There is no way to happiness - happiness is the way.

There is no way to happiness - happiness is the way.

Thich Nhat Hanh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Bùi Thi Hoàng
Số chương: 59
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8932 / 148
Cập nhật: 2015-07-11 21:05:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 37 -
uy là người có tầm nhìn xa. Anh bàn với Tuấn:
- Họ Đinh họ Vũ làng mình cứ kình địch nhau rất vô lý. Hai đứa chúng mình cố làm sao cởi bỏ được mối bất hòa không nên có ấy. Cái mối hiềm ty ấy chỉ làm cho làng xóm càng ngày càng thêm u ám. Và khổ nhất vẫn là những gia đình thấp cổ bé họng.
Về đến làng, Huy dẫn Tuấn vào ngay nhà lý Cỏn. Thấy Huy, ông Lý mừng rỡ:
- Chú tú Huy đã về đấy à? Hôm anh ra Hà Nội, chú đi vắng. Anh hỏi thăm biết chú đã đỗ tú tài, anh mừng quá. Ông cụ Ký bảo còn cho chú học Cử nhân Luật, rồi ra làm quan, anh nghe mà nở từng khúc ruột. Họ nhà ta, rồi sau này nhất chú đấy... Có lẽ họ nhà mình phải làm khao thôi.
Huy mềm mỏng cười xòa:
- Tú với Cử bây giờ có nghĩa gì đâu. Thời buổi nó khác ngày xưa rồi bác ạ.
- Khác là khác thế nào. Chú không biết đấy thôi chứ tú tài ở làng mình đã là sang lắm. Nhưng quan trọng là phải làm khao. Nếu không khao làng người ta không công nhận.
Huy không muốn để câu chuyện đi theo hướng ấy. Anh giới thiệu cùng lý Cỏn.
- Xin giới thiệu với bác Lý anh Tuấn bạn em.
Ông Lý đon đả khi nhìn thấy bộ quần áo tây sang trọng của Tuấn:
- Quý hóa quá? Cậu Tuấn cũng về chơi với chúng tôi ư? Thật vinh hạnh... vinh hạnh...
Nhưng rồi nhìn kỹ Tuấn, ông thấy ngờ ngợ. Huy cười:
- Em đố bác Lý bạn em...
Ông Lý ngẩn người một lát rồi à to:
- Tôi.nhớ ra rồi, đây có phải cậu ấm con cụ Phủ... Đúng rồi - Thế mà tôi chẳng nhận ra ngay. Thật vinh hạnh... vinh hạnh...
Ông Lý nói thế, nhưng trong bụng không khỏi chút lấn cấn bởi vì ông không ngờ Tuấn họ Đinh, về làng lại không về nhà mình ngay, mà đến nhà ông trước tiên. Tuấn vốn vụng nhưng cũng đủ lanh lợi để nói:
- Đã hơn năm nay em chẳng về quê. Nhưng em cũng biết phép tắc của làng. Bác là nhất lý chi trưởng. Em phải đến chào bác để xin phép bác lần này chúng em về quê sẽ ở lại lâu lâu một chút.
Lý Cỏn xởi lời:
- Các chú ở bao lâu cũng được. Mà càng lâu càng tốt. Rồi ông quay sang Huy hỏi - Tôi nghe ông nhà mình nói tú tài bây giờ phải thi hai lần - Ông tặc tặc lưỡi - Ôi chao! Ghê thật! Thi tú tài ta ngày xưa tưởng đã khó, hóa ra thi tú tài tây ngày nay còn khó hơn. Chắc chú muốn về quê ôn thi cho đỡ ồn ào.
Nói đến đấy, ông lý Cỏn hãnh diện giơ tay chỉ tòa ngang dãy dọc nhà mình và nói:
- Chú nghĩ như thế là phải. Nhà mình thiếu gì chỗ khang trang, tĩnh mịch. Chú muốn ở chỗ nào để tôi bảo các cháu dọn dẹp... - Ông ta chỉ vào căn nhà hai tầng như cái chuồng chim, cạnh ngôi nhà thờ - Hay là để chú ở ngôi nhà tây anh vừa mới xây xong.
Huy phải lựa lời nói rất khó trước sự nhiệt tình của ông Lý:
- Lúc em sắp về, thầy em dặn rằng: "Lần này về quê, con phải đến ở nhà bác tú Cao". Bác đã già lắm rồi. Chị Nguyệt lại ở Hà Nội. Mà chị Nguyệt cũng muốn kỳ này em về thăm dò xem sức khỏe bác Tú ra sao...
- Chú nghĩ thế cũng phải. Chú ở chỗ nào khác anh cũng chẳng bằng lòng, riêng ở với cụ thì anh không dám tranh. Anh vẫn đến thăm nom luôn. Song hai cụ già ở với nhau vẫn cô quạnh lắm. Chú đến đó chắc hai cụ rất vui.
