Love is a puzzle posed by the emotions and not likely to be solved by reason.

Anon

 
 
 
 
 
Tác giả: Danial Coyle
Dịch giả: Quỳnh Chi
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1202 / 71
Cập nhật: 2016-06-26 12:19:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9: Mạch Điện Giảng Dạy - Một Bản Vẽ Chi Tiết
ột người thầy có ảnh hưởng đến muôn đời; ông ta không bao giờ có thể nói được ảnh hưởng của mình khi nào mới hết. ― Henry Brooks Adams
4 ĐỨC TÍNH CỦA MỘT HUẤN LUYỆN VIÊN BẬC THẦY Giảng dạy giỏi là một kỹ năng giống như bất kỳ kỹ năng nào khác. Thực tế, nó chỉ giống như một phép màu nếu có sự kết hợp của nhiều kỹ năng - một tập hợp của những bảng mạch myelin được xây dựng thông qua tập luyện sâu. Ron Gallimore, hiện là một giáo sư danh dự nổi tiếng của UCLA, đã mô tả rất hay về kỹ năng. "Những giáo viên giỏi tập trung vào những gì học viên đang nói hoặc đang làm," ông nói, "và bằng cách tập trung cao độ với những kiến thức sâu sắc về môn học, họ có khả năng quan sát và nhận diện những sai sót không nói được thành lời, tìm hiểu về nỗ lực của học viên khi muốn đạt tới sự tinh thông, và sau đó kết nối tất cả những điều trên thành một thông điệp có mục đích."
Những từ khóa trong câu này là kiến thức, nhận diện và kết nối. Những gì Gallimore nói và những gì Jensen, Wooden và bà Mary thể hiện đều có liên quan tới luận đề của chúng tôi: Kỹ năng hình thành là do myelin bọc cách điện cho những mạch thần kinh và phát triển theo những tín hiệu nhất định. Theo nghĩa đen, những huấn luyện viên bậc thầy là hệ thống phân phối các tín hiệu dùng để cung cấp nhiên liệu và định hướng sự phát triển của một mạch kỹ năng nhất định. Họ đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng nhất, rằng kích hoạt ở đây và không kích hoạt ở kia. Huấn luyện là một cuộc trò chuyện tâm tình lâu dài và thân thiết, là một loạt các tín hiệu và phản ứng hướng tới mục tiêu chung. Kỹ năng thực sự của một huấn luyện viên không phải sự thông thái có thể áp dụng mọi nơi mọi lúc và khả năng truyền đạt kiến thức đó tới tất cả mọi người; kỹ năng đích thực thể hiện ở khả năng mềm dẻo khi xác định vị trí điểm nhạy cảm ở rìa tới hạn của khả năng của mỗi học viên, và gửi đi những tín hiệu đúng giúp học viên đạt tới đúng mục tiêu, hết lần này đến lần khác. Như với bất kỳ kỹ năng phức tạp nào, trong thực tế, đó là sự kết hợp của nhiều phẩm chất khác nhau - những thứ mà tôi gọi là "bốn đức tính." KHẢ NĂNG KIẾN THỨC: ĐỨC TÍNH THỨ NHẤT
Các huấn luyện viên và giáo viên tôi đã gặp tại những vườn ươm tài năng đa số đã cao tuổi. Hơn một nửa đã ở tuổi sáu mươi hoặc bảy mươi. Tất cả đều đã dành nhiều thập kỷ tích cực tìm hiểu làm thế nào để huấn luyện cho tốt. Đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên; thực tế, đó là một điều kiện tiên quyết, bởi nó tạo nên siêu cấu trúc thần kinh, phần quan trọng nhất trong những kỹ năng của họ - ma trận kiến thức của họ. Ma trận kiến thức là từ mà Gallimore đã dùng để chỉ mạng lưới rộng lớn những kiến thức về một nhiệm vụ cụ thể giúp những giáo viên giỏi nhất nhận diện và cho phép họ phản ứng một cách sáng tạo, hiệu quả nhất với những nỗ lực của học sinh. Gallimore giải thích điều đó như thế này: "Một giáo viên giỏi có năng lực để luôn luôn tìm hiểu sâu hơn, để xem xét việc học tập mà học sinh có khả năng đáp ứng và đạt tới đích. Việc này tiếp diễn ngày càng sâu hơn bởi người giáo viên có thể suy nghĩ về các tư liệu theo rất nhiều cách khác nhau, và vì có một số lượng vô tận những kết nối họ có thể tạo ra." Hoặc như cách nói của tôi: những năm làm việc đã bao bọc myelin quanh mạch điện của một huấn luyện viên bậc thầy, đây là một hỗn hợp bí ẩn gồm kiến thức chuyên môn, chiến lược, kinh nghiệm và bản năng thực hành; nó được rèn luyện để sẵn sàng đưa vào sử dụng ngay lập tức nhằm xác định vị trí, hiểu được sinh viên đang ở đâu và họ cần đi đến đâu. Nói tóm lại, ma trận kiến thức là một ứng dụng mang tính sống còn của một huấn luyện viên bậc thầy.
