Những người vĩ đại không những phải biết chớp lấy cơ hội mà còn phải biết tạo ra cơ hội.

C.C. Colton

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Bùi Thi Hoàng
Số chương: 59
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8932 / 148
Cập nhật: 2015-07-11 21:05:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11 -
hà ông hương Ất là nơi tụ họp đám đàn ông đủ loại trong làng. Chủ yếu đám trung niên. Sở dĩ thế vì ông hương nghiện thuốc phiện. Xưa kia, gia thế cũng khá giả song cái bàn đèn đã làm ông dần sa sút. Tuy thế ông vẫn là người vai vế trong làng. Vai vế bởi vì ông là người họ Vũ Xuân. Vai vế, bởi vì bà vợ ông vẫn giữ chặt lấy một mẫu ruộng. Của hồi môn của bà đấy. Ông dỗ ngon dỗ ngọt thế nào bà cũng không cho bán. Bà bảo: "ông có giết tôi, tôi cũng không rời đâu. Bán đi thì mẹ con tôi đi ăn mày à?". Bà hương còn đưa chuyện này trình lên các cụ cao tuổi trong họ, nhờ các cụ giúp. Hương Ất tuy thế vẫn sợ các cụ trong họ một phép, vì rằng ông biết họ mà tẩy chay, trừng trị thì ông hết đường. Ông cũng hiểu rất rõ ông còn được hương nọ hương kia, được cả làng vị nể cũng vì ông là người của họ Vũ Xuân. Khi cả họ Vũ Xuân vứt ông đi, tức là ông hết đời. Vả lại, tiên chỉ Nhậm, ông chú họ, là tay rất hách. Ông tuy là hương trưởng đấy, tuy đã ngũ thập đấy, nhưng tiên chỉ Nhậm mà đã ra oai là ông rụt vòi lại ngay. Hương Ất đành xoay sở kiếm tiền bằng cách cò con vậy thôi. Có mấy cách xoay tiền để hút. Thứ nhất: dân làng có đứa nào đánh nhau, cào mặt ăn vạ, thì ông sai ngay tuần đinh đắp chiếu vào thằng ăn vạ rồi để đấy ông để cho nằm đắp chiếu một ngày một đêm, để cho muỗi đốt no đủ, lúc bấy giờ ông mới xử. Thằng ăn vạ cũng chết, thằng bị ăn vạ cũng chết. Khôn hồn có vài hào bỏ ra, ông mới tha. Thứ nhì: làm thầy dùi kiện cáo, xui nguyên giục bị. Trong làng có nhà nào mục mả, anh em tranh nhau hương hỏa là ông thích nhất. Càng kéo dài, ông càng có thuốc hút. Thứ ba: dắt díu vài anh rửng mỡ đến bàn đèn nhà ông tập hút. Lúc đó, họ cứ hút hai điếu là ông được một điều. Thứ tư: lấy hồ đánh chắn. Tối nào cũng có một chiếu chắn ở cái phản mọt gian bên cạnh bàn đèn v.v...
Hương Ất là tay mưu mô có hạng. Có lúc, ông đã gãi nách sồn sột mà tuyên bố rằng: Bàn đèn nhà ông là trường học đào tạo tổng lý trong vùng. Cũng chẳng ngoa đâu, vì thời trẻ, ông đã liền mười lăm năm cắp tráp đi sau ngựa cụ chánh Thi bố vợ lý Cỏn. Giấy tờ của cụ chánh Thi đều qua tay ông hết. Vì vậy, mọi mưu mẹo trong nghề hào lý, ông thuộc như cháo chảy.
Sáng nay, lý Cỏn đến nhà hương Ất. Cỏn kém tuổi hơn nhưng thuộc chi trên, nên là anh. Tháng nào cũng vậy, vào mồng năm đầu tháng, các bậc kỳ mục lại đến nhà hương Ất họp. Các buổi sáng ấy, những khách thường dân đều hiểu không đến nhà hương Ất.
Lý Cỏn đến đã thấy một ông phó, ông trưởng bạ, ông Ký có mặt từ trước. Ngồi chưa nóng đít đã nghe thấy tiếng oang oang như lệnh vỡ ngoài ngõ. Một người cao lớn bước vào vừa đi vừa nói rối rít:
- Kính các cụ! Kính các cụ!
- Xin chào cụ quản Boong.