Sau khi cô Nguyệt lấy chồng, cụ tú Cao bán cửa hàng thuốc bắc ở Hà Nội, trở về quê. Được cái, ông con rể, bác sĩ Alexandre là người Tây nhưng rất trọng lễ nghĩa.
Ngày xưa, họ Vũ Xuân làm một ngôi nhà trên mảnh vườn một mẫu cho cụ phó bảng Vũ Huy Tân ngồi dạy học. Cụ Tân khuất bóng. Ngôi nhà học bỏ hoang đổ nát. Ông con rể Alexandre liền làm một ngôi nhà đại khoa năm gian trên cái nền cũ tặng cụ Tú.
Ngôi nhà tọa lạc trên một nền cao, giữa khu vườn um tùm. Đó là ngôi nhà chính. Đằng sau nhà chính còn ba gian nhà nhỏ nằm song song, tạo thành hình chữ nhị với ngôi chánh đường. Đó là ngôi nhà thờ. Nhà quay hướng nam ở dưới chân núi nên tương đối bằng phẳng. Trước nhà có giàn cây leo. Dưới giàn cây là vườn cảnh. Theo lối đi giữa vườn cảnh, leo lên bậc thềm bước vào gian chính giữa, nơi để cái sập cổ, cái sập gụ chỉ để trơn không chạm trổ. Cái sập nghe nói rất xưa, ngày nào cũng được bà cụ Tú lau chùi nên không đánh xi vẫn bóng lộn. Hai gian bên cạnh: gian phải kê một cỗ phản lim, gian trái là nơi tiếp khách. ở hai đầu hồi có hai buồng gói. Trước mặt gian buồng gói bên trái có cây mít cổ thụ. Trước buồng bên phải trồng một cây bưởi.
Gian khách kê đôi tràng kỷ và bàn nước. Đặc biệt, ngồi trên tràng kỷ, lập tức nhìn thấy ngay một bức tranh chữ treo trên tường hậu. Tranh viết trên lụa bạch bằng mực đen nháy. Bức tranh được gia cố bằng lớp bồi phía sau, trên, dưới có trục tiện bằng gỗ mun đánh bóng trông như sừng. Đó là chữ Đạo viết rất chân phương, nhưng nhìn kỹ thấy nó mềm mại như có nước chảy bên trong. Nghe đồn đây là bút tích của cụ phó bảng Tân. Cụ phó bảng đã ra đi khỏi cõi đời này. Chẳng lưu lại gì hết. Chỉ còn độc một chữ viết trên lụa bạch trao lại cho người học trò nhỏ mà cụ có phần thiên ái. Cứ mỗi lần nhắc đến lịch sử bức tranh chữ cụ tú Cao lại hầu như nghẹn ngào run run nhắc lại những di ngôn của người thầy kính yêu:
- Thầy tôi bảo: "Con phải biết suốt đời thờ chữ Đạo. Đó là Đạo trời, Đạo làm người, Đạo tổ tiên...".
Cụ Tú bỏ kinh thành trở về quê, có lẽ cũng chỉ vì đau đáu trong lòng chữ Đạo. Cụ muốn giữ gìn và chỉ bảo cho con cháu cố gắng bảo tồn chút âm đức của tổ tiên, giữ cho được chữ Đạo. Cụ bảo lý Cỏn:
- Anh nên nhớ đạo trời bao giờ cũng "tổn hữu dư, bổ bất túc". Thừa quá, trời sẽ lấy bớt đi; thiếu quá, trời sẽ bù cho. Cái nghèo luôn kề bên cái giàu. Anh nên cố gắng giữ cho bằng được chữ Đạo dành cho con cháu sau này.
Lý Cỏn rất lễ phép:
- Dạ, thưa chú, con sẽ không bao giờ quên lời chú.
Ông cụ Tú gật đầu. Ông biết lý Cỏn có nhiều tật, song điều khả dĩ của hắn là vẫn còn biết tôn trọng người trên. Ông cụ biết vẫn còn chút uy quyền tinh thần với lý Cỏn. Cho nên, cụ cũng cố dùng nó để nhẹ nhàng nhắc nhở, có lúc cần thì đe nẹt người cháu được số phận nuông chiều, quá ư thừa thãi quyền hành và của cải này. Nói thực bụng, trong lòng cụ Tú luôn đeo đẳng một cảm giác sợ hãi. Cụ sợ vì người cháu quá khôn ngoan lanh lợi, hắn đã đạt tới cái đỉnh cao trong làng xã. Mà ở trên cao, hắn lại không thấy run chân, chóng mặt. Cụ Tú thường than phiền với cụ đồ Tiết, người bạn đồng môn của cụ từ lúc còn để chỏm:
- Tôi thì luôn run sợ. Còn nó, ở bên bờ vực mà chẳng biết sợ hãi là gì.
