Tôi chưa từng biết ai phải khổ sở vì làm việc nhiều quá. Chỉ có rất nhiều người khổ sở vì có tham vọng nhiều quá mà lại không có đủ hành động.

Dr. James Mantague

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiên Hiệp
Số chương: 53 - chưa đầy đủ
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 754 / 17
Cập nhật: 2017-09-25 05:46:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hồi Thứ Chin: Không Trung Ngụt Lửa
ồi thứ chin: Không trung ngụt lửa
Hội Tư Mã Khôi nấp mình vào một góc điện kiên cố, ngẩng đầu lên, chỉ thấy thành cổ bị bửa đôi hình chữ V bắt đầu sụp đổ ầm ầm, rồi giữa vết nứt rộng ngoác đen ngòm lộ ra vô số thân cây ngoằn ngoèo, chằng chịt, như cái lưới nhện khổng lồ mắc lủng lẳng trên vách tường. Lúc này bộ rễ chính của Udumbara đã bén lửa bốc cháy ngùn ngụt, rồi ngọn lửa hung dữ lại nhanh chóng vươn cao, thiêu rụi toàn bộ tầng kén nằm sâu dưới huyệt động trong lòng đất. Lưới lửa chế ngự hoàn toàn tòa thành Nhện Vàng, dường như cả không trung đang rừng rực bốc cháy.
Mỗi cột trụ Udumbara - tán đội trời thân tựa đất, đều được sinh ra từ tổ kén trong tầng đá bên dưới tòa thành. Thành cổ Nhện Vàng cả thảy có tám huyệt động như những cặp mắt kép, từ đây, Udumbara đâm rễ và tán lá ra ngoài che kín toàn bộ huyệt động dưới lòng đất, vô số đài hoa của nó không ngừng tạo ra lớp sương mù dày đặc, hình thành một hệ sinh thái độc lập gần như kín bưng. Ngoại trừ loài sinh vật máu lạnh bò sát ra, nơi này dường như cách biệt hoàn toàn với cuộc sống bên ngoài, nó khiến bất cứ kẻ xâm nhập nào có ý đồ nhòm ngó bí mật của quốc vương Chăm Pa đều phải nhận kết cục bi thảm, có đường đi mà không có lối về.
Udumbara không sợ nước lửa, cho dù bị chất độc màu da cam phá hủy, nó cũng nhanh chóng phục sinh, chỉ khi nào diệt trừ được bộ rễ chính thì mới khiến nó chết hẳn, mà rễ chính lại được bức tường thành vững chãi bảo vệ. Thế nhưng vào thời khắc này, khi cây chưa kịp phục hồi nguyên dạng, thì đã lại bị lưỡi lửa hung dữ phun ra từ lòng đất bén mồi, ngọn lửa ngấu nghiến phá hủy bức bình phong tầng thực vật từ trong ra ngoài, khiến bộ rễ của Udumbara vươn dài khắp bốn phương tám hướng, từng chiếc từng chiếc dần đứt lìa khỏi thân cây khô quăn queo. Cả tòa thành ầm ầm rung chuyển, nhiều chỗ bắt đầu rạn nứt sụt lở, gạch vụn đá rơi rào rào, vương vãi khắp nơi.
Khe nứt lớn sâu hoắm trong lòng núi Dã Nhân vốn dĩ là do mạch nước trong núi khô cạn khiến mặt đất nứt toác mà thành. Ai ngờ, chỉ một dòng nước trông hiền hòa yếu ớt, mà lại đủ sức bào mòn chia cắt núi đá thành một huyệt động khoáng đạt thênh thang. Lúc này trên mưa lớn dưới lửa mạnh, Udumbara cùng lúc phải chịu sự công kích của cả nước và lửa, sương mù xung quanh dần dần tản mát, rắn bay "ly chùy" đang nằm rình mồi trong đám mây mù dày đặc cũng nháo nhác nhào ra tìm lối thoát thân. Thành Nhện Vàng ngả nghiêng nứt vỡ liên hồi, rồi từ từ chìm nghỉm xuống lớp bùn sình đen ngòm dưới vực sâu không đáy. Xem ra mọi bí mật cũng như huy hoàng một thời của vương triều Chăm Pa, sẽ mãi mãi ngủ yên trong bóng tối. Trải qua bao tuế nguyệt, đằng đẵng sau hàng ngàn năm không nhìn thấy mặt trời, giờ đây một lần nữa, thành cổ lại bị vùi chôn vĩnh viễn.