Chúng ta sẽ xem ma trận kiến thức thực hiện chức năng tại một thời điểm như thế nào; còn bây giờ, điều quan trọng là mọi người sinh ra không phải đã có sẵn chiều sâu kiến thức như vậy. Họ chỉ có được điều đó khi lớn lên, trải qua thời gian, thông qua sự kết hợp quá trình đánh lửa và tập luyện sâu như nhiều kỹ năng khác.* Một người không thể ngẫu nhiên trở thành một huấn luyện viên bậc thầy. Nhiều người trong số các huấn luyện viên tôi đã gặp có tiểu sử tương tự như nhau: họ đã một thời được coi là một tài năng đầy hứa hẹn trong các lĩnh vực tương ứng, nhưng họ đã thất bại và cố gắng tìm hiểu tại sao lại như vậy. Một ví dụ rõ ràng về những huấn luyện viên này là Linda Septien, sinh ra ở bang Louisiana, người sau này đã lập Phòng luyện âm Septien tại Dallas, bang Texas. Septien là một phụ nữ 54 tuổi, trẻ trung, da rám nắng, thích mặc các loại quần áo bó sát cơ thể và đi giày đế mềm có ánh kim. Bà có sự cởi mở tự nhiên, cho phép vượt qua những khó khăn có thể làm hầu hết mọi người nản chí. Đức tính này thể hiện không chỉ theo cách bà nói chuyện (nhanh, thẳng thắn, những từ khóa được nhấn mạnh) và lái chiếc BMW của mình (chỉ bị 17 vé phạt quá tốc độ vào năm ngoái, bà thông báo với tôi như vậy), mà còn trong cách tiếp cận của bà đối với sự thăng trầm của cuộc sống. Trong cuộc trò chuyện đầu tiên của chúng tôi tại phòng luyện âm, bà đã kể rằng nhà bà bị cháy năm ngoái. “Đám cháy có lớn không?” Tôi hỏi.
"Tôi không có ở đó, nhưng hàng xóm nói rằng đã có vài tiếng nổ lớn khi ngôi nhà nổ tung", bà nói. "Phải mất sáu xe cứu hỏa mới dập tắt được đám cháy. Tôi mất tất cả mọi thứ - hộ chiếu, piano, quần áo, ảnh, bàn chải đánh răng, tất cả đều bị cháy. Con vẹt Cleo bị cháy sxém nhưng chính nó đã gây ra tai họa đó. Tôi không quan tâm đến việc mất đồ đạc, mà chỉ quan tâm đến việc mất thời gian – đó mới là thứ quý giá đối với tôi. Năm ngoái, tôi từng phải chuyển nhà đến sáu lần khi xây nhà mới, điều đó không dễ chịu chút nào. Nhưng anh biết không?" Septien mỉm cười thẳng thắn và tươi tắn đến kinh ngạc. "Tôi thích ngôi nhà mới hơn. Tôi thích nó thực sự đấy." Septien đã được rèn luyện cho việc xây dựng lại. Những năm ở tuổi hai mươi, bà có sự nghiệp opera thành công (biểu diễn với Dàn nhạc giao hưởng New Orleans) và cuộc hôn nhân với Rafael Septien, cầu thủ bóng đá nổi tiếng về sút phạt của đội Dallas Cowboys. Nhưng khi ở những năm cuối của tuổi hai mươi, sự nghiệp opera của bà bị đình trệ và cuộc hôn nhân cũng như vậy. Năm 1984, khi đang mang thai đứa con đầu lòng, ở bờ vực của ly hôn,, bà đã đến Nashville với ý tưởng chuyển sang dòng nhạc phổ thông và thu âm một album nhạc Cơ đốc giáo. Bà thử giọng với một nhóm nhà sản xuất băng đĩa với bài hát "Tôi là điều kỳ diệu của Chúa." Buổi thử giọng diễn ra suôn sẻ, hoặc ít nhất chính bà đã nghĩ như vậy.
"Tôi đã hát rất hay, lưu ý từng nốt nhạc", bà nhớ lại. "Và khi hát xong, các nhà sản xuất ngồi lặng lẽ. Tôi nghĩ, 'Mình đã làm họ choáng váng. Họ biết mình là người tuyệt vời.'" Septien mỉm cười buồn bã. "Sau đó, họ nói cho tôi biết sự thật: Tôi hát thật kinh khủng. Khủng khiếp. Họ không quan tâm đến các nốt nhạc, mà họ quan tâm đến tình cảm, và tôi đã hát chẳng có chút tình cảm nào, không có sự say mê, không truyền tải được câu chuyện. Tôi đã từng là một ca sĩ cổ điển. Tôi không hề biết việc bán một đĩa hát sẽ như thế nào.
"Tôi không thể nói cho anh biết chuyện này đã làm phiền tôi ra sao. Tôi đã nghĩ mình là một ca sỹ rất giỏi, thật sự tài năng và ở đây có một số người nói huỵch toẹt ra rằng tôi hát như đang ngậm cái gì ở trong mồm vậy – và họ đã đúng, tôi hát như thế thật. Điều đó làm tôi thực sự phát điên, và cũng làm cho tôi thực sự tò mò. Tôi muốn tìm hiểu làm sao sự thể lại như vậy." Septien đã dành vài tháng sau đó để chăm sóc đứa con mới chào đời và tìm hiểu về các ca sĩ nhạc pop và rock nổi tiếng: Tom Jones, nhóm Rolling Stones, nhóm U2. Bà học cách họ hát, di chuyển và nói chuyện. Bà đã ghi chép, thậm chí đã viết nguệch ngoạc cả lên khăn ăn và các tờ chương trình, và cất giữ những phát hiện của mình trong những cặp tài liệu lớn. Septien tiếp cận nhạc pop giống như một sinh viên y khoa nghiên cứu tỉ mỉ và có phương pháp các bộ phận khác nhau của cơ thể người. Làm thế nào Tom Jones giữ được hơi trong bài "Delilah"? Bono di chuyển trên sân khấu như thế nào để truyền tải cảm xúc trong các bài hát của anh? Điều gì làm cho giọng hát nhỏ và thanh của Willie Nelson trở nên hấp dẫn đến như vậy? Bà xem xét cả khán giả cũng như các nghệ sĩ, "để nhìn thấy những gì thực sự khiến họ bị được kích động."
