A house without books is like a room without windows.

Heinrich Mann

 
 
 
 
 
Tác giả: Vũ Thư Hiên
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: dang thanh tung
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 12501 / 588
Cập nhật: 2018-10-23 10:49:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
XX - Hồi Ký
nh Cu Nhớn mặt tái mét chạy ra cầu ao, ngồi thụp xuống bên tôi. Tôi đang rửa bèo cho lợn.
- Chú Khóa sắp chết rồi. - anh hổn hển thì thào.
- Ai bảo anh thế?
- Chú Bổng. Chú ấy bảo tôi về nói với cô Gái.
Có nên báo tin ấy với cô tôi không nhỉ? Cô Gái đi cất thuốc. Bây giờ có dễ cô đang ở một hiệu thuốc bắc nào đó trên chợ Lễ. Từ nhà tới đó đi nhanh cũng mất hơn nửa giờ. Hơn nữa, chắc gì cô đã cho cái tin ấy là quan trọng. Có khi bà còn mắng tôi cũng nên.
Tôi mang rổ bèo về, trút vào nồi cám đang sôi sùng sục trên bếp. Gì thì gì, cũng phải xong bữa cám cho lợn đã. Nếu tôi bỏ đói con lợn, bà sẽ mắng tôi, đó là cái chắc. Chú Khóa, tính theo họ, là em của cô tôi. Họ thế nào, tôi cũng chẳng biết. Tôi hình dung họ tộc như một cái cây. Bắt đầu từ một rễ cái cắm vào lòng đất, chẳng bao lâu sau đã có hàng chùm rễ con và trên thân cây lớn dần những cành lá cứ tiếp tục mọc thêm. Chú Khóa tôi là một cái cành con nào đấy trong đám cành lá xúm xuê của dòng họ. Chú tới nhà tôi, rụt rè và ngượng ngập.
- Cảm ơn chú tới thăm chị. - cô Gái nói, giọng nước lã - Lâu không thấy chú. Nghe đâu chầu này chú làm ăn cũng khấm khá, phải không?
- Làm gì có khấm khá, chị. - chú Khóa giãy nẩy - Em cũng chẳng biết rồi sống thế nào đây.
- Dào, dễ người ta chết cả. Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ.
- Thưa chị, có vậy, tất cả đều do một ý Chúa.
- Chú đừng đổ cho Chúa, chúa dạy mọi người phải làm lụng mà sống, chớ có há miệng chờ măn-na.
- Thưa chị, vâng.
- ý chú định làm gì.
- Dạ, còn để xem. Em tính về đây nhờ chị.
- Chị thì giúp gì được chú.
- Chị cho em ở đây với chị. Rồi em kiếm việc, làm thuê.
- Tay chân học trò thế kia, chú làm được gì? Ai thuê? Dạ, em không nề hà gì, có việc là làm. Người ta thuê làm gì làm nấy. Đã tính xuống biển, nhưng suy đi nghĩ lại, em về đây ở đây dù sao cũng còn có chị chỉ bảo.
Cuộc đối thoại rời rạc không kéo dài. Cô Gái thẳng người lên, đầu ngẩng cao, đi xuống bếp.
Chú dọn một chỗ mà nằm dưới nhà ngang. - bà nói.? chú Khóa thở phào, líu ríu bước vào nhà (từ khi tới, chú đứng ngoài cửa), mang theo cái tay nải nâu có nhiều mụn vá. Chú hạ cái giường bỏ không lâu ngày xuống, đặt giát lên, lấy manh chiếu rách trải lên trên giát, thế là đã có chỗ ngủ.
Tôi hỏi cô Gái xem chú Khóa họ hàng với chúng tôi như thế nào, cô xì một tiếng:
- Kể thì dài lắm, mà mày cũng chẳng hiểu. Hắn ta có họ, nhưng xa, mày phải gọi bằng chú.