Cụ Đồ Tiết vuốt râu:
- Cụ chẳng nên quá lo. Dù sao ông Lý cũng đã theo đòi nghiên bút, học đạo thánh hiền. Tôi đã dạy học ông Lý vài năm. Tôi biết ông ấy chứ...
- Cũng mong là như vậy - Cụ Tú thở dài, nhắc lại cái câu nói của người xưa - Đạo trời lồng lộng...
Khi Huy và Tuấn đến nhà, cụ tú Cao mừng ra mặt. Cụ vốn tin ở chữ nghĩa. Cụ cho rằng chữ thánh hiền ngày xưa và chữ Tây ngày nay tuy khác nhau, tưởng như rẽ làm hai nẻo, nhưng rốt cùng chúng cũng đồng quy. Cụ chưa hiểu gì về văn hóa Tây phương, song bằng trực giác cụ tin như thế. Qua sự thất bại của các bậc cha chú và của thầy học mình, cụ không còn mang nặng nề sự tự hào vô lý của các bậc tiền nhân. Nhìn sự đời thay đổi lắm điều chướng tai gai mắt, cụ thấy buồn nhưng đã lờ mờ hiểu rằng, đang diễn ra một cuộc thay đổi chưa từng có trên non sông đất nước. Và cũng lờ mờ thấy rằng đây chỉ là bước đầu tiên. Cụ chỉ là người nhỏ tuổi nhất trong lớp người xưa, thế mà năm nay cũng đã ngoại sáu mươi.
Nghĩ đến tuổi tác của lớp người như mình, cụ buồn rầu lo lắng. Cũng do vậy, cụ rất chú ý đến lũ con cháu mình. Hình như, gặp Huy lần này, cụ thấy có cảm tình nhiều với đứa cháu. Ở Huy, cụ thấy nó rất khác người xưa, nhưng lại có một điểm rất giống: đó là sự nghiêm trang đến khắc nghiệt. Còn ở Tuấn, cháu ông bạn già, cụ thấy sự khác biệt với lớp người xưa quá nhiều. Sự nghiêm trang đã nhường chỗ cho sự phóng khoáng, phóng khoáng đến độ phóng túng. Có lẽ cậu ta là một họa sĩ... không biết các nhà tài tử ngày xưa có thế không? Chắc là có nhưng hình như ở họ vẫn có chút nghiêm trang. Còn ở Tuấn, cái tính cách mà bây giờ có tên gọi là tự do, cụ thấy nó cũng đáng yêu song lại cảm thấy sợ hãi nó...
Hôm đầu tiên, lúc mới bước vào đến sân, Tuấn đã reo to: "Ôi? Đẹp quá!". Đó là lúc anh nhìn thấy hai ông bà già đứng dưới giàn bầu trước cửa nhà. Nắng lọt qua lớp lá mỏng tạo thành một mầu vàng chanh.
Những đốm nắng lọt qua những kẽ lá tạo thành những vết vàng trên sân gạch Bát Tràng. Rồi còn ông già nữa. Khuôn mặt, vóc dáng ông như hút hồn anh. Một thân hình gầy guộc nhưng cứng cỏi. Một khuôn mặt xương xương đầy nếp nhăn song rất tinh thần. Một chòm râu trắng như cước tiên phong đạo cốt. Một búi tó củ hành trên đỉnh đầu, thứ mà anh khó gặp nơi thành thị. Và nhất là một đôi mắt vừa sáng vừa hiền. ở đấy ta tìm thấy cả sự ấm áp cả sự thông minh. Anh kêu lên "Thần nhãn! Thần nhãn". Anh chắp tay vái lạy đôi vợ chồng già rồi vội lấy cặp lấy bút ra vẽ.
Cử chỉ mới sơ kiến đã quá sốt sắng, nhiệt tình như vậy khiến cụ thấy ngạc nhiên. Nó vừa đáng yêu vừa lạ lẫm với cụ. Khi Tuấn vẽ xong, anh lễ phép cám ơn ông già, nói dăm câu thăm hỏi rồi xin phép về nhà cụ đồ Tiết:
- Cháu mới về làng gặp bác đã thấy thích, hứng thú. Cháu nghĩ đó là điều may mắn. Cháu cám ơn đã được gặp bác. Cháu sẽ vẽ bức tranh này bằng màu... để tặng bác.
Khi Tuấn đi khỏi, cụ Tú cười hiền từ.
- Hay thật! Lớp người như bác, nói cũng đắn đo từng chữ, làm cũng đắn đo từng bước, nghĩ cũng cân cân nhắc nhắc, lúc nào cũng thấy như đang đi trên băng mỏng; Còn cậu Tuấn... thật hồn nhiên, giống như cậu Alexandre con rể ta... có điều gì trong lòng đều không ngại thổ lộ. Huy hỏi:
- Thế cháu thì sao? Bác nhận xét cháu đi!