Mặc dù đã làm tất cả những việc này, sự nghiệp ca hát của Septien vẫn không nhích lên được trong vài năm sau đó. Bà đã phải làm tạm các công việc như: buôn bán bất động sản, làm phát ngôngôn viên, làm người mẫu, và thỉnh thoảng phải ra khỏi nhà để dạy luyện giọng cổ điển. "Hình như tôi không phải là một giáo viên tốt", bà nói. "Tôi chỉ là mẩu quảng cáo giọng hát duy nhất trong cuốn Những trang vàng Dallas." Khi những ca sĩ trẻ như Debbie Gibson và Tiffany đã thành công đầu những năm 1990, Septien thấy ngày càng có nhiều trẻ em mong muốn trở thành ngôi sao nhạc pop. "Tại sao lại không nhỉ? Tôi đã hỏi như vậy. Tôi biết nhạc pop. Tôi chỉ phải tìm hiểu xem cách dạy nhạc pop như thế nào nữa thôi." Lúc đầu, Septien dạy nhạc pop giống như cách bà đã học nhạc cổ điển, dạy học sinh theo những nguyên tắc kỹ thuật phổ quát. Nhưng điều đó không hiệu quả. "Thực tế, tôi đã nhanh chóng thay đổi và chú trọng vào người nghệ sĩ hơn. Tôi nhận ra công việc của mình là tìm ra cái gì có hiệu quả với ai đó và kết nối điều này với những gì có hiệu quả trong nhạc pop. Không có hệ thống nào để làm việc đó, vì vậy tôi đã phải phát minh ra hệ thống của riêng mình."
Septien đào bới những ghi chép cất trong những cặp tài liệu lớn, và những năm tiếp theo bà đã xây dựng được một chương trình đào tạo áp dụng sự nghiêm túc và cấu trúc của đào tạo cổ điển với thế giới của nhạc pop. Bà đã khai thác phần xướng âm của Whitney Houston cho các bài tập về thang âm. Bà phát triển các chương trình cho các bài tập cơ hoành, huấn luyện về thẩm âm và hát ngẫu hứng. Giống như Feinberg và Levin tại KIPP, bà liên tục thử nghiệm những cách tiếp cận mới, lược bỏ bớt, rồi thử lại. Bà đã làm cho việc biểu diễn trở thành yếu tố trung tâm, thu xếp các hợp đồng biểu diễn cho học sinh của mình tại các trung tâm thương mại, trường học và các cuộc biểu diễn lưu động. Bà yêu cầu học sinh tự viết các bài hát của riêng mình, mời các nhạc sĩ chuyên nghiệp đến dạy họ viết bài hát. Năm tháng qua đi, ma trận kiến thức của bà đã mở rộng. Việc mở rộng được tăng tốc vào năm 1991, khi cô bé mười một tuổi Jessica Simpson biểu diễn tại phòng thu âm của Septien trong một buổi học. "Cô ấy đã hát bài ‘Duyên dáng đến lạ kỳ’", Septien nhớ lại. "Cá tính của Jessica gây được ảnh hưởng rộng – thật sự ngọt ngào, nhưng quá e thẹn khi lên sân khấu. Thêm nữa, giọng của cô bé cần phải luyện thêm nhiều. Nó rất đẹp, nhưng quá giống như hát trong nhà thờ - cũng dễ hiểu vì bố cô bé là một vị bộ trưởng. Giọng cô bé có độ rung lớn." Khi Septien minh họa lại, văn phòng của bà ngập tràn những âm rung. "Không ai hát nhạc pop mà giọng lại rung như thế. Em đã bao giờ nhìn thấy đôi dây thanh đới chưa? Nó có màu hồng và có hình chữ V – về cơ bản, nó là các cơ.” Có tiếng rung nghĩa là Jessica đã không kiểm soát đúng dây thanh đới của mình, vì vậy chúng tôi đã phải luyện tập để làm nó căng ra, giống như một cái dây đàn guitar.
"Một điểm khác của Jessica là cô bé không cảm nhận, không diễn cảm, không có kết nối với cảm xúc của âm nhạc, giống như tôi khi mới bắt đầu hát nhạc pop. Vì vậy, chúng tôi đã phải làm việc rất nhiều, về cử chỉ, sự di chuyển, sự kết nối với khán giả, đó là cả một kỹ năng. Khán giả giống như một con vật to lớn ở dưới kia; em sẽ học cách kiểm soát nó, kết nối với nó, và làm cho nó thở mạnh hơn nữa. Giọng em có thể rất hay, nhưng nếu em không thể kết nối, thì nó không có giá trị. Jessica là một cô bé làm việc rất chăm chỉ. Cô bé thực sự chìm đắm vào việc luyện tập." Phải mất hai năm để sửa chữa độ rung và một thời gian nữa để học thêm các động tác biểu diễn trên sân khấu. Khi cô bé đã bước sang tuổi mười sáu, sau 5 năm làm việc với Septien, Simpson đã có một hợp đồng thu âm. Ba năm sau, cô đã có 3,5 triệu album được bán ra và có riêng một đĩa hạng bạch kim là "Em muốn yêu anh trọn đời." Simpson đã được ca ngợi như là một thành công trong chớp mắt, lối nói khiến Septien thấy nực cười.
