What holy cities are to nomadic tribes - a symbol of race and a bond of union - great books are to the wandering souls of men: they are the Meccas of the mind.

G.E. Woodberry

 
 
 
 
 
Tác giả: Dạ Thương
Thể loại: Tuổi Học Trò
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1357 / 4
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2/13
ầu trời lại quang đãng sau cơn mưa rào ngắn ngủi. Những chiếc lá ướt nước được nắng làm cho khô thật nhanh đang vươn mình lay động khi có một cơn gió nhẹ thổi qua. Lụa kéo Quỳnh đi ra vườn sau giấc ngủ trưa đầy trăn trở:
- Theo tao đi hái mít tố nữ về ăn. À, mày biết leo cây không? Cái thú của tao là ngồi trên cây hái trái ăn no nê rồi mới trèo xuống chứ không thích người khác đưa cho.
Có lẽ là cùng sở thích nên Quỳnh gật gù bước theo bạn:
- Ừ, ăn như vậy giống khỉ. Nhưng chắc là thú vị lắm! Phải chi có bọn con Tuyết, Phượng, Hồng cùng theo lên đây thì vui biết mấy. Cái vườn trái cây của nhà mày mà có bộ “ngũ long” ở chừng một tuần lễ coi như tiêu tùng luôn.
- Giỡn chơi hoài! Vườn nhà tao cả một hecta đất trồng đủ loại trái cây cầu đem cả học sinh trường mình tới ăn cũng còn chưa xuể huống hồ chỉ có bọn mày.
Lụa dẫn Quỳnh tiến sâu vào vườn, đất dưới chân hai cô ẩm ướt dính quẹo vào những chiếc dép gây cảm giác nặng trịch. Quỳnh loáng thoáng thấy bóng Nhân đang lui cui tìm gì ở góc vườn nhưng bỏ qua không nói với Lụa. Ðến chừng bị một con sâu róm bò lên áo, Quỳnh mới tá hỏa tam tinh nhảy dựng lên hét gọi cả hai anh em bạn cùng một lúc. Nhưng Lụa đã ngồi tít trên ngọn cây cao không thể trèo ngay xuống đất để bắt sâu dùm cho Quỳnh, khiến cô gái sợ hãi đến phát khóc. Lúc ấy, Nhân bỗng dưng mò tới làm “cứu tinh”.
- Trời! Có con sâu bé tẹo mà làm như sắp động đất tới nơi. Ðứng yên để anh bắt dùm cho.
Quỳnh không dám từ chối dù tiếng “anh” mà Nhân xưng ra làm cho cô khó chịu. Dùng một nhánh cây nhỏ bằng ngón tay khều nhẹ con sâu cho rớt xuống, Nhân nhấc cục đá gần đó ném vào con vật có hình thù gớm ghiếc ấy khiến nó bẹp nhép rồi xoa tay cười:
- Xong rồi. Có gì là đáng sợ lắm đâu.
Liếc mắt nhìn vào xác con sâu đang nằm bẹp dưới nền đất ướt, Quỳnh khẽ thở phào rồi lí nhí trong cổ họng:
- Cảm ơn anh.
Có lẽ tiếng nói khách sáo ấy không làm cho Nhân thoải mái nên cậu đã quay ngoắt đi không thèm nhận. Quỳnh cũng chẳng mấy quan tâm bởi vì cô cảm thấy mình không hợp với những tên con trai có bộ mặt lầm lì và đôi mắt nhìn muốn xuyên thủng người khác. Lụa làm cho Quỳnh quên phức chuyện con sâu và “vị ân nhân” bằng cách ném mạnh xuống một chùm dâu da:
- Chụp này Quỳnh ơi! Cây này nhiều kiến lắm, mày đừng leo lên nữa.
Ðón lấy chùm trái cây mà mình ưa thích nhất, Quỳnh đưa lên miệng một trái cắn mạnh vào lớp vỏ có vị chua rồi nhấp nháp coi có vẻ thú vị lắm! Lụa ở trên cao vứt xuống thêm vài chùm to nữa rồi cũng vội tụt nhanh khỏi thân cây vì bị lũ kiến lửa tấn công dữ dội. Cô gái vừa xoa tay, xoa đùi vừa kêu:
- May mà mày chưa trèo lên trên đó. Chứ nếu không mắc công tao phải dỗ.
