Freedom is not given to us by anyone; we have to cultivate it ourselves. It is a daily practice... No one can prevent you from being aware of each step you take or each breath in and breath out.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Trung Hoa
Số chương: 76 - chưa đầy đủ
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3412 / 48
Cập nhật: 2017-03-29 10:21:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
1. Nhận Sách Tại Hạ Phi
rương Lương (? - 189 trước công nguyên), tự Tử Phòng, sinh tại Thành Phụ (nay là địa phương nằm về phía Đông Nam huyện Bặc, tỉnh An Quy) thuộc nước Hàn cuối đời Chiến Quốc. Ông xuất thân từ một gia đình quý tộc. Ông nội là Trương Khai Địa, từng làm Tể tướng cho Hàn Chiêu Hầu, Hàn Tuyên Huệ Vương, Hàn Tương Vương, thân phụ là Trương Bình, nối tiếp cha làm Thừa tướng cho Hàn Hy Vương, Hàn Hoàn Huệ Vương.
Năm Tần Vương Chánh (Thủy Hoàng) thứ 7 (230 trước công nguyên), Tần diệt Hàn. Lúc bấy giờ Trương Bình đã chết, Trương Lương còn nhỏ, chưa ra làm quan, trong nhà vẫn còn hơn ba trăm đầy tớ, vẫn còn phong độ của một thế tộc. Do thiên đường cũ đã bị hủy diệt, nên Trương Lương cũng như bao nhiêu thế hệ trẻ thuộc tầng lớp quý tộc sót lại, trong lòng bao giờ cũng cháy hừng hực ngọn lửa phục thù. Ông có ý đồ muốn ám sát Tần Thủy Hoàng để trả mối thù cho nước Hàn. Do vậy, mới có chuyện xảy ra như kể trên. Tuy nhiên, việc ông hăng hái hoạt động để trả mối thù riêng của mình, chỉ đưa đến thất bại và bản thân lâm vào một hoàn cảnh đầy nguy hiểm, chứ không thể làm thay đổi gì được cho đại cục trong thiên hạ. Đó là lẽ tất nhiên của lịch sử.
Nhưng, bất luận là thiên đạo hay nhân sự, trong tất nhiên bao giờ cũng đi kèm với rất nhiều trường hợp ngẫu nhiên. Giữa lúc Trương Lương sa vào cảnh cùng đường mạc lộ, thì ông lại may mắn gặp được Hoàng Thạch Công tại Hạ Phi. Chính do sự "ngẫu nhiên" đó, đã đưa đến một vận hội chuyển biến cho ông, giúp ông tiến bộ vượt bực trong vấn đề học vấn, để tạo vốn liếng cho mình phụ tá những bậc đế vương sau này. Vậy, chúng ta hãy nghe lại câu chuyện mang tính truyền kỳ này như sau:
Một hôm, Trương Lương rảnh rỗi, tản bộ đến đầu Cầu Hạ Phi trông thấy cụ già cởi giày và làm rơi xuống cầu. Cụ già quay lại gọi Trương Lương:
- Bớ thằng bé! Hãy xuống lượm giày cho ta!
Trương Lương cố đè nén sự bất mãn trong lòng, xuống cầu nhặt chiếc giày lên cho cụ già. Cụ già ngồi tréo chân trên cầu, bảo Trương Lương mang giày giúp cụ. Đứng trước một sự kiện có tính làm nhục như vậy, mỗi người có sự tu dưỡng khác nhau, tất nhiên cũng sẽ có sự phản ứng khác nhau. Ban đầu Trương Lương do ý thức quý tộc vốn có của mình, kết hợp với tính nóng nảy của tuổi trẻ, muốn vung tay tát cho cụ già một cái tát. Nhưng, cuối cùng do ông đã từng trải qua bao nhiêu tang thương biến đổi trong cuộc đời, chịu đựng bao nhiêu sự trui rèn qua những ngày sống phiêu bạt, trôi nổi, nên lòng dạ rộng rãi của một người thanh niên có chí, đã giúp ông giữ bình tĩnh trở lại.
Trương Lương khom người xuống, mang giày giúp cho cụ già. Xong, cụ già cười dài rồi bỏ đi. Nhưng đi được chừng một dặm đường, cụ già bỗng quay lại chiếc cầu khen tặng Trương Lương:
- Thằng bé nhà ngươi có thể dạy đỗ đấy.
Cụ già hẹn với Trương Lương, sáng sớm năm hôm sau trở lại chiếc cầu này để gặp nhau. Sau năm hôm, cụ già cố ý đi sớm đến cầu, rồi lên giọng giận dữ, quở trách Trương Lương:
- Cùng hẹn với một cụ già, thế tại sao lại đến chậm? Năm hôm sau trở lại đây một lần nữa!
Đúng năm hôm, Trương Lương thức giấc ngay từ lúc nửa đêm, đến cầu chờ đợi cụ già. Điều đó chứng tỏ Trương Lương là người chịu đựng được sự thử thách. Cho nên thái độ chân thành cũng như tinh thần ẩn nhẫn của Trương Lương đã làm cho cụ già cảm động, sẵn sàng tặng cho Trương Lương một vật quý báu vô giá, đó là quyển "Thái công binh pháp”.
