Bạn nhìn thấy sự việc và hỏi “Tại sao?”, nhưng tôi mơ tưởng đến sự việc và hỏi “Tại sao không?”.

George Bernard Shaw

 
 
 
 
 
Thể loại: Hồi Ký
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 4
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1607 / 45
Cập nhật: 2015-01-14 07:12:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
ột buổi chiều em đưa anh về thăm làng quê của em.Chúng ta đi bằng xe lôi. Anh lại được ngồi bên em trên chiếc xe lôi chạy êm trên con đường vắng đưa đôi ta ra ngoài thị trấn. Làng quê của em ở ngay gần tỉnh. Xe lôi chạy chừng nửa tiếng là đến nơi. Xe dừng bên cây cầu nhỏ bắc ngang con kinh. Em giữ xe lại để trở về. Ở đó có một quán nước. Em đưa anh vào quán ngồi. Lúc ấy khoảng 4 giờ chiều, nắng vàng chan hòa trên đồng ruộng, trên dòng kênh quanh đôi ta.
Em và anh ngồi trong quán thật lâu. Anh tưởng em chỉ vào quán nghỉ rồi sẽ tiếp tục đi, nhưng khi thấy em ngồi lặng mãi, anh hỏi:
- Quê em đâu?
Em chỉ tay về thôn xóm nhỏ bên kia bờ kinh:
- Quê em đó.
- Sao em không về thăm nhà?
Em lắc đầu. Em có vẻ buồn, anh hỏi:
- Sao thế?
Em lặng yên, một lúc sau em mói nói:
- Em chẳng còn người thân nào ở làng. Em nhớ thì về nhìn lại thôi..
Em nhớ những ngày thơ ấu của em trong thôn xóm ven dòng kênh ấy nên mỗi lần ghé Sóc Trăng em thường về thăm quê, nhưng em chỉ về đến quán nước này thôi, em không đi qua con kênh để vào trong làng. Rồi em kể chuyện xưa, những ngày em mới bẩy, tám tuổi. Ông thân em là thầy giáo, ông bị lính Pháp bắn chết trong một trận hành quân càn quét năm 1946. Em theo mẹ em về sống ở Sàigòn..
Em cười buồn:
- Đã mấy lần em về đây một mình. Lần này em về có anh.
Chiều xuống. Nắng tắt dần. Đàn dơi từ một ngôi chùa Miên bay ra đầy trời. Chưa bao giờ anh thấy nhiều dơi đến như chiều hôm ấy.
Ba ngày sau chúng ta chia tay nhau lần thứ hai. Chị Lucie và Marta từ Bặc Liêu qua, ghé vào nhà Băng-ga-lô đón em cùng về Cần Thơ. Lúc đó khoảng chín giờ sáng. Chiếc xe Peugeot vào sân, bóp còi tin tin gọi em, em vẫn chưa chịu xách va-li ra xe.
Marta chạy vào đập cửa phòng:
-- Ra đi đi, Ê-len!
Em thở dài, chúng ta ôm hôn nhau lần cuối rồi em đi ra khỏi phòng. Anh ra đứng ở cửa phòng nhìn ra sân. Đứng bên chiếc xe mở sẵn cửa, em quay lại nhìn anh và em chạy trở lại, em hôn anh và em nói:
- Đừng quên em! Đừng quên em!
° ° °
Anh sống những ngày tẻ ngắt trong trại quân bên cạnh sân bay Sóc trăng. Một hôm ra chợ đi chơi loanh quanh, anh vào Phòng Năm Quân Khu làm quen được với Thiếu Úy Nguyễn Liễn, Trưởng Phòng Năm. Anh tự giới thiệu anh từng làm phóng viên nhà báo ở Sàigòn, bị động viên vào Phòng Năm Bộ Tổng Tham Mưu, lính của Thiếu Tá Trần Tử Oai, vì ba gai nên bị đổi xuống đây, anh viết được những bài tuyên truyền, phụ trách được một tờ tin tức in bằng ronéo...v...v..., anh muốn được ra Phòng Năm làm việc hợp với khả năng... v...v.... Thiếu úy Liễn đang cần có người viết được như anh giúp việc nên ông sốt sắng nói ông sẽ xin Trung tá Dương văn Đức cho thuyên chuyển anh từ Đại Đội Trọng Pháo ra làm việc ở Phòng Năm.