Khi cô Gái gọi ai bằng hắn ta, nghĩa là cô không ưa người đó. Tại sao cô không ưa thì cho tới nay tôi vẫn không hiểu. Giải thích dễ nhất là nói chú Khóa nghèo. Nhưng đối với người nghèo, cô Gái có hợm thật, nhưng cũng không đến nỗi ghét bỏ như đối với chú Khóa, cái sự ghét được gọi là "tát nước đổ đi". Sở dĩ cô Gái phải chịu đựng chú Khóa, là bởi tại trong làng ai cũng biết chú có họ, đối xử với người máu mủ quá đáng sẽ bị chê cười.
Chú Khóa có một cái tên, nhưng hình như mọi người quên cái tên ấy, quen miệng gọi bằng danh hiệu. Đó là thứ danh hiệu kỳ cục nhất, tức cười nhất của một thời gian đã qua. Bất kể ai đã học chữ thánh hiền, từng vác lều chõng đi thi, bất kể thi hương hay thi hội, đều được gọi là anh khóa. Nếu cả đời người đó toàn thi trượt, cho tới già anh vẫn được vinh dự mang cái danh hiệu của người học trò đi thi - anh khóa, ông khóa, cụ khóa. Tôi viết chú Khóa với chữ K viết hoa là bởi vì chính tôi cũng không biết tên thật của chú là gì mọi người gọi thế thì tôi gọi theo.
Theo lời đề nghị của chú Khóa, cô Gái cho chú ăn cơm cùng. "Em xin hầu chị tiền gạo, còn thức ăn em xin", chú nói vậy. Cô Gái hấm hứ, không ra gật, không ra lắc, nhưng tới bữa cô bảo tôi đong thêm gạo, dọn thêm cái bát đôi đũa cho chú. Chú ăn ý tứ, không bao giờ đụng đũa đụng bát, không nhai nhóp nhép, tóm lại chú cố không gây một tiếng động nào có thể gây ra sự chú ý của cô Gái, chú ngồi đấy mà như không.
Khi nghĩ tới người học trò thời xưa, bao giờ tôi cũng hình đung ra chú Khóa, mặc dầu khi tôi gặp, chú đã ngoài bốn chục tuổi. Người mảnh khảnh, nước da trắng xanh, đôi tay dài, cái lưng dài, gương mặt nho nhã, mắt đậm suy tư - đó là hình ảnh chú Khóa: Hình ảnh này gắn bền với câu ca dao xưa:
Ai ơi đừng lấy học trò
Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm
ở với cô Gái, sáng sớm chú thức dậy sớm, cắp nón ra ngồi ở chợ ở góc chợ có một cái điếm dành cho người kiếm việc làm tụ tập. Người thuê cứ ra đấy, cần bao nhiêu người thuê bấy nhiêu. Những người thợ công nhật được đưa về nhà, cơm sáng đã thổi, ăn xong họ ra đồng làm cho tới trưa, cơm trưa ăn tại chỗ, rồi làm cho tới sẩm tối thì lĩnh công rồi về nơi trọ ăn bữa tối. Khi công việc đồng áng đã vãn (nhiều việc nhất là vụ gặt), cái điếm giữa chợ vắng tanh, chỉ có vài người chờ người thuê đánh đống rơm, lợp nhà hoặc những việc linh tinh khác. Nhưng vào tháng ba ngày tám, kể cả những việc linh tinh cũng không có nữa.
Chú Khóa trở nên thất nghiệp. Tuy vậy, chú cũng cứ dậy sớm, cứ đi đâu đó rồi trở về vào buổi chiều. Chú không còn cả tiền gạo để đưa cho cô Gái và thế là bát cơm chú ăn trở nên rất cay đắng. Cô gái mặt nặng chịch, đưa bát cơm cho chú mà như quăng vào mặt chú, kèm theo những lời bóng gió chì chiết. - Tôi không hiểu sao chú không lấy vợ để vợ nó nuôi, cứ ở vậy để thân làm tội đời?
Chú cười méo mó:
- Chị tính, ai người ta lấy em.
- ừ, mà cũng phải, người ta lấy chồng thì cũng cốt để trông cậy vào chồng, chứ lấy chú nó trông cậy vào cái gì?
Chẳng lẽ lấy chồng về để ngắm. Họa may có cái Chấm nó lấy chú.