"Mọi người nói rằng Jessica là một cô gái Texas đã hát trong dàn hợp xướng của nhà thờ. Điều đó thật vô lý - cô gái này đã phải làm việc miệt mài mới trở thành ca sĩ như cô muốn. Người ta nói, [người đoạt giải Thần tượng nước Mỹ] Kelly Clarkson là một cô hầu bàn, giống như cô ấy không bao giờ hát trước đây. Hầu bàn ư? Xin lỗi? Kelly Clarkson là một ca sĩ – tất cả chúng ta đều biết Kelly Clarkson. Cô ấy đã được đào tạo và phải làm việc mệt nhoài như bất kỳ ca sĩ nào đã làm. Cô ấy không đến từ hư không, cũng như Jessica không đến từ hư không. Đó không phải ảo thuật, anh biết đấy." Sau Simpson, người này tiếp nối người kia. Septien làm việc một thời gian ngắn với một ca sĩ mới nổi đến từ vùng Houston tên Beyoncé Knowles. Tiếp đến, bà sử dụng kỹ năng đang phát triển chưa từng thấy của mình để bồi dưỡng và phát huy năng lực của Ryan Cabrera, Demi Lovato và một số ứng viên có triển vọng tham gia vòng chung kết Thần tượng Mỹ. Phòng thu âm nhỏ của bà được biết đến như một nhà máy sản xuất các ngôi sao ca nhạc. Vào ngày tôi đến, tôi đã được nghe những ca sĩ từ bộ phim Đội nhạc kịch trung học, Barney và những người bạn và nửa tá Christina Aguilera thu nhỏ đang hát. Septien đã bắt tay vào một chương trình biểu diễn xuyên Mỹ để thu hút các nhà đầu tư, hòng tìm kiếm 100 triệu đô-la cho việc mở rộng trường học trở thành "công ty Gap của các trường âm nhạc" như nhà cố vấn tài chính của bà thường gọi. Quan trọng hơn, ma trận kiến thức của bà bây giờ đã hoàn chỉnh. Như Septien đã tổng kết, "Khi một người nào đó bước qua cánh cửa đó, tôi biết mình có thể tìm thấy những gì ẩn chứa trong họ chỉ trong vòng hai mươi giây."
"Không có gì mà bà đã không xem xét, không có gì bạn có thể làm bà bối rối", Sarah Alexander - một cựu luật sư nay đã trở thành một nghệ sĩ thu âm, đã từng làm việc với Septien - nói như vậy. "Bà ấy có sự hiểu biết dựa trên kinh nghiệm về dây thanh đới làm việc ra sao vào bất cứ thời điểm nào, và bà biết chính xác làm thế nào để kết quả tốt hơn. Bà luôn luôn có cách giải thích làm cho vấn đề được giải quyết ổn thỏa. Linda rất quan tâm đến các bước đi nhỏ." "Mọi người nhìn thấy tất cả, ánh sáng lấp lánh và sân khấu, nhưng họ quên rằng các dây thanh đới chỉ là cơ bắp," Septien nói. Chúng... chỉ... là... cơ bắp. Những gì tôi làm cho bản thân với tư cách là một giáo viên không hề khác những gì tôi yêu cầu học sinh của mình làm. Tôi biết những gì mình đang làm vì tôi đã tìm hiểu rất nhiều về nó. Tôi không có sự khác biệt với họ. Nếu dành 5 năm hoặc nhiều hơn để cố gắng chăm chỉ làm một việc gì đó, bạn sẽ giỏi hơn ở lĩnh vực ấy. Tôi sẽ trở nên ngớ ngẩn như thế nào nếu tôi đã không làm như vậy?"
KHẢ NĂNG CẢM THỤ: ÐỨC TÍNH THỨ HAI Đôi mắt là của Trời cho. Chúng thường sắc sảo và ấm áp, nhưng khi xung trận thì thường phải nhìn lâu, không chớp mắt. Một số huấn luyện viên bậc thầy nói với tôi rằng, họ đã huấn luyện mắt mình để chúng được như máy ảnh, và họ thổ lộ rằng chúng cũng có chất lượng ngang máy ảnh của hãng Panavision nổi tiếng. Mặc dù cái nhìn có thể thân thiện nhưng nó không nhằm biểu thị tình bạn, mà biểu thị thông tin. Nó chỉ ra việc bạn tìm câu trả lời cho vấn đề như thế nào.
