It often requires more courage to read some books than it does to fight a battle.

Sutton Elbert Griggs

 
 
 
 
 
Thể loại: Hồi Ký
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 4
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1607 / 45
Cập nhật: 2015-01-14 07:12:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
ruyện viết trong căn gác nhỏ
Cư xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ, Thành Hồ năm 1992.
Viết lại ở Rừng Phong,
Virginia Đất Tình Nhân,
Hoa Kỳ, Tháng Giêng 2000.
Đất nước ta có chiều dài theo đường thẳng -- đường chim bay -- là 1.650km, chiều dài theo bờ biển 3.260km. Như vậy có nghĩa là nếu chúng ta đi bộ theo bờ biển từ Ải Nam Quan cho đến mũi Cà Mau -- theo như lời rao cửa miệng của những vị chuyên bán thuốc ho Bà lang Trọc ở những bến xe ô tô, trên tầu điện, tầu hỏa trong những năm anh và em vừa trên dưới 10 tuổi ở cõi đời này, những năm 1940 -- chúng ta phải đi tới hơn 3000 cây số mới đi hết chiều dài đất nước. Hélène!! Hélène Sóc Trăng Mùa Xuân 1954... Sáng nay, một sáng đầu mùa mưa năm 1992, anh hoài niệm cuộc tình của đôi ta và anh bâng khuâng tự hỏi vì những lý do nào, những nguyên nhân nào, vì những cái mơ hồ, huyền bí thường được gọi là những tiền nhân, hậu quả nào... đã làm cho anh đi gần suốt chiều dài của đất nước, từ tỉnh lỵ Hà Đông nhỏ bé, hiền hoà nằm bên bờ sông Nhuệ của anh ở gần phần cực Bắc của đất nước ta để tới tỉnh lỵ Sóc Trăng nhỏ bé, hiền hoà của em nằm ở gần phần cực Nam của đất nước ta, anh đến đó để gặp em?
Anh ra đời ở tỉnh lỵ Hà Đông -- và anh là một Công Tử Hà Đông cho đến nay viết linh tinh nhiều nhất về tỉnh lỵ thời thơ ấu của mình -- anh học tiểu học ở trường Tự Đức của Thầy Giáo Kiên người làng Vạn Phúc. Trường Tự Đức là trường tư, những trường tư ở những tỉnh lẻ Bắc kỳ vào những năm 40 của thế kỷ này đều thiếu nhiều điều kiện về cơ sở vật chất. Cũng như đa số trường tư ở những tỉnh nhỏ miền Bắc thời anh trên dưới 10 tuổi, trường Tự Đức là một căn nhà thường được dùng làm trường học. Truờng không có sân chơi. Đến giờ chơi hay trước giờ học, học trò toàn chơi ở vỉa hè, ngoài đường. Vào năm anh học Lớp Ba -- cua Ê-Lê-Măng-Te năm 1940 hay 1941 chi đó -- những trò chơi của bọn học trò tiểu học như anh ở trường thật ít.
Trò chơi của học trò thời đó thường là đánh bi, đánh đáo. Nhưng không phải quanh năm học lúc nào cũng là mùa chơi bi. Và ở vào thời anh mười tuổi, những viên bi cũng ít có. Những viên bi đẹp được bọn anh nâng niu, quý báu như những bảo vật. Khi đến lớp sớm, bọn anh có thể ngồi trong lớp đánh cờ ca-rô. Nhưng ngay cả đến những tờ giấy kẻ ca-rô cũng hiếm có. Bọn anh bầy ra một trò chơi không tốn kém chi cả là hai tên luân phiên mở từng trang sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư ra chơi với nhau. Những bài trong sách này đều có một hình vẽ. Cứ đếm số người vẽ trong hình trên trang sách mình mở được mà đấm lên lưng bạn. Tên nào may tay có lời, mở được trang có tranh vẽ nhiều hình người nhất là coi như thắng.