Chấm là cô gái dở điên dở dại, xấu xí nhất làng. Cô ta thường ra ngồi bắt rận ở sân nhà thờ. Quần áo rách rưới hở hang để lộ nước da đen đủi cóc cáy, cô ta nhe răng cười vô duyên cớ với người qua lại, thỉnh thoảng hứng lên thì nghêu ngao hát. Cha mẹ không còn, cô sống bằng lòng thương của người làng. Đối với cả làng, không trừ trẻ con, cô chỉ là cái Chấm. Không ai gọi cô là chị Chấm hay cô Chấm bao giờ.
Chú Khóa rơm rớm nước mắt, quay đi. Tôi bối rối trước giọt nước mắt của chú. Nói chung, tôi thường bối rối trước nước mắt người lớn.
- Chú giận cô Gái lắm nhỉ? - tôi hỏi, khi chỉ còn hai chú cháu với nhau.
- Giận gì, cô bực bội trong lòng cô nói vậy thôi. Chứ cô không ghét bỏ gì chú đâu, chú biết.
Tôi ngạc nhiên. Chẳng lẽ chú ngần ấy tuổi đầu mà không biết người ta ghét mình?
- Với lại thời buổi khó khăn, cô cũng vất vả lắm, chú chẳng đỡ được cô thì chớ, lại còn báo hại cô.
- Chú đói lắm không?
- Không, chú ăn thế là vừa, ăn nhiều nó quen dạ đi, cháu ạ.
Chú nói dối, tôi biết, người không đói chẳng dại gì ăn hàng chùm sung xanh. Sung xanh chát xít, ăn vào cứ tắc ở cổ họng. Tôi lén lấy gạo của cô Gái dúi cho chú khi chú cắp nón đi làm. Nếu không có ai thuê, chú Khóa có thể vơ mấy cái lá mà đốt, rang gạo trong một mảnh nồi vỡ, cũng đỡ đói lòng. Nồi vỡ thì ở bụi tre nào cũng có. Lúc đầu, chú nhất định từ chối, nhưng rồi cái đói đã thắng niềm kiêu hãnh sĩ phu, chú tránh nhìn mắt tôi, giắt gói gạo vào cạp quần.
- Bây giờ kiến giả nhất phận, chú phải tìm cách nào sống, chị cũng chả giúp chú được. - cô Gái nói trong một bữa cơm tối, sau hai tháng chú Khóa không đóng tiền cho bà - Thóc gạo chầu này kém quá sức lẽ mình.
Hôm sau chú Khóa vẫn về ngủ, nhưng không ăn bữa tối nữa. Chú ăn ở đâu, tôi không biết. Chú về muộn, có khi hai cô cháu tôi đọc kinh xong, đã đi ngủ, chú mới về. Tôi cũng không quấn chú lắm, mà nói chung, chẳng đứa trẻ nào trong xóm ba nhà thân thiết với chú. Chú không biết đi câu, không biết uốn lưỡi câu, không biết vót cần câu đã thế lại không biết kể chuyện. Nếu chúng tôi năn nỉ bắt kể, chú đặng hắng hồi lâu rồi mới bắt đầu cất giọng khàn khàn kể những câu chuyện khô khan đầy điển tích, giải thích điển tích này chú lại vấp phải điển tích kia và câu chuyện cứ lan man mãi, làm cho chính chú cũng thấy nó đáng ngán. Lúc ấy chú đỏ mặt lên, hay nói cho đúng hơn, mặt chú giống như cách khi người ta đỏ mặt, bởi vì nó không có đủ máu để mà đỏ. Chú cười ngượng nghịu, hẹn khi khác kể tiếp. Chúng tôi cũng ngán luôn đoạn tiếp, chẳng bắt chú trả nợ nữa.
