There is a wonder in reading Braille that the sighted will never know: to touch words and have them touch you back.

Jim Fiebig

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 498 / 0
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ôi nhớ là chưa bao giờ mình có được một đêm trung thu nào cho ra hồn ở đất Sài Gòn này ngoài việc năm nào cũng như năm nào đầu óc luôn bận rộn suy tính quanh quẩn với mấy loại bánh nướng, mấy loại bánh dẻo, nhân đậu xanh hay nhân thập cẩm, một trứng hay hai trứng, vi cá hay gà quay. Mà như thế nào đã đủ nhàm chán. Suốt mười mấy năm ở đây, tôi thấy cũng chẳng có mấy dịp trẻ con được cầm lồng đèn giấy chạy ra ngoài đường hưởng một trung thu khô ráo. Hiếm hoi lắm. Và đêm nay chắc cũng thế thôi, chắc cũng như năm ngoái, như năm kia, mà không chừng lại có phần thê lương hơn, bởi mưa đã bắt đầu tầm tả từ hai hôm trước, chừng mười hai âm lịch kéo dài cho đến tạn bây giờ.
Mưa cho tới tận tối, khi tôi vào quán. Tôi phải chạy men theo cái hành lang hẹp tí xíu lợp mái rơm có nước nhỏ thành dòng, mà nhớ một cái thống kê khoa học mới công bố gần đây rằng, khi bạn thong thả đi bộ trong mưa thì sẽ nhận một lượng nước nhiều hơn khi bạn chạy từ ba mươi đến bốn mươi phần trăm, nói nôm na là sẽ bị ướt nhiều hơn. Và trong lúc tôi vừa đi vừa nghĩ xem làm thế nào để có thể từ mái hiên ấy chạy băng qua sân để vào được quán mà ít bị ướt nhất thì một giải pháp giản dị xuất hiện ngay trước mặt với cái mặt dài và một nụ cười đầy vẻ nghề nghiệp. Anh chàng phục vụ quen thuộc cũng y như lần cuối cùng tôi gặp, mái tóc gợn sóng và phong cách nhanh nhẹn, đứng đón ngay từ cuối lối đi với một chiếc ô căng rộng và áy náy bảo như thể đó chính là lỗi của anh ta, "Chà, mưa gì mà lớn quá chừng."
Quán hôm nay chỉ có mỗi hai người phục vụ, người kia trông có vẻ lớn tuổi và lặng lẽ mà tôi không quen. Tôi tự tìm chỗ ngồi bên cửa sổ. Bên ngoài trời đang đổ nước xuống một cái sân vắng tanh buồn hiu buồn hắt. Suốt từ sớm tinh mơ, bầu trời đã nhuốm một màu mờ mờ mịt mịt y như màu của mùa mưa bão miền trung, khiến không thể nào nhận ra được dáng vẻ của một thành phố lúc nào cũng sắc sảo với nắng, với gió, với khô hanh và khói bụi xe cộ qua lại ào ạt trên đường. Hồi sáng, tôi vào công ty, câu đầu tiên chào mọi người là, "Trung thu ở đây chán thật, năm nào cũng mưa lê thê." Lúc ấy, ai cũng ngẩn người ra, rồi tròn xoe mắt nhìn trời, rồi cố bươi móc trong cái trí nhớ già nua và hờ hững của họ xem liệu trung thu năm trước có thật là đã mưa không, rồi đưa ra một cái kết luận ba phải, "Làm gì có chuyện đó." Tôi không cãi được, bởi phải từng trải qua một đêm trung thu thực sự thì người ta mới biết mình thiếu gì. Họ ít ra cũng phải từng được hưởng những mùa trung thu năm nào cũng hứa hẹn như năm nào, trời khô mà xanh đen ngăn ngắt. Phía trên thành cổ, trăng từ từ lên như một ngọn đèn lồng đong đưa soi bóng xuống ao hồ, rót đầy thứ ánh sáng hư thực ấy vào những lá sen có phủ một lớp lông tơ mịn màng, khiến quanh đó ếch nhái bị đánh động bắt đầu cất tiếng, rộ lên nhịp nhàng bất tận như ru. ít ra họ cũng đã từng được đi chân trần trên những con đường đất lạnh, ngoằn ngoèo luồn qua xóm này xóm nọ, trên tay bập bùng ngọn đuốc tỏa ra một mùi khói thơm thơm, cay cay, nồng nồng của thứ lửa rất đượm từ lá. Và thế là trong tiếng trống rộn ràng, một trung thu nữa đến, dịu dàng thơ mộng như mọi lần, như một giấc mơ giản dị hiện ra trong một không gian khô ráo, trong vắt, huyền hoặc. Tôi cứ nghĩ lan man mãi như thế cho đến khi người phục vụ quay lại.
