To read a book for the first time is to make an acquaintance with a new friend; to read it for a second time is to meet an old one.

Chinese Saying

 
 
 
 
 
Tác giả: Brian Moore
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 956 / 15
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
16. -
- Ông ngủ à.
Đầu và vai của người lái xe thình lình in bóng nơi cửa xe tải vừa được đẩy lên. Sau nhiều giờ trong bóng tối, mộng mị, đau nhức, và rêm mình vì nhồi xóc trên con đường gồ ghề, ông đờ đẫn nhìn người đàn ông vừa lên tiếng hỏi. Ông ngửi ra mùi tươi mát của không khí ban đêm, rồi nhìn ra thấy bầu trời sáng lạng với vẻ rực rỡ của trăng rằm.
- Ra đây, thưa ông - người ấy nói - đưa tay lên giúp ông nhảy xuống đất. Không để ý tới cử chỉ đó, ông tự mình nhảy, loạng choạng, nhưng trước khi té thì g ượng người lại được. Chân ông cảm thấy nhu bị ai đá vào, ngay chỗ đầu gối.
- Không, không,~ ông nói - Tôi không sao, cám ơn.
Người định giúp ông đó trùm đầu bằng chiếc mũ đồ tể trông giống mũ thầy tu. Lúc này, anh ta đứng như một hình bóng trung cổ, chờ đợi.
- Có phải đây là Gorodok.
- Phải. Thưa ông, ông có biết chỗ này không?
- Có, tôi có biết - Ông nhìn quanh, thấy những đoạn đường ray trảnh nhau và cùng với những ngọn núi mờ xa kia, các đống xỉ khổng lồ của quặng mỏ Gorodok lấp loáng dưới ánh trăng.
Chiếc xe tải có máy lạnh chạy tới phía trước một cơ sở trông như một xí nghiệp. Có ánh sáng le lói từ lều của người gác cửa ở bên cạnh cổng xí nghiệp, và lúc này, ông thấy người gác cổng mặc đồng phục, bước ra khỏi lều, tay cầm đèn lồng.
- Có phải ông là Zaron? - người gác hỏi.
- Phải.
- Tới lều đi. Tôi nghe nói là ông có thể muốn một tách trà hoặc ăn chút gì đó.
- Cám ơn.
Người lái xe đội mũ đồ tể trùm đầu bỗng dưng quay lại nhìn ông, ngượng nghịu và trìu mến, đặt tay lên vai ông.
- Thiên Chúa phù hộ ông, thưa ông! - anh ta nói xong, đi vòng tới phòng lái của chiếc xe to lớn, nhảy lên, đóng mạnh cửa. Bánh xe nặng nề lăn và chiếc xe tải lao ra đường lộ.
- Mấy giờ rồi vậy? - ông hỏi người gác.
- Tám giờ, hoặc khoảng đó - người gác trả lời.
Ông ngó xuống đường, nhìn theo chiếc xe tải khổng lồ đang chạy rầm rầm dưới ánh đèn huỳnh quang.
Tôi đã ở tám giờ bên trong bóng tối đó.
- Lối này, thưa ông - người gác nói, tay đưa cao đèn lồng lên soi đường tuy việc ấy có vẻ thừa thãi dưới ánh trăng đang chiếu thật sáng. Họ đi về phía chiếc lều nhỏ cạnh cổng. Bên trong, trên bếp lò bằng sắt dính đầy dầu mỡ, trà đã pha sẵn, và trên chiếc bàn giấy ngăn nắp của người gác cổng, ông thấy có mấy quả trứng đã luộc thật chín và một dĩa giăm bông. Từ lúc điểm tâm tới giờ này, ông chưa ăn gì. Lúc này, ngồi trong khoảng ánh sáng nhỏ bên cạnh cửa sổ, ông ăn ngấu nghiến. Người gác đưa ông tách trà bốc khói.