- Cháu ư? Ta thích sự nghiêm trang ở cháu.
Quả là Huy rất khéo. Mới về, anh đã chiếm được cảm tình của ông bác. Càng ở lâu, cảm tình ấy càng tăng. Huy biết làm công tác quần chúng. Đi hoạt động cách mạng, anh hiểu được vận động để quần chúng theo mình là một nghệ thuật tinh vi. Anh hiểu ông bác là người có uy tín lớn trong họ, trong làng xã. ông cụ lại là ông lang có mối quan hệ rất rộng. Chiếm được cảm tình của cụ coi như việc vận động đã thành công một nửa. Lại cũng biết gây cảm tình với những người như cụ tú Cao không phải là việc lấy lòng, nịnh nọt thông thường mà phải bằng những việc thiết thực.
Một hôm, Huy bảo cụ Tú:
- Bác ạ, cháu muốn diễn ra bằng chữ quốc ngữ cuốn gia phả của dòng họ Vũ Xuân chúng ta. Bây giờ, càng lúc càng ít người biết chữ nho, do vậy sự thông hiểu lịch sử gia tộc mình càng ngày càng khó khăn.
Cụ tú Cao mừng rỡ:
- Được như vậy, còn gì quý bằng. Bác cũng muốn vậy, chỉ hiềm chữ quốc ngữ bác không thông thạo lắm. Nay, cháu là người biết nho học, lại cũng thông thạo Tây học. Cháu làm được việc này là có công đức vôi tổ tiên lắm.
- Thực ra, chữ nho cháu còn lõm bõm.
- Không ngại. Chỗ nào cháu chưa rõ, có bác đây giúp.
Hôm bắt đầu tiến hành công việc, cụ tú Cao sang nhà thờ họ, làm mâm cơm, thắp hương khấn vái lạy tổ, xin phép được mang cuốn gia phả chữ nho đựng trong cái ống sơn son xuống làm tài liệu viết cuốn mới. Lúc ngồi uống rượu hưởng lộc tổ, có đủ mặt lý Cỏn và hai ông trưởng chi khác, cụ Tú nghiêm trang bảo:
- Họ Vũ Xuân nhà ta ngày xa xưa chia làm Giáp, Ất, Bính, Đinh. Chỉ còn chi Giáp ở lại làng. Ba chi kia lưu lạc khắp nước. Về sau mới tìm lại được chi Ất ở dưới Nam. Đó là chi Vũ Huy có cụ phó bảng Tân. Sau đó chi Vũ Huy lại mất liên lạc. Chi Giáp ở lại làng, con cháu phát triển, lại phân chi lần thứ hai: đó là chi Mạnh, chi Trọng, chi Quý. Chi Mạnh là chi trưởng tức chi Giáp cũ đổi thành. Hiện nay anh lý Cỏn là trưởng tộc. Họ ta hiện nay đông con cháu, phần lớn là gia đình nề nếp, có danh vọng trong làng và ngoài thiên hạ. Cuốn gia phả cũ bằng chữ nho đã viết ngoài trăm năm. Đã đến lúc phải viết lại, bổ sung thêm, và chuyển thành chữ quốc ngữ cho con cháu đều đọc được, hiểu được ngành trên chi dưới, hiểu được thế thứ tôn ti, hiểu được công đức tổ tiên đã bao đời gầy dựng. - Nay, cháu Huy xin nhận đứng ra gánh vác việc ấy. Nghĩ rằng toàn họ ta đều phải hưởng ứng để làm tròn việc quan trọng này.
Lý Cỏn và hai ông trưởng chi kia nghe xong vâng dạ rối rít. Ông trưởng họ cuối cùng xuýt xoa khấn vái và xin âm dương, xin ngày khởi sự.
Ngày khởi sự cũng long trọng chẳng kém. Cụ Tú phải thắp hương đốt trầm lên. Hai bác cháu ngồi ở tràng kỷ. Việc đầu tiên phải dịch hiểu quyển sách cũ. Nghe nói cụ chấp bút cuốn này là một vị tú tài thời vua Minh Mệnh. Cụ tên Vũ Xuân Quang, tự Đắc Thời. Tuy chỉ có chân Tú tài thôi, nhưng cụ viết rất cặn kẽ và cứng cỏi.
Đại để, đầu tiên là bài tựa. Viết rằng:
Ngày 5 tháng hai năm Đinh Hợi, cháu mười đời họ Vũ Xuân, tên tự là Đắc Thời được thừa hưởng ấm phúc tổ tiên, có chút chữ nghĩa mọn, được đọc những ghi chép của tiên tổ để lại, chỉ thấy có ghi tự hiệu cùng ngày cúng giỗ. Mà công đức tổ tiên, ngành trên chi dưới, các nơi phần mộ, can chi hướng đất đều thiếu không được chép lại.
