờ nhà ngươi có gì để nói nữa chăng?
Tào Vô Thương đầm đìa nước mắt, tự tát vô mặt mình, nói:
- Tôi không phải là con người! Tôi không phải là con người! Tôi có lỗi với Bái Công. Tôi có lỗi với tất cả anh em.
Lưu Bang nói:
- Đồ ăn cháo đá bát như ngươi, đã đặt điều nói dối, làm cho ta suýt nữa đã mất mạng, nếu không giết nhà ngươi, thì lẽ trời làm sao dung tha cho nhà ngươi được? Bây đâu, hãy mang Tào Vô Thương ra ngoài trướng chém đầu thị chúng.
Phàn Khoái và hai binh sĩ nữa, đã dẫn Tào Vô Thương ra chém ở trước cửa trướng.
Sau mấy hôm, Hạng Võ xua quân tiến về phía Tây, tàn sát cả thành Hàm Dương, giết chết Tử Anh và phóng hỏa thiêu rụi cung điện của nhà Tần, kể cả A Phòng Cung chạy dài đến ba trăm dặm. Ngọn lửa to cháy liên tục ba tháng chưa tắt. Hạng Võ còn thu gom hết tất cả bảo vật trong hoàng cung, cũng như tất cả những mỹ nữ ở đấy về làm của riêng cho mình. Kinh thành Hàm Dương đồ sộ nguy nga, chỉ trong chốc lát đã trở thành một đống gạch vụn. Bá tánh của vùng Quan Trung thấy hành động của Hạng Võ, đều căm thù ông ta, và ủng hộ Lưu Bang. Lúc bấy giờ Hàn Sinh kiến nghị với Hạng Võ:
- Vùng đất Quan Trung chính là một vùng đất trù phú trời ban. Phía trái có địa hình hiểm trỡ thiên nhiên của núi Hào Sơn và Hàm Cốc, phía phải có dãy núi Lũng Thục làm bình phong, trên có đồng cỏ rộng nghìn dặm chăn nuôi rất tốt, dưới có đất đai phì nhiêu trồng được các loại ngũ cốc. Khi thiên hạ thái bình, có thể dùng thuyền theo hai dòng sông Hoàng Hà và Vị Thủy, chở mọi thứ vật tư từ Quan Đông vào đấy. Khi thiên hạ có loạn lạc thì xuôi thuyền mà xuống, tấn công được bốn hướng. Nếu xây dựng kinh đô tại đó, thì bá nghiệp có thể hoàn thành.
Nhưng Hạng Võ nhìn thấy Hàm Dương đã bị lửa thiêu rụi, cảnh vật hoang tàn, lại đang nhớ quê hương, nên không đồng ý xây dựng kinh đô tại Quan Trung. Hạng Võ nói:
- Phú quý mà không trở về quê hương, cũng như người mặc áo gấm đi giữa đêm tối, thử hỏi có ai biết?
Qua câu trả lời đó, làm cho Hàn Sinh lỡ khóc lỡ cười. Về sau, Hàn Sinh nói với người chung quanh:
- Mọi người đều bảo, người Sở là những người lột da khỉ để mà đội, đúng là như thế.
Ngụ ý câu nói trên, tức khinh khi Hạng Võ chỉ có hình dáng con người, nhưng lại không có tư tưởng con người. Có kẻ đem câu nói đó báo lại cho Hạng Võ. Ông ta nổi trận lôi đình, liền ra lệnh cho thủ hạ đem Hàn Sinh bỏ vào chảo nước sôi giết chết.
Hạng Võ lại phái người đi gặp Sở Hoài Vương, yêu cầu nhà vua thay đổi minh ước trước kia. Nhưng Sở Hoài Vương không đồng ý. Hạng Võ cả giận, xuống lệnh buộc Sở Hoài Vương phải dời về Giang Nam, xây dựng kinh đô tại Sâm Huyện (nay là Sâm Huyện, tỉnh Hồ Nam). Bề ngoài Hạng Võ tỏ ra tôn kính nhà vua, gọt là "Nghĩa Đế” nhưng kỳ thực thì tước bỏ hết quyền lực của nhà vua. Để trả thù Sở Hoài Vương, Hạng Võ còn đem đất phong của nhà vua phân chia hết cho các chư hầu.
Mười Đại Mưu Lược Gia Trung Quốc Mười Đại Mưu Lược Gia Trung Quốc - Nhiều Tác Giả Mười Đại Mưu Lược Gia Trung Quốc