Tội nghiệp, chú Khóa tôi đã khổ còn cô đơn. Chú thuộc loại người ra đời để sống một mình. Chú chẳng hợp được với ai, không thích ứng được với môi trường nào ở đâu chú cũng là người lạ, làm việc gì cũng trật ý người khác. Nhưng lòng chú trong sáng, chú vô tư, chú chẳng làm hại ai, chú cũng chẳng biết đến cách lấy lòng người khác nữa, đừng nói đến biết cách nịnh. So với cô Thiệp chú còn nghèo hơn, nhưng cô Thiệp tuy vậy còn biết cách sống với đời hơn chú. Tuy nhiên, chú đã không sai lầm khi chọn cô Gái để nhờ vả. Bên cô Oanh, chú không thể nhờ được, vì lẽ cô Oanh chỉ là người quản gia của ông em giàu có, chứ cô không có quyền hành gì trong nhà. Nhà bác Hai Thực thì quá nghèo để có thể cưu mang một người em họ gần, chưa nói tới người em họ xa. Về tuổi tác, cô Gái nhiều hơn cả, thế tất cô là người duy nhất trong đám các ông anh bà chị họ có nhiều liên hệ nhất với một chi đã đi xa, một cành đua xa nhất trong cây dòng họ. Những người kia chỉ nghe dẫn tích mới biết họ hàng, vì vậy trong quan hệ cũng lỏng lẻo, hững hờ.
Cô Gái cũng chẳng phải quá xấu đối với chú Khóa. Hà tiện là bản tính của cô, hơn nữa cô không chịu được người không biết làm, không làm được việc gì. Nết hậu đậu của chú Khóa làm cô ngứa mắt. Bằng chứng về chuyện cô cũng thương chú Khóa là bà biết việc tôi lấy gạo cho chú, nhưng không nói gì. Bà nhắc tôi:
- Lấy rá úp miệng chum cho cô, kẻo chuột mò mất nhiều gạo lắm rồi.
Chuột mò thì để lại cứt chuột. Tôi lấy không để lại gì. Tinh như cô Gái thì cô phải biết. ở nhà còn chị Liễu, nhưng chỉ mình tôi được phép vào buồng bà lấy gạo. Cái cách nói của cô Gái phải hiểu thế này: cô biết, nhưng thôi, cho chú ấy một ít thì được, cho nhiều thì liệu hồn.
Chú Khóa ngày một yếu đi. Cô Nhung bảo chú:
- Đói thì ăn rau má, chớ ăn quấy ăn quá, sinh bệnh.
- Thưa chị, vâng - chú Khóa đáp.
Những buổi chợ, nhà vắng cô Gái, chú lần về, mang theo một bó tướng rau má.
Chú mang ra ao, rửa rất kỹ, xin chị Liễu mấy hạt muối rồi ngồi nhai trệu trạo.
Đôi bận, chú lân la sang chơi bác Hai Thực, nhân tiện cả nhà đang ăn hạt sản rang, chú cũng ăn cùng. Bác Hai Thực gái rất hồ hởi mời ai chưa biết nếm thử món hạt sản rang của bác, nhưng khi chú Khóa ăn thực thà như người trong nhà bác, lại không phải một lần, thì bác cũng không thích.
Rồi bẵng đi một dạo, chú không về nhà nữa. Cô Gái cũng chẳng hỏi đến. Tôi cũng quên chú luôn. Dạo ấy, tôi mải chơi diều. Đó là thú chơi truyền thống của cả làng, không trù nhà nào. Ông tôi cũng là một tay chơi diều cự phách. Gác trên mái nhà ngang là một bộ khung diều cực lớn, dài cả hai gian nhà. Bên trên nóc hòm gian của cô Gái còn một cái sáo đại, to bằng bắp đùi người lớn. Thời gian đã phủ một lớp bụi dày trên lớp sơn then của nó. Nhân một hôm dọn dẹp nhà cửa tôi đã mang cái sáo ra lau chùi. Bình thường, tôi cầm cái sáo trong tay dăng ngang mà chạy thật lực thì sáo kêu, kể cả các sáo lớn, nhưng với cái sáo này thì dù chạy nhanh tới mấy, dù có đứng tại chỗ mà quay tít người để tạo ra gió mạnh thổi vào họng sáo, nó cũng chỉ phát ra một tiếng thở dài trầm trầm, như thể nó nuối tiếc những ngày vang bóng xa xưa, khi còn được nghễu nghện trên hai cánh diều đại mà bay lượn trên trời cao. Cô Gái nói tên nó là sáo cồng, nghĩa là khi nó hát, tiếng của nó to và vang xa, tựa tiếng cồng vậy. Cô Gái cũng kể lại rằng để đưa sáo cồng lên phải có một cái diều to, sải cánh dài trên ba gian nhà và chỉ có thể thả thứ diều này trong cơn bão nhẹ với hàng chục người đưa và nhử trên cánh đồng trống. Dây diều phải làm bằng chão gai ngâm, mềm nhưng cực dai, cột chặt vào gốc cây lớn. Bà kể say sưa đến nỗi tôi hình dung ra cô tôi ngày trước - một đứa con gái nhỏ nhảy chân sáo theo người lớn ra đồng, trong gió lớn làm bay tưng mái tóc, hớn hở chờ phút cánh diều khổng lồ bay lên những tầng mây u ám. Một hôm tôi gặp chú đứng ở sân đình làng, miệng ngậm cây tăm. Chú gầy ghê gớm, hai má hóp sâu, mắt trũng. Tôi chào chú, hỏi thăm chú giờ ở đâu. Chú cười, răng vàng khè:
- Chú ở ngay đây. Rỗi đến chơi với chú.