Quỳnh vừa bóc quả dâu vừa nguýt bạn:
- Xí! Làm như tao mít ướt lắm không bằng.
- Còn không phải nữa ư? Trong nhóm “ngũ long” ai mà chẳng biết mày là đứa hay nhè nhất.
Không để bạn chế giễu, Quỳnh cãi lại ngay:
- Lầm rồi nhỏ ơi! Kẻ mau nước mắt chính là mày.
Lụa không chịu thua bạn:
- Xạo! Ðã có lần nào mày bắt gặp tao khóc chưa mà bày đặt vu oan cáo vạ?
Quỳnh há miệng nhả ra một hột dâu rồi gân cổ:
- Có rồi. Mới hôm thi hết cấp đây chứ đâu đã lâu lắc gì. Hổng biết đứa nào đổ mưa ngâu khi nghe danh sách những học sinh thi đậu.
Bị Quỳnh chọc quê, Lụa bẽn lẽn dù chỉ có hai đứa. Cô đấm vào lưng bạn một cái thật đau:
- Ðồ quỉ! Tại lúc đó tao quá xúc động vì mừng.
- Thì tao cũng mừng, nhưng tao cười toe toét chứ đâu có khóc như mày.
Gương mặt cả hai vui vẻ trông hồn nhiên như chính cái tuổi mười sáu của họ vậy. Ðôi bạn ngồi dưới gốc cây dâu da chiếu cố cho bằng hết số quả đã hái với những tiếng cười giòn tan, tinh nghịch cứ vang xa mãi. Thấy chưa được thỏa thuê lắm, Lụa bèn đưa bạn đi bẻ mít tố nữ chín cây xách đầy cả hai tay nhưng không có mang theo dao để xẻ. Không khí trong lành ở đây đã bắt đầu làm cho Quỳnh cảm thấy mến, nhất là điều kiện sống của gia đình bạn cũng vào loại khá giả miệt vườn,
Tạm quên những nỗi buồn về gia cảnh để tìm lại nguồn vui bên cạnh cô bạn gái học chung lớp, Quỳnh đã hòa nhập với lối sống bình dị ở đây ngay từ buổi đầu tiên. Cô bỏ dép ra cần tay vì đất dính quá không thể lê gót được. Xắn ống quần lên cao cho khỏi bẩn, Quỳnh dấn đôi chân trần xuống nền đất đỏ nâu một cách mạnh dạn và bấm ngón để không bị trượt té.
Ði theo Lụa tham quan khắp khu vườn cho tới khi mỏi chân và no bụng vì nếm nhiều trái cây, Quỳnh mới chịu đòi về. Mặt trời đã biến mất sau rặng tre ở cuối vườn. Ðâu đó tiếng kêu của con chim bìm bịp cứ vang lên liên tục như báo hiệu một ngày đã sắp hết. Hai cô gái tay xách nách mang trở về nhà vừa đang lúc bà Năm nấu xong bữa cơm chiều. Bà hối thúc Lụa:
- Con mau dẫn bạn đi tắm rồi vô ăn cơm. Anh con nó đói bụng từ nãy tới giờ.
Mất nửa tiếng đồng hồ cho công việc tắm rửa, Quỳnh mới cùng Lụa xông vào nhà bếp phụ dọn cơm. Bà Năm cười đôn hậu:
- Các con hãy ngồi vào bàn đi. Bữa nay có món ăn đặc biệt của thằng Nhân đãi khách đó.
Nghe bà Năm nói, Quỳnh hơi ngẩn người. Cô gái đưa mắt nhìn mẹ bạn như muốn hỏi bà “người khách” ấy có phải là cô hay không? Hiểu ý, bà Năm ngó Quỳnh trìu mến nói:
- Cháu đừng ngại. Bác chỉ đùa chút xíu cho vui, chứ dẫu sao hôm nay cháu cũng là khách của gia đình bác mà.
Lụa vội lên tiếng:
- Má nói đúng chứ hổng có sai đâu.
Quỳnh e ấp đáp:
- Xin bác cứ coi như cháu là nhỏ Lụa để cháu được tự nhiên hơn.
Bà Năm gật đầu đồng tình với ý kiến của Quỳnh trước sự cổ vũ của con gái.