- Anh uống gì?
Anh ta hỏi.
- Như mọi lần.
- À, tôi nhớ ra rồi. Anh ta ngẫm nghĩ một chút rồi đáp. Lúc ấy, một thanh niên đẩy cửa bước vào, trông dáng vẻ rõ là khách quen, theo sau là một thiếu nữ gọn gàng trong chiếc áo tay ngắn màu ngà và chiếc váy ngắn, để lộ đôi chân thon thả. Cả hai dừng ở giữa quán, nhìn quanh như tìm chỗ ngồi, rồi đi về phía quầy bar nơi có treo ngược mấy hàng ly trong suốt khô khốc và những chiếc ghế cao đứng im lìm như thể được đặt ở đó chỉ để trang trí. Tôi không thể rời mắt khỏi đôi chân của thiếu nữ, đôi chân thon mảnh mà đầy đặn, đang thả xuôi dưới ghế. Bao giờ tôi cũng cho rằng, cái mà phụ nữ được tạo hóa ban cho hào phóng nhất, không phải là khuôn mặt, mắt hay mũi, mà là đôi chân. Và một phụ nữ đẹp trước hết phải là người có đôi chân đẹp. ở cô gái này, đôi chân ấy như có hồn, chúng cứ thong thả đan vào nhau, rồi lại duỗi ra, nhè nhẹ, tất cả khoan thai phối hợp có vần có điệu. Cái bắp chân mịn màng thon dài xuống gót, thắt lại nhè nhẹ ở đó như thắt một cái eo, như cấu tạo của một hợp âm, rằng trưởng thì phải như thế, thứ thì phải như thế. Người phục vụ nói: - Anh đã chọn được chỗ ngồi tốt.
- Tôi cũng nghĩ như thế. Tôi đáp, cái gót chân hồng hồng xinh xinh ấy đang chuồi ra khỏi chiếc giầy chật chội.
- Ngồi ở đây anh có thể nhìn ra khắp trời. Anh ta tiếp tục.
- Để làm gì?
- Để ngắm nguyệt thực. Anh ta nói, tay thắp ngọn nến trên bàn. Sẽ có nguyệt thực toàn phần ngay chính đêm nay, đêm trung thu. Vậy có lạ không chớ. Khi người phục vụ đi vào trong thì tôi ngồi nghĩ xem nguyệt thực nghĩa là gì. Là mặt trời, trái đất và mặt trăng cùng vướng phải một sợi chỉ giăng ngang giữa thiên hà, nhưng cái nào trước, cái nào sau, cái nào ở giữa thì lẫn lộn rối rắm cả. Ngày xưa quả thật tôi có đọc một vài cuốn khoa học thường thức về những hiện tượng như vậy, nhưng không hiểu gì mấy ngoài cảm giác buồn bã nhẹ nhàng về thân phận nhỏ nhoi của mình ở trên cõi đời này, trong không gian vô tận này, trong thời gian bất tận này. Lúc ấy tôi nghĩ rằng, thôi, không quan tâm đến những sự kiện siêu nhiên ấy nữa vì bao giờ chúng cũng khiến cho tôi có cảm giác vô nghĩa bởi sự bất lực của mình. Mà vô nghĩa là một cảm giác tệ hại. Thế nhưng tôi đã lo xa, về sau này những đề tài ấy đôi khi tôi đọc phải mà chẳng mảy may xúc động. Cảm xúc của tôi đã khác, khác như vậy đó, trơ ra.