Chú chỉ cho tôi cái chái của nhà đòn. Lối vào che bằng manh chiếu rách. Tôi ít khi bước vào nhà đòn. Không khí lạnh lẽo ở đây, những con rồng chỉ có đầu không có mình kè trên niễng, nước son đã tróc cùng với vàng thếp, mùi mốc và mùi đất ẩm làm tôi nghĩ tới những người đã nằm trên đòn này đi khỏi nhà họ và không bao giờ trở về.
Người trông nhà đòn là một ông mõ làng, chú Bổng. Chú Bổng người tầm thước, chắc nịch, ít nói. Không rõ chú từ đâu tới, người ta chỉ biết tới chú khi chú cầm cái mõ trong tay, tối tối đi lang thang trong làng, cao giọng "Triệng quan viên... làng nước...". Không ai gọi chú bằng ông bao giờ, mõ thì có thể gọi bằng chú, dù người gọi là trẻ con hay người lớn. Chú Bổng thoạt tiên ở một chái nhà đòn, sau dựng một túp lều bên cạnh đấy, cũng với khoảnh vườn rau, vài con gà bới, một con chó gầy. Mãi về sau này, mới có một người đàn bà về làm bạn với chú Bổng và chú cũng có những đứa con khỏe mạnh. Trước đó, chú ở một mình, các cô gái làng dù nghèo mấy, xấu mấy cũng không chịu lấy mõ.
Có nghĩa là chú Khóa tôi đã được chú Bổng cho ở nhờ chái nhà đòn. Nhà đòn là lãnh địa của mõ, không được chú Bổng chấp thuận chú Khóa không thể ở đấy được. Chú Khóa rủ tôi vào chơi nhà chú. Tôi lắc đầu, thoái thác. Manh chiếu rách để lộ một lỗ thủng vào một cái hang tối mò. Tôi không thích vào đó. Tôi từ biệt chú, chạy một mạch về nhà.
Cho lợn ăn xong, tôi rủ anh Cu Nhớn:
- Ta ra nom chú Khóa đi?
- Chú ra trước, tôi nhấc mấy cái cần câu thả rồi ra sau.
Tôi biết, anh không muốn đi cùng tôi, mang tiếng rủ rê.
Cần câu thả, bao giờ anh chả nhấc vào sáng sớm. Tôi không thích câu bằng cần câu thả. Không thể nào gọi là câu được khi chỉ dùng một mảnh tre vót quấy quá dài bằng ba gang tay cắm chặt vào đất bờ ao, với sợi dây câu to đùng và cái lưỡi câu thô kệch có ngạnh mắc khéo vào lưng một con săn sắt sao cho nó vẫn sống. Săn sắt thường bắt cá chuối con, cho nên cá chuối mẹ đi chăn con (một đàn con lúc nhúc màu lửa bao giờ cũng quây tụ thành một hình tròn như cái mẹt gọi là đàn rồng rồng) thấy săn sắt đâu là xông tới tiêu diệt. Thế là nó bị lừa, chết vì con cá săn sắt móc vào lưỡi câu của anh Cu Nhớn.