Thiếu úy Liễn -- về sau thân nhau anh gọi ông là anh -- nguyên là cán bộ Việt Minh bỏ sang quân đội Quốc Gia. Không phải đến những năm 1960, 1961 chính quyền ta mới có công tác chiêu hồi và hồi chánh. Việc kêu gọi và tiếp nhận những người rời bỏ hàng ngũ Việt Minh đã có từ những năm 1950; đến những năm 60 nó mới trở thành quốc sách. Trong những năm đầu thập niên 1950 một trong những người Việt Minh sang hàng ngũ quân đội Quốc Gia và được tiếp nhận nồng hậu là ông Trần đình Vọng; năm 1952 ông Vọng mang lon Đại úy, năm 1965 ông Vọng là Đại tá; có thời ông làm Tỉnh trưởng Bình Định. Nhưng thời nào cũng vậy những người rời bỏ hàng ngũ của mình để sang hàng ngũ đối phương thường không được tôn trọng -- hàng thần lơ láo -- Thiếu úy Liễn có thể được Trung tá Dương văn Đức nâng đỡ nhưng không được các sĩ quan khác chấp nhận. Các sĩ quan ta đều có bằng Tú tài, đều phải qua Trường Võ Bị Đàlạt, Thủ Đức, ra trường phải ở cấp bậc chuẩn úy cả năm trời mới được lên Thiếu úy, tự nhiên là các ông không ưa những anh Việt Minh -- thời này chỉ mới có Việt Minh, chưa có cái tên Việt Cộng -- những anh đa số thuộc loại răng đen, mã tấu, ít học, ấm ớ hội tề, chẳng có công cán chi cả nhưng nhẩy vào quân đội là được mang lon Thiếu úy ngay. Người sĩ quan không ưa Thiếu úy Liễn nhất lại là Đại úy Long, Đại Đội Trưởng Đại Đội Trọng Pháp 102. Vì vậy, khi Thiếu Úy Liễn đã xin và được Trung Tá Dương văn Đức, Chỉ Huy Trưởng Phân Khu Sóc Trăng-Bặc Liêu, hứa sẽ nói với Đại úy Long trước rồi làm giấy cho tên Trung sĩ Bắc Kỳ lưu vong ra làm việc ở Phòng Năm, thay vì để Trung Tá Đức nói với Đại úy Long, Thiếu úy Liễn gặp Đại úy Long trong một buổi họp, tưởng bở đem chuyện đó ra nói với Đại úy Long. Đại úy Long bèn Tácdzăng nổi giận, cự tuyệt thẳng thừng. Ông nói đại đội ông đang thiếu quân số, ông không cho người trong Đại Đội đặc phái đi đâu hết. Chuyện anh Trung Sĩ Bắc Kỳ được rời Đại Đội Trọng Pháo ra làm việc ở Phòng Năm đầy hứa hẹn tiêu tan nhanh hơn bọt xà-bông..
Sống trong doanh trại Đai Đội Trọng Pháo chừng ba, bốn tháng, nhớ Sàigòn quá không sao chịu nổi, lại thất vọng về chuyện không được ra Phòng Năm, ở lại Đại Đội thì ông Đại Úy Long càng ghét anh hơn, vì ông biết anh đến Phòng Năm chạy chọt để được ra khỏi Đại Đội, anh tính đến chuyện phải về Sàìgòn xin Thiếu Tá Trần Tử Oai cứu mạng.
Anh xin Đại úy Long cho anh về phép Sàigòn. Ông nói:
-- Bao nhiêu người cả năm rồi không được về phép, anh mới đến có mấy tháng, tôi không thể nào cho anh về phép được.
Anh viết thư về Sàigòn cho anh bạn, bảo bạn anh ra Bưu Điện gửi tê-lêgram xuống cho anh ngay khi nhận được thư anh, mấy ngày sau anh nhận được điện tín:
-- Mẹ đau nặng. Về gấp.
Anh cầm điện tín lên văn phòng trình Đại úy Long. Ông cho anh năm ngày phép về Sàigòn.
Xe đò Thiên Tân đưa anh về đến Cầu Bến Lức lúc bốn, năm giờ chiều. Mấy ống khói nhà máy rượu Bình Tây nhô lên nơi chân trời làm anh bồi hồi. Mới đi xa Sàigòn có mấy tháng mà trở về nhìn thấy cái xích lô máy anh đã thấy lạ.
Ngay sau ngày anh đii khỏi Đại Đội, Thiếu tá Trần Tử Oai được thăng lên Trung Tá, mang quân hàm Đại Tá nhiệm chức, lên làm Chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung kiêm Tư Lệnh Phòng Năm Bộ Tổng Tham Mưu. Anh chơi thân với Hồ văn Antoine trong Đại Đội Võ Trang Tuyên Truyền. Antoine là người đạo Thiên Chúa, Antoine là tên thánh, Antoine cũng nhập ngũ với lon Trung sĩ đồng hóa như anh. Nay Antoine là thư ký riêng của Đại tá Trần Tử Oai.
Chủ nhật anh đến nhà Antoine ở Ngã Tư Bình Hòa, tả oán đến nơi đến chốn:
-- Cứu tao. Chịu không nổi. Chắc chết. Cho tao gặp Đại tá. Tao xin ông ấy cho tao trở về Sàìgòn....
Antoine trách nhẹ tôi mấy câu:
-- Tao đã nói mày nhiều lần. Ở lính ba gai chỉ khổ thân thôi. Trong đại đội đâu có mấy thằng được may mắn bằng mày. Đại tá cũng thương mày. Mày tự làm mày khổ thôi.
Rồi Antoine nói:
-- Được rồi, sáng thứ hai 6 giờ đến đây, tao đưa lên Quang Trung. Tao chỉ hứa tao sẽ trình Đại tá có mày xin gập, ổng có cho mày gặp hay không là hên xui của mày.
Trung sĩ Hồ văn Antoine nay đeo lon Thượng sĩ, có súng Colt 45 như sĩ quan, có xe Jeep đưa đón. Anh ngồi xe Jeep do Antoine lái lên Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Vào lúc 11 giờ trưa anh được vào đứng trước bàn giấy của Đại tá Trần Tử Oai.