Bèn hỏi han cụ tổ đời thứ tám tên tự là Hưu Tín, miệng hỏi mà lòng ghi nhớ, đại khái cũng thu thập được đôi ba phần... Cho nên, phàm là sự thực truyền đời, những chỗ chưa ghi, thế thứ trên dưới cũng chép lại được đầy đủ, khiến cho con cháu hiếu thảo, sau này khi đọc gia phả, thì cũng hiểu được nguồn gốc và nhớ tới việc lưu truyền công đức tổ tiên...
Cụ tú Cao, như một ông thầy, đọc to giọng sang sảng, cứ đọc vài câu lại dừng lại, cắt nghĩa từng chữ rồi nói rộng thêm, có lúc kể cả một giai thoại mà trong họ chỉ truyền cho nhau bằng miệng chứ không ghi chép lại. Vũ Xuân Huy cắm cúi như một cậu học trò nhỏ, ghi chép rất tỉ mỉ. Anh có ý định sẽ viết cuốn gia phả kỹ càng hơn cuốn cũ, có thể giản dị dễ đọc hơn. Nếu có thể nó sẽ như quyển ký sự về một dòng họ.
Về nguồn gốc, cụ tú Cao kể lại:
Ngày xửa ngày xưa, họ Vũ Xuân lưu lạc đến đất Cổ Đình làm nghề sơn tràng. Chặt củi, đốt than vốn là nghề tổ. Sau được một thầy địa lý tìm cho một ngôi âm trạch đẹp. Mộ cụ tổ được táng trên lưng con Phượng Hoàng ở bên kia sông. Thành thử từ đấy, con trai họ Vũ Xuân không đỗ cao, nhưng con gái họ Vũ Xuân được tiếng là đẹp Thậm chí trong họ, mấy đời sinh được mỹ nhân. Mà nếu không là gái đẹp thì ít nhất đàn bà họ Vũ cũng dễ coi ngoài ra còn rất chăm chỉ đảm đang. Được tiếng như vậy nên con gái họ Vũ rất đắt chồng.
Người đàn bà họ Vũ nổi tiếng mỹ nhân là bà Vũ Thị Ngọc Viên. Bà Ngọc Viên được vào hầu hạ chúa Trịnh, được phong Thị Nội cung tần. Có một thời bà được chúa yêu. Người làng Đình bảo họ Vũ Xuân nhờ được váy người đàn bà mà phất lên từ đấy.
Người đàn bà họ Vũ thứ hai nổi tiếng mỹ nhân chính là bà Tổ cô đã được nói. Bà Tổ cô sinh vào thời loạn. Người làng Đình bảo, giá vào thời bình chắc bà không làm hoàng hậu, thì cũng phải làm quý phi. Ấy, trai họ Vũ người ta có thể coi thường, chứ gái họ Vũ, thì dù không phải người nội tộc họ Vũ, ai ai ở làng Đình này cũng đều quý trọng. Đặc biệt bà Tổ cô với nhiều huyền thoại bao phủ, càng được nhân dân Cổ Đình sùng kính hơn. Sùng kính vì ông Phủ chồng bà đã chết như vị anh hùng. Sùng kính vì chính bản thân bà đã đem một phần ba của cải, đem cả một hũ bạc hoa xòe của riêng mình ra xây dựng lại đền Mẫu, tạo ra chốn hương khói để nhân dân có chỗ phụng thờ. Bà dần dần biến thành người tiên. Người thánh trong con mắt người đời. Nhất là từ hôm rắn thần "Ngựa ngài" từ dưới hang chui lên, đuổi lão "Mắt Mèo" báng bổ chạy bán sống bán chết, thì danh tiếng của bà đã lan ra khắp cả vùng...
Vũ Xuân Huy phải cật lực làm việc cả tối cả ngày suốt hơn tháng ròng để viết gia phả. Buổi tối, anh đến nhà các bậc đàn anh trong họ, hỏi han tìm hiểu. Ban ngày, lúc mọi người đi làm đồng, Huy ngồi viết. Khi tạm xong, lúc đọc để các bậc cao niên cho ý kiến, họ Vũ Xuân lại thắp hương, đốt trầm, lại phải biện ba mâm rượu để các cụ góp ý sau đó hưởng lộc tổ. Bữa ấy, cả họ nức nỏm khen hay, khen cậu tú Tây mà cũng không quên nguồn gốc. Việc Huy viết gia phả họ Vũ Xuân hầu như được cả làng Cổ Đình biết. Cụ tú Cao khoe cháu mình với mấy ông bạn già. Ông cụ đã hoàn toàn tín nhiệm Huy. Ông cụ cũng đã làm cho gương mặt của Huy thêm khả ái trong con mắt người Cổ Đình.