Tôi lách qua manh chiếu rách bước vào nhà chú Khóa.
Chú nằm trên ổ lót rơm và lá chuối khô, mặt quay ra cửa. Dường như còn nhận ra tôi, chú mấp máy cặp môi mỏng thâm xì dán chặt vào xương hàm, nhưng không còn phát ra tiếng. Tôi ngồi xuống bên cạnh chú:
- Cháu đây, chú ốm hả chú?
Một lần nữa, cặp môi lại mấp máy không có tiếng. Đôi con ngươi trắng đục nằm sâu trong hố mắt đảo lia đảo lịa, nhưng không rời tôi.
- Chú ốm thế nào? - tôi hỏi lại.
Cái đầu đã mất hết thịt, tóc bết vào da và rất thưa, khẽ gật. Chú hiểu câu hỏi, nhưng không trả lời được nữa.
- Cô Gái đi chợ Lễ. Cô về, cháu bảo cô lại nhá?
Cái đầu lắc.
- Chú ăn cháo được không? Cháu về lấy gạo nấu cho chú bát cháo nhá?
Cái đầu gật.
Tôi phóng một lèo về nhà, xúc một bát gạo gói vào lá khoai, phóng ra. Chú Khóa vẫn nằm đó, mắt nhắm. Có lẽ chú ngủ. Tôi nhìn quanh. Bốn bức tường ám khói đen ngòm trong bóng tối mờ mờ. Chung quanh ổ vương vãi những mẩu xương trắng. Trong một góc còn nhiều xương hơn, những khúc dài, khúc ngắn với củ xương ở chỗ khớp, không biết là xương trâu hay xương lợn. Quang cảnh làm tôi rùng mình. Nhất là ở giữa quang cảnh đó lại là một hình người khô đét bất động trong bộ quần áo vá bốc mùi khăn khẳn. Tôi tìm thấy mấy viên gạch đen thui thay cho ba ông đầu rau và cái nồi sứt miệng. Tôi bỏ gạo vào, chạy ra ao đình vo qua cho nước mấp mé chỗ sứt rồi đặt lên bếp, nhúm lửa. Khói rơm và lá làm cay mắt. Chú Khóa cựa quậy, rồi đôi mắt mở ra.
- Cháu nấu cháo đây. - tôi nói.
-ừ.
Lần này tôi mới nghe chú đáp, tiếng nói yếu và thoảng qua như gió.
- Cháo suông thôi, nhà chả còn gì sắt.
- ừ
Cháu nấu chú ăn rồi cháu chạy lên chợ Lễ gọi cô Gái.
- Đừng.
- Cô về lấy thuốc cho chú uống chứ.
- Không.
Lửa đã cháy to. Mùi khói át đi mùi khai và khắm. Hơi ấm của lửa làm cho chú Khóa tôi tỉnh lại.
- Cha.
- Chú bảo gì?
- Cha.
Chú Khóa nhắc lại, nhưng tôi không hiểu.
Có ai đó bước vào, ngồi xuống bên tôi. Trong ánh lửa, tôi nhìn thấy anh Cận. Anh là anh tôi, tính theo họ, nhưng già hơn bố tôi, thấp tè, đôi mắt toét lúc nào cũng đầy nhử. Anh làm nghề hoạn lợn và các thứ nghề linh tinh khác mà nhà nông cần đến. Cô Gái thường gọi anh đến, khi thì sửa cho bà cái chuồng gà, đánh hộ đống rơm, khi thì thay một bức vách bị mọt. Anh không bao giờ lấy tiền công của cô Gái, cô dọn cơm thì anh ăn, chắc anh nghĩ cháu không được phép lấy tiền trả công của cô. Họ hàng để làm gì, nếu còn tính toán sòng phẳng với nhau như vậy. Thành thử, cô Gái gọi anh đến nhiều thì anh thiệt nhiều, nhưng nếu cô đã gọi thì thể nào anh cũng đến. Tôi không thấy anh Cận đánh bạn với chú Khóa bao giờ và ngạc nhiên thấy anh tới.
- Chú thế nào? - anh hỏi khẽ.