Ông ta tên thật là Bính, dân vẫn gọi là Bính Boong. Sau lại bỏ chữ Bính đi, chỉ còn giữ chữ Boong. Cái tên kêu coong coong như giọng nói của ông. Ông nghe mãi quen đi, chấp nhận cái tên ấy. ông Bính Boong đi lính chào mào sang Tây hồi Thế chiến thứ nhất. Có mề đay, nên về nước ông được phong chức quản. Ông làm quản tù tận Sơn La rồi về hưu.
Ông là dân ngụ cư, thứ dân bị coi thường nhất ở chốn thôn quê. Cũng vì bị coi rẻ nên ông đã đăng lính. Ở quê, xếp hạng thứ nhất là quan tước phẩm hàm, thứ nhì là hào lý, thứ ba là học trò. Như vậy, ra đình ông đã được ngồi vào hàng chiếu nhất rồi. Do vậy, mặc dầu biết bị bọn lý dịch cánh Vũ Xuân coi thường, nhưng ông không lùi. Buổi họp kỳ mục nào ông cũng có mặt. Vừa mới ngồi xuống phản, quản Boong đã hỏi lý Cỏn:
- Ông Cỏn ơi! Thế có chuyện gì mà thằng Cò nhà ông lại đánh nhau với thằng Điều nhà cụ Đồ? Khốn khổ! Nghe nói máu me tung tóe. Thằng bé nhà ông có việc gì không?
Lý Cỏn chưa kịp trả lời thì tất cả đã đều đứng dậy. Người ta chào ngao nhao:
- Lạy cụ ạ!
- Cụ Tiên đã đến rồi ạ!
Tiên chỉ Nhậm đã đi vào đến giữa sân. Ông hương Ất bước ra thềm, hai tay xoa vào nhau rối rít:
- Con chào ông ạ!
Tiên chỉ Nhậm cũng người họ Vũ Xuân, ở chi Lương. Về thế thứ, ông là chú của hương Ất.
Tiên chỉ Nhậm có tiếng là hách trong vùng. Lão vừa giàu lại vừa sang. Ngày xưa, cùng đồng môn với cụ Tiết, cụ Tú Cao, song không đỗ đạt gì cả. Thuở trẻ, ông Nhậm thử vận may ra Hà Nội làm ăn. Lấy được bà vợ hai giàu có Hai vợ chồng đang phất to, thì đùng một cái bà hai lăn ra chết. Ông trở về làng tậu ruộng. Có trong tay hơn mười mẫu. Cái giàu đến thì cái sang cũng đến theo. Ông chạy được chân chánh tổng, rồi chạy được cả phẩm hàm Cửu phẩm bá hộ. Ông Nhậm có chữ, lại không rượu chè, cờ bạc gì, nên dân Cổ Đình nể sợ lắm. Ông đã giàu lại khéo léo, luôn nói lời đạo đức, thành thử quan tín nhiệm mà dân cũng tín nhiệm.
Mới trông thấy cái bóng ông từ xa, có thể nói người dân hàng tổng ai cũng nhận ngay ra ông. Béo tất phương phi. Nói năng đĩnh đạc. Luôn cưỡi con ngựa trắng. Ông đặc biệt thích màu trắng. Quần trắng, áo dài trắng, cái ô cũng trắng. Chỉ có đôi giày Gia Định và cái khăn xếp là đen thôi. Đến thềm nhà, ông cụp ô, hương Ất ra đỡ lấy, móc lên cửa. Tiên chỉ Nhậm vào nhà, ngồi trên cái đệm cạnh bàn đèn. Chủ nhà pha trà mời. Ông uống một tách đặc quánh, chíp chíp cái miệng mấy cái rồi mới nói:
- Chắc các ông biết cái chuyện thằng Cò, thằng Điều đánh nhau ở đầu làng rồi chứ.
Quản Boong đế vào:
- Thưa cụ tiên, chuyện chỉ nhỏ bằng cái móng tay, nhưng máu me ghê quá. Ông Lý nên khéo khu xử. Kể cũng khó đấy, một đằng là con, một đằng cụ đồ Tiết trước đây lại là thầy học ông Lý.
Lý Cỏn cau mặt:
- Làm gì có máu me, sao ông quản xé ra to thế. Được rồi. Việc này tôi sẽ khu xử.