Trong những trang sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư năm ấy trang có hình vẽ nhiều người nhất là trang nói về cuộc đời của một Bà Sơ người Pháp đến Đông Dương vào những năm đầu của thế kỷ chúng ta. Bà mở một nhà nuôi Trẻ Mồ Côi ở tỉnh lỵ Sóc Trăng và bà mất ở Sóc Trăng. Bà được nhiều người thương mến, kính trọng nên khi bà mất người Sóc Trăng đi đưa đám bà thật đông. Tranh vẽ cái xe tang ngựa kéo đi trước, sau xe tang có tới hai mươi, ba mươi người đi đưa. Tên nào mở được trang Bà Sơ Sóc Trăng coi như vớ bở, tha hồ đấm lưng đối thủ. Bọn anh khi chơi trò mở sách, coi hình, đếm người, đấm bạn kiểu này tên nào cũng muốn mở được trang có hình vẽ đám tang Bà Sơ ở Sóc Trăng.
Đó là lần thứ nhất trong đời anh biết đến cái tên Sóc Trăng, cái tên Nam Kỳ nghe lạ lạ, một địa danh xa lạ nằm mút chỉ cà-tha ở tận xứ Nam Kỳ xa tít mù xa... Ngày ấy, năm ấy có bao giờ anh ngờ rằng sẽ có ngày những gót chân Công Tử Hà Đông của anh đặt bước ở ngay giữa lòng tỉnh lỵ Sóc Trăng anh chỉ thấy thấp thoáng trên trang hình vẽ? Cũng chẳng có qua một linh tính nhỏ bé nào báo cho anh biết sẽ có ngày anh đến sống và được yêu em, được em yêu ngay giữa cái thị trấn mấy chục năm xưa có Bà Sơ người Pháp đã đến, đã sống và đã chết.
Nhưng cứ theo như những nhà quân tử Tầu nói thì: Nhất ẩm, nhất trác... giai do tiền định..." Chúng ta gặp nhau và yêu nhau có phải là do "tiền định" không em?? Ở vào số tuổi của anh, năm mươi năm xưa, những năm 40 của thế kỷ này, có thiếu gì anh học trò nhỏ chơi cái trò mở sách đếm người trong hình vẽ như anh?
Có thiếu gì anh nhỏ đã vớ được trang Bà Sơ Sóc Trăng trong sách như anh?? Trong số đó về sau có bao nhiêu người lưu lạc đến thành phố Sóc Trăng như anh? Tiền định hay không tiền định?? Nhân duyên hay chỉ là chuyện tình cờ?? Anh không biết, anh không thể trả lời được. Anh chỉ biết là muời ba năm sau năm 1940, năm lần đầu tiên anh được biết đến Sóc Trăng trên trang sách học ở một trường tư thục nhỏ bé trong tỉnh lỵ Hà Đông nhỏ bé của anh, năm 1953, anh -- loạng quạng -- như anh đã nói, đến thị xã Sóc Trăng.
Năm 1952 anh làm phóng viên nhật báo Ánh Sáng ở Sàigòn và cũng trong năm này anh đoạt giải nhất Cuộc Thi Truyện Ngắn toàn năm 1952 do nhật báo Tiếng Dội của ông Trần tấn Quốc tổ chức. Truyện ngắn của anh tên là "Người con gái áo xanh." Làm phóng viên báo Ánh Sáng được chừng một năm anh bỏ ra cộng tác với một anh bạn làm tuần báo. Tờ báo èo uột này chỉ ra được ba bốn số là đi tầu suốt. Anh trở thành thất nghiệp, chân phóng viên báo Ánh Sáng thật tốt đã có người khác làm. Anh sống với một anh bạn ở Tân Định. Người bạn anh làm thư ký hãng Shell. Có những ngày buồn quá không biết làm gì anh đi bộ từ Tân Định lên trụ sở Công Ty Dầu Xăng Shell để ăn cơm trưa với anh bạn. Nhà Shell ở con đường trước 1956 tên là Đại lộ Norodom Sihanouk, thời Quốc gia Việt Nam Cộng Hoà là đường Thống Nhất. Trên con đường nhỏ đằng sau Nhà Shell có mấy quán cơm vỉa hè chuyên phục vụ các thầy thư ký, thư quẽo, đa số là nhân viên Nhà Shell, những bữa cơm trưa biên sổ, đến kỳ lương các thầy mới tính sổ trả tiền. Ăn xong có buổi trưa anh theo anh bạn lên lầu Nhà Shell nằm nghỉ một lúc ở ngay hàng lang. Có khá đông nhân viên Shell nhà xa hoặc độc thân chẳng cần về nhà nghỉ trưa; ăn cơm quán xong mấy ông lên lầu Nhà Shell nằm làm một giấc la-siết ngon lành ngay trên những hàng lang sạch boong của sở đợi đến 2 giờ trở dậy rửa mặt, vào buy-rô làm việc tiếp. Có những buổi trưa anh vào Sở Thú nằm trên cỏ nhìn lên chuồng khỉ xem những anh khỉ già làm tình với những em khỉ non -- đúng ra là xem khỉ già hiếp dâm những em khỉ non -- trong khi những chú khỉ non thì nhẩy lung tung chung quanh kêu lên khẹc khẹc. Nằm, ngồi, đi vớ vẩn trong Sở Thú như thế đến gần 5 giờ chiều anh trở lại nhà Shell cùng về nhà với bạn anh.