- Chỗ này là gì? - Ông hỏi - Có phải là một xí nghiệp?
- Xí nghiệp ư, thưa ông? Không, thưa ông, đây là Mỏ Borod in ngày trước. Số bốn. Dĩ nhiên nay đã đóng cửa rồi.
Mỏ Borodin. Ông có thể thấy lại, như đang nhìn trên màn ảnh vô tuyến truyền hình, các bích chuơng và biều ngữ, hàng hàng lớp lớp thợ mỏ quì cầu nguyện trong sân lớn, các đống xỉ nằm xa xa, một hàng lính tráng, súng tiểu liên đã lên đạn, mặt hoang mang. Thời gian đó ông đang ở La mã, bị triệu tập tham dự một hội nghị, và tại Học viện Tây ban nha, ông đã xem trên màn ảnh vô tuyến truyền hình khoảnh khắc đó, khoảnh khắc hy vọng lớn lao nhẩt của các nghiệp đoàn, khoảnh khắc mà, về mặt lãng mạn, ý chí của người thợ mỏ có thể vô hiệu hoá sức mạnh hữu hạn của xe bọc sắt và các khẩu đại bác xịt nước. Nhiều năm đã trôi qua. Nó đã thuộc về một thời đại khác.
- Đóng cửa? - ông hỏi - Tại sao vậy? có phải vì chính trị?
- Không, không - người gác nói - Đơn giản là vì mỏ cạn rồi - Người gác đứng lên, bước tới cửa sổ như thề đang tìm kiếm cái gì ở bên ngoài - Lúc này họ đang nói tới việc biến nơi này thành một viện bảo tàng mỏ. Trong các hòm kính triển lãm sẽ không những thứ như mũ an toàn cũ và đèn soi hoặc đại loại như vậy. Không, cái được dùng để triển lãm chính là bản thân cái mỏ. Các chuyến du ngoạn xuống hầm lò. Họ sẽ triển lãm những chuồng ngựa con dưới đất và những chiếc lồng chim sẻ nhỏ mà người ta đã dùng để thử thán khí. Họ sẽ triển lãm các đường hầm.
Ông biết không, thưa ông, khoán sản phẩm, nghĩa là ngày nay thợ phải đi bộ năm cây số mới tới cổng mỏ và không được tính lương cho tới khi kéo lên được thứ tốt nhất. Những ngày xưa cũ tốt lành. Thuở tư bản ấy, khi một người làm việc mười giờ một ngày và lãnh bốn chục đồng một tuần. Dù sao, người ta cũng đã nói tới chuyện biến mỏ thành viện bảo tàng. Tôi hy vọng sẽ xảy tới chuyện đó. Nếu nó xảy tới, họ hứa cho tôi làm người hướng dẫn.
- Ông từng là thợ mỏ?
- Vâng, và trước cả tôi là bố tôi nữa. Đó là những ngày xưa cũ mà tôi nói tới. Hà hà… - Người gác nhìn chăm chú hơn qua ô cửa sổ.
- Người đưa ông tới rồi, thưa ông. Ông dùng thêm chút trà?
- Không, cám ơn.
Người gác giơ lồng đèn lên cao, đưa qua đưa lại như thể ra hiệu. Dưới ánh trăng, có chiếc Fiat nhỏ chạy vào và dừng lại trước cổng. Đèn trước đầu xe chớp nháy. Một thanh niên bước ra khỏi xe. Anh ta mặc áo sơ-mi đỏ, đầu đội chiếc mũ cứng bằng nhựa màu xanh. Anh để máy xe tiếp tục nổ.
- Đi ngay thôi, thưa ông - người gác nói - Anh ấy không muốn chần chừ.
Ông bước vào ánh trăng. Người thanh niên đã ngồi sẵn trong ghế tài xế. Ông lên xe. Xe phóng xuống con đường có đèn vàng - Chuyến đi thế nào, thưa ông? - người thanh niên hỏi.