Việc thứ hai Huy làm cho làng nước cũng khá được lòng dân. Anh mở lớp dạy học chữ quốc ngữ. Ngày xưa, họ Vũ Xuân đã dành cả khu vườn để cụ phó bảng Vũ Huy Tân mở trường dạy cho các nho sĩ trong vùng. Việc ấy đã nức tiếng cả vùng. Việc ấy có tiếng vang to lớn lắm, bởi vì trường của cụ Vũ Huy Tân là trường đào tạo những ông Tú, ông Cử. Cụ Vũ Huy Tân lại là nhà nho quân tử, yêu nước. Người ta ghen với họ Vũ Xuân nên bảo rằng họ Vũ Xuân thấy sang bắt quàng làm họ. Người ta cho rằng cụ phó bảng chẳng hề có đây mơ rễ má với họ Vũ Xuân. Chẳng qua cụ Vũ Huy Tân thấy cùng họ Vũ, và nhận thấy sự nhận họ này chẳng có gì hại, mà chỉ có lợi cho việc vận động yêu nước, nên cụ mới lặng yên mặc cho người đời hiểu ra sao cũng được. Chứng cứ là từ khi cụ Vũ Huy Tân không còn nữa, có thấy họ Vũ ở dưới Nam lên nhận họ nhận hàng gì đâu. Bình phẩm thế thôi, chứ thực ra việc mở trường của cụ phó bảng ngày xưa ở đây đúng là một việc rất hữu ích. Người trong vùng và các học trò của cụ Vũ Huy Tân đến bây giờ cũng có quên được sự kiện tất đẹp đó đâu.
Lớp học của Huy dạy chữ quốc ngữ làm sao sánh được lớp học của cụ phó bảng. Trường ngày xưa là trường đào tạo nên ông Tú, ông Cử; còn trường ngày nay chỉ là trường dạy sơ học. So sánh được họa chăng là so sánh với trường của các ông đồ già, ví dụ như cụ đồ Tiết, chỉ chuyên dạy cho lũ trẻ còn để chỏm đào lúc nào mặt mày cũng nguếch ngoác mũi dãi. Một ông tú tài Tây, sắp sửa đi làm quan, mà vẫn kiên trì dạy học cho dân quê. Điều ấy làm cụ tú Cao thầm khâm phục. Lý Cỏn rất sốt sắng với việc này. Lũ trẻ nhà lý Cỏn, trừ thằng Cò, đều không biết chữ. Huy bảo:
- Em chỉ dạy được vài tháng thôi. Dựng lớp cho có nề nếp. Sau này, bác Lý phải bắt thằng Cò dạy lũ trẻ.
Như vậy, lớp học lúc đầu toàn người trong nhà. Lý Cỏn để riêng hẳn cái nhà ngang làm chỗ mở lớp. Chưa có bàn ghế, phải trải chiếu ra nền nhà, để trẻ con nằm bò xuống đất mà học giống như lớp học của các thầy đồ xưa. Mới đầu chỉ là lớp học gia đình, về sau, dân làng biết tin, nhiều nhà đến xin cho con học.
Bù đầu vào công việc, mãi đến hơn một tháng sau, Huy mới đến được nhà cụ đồ Tiết. Anh nói với ông cụ:
- Cháu thật thất lễ. Bắt tay vào việc viết gia phả, cháu cứ bị công việc, và các gia đình trong họ lôi cuốn đi, đến nay mới đến thăm bác được.
- Anh có lỗi gì đâu. Tuổi trẻ mà biết làm những công việc có ích như vậy thật đáng mừng... đáng mừng... Chẳng bù với thằng Tuấn nhà chúng tôi... Suốt ngày chỉ chúi đầu vào quệt quệt vẽ vẽ.
- Thưa bác, Tuấn đâu ạ?
- Có lẽ nó sang đồn điền. Cái ông Tây Pierre bên đó cũng thích vẽ như nó. Chắc hai người đang đi với nhau.
Trịnh Huyền đi thăm đồng về. Huy cũng nghe nói về người cháu ngoại cụ đồ Tiết ở dưới Nam lên. Nhìn người đàn ông có bộ mặt nửa hiền lành, nửa kỳ dị, Huy gật dầu chào. Trịnh Huyền cũng lễ phép đáp lễ. Trịnh Huyền ngoại tứ tuần, cũng vào trạc tuổi lý Cỏn. Ngồi nói chuyện một lát, Huy mới biết người đàn ông này rất từng trải, đã từng đặt chân đi khắp một dải từ Hòa Bình, Sơn Tây đến Hà Đông - Nam Định. Huy hỏi:
- Đi nhiều thế, bác thấy các vùng ra sao?
- Ra sao ư? Đâu mà chẳng thế! Đến đâu cũng chỉ thấy cực nhọc, vất vả... Hay tại tôi là kẻ quanh năm chỉ biết con trâu, cái cày, quanh năm chỉ quen những người nông phu nên nhìn sự đời nó ảm đạm quá.