Đúng lúc này, từ kẽ nứt trên mặt đất trong đại điện, một dòng nước đen ngòm, lạnh thấu xương "ùng ục ùng ục" tuôn ra. Năm đó, sau khi nguồn nước khô cạn, trừ một vài mạch nguồn nhỏ, còn lại tất cả sông ngòi, đầm hồ, nước ngầm dưới lòng đất - kéo dài trăm dặm trong huyệt động sâu thẳm, đều bị bùn lầy và khí metan lấp kín. Bây giờ, mưa to gió lớn vần vũ bên ngoài núi khiến thủy triều nước ngầm lên xuống bất thường, cộng với khí metan sau khi bốc cháy làm bùn đất nổ tung tóe, đã kích thích dòng nước vốn nằm im bao lâu dưới lòng núi dềnh lên hẳn mặt đất. Dòng nước ngầm mênh mông vô bờ bến không ngừng dâng cao, trong nháy mắt toàn bộ đáy động đã bị chìm ngập, thế nước hung bạo cuồn cuộn trào lên, cộng hưởng với dòng khí lưu thông trong khe cốc, tạo ra những âm thanh đinh tai nhức óc.
Hội Tư Mã Khôi sớm đã sức cùng lực kiệt, lại thêm bao vết thương lớn nhỏ trên người, họ tự biết nếu trượt chân xuống dòng nước tất rơi vào bàn tay tử thần, nên buộc phải bám chặt vào những mảnh tường vỡ, gắng sức leo lên cao. Nhìn dưới chân dòng nước đen ngòm hung dữ cuồn cuộn chảy, trên đầu khói bay mù mịt, lửa cháy ngùn ngụt che kín vòm trời, hai tai họ dường như điếc đặc, đến nỗi không nghe thấy bất kỳ âm thanh gì. Thảm cảnh trời tru đất diệt trong khe động chỉ xảy ra trong một khoảnh khắc ngẳn ngủi, mà mọi người ai nấy mặt vàng như nghệ, lòng ngầm hiểu phen này cho dù có mọc thêm cánh cũng khó thoát thân.
Lúc này Tuyệt kéo tay Tư Mã Khôi, chỉ cho anh thấy phía trên đỉnh đầu. Tư Mã Khôi nhìn theo tay cô, thấy trong ánh lửa lập lòe mờ tỏ ẩn hiện một bóng đen u ám thò ra nơi góc nghiêng ở đỉnh tòa thành, hình dáng phảng phất như một còn chim lớn. Tư Mã Khôi lòng bỗng trở nên kích động mãnh liệt: "Hình như đó là chiếc máy bay."
Máy bay tiêm kích chở bom địa chấn đã bị phá hủy, ngay cả xác cũng tiêu tan không dấu vết, vì thế chiếc máy bay nhìn thấy lúc này có lẽ là máy bay vận tải số hiệu Rắn đen II của đoàn thám hiểm người Anh, và chắc nó từ kén nhộng rơi xuống thành cổ. Toàn huyệt động khắp nơi tối mù mù, nếu Udumbara không bốc cháy ngùn ngụt giữa không trung thì chắc chắn không thể phát hiện ra bóng dáng của nó.