- Gập ghềnh.
- Thế thì họ đã không đi ngả xa lộ. Tôi đoán là họ đi theo tỉnh lộ.
Xe tới một ngã tư. Đằng trước, bên kia đèn giao thông, ông thấy rất nhiều con đường nhỏ vắng vẻ, giăng mắc nhau. Ông không ngạc nhiên. Tại tỉnh lẻ, sau khi trời sập tối, người ta ít ra đường. Từ các cửa sổ không ánh đèn, lung linh vũng sáng màu xanh hắt ra từ màn ảnh máy vô tuyến truyền hình. Chiếc Fiat nhỏ lúc này rẽ vào một khu vực nhiều vườn nhỏ với sân sau bừa bãi các dây phơi quần áo và các lán để than. Xe dừng lại.
- Xin ông vui lòng chờ ở đây - người thanh niên nói.
Ông ngồi dưới ánh trăng, quan sát người thanh niên mở chiếc cổng gỗ rồi đi vào dọc theo lô gia cư phân phối, dùng làm vườn nhỏ, dài và hẹp, trồng khoai tây, rau diếp và chen lẫn các bụi cúc vạn thọ. Một địa điểm hẹn gặp như chỗ này thì thật lạ lùng. Nhưng rồi ông nhớ lại rằng Jop, vào thời gian nổi bật của ông ấy, luôn luôn được trình bày trong báo chívà phim ảnh như một con người của gia đìnhi một con người của công nhân, sống một cuộc sống khiêm tốn ít người biết tới.
Một con chó sủa và những con khác gầm gừ cảnh giác cho tới khi cả bầy đồng loạt hợp xướng bằng những thanh âm cao thấp khác nhau, đinh tai buốt óc. Ông thấy người thanh niên hấp tấp quay trở ra theo lối đi trong lô vườn, bước chân đi ngang của anh ta lại khua động lũ chó hộc lên những âm thanh mới. Người thanh niên mở cửa cổng gỗ, ra hiệu cho ông bước vào.
- Đi thẳng vô đó, thưa cha, Sẽ gặp người trong đó. Lẹ lên!
Ông bước gần như chạy trên lối đi: điệu nhạc chói tai của lũ chó đã báo động ông. Ông trông mong cửa bên hông nhà mở ra và chủ nhân lũ chó xuất hiện. Đằng trước, dưới ánh trăng, ông thấy một phụ nữ mập mạp đứng chờ trên lối đi, đầu quấn chiến khăn vuông theo kiểu của phụ nữ đứng tuổi ở thôn quê. Bà ta bước tới phía ông, cúi đầu theo cung cách đã biết ông là ai.
- Lối này, thưa Đức Giáo chủ. Lối này.
Ông đi vào chiếc sân hẹp rải đá cuội. Phía trước, cửa vào đã mở sẵn, ánh sáng từ bên trong hắt ra soi bóng một người đang đứng chờ. Ông bước qua ngưỡng cửa, loá mắt vì ánh sáng chói chang nơi nhà bếp. Người đàn ông đang chờ, tuổi trung tuần, mặc sơ-mi xám bằng vải thưa và mềm, quần nhung, chân đi đôi ủng nặng nề. Ông này không phải là Jop. Sau lưng ông, một bà cụ rất già, nhún đầu gối, nẻt mặt lộ rõ lòng cung kính, tay run run vì tê liệt khi đưa tay lên ra hiệu mời ông vào.
- Thưa Đức cha, lối này. Xin vào phòng trên.
Ông quá quen thuộc những ngồi nhà như thế này: phòng ốc tù túng, khắp nơi xông mùi bắp cải luộc. Phòng trên là phòng khách, chỉ dùng đón những người tới viếng thăm. Ông đi lên và đối mặt với các bức hình của Đức Thánh cha, Mẹ Maria Đồng trinh, một người mặc quân phục binh nhì thời Thế chiến Thứ nhất, và thật không xứng chút nào, một bức hình của chính ông. Và ở đó, ấm áp sau lưng ông và bên cạnh lò lửa than nhỏ là Jop.