Tự nhiên Huy thấy có cảm tình với Huyền. Tự nhiên, Huy có cảm giác đây chính là người anh đang cần gặp.
Huy hỏi:
- Bác Huyền chắc biết chữ Nho?
Huyền gật đầu:
- Thuở nhỏ tôi cũng võ vẽ đôi chữ thánh hiền.
- Còn chữ quốc ngữ?
- Tôi chưa học. Nhưng có lần đến làm cho một ông chánh, cậu con ông ta dạy cho tôi một tuần. Tôi thuộc 24 chữ cái. Tôi cứ ghép chúng lại tập đánh vần mãi... Nay cũng đã đọc bập bẹ.
Huy ngạc nhiên và mừng rỡ:
- Bác thật sáng dạ.
Huyền cười hỏi lại Huy:
- Tôi nghe nói cậu mở lớp dạy học cho trẻ trong làng.
- Vâng. Mới dạy chừng vài buổi.
- Người nhớn cũng cần biết chữ quốc ngữ.
Huy cầm lấy tay Huyền:
- Thì chính hôm nay tôi sang đây cũng vì việc ấy. Tôi định nhờ bác và anh Huyền thành lập lớp học cho người lớn. Mới đầu chỉ chừng vài người thôi. Tôi sẽ kèm cặp học buổi tối. Tôi nghĩ như anh Huyền đây, chỉ học chừng một tháng nữa là đọc thông viết thạo. Huyền nắm chặt tay Huy vui mừng. Huy lại hỏi:
- Em có được nghe đồn về tiếng đàn của bác Huyền. Thú thực, em sang đây còn có một mong muốn. Em cầu xin bác cho em nghe một khúc đàn. Em cũng biết bác chỉ đàn khi có lễ hội, song em không gặp may, về quê lại chẳng đúng ngày hội...
Huyền và Huy cùng nhìn lên cây đàn nguyệt treo trên vách. Gặp gió, cây đàn thoảng ngân tiếng u u...
Mắt Huy khẩn khoản. Mắt Huyền ngập ngừng. Ông đồ Tiết không dụ con bằng lời nói mà chỉ lim dim con mắt đầu khẽ gật. Hình như Huyền nể lắm. Người trung niên có gương mặt kỳ dị ấy khoan thai đứng dậy. Ông đến trước cây đàn đầu hơi cúi. ông ôm đàn không ra tràng kỷ mà đến gần chiếc ghế đẩu ở góc nhà. Ông vắt chân chữ ngũ so dây.
Ấn tượng nhất là người đánh đàn cầm cây nguyệt hết sức kính cẩn, rồi đưa nó lên ngang mày, hình như muốn dâng cây đàn lên trước một ai đó vô hình, vô ảnh.
Người nông dân mà trước đây ít phút còn nói với Huy về những con trâu, cái cày, lúc này đã biến đâu mất, thay thế vào đó là một con người khác. Cây đàn cao quý đã lột xác cho anh, hay sự thanh khiết cao quý trên khuôn mặt kỳ dị của anh đã hóa thân vào cây đàn, đã nhập hồn vào hai dây tơ. Mới đầu tiếng đàn còn có chút ngập ngừng. Cứ như thể muốn thăm dò. Có lẽ vì là sơ kiến nên tiếng đàn còn e ngại chăng.
Chẳng biết kẻ ngồi nghe ra sao? Có đáng để tiếng đàn bày tỏ, thổ lộ hay không? Huyền vừa đàn vừa liếc nhìn Huy. Còn Huy, anh cũng đủ tinh tế để hiểu tình trạng tâm lý của Huyền. Vừa rồi, sự giao cảm bằng lời nói giữa anh và Huyền cũng mới chỉ đủ xóa đi sự cách ngỡ đầu tiên giữa con người. Không hiểu sao anh cứ tin rằng Huyền là người anh cần tìm và Huyền cũng cần anh. Trực giác mách bảo Huy điều đó. Cầu nghe tiếng đàn có lẽ là bước đi quá nhanh chăng? Mới gặp lần đầu sao anh gấp gáp thế? Nhưng anh không thể trì hoãn được. Anh cần những người bạn bè đáng tin cậy, nhất là ở chốn xa xôi heo hút này. Anh biết chỉ một cử chỉ khinh suất nhỏ nhặt thôi là cuộc gặp gỡ hôm nay thất bại. Tiếng đàn có thể thay lời nói để nói rất nhiều. Chính vì vậy nên Huy nghĩ mình phải rất thành thật. Sự thành thật có sức cảm hóa mạnh. Có thể những ý nghĩ tất đẹp ấy không được nói ra, nhưng chúng cũng có cách biểu hiện riêng trên gương mặt Huy. Có lẽ bằng ánh mắt chăng, thứ ánh mắt khát khao đi tìm sự đồng điệu, đồng tâm, nó vụng về nhưng nó thực. Chính sự vụng về ấy lại dễ làm người ta tin hơn. Có lẽ bằng sự chăm chú đến mức như kính cẩn chăng? Không gì đáng ghét hơn sự giả vờ chăm chú...