Ai nấy đều nhớ rõ trong khoang máy bay đựng rất nhiều đồ dùng dự phòng của đoàn thám hiểm, trong đó có chiếc xuồng cứu sinh siêu tốc gắn hai mô tơ, nên nếu muốn kịp thoát thân khỏi thành cổ trước khi bị đại hồng thủy nhấn chìm, mọi người sẽ phải lấy được chiếc xuồng cao su đó ra khỏi xác máy bay. Làm như vậy, ít ra họ cũng sẽ giành giật được chút tia hi vọng sống sót trong cảnh tuyệt vọng.
Tư Mã Khôi nhanh chóng lấy lại tinh thần, tay chỉ lên trên ra dấu với ba người còn lại. Anh vừa tránh những mảnh đá vụn và dây mây rừng bén lửa rơi vào người, vừa nhanh chóng bám sát vách đá từ từ bò lên. Khi Tư Mã Khôi vào được bên trong xác chiếc máy bay nằm chênh vênh trên mép thành và tìm thấy ca nô siêu tốc trong khoang hành lý, thì Ngọc Phi Yến - bằng thân thủ nhanh như sóc, cũng đã theo sát ngay phía sau lưng; hai người tiện tay lấy cả cuộn pháo phát tín hiệu và pháo sáng, rồi gắng hết sức lôi chiếc xuồng cao su ra khỏi khoang máy bay.
Lúc này mực nước ngầm dưới lòng đất dâng lên càng lúc càng nhanh, trên cao chỉ còn sót lại cuộn khói đen kịt và đám tro tàn vần vũ giữa không trung, ở giữa có vô số những đốm lửa lập lòe bất định. Tư Mã Khôi biết Hải ngọng và Tuyệt bị tụt lại phía sau, tình thế vô cùng nguy hiểm nên không kịp nghỉ lấy hơi, anh lập tức bơm khí đầy căng chiếc xuồng cao su, rồi nhờ chút ánh sáng tỏa ra từ đèn tín hiệu mà nhìn thấy vị trí hai người đang đứng, liền cố hết sức đẩy bè cao su xuống nước.
Tư Mã Khôi và Ngọc Phi Yến lần lượt kẻ trước người sau trèo lên xuồng cao su, kịp thời đến ứng cứu Hải ngọng và Tuyệt đang sắp sửa bị rơi xuống nước.
N.g.u.ồ.n..t.ừ..s.i.t.e..T.r.u.y.e.n.G.i.C.u.n.g.C.o...c.o.m. Cùng lúc ấy, dòng nước đen mênh mông gần như phủ kín toàn thành Nhện Vàng, chiếc máy bay vận tải của đoàn thám hiểm người Anh cũng bị dòng nước xoáy nhấn chìm, trong chớp mắt đã mất hút không sủi tăm. Chiếc xuồng cao su bị xô vào đầu con sóng của vòng nước xoáy, bốn bề chỉ là thế giới của bóng đêm, và rõ ràng ngồi trên mặt nước nhưng lại không hề nghe thấy tiếng nước chảy, cảm giác này thật vô cùng rùng rợn. Ai nấy đều biết: chỉ cần Tư Mã Khôi chậm chân nửa bước, kẻ rơi xuống trước tiên sẽ bị dòng nước xiết nuốt chửng vào vực sâu đen ngòm, vĩnh viễn không thể tìm thấy. Giờ đây, sau khi giành giật được sự sống, mọi người vẫn chưa kịp hoàn hồn, lại phải lo đến những hiểm ác đang chờ đợi ở phía trước. Ai nấy đều thở gấp, tim đập loạn xạ, để mặc chiếc xuồng cao su dập dềnh trôi theo dòng nước, còn tất cả chỉ biết ngồi nhìn một cách bất lực.