- Chú mệt lắm, em nấu cháo cho chú.
Anh thở dài, gạt tôi ra rồi ngồi vào chỗ của tôi, chăm chăm nhìn ngọn lửa lem lém liếm lên hông nồi.
- Cha...
Chú Khóa rên khe khẽ.
- Chú muốn gì? - anh Cận ghé sát vào mặt chú Khóa.
- Cha... - chú Khóa mấp máy môi, giọng run run.
Cháu hiểu rồi. - anh Cận nói - Cha đang thăm kẻ liệt ở họ ông thánh Vi-xăn-tê. Cháu cho chú ăn cháo rồi cháu đi rước cha đến rửa tội cho chú, chú cứ nằm yên.
Chú Khóa lại gật đầu. Một người nữa bước vào. Đó là chú Bổng. Chú Bổng ngồi xuống bên anh Cận.
- Sao rồi?
- Vưỡn vậy. Tỉnh hơn được một thí.
- Khó lắm.
- Chúa sinh ra, Chúa lại rước về.
- Ai chả vậy.
- Gọi là sinh lão bệnh tử, chẳng trước thì sau.
-Có thế.
Chú Khóa nằm im lìm. Không biết chú có nghe thấy mọi người nói gì không, nhưng chú không động đậy.
Tôi chạy về báo cho bác Hai Thực biết sự thể. Bác gọi anh Cu Nhớn:
- Mày đi nom chú Khóa thí.
- Thưa thày, vâng.
Chúng tôi lại chạy ra đình. Vừa chạy, anh Cu Nhớn vừa hỏi:
- Nom chú ấy có hãi lắm không?
- Không. Nhưng vừa nãy sao anh bảo đi sau rồi không ra?
- Tôi hãi người chết lắm.
- Chú còn sống mà.
- Sắp sinh thì rồi, chú Bổng nói vậy.
- Bậy. Chú bảo em nấu cháo chú ăn đấy.
Gần tới đình, chúng tôi đứng sững lại. Từ trong nhà đòn vẳng ra một tiếng gọi thống thiết:
- Giê-su...u...u! Hãy cứu lấy linh hồn Giu-se...e...e...!
Tiếng gọi lặp đi lặp lại theo một nhịp đều đặn với cách quãng rất ngắn. Nghe tiếng gọi âm u đó tôi nổi da gà.
- Chú Khóa chết rồi? - anh Cu Nhớn, mặt nhợt ra, nói - Tôi về đây.
- Hai chúng mình vào rồi cùng về.
- Chịu thôi. Chú có vào thì vào một mình.
Anh bỏ mặc tôi lưỡng lự, quay người đi thẳng. Tôi nhìn thấy chú Bổng từ trong bước ra.
- Chú Bổng, chú Khóa sao rồi?
- Ông Khóa á? Sắp đi.
- Đi đâu?
- Chết chứ còn đi đâu? Cậu vào với ông thí. Ông Cận ở trong ấy.
Anh Cận đang đứng trước lối vào, hai tay giơ lên trời thành hình chữ V:
- Giê-su...u...u...? Hãy cứu lấy linh hồn Giu-se...e...e...!
Vậy mà tôi không nhận ra tiếng anh Cận. Bình thường anh ít nói, khi nói thì nhỏ nhẹ, nhát gừng. Nhìn thấy tôi, anh nói vội vã:
- Ông sắp đi? Chú vào ngay đi để chú cháu được thấy nhau trong giờ lâm tử.
Anh nói bằng giọng trang nghiêm, với lời nói trang nghiêm, làm tôi không còn cách nào khác là nghe lời. Vén manh chiếu rách lên, tôi nhìn thấy chú Khóa cởi phanh áo, hai tay quờ quạng trên ngực. Đầu ngật về đằng sau, toàn thân rướn lên từng đợt, chú thở dốc, miệng há to như muốn đớp lấy những ngụm không khí hiếm hoi. Cùng với hơi thở khó nhọc, ngực chú giật nảy, cái bụng lép dán chặt xuống chiếu phập phồng. Khi cúc áo đã mở toang tôi mới thấy chú Khóa gầy quá như thế, những cái xương sườn cụt như muốn chọc thủng làn da mỏng và cáu bẩn ra ngoài. Tôi đứng lặng trước người hấp hối. Ông chẳng nhìn ra tôi nữa. Trong hai hố mắt chỉ còn toàn lòng trắng nhày nhụa. Một bát cháo đổ lênh láng bên cạnh.