Nhân từ nhà trên bước xuống ngồi vào bàn ăn nhưng chẳng chuyện trò với ai. Quỳnh được bà Năm gắp liên tục món nấm mối xào là đặc sản của vùng này do chính Nhân đào được ở góc vườn khi nãy. Bữa cơm thật ngon nhưng bởi Quỳnh đã ăn quá nhiều trái cây nên chỉ được mỗi một chén cơm. Thấy bạn của em gái buông đũa xuống bàn, Nhân mở miệng:
- Bộ thấy có tui ngồi đây cô ăn không được hay sao?
Sự thay đổi cách xưng hô của Nhân làm cho cả ba người con lại trên bàn ăn cùng ngẩng lên một lượt. Lụa buộc miệng:
- Kìa, anh Hai. Sao lại xưng “tui” và “cô” với nhỏ Quỳnh? Nó hay mủi lòng lắm, anh đừng làm cho nó khóc à nghen.
Không đáp lại lời em, Nhân cắm cúi và hết chén cơm đang ăn dở vào miệng rồi đưa mắt nhìn Quỳnh. Lần này thì câu nói của anh nghe nhẹ nhàng hơn:
- Lại có thêm một quả mít ướt trong nhà rồi. Cô bé thích ngắm trăng không?
Nghe hỏi, Quỳnh không dám im lặng vì sợ Nhân sẽ thay đổi thái độ với mình nên gật lại:
- Rất thích.
Vẻ mặt Nhân tự nhiên hứng khởi, anh hỏi tiếp Quỳnh luôn:
- Vậy cô bé có biết làm thơ không?
Ðến giai đoạn này thì Quỳnh hơi hoảng không dám nhận bừa. Cô gái quay qua bạn cầu cứu nhưng lại bị Lụa đẩy vào trò đùa:
- Anh khỏi cần phải hỏi mà nhìn thẳng vào nhỏ Quỳnh đây nè. Một cây sáng tác thơ, văn của lớp em đó. Anh liệu có địch lại với nó không?
Quỳnh đấm thùm thụp vào lưng bạn nhưng vẫn không gạt bỏ được lòng tin của Nhân qua lời quảng cáo của Lụa. Anh ta lên tiếng rủ:
- Vậy thì anh gặp trúng đối tượng rồi. Tối nay trăng rằm, mình bắc ghế ra trước sân ngắm chị Hằng rồi làm thơ xoay vần nha cô bé.
Không chờ Quỳnh ưng thuận, Lụa lại xía vô:
- Có cho em nhập với không anh Hai?
Bây giờ Nhân mới nhếch môi để lộ một nụ cười:
- Nếu em cảm thấy trong tim mình có chất chứa hồn thơ thì cứ việc tham gia.
Nhỏ Lụa cười khanh khách:
- Trời ơi… bữa nay anh Hai tính học làm thi sĩ há. Coi chừng… dưới ánh trăng anh bị biến thành Hàn Mặc Tử đó nghen.
Quỳnh nghe trong lòng rất run dù biết mình cũng có chút năng khiếu về thơ. Cô cố tìm cách thoái thác nhưng Lụa cứ một mực động viên:
- Mày cứ ừ đại đi Quỳnh. Ông anh tao không phải là thi sĩ thứ thiệt đâu mà sợ. Mày phải trổ tài cho ảnh quê độ một phen đi.
Quỳnh lườm bạn bằng đuôi mắt:
- Quảng cáo vừa thôi nhỏ ơi! Mày cho tao đi “tàu bay giấy” coi bộ nguy hiểm quá.
Vẫn với nét bỡn cợt, Lụa nuốt trôi một miếng cơm rồi phá lên cười:
- Hổng sao đâu, mày đừng có run sợ sớm. Còn tao đây nữa chi?
- Mày sẽ bênh anh Nhân chứ sao về phe tao được.
- Lầm rồi nhỏ ơi. Tao không thích nhìn phái mạnh ăn hiếp phái yếu đâu.
- Mày sẽ giúp tao được gì trong vấn đề này? – Quỳnh chắc lưỡi.
- Thì tao sẽ làm thơ đối chọi với anh Hai dùm mày.
Nét mặt Quỳnh bỗng trở nên tươi rói. Cô gật mạnh đầu:
- Ừ, được đấy.