Họ trôi nổi trong màn đêm hỗn loạn không biết bao lâu, bỗng dưới chân rung chuyển từng đợt, bên tai họ chỉ nghe thấy những âm thanh ầm ầm vọng lại, dường như chiếc xuồng cao su đã bị cuốn vào một dòng nước chảy xiết. Tư Mã Khôi trong lòng biết rõ, chắc chắn đợt hồng thủy đã đẩy nó vào khe nứt ở men khe núi. Hệ thực vật sinh sống trong núi Dã Nhân năm này qua năm khác đều không ngừng sinh sôi nảy nở, bành trướng qua khe núi, cộng thêm chịu tác động của lực giãn đã khiến lòng núi nứt vờ, hình thành địa thế hiểm yếu độc nhất vô nhị. Lúc đó, tuy chưa phân biệt được phương hướng, nhưng thấy thế nước cuồn cuộn chảy xiết như thể chiếc xuồng sắp đâm vào vách đá lật nhào, rồi cả nhóm sắp bị rơi xuống nước chôn thây trong bụng cá đến nơi, Tư Mã Khôi vội vã giơ cao đèn tín hiệu hét gọi Ngọc Phi Yến cố gắng giữ yên chiếc xuồng. Ngọc Phi Yến từng theo tàu thuyền ra khơi nhiều lần, đã trải qua bao nguy hiểm lật tàu trôi bè nơi đầu sóng ngọn gió, cô ta rất thông thạo thủy tính của tàu thuyền, nên để cô điều khiển chắc cũng không đến nỗi khiến chiếc xuồng cao su bị dòng nước xiết hung tợn cuốn lật nhào tại chỗ.
Mặt bên chiếc xuồng cao su lắp cố định một ngọn đèn halogen, Hải ngọng bật công tắc đèn chiếu, hướng chùm sáng ra phía trước, thì phát hiện vách núi sừng sững hai bên huyệt động đột nhiên như bị ai nhổ bật ra, lủng lẳng chi chít những rễ cây cổ thụ to lớn, còn giữa dòng sông giăng mắc màn sương mỏng và lạnh, dòng chảy gấp gáp khác thường. Bốn người lái xuồng cao su trong màn sương và làn nước đen ngòm, liên tục tránh né những khúc cua gấp của dòng hà lưu và tàn tích thực vật trôi nổi trên sông. Không biết bao nhiêu lần họ đã thoát hiểm trong tích tắc, chiếc xuồng cao su chẳng khác nào chiếc lá trong cơn gió, xoay vần điên đảo dữ dội theo dòng nước cuốn. Ngọc Phi Yến đứng ở phía sau đang gắng gượng hết sức giữ vững trọng tâm, bỗng nhiên thấy bên mình có một bóng đen vụt lướt qua mặt nước. Nhanh như tên bắn, cô vội vàng co người né tránh, nhưng vẫn chậm mất nửa giây, quần áo của cô đã bị quệt rách mất một miếng khiến cô hốt hoảng thét lên. Giữa lúc hỗn loạn mịt mùng, cũng chẳng kịp nhìn rõ rốt cục vật gì vừa xuất hiện dưới nước, cô vội vã bảo hội Tư Mã Khôi và Hải ngọng xoay đèn chiếu về phía sau.
Mọi người vừa rọi ánh đèn vừa quay lại nhìn, chỉ thấy nhấp nhô trong dòng nước ở phía thượng nguồn, không biết có bao nhiêu hài cốt sắc nhọn như thanh kiếm Nhật đang lao ầm ầm về phía chiếc xuồng. Trong cơn kinh hãi, mặt ai nấy đều biến sắc trắng bệch. Thì ra lớp vỏ địa chất ở núi Dã Nhân rất yếu ớt, nên khí hậu quanh năm ổn định thì không sao, nhưng khi bị cuồng phong giông tố công kích, thì lòng núi đã sớm vỡ vụn từ bao lâu nay, sẽ không thể chống đỡ nổi nữa. Khe núi từ chỗ gần huyệt động vùi xương của bầy voi rừng bị dòng nước chảy xiết đi ngang qua làm xoáy đổ một dải địa tầng rộng lớn ở hai bên bờ sông, để lộ ra rất nhiều huyệt động ẩn sâu trong bụng núi, rồi bùn đá chảy ra mang theo toàn bộ hóa thạch ngà và xương voi chồng chất cao như núi, cuốn đổ ra sông.