Cuộc sống nhàn rỗi ấy kéo dài đến mấy tháng thì anh nhập ngũ, tức là anh vào quân đội. Vào năm 1953, Quân Đội VNCH mới mở rộng cái ngành gọi là Chiến Tranh Tâm Lý, dịch từ tiếng "Ghe Sích-cô-lô-gích -- Guerre Psychologique" của người Pháp. Về sau danh xưng này được đổi là Chiến Tranh Chính Trị. Thời ấy Quân Đội Việt Nam chưa có Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, cũng chưa có Cục Tâm Lý Chiến và những Biệt Đoàn Văn Nghệ. Ở Bộ Tổng Tham Mưu -- trụ sở ở đường Galiéni, sau năm 1955 là đường Trần Hưng Đạo -- chỉ mới có một phòng phụ trách truyên truyền và công tác chính trị, tư tưởng gọi là Phòng Năm. Cũng theo tên 5ème Bureau của Quân đội Pháp. Thiếu Tá Trần Tử Oai là Trưởng Phòng Năm. Năm 1953 ông thành lập cái gọi là Đệ Nhất Đại Đội Võ Trang Tuyên Truyền. Cái tên gọi này cũng dịch từ cái tên tiếng Phú Lăng Sa Première Compagnie de Propagande Armeé. Lính của Đại Đội này vào thời Đại Đội có anh là một đội viên, năm 1953, 1954, chỉ có mấy việc để làm là đi dán áp-phích, căng băng-đờ-ron, phát truyền đơn và chiếu phim cho lính giải trí những đồn quân xa thành phố.
Với tư cách là lính của Đệ Nhất Đại Đội Võ Trang Tuyên Truyền bốn mươi năm xưa, năm anh vừa tròn hai mươi tuổi, anh đã có dịp đi có thể nói là đi khắp miền Nam. Tuy sinh trrưởng ở miền Bắc nhưng anh được đi, được biết về miền Bắc ít hơn anh đi và biết về miền Nam. Chỉ trong vòng hơn một năm ở lính anh đã đi và đến tất cả những tỉnh lỵ miền Nam, những nơi ngày xưa còn được gọi là Lục Tỉnh: Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Cần Thơ - Tây Đô thì nhất định là phải đến rồi - Đức Hòa, Đức Huệ, Sa Đéc, Vĩnh Long, Trà Vinh, Châu Đốc, Rạch Giá... Đời lính đưa anh ra đến tận đảo Phú Quốc. Không những chỉ đến những thành phố, những thị xã, anh còn đi theo những cuộc hành quân vào Đồng Tháp Mười, đến tận những vùng xa sôi nhất ngay cả với thanh niên Nam Kỳ như Mỏ Cầy, Thạnh Phú, Mộc Hóa, Ô Môn, Thốt Nốt... Và Sóc Trăng, Bặc Liêu, Cà Mâu - Bặc Liêu dưới sông cá chốt, trên bờ Chệt không... Công tử Bặc Liêu... đứt dây thiều, lọt cầu tiêu..v..v... Mỗi nơi anh chỉ ở nhiều lắm là năm bẩy ngày. Hai nơi anh ở lại lâu nhất là hải đảo Phú Quốc và thành phố Sóc Trăng của em.