Khi Gallimore và Tharp nghiên cứu John Wooden năm 1974, họ đã ngạc nhiên khi thấy rằng ông thường phân phối lời khen ngợi và lời chỉ trích không đều. Có thể nói, một số cầu thủ được khen nhiều; một số cầu thủ khác bị chỉ trích nhiều. Hơn nữa, ông rất thẳng thắn trong việc này. Trong suốt cuộc họp trước mùa giải của đội mỗi năm, Wooden sẽ nói, "Tôi sẽ không coi tất cả các cầu thủ như nhau. Đối xử với các bạn như nhau thì chẳng có ý nghĩa gì, vì các bạn khác nhau. Chúa tối cao, với sự thông thái vô hạn của mình, đã không tạo ra các bạn giống nhau. Với lòng hào hiệp và thái độ lịch sự, nếu Chúa làm thế, thì đây sẽ là một thế giới thật nhàm chán, các bạn có nghĩ thế không? Các bạn khác nhau về chiều cao, cân nặng, hoàn cảnh, trí thông minh, tài năng và nhiều thứ khác nữa. Vì lý do đó, mỗi người trong số các bạn đều xứng đáng được đối xử sao cho phù hợp nhất với bản tính cá nhân của mình. Và tôi sẽ quyết định xem nên đối xử như thế nào." Hầu như tất cả các huấn luyện viên bậc thầy mà tôi đã gặp đều tuân theo quy tắc của Wooden. Họ muốn biết về mỗi học sinh để có thể tùy biến việc giao tiếp của mình cho phù hợp với cuộc sống của chúng. Huấn luyện viên bóng bầu dục Tom Martinez, người chúng ta sẽ gặp sau, ví von rất sinh động cho quá trình này. "Cách tôi nhìn nhận vấn đề là, cuộc sống của tất cả mọi người đều có cả cái hay, cái dở và công việc của tôi là cân bằng hai thứ đó,” ông nói. "Nếu một đứa trẻ có rất nhiều cái dở trong cuộc sống, tôi sẽ cho thêm một chút cái hay. Nếu một đứa trẻ hoàn toàn có những cái hay thì tôi sẽ thêm vào cuộc sống của nó một số cái dở."
Ở cấp vĩ mô, các huấn luyện viên tôi gặp đều tiếp cận học sinh mới với sự tò mò của một phóng viên điều tra. Họ cố tìm ra các chi tiết trong cuộc sống cá nhân của học sinh, tìm hiểu về gia đình, thu nhập, các mối quan hệ, động lực phấn đấu của chúng. Còn ở cấp vi mô, họ liên tục theo dõi phản ứng của học sinh đối với việc huấn luyện, kiểm tra xem thông điệp của họ có đến được với học sinh hay không. Điều này dẫn đến việc điều chỉnh tốc độ nói. Huấn luyện viên sẽ phát ra một đoạn thông tin, sau đó tạm dừng, theo dõi người nghe như thể quan sát cây kim của cái máy đếm tiền Geiger. Như Septien đã diễn tả, "Tôi luôn luôn kiểm tra, bởi vì tôi cần biết khi nào họ không biết." "Họ đang lắng nghe theo nhiều cấp độ,” Gallimore nói. Họ có thể sử dụng lời nói và hành vi của mình như một công cụ để thúc đẩy học sinh tiến lên phía trước."
PHẢN XẠ ĐỊNH VỊ TOÀN CẦU: ĐỨC TÍNH THỨ BA "Bạn mang đến cho họ nhiều thông tin", huấn luyện viên quần vợt Robert Lansdorp nói. "Bạn làm họ bị sốc, sau đó hãy làm cho họ sốc thêm một chút nữa."
Sốc là một từ thích hợp. Hầu hết các huấn luyện viên bậc thầy đều truyền thông tin tới học sinh bằng hàng loạt lời nói bùng nổ, ngắn gọn, sinh động và hết sức rõ ràng. Họ không bao giờ bắt đầu với câu "Xin vui lòng…" hoặc "Bạn có nghĩ rằng…" hoặc "Bạn nghĩ thế nào…". Thay vào đó, họ nói bằng những mệnh lệnh ngắn gọn. "Nào, làm cái này" là dạng thông thường nhất; câu “Bạn sẽ…" cũng ngụ ý như vậy. Hướng dẫn của họ không có sự độc tài trong giọng nói (thường là vậy), nhưng được truyền đi theo cách nghe có vẻ lạnh lùng và khẩn cấp, như thể chúng đang phát ra từ một thiết bị định vị toàn cầu (GPS) đặc biệt hấp dẫn, hướng học sinh qua một mê cung đường trong thành phố: rẽ trái, rẽ phải, đi thẳng, về đích. Ví dụ, đây là một đoạn tốc ký dài ba phút khi Linda Septien tập luyện với ca sĩ mười một tuổi Kacie Lynch, với bài hát có tựa đề "Mirror, Mirror". Trên trang giấy, nó được đọc như một màn độc thoại, nhưng cũng giống như bất kỳ việc huấn luyện nào, nó thực sự là một cuộc trò chuyện: Kacie hát, còn Septien thì nói.
Kacie: (hát) Linda: Được rồi, đó là một bản nhạc dance, nó không mềm mại, cũng không phải một bản ballad mạnh mẽ. Nó rất nhanh, do đó em phải di chuyển nhanh hơn chút nữa. Hãy hát như thổi kèn trumpet ấy.
K: (hát) L: Thêm một vài âm tiết vô nghĩa ở cuối mỗi đoạn - hát như thế này này: "Bạn có biết anh ấy quan tâm nhiều như thế nào… á, à…."
K: (hát) L: Nhỏ dần vào cuối câu - phải như một quả bóng bay đang sắp xì hết hơi vậy.
K: (hát) L: Sử dụng cơ hoành của em ấy, đừng sử dụng nét mặt. Giữ chặt lưỡi một chút, để âm thanh rõ hơn.
K: (hát) L: Khi hát mấy âm tiết vô nghĩa, hãy hóp má vào một chút… gần được rồi... sắp đúng rồi... đó, chính nó…
K: (hát) L: Sử dụng cơ hàm của em – em sử dụng cơ hơi yếu đấy. Đó… Đúng thế.