- Lâu quá anh không ghé chơi. Người phục vụ quay lại. Gần một năm rồi, phải không. Tôi nhớ lúc ấy trời mưa. Anh ta đưa tay áo lướt qua mặt bàn một lượt, như đảm bảo tất cả đều đang sạch sẽ khiến ngọn nến rụt lại một màu xanh trong suốt như ngọc. Bây giờ trời cũng mưa. Hay thật.
- Có lẽ sẽ mưa suốt đêm.
- Không, nó sẽ tạnh ngay thôi. Anh ta nói, đặt tách lên bàn.
- Ai mà biết được. Tôi nói.
- Chắc chắn là sẽ tạnh. Anh ta quả quyết.
- Tôi chẳng thấy có đêm trung thu nào mà không mưa.
- Vâng. Suốt hôm nay, không có ai đồng tình với tôi một cách nhẹ nhàng như vậy.
- Vậy thì, tối nay cũng sẽ mưa suốt đêm cho mà coi.
Tôi nói. - Không.
Đêm nay có nguyệt thực. Anh ta nhắc lại. Nguyệt thực toàn phần. Làm sao mà trời mưa suốt được trong khi ai cũng muốn xem cái sự kiện này cả. Tôi ngả người ra ghế. Nguyệt thực là cái quái gì mà phải bận tâm như vậy chứ. Sao mà nhạt nhẽo quá chừng, nhưng nếu không có ai đó trò chuyện thì tôi chắc chết đi được vì chán chường.
Tôi nói: - Anh ngồi chơi cho vui. Anh ta như chỉ chờ có thế, kéo ghế ngồi.
Tôi hỏi. - Anh uống gì?
- Không. Tôi chỉ ngồi một lát. Anh ta đáp. - Một đêm trung thu buồn hiu như thế này thì người ta uống gì?
Tôi lại hỏi. - Trà nóng.
Tôi gọi người phục vụ kia.
- Cho một tách trà nóng. Anh ta nhổm dậy.
- Để tôi tự làm lấy cũng được. - Tại sao?
- Tôi không quen.
- Có gì mà không quen. Tôi mời anh mà. Anh chỉ cần gọi, "Cho một tách trà nóng," là xong.
- Không đơn giản. Anh ta lầm bầm.
- Tôi kể anh nghe chuyện này, hồi sáng, có một tay người nước ngoài làm việc chung với tôi thu xếp đồ đạc để về nước, y gói ghém tất cả vào một thùng giấy thật to và bảo tôi, "Ê, kiếm cho tao băng keo dán." Tôi đi kiếm băng keo dán. Sau đó y ngồi trên ghế, tay hút thuốc, hai chân kẹp thùng giấy, còn tôi cúi xuống dán hết mọi ngóc ngách cái thùng ấy, mà nghĩ, vì sao ta phải làm cái việc vặt này mà nó không làm. Đây là cái thùng giấy của nó, nó phải tự lo chớ. Nhưng y lại bảo tiếp, "Làm ơn kiếm giúp sợi dây buộc để làm quai." Thế là tôi tự động đi vào kho tìm một sợi dây, mặc dù ấm ức lắm rồi. Khi buộc cái thùng cho y, tôi tự bảo, sao mày ngu thế, rõ ràng là vừa ngu vừa hèn. Nhưng đến khi tôi thắt cái quai cho y, thì tôi nghĩ, cái thùng giấy này nặng thật, nó mà nói mình khiêng xuống nhà thì phải làm sao đây. Chính lúc ấy, y nói, "Cái thùng giấy này không nặng lắm đâu. Lát nữa đem giúp xuống nhà nhé." Lúc ấy, đột nhiên chẳng nghĩ ngợi gì cả, tôi nói, giọng rất to, "Không, đó là việc của mày, không phải việc của tao." Y sững người, dụi tắt điếu thuốc, và tự tay xốc cái thùng giấy ấy lên, sượng ngắt mà nói, "Thôi, tôi đi đây. Cám ơn nhiều." Tôi thấy vậy đó. Giống như anh gọi một tách trà. Bất cứ chuyện gì mà anh không tự tin được, anh hãy xử sự như thể anh đang gọi một tách trà. "Này, cho một tách trà."