Những năm 40 trong tỉnh Hà Đông nhỏ bé, hiền hòa có dòng sông Nhuệ Giang chẩy qua, chú bé con mười tuổi mở trang sách ghi lại cuộc đời của Bà Sơ người Pháp sống và chết ở Sóc Trăng, có bao giờ ngờ rằng sẽ có ngày cuộc đời đưa mình phiêu dạt đến đúng cái thành phố xa lạ ấy?? Và để rồi mười mấy năm sau chú bé con trở thành chàng trai vừa tròn hai mươi tuổi;, vào một sáng đầu mùa xuân năm 1954, chàng trai đó đến Sóc Trăng.
Vào lính giữa năm 1953 chưa đầy ba tháng anh đã thấy khó chịu. Anh không thể nào chịu được kỷ luật - bất kể thứ kỷ luật nào - mà kỷ luật nhà binh lại là thứ kỷ luật nghiêm khắc nhất. Nếu nó có khá hơn cái gì thì ta chỉ có thể nói nó khá hơn kỷ luật nhà tù chút xíu. Vì khó chịu, anh trở thành ba gai. Ở lính mà ba gai thì chỉ có từ chết đến bị thương. Với anh thì Thiếu Tá Trần Tử Oai là một vị chỉ huy rất khá. Ông nhiều lần tỏ ra rất tốt và rất công bình với anh. Nhưng vì anh ba gai quá, ông phải hạ lệnh tống anh đi khỏi Sàigòn. Về sau anh thấy đó chỉ là một cái lệnh dọa. Thiếu tá giận anh không tuân lệnh của ông nên đuổi anh đi. Lúc đó nếu anh đến xin gặp ông, xin lỗi và tả oán: "Thưa Thiếu Tá... Em thế này, em thế nọ... vv..." rất có thể ông đã hủy bỏ cái lệnh thuyên chuyển đó. Nhưng anh đã không làm như thế. Sau một năm ở trong cái gọi là Đệ Nhất Đại Đội Võ Trang Tuyên Truyền anh đã chán nó quá rồi. Tự cho là mình bị hành hạ, anh như tên phẫn chí muốn nếm cái gọi là "thú đau thương", muốn xem đời lính còn làm cho mình khổ sở đến đâu. Năm ấy anh mới hai mươi tuổi! Anh nhận lệnh đuổi của Thiếu Tá Trần tử Oai và anh lặng lẽ lên đường. Lệnh đổi anh xuống Đại Đội Trọng Pháo 102 ở quân khu Sóc Trăng - Bặc Liêu.
Gần như tất cả đội viên của Đệ Nhất Đại Đội Võ Trang Tuyên Truyền đều là lính mới tò te, tức là toàn là những thanh niên mới nhập ngũ như anh. Ở đây ít nhiều gì anh cũng có bạn, một bọn cùng lớ ngớ như nhau. Nay anh phải một mình đi tới một nơi hoàn toàn xa lạ, nơi anh không có qua một người quen biết. Anh là tên đội viên thứ nhất của Đại Đội bị thuyên chuyển với tính cách trừng phạt, nói cho đúng là bị đuổi đi. Cuộc đời sẽ dành cho anh những gì ở Sóc Trăng?? Đó là câu hỏi thuộc loại những câu hỏi không thể trả lời được ở cõi đời này.
Cứ kể ra thì đoạn đầu cuộc đời binh nghiệp của anh cũng chẳng có gì đáng gọi là tối tăm, ảm đạm chi cho lắm. Không có mảnh bằng nào, dù là mảnh bằng nhỏ bằng miếng giấy gói thuốc lào, vừa vào lính anh được đeo ngay lon Hạ sĩ Nhất - Caporal Chef - sáu tháng sau đeo lon Trung sĩ, Sẹc-zăng, chữ Vê Vàng chứ có phải ít đâu -- Không nhớ lon Trung sĩ xưa của quân đội ta, theo lon quân đội Pháp, chữ V Vàng hay chữ V Trắng? -- Trong khi đó thì Văn Thiệt, nhân viên Nha Thông Tin Nam Việt, bị nhập ngũ, cùng vào Đệ Nhất Đại Đội Tuyên Truyền với anh, người sau đó là chuyên viên đọc Quân Lệnh của Đài Phát Thanh Quân Đội, chỉ là đơ-dèm-cù bắp: Binh nhì. Nếu anh cứ ở lính đều từ năm ấy, tức là năm 1953, cho đến ngày Tan Hàng 30-4-75, bét nhất anh cũng là Thiếu Tá.