Những suy nghĩ ấy nảy ra trong Huy khi tiếng đàn vang lên. Nhưng rồi những suy nghĩ cũng tan loãng theo tiếng đàn. Dần dần người đánh đàn, người nghe và cây đàn đã hòa làm một. Tức là đã có sự tin cậy, đã có sự hòa đồng, đã có cuộc thổ lộ... Tiếng đàn réo rắt, tiếng đàn trầm trầm, tiếng đàn rộn ràng, tiếng đàn thì thầm nói với Huy những điều mà người ta chẳng muốn nói bằng lời, vì nói ra lại phải dùng những lời to tát, điều mà những người như Huyền có thể thực hiện, có thể hiểu, nhưng không biết hoặc không muốn diễn tả.
Đấy, cuộc làm quen giữa Huy và ông Trịnh Huyền đã xảy ra như thế. Một cuộc vận động kỳ lạ, một cuộc vận động bằng nghe đàn và đánh đàn chứ không bằng lời nói. Tuy ít lời, nhưng sau cuộc gặp gỡ ấy, hai người đã có thể hiểu nhau, tin cậy nhau, có thể hoàn toàn thẳng thắng nói với nhau những điều hệ trọng mà thông thường người ta giấu kín trong lòng. Sau cuộc gặp ấy, Huy có thêm một lớp học ban đêm cho người lớn. Lớp học chữ chỉ gồm ba học viên: ông Huyền, Điều và Nhụ. Về sau, Huy nói với Tuấn.
- Bữa ấy, mình có cảm giác như được hưởng một đặc ân.
Tuấn cười:
- Đúng là đặc ân. Cậu có duyên lắm mới được nghe tiếng đàn của ông Trịnh Huyền. Từ khi về đây, ông Huyền có đánh đàn riêng cho ai nghe bao giờ đâu. Con người này gương mặt kỳ lạ, mà tính tình cũng kỳ lạ. Có lúc bắt gặp cái nửa mặt cháy sém của ông ta, thấy một sự tức giận nổ trời, thấy ghê rợn và nghĩ rằng đó là con người chỉ biết có hận thù, lãnh đạm. Những lúc khác, lại bắt gặp cái nửa mặt kia, cái nửa mặt buồn buồn hiền từ, ông Huyền lại biến thành con người đối nghịch với con người cháy sém. Tôi thích tiếng đàn của ông, đã mấy lần cầu khẩn song không bao giờ ông cho tôi nghe riêng. Ông ta chỉ đánh đàn cho thần linh, hoặc cho riêng mình. Người ta bảo ở điện Mẫu, nghe tiếng đàn của ông, người ta thấy mê đi, lâng lâng; không cứ bà đồng, mà tất cả mọi người đều muốn ngồi đồng. Có người còn bảo có con hổ mang chúa dưới bệ thờ, nghe tiếng đàn của ông cũng thò đầu ra lắc lư. Đấy là lời đồn trong dân. Riêng tôi, có đôi lần lúc đêm khuya thanh vắng cũng được nghe tiếng đàn của ông. Đó là lúc ông đàn riêng cho ông nghe. Ở ngoài vườn nhà ông chú tôi, có cái nhà ong dưới gốc nhãn, đêm ông Huyền ra đó đàn một mình. Ai muốn nghe hãy lặng im mà nghe. Bởi vì chỉ một tiếng động tạp thôi, là tiếng đàn ấy tắt ngay lập tức.
- Sao thế nhỉ? Thế mà riêng tôi, ông ấy lại chịu...
Tuấn trầm ngâm nhận xét:
- Tôi không được nghe vì tôi khác ông ấy. Còn anh, anh được nghe, vì anh có chỗ giống ông Huyền.
- Giống ư? Giống chỗ nào?
- Giống ở chỗ, thực chất tâm hồn anh là một tâm hồn nho sĩ. Mà Trịnh Huyền cũng có tâm hồn nho sĩ... Anh không tin sao?... Anh không biết đấy thôi, Trịnh Huyền rất giỏi chữ Hán.
- Tôi không tin... Trịnh Huyền vốn là một nông dân...
- Thì nông dân cũng thế... Nông dân là một nho sĩ tiềm năng.
Hai người bạn nhìn nhau. Tuấn không giải thích nhiều, nhưng câu nói của bạn làm Vũ Xuân Huy phải suy nghĩ rất nhiều.
Mẫu Thượng Ngàn Mẫu Thượng Ngàn - Nguyễn Xuân Khánh Mẫu Thượng Ngàn