- Nhưng ngay cả một tách trà tôi cũng không gọi được.
- Khi gọi, anh không nên suy nghĩ nhiều. Chúng tôi cứ ngồi như thế một lát nữa mà không nói chuyện gì. Nói chung, tôi cần có người ngồi bên cạnh nhưng lại muốn không phải nói chuyện. Bên ngoài, nước theo mái rơm từng dòng nhỏ xuống. Những ghế ngồi rải rác trên lối đi trải sỏi đọng nước lấp lánh. ở bàn trong, đôi thanh niên ấy vẫn ngồi im lặng. Cô gái tay khoanh trước ngực, cái lưng mảnh dẻ có buộc một chiếc áo khoác mỏng ở cái eo nhỏ. Đôi chân cô vẫn duỗi ra như thế, thanh thoát, sang trọng. Quả là một đôi chân có hồn. Một đôi chân mà người ta càng ngắm càng yêu.
- Đêm nay quán mở cửa đến mấy giờ.
- Có lẽ suốt đêm.
- Thật à. Nếu thế thì tôi sẽ ngồi suốt đêm.
- Vâng. Nguyệt thực sẽ diễn ra vào lúc không giờ ba phút sáng.
- Tôi ở lại vì chuyện khác. Tôi nói. Tôi chỉ muốn ngắm đôi chân kia. Một đôi chân quá đẹp, phải không. Người phục vụ đưa mắt thờ ơ nhìn.
- Không.
- Tại sao. Đó là một trong những điểm hấp dẫn nhất ở phụ nữ.
- Nhưng tôi không thích những ngón chân để trần. Anh ta nói. Tôi ngắm cái bàn chân đang rất là thảnh thơi ấy.
- Những ngón chân ấy cũng đẹp.
- Không. Không có những ngón chân đẹp. Ngón chân là một món thừa thải, không nên để trần trụi ra ngoài.
- Vì sao? - Tôi không biết vì sao. Nhưng những ngón chân lúc nào cũng khiến tôi có cảm giác về sự trần tục. Chúng trông có vẻ xác thịt.
- Trời đất. Tôi nói. Sao anh chỉ thấy có vậy.
- Anh cũng có thể mua đôi chân ấy đấy, nếu anh muốn. Người phục vụ nói. Nhưng mà thôi, tôi đi lấy thêm trà đây. Anh có cần uống thêm gì không.
- Không, cám ơn. Dưới ánh đèn vàng phủ lên tường vàng, bàn chân ấy trông nhẹ như một chiếc khăn mỏng ai đó xếp lại rồi bỏ quên trên sàn. Những ngón chân tựa vào lòng giầy như đang nghỉ ngơi, đơn giản như thể khi ta cần hít thở khí trời, ta mở cửa sổ ra và đứng tựa đấy một lát, thư giãn. Nhưng tôi hiểu anh ta, tất cả chỉ đơn thuần là cảm giác mà thôi, như ngày xưa học nhạc, tôi bao giờ cũng có một liên tưởng kỳ lạ rằng nốt ré phải có màu nâu, và nốt la có màu trắng. Đôi khi như vậy đó, không thực, nhưng cũng không nhất thiết phải giải thích gì. Người phục vụ đi ngang đôi thanh niên ấy, dừng lại một lát, cái cằm dài tận tụy gập xuống kẹp chặt chiếc nơ nhỏ. Thiếu nữ vẫn ngồi như thế, tay tựa trên quầy. Cánh tay ấy cũng đẹp, mái tóc thả sau cũng đẹp, đôi vai áo và cái lưng cong nghiêng dịu dàng về trước cũng đẹp. Tôi yêu những dáng ngồi trầm tư như thế. Chúng trông vừa sang trọng vừa gần gũi. Một điều hiếm hoi. Người phục vụ trở lại với chiếc tách tỏa hơi nghi ngút trên tay.