Những bộ xương và ngà voi dài như thanh kiếm, cái nào cái nấy sắc nhọn dị thường, một khi nổi trên mặt nước, lập tức trở thành vô số lưỡi dao khổng lồ sắc nhọn, nó cũng chẳng khác nào cọc gỗ, mảnh tre vót nhọn thành chông, trôi vèo vèo về hạ lưu với tốc độ kinh người. Tốc độ cuộn chảy của đám hài cốt voi rừng vượt xa vận tốc của xuồng cao su, nên chỉ cần một chiếc ngà sắc nhọn chạm phải thân xuồng, thì lớp cao su dày chắc nhất định sẽ bị đâm thủng, không khí bơm căng bên trong nhanh chóng thoát ra ngoài làm những người ngồi bên trên rơi tõm xuống dòng sông, mà cho dù may mắn họ không chết đuối, thì cũng lao thẳng vào đám xương ngà voi, bị chúng xuyên táo chẳng khác gì kẹo hồ lô.
Mắt nhìn dòng nước cuộn chảy tựa gió cuốn, điện xẹt, tình thế vô cùng hiểm nghèo, vậy mà cả hội lại không có cách nào để dừng chiếc xuồng ca nô lại. Trong lúc cấp bách, Tư Mã Khôi đành với tay lấy khẩu súng xung phong Uzi mà Ngọc Phi Yến đang khoác trên người, ngắm chuẩn dòng nước phía sau liên tục quét đạn, thử bắn vụn đám hài cốt voi rừng ở cách đó một quãng. Hải ngọng và Tuyệt cũng lần lượt nắm lấy mái chèo gỗ dự phòng, liều chết nhoài nửa người ra khỏi xuồng, gắng sức đẩy đám xương voi đang lao đến gần.
Một mình Ngọc Phi Yến không khống chế nổi phương hướng của chiếc xuồng một cách hiệu quả, nhưng ba người còn lại cũng đang cuống quýt chân tay, chẳng ai có thể hỗ trợ được cho ai, vì đã rơi vào tình cảnh này, thì chỉ còn biết nghe theo mệnh trời sắp đặt. Lúc này địa thế càng lúc càng trở nên nhỏ hẹp, hai bên vách đá cheo leo dựng đứng, chiếc xuồng trôi giữa dòng chẳng khác gì phao tiêu, trong khi đó, trong dòng nước chảy xiết cuồn cuộn dâng trào, một bộ xương voi hoàn chỉnh và khổng lồ đang sầm sập lao tới, đôi ngà vừa dài vừa nhọn nghênh nghênh giơ ra phía trước cày nước bắn tung lên.
Tư Mã Khôi thấy tình hình không ổn, vội vã giơ súng, quét liên tiếp mấy loạt đạn, trong khi chiếc xuồng cao xu đang xoay vần dữ dội; anh định bụng sẽ bắn nát vụn bộ xương voi khổng lồ trước khi nó kịp đâm vào chiếc xuồng. Trong màn mây mưa lạnh lẽo, từng loạt đạn lóe lên như dòng chảy đom đóm, nhưng bộ xương voi đang vùn vụt trôi theo dòng nước này lại cứng rắn khác thường, hơn nữa, chiếc xuồng cao su đang rung lắc dữ dội, khiến họng súng không thể ngắm chuẩn mục tiêu, nên hầu như chẳng phát huy được mấy tác dụng. Bộ xương voi vẫn dũng mãnh ầm ầm lao tới, tưởng như không gì trên đời có thể cản trở được bước tiến của nó.