Nhưng, như anh đã nói, anh không phải được sinh ra đời để làm lính. Anh tự chọn con đường riêng của anh, con đường anh thích. Con đường ấy trong những ngày cuối xuân, đầu mùa hạ 1954, đã đưa anh phiêu dạt đến thành phố Sóc Trăng.
Không một người đưa tiễn, vào một buổi sáng anh đến Đệ Nhất Quân Khu - năm 1953, Hành Dinh Đệ Nhất Quân Khu ở đường Hùng Vương, Chợ Lớn - lên chiếc xe GMC chở lính và vợ con lính đi xuống Bặc Liêu - Cà Mâu. Vào lúc 11 giờ trưa, sau khi qua hai sông Tiền, sông Hậu, chiếc GMC đến thị xã Cần Thơ, Tây Đô của Nam Kỳ Lục Tỉnh. Chàng Trung sĩ Bắc Kỳ hai mươi tuổi là anh quăng cái sắc ma-rin xuống xe và ở lại Cần Thơ.
Anh định ở lại thị xã này chơi một đêm, để hưởng cái thú tha hương lữ thứ. Trước đó anh đã từng đến Cần Thơ nhưng những lần đó anh đều sống trong những trại lính. Đây là lần thứ nhất anh sống một mình trong một thành phố hoàn toàn xa lạ. Chỉ việc vào Ô-Ten mở phòng. Rồi đi lang thang ra phố. Thuở ấy ngay cả Sàigòn cũng còn vắng người, nói gì đến Cần Thơ, dù Cần Thơ có được gọi là Tây Đô, là thành phố đông người nhất của Lục tỉnh. Hai mươi tuổi anh chưa biết uống rượu, dù chỉ là rượu bia. Phải nói là anh chưa thích rượu mới đúng. Chỉ uống một ly bia thôi anh đã mặt đỏ, tai tái, nói năng loạng quạng. Lại là thanh niên Bắc Kỳ không quen ăn những món ăn miền Nam, buổi trưa và buổi tối hôm ấy ở Cần Thơ anh chỉ toàn vào những tiệm Tầu ăn mì, hủ tíu. Buồn ơi là buồn. Vừa đi khỏi Sàigòn có nửa ngày, anh đã thấy nhớ Sàigòn ra rít. Không một người quen, anh không còn biết đi đâu, đến đâu. Làm gì cho qua ngày, làm gì cho qua cái đêm lữ thứ cô đơn này.
Tất cả mọi thứ của Cần Thơ đều kém Sàigòn. Buổi tối anh đi loạng quạng trên con phố chính của Cần Thơ. Anh đi qua rạp xi-nê. Từ Sàigòn xuống Cần Thơ để chui vào rạp xi-nê là việc làm của những kẻ nếu không điên thì cũng khùng. Phim chiếu ở Sàigòn nát ra rồi mới mang đi chiếu ở tỉnh. Cả thị xã Cần Thơ năm ấy chỉ có một rạp xi-nê. Rạp tất nhiên là tồi hơn những rạp tồi của Sàigòn, máy chiếu phim cũ rích, kêu rè rè điếc tai. Anh đi qua rạp hát cải lương đúng vào giờ chiêng trống lèng sèng. Thôi thì vào coi cải lương cho đến 11 giờ đêm về Ô-Ten ngủ một mình, đợi sáng mai xách đồ ra bến xe lên xe lô qua Sóc Trăng.
Là thanh niên Bắc Kỳ lại nghiền xi-nê, tất nhiên là anh không thích cải lương miền Nam mấy. Nhưng như anh đã nói đêm lữ thứ cô đơn ở Cần Thơ anh lấy vé vào rạp cải lương coi cho qua buổi tối không có việc gì làm. Tên đoàn cải lương tối hôm đó là gì? Anh không nhớ. Không nhớ là vì anh chẳng để ý. Chỉ thấy tấm bảng quảng cáo để trước cửa rạp ghi tên vở hát là "Phấn Trang Lầu". Vở nào cũng được, anh chẳng cần biết. Cứ mua vé vào xem nếu chán quá thì lững thững đi ra.