Hương Ất gật gù:
- Anh ký Điệp nhà tôi vẫn nhắc nhở đừng để xảy ra như cái chuyện thằng Mường ngày xưa ấy.
- Lại anh ký Điểm
Lý Cỏn và hương Ất vốn hay xích mích tuy cùng họ đồng tông với nhau. Có bận, hai ông đã to tiếng, sửng cồ với nhau cả ở ngoài đình. Chuyện như thế này: Hôm ấy, có tiệc của các cụ kỳ mục, hương Ất ra muộn. Lý Cỏn nói đùa:
- Ông Hương hôm nay đến muộn thế nhỉ Hay là... còn bận "lên tiên".
Các vị kỳ mục nghe thế cười ầm cả lên. Tích lên “tiên” do cánh trai tráng tuần đinh nói ra. Ở cuối làng có quán bà đĩ Ong, dưới gốc cây gạo. Chồng bà đĩ Ong mắc ho lao, nhưng vợ lại đẻ được thằng cu xinh đẹp đáo để. Ông Lý ra quán, bế thằng bé lên, hỏi tên nó là gì. Bà đĩ Ong bảo:
- Ông ấy là Ong, tôi định đặt tên cho nó là Bướm.
- Bướm hả? Con trai sao lại đặt là Bướm. Nghe nó tức cười. Hay thế này, tôi đặt tên hộ cho. Gọi nó là Điệp thì hay hơn. Nguyễn Văn Điệp. Đúng! Chữ nho điệp cũng nghĩa là Bướm. Bà đĩ Ong cảm cái ơn ấy nên để ông hương nhận Điệp là con nuôi. Ông hương không có con trai, chỉ độc mụn con gái, nên cũng khoái. Tiếng là nhận con nuôi, nhưng ông hương có nuôi Điệp ngày nào đâu. Thằng Điệp được cái học hành sáng láng. Bà đĩ Ong nuôi nó đỗ được bằng Sép phi ca. Ông hương đi đến đâu cũng khoe nhắng lên: Thằng Điệp nhà tôi đỗ bằng Sép phi ca, ngang như các cụ ngày xưa đỗ tú tài. Người làng vẫn ngờ cái vụ con nuôi này lắm. Đến mấy năm sau, ông chồng bà Ong ốm nặng, suất ngày đêm trùm cái chăn chiến đỏ nằm trên giương. Rồi một đêm, ông hộc ra một đống máu mà chết. Các bà chép miệng:
- Khổ! Vợ thì cứ phây phây. Chồng lại ho lao thổ huyết. Chết là phải.
Cánh trai tuần đinh cười hì và kể:
- Có phải lão thổ máu vì ham mê vợ đâu. Còn sức đâu mà làm.
- Lão ấy không làm thì đã có ông tiên làm hộ. Một đêm ông tiên mò vào nhà lão Ong, lên giường với mụ Ong. Lão Ong nằm ở giường bên cạnh đã ngủ thiếp rồi.
Lão tiên cùng mụ Ong ôm nhau ở giường sát bên, lấy cái chăn rách trùm lên người. Lão Ong đang ngủ cứ thấy bên giường vợ cục kịch. Lão bỏ chăn trùm đầu ra. Ánh ngọn đèn dầu lạc tuy mù mờ nhưng cũng đủ để lão trông thấy cái chăn rách cứ nhô lên, hụp xuống liên tục. Lão hổn hển, định ngồi dậy bắt quả tang, thì lại nghe tiếng vợ lão rên lên ầm ầm:
- Sao thế này? Tôi lên tiên, ới ông tiên ơi? Lên tiên!
Lão Ong tức quá, hét to, thế là hộc máu ra ồng ộc, ngã vật xuống chết tươi.
Một đứa hỏi:
- Ông tiên là ai trong làng nhỉ? Chẳng lẽ là cụ tiên chỉ?
-Mày ngu ơi là ngu. Mày vu cáo cho cụ tiên chỉ là người đạo cao đức trọng trong làng, mày có muốn chết không?
Hãy nghĩ đi. Thằng Điệp là con của ai? Ông Ong ho lao như thế, một bữa ăn chẳng hết một bát cơm, liệu có thể ham hố được không, liệu có thể có con được không? Mà tại sao thằng Điệp lại được nâng đỡ như thế. Riêng mình nó, được làng cho cấy hai sào ruộng học, thuộc loại nhất đẳng điền. Ở cái làng này, đi học, có ai được như nó không?