- Có chuyện này không biết phiền anh không.
- Chuyện gì? Anh ta hạ giọng.
- Tôi đem đôi chân ấy về cho anh đấy.
- Tôi không hiểu.
- Anh ngạc nhiên à. Đôi khi cũng có những điều ta muốn, là được. Tôi sốt ruột.
- Thôi, đừng dài dòng nữa.
- Họ muốn được ngồi cùng bàn với anh.
- Để làm gì?
- Để ngắm nguyệt thực. Trong tôi có một cảm giác lạ lùng đang đến.
- Vậy thì anh mời họ qua đây đi. Thiếu nữ ấy có một cái gì đó quả thật đặc biệt, nàng như có một sức hút kì lạ ở dáng đi, ở cánh tay đong đưa, ở cái cổ cao, hay ở đâu đó nữa mà tôi không rõ. Tôi chỉ biết là tôi đứng đó, kéo chiếc ghế cho nàng, và người thanh niên kia lên tiếng, "Cảm ơn," giọng nhẹ nhàng lạ lùng, rồi hướng về phía nàng anh ta giới thiệu, "Đây là em gái tôi. Hôm nay nó rất muốn ngồi bên cửa sổ." Thiếu nữ nhìn tôi chào, đôi mắt rất đen, rất sâu. Tôi nói, "Không có chi. Tôi cũng không muốn xem nguyệt thực một mình." Và thế là tất cả cùng ngồi quanh cái bàn quay ra cửa sổ. Những song cửa lấp lánh một màu kì lạ trong ánh sáng nên đang tàn dần.
- Hình như trời đang tạnh. Người phục vụ nói. Từ mái rơm bên ngoài, nước không còn chảy xuống thành dòng nữa mà đu đưa từng giọt ngắt quãng. Và trên cái nền khuya khoắt của đêm, nước thả từng giọt lên lối sỏi nghe tí tách nhè nhẹ, nghe như tiếng chim sẻ vào những trưa hè nhảy nhót đôi bàn chân gầy guộc trên mặt sân ximăng nóng bỏng trước sân nhà, gõ những cái mỏ mảnh dẻ như vỏ trấu lách tách tìm từng hạt cỏ, hạt thóc lẫn trong khe nứt. Người thanh niên nói.
- Nguyệt thực sẽ bắt đầu từ không giờ ba phút.
- Đúng như vậy. Người phục vụ vui vẻ. Tôi sẵn sàng tiếp quí vị trong suốt ba tiếng đồng hồ sau đó. Tôi nhìn đồng hồ.
- Liệu có ai ngồi xem nổi suốt thời gian ấy không. Người thanh niên quay sang thiếu nữ, ân cần.
- Chúng tôi sẽ xem suốt đêm. Thiếu nữ im lặng, mắt đăm đăm nhìn ra ngoài. Người thanh niên nói tiếp, một kiểu nói chuyện lơ mơ lạ lùng.
- Em tôi muốn thấy trăng sẽ sáng trở lại. - Điều đó là chắc chắn rồi. Tôi nói. Mọi người sẽ được thấy cảnh tượng ngoạn mục cuối cùng của thế kỷ này. - Ngoạn mục à? Không đâu, nguyệt thực là một điều không hay. Anh ta phản đối, giọng nghiêm nghị.
- Tại sao phải tin chuyện đó. Tôi nói. Người phục vụ nhổm dậy.