Nhưng vở Phấn Trang Lầu quá hay.Tuồng Cải lương theo truyện Tầu. Người đóng vai chính là Kim Hoàng. Thời ấy Kim Hoàng đang là nữ danh ca của Cải Lương Miền Nam. Chị không có danh hiệu "Cải Lương Chi Bảo" chỉ vì mấy anh nhà báo kịch trường thời chị chưa đặt ra cái danh từ ấy. Chẳng nhớ tên anh kép đóng chung với Kim Hoàng, chỉ thấy 90% gánh nặng diễn xuất của vở Phấn Trang Lầu đặt lên vai Kim Hoàng. Cô đào cải lương đang thời trẻ đẹp, hát hay mà diễn cũng thật mùi. Anh mải mê xem cho đến lúc thấy buổi tối đã về khuya, gần đến giờ vãn hát rồi mà sao cái gọi là anh-tri-gơ-- intrigue -- tức là câu chuyện tình ly kỳ của Phấn Trang Lầu, vẫn còn rối tinh rối mù chưa thấy có dấu hiệu gì là sắp giải quyết êm đẹp theo kiểu Happy Ending. Anh bắt đầu nghi. Cho đến khi tấm màn nhung buông xuống, vãn hát, anh mới biết: Vở Phấn Trang Lầu trình diễn hai đêm. Đêm nay là đêm thứ nhất. Đêm mai trình diễn nốt phần hai. Quí vị muốn biết kết cuộc ra sao xin mời tối mai trở lại....
° ° °
Ngày..., tháng..., năm... theo nhau qua, dòng thời gian trôi mãi... Mùa nắng, da thịt em thơi mùi cam, mùa mưa, tóc em ngát mùi trầm hương. Xuân đến, môi em hồng như mầu dưa hấu. Hạ sang, môi em đượm mùi sầu riêng, hơi thở em có mùi soài cát... Những năm 54, 64 rồi 74... Mãi cho đến năm 1982 - 28 năm sau đêm xem Nữ nghệ sĩ Kim Hoàng diễn Phấn Trang Lầu ở Cần Thơ - anh mới có dịp ngồi chung bàn với hai chị Kim Hoàng và Như Mai ở Sàigòn. Cuộc gặp gỡ thật tình cờ. Anh nói với Kim Hoàng:
- Tôi vẫn định nói với chị chuyện này, lâu lắm rồi mãi cho đến hôm nay mới có dịp. Trong những năm qua tôi có gặp chị mấy lần ở Sàigòn, có lần cùng ăn chung một tiệm ăn với chị ở Vũng Tầu, ở ĐàLạt, nhưng vì tôi không được quen chị nên không tiện nói. Đầu năm 1954, tôi đang ở lính trong Đại Đội Võ Trang Tuyên Truyền của Phòng Năm bộ Tổng Tham Mưu. Vì ba gai vi phạm kỷ luật tôi bị Thiếu Tá Trần Tử Oai đổi đi xuống mãi tận Sóc Trăng. Trên đường đi, tôi ghé lại thị xã Cần Thơ ở chơi một đêm. Tối đến tôi buồn quá nên vào rạp xem cải lương. Đêm ấy chị diễn vở Phấn Trang Lầu. Chị diễn hay quá, cốt truyện lai ly kỳ nữa. Tôi xem mà mê luôn. Mà vở đó lại diễn những hai đêm. Tôi xem đêm đầu. Tuồng hay mà chị diễn hay đến nỗi tôi phải ở lại Cần Thơ một ngày, một đêm nữa chỉ để coi chị diễn nốt đêm thứ hai... Sẽ có ngày tôi viết lại những ngày ở lính của tôi, trong đó có chuyến đi của tôi xuống Sóc Trăng. Tôi sẽ viết chuyện tôi phải ở lại thêm một đêm nữa ở Cần Thơ chỉ để xem chị diễn Phấn Trang Lầu....