Anh xin lỗi Đại tá, anh nói anh là lính tuyên truyền, không qua huấn luyện quân sự, nay cho anh vào đơn vị tác chiến là anh cầm chắc cái chết, xin Đại tá cho trở về Bộ Tổng Tham Mưu.. Ông nói;
-- Được. Cứ trở xuống đi, tôi sẽ biểu làm giấy cho về.
-- Xin cám ơn Đại tá... Thưa Đại Tá..Trong khi chờ đợi được trở về xin Đại tá cho tôi ra làm việc ở Phòng Năm Phân Khu Sóc Trăng.
Ông gật đầu:
-- Được. Tôi biểu làm giấy cho tạm thời ra Phòng Năm ngay.
Trong suốt thời gian hai năm ở lính có hai lần anh phạm kỷ luật, hai lần anh xin Đại tá Trần Tử Oai tha và cả hai lần ông đều tha anh. Đúng ra Đại Tá Trần Tử Oai không có quyền làm cái việc ông làm cho anh nhưng thời ấy tổ chức của quân đội ta chưa được chặt chẽ, Đại Tá Trần Tử Oai lại có uy thế trong quân đội nên dù ông có làm sai nguyên tắc cũng chẳng có sĩ quan nào công khai chống đối lệnh ông. Khi đã xin được ông hứa cho trở về Bộ Tổng Tham Mưu, lại cho ra làm việc ở Phòng Năm Phân Khu trong khi chờ lệnh thuyên chuyển, anh còn xin thêm:
-- Xin Đại tá cho tôi một bản văn thư cho tôi ra Phòng Năm tôi cầm tay đem về đơn vị.
Ly kỳ nhất là anh xin cho anh "cái văn thư để anh cầm tay đem về đơn vị" -- văn thư chính thức đi theo đường hệ thống quân giai -- Đại Tá cũng cho.
Ông gọi Antoine vào, ra lệnh làm giấy cho anh như anh xin. Khi ra khỏi phòng Đại Tá, Antoine nói;
-- Mày hay thiệt. Mày xin cái gì Đại Tá cũng cho. Xuống căng-tin ngồi uống gì đi, chờ tao 12 giờ tao với mày ăn cơm. Tao làm giấy đưa ổng ký ngay cho. Rồi... Sẽ làm cho mày một bản. Ăn cơm xong có xe về Sàìgòn tao gửi cho mày về trước.
Văn thư chỉ là tờ giấy pelure có mấy hàng chữ đánh máy, đựng trong bì thư quân đội vàng rẻ tiền, nhưng nó vô cùng quan trọng với anh Trung Sĩ Bắc Kỳ vì nó có chữ ký và con dấu của ông Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung kiêm Trưởng Phòng Năm Bộ Tổng Tham Mưu. Có bí kíp trong tay anh ở lại Sàigòn đến hai mươi ngày mới trở xuống Sóc Trăng.
Anh để văn thư của Đại Tá Trần Tử Oai lên bàn giấy ông Đại Úy Long. Ông mở xem. Mặt ông lạnh như tiền nhưng ông chẳng dại gì mà chống lại Đại Tá Trần Tử Oai, ông chán anh quá rồi, ông cho anh đi cho đỡ ngứa mắt. Trước khi cho anh ra khỏi Đại Đội ông phạt anh năm ngày trọng cấm về tội đi quá ngày được phép.
° ° °
Thoát ra khỏi Đại Đội Trọng Pháo để được vào làm việc và ở luôn trong Phòng Năm Quân Khu, đời sống của anh ở Sóc Trăng nhẹ nhàng, thoải mái rất nhiều. Được làm việc hợp với sở trường và sở thích, anh trở lại với giấy bút, với chữ nghĩa, tạm xa được tạc đạn và những bót canh ngày nào hay ngày ấy. Trụ sở Phòng Năm là một tòa nhà lầu, tầng dưới là văn phòng, trên lầu là nơi gia đình Thiếu úy Liễn cư ngụ, trong cái sân rộng đằng sau có vài gian nhà trệt dành cho những gia đình nhân viên. Anh cùng sống với gia đình anh Liễn, ăn cơm chung, ngủ trong một phòng nhỏ trên lầu. Anh Liễn có một cô em gái, chị Liễn có một cô gái em. Quần áo của anh được hai cô em giặt ủi. Tuy ngày ngày anh vẫn bận quân phục nhưng đời sống thật sự chẳng khác đời sống xi-vin là mấy.
Bây giờ hồi tưởng lại, anh thấy gia đình anh chị Liễn sống trong yên ổn và hạnh phúc. Năm ấy khi anh hai mươi tuổi, anh Liễn khoảng ngoài ba mươi, chị Liễn khoảng hai mươi nhăm, hai mươi sáu tuổi. Anh chị có một cháu nhỏ. Nghe nói dường như anh Liễn đã có vợ ở làng quê nhưng theo thông lệ của những ông từng được bố mẹ cưới vợ cho ở làng quê ngay từ những năm mới mười sáu, mười bẩy tuổi, anh Liễn, khi thoát ra khỏi được cái gọi là "bức màn tre", bèn "bỏ của chạy lấy người", tức là bèn bỏ chị vợ răng đen, búi tóc, chuyên băm bèo, giã gạo ở làng quê để lấy người vợ khác hợp tình, hợp cảnh hơn. Theo như nhận xét hết sức nông cạn và có thể sai lầm của anh thì dường như cứ mười anh đàn ông ở vào hoàn cảnh của anh Liễn, có tới chín anh làm như anh Liễn.