Giữa lúc ấy, dưới chân đột nhiên rung lắc mạnh mẽ, chiếc xuồng chao đảo lúc chìm lúc nổi, thiếu chút nữa là mọi người đã bị quăng mình lên không trung, vì phần sau chiếc xuồng dường như chạm phải một loài thủy tộc to lớn nào đó, làm suýt lật nhào. Tư Mã Khôi nhìn kỹ lại, chỉ thấy phía sau chiếc xuồng, sóng nước vồng lên dữ dội, kèm theo đó là những âm thanh quẫy nước "ào ào", rồi trên mặt nước lộ ra hai con cá sấu. Bọn chúng cũng bị dòng nước lũ xoáy cả vào đây, tuy đang gắng sức quẫy đuôi lắc đầu, nhưng cuối cùng chúng vẫn phải khuất phục trước dòng nước dữ. Giãy giụa hồi lâu rồi chúng cũng ngoi đầu lên được, nhưng đen đủi thay, vị trí hiện tại của chúng vừa vặn chắn ngay phía trước bộ xương voi.
Bộ xương voi rừng này chẳng thua kém súng trường, đại kích, nó đột ngột đâm sầm vào một trong hai con cá sấu, mấy chiếc xương nhọn hoắt lồi hẳn ra trước, trong phút chốc thân thể con cá sấu bị xuyên từ bên nọ sang bên kia. Con cá sấu khổng lồ này có bộ da rất dày, thân dài vài mét, nặng đến hàng trăm cân, nhưng vừa bị xương voi đâm vào, nó uốn éo mấy cái rồi duỗi ra chết ngắc.
Tuy bộ xương voi cũng biến thành mảnh vụn sau cú va chạm khủng khiếp đó, nhưng thân mình con cá sấu, do một chiếc ngà xuyên thấu, phơi bụng nổi lên mặt nước bị vòng nước xiết cuốn trôi, thuận thế lao vào phần sau xuồng cao su, rồi chiếc ngà voi sắc nhọn, đã đâm xuyên cả thi thể cá sấu chẳng ngờ lại đâm luôn vào chiếc xuồng thành một xâu. Máu cá sấu nhuốm đỏ cả khúc sông.
Phao cao su ở phần trước, phần sau và hai bên mạn xuồng đều bơm đầy khí, được thiết kế theo dạng khép kín, chứa khí độc lập, nếu hỏng một trong những bộ phận này, thì không hề ảnh hưởng đến những bộ phận khác, nhưng vì chiếc xuồng bị ngà voi và xác con cá sấu đâm thủng một lỗ, nên tốc độ cũng giảm đi đáng kể, nó xoay xoay trên mặt nước như muốn chìm. Hội Tư Mã Khôi nằm rạp xuống sàn, chỉ thấy mặt nước nhấp nhô những mảnh trăng trắng, tất cả đều là ngà và xương voi rừng từ thượng nguồn trôi xuống, giống như vô số quả ngư lôi mang theo tên nhọn, xuyên thủng dòng nước chảy xiết, thần tốc lao tới từ phía sau xuồng cao su.
Tư Mã Khôi thấy tình hình nguy cấp, vội vã cùng Hải ngọng và Tuyệt, gắng hết sức đẩy xác con cá sấu xuống nước. Ngọc Phi Yến cũng mạo hiểm điều chỉnh mô tơ lên tới mức cực đại, quạt mô tơ quay vù vù với tốc độ cao. Dưới lực tác dụng đẩy ra từ vòng quay cánh quạt, chiếc xuồng cao su nhảy bật lên, lao vút ra xa giữa dòng nước xiết, nhanh như gió cuốn điện xẹt.
Mọi người ngồi trên chiếc xuồng cao su lướt nhanh như bay, cuối cùng cũng bỏ xa được đám xương cốt voi rừng bồng bềnh trên mặt nước một đoạn khá xa, rồi nhận thấy địa thế cũng dần dần trở nên rộng rãi, dòng chảy cũng bình ổn trở lại. Thế nhưng trạng thái thần kinh căng thẳng chưa kịp thả lỏng, thì xuồng cao su lại đâm vào màn khói dày đặc giống như sương đen, phạm vi tầm nhìn lập tức hạ xuống mức cực điểm.