K: (kết thúc bài hát) L: Được rồi, nhưng tôi nghĩ rằng em có thể làm tốt hơn nữa.
K (gật đầu): Thế ạ? L: Nào, bây giờ em tiếp tục tập nhé.
K: Vâng ạ. Đây chính là phản xạ GPS của Septien đang ở trạng thái hoạt động, sản xuất ra một loạt chỉ thị sinh động và kịp thời, tác động vào mạch kỹ năng của học sinh, hướng dẫn nó đi đúng hướng. Trong một bài hát dài ba phút, Septien đã gửi những tín hiệu về:
1. Mục tiêu/ tình cảm của toàn bộ bài hát ("đó là một bản nhạc dance... như thổi kèn trumpet"). 2. Mục tiêu/ tình cảm của một số đoạn ("...giống như một quả bóng bay;...á, à…").
3. Đòi hỏi những chuyển động cơ học cần thiết để hát đúng một số nốt ("hóp má lại, giữ chặt lưỡi, cơ hàm"). 4. Động lực/ những mục tiêu ("em có thể làm tốt hơn... tiếp tục tập").
Septien nói ngắn gọn, xác định lỗi và các giải pháp tương ứng thật sinh động. Bà đánh dấu những khoảnh khắc quan trọng khi Kacie đạt được những mốc mong muốn. ("Đó… thế"). Kỹ năng của Septien không chỉ là ma trận kiến thức mà còn là những kết nối rất nhanh chóng mà bà tạo ra giữa ma trận đó và những nỗ lực của Kacie, liên kết giữa Kacie của hiện tại và hành động sẽ đưa cô bé đến nơi cần đến.* Kiên nhẫn là từ được sử dụng rất nhiều để mô tả những giáo viên giỏi làm việc. Nhưng những gì tôi thấy thường không hoàn toàn là sự kiên nhẫn. Nó giống một sự thăm dò hơn, một sự thiếu kiên nhẫn có tính chiến lược. Các huấn luyện viên bậc thầy tôi đã gặp liên tục thay đổi các yếu tố đầu vào. Nếu A không hiệu quả, họ thử B và C; nếu không thành công, những biện pháp khác sẵn sàng được sử dụng. Sự lặp lại có vẻ bề ngoài giống kiên nhẫn, nhưng khi xem xét kỹ lưỡng hơn, nó thực chất là một loạt các phương án tinh tế, mỗi phương án được thực hiện một cách riêng rẽ, mỗi phương án tạo ra một sự kết hợp đáng giá giữa mắc lỗi và sửa lỗi để phát triển myelin.
Trong số rất nhiều cụm từ tôi nghe thấy vang vọng khắp các vườn ươm tài năng, có một cụm từ nổi bật dùng chung cho tất cả những địa điểm trên. Đó là: "Tốt. Được rồi, bây giờ làm…" Huấn luyện viên sẽ sử dụng nó khi có một học sinh do dự về một số động tác hoặc kỹ thuật mới. Ngay sau khi học sinh có thể thực hiện được kỳ tích (chơi được một hợp âm, đá được một cú vô-lê), huấn luyện viên sẽ nhanh chóng chuyển sang một bài tập khó hơn. Tốt. Được rồi, bây giờ làm nhanh hơn. Bây giờ làm nó hài hòa hơn. Những thành công nhỏ là điểm dừng chân, và là những phiến đá đặt chân chắc chắn để tiến bước. "Một trong những điều lớn lao tôi đã học được trong những năm qua là thúc đẩy," Septien nói. "Ở khoảnh khắc mà học sinh của tôi đạt đến một thành tích mới, thậm chí lúc chúng vẫn đang dò dẫm một chút, tôi lập tức thúc đẩy chúng lên cấp độ tiếp theo."
"Bấm nút này, bấm nút này, bấm nút này và xem bạn có thể làm được gì nào," Lansdorp nói. "Tâm trí là một loại thực hành như thế. Thật tuyệt vời!" TRÌNH DIỄN TRUNG THỰC: ĐỨC TÍNH THỨ TƯ
Nhiều huấn luyện viên tôi gặp có thể tỏa ra xung quanh một bầu không khí ấn tượng thật tinh tế. Robert Lansdorp để tóc theo kiểu hất ngược ra sau và mặc một chiếc áo da màu đen, ông có giọng nam trung vang và to như của ca sĩ nổi tiếng Sinatra. Trang phục sáng chói và mái tóc hoàn mỹ của Septien gợi lên hình ảnh một ngôi sao Hollywood. Larisa Preobrazhenskaya (khi còn trẻ, bà đã được đào tạo để trở thành diễn viên) thích đội khăn trùm đầu kiểu khăn xếp như của Gloria Swanson và mặc bộ quần áo rộng màu trắng không một vết nhăn, bà có thể chuyển từ cái nhìn trừng trừng như của Brezhnev sang nụ cười tươi tắn như của Betty White trong tích tắc. Lansdorp có niềm hân hoan tích cực với những cá tính mà ông sắm vai. "Tôi là một người có thể diễn được nhiều vai khác nhau", ông nói. "Tôi lên giọng, xuống giọng, đặt câu hỏi, quan sát xem chúng có tác dụng như thế nào. Tôi có nhiều kiểu tính cách; đôi khi tôi nhỏ mọn và cứng rắn, đôi khi tôi là người dễ tính. Nó phụ thuộc vào điều gì có tác dụng với đứa trẻ." Từ mô hình trên, có thể dễ dàng rút ra kết luận rằng vị huấn luyện viên bậc thầy này có vẻ hơi khoe khoang. Tuy nhiên, càng nhìn họ làm việc, tôi càng thấy rằng kịch bản và tính cách là những công cụ họ sử dụng để đến được với học sinh và thành tích của chúng. Như Gallimore Ron đã nói, sự trung thực, đạo đức là cốt lõi của công việc – tính cách nằm trong ý nghĩa sâu hơn của từ này. "Những giáo viên thật sự tuyệt vời kết nối tốt với học sinh bởi vì họ là những người coi trọng các tiêu chuẩn đạo đức," ông nói. "Có lòng thông cảm, vị tha, bởi vì bạn không cố gắng nói cho học sinh điều chúng đã biết mà nỗ lực tìm kiếm vị trí để tạo ra một kết nối thật sự."