- Thưa Đức giáo chủ - Jop nói một cách tôn trọng nhưng không đầy vẻ cung kính. Không giống những người khác trong nhà này, Jop quá quen với sự có mặt của các Hồng y, các chỉ huy trưởng người Nga, các bộ trưởng, các toán quay phim vô tuyến truyền hình. Lúc này ông ta bước ra, chỉ vào một trong các chiếc ghế nhỏ có tay dựa và bọc bằng vải nhung màu lục nhợt nhạt, cho "hài hoà" với đồ đạc trong nhà.
Ông ngồi xuống. Lập tức người phụ nữ mập mạp mà lúc này được giới thiệu là "Mila, nhà con," đi vào, bồn chồn lo lắng và kinh hãi vì sự có mặt của ông nơi nhà mình.
- Liệu chúng con có thể kính mời cha cái gì đó không, thưa Đức cha? Vodka hay rượu nhẹ? Hay một tách trà?
Con đã chuẩn bị xúp nguội ăn lót lòng, chẳng có gì đặc biệt, cha mà dùng thì vinh dự cho chúng con lắm.
- Không, cám ơn chị - Ông cười với bà, theo thông lệ từ chối sự hiếu khách mà người dân quê vốn xem đó là bổn phận ưu tiên của mình khi có người lạ vào nhà.
- Cha có chắc không, thưa Đức cha? - bà cụ, mẹ của Jop, hỏi. Bà lảng vảng ở ngưỡng cửa như thể chỉ chờ ông ban phép lành.
- Mẹ ạ. con vừa dùng bữa xúp rất ngon, xin cám ơn mẹ! - Ông nói, cười với bà.
- Nhưng cha phải dùng chút gì chứ, thưa Đức cha? - vợ của Jop nói.
- Thế thì cho xin ly sữa lạnh - Ông nói - Vậy là tốt quá rồi.
Ông cười với Jop. Jop đang chờ, cố che dấu sự sốt ruột của mình và cố kiên nhẫn mong cho tới khi chấm dứt những nghi thức lễ độ này. Nếu một hoạ sĩ thuộc trường phái hiện thực xã hội chủ nghĩa được trao nhiệm vụ vẽ chân dung một công nhân kiên cường, hoạ sĩ ấy có thể chọn Jop làm người mẫu. Hai vai và bắp tay của Jop vạm vỡ như được tạo ra để sử dụng cuốc xẻng, xà beng. Chiếc đầu to lớn nhưng vô cùng thanh nhã như bức tượng bán thân của một viên quan trấn thủ người La mã với tóc quăn màu xám phủ trên đầu như tượng tạc. Quai hàm bạnh ra, da mặt rỗ lấm chấm như đá, dấu hiệu vinh danh sự lao động nhọc nhằn của bao năm tắm bụi than ở cổng mỏ, chẳng thề nào chùi sạch hẳn. Tuy thế, trong khi nhớ lại Jop ngày xưa ông lạì nghĩ tới Jop của tám năm nay. Ông biết rằng Jop ngày nay không còn là công nhân, cũng không bao giờ trở lại làm công nhân : ông ta bây giờ là một người trình diễn, bị bắt phải đóng vai ngoài đời làm người phát ngôn không chính thức của các công nhân trên đất nước này, một người thường đứng trong các cánh gà chờ đợi ngọn đèn cao áp cực nóng và các ống kính vô tuyến truyền hình, các đám đông bu lại, những hoan nghênh cổ vũ, những bàn tay níu lấy ông khi ông đi qua sảnh đường nghiệp đoàn chậtn ích người: một vai trò không khác gì vai trò của một giáo chủ trong áo chùng lụa đỏ thẩm.