Sự thật chăm phần chăm... Em đa tình, em thông minh - quy luật của loài người là đàn bà càng đa tình chừng nào càng thông minh, càng sắc xảo chừng ấy -Em dư biết lời nào anh nói thật, lời nào anh thêm mắm, thêm muối. Trên đường phiêu bạt từ Sàigòn đầu năm 54 xuống Sóc Trăng, anh đã ở lại Cần Thơ một đêm, rồi ở lại Cần Thơ một đêm nữa, chỉ để xem Nữ nghệ sĩ Kim Hoàng diễn Phấn Trang Lầu, để biết vở tuồng kết thúc ra sao. Nửa ngày thứ nhất của anh ở Cần Thơ năm ấy đã nặng nề rôi, nhưng nửa ngày thứ hai của anh ở Cần Thơ nó còn nặng nề hơn gấp bội. Không có gì bắt buộc anh phải ở lại Cần Thơ thêm một ngày, một đêm, anh tự ý ở lại. Nhưng ngày dài quá. Buổi sáng còn đỡ, đến trưa ngày thứ hai thì anh hết chịu đựng nổi rồi. Nhưng năm ấy số hành khách đi lại thật ít. Muốn từ Cần Thơ sang Sóc Trăng thì buổi sáng trước 7 giờ khách phải đến bến xe. Mỗi ngày chỉ có nhiều lắm là 2 chuyến xe lô chở chừng hai mươi người khách từ Cần Thơ sang Sóc Trăng. Chừng 1 giờ trưa thì xe lô chở khách từ Sóc Trăng trở về Cần Thơ. Ai đi không kịp chuyến xe buổi sáng thì chỉ còn có thể làm được hai việc: ở lại chờ sáng hôm sau hoặc bao nguyên một chiếc xe lô để qua Sóc Trăng một mình. Không phải thiếu xe chạy mà là không có khách.
Anh ở lại Cần Thơ ngày thứ hai. Đến trưa thì anh muốn bỏ mặc cả Cần Thơ lẫn Kim Hoàng và Phấn Trang Lầu để một mình đi sang Sóc Trăng. Qua nơi xa lạ kia anh cũng cô đơn thôi, nhưng ít nhất qua đấy anh cũng vào sống trong một trại binh, có người nọ người kia, dù chỉ toàn là những người lạ. Nhưng anh chắc rằng anh cũng không đến nỗi quá sức buồn chán như những giờ phút này ở Cần Thơ. Thời gian quả thật là một cái gì hết sức co rãn: khi ta thoải mái, sung sướng hay vui mừng, ta muốn thời gian qua thật chậm nhưng ngược lại những lúc ấy thời gian lại qua thật mau. Khi ta mong cho thời gian qua mau, nó trôi rì rì như những tảng đá. Tới buổi trưa ngày thứ hai ở Cần Thơ, khi anh chịu hết nổi và muốn bỏ sang Sóc Trăng thì không còn được nữa rồi. Vì Cần Thơ không còn chuyến xe lô nào cho khách sang Sóc Trăng nữa.
Và như thế là anh ở lại Cần Thơ thêm một ngày một đêm nữa để xem Kim Hoàng diễn Phấn Trang Lầu. Nhưng có thật là anh ở lại Cần Thơ thêm một ngày một đêm nặng chình chịch và dài dằng dặc nữa chỉ để xem Kim Hoàng diễn Phấn Trang Lầu mà thôi hay còn vì một nguyên nhân ly kỳ bí ẩn nào khác?? Để anh tính em nghe: trong chuyến đi của anh từ Sàigòn xuống Sóc Trăng đầu năm 1954 có ba tình huống có thể xẩy ra:
1 -- Nếu anh cứ ngồi trên chiếc xe GMC để đi thẳng một lèo từ Sàigòn đến Sóc Trăng anh đã không gặp em.
2 -- Nếu Phấn Trang Lầu chỉ là vở tuồng Tầu diễn trong một đêm thôi anh đã không ở lại Cần Thơ thêm một ngày, một đêm nữa, sáng hôm sau anh đã xách sac marin lên xe lô sang Sóc Trăng và anh đã không được gặp em.
3 -- Vì vở Phấn Trang Lầu diễn tới hai đêm, vì Kim Hoàng diễn xuất hấp dẫn, vì vở tuồng tích gay cấn nên anh ở lại Cần Thơ thêm một ngày, một đêm và vì vậy anh được gặp em.
Tình cờ, ngẫu nhiên hay có sự định trước??? Một sự định trước mà chúng ta không hề ngờ biết?? Bốn mươi năm sau ngày việc đó xẩy ra trong đời chúng ta, anh vẫn thường suy nghĩ về câu hỏi đó và anh vẫn không tìm được câu trả lời thoả đáng.
Mùa Hạ Hai Mươi Mùa Hạ Hai Mươi - Hoàng Hải Thủy