- Ừ nhỉ có thế mà em không nghĩ ra.
Mấy năm vừa rồi, quả là ông hương, lúc phân chia học điền, có chút ưu ái cho thằng Điệp thật. Mới đầu, người ta nghĩ Điệp là con nuôi hương Ất, nhưng đến nay thì người ta nghĩ khác hẳn đi rồi.
Lý Cỏn nói “lên tiên” với hương ất chẳng qua chỉ là nói đùa. Ai ngờ hương Ất nổi đóa lên. Lão nghĩ về lý Cỏn:
"Cái thằng này, chính tay mình bày mưu tính kế cho, nâng đỡ vận động cho, mới được cái chức lý trưởng. Thế mà nay nó ăn cháo đá bát. Nó về hùa với bọn đầu trâu mặt ngựa nói xỏ mình".
Ông hương, ông lý lời qua tiếng lại, đi đến chỗ to tiếng ngay chốn đình trung. Cụ tiên chỉ Nhậm đến sau, thấy thế, quát to:
- Láo xược! Các anh không coi quốc pháp, gia pháp ra gì nữa sao. Anh lý, anh hương im ngay, lại đây tôi bảo... Thôi, tôi biết cả rồi, không phải kể dài dòng cho thêm xấu ra... Đến ngay, đứng trước mặt tôi...
Ông tiên chỉ, tay trái chống nạnh, tay phải cầm ba toong giơ lên. Ông ta thật oai vệ, thật hách. Lý Cỏn, hương Ất im re. Cả đám hào lý cũng im re. Ông lấy ba toong quật cho hai người, mỗi người ba gậy thật đau rồi quát:
- Các anh về nhà ngay. Không được nói một lời nào nữa. Tí nữa về, tôi sẽ bảo.
Rồi cụ tiên chỉ quay ra, nói với mọi người:
Còn các cụ, các ông, tôi cũng xin đấy. Làng mình có lịch, có lề. Những chuyện đồn đạo nhảm nhí như thế từ nay phải dẹp. Phải giữ lấy lễ nghĩa, trên dưới, phép tắc, nếu không thì làng ta loạn mất. Nhà nào nhà nấy phải bảo con bảo cháu, cấm tiệt chuyện ngồi lê mách lẻo, đồn đại nhảm nhí...
Sau bận ấy, làng im hẳn chuyện "lên tiên", song cấm là cấm nói chứ ai cấm được nghĩ trong bụng.
Cậu Điệp số son thật. Không hiểu bà đĩ Ong chạy chọt ra sao, cậu được lên huyện làm thư ký. Cậu con nuôi này vẫn được ông hương khen là người biết lễ nghĩa. Hàng tháng đều đặn, cậu vẫn quà cáp biếu ông hương bố nuôi một hộp đồng thuốc phiện. Và có chuyện gì trong huyện cậu cũng đều báo cho ông hương biết.
Hôm nay, khi lý Cỏn nói câu "Lại anh ký Điệp", hương Ất đã nóng tai định vặc lại, nhưng cụ tiên chỉ lườm lườm rồi nói:
Chuyện anh Mường năm xưa bên nhà cụ đồ Tiết, nói thực, ta giải quyết không ổn. Cụ đồ Tiết với tôi ngày xưa vốn là đồng môn. Gia đình họ Đinh bên ấy cũng là nhà đáng nể. Tuy nhiên, tình là một nhẽ, lý lại là nhẽ khác. Ai cũng biết, trên tỉnh, trên huyện, người ta vẫn để ý tới nhà ấy. Mà không để ý đến sao được. Ông bạn đồng môn của tôi đi tù ở đảo Côn Lôn về cơ mà... Chuyện hai đứa trẻ đánh nhau tôi nghĩ không quan trọng. Cái quan trọng là ở chỗ khác. Ông lý nhỉ. Thế cái người cháu họ ngoại của ông đồ Tiết tên là gì nhỉ?
- Dạ, hắn ta tên là Huyền.
- Họ đã đến gặp ông lý chưa?
- Dạ, cụ đồ đã dẫn đến, nhưng con đi vắng nên chưa gặp mặt.
- Đấy, tôi nhắc anh lý, chuyện ấy mới quan trọng.