Ngồi nhìn em gái nhận lời làm đồng minh cho Quỳnh, Nhân không cự mà còn chấp luôn. Chờ bà Năm ăn xong, hai cô gái xúm lại dọn dẹp rồi kéo tay nhau lên nhà kể chuyện tếu. Lụa đem ra một chùm chôm chôm chín đỏ trông thật ngon nhưng Quỳnh vẫn lắc đầu vì không còn chỗ chứa. Bây giờ… rồi đến tám giờ sáng. Bầu trời lúc này vằng vặc ánh trăng soi. Lụa kéo Quỳnh ra sân chứ không chờ anh trai lên tiếng gọi. Họ ngồi vào những bộ ghế làm bằng những gốc cây cưa ngắn đặt giữa khoảng sân rộng rồi nhìn lên chị Hằng đang cúi xuống trần gian cười. Trước cảnh đẹp. Quỳnh không ngăn được buộc miệng khen trăng thôn dã quả là tuyện diệu.
Ngay lúc đó thì Nhân xuất hiện với dáng dấp của một thi sĩ, anh mở đầu bằng một câu thơ tứ tuyệt:
Ðêm nay trăng sáng
Trải thảm hồn tôi
Chị Hằng mỉm cười
Ôi trần gian đẹp.
Lụa cười khúc khích hích chỏ tay vào Quỳnh.
- Mày tiếp luôn cho anh Hai sốt rét rừng chơi và đừng có lên mặt nữa.
Ðột nhiên Quỳnh cảm thấy run ghê:
- Thôi mày làm trước đi. Tao chưa chuẩn bị nên bí lù không nặn ra được câu thơ nào.
Nhưng Lụa đã nguây nguẩy lắc đầu. Cô gái hất mạnh về phía anh trai nói:
- Mày thừa biết trong lớp, tao không phải là đứa giỏi thơ văn.
- Thế sao lúc này mày nói sẽ ứng đối dùm tao.
- Thì tao nói vậy mày mới chịu nhận lời thi thố với anh Hai tao chứ.
Biết mình bị bạn đánh lừa nên Quỳnh đành xịu mặt, cô ngúng nguẩy quay đi:
- À, thì ra mày gài bẫy tao nha.
Lụa cười hì hì:
- Có vậy mới vui chứ. Mày mau trổ tài đi kẻo anh Hai tao chờ kìa.
Quỳnh phải ngồi im đến năm phút và chịu sự hối thúc liên tục mới tìm được câu nối tiếp, nhưng cô không giữ được vẻ tự nhiên nên tiếng nói nghe chừng va chạm nhau lộp cộp:
Chú cuội bó gối
Ngồi ở gốc đa
Chú ghen với ta
Thì mời hãy xuống.
Ngồi cách xa hai cô bé chừng một sải tay. Nhân khẽ gật gù như “ông cụ non” thứ thiệt:
- Cũng tạm được chứ chưa hay.
Mặt Quỳnh nóng ran lên vì tự ái nhưng dưới ánh trăng không ai phát hiện ra. Ðến phiên mình, Lụa không chờ bị hối thúc mà mau miệng để xướng lên:
Chỉ được hai câu đầu thì cô nàng bỗng dưng tắc tịt không sao nặn ra nổi lời thơ, phải ngừng lại để động não một hồi mới từ từ nhả ra từng chữ:
Có… ba… thi sĩ
Cùng yêu chị Hằng.
Nhân với tay cốc nhẹ lên đầu em gái thì rồi trề môi:
- Dở ẹc.
Nghe anh chê, Lụa vênh cổ lên cãi liền:
- Anh dở thì có. Thơ người ta hết chỗ chê mà hổng nghe lấy một tiếng động viên nào. Nè, nói cho anh biết… hè năm nay em còn về nhà chứ sang năm em xin ở lại luôn ở trường để cho anh khỏi ăn hiếp.
- Trời! Nói thế mà nghe được sao cô bé? Em ăn hiếp anh thì có.
Lụa hỉnh hỉnh hai cánh mũi.
- Em nhỏ như vầy làm sao ăn hiếp nổi anh?
Nhân khẽ kéo tay em:
- Cô bé nhỏ xác nhưng miệng thì lại to kinh khủng, ai cũng phải chào thua.
Không chịu để anh trai nhạo mình, Lụa lồng lên trên cục gỗ:
- Ðược rồi! Anh sẽ biểu miệng em lớn thì em sẽ ăn thiệt là nhiều để cho anh hết phần luôn.
- Xời ơi! Tưởng gì chứ ăn nhiều thì em sẽ mập ú lên, xấu xí ráng chịu đừng ca thán.