- Có phải cái bóng đen ấy không, nó xuất hiện rồi kìa. Trên cái nền khúc khuỷu đường nét của những mái nhà, mặt trăng xuất hiện cô độc một mình, tỏa ra một thứ ánh sáng phồn thịnh mà xa lạ, và bên cạnh đó là một khối đen như một đám mây đang trườn đến, chạm ở phần mép sáng nhất. Bóng đen ấy dần dần đi vào, rất chậm rãi, chiếm cái đĩa bạc sáng tươi ấy từng chút một. Người phục vụ nhẹ nhàng đứng dậy bước ra phía cửa lớn, chiếc khăn trắng nhàn nhạt vắt rất nề nếp trên tay. Anh ta ngước nhìn chăm chú ra ngoài, cái cằm dài hếch lên, bất động. Trên bàn, ngọn nến leo lét ánh xanh sắc sảo cuối cùng rồi lịm dần nhường chỗ cho một thứ ánh sáng đang chết dần khác, ánh sáng của trăng vằng vặc đang chết dần một nửa. Chính vào lúc ấy, khuôn mặt của người thanh niên ngồi bên cạnh tôi hóa ngây ra.
- Vậy là nó bắt đầu rồi. Anh ta thì thầm.
- Ừø, nó bắt đầu rồi đó. Tôi nói.
- Nó lại bắt đầu ngay chính vào đêm trung thu. Anh ta nói, giọng đều đều. Anh biết không, trung thu là đêm mà chúng tôi có cảm giác bao nhiêu điều tồi tệ nhất trên đời này sẽ được gột bỏ. Thật đấy, bao nhiêu chuyện xấu xa nhất sẽ được gột bỏ. Tôi nhìn người thanh niên, không hiểu anh ta nói gì. Tôi đang thư giãn, tôi đang muốn duỗi cả thân mình ra trong cái ghế êm ấm này bên cạnh một thiếu nữ xinh đẹp như nàng, và như thế là đủ. Tôi không thích nói nhiều, mà tôi cũng không thích phải nghe ai nói nhiều. Nói chung ai ai cũng có thân phận của mình, ai ai cũng có nỗi niềm riêng, và đã là nỗi niềm riêng thì chỉ thích hợp để cất giữ trong một ngõ ngách nào đó.
- Tôi chỉ thấy một điều là cái đêm trung thu này đang tàn. Tôi nói.
- Anh thấy nó đang tàn thật à?
- Ýù tôi nói thế là hết một trung thu. Xong.
- Với tôi thì nó còn quan trọng hơn thế. Không đơn giản là xong một đêm. Anh ta nói. Một đêm như thế thật là đặc biệt. - Tôi thì thấy chẳng có gì đặc biệt. Tôi nói. Nó cũng như mọi đêm khác thôi. - Khác lắm chứ. Bởi vì khi mà nhìn lên trăng của một đêm như thế này thì không ai có thể tự cho rằng mình có thể trong sáng như nó được. Không ai có thể kiêu hãnh mà nói rằng mình không có tì vết gì. Lúc ấy, tất cả mọi người đều như nhau, đều được sinh ra như thể ghé ngang qua đây một cách tạm bợ. Và nếu cứ nhìn mãi như thế thì sẽ thấy trên đời này, không có ai mất mát gì, cũng không ai được thêm gì. Nhìn lên trời, sẽ thấy bình yên. Anh ta ngừng một chút rồi tiếp. Và chỉ thấy cần bình yên mà thôi. Thiếu nữ vẫn ngồi im lặng, cái ngực xinh xắn tựa lên bàn, đôi mắt không hề chớp hướng lên phía trên lúc này chỉ còn là một lưỡi liềm mỏng, hai bàn tay nàng chắp lại, những ngón tay mảnh dẻ lắm.
- Tôi lại không thấy được những điều anh nói. Tôi nói.
- Có gì đâu, anh cứ nhìn lên đó, và đừng nghĩ gì cả thì anh sẽ hiểu.
- Có thể. Nhưng tôi phải về. Khuya rồi.
- Anh xem giờ làm gì. Người thanh niên nói, đưa tay lên. Từ lâu rồi không đeo đồng hồ nữa, và thấy đó đúng là một sự giải thoát.
- Hôm nay tôi cũng đã được thư giãn. Ngày mai tôi phải đi làm.
- Lý do ấy chính đáng nhất trong mọi lý do. Giọng anh ta có vẻ châm biếm.