Hai cô em của anh chị Liễn năm ấy đều ở vào số tuổi mười lăm, mười sáu, tuổi của hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân, tuổi của Ophelia, Juliet. Hai cô cùng ngoan, hiền, vui vẻ, dễ thương nhưng cả hai cô đều không phải là "đối tượng" của anh. Hai cô là hình ảnh của những người vợ ngoan, hiền, còn anh, anh đang cần có người tình, anh chưa cần có vợ. Và người tình của anh phải là mẫu người sôi nổi như em.
Nay nói đến anh chị Liễn, anh thấy một điều ân hận muộn màng. Kể ra thì điều ân hận nào cũng muộn màng, vì nếu không muộn màng, tức là nếu còn sửa chữa được thì đó chẳng còn là ân hận nữa. Anh chị Liễn đối với anh thật tốt nhưng anh đã không đối xử lại ân cần với anh chị, dù chỉ là một thái độ ân cần tối thiểu. Vào năm 1956, khi ông Ngô Đình Diệm đã truất phế ông Bảo Đại để trở thành Tổng Thống, anh gặp lại anh Liễn ở Bộ Thông Tin đường Phan Đình Phùng. Anh Liễn đã giải ngũ và về làm việc ở Bộ Thông Tin. Gặp lại anh, anh Liễn tay bắt, mặt mừng. Anh chị về ở gần Lăng Ông Bà Chiểu nhưng anh không một lần nào đến thăm anh chị.
Tuổi trẻ thường vô tình. Có thể vì khi ta còn trẻ, ta yên trí rằng cuộc đời ta còn dài, ta còn có nhiều thì giờ để đền bù những tình nghĩa, những ân huệ mà người khác đã cho ta. Chỉ khi ở vào tuổi xế chiều ta mới thấy ta nợ nần và đến khi đó thì muộn rồi, ta chỉ còn ân hận. Bây giờ anh mới hối hận vì năm xưa anh không đến nhà thăm anh chị Liễn được một lần, nay anh muốn đến thì anh Liễn đã không còn ở cõi đời này nữa.
Đầu năm 1984, anh Trần Việt Sơn, một đàn anh của anh trong làng báo, tạ thế. Linh cữu của anh Sơn quàn ở Chùa Vĩnh Nghiêm. Buổi sáng, anh và mấy người bạn đến đưa tiễn anh Sơn lên xe bông lần cuối. Trong khi chờ đợi xe bông chuyển bánh, anh ngồi buồn ở quán cà phê vỉa hè bên kia đường. Bàn bên cạnh có ba thiếu phụ cùng ngồi. Bỗng một thiếu phụ gọi tên anh.
- Anh Thủy... Anh đến đưa đám ai bên đó?
Anh nhìn người đàn bà trạc bốn mươi tuổi vừa hỏi anh. Anh không nhận ra nàng là ai. Anh hỏi lại:
- Xin lỗi... Cô là ai?
- Em là em anh chị Liễn ở Sóc Trăng...
Anh không còn nhớ tên cả hai cô em ngày xưa, anh cũng không thể nhận ra người thiếu phụ này là cô em anh Liễn hay là cô em chị Liễn. Anh ngẩn ngơ nhìn nàng. Người thiếu phụ này không có một nét nào giống với hình ảnh hai cô em năm xưa anh còn nhớ trong ký ức. Anh chỉ còn có thể hỏi nàng:
- Cô vẫn còn nhận ra tôi ư?
- Em nhận ra anh ngay. Anh chẳng khác gì ngày xưa...
Trời đất... Khi nghe nàng nói thế, anh muốn kêu lên: "Trời đất"... Năm xưa tôi mới hai mươi tuổi, đời tôi phơi phới mây hồng, đường đời mới mở trước mặt tôi. Năm nay tôi đã là ông già năm mươi tuổi, tôi đã đi gần đến cuối đường đời. Tôi đâu còn có nét gì của tôi năm tôi ở Sóc Trăng nữa? Làm sao cô vẫn nhận ra được tôi? Ngay cả đến tôi nếu tôi tình cờ gặp lại tôi ở giữa đường, tôi cũng không còn nhận ra tôi nữa là?? Nhưng anh không nói ra lời ấy với cô em gái Phòng Năm Sóc Trăng ngày xưa. Anh hỏi thăm cô về anh chị Liễn: anh Liễn đã qua đời, chị Liễn về sống ở quê nhà Phan Thiết.
- Còn cô... sao? - Anh hỏi.
- Em ở Sàigòn. Nhà em đi cải tạo...
- Sĩ quan?
- Vâng. Trung Tá...
Năm xưa, những năm 1954, 1955, chỉ cần cô lấy chồng Trung sĩ thôi, qua hai mươi mấy năm trời ông chồng cô cũng dư sức trở thành Trung Tá trong ngày tan hàng. Như anh đã nói nếu anh cứ ở lính mãi từ năm 1954 thì ít nhất anh cũng là Thiếu Tá trong ngày hàng tan, tất nhiên là nếu ở lính như thế thì anh phải bỏ cái tật ba gai vô kỷ luật của anh. Nếu không thì dù tan hàng hay chẳng tan hàng, ở lính mà cứ ba gai, ba đồ thì không những chẳng trở thành Úy, Tá chi ráo trọi mà có nhiều triển vọng anh sẽ trở thành đào binh lao công chiến trường!