Tư Mã Khôi vội vàng bảo Ngọc Phi Yến đổi hướng chiếc xuồng, mau chóng rời khỏi vùng sương mù đen đặc mênh mông. Nhưng lúc này đã muộn, chiếc xuồng cao su đã đi vào màn sương, đi mãi hồi lâu mà cảnh vật xung quanh vẫn không hề thay đổi, không gian hoàn toàn yên ắng, mặt nước tràn ngập sự im lặng chết chóc, tựa hồ cả thế giới chỉ tồn tại sự tĩnh lặng và sâu hút vô bờ bến.
Trong không gian yên ắng đến ngộp thở này, mọi người đều nảy sinh một dự cảm không lành. Lẽ nào, trong sơn cốc núi sâu âm u ma khí này, lại thực sự tồn tại lời nguyền khủng khiếp của vua Chăm Pa? Kẻ nào dám nhòm ngó bí mật trong tòa thành Nhện Vàng, bóng đen thần chết sẽ giáng xuống đầu kẻ ấy. Tư Mã Khôi nhớ ra việc này, và trong lòng không khỏi rờn rợn. Anh biết, nếu bị nhốt trong sương mù càng lâu, thì càng nguy hiểm, bèn bảo Hải ngọng di chuyển đèn chiếu, cố gắng tìm ra vật tham chiếu để xác định phương hướng, nhưng Tuyệt bỗng nhiên ngăn mọi người lại, cô nói: "Ở đây vốn dĩ không tồn tại phương hướng, chúng ta vĩnh viễn không thể thoát khỏi đây đâu!"
Ngọc Phi Yến nghi hoặc không hiểu, cô hỏi lại: "Cô vừa nói gì vậy? Vì sao không thể ra được?"
Thần sắc Tuyệt thảng thốt, cô nói: "Bởi vì, nơi này đã là... điểm cuối."
Hết tập I
[1] Hảo hán lục lâm: Chỉ những anh hùng tập hợp lực lượng ở trên núi, phản kháng lại giai cấp thống trị phong kiến. Thời xưa, cụm từ này còn để chỉ bọn thổ phỉ tụ tập cướp bóc, giết hại dân lành.
[2] Diêm đạo: một chức quan thời nhà Thanh, phụ trách quản, kiểm tra lương thực, muối, gạo...
[3] Cao phù dung: là hỗn hợp nấu thành cao của bốn loại thuốc: lá phù dung, du thục, sinh đại hoàng và đại bì tiêu, có tác dụng giải độc, chống sưng viêm, giảm đau.
[4] Thập Tam Tiết thảng địa tiên: Thế võ sử dụng vũ khí là roi 13 khúc, khi thi triển thế võ này trọng tâm thân người thường áp sát mặt đất.
[5] Trạch tiên: thần trấn tà, giữ cho gia thất được bình an.
[6] Hữu khuynh: chỉ những người có tư tưởng bảo thủ, phản động.
[7] Báo chữ to: tiếng Hán là Đại tự báo, là tờ báo dán tường để tuyên truyền thông tin cho quảng đại quần chúng, được dán khắp nơi trong thời kỳ Cách mạng văn hóa Trung Quốc.
[8] Biệt bảo: một nghề trong xã hội Trung Quốc cũ, để chỉ những người chuyên đi tìm kiếm những cổ vật, báu vật quý hiếm.
[9] Bát kỳ: Chế độ tổ chức quân sự đặc trưng của người Mãn Châu vào đời nhà Thanh, mỗi đơn vị được phân biệt bởi một màu cờ, tổng cộng có tám màu.
[10] Ngựa vang: Tiếng lóng vùng Đông Bắc ám chỉ bọn thảo khấu.
[11] Liễu Trang tướng pháp: là tác phẩm do Viên Củng, đời Minh, Trung Quốc viết trên cơ sở lựa chọn tinh hoa tướng thuật của nhiều bậc tướng pháp kỳ nhân.