Cụ già này chính là một nhân vật huyền bí trong truyền thuyết: Hoàng Trạch Công, một cao sĩ quy ẩn trong sơn động, được mọi người gọi là "Di Thượng Lão Nhân" (Cụ già trên cầu). Từ đó Trương Lương ngày đêm lo nghiên cứu binh thư, tạo được một bước tiến bộ quan trọng trong quá trình đào tạo cho mình trở thành rường cột của đất nước. Trong quá trình đó, sự gặp gỡ là bất ngờ, nhưng thiên tư thì không thể xem nhẹ. Riêng lòng “thành khẩn", chịu “khắc khổ” là những yếu tố cần phải có.
Trong mười năm đọc sách và làm hiệp khách, khiến Trương Lương có cơ hội tiếp xúc với nhiều mặt trong xã hội, và trở thành nguồn gốc để giúp ông hấp thu trí tuệ. Trong khi đó, nhân tình thế thái chuyển biến khó lường mà ông nhận thấy được, lại giúp ông lĩnh hội một cách sâu sắc những ý nghĩa thâm sâu trong quyển “Thái công binh pháp”. Trong mười năm đầy rẫy những biến động, bất ổn đó, thiên kiến quý tộc cũ của ông, có khi còn che chắn tầm nhìn của ông. Nhưng một nhân vật sáng suốt trong giai cấp thống tri, một khi thay da đổi thịt, từ trong doanh lũy cũ xông ra cuộc đời, thì đối với thế giới chung quanh sẽ có sự nhận xét càng sáng tỏ, tư tưởng cũng được trui luyện càng sắc bén hơn.
Năm 210 trước công nguyên, lịch sử nước Tần lại xảy ra một sự kiện trọng đại: vị đế vương kiệt xuất là Tần Thủy Hoàng bị bệnh và chết đột ngột. Tần Nhị Thế Hồ Hợi lên nối ngôi. Từ đó, việc triều chính của nhà Tần đã tuột dốc một cách nhanh chóng. Bao nhiêu mâu thuẫn xã hội đầy phức tạp đã xuất hiện cùng một lúc. Chỉ một năm sau, vào tháng bảy năm Tần Nhị Thế nguyên niên (209 trước công nguyên), một cơn bão tố chánh trị đã ập xuống. Trần Thắng, Ngô Quảng dựng cờ khởi nghĩa tại Thôn Đại Trạch. Giữa trận bão táp cách mạng đó, đủ thứ nhân vật đã đua nhau xuất hiện trên vũ đài chính trị. Trương Lương cũng dựa vào vũ đài xã hội rộng lớn đó để thi triển kỳ tài của mình.
Tháng giêng năm Tần Nhị Thế thứ hai (208 trước công nguyên), Cảnh Câu đã tự đứng lên xưng làm Sở Vương tại Lưu Huyện. Trương Lương dẫn một số đông đến định xin gia nhập. Không ngờ đi mới nửa đường thì gặp Bái Công Lưu Bang đang dẫn hằng nghìn người đánh chiếm Hạ Phi. Hai người gặp nhau đã tỏ ra rất hợp ý nhau, nên Bái Công gọi Trương Lương là Cứu Tướng. Trương Lương thường lấy "Thái Công Binh Pháp" để nói cho Lưu Bang nghe. Cứ mỗi lần nghe, Lưu Bang lĩnh hội ngay, và đã áp dụng kế sách trong binh pháp một cách tha thiết. Trương Lương thấy vậy không khỏi khen rằng:
- Bái Công chừng như là một vị minh chúa trời sai xuống, và có một sự thông minh bẩm sinh!
Lần gặp gỡ này, có thể nói là một lần gặp gỡ đặc thù, quyết định cho sự thành công trong đời của Trương Lương. Trong nước Trung Quốc cổ, mặc dầu có một câu nói nổi tiếng là: "Vua chọn bề tôi, nhưng bề tôi cũng chọn vua". Tuy nhiên do phạm vi hoạt động của mọi người quá hạn hẹp, cũng như tầm nhìn quá nông cạn, nên sự chọn lựa cũng bị giới hạn rất nhiều. Ở mức độ nào đó thì sự thành bại của một con người lại thường quyết định ở sự may mắn, hoặc như mọi người thường gọi đó là "số mạng" (nếu không giải thích “số mạng" theo chủ nghĩa thần bí thì cũng không nên xem đó là một thứ duy tâm luận thuần túy, mà nó có thể được coi là đại đanh từ cho sự "may mắn”). Chính nhờ ở sự may mắn đặc biệt đó, Trương Lương mới được theo giúp cho Lưu Bang, một nhà chính trị kiệt xuất đương thời, chứ không phải là Hạng Võ, một con người chỉ biết làm theo ý mình, hay là một nhân vật chỉ có hư danh rỗng tuếch nào khác. Từ đó, vua tôi họ rất tương đắc, chẳng khác nào cá với nước được gặp nhau. Một người có lòng dạ khoáng đạt, sẵn sàng nghe theo lời can gián tốt, còn một người lại thông minh tuyệt đỉnh, từng bày ra nhiều mưu lược rất hay.
Mười Đại Mưu Lược Gia Trung Quốc Mười Đại Mưu Lược Gia Trung Quốc - Nhiều Tác Giả Mười Đại Mưu Lược Gia Trung Quốc