Anh chào cô em rồi trở sang Chùa để đưa tiễn anh Trần Việt Sơn. Và thế là cô em năm xưa lại đi vào dòng đời, lại đi ra khỏi cuộc đời anh. Có bao giờ anh nghĩ rằng ba mươi năm sau anh lại tình cờ gặp cô em Phòng Năm Phân Khu Sóc Trăng - Bặc Liêu ở giữa lòng Sàigòn?? Cô em năm xưa từng nấu cơm cho anh, giặt ủi quần áo cho anh mà không hề được anh nói một lời "Cám ơn!"
° ° °
Và như thế là chàng Công Tử Hà Đông đường hoàng và yên ổn sống giữa lòng thành phố Sóc Trăng. Thời anh là Trung Sĩ ở Phòng Năm Phân Khu Sóc Trăng - Bặỉc Liêu, vị Chỉ Huy Trưởng Phân Khu là Trung Tá Dương Văn Đức, ở Bặỉc Liêu là Thiếu Tá Đỗ Cao Trí, Đại Úy Phạm Xuân Chiểu làm Tham Mưu Trưởng Phân Khu. Năm tháng qua, những mùa lá rụng nối tiếp nhau, hàng tỷ lít nước theo nhau chảy qua cầu thời gian, Trung Tá Dương Văn Đức trở thành Trung Tướng, Thiếu Tá Đỗ Cao Trí trở thành Đại Tướng, Đại Úy Phạm Xuân Chiểu trở thành Trung Tướng, còn anh, anh trở thành chàng văn nghệ sĩ chuyên viết loại tiểu thuyết gọi là phơi-ơ-tông đăng báo.
Có những buổi tối đi trên con đường vắng sau tư dinh của Trung Tá Dương Văn Đức - ông sống độc thân, không vợ con - anh nghe bên trong tòa nhà có tiếng đàn violon cò ke ký ke vọng ra. Một lần anh hỏi anh lính gác tư dinh Trung Tá:
- Ai kéo đàn violon trong dinh Trung Tá thế?
Anh lính cho anh biết:
- Trung Tá đấy.
Không cần phải lưu lạc xuống tận Sóc Trăng nước trong, gạo trắng, gái đẹp, đàn bà hiền, anh mới nghe nói đến Trung Tá Dương Văn Đức. Ngay từ những ngày đầu vào lính, anh đã nghe anh em binh sĩ nói đến ông. Ông nổi tiếng từ thời ông là Đại Úy. Có câu nói được truyền tụng: "Đại úy Đức đi hành quân quần không gẫy pli...". Điều này có nghĩa là Đại Úy Đức ra mặt trận chỉ đứng chỉ huy mà không bao giờ ngồi xuống để tránh đạn, vì vậy nếp quần của ông luôn luôn thẳng tắp chứ không bị gẫy nếp ở hai đầu gối. Anh chưa từng thấy Trung Tá Đức đi hành quân lần nào - vì cái lý do hết sức giản dị là anh có bao giờ đi hành quân với ông lần nào đâu mà thấy tác phong của ông trong cuộc hành quân - anh được thấy ông trong bữa tiệc ông khoản đãi ông Ba Cụt ở Sóc Trăng, thấy ông trong lần ông tiếp đón Thủ Tướng Ngô đình Diệm xuống thăm Sóc Trăng năm 1955 -- Năm ấy ông Ngô đình Diệm còn là Thủ Tướng, đất nước ta đã bị chia đôi, anh đã về Sàigòn làm phóng viên Nhật báo Sàigònmới. Anh là một trong mấy anh phóng viên nhà báo tháp tùng Thủ Tướng xuống Sóc Trăng, chuyến đi kinh lý thứ nhất của ông. Máy bay Dakota chở Thủ Tướng đáp ngay xuống sân bay Sóc Trăng, nơi trước đó mấy tháng anh còn là chàng Trung sĩ bơ vơ, lạc lõng. Anh xuống máy bay theo Thủ Tướng và đi ngay sau Thủ Tướng qua hàng quân dàn chào, rồi lên xe về Dinh Tỉnh Trưởng -- Anh thấy ông Dương văn Đức mấy lần ông chủ tọa cuộc họp báo. Những lần ấy anh thấy ông cương nghị, trầm tĩnh biết bao. Thế rồi đến những năm 1965, 1966, anh não nùng khi nhìn thấy ông Trung Tướng Dương văn Đức bận đồ xi-vin, quần áo xốc xếch, đi giép, mắt lạc thần, hàm răng cải mả vừa vàng xỉn vừa đen sì, đứng chửi rủa sùi bọt mép - không biết ông chửi rủa ai trong tình trạng dở điên, dở khùng ấy - ở bên đường Công Lý, Sàigòn, thấy ông cúi chào cám ơn thiên hạ cho ông ly rượu trong nhà hàng Pagode...
° ° °
Một nhân vật đặc biệt nữa của những năm đầu thập niên 50 anh gặp ở Sóc Trăng là ông Ba Cụt Lê Quang Vinh.