[12] Hỏa hầu: Sự điều tiết vận chuyển sức nóng của lửa trong quá trình luyện đan, "hỏa hầu chưa đủ đượm" ở đây ý chỉ trình độ chưa đủ điêu luyện.
[13] Miến Điện: hay Myanmar, một số nước phương Tây thì dùng tên "Burma" để chỉ đất nước này.
[14] Phi đầu man: loại yêu quái trong truyền thuyết thường xuất hiện dưới hình hài con người, ban đêm đầu và cơ thể tách rời nhau, phần đầu đi khắp nơi săn mồi.
[15] Xà rông: trang phục của người dân một số nước Myanma, Campuchia, Malaysia... gồm một tấm vải có hoa văn quấn quanh người từ thắt lưng trở xuống.
[16] Chim Diệu sí: một loại chim thần, theo tiếng Miến Điện phát âm là Karaweik.
[17] Buddha: tiếng Phạn có nghĩa là Đức Phật.
[18] Sông Irrawaddy: là tên gọi cũ của sông Ayeyarwady, sông dài nhất chảy theo hướng Bắc - Nam của Myanma.
[19] Hối tử: Kẻ gian ác.
[20] Máy bay tiêm kích: là loại máy bay do Anh chế tạo, được sử dụng rộng rãi trong Thế chiến thứ hai, có hình dạng giống con muỗi, tên tiếng anh là Mosquito.
[21] Thực vật bì sinh: Các loài thực vật sống bám trên thân cây; thực vật khí sinh là những thực vật cổ thụ cao lớn, rễ không ăn trong đất mà lơ lửng trong không trung.
[22] Tô tem: Tôn giáo của người nguyên thủy, coi một động vật hay thực vật nào đó là tổ tiên của mình và thờ nó.
[23] Thạch quyển: Là lớp vỏ cứng ngoài cùng của các hành tinh có đất đá, bao gồm lớp vỏ và tầng trên cùng của quyển Manti.
[24] Măng đá: là một dạng trầm tích hang động phát triển từ nền hang động đá vôi lên, có hình măng, hình nón thấp nhỏ.
[25] Grand Slam: Thắng lợi trong cuộc so tài.
[26] Thực vật bào tử: là loài thực vật không ra hoa, thế hệ sau sinh ra từ bào tử của thế hệ trước, ví dụ: nấm, rêu, một số loài tảo dưới nước...
[27] Ca tì la vệ: Kapilavastu, thuộc Nepal ngày nay.
[28] Yangon (hay Rangoon): thủ đô cũ của Myanma.
[29] Ceylon: Tên gọi trước năm 1952 của Sri Lanka.
[30] Vệ Đà: Tức "Kinh Vệ Đà", chia thành bốn tạng, là cội gốc khởi nguồn của tôn giáo Ấn Độ cổ, có nội dung vô cùng thần bí phức tạp; thể loại là trường thi tự thuật, ghi chép sự ra đời, cân bằng, hủy diệt của vũ trụ và chúng sinh. Nguyên mẫu ba vị thần lợn của Ấn Độ giáo là Brahman, Visnu và Shiva cũng xuất hiện từ bộ kinh này.
[31] Pháp loa sankha: là pháp khí thường dùng trong các pháp hội của Mật Giáo, là một loại nhạc khí bằng vỏ ốc, đục ở trôn ốc để thổi.
[32] Quyền trượng: là vật dụng của các nhà sư, thường để chống khi đi đường.
[33] Pháp luân: Nghĩa là bánh xe pháp, là một loại vũ khí thời Ấn Độ cổ dùng để hàng phục mọi tà kiến, ngoại đạo.
Mê Tông Chi Quốc I - Chăm Pa Ẩn Sương Mê Tông Chi Quốc I - Chăm Pa Ẩn Sương - Thiên Hạ Bá Xướng