Sự trung thực trong trình diễn có hiệu quả tốt nhất khi giáo viên thực hiện vai trò thiết yếu nhất của họ: chỉ ra những sai sót. Ví dụ, hãy xem một lớp học toán tại KIPP, do Lolita Jackson, người chúng ta đã gặp ở trên, giảng dạy. Trong một giờ bốn mươi lăm phút, Jackson đã làm việc với cả lớp giống như một công nhân vận hành thiết bị nặng bậc cao, nâng đòn bẩy, kiểm soát mọi động thái với công cụ là giọng nói, cơ thể và đôi mắt của mình. Bà tỏ ra thân thiện và khích lệ lúc này, lúc khác thì ngạc nhiên và rồi lại tỏ ra đáng sợ. Tại một thời điểm, bà nhận ra rằng một học sinh tên là Geraldo đang tính chu vi của một vòngđường tròn tròn bằng cáchnhưng sử dụng sai một công thức sai. "Tại sao em lại nhân với bốn như thế?" bà nói, tỏ rõ sự hoài nghi bằng giọng nói của mình, ngón tay chỉ vào trang giấy, như nhân chứng chỉ ra thủ phạm trong một dãy người đang đứng xếp hàng. "Em có số hai ngay ở kia thôi. Ngay chỗ này! Đó là nơi mà em đã phạm lỗi đấy – ngay ở đó. Ngay chỗ đó!"
Bà quay lại với cả lớp và khuôn mặt đột nhiên trở nên thân thiện và cởi mở. Nhân chứng bắt tội phạm đã biến mất, thay thế bằng một người cô tốt bụng nhất của bạn. "Còn có ai nhầm lẫn về điều đó không nào? Đừng e ngại. Cô chắc chắn rằng các em sẽ không bị nhầm lẫn nữa khi ra trường." Đi dọc theo lối đi giữa lớp học, bà cũng nói theo cách tương tự như thế với một học sinh khác. Jose, cậu bé đang đánh vật với bài tập, gần đây vừa đạt điểm tốt trong kỳ kiểm tra. Jackson đi ngang qua và đứng gần hơn.
"Em đã nói với cha mẹ [về bài kiểm tra] chưa?" Jose gật đầu.
"Cha mẹ em có thích không? Họ có thích không? Em sẽ giữ được phong độ này cho đến cuối năm học chứ?" Jose nói: "Vâng, thưa cô Jackson."
Cô nhìn cậu học sinh nghiêm khắc. "Em biết mà, Jose, cô không thích nó. Cô không thích nó," bà nói. Lớp học nín thở và Jackson đang làm chủ khoảnh khắc đó. Thế rồi, bà nở một nụ cười rạng rỡ. "Cô không thích nó - cô thích nó! Cô yêu nó! CÔ THÍCH nó!"
Sau đó, cả lớp thực hiện lại phép tính chu vi một lần nữa, lần nữa, và lần nữa. Đầu tiên, 80% học sinh làm đúng, sau đó 90%, rồi 95%, cuối cùng là 100%. Và cả lớp vỗ tay ăn mừng. "Chúng ta đã hiểu rõ hơn rồi nhỉ? Hiểu rõ hơn chưa?" Cô Jackson nói, tổng kết lại. "Các em chưa hoàn toàn hiểu rõ điều này, không sao, chúng ta thực hành chưa đủ thôi. Nhưng chúng ta đã hiểu hơn chưa? RỒI!"
"Tôi có thể kết nối với bọn trẻ bởi tôi biết mình đang nói về cái gì," Jackson đã nói với tôi sau đó. "Tôi không đi học đại học cho đến khi con tôi vào trung học, do đó tôi biết cả hai mặt của vấn đề. Tôi biết thế giới mà chúng đang sống. Cuộc sống đó không phải là toán học, tôi không dạy toán mà dạy về cuộc sống. Dạy rằng mỗi ngày là một ngày mới, và mỗi khi thức dậy, bạn nhìn lên bầu trời mà mình có được như một món quà. Ngày hôm nay đến rồi đây, bạn sẽ làm gì với nó?" PHÁT TRIỂN MẠCH THẦN KINH: TẠI SAO DẠY BÓNG ĐÁ KHÁC VỚI DẠY VIOLIN?