- Hứ! Em sẽ hét toáng lên cả ngày cho anh điếc tai luôn.
Nhân nhếch môi cười chế giễu:
- Càng dại… vì như thế môi em sẽ dày lên và miệng thì rộng toát ra cả mang tai trông dị lắm!
Thế là cuộc đấu khẩu giữa hai anh em Lụa diễn ra suốt buổi tối khiến Quỳnh thoát được nạn làm thơ. Cô bé chịu khó ngồi nghe lời qua tiếng lại là cách thật nhẫn nại và nhận xét thấy Nhân có lối nói chuyện rất hay.
Vầng trăng sáng trên bầu trời bỗng dưng bị che khuất bởi những đám mây khiến khoảng sân vụt tối. Quỳnh tự dưng thấy nhớ nhà quá nỗi dù rằng chẳng mấy khi cô được cận kề với mẹ cha. Không biết sự bỏ đi của Quỳnh có làm cho tình cảm của hai người lớn nối lại được như ngày xưa cũ, hay sợi dây đàn đã đứt thì chẳng thể ngân vang thành giai điệu? Quỳnh ngước mặt lên vòm trời có đầy dẫy các vì tinh tú đang ngự trị với một lời cầu nguyện chân thành là đừng để cô phải chia lìa cha hoặc mẹ. Bởi với Quỳnh thì tình thương của hai đấng sinh thành nào cũng cần cả và cô không hề muốn bị mất đi.
- Mày đang nghĩ gì vậy Quỳnh? Ðộng não được câu thơ nào chưa?
- Ồ, có nghĩ đuợc gì đâu. Tao đang mải mê ngắm trăng vì chị Hằng ở miền quê sao đẹp quá. Giá mà…
Nhân bỗng ngắt lời:
- Quỳnh có muốn mình “du nguyệt điện” một chuyến không?
- Rất muốn! Nhưng tìm đâu ra được Ðường Minh Hoàng để đi bây giờ?
Lụa liếc mắt nhìn anh trai rồi nói:
- “Quân vương” ngay bên cạnh, mày cứ lên tiếng nhờ là sẽ được toại nguyện ngay.
Biết bạn đùa, nhưng Quỳnh vẫn rùng mình:
- Thôi, tao không dám.
- Có gì mà không dám. Ðể tao vô chuẩn bị các thứ cho mày lên cung trăng gặp chị Hằng một phen nghe.
Nói rồi Lụa dời chỗ ngồi và biến nhanh vào nhà mà không chờ cho Quỳnh kịp phản ứng gì. Khoảng sân rộng ngập ánh trăng tỏa chiếu giờ chỉ còn lại hai người ngồi bối rối, giả vờ đưa mắt nhìn trời. Thời gian nhích dần về khuya, Quỳnh có cảm giác lạnh khi một vài giọt sương đậu bám trên mái tóc. Nhân ngồi yên không gợi chuyện nhưng thỉnh thoảng lại nhìn trộm Quỳnh khiến cô gái nghe nhột nhạt cứ thấp thỏm muốn đứng lên. Thấy Lụa vô nhà mà không trở ra thì Quỳnh đã hiểu mình đang bị bạn đưa vào trò đùa mới, một ý nghĩ thật hay nhưng cô chợt gặt phắt đi khi nhẩm lại tuổi của mình. Phải rồi… cô mới chỉ mười sáu mà thôi. Một cái tuổi chớm mộng mơ… vẫn còn bị coi là con nít. Quỳnh cười thầm nhẩm đọc câu thơ vừa chợt nghĩ:
Mười sáu tuổi tròn trăng em tự hỏi.
Mình lớn rồi… có phải thế chăng?
Hỏi đến me… me cũng chỉ nói rằng.
Vâng đúng ạ, bây giờ cô đã lớn.
Nhân ngồi ngay đó nhưng không nghe được những âm thanh vô cùng bức xúc của cô gái đang trong độ tuổi dậy thì trước nỗi mong muốn mình mau trở thành người lớn. Nhưng qua nét môi đang hé mở trước ánh trăng soi vằng vặc, Nhân hiểu những diễn biến trong đầu Quỳnh và cảm thấy thích nhìn cô. Trăng vẫn sáng lung linh cho dù sương đã rơi nặng hạt.
Màu Trắng Hoa Quỳnh Màu Trắng Hoa Quỳnh - Dạ Thương