Đúng ra anh đã nhìn thấy ông Ba Cụt mấy lần trước khi anh phiêu dạt xuống Sóc Trăng. Lần đầu anh thấy ông vào năm 1953, trong một lần ông từ trong bưng ra "hiệp tác" -- ông Ba Cụt ra "hiệp tác" với Quân Đội Viễn Chinh Pháp, với Tây, thì đúng hơn là ra "hiệp tác" với cái gọi là "chính phủ quốc gia" lúc đó chưa ra cái thống chế gì cả. Ông Ba Cụt là một thủ lãnh Hòa Hảo, lực lượng của ông là một số nông dân Hậu Giang. Lúc đầu lực lượng của ông vừa đánh Việt Minh vừa đánh Pháp. Người Pháp chiêu dụ ông, cấp chức tước cho ông để ông về với họ. Lần thứ nhất mang quân ra "hiệp tác", ông được phong cấp Thiếu Tá. Được năm bảy tháng ông kéo quân vào bưng, hay ra bưng, ông không "hiệp tác" nữa. Người Pháp lại vất vả chiêu dụ ông và khi ông ra "hiệp tác", ông được phong cấp "Trung Tá"... v.v... Ông cứ như thế mà ra vô và cứ lên lon đều đều. Năm 1953 khi anh vào lính, người Pháp phải cho ông cấp Thiếu Tướng.: Thiếu Tướng Lê Quang Vinh.
Lần thứ nhất anh thấy Thiếu Tướng Ba Cụt Lê Quang Vinh là lần ông kéo quân về "hiệp tác" ở quận Thốt Nốt - hay Ô Môn, không nhớ đích xác ở quận nào - một nửa quân số của Đệ Nhất Đại Đội Võ Trang Tuyên Truyền "tay súng, tay đàn" xuống Thốt Nốt trước cả hai ngày để tổ chức lễ tiếp nhận. Buổi lễ được cử hành ở sân đá banh Thốt Nốt. Đúng vào những ngày ấy trời Thốt Nốt mưa dầm dề, mưa lướt thướt cả ngày lẫn đêm. Vào khoảng 10 giờ sáng các quan Tây, quan Ta ở Sàigòn và Cần Thơ đến sân banh Thốt Nốt bằng xe ô tô. Thời ấy chỉ có ông Cao Ủy Pháp, hay vài ông Tướng Pháp, là di chuyển bằng trực thăng còn tuyệt đại đa số quan Tây, quan Ta đều đi xe hơi - Đại Tá đi xe Peugoet 203, Thiếu Tá đi xe Jeep, các ông Bộ Trưởng đi traction avant - khoảng II giờ trưa lính của Tướng Ba Cụt kéo vào sân banh. Tất cả các anh lính này đều bận bà ba, quầân sà lỏn đen, đi chân đất. Tất cả đều ướt như chuột. Anh đứng lạnh run cạnh cái loa phóng thanh ở dưới chân khán đài. Lần ấy anh không đến gần ông Ba Cụt nên không nhìn kỹ diện mạo của ông ra sao.
Sau lần đó ông Ba Cụt về Sàigòn. Thiếu Tá Trần Tử Oai mời ông đến thăm trụ sở Đệ Nhất Đại Đội Võ Trang Tuyên Truyền. Ông cùng đoàn tùy tùng của ông đến Đại Đội vào buổi chiều. Năm đó ông trạc bốn mươi tuổi. Người ông dong dỏng cao, hai mắt sáng, nước da tương đối trắng so với nước da nông dân miền Nam. Ông để tóc dài và đặc biệt là về Sàigòn, đến gặp các quan Tây, quan Ta, đi thăm chính thức một đơn vị quân đội, ông bận bà ba trắng, đi guốc mộc.
Ông Ba Cụt và Nghệ sĩ Trần Văn Trạch là hai người để tóc dài ở Sàigòn trong những năm đầu thập niên 50. Hai vị này đã tiến trước thời đại tới 10 năm. Phải đến những năm 60 phái nam Âu Mỹ mới có phong trào để tóc dài. Đặc biệt đáng nói là khi về Sàigòn, ông Ba Cụt vẫn cứ mặc bà ba, đi guốc. Rất có thể -- rất có thể thôi, anh không biết chắc -- khi gặp các Tướng Pháp, ông cũng vẫn mặc bà ba và đi guốc một cách hết sức đường hoàng như thế. Thời ấy anh chỉ thấy lối ăn mặc ấy của ông có vẻ kỳ lạ. Nay hồi tưởng lại, anh mới thấy cái gọi là "bản lãnh" của ông, thấy sự độc đáo của ông. Không biết chính ông chọn cách ăn mặc đặc biệt ấy hay đó là ý kiến của một quân sư quạt mo nào bầy đặt cho ông. Ông đã rất khôn ngoan khi ăn mặc như thế. Vì nếu bận quân phục ka ki, đội képi, các sĩ quan Việt gọi là mão bình thiên, đi giầy da, chắc chắn ông sẽ ngượng nghịu, lúng túng, ông sẽ bị mờ nhạt khi đứng cạnh những tướng tá của quân đội Quốc Gia như Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hinh, Đại Tá Trần Văn Đôn v.v... Thay vì bắt chước thiên hạ một cách vụng dại, ông Ba Cụt đã chọn cách mặc bà ba trắng, đi guốc mộc vào những đại lễ một cách hết sức thoải mái, độc đáo, độc lập, giữ nguyên bản chất và bản sắc Ba Cụt rất "không giống ai" và "không ai giống."