- Lý do đó thống trị đời sống mọi người. Tôi đồng ý. - Nhưng không phải của chúng tôi. Anh ta nói ngay. Tôi rất không thích kiểu đôi co như thế này. Tôi đứng dậy, nhìn thiếu nữ một lần cuối. Nàng vẫn im lặng như từ lúc gặp. Tôi nói.
- Cảm ơn mọi người. Tôi về. Người phục vụ mở cửa cho tôi, một làn không khí trong lành tràn đến đầy hơi nước. Anh ta đưa tôi ra cổng. Trên cao, bóng tối ấy đang nuốt phần còn lại của trăng. Tôi dừng lại ở đó một lát, hít đầy ngực một làn hơi, ngắm cái cảnh tượng mà suốt đêm bao người chờ đợi.
- Anh thấy thế nào?
Anh ta hỏi.
- Buồn ngủ.
- Không, tôi hỏi em gái ấy thế nào?
- Xinh lắm.
- Tôi biết ngay mà. Anh vẫn thích đôi chân của cô ta à?
- Chuyện ấy thì quan trọng gì.
- Quan trọng chứ. Bởi vì chúng tôi trả tiền để cô ta hằng đêm ngồi đó.
- Anh nói đùa.
- Không đùa đâu. Chỉ có điều thằng cha kia chỉ có vì vậy mà cứ ăn năn dằn vặt mãi. Y nói với anh nhiều lắm à?
- Ừ
- Y hơi điên điên rồi đó. Tôi thấy y càng ngày càng hơi điên điên.
- Ừ. Chắc là y xúc động.
- Cũng may là y còn đứa em gái ngoan ngoãn.
- Ừ, Anh thật sự thích cô ta chứ?
- Ừ. Tôi không thích những người nói nhiều. Tôi thích cái kiểu cô ta im lặng như vậy. Trông thật quyến rủ.
- Nàng hấp dẫn khách ở đây cũng nhờ thế. Lặng im một lát, tôi nói mà lòng ngập đầy một nỗi thất vọng.
- Cô ta quả thật là giỏi.
- Có giỏi gì đâu. Người phục vụ ngạc nhiên. Y không hề nói gì với anh sao. Nàng đâu có nghe được mà cũng đâu có nói được. Nàng bị câm mà. Tôi vịn tay vào cổng, cảm thấy thép đang rỉ ra ướt át, lầy nhầy. Trên cao, mặt trăng đang thoi thóp, nhúm ánh sáng lộng lẫy cuối cùng của nó đang bị bóng râm mạnh mẽ không gì cưỡng lại được ấy lắp hẳn. Tôi như thấy đó là đôi môi của nàng, đôi môi đang mím chặt nghiêm nghị, đôi môi ấy nhẹ và mịn cho dù chỉ được nhìn trong bóng tối. Tôi ngắm hình ảnh của trăng lúc ấy mà có cảm giác gần gũi với ánh sáng của nó hơn bao giờ hết, thấy như chính tôi đang vuốt ve cái bề mặt sáng đẹp kiêu kỳ xa cách ấy, vuốt ve bằng bóng râm của mình, bóng râm của trái đất nơi tôi đang đứng đây, bóng râm của mọi người. Một cảm giác gần gũi, thân thiết lạ lùng. Người phục vụ đứng phía sau tôi, hỏi. - Anh về được chứ?
- Được.
- Cuối tuần ghé chơi nghe.
Cuối tuần mới thú.
- Liệu có gì hay hơn nữa sao?
- Tôi không chắc. Nhưng có lẽ người đẹp sẽ cười. Tôi suy nghĩ một lát. - ừ, tôi cũng muốn biết nụ cười của nàng như thế nào.
- Anh thấy chưa, phụ nữ hấp dẫn ở đôi môi chứ không phải đôi chân như anh nghĩ đâu. Người phục vụ mỉm cười. Và càng hấp dẫn hơn khi đó là một đôi môi đẹp nhưng lại không bao giờ nói được.
Một Tối Ở Quán Bar Một Tối Ở Quán Bar - Sưu Tầm