Nghe đâu anh ta từ dưới Nam lên, định xin ngụ cư. Anh lý xem xét kỹ. Người ngụ cư cần phải xét kỹ, nhất là đến nhà ông đồ. Anh là người nhất lý chi trưởng. Việc xét không kỹ, phần trách nhiệm sẽ đổ xuống đầu anh. Là người cai trị dân, cần phải tinh vi ở những chỗ ấy. Tuy nhiên, cũng phải trấn tĩnh nhá.
Tiên chỉ Nhậm ăn nói thật chặt chẽ, thế mà lúc về ông còn nói riêng với lý Cỏn:
- Anh phải dạy em chị Ba nhà anh. Hai đứa đánh nhau. Ừ thì mình là người lớn, đứng giữa can chúng ra, chuyện ấy không sao. Đằng này, cô vợ anh đã không bênh con, lại còn đấm vào vai thằng Có mà than: "Con ơi là con, sao mày đánh nó, không được đánh nó!". Hóa ra chị ta bênh người họ Đinh mà không bênh con anh. Lạ thật? Lạ thật?
- Thưa ông làm gì có chuyện ấy?
- Thì người ta mục kích tận mắt, về kể cho tôi.
- Thế hả ông?
Lý Cỏn không về nhà vợ cả mà đến nhà vợ ba ngay. Ông kéo bà Ba vào trong buồng. Bà Ba nghĩ: "Quái! Mọi khi bao giờ cũng ban chiều. Hôm nay dở chứng hay sao mà lại đòi vào lúc sáng". Bà Ba vào buồng, vội nằm lên giương, tốc váy lên. Lý Cỏn xua tay lia lịa:
- Hạ xuống! Hạ xuống? Không phải chuyện ấy.
- Thế thì chuyện gì? Sao mặt ông hầm hầm thế kia?
- Không biết tội à?
- Tội gì?
- Tội mày to lắm.
- Chuyện gì thế không biết được?
- Thằng Điều... Thằng Cò...
- Tưởng gì. Tôi đã can chúng nó ra.
- Bà can, nhưng thực ra là bênh người họ Đinh.
- Dở hơi? Can mà lại bảo là bênh. Điên rồi hay sao?
- Đúng! Tao điên đấy. Mày không được phép nghĩ đến người họ Đinh. Ông thì giết! Ông thì giết!
Lý Cỏn run đôi tay. Bà Ba lùi bước cho đến sát tường.
Đã có mấy lần hắn như vậy. Nhìn thấy dáng điệu của lý Cỏn, bà Ba vừa thấy thương, thấy tức, lại thấy sợ. Sợ là phải, vì hắn xông tới, túm lấy tóc vợ. Hắn thầm thì "Đứng yên". Rồi hắn lấy hai ngón tay cấu vào vú bà Ba. Ai dạy hắn cách hành hạ vợ như thế? Không biết được! Chỉ biết rằng, lúc ấy, hắn chỉ muốn xé cho nát hai cái bầu sữa của vợ, đôi vú mà cả làng Đình này đều cho là đẹp. Bà Ba kêu:
- Ối ối! bỏ ra! Bỏ ra!
- Cấm được kêu! Câm họng lại
Mắt lý Cỏn đỏ ngầu, long sòng sọc. Đôi mắt làm người vợ sợ chết khiếp. Bà không kêu nữa. Nước mắt ràn rụa.
Bà rên. Bà Ba nghiến răng chịu đựng. Lần này là lần thứ hai, lý Cỏn đã hành hạ bà theo kiểu như thế.
Thường thì lý Cỏn rất lành, lại còn biết âu yếm nữa.
Nhưng lúc này, hắn như có ma nhập vào. Hắn ghen đấy.
Nhắc đến người họ Đinh là hắn lên cơn như thế. Lần trước cũng vậy, hắn đã hành làm đôi vú của bà bị thâm tím. Đau gần một tháng trời mới hết. Lần này, hành hạ vợ xong, lý Cỏn ngồi trên chiếc ghế dựa, thừ người ra, hai tay thõng thượt. Còn bà Ba, bà nằm nghiêng trên giương, tóc xổ tung. Hai tay ôm mặt, bà khóc thút thít.
Mẫu Thượng Ngàn Mẫu Thượng Ngàn - Nguyễn Xuân Khánh Mẫu Thượng Ngàn