Khi ở Phòng Năm Phân Khu Sóc Trăng, anh thấy ông Ba Cụt lần thứ ba. Lần này ông đến Sóc Trăng và được Trung Tá Dương Văn Đức đãi tiệc. Nhân viên Phòng Năm Phân Khu đến nơi đãi tiệc để trang hoàng, treo cờ, treo băng- đơ-ron chào mừng, đặt loa phóng thanh, micro và chờ Trung Tá Đức sai vặt.
Anh không được vào dự tiệc. Chỗ của anh là ở ngoài hành lang, tức là ở cu-loa. Thiếu úy Liễn vào dự tiệc nhưng vì cứ phải đứng lên, ngồi xuống, chạy ra, chạy vô nên cũng không ăn uống được gì. Đến khuya, tiệc tan, khi anh Liễn lái xe Jeep đưa anh ra chợ Sóc Trăng ăn mì, anh nói:
-- Sao tôi thấy các sĩ quan của Me Sừ Ba Cụt ăn bận đẹp quá, đẹp trai nữa. Mặt mũi anh nào cũng sáng sủa, còn nhìn đến các sĩ quan mình thì chán chết, trông cù lần thấy mồ...
Quả thực là khi nhìn đám sĩ quan trẻ tuổi đi theo ông Ba Cụt, rồi nhìn đến các sĩ quan của Quân Đội Quốc Gia, anh có điều ngạc nhiên và hơi buồn. Các sĩ quan Quân Đội Ba Cụt đa số đều đẹp trai, mặt mũi sáng sủa, bận những bộ kaki Mỹ, quần sanspli vừa vặn, gọn gàng, đi giầy da verni bóng loáng, loại giày để nhẩy đầm chứ không phải là để đi hành quân, đeo đồng hồ đắt tiền, bút Parker dắt túi ngực. Trong khi đó thì có thể nói tất cả những sĩ quan quân ta trong tiệc đều bận quần áo Quân Đội phát sao thì cứ thế mặc, xộc xệch hoặc không vừa với khổ người, đi những đôi giầy lính thô kệch. Anh Liễn cười nói:
-- Bọn họ đâu có phải là lính sống bằng lương lính như mình đâu. Toàn là con nhà giàu. Gia đình họ cung cấp cho Ba Cụt không biết bao nhiêu tiền. Tiền càng nhiều lon càng lớn. Người ta mang lon, đeo súng đi ăn chơi. Quần áo người ta bỏ tiền ra may lấy, không đẹp sao được...
° ° °
Trong những ngày, những đêm sống giữa lòng thành phố Sóc Trăng, anh vẫn hy vọng có một lần nữa em trở lại Sóc Trăng, trở lại nhà Băng-ga-lô với anh. Nhưng cũng như chàng Thúc Kỳ Tâm sợ vợ, anh chỉ được gặp tiên có một lần. Em không lần nào trở lại với anh ở Sóc Trăng nữa. Sáng nay anh già đầu bạc ngồi trong căn gác nhỏ ở vùng Ông Tạ Sàigòn hoài niệm những ngày xưa, anh thấy anh cần nói với em một chuyện. Đó là chuyện trước em, anh chưa từng có một đêm nằm trọn vẹn với một người đàn bà nào.
Sàigòn, từ sau 1945, người Pháp trở lại và cho nhân dân Nam Kỳ ăn chơi tự do. Cả bốn món gọi là "tứ đổ tường", những món mà dài dài hai chục năm sau bị cấm đoán và bị pháp luật coi là những trọng tội, tức là "yên, đổ, tửu, sắc: thuốc sái, cờ bạc, rượu chè, trai gái v.v..." đều được coi gần như là hợp pháp trong suốt thời gian từ 1945 đến 1954, ở Sàigòn và ở khắp vùng Nam Kỳ lục tỉnh -- cùng thời gian đó ở Bắc, công chức bị bắt hút thuốc phiện nhiều lần có thể bị sa thải, chủ tiệm bị phạt tiền, đồ nghề ống hút, đèn đọi, thuốc sái bị tịch thu -- Trước Thế Chiến Thứ Hai, đúng ra là từ lâu rồi, từ những năm 1920, Sàigòn đã được quốc tế tôn vinh là La Perle de l'Orient: Hòn Ngọc Viễn Đông - cái tên La Perle de l'Orient do những ký giả, văn sĩ Pháp đặt cho Sàigòn, không phải do dân Sàigòn tự phong. Sau 1945, Sàigòn vẫn hơn hẳn Bangkok về nhiều mặt. Về mục cờ bạc, Sàigòn có hai sòng bạc lớn mở cửa suốt ngày đêm, khách đến chơi ra vô thong thả, an ninh hoàn toàn. Đó là hai sòng Kim Chung, Đại Thế Giới. Hai sòng đều có xổ Đề mỗi ngày. Cứ mỗi chiều vào khoảng bốn, năm giờ, tuy kết quả xổ Đề Kim Chung, Đai Thế Giới không được thông báo trên đài phát thanh nhưng chỉ cần nửa giờ sau khi Đề xổ, nhân dân toàn thành phố đã biết đích xác Đề xổ con nào qua đài phát thanh truyền miệng cũng của nhân dân. Đây mới đích thực là đài phát thanh nhân dân chân chính. Đề vừa xổ, chỉ cần hai, ba ông đạp xích lô đi ngang là cả một đường phố dài, kể cả những khu lao động trong các hẽm, đều đồng loạt biết hai con gì được xổ trong ngày. Kim Chung, Đại Thế Giới, Sở Thú là ba nơi mà người Việt không phải là dân Sàigòn mỗi lần ghé Sàigòn đều có bổn phận đến chơi cho biết. Về mục cờ bạc thì với hai sòng bạc lớn ấy, Sàigòn trước 1954 hơn hẳn Bangkok.