Tôi lùi dần cho tới khi chạm vào manh chiếu che lối vào ở đó tôi quay ngoắt lại ù té chạy thẳng. Tiếng gọi Chúa đến rước linh hồn chú Khóa tội nghiệp của anh Cận đuổi theo tôi.
Chú Khóa tội nghiệp qua đời, không đợi được cha xứ. Không ai nói chú chết vì bệnh gì, mà nói chung, thời bấy giờ ít ai nói tới cái chết có kèm theo lời giải thích về nguyên nhân. Một con người qua đời, có vậy thôi.
Sau cái chết của chú mấy tháng, một hôm ông mõ làng rẽ vào nhà bác Hai Thực xin ngụm nước mưa, bác Hai Thực hỏi chuyện những ngày cuối cùng của chú Khóa thì ông mõ trả lời:
- Ông Khóa nhà ta cứ cuối buổi chợ lại đi mót xương. Xương dùng vào việc xương, chẳng ai vất đi sát, nói mót là nói vậy, cho ông Khóa đỡ tủi, chứ người ta thương ông Khóa thì người ta cho. Khốn nạn, nhiều khi thịt ế, xương đã ôi rồi ông mới tha về nhà, nấu nướng qua quít rồi ăn, ông bảo không sinh bệnh sao được. Có khi còn để lại đến hôm sau nữa. Mấy phản thịt ở chợ cũng tệ, thương người ta thì cho thứ tươi đàng này thứ ôi, thứ bỏ cũng cho, chả trách ông Khóa bị.
Tới lúc ấy tôi mới giải đáp được câu hỏi cứ quanh quẩn trong đầu: tại sao nơi chú Khóa lại lắm xương khô như vậy?
Cô Gái đưa cho anh Cận một đồng để làm bữa cho người đi cùng với anh chôn chú Khóa. Anh Cận mua rượu thịt ăn với chú Bổng. Tối hôm ấy hai người đưa chú ra đồng. Chú Khóa không phải người giàu có để phải chôn bằng quan tài cũng chẳng phải quàn lại đến hôm sau đợi họ hàng đến viếng. Anh Cận mang đĩa trầu vào trình ông lý một tiếng là xong.
Chú Khóa được bó lại trong tấm chiếu mới và sạch sẽ, do anh Cận mang tới. Thừng thì sẵn của nhà chú Bổng. Đám tang gồm có bốn người, hai người khiêng và hai người đi đưa Dưới cái đòn ống là chú Khóa bó gọn trong cái chiếu.
Anh Cận đi trước chú Bổng đi sau. Cả hai người lặc lè khiêng chú Khóa. Anh Cận phàn nàn rằng người chết nào cũng thế, đều nặng hơn lúc còn sống. Đi sau cùng là tôi và cô Gái. Lúc đầu cô định không đi, nhưng sau bà đổi ý. Trời đổ mưa lâm thâm. Đường trơn, thành thử anh Cận và chú Bổng phải bấm ngón, đi rất chậm. Tôi cầm bó đuốc, giơ cao trên đầu để soi đường. Anh Cận cũng cầm một bó, nhưng vì mải khiêng, nửa đường đã để tắt. Lửa đuốc soi tỏ đôi chân gầy guộc của chú Khóa thò ra ngoài chiếu, rung rung. Cô Gái thỉnh thoảng lại làm dấu thánh và lầm rầm cầu nguyện. Những giọt mưa lớn rơi vào đuốc kêu xèo xèo. Chó ở các nhà ven đường sủa râm ran.
Hôm sau, cô Gái mang hai đồng vào nhà xứ để xin một lễ Mi-sa mồ cầu cho linh hồn chú Khóa.
Miền Thơ Ấu Miền Thơ Ấu - Vũ Thư Hiên Miền Thơ Ấu