- Thôi được rồi, mẹ ơi - Job nói, bảo mẹ mình lui ra. Ông ta ra hiệu cho người mặc quần nhung - Mijal, anh canh cửa.
Cửa phòng khách đóng lại. Căn phòng nhỏ bỗng trở thành thật yên tĩnh. Trên lò sưởi, chiếc đồng hồ báo thức rẻ tiền của Anh tíc tắc kêu lớn giữa hai con chó sứ một trắng một đen.
- Cha đang ở trong cuộc giao tranh, thưa Đức giáo chủ. - Jop nói, mỉm cười - Bây giờ cha đã biết nó giống cái gì. Người ta đã mang cha đi đâu vậy? Đường Skouva hay Cổ thành?
- Thế anh chưa biết gì à - Ông nói - Không phải An ninh Nội chính là kẻ bắt cóc tôi: kẻ đó ở phía ngược lại.
- Không phải An ninh nội chính? Báo chí nước ngoài nói là An ninh nội chính.
- Peter, nghe tôi đây này. Tôi không có thời gian để nói dối cũng như để lắng nghe người ta. Có phải anh có ý nói là anh không biết ai đã bắt cóc tôi?
- Con nói danh dự, thưa Đức cha. Con không biết gì về chuyện đó.
- Được rồi, Peter. Tôi tin anh. Nhưng anh có biết về cuộc "biểu dương ý chí dân tộc" hoặc bất cứ cách gọi nào mà người ta dùng. Anh đang lập kế hoạch tổng bãi công ở các xí nghiệp, các trạm phát điện, các dịch vụ - tất cả mọi thứ. Đúng không?
Jop quay mặt qua hướng khác, nhìn các cục than nhỏ đang bùng sáng trong lò sưởi làm bằng gạch màu vàng lục loại rẻ tiền.
- Con nghe là việc đó chỉ diễn ra trong một ngày thôi, một cuộc bãi công tượng trưng, để cho Nhà nước thấy cái mà nhân dân có thể làm. - Jop nói - Có điều xin Đức cha nghe đây. Con không ủng hộ việc đó. Thời điểm không đúng. Con đã phát biểu chống lại việc đó tại phiên họp của nghiệp đoàn. Con đã nói rằng Nhà nước sẽ không nhìn nó như chỉ là một vụ đình công. Họ sẽ coi nó như một thách thức và họ sẽ không bỏ qua.
- Anh có lý - Ông nói - Và khi nào thì xảy ra?
- Không phải tuần này sao? - Jop nói - Con nghe nói nó đã được ấn định vào ngày Thứ Năm, hai ngày sau Đại hội ở Rywald. Sẽ có người nào đó tuyên bố trong thánh lễ tại Rywald. Đương nhiên là cha biết rõ chuyện này, thưa Đức giáo chủ.
- Tôi không biết.
- Dù sao cũng không phải chúng con phát động chuyện này - Jop nói - Chính các linh mục.
- Các linh mục nào?
- Chúng con được bảo cho biết là toàn thể Giáo hội đứng đằng sau chuyện này - Jop nói – Kể cả cha, thưa Đức cha.
Ông nhìn lên. Cửa phòng khách mở ra và bà vợ của Jop đi vào với ly sữa trên khay.
- Cám ơn chị nhiều lắm - Ông nói, rán nở nụ cười với bà. Ông cảm thấy tay mình run rẩy khi cầm ly.
Ngượng nghịu sợ hãi, bà gật đầu kính can và rút lui.
- Tôi không đứng đằng sau chuyện này, - Ông nói - Đó là lý do khiến họ bắt cóc tôi. Peter, anh đã nói là thời điểm không đúng. Còn tệ hơn vậy nữa. Nếu chuyện này xảy ra, nó sẽ là hành động tự sát của dân tộc. Trong hai mươi năm qua chúng ta chẳng học được điều gì cả.