Tới năm 1953, Sàigòn còn tiến bộ một bước vượt bực nữa. Số là trước đo, cũng như bất cứ thành phố, thị trấn nào trên trái đất này, Sàigòn có những nhà điếm, được gọi một cách nhẹ nhàng và huê mỹ đôi chút là những nhà chơi bời, ở rải rác khắp nơi, lẫn với những nhà thường dân. Tới 1952, không biết do sáng kiến từ đâu, Sở Y Tế Thành Phố cộng tác với tư nhân - có sự tán thành, hỗ trợ và chia chác của Lực lường Bình Xuyên - xây lên Khu Chơi Bời ở đường Vĩnh Viễn. Đây là một cư xá hẳn hoi, đầy đủ tiện nghi theo tiêu chuẩn thời dó, khang trang, sáng sủa, sạch sẽ, điện nước. Khu này được gọi là Nhà Bình Khang. Tất cả những nhà chơi bời ngoài thành phố đều phải vào mướn nhà trong Bình Khang, đưa "chị em ta" vào đó hành nghề dưới sự kiểm soát của nhân viên y tế nhà nước. Việc mở nhà chơi bời ở ngoài Nhà Bình Khang bị coi là việc phạm pháp, chủ nhà bị bắt, bị ra tòa, ở tù. Nhờ vậy dịch vụ mại-mãi dâm ở thành phố Sàìgòn trở nên văn minh và lịch sự, có tổ chức đàng hoàng. Với Nhà Bình Khang, tất nhiên là Sàigòn không diệt hẳn bệnh hoa liễu trăm phần trăm nhưng cũng bảo đảm giảm được bệnh tới năm, sáu mươi phần trăm.
Viết tới đây, anh ngừng viết để tự hỏi: anh kể lại chi tiết Nhà Bình Khang ở Sàigòn để làm gì?? Và anh tự trả lời: để chẳng làm gì cả. Anh hoài niệm cuộc sống năm mươi năm trước của anh ở Sàigòn và nhớ gì anh viết lại chuyện ấy. Miễn là anh viết lại đúng. Biết đâu sau này lại chẳng có những con cháu chúng ta cảm ơn anh vì những gì anh viết lại cho họ về Sàigòn. Verba volant, scripta manent. Lời nói bay đi, chữ viết còn mãi. Hai bộ tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần, Vanity Fair của William Thackeray, chỉ viết về những chuyện thường ngày xẩy ra trong những gia đình thời đại của hai tác giả, nhưng qua những chuyện rất thường ấy người đời sau thấy sống lại, và thấy sống mãi, cả một thời đại.
Nếu nói rằng anh viết chuyện Nhà Bình Khang ở Sàigòn những năm 1953, 1954 để chẳng làm gì cả thì cũng không đúng lắm. Anh viết để nói lên rằng về mặt ăn chơi thì Sàigòn trước 54, với hai sòng bạc Kim Chung, Đại Thế Giới và Nhà Bình Khang, đáng được kể là thành phố văn minh nhất, không phải nhất Á Châu mà là nhất thế giới. Kể từ ngày loài người tổ chức thành xã hội tới nay ta đã thấy có nhiều chính quyền ở nhiều nơi cấm đoán dân hưởng thụ những thú "tứ đổ tường", nhưng tất cả đều không thành công. Ít nhất ở Á Châu không có chính quyền quốc gia nào công khai quản trị ngành mãi dâm một cách khoa học và tốt đẹp như chính quyền Sàigòn.
Nhưng anh không phải là nhà xã hội học, nếu lý luận lòng thòng về vấn đề xã hội này anh sẽ để lòi các đuôi dốt nát của anh ra. Vì vậy anh thôi không lý sự nữa. Anh muốn viết chuyện Nhà Bình Khang để nói lên điều thứ hai rằng trước khi được gặp em ở Sóc Trăng, những cuộc gọi là "làm tình với đàn bà" của anh chỉ là những cuộc ăn bánh, trả tiền nhấp nháy mươi, mười lăm phút trong những nhà chơi bời. Trước khi gặp em anh có hai người yêu: các nàng là những thiếu nữ con nhà lành. Anh chỉ được gần các nàng vài lần, đưa các nàng đi chơi Sở Thú, đi xem xi nê, được cầm tay, hôn má các nàng trong bóng tối của những rạp xi nê. Em là người đàn bà đầu tiên cho anh được sống, nói là được nằm bên em cho thật đúng, suốt những đêm dài. Đêm khuya khi anh ngủ thiếp đi, anh có em nằm bên. Buổi sáng khi anh mở mắt dậy, anh có em nằm bên và anh nghe tiếng thở của em, anh cảm nhịp đập của trái tim em. Em là người đàn bà huyền diệu đã cho anh có quyền nói câu nói xanh rờn trong Mùa Hạ 54:
- J'ai vingt ans.. et trois nuits..!
Mùa Hạ Hai Mươi Mùa Hạ Hai Mươi - Hoàng Hải Thủy