- Con đã nói đó không phải là hành động của con, thưa Đức cha. Đó không phải là hành động của các nghiệp đoàn. Con không bao giờ ép buộc Nhà nước phải chọn lựa giữa bản thân họ và Giáo hội. Con chổng lại chuyện này.
- Tốt. Vậy thì anh phải giúp tôi.
- Không dễ đâu, thưa Đức cha. Con xin lỗi.
- Tại sao?
Bên ngoài, trong đêm, chó lại sủa. Có ai đó đang đến? Ông thấy Jop nhìn ổ khoá, rồi quay sang ông, đầu cúi xuống như thể xưng tội.
- Nó như thế này, thưa Đức cha - Jop nói - Chúng con không còn tính toán hơn thiệt nữa, ý con muốn nói là các nghiệp đoàn. Chúng con không đủ sức phát biểu ngược lại với Giáo hội. Kế từ sau vụ đình công Borodin, chúng con cố gắng bày tỏ cho dân chúng thấy rằng chúng con sẽ không bỏ rơi họ nữa. Nếu dân chúng muốn cuộc biểu dương này và nếu Giáo hội đứng đằng sau chuyện này, thì chúng con phải theo thôi.
Jop run rẩy bóp chặt bàn tay mình, làm chúng thành hai nắm đấm như thể sắp đánh ai đó.
Ông nhìn hai bàn tay ấy, móng lúc nào cũng thâm đen vì hàng năm trời nơi cổng mỏ.
- Peter, anh là thủ lãnh các nghiệp đoàn, - ông nói - Các đoàn viên sẽ nghe anh.
- Không - Jop nói. - Con cũng đang chung một thuyền với cha, thưa Đức Hồng y giáo chủ. Con không thể làm thay đổi các nghiệp đoàn. Họ đã quyết định đi theo. Và có thể Đức Hồng y cũng không thể làm thay đổi Giáo hội.
- Tôi là Giáo hội, - ông nói - Chuyện này sẽ không xảy ra. Tôi hứa với anh.
- Con hy vọng là cha có lý, thưa Đức cha. Liệu con có thể kể với người khác những lời Đức cha vừa nói không?
- Xin cứ việc kể, cám ơn. Và bây giờ tôi phải tới Gneisk. Tối nay, nếu có thể. Anh có thể giúp tôi không?
- Phương tiện vận chuyển? Dĩ nhiên là được. Nếu cha không ngại đi bằng xe tải. Chúng con có thể sắp xếp cho cha liền tức khắc.
- Cám ơn. Tôi biết thật nguy hiểm cho người nào chở tôi.
Jop bước tới cửa phòng khách.
- Mijal - Ông gọi - Đi gặp Janik. Nói với cậu ấy là tôi cần một chiếc xe nửa tấn. Và này, ai còn trong nhà thì ra hết đây. Đức Hồng y Bem sắp ban phép lành cho chúng ta.
Cả nhà nối tiếp nhau đi vào theo hàng một, vợ của Jop, người mẹ già nua lụ khụ của ông ta, hai thiếu niên và một phụ nữ khác đang bế con. Họ đứng đó, nhìn ông với ánh mắt vừa ngượng nghịu vừa hiếu kỳ mà ông đã quá quen thuộc. Nhưng lúc này ông cảm thấy họ đang hoang mang. Ông có thể đúng thật là vị Hồng y đod sao, kẻ trong áo chùng giáo chủ, từ bức hình trên vách phòng khách đang nhìn xuống và cười với họ? Tất cả quì xuống trước mặt ông, kể cả Jop. Ông làm dấu thánh giá. Họ cũng làm dấu thánh giá. Ông nhắm mắt lại, thêm lần nữa, cố gắng nhập mình vào chốn thinh lặng, nơi Thiên Chúa chờ đợi, quan sát và phán xét. Lạy Chúa, xin Chúa phù hộ chúng con. Xin ban bình an cho chúng con.
Máu Hồng Y Máu Hồng Y - Brian Moore