Với những huấn luyện viên chúng ta đã gặp cho đến nay, thật thú vị khi định nghĩa một huấn luyện viên bậc thầy là một người thợ điện bận rộn, luôn kích thích học sinh bằng các tín hiệu hữu ích, hàn các mối nối myelin. Điều đó thường xảy ra. Nhưng nhiều khi, những huấn luyện viên xuất sắc nhất lại là những người hoàn toàn im lặng. Hãy xem xét câu hỏi hóc búa này: những học viện bóng đá ở Brazil và các chương trình dạy violin của Suzuki đều giỏi trong việc phát triển các tài năng đẳng cấp thế giới; tuy nhiên, huấn luyện viên bóng đá Brazil nói rất ít, còn giáo viên violin của Suzuki lại nói rất nhiều. Để hiểu được lý do tại sao, trước tiên chúng ta hãy xem xét từng trường hợp một. Các buổi tập futsal kiểu Brazil cực kỳ đơn giản. Huấn luyện viên bắt đầu với một vài bài tập lướt qua, sau đó chia đội thành hai bên và cho bọn trẻ chơi một trận căng thẳng, nghẹt thở; trong thời gian đó, huấn luyện viên hiếm khi nói một lời nào. Huấn luyện viên chỉ chú ý quan sát. Thỉnh thoảng, ông mỉm cười hoặc cười phá lên, hoặc kêu lên “Ồ…” với một pha bóng đẹp, giống như một cổ động viên bình thường. Nhưng ông không huấn luyện theo nghĩa thông thường của từ này, ví dụ ông không dừng trận đấu lại, giảng dạy, khen ngợi, phê bình, hoặc nếu không thì đưa ra một điều chỉnh nào đó. Nhìn bề ngoài, cách tiếp cận thoải mái này hình như vi phạm các nguyên tắc kinh điển của cách huấn luyện bậc thầy. Làm thế nào bạn có thể xây dựng được kỹ năng cho học viên nếu bạn không dừng các hành động lại, cung cấp thông tin, khen ngợi và sửa lỗi?
Ở thái cực khác là giờ học đàn violin ở Học viện âm nhạc Suzuki. Ở đây, giáo viên theo dõi những người mới học với sự chính xác đo bằng kính hiển vi. Một số chương trình không cho phép học sinh chơi một nốt nhạc nào cho đến khi người đó đã dành nhiều tuần để học cách giữ cây vĩ và cây đàn cho thành thục. (Ở Nhật Bản, nhiều sinh viên Suzuki thậm chí không được phép đụng đến cây đàn suốt những tuần đầu, mà chỉ được đưa cho một chiếc hộp đựng giày có buộc dây để thực hành nắm giữ.) Việc đào tạo của Suzuki là hình ảnh âm bản của futsal tại Brazil: đó là 100% dành cho cấu trúc và 0% dành cho chơi tự do. Tuy nhiên, nếu đánh giá dựa trên các kết quả ấn tượng thì cả hai kỹ thuật huấn luyện đều đạt hiệu quả cực tốt. Tại sao vậy? Câu trả lời nằm ở bản chất của các mạch kỹ năng mà mỗi kỹ thuật đang cố gắng xây dựng. Từ quan điểm myelin, hai huấn luyện viên chỉ nhìn thấy họ đang làm những điều trái ngược. Thực tế, cả hai người đều đang làm chính xác những gì mà những huấn luyện viên giỏi nên làm: họ thực sự đang giúp các mạch điện được hoạt động càng nhiều càng tốt. Sự khác biệt là ở hình dạng của các mạch kỹ năng mà mỗi người đang cố gắng ươm trồng.
Trong các mạch kỹ năng, giống như bất kỳ mạch điện nào, hình thức phải tuân theo chức năng. Các kỹ năng khác nhau đòi hỏi những khuôn mẫu hành động khác nhau, và như vậy đòi hỏi các bản mạch được cấu trúc khác nhau. Ví dụ, hãy hình dung những gì đang xảy ra bên trong hệ thần kinh của một cầu thủ bóng đá khi anh ta di chuyển một mình giữa sân. Hệ mạch kỹ năng bóng đá lý tưởng rất đa dạng và đáp ứng nhanh, không ngừng thay đổi để phản ứng lại những trở ngại, có khả năng sản sinh ra vô số các tùy chọn, nó có thể kích hoạt trong một chuỗi liên tục: Nào, cái này, cái này, cái này và cái kia. Tốc độ và sự linh hoạt là tất cả. Hệ mạch càng nhanh và càng linh hoạt thì càng có thể vượt qua nhiều trở ngại, kỹ năng của cầu thủ càng phát triển. Nếu hệ mạch kỹ năng bóng đá lý tưởng được kết xuất ra máy in như bản sơ đồ chi tiết của một mạch điện, nó sẽ trông giống như một dàn dây nho khổng lồ: một mạng lưới rộng lớn, kết nối chặt chẽ các tiềm năng có thể được truy cập như nhau (như động tác đánh lừa đối thủ và di chuyển), dẫn đến cùng một kết quả: Pelé một mình rê bóng giữa khu vực đang bị tấn công. Bây giờ, hãy hình dung kết cấu mạch kỹ năng được kích hoạt ra sao khi một nhạc công violin chơi một bản sonataxô-nát của Mozart. Mạch này không ngẫu hứng như dàn dây leo, mà là một loạt những đường dẫn được thiết kế để tạo ra – hay nói chính xác hơn là tái tạo ra - một tập hợp các chuyển động lý tưởng. Các quy luật nhất quán; khi người nghệ sĩ violin chơi một hợp âm La thứ, nó luôn luôn là La thứ chứ không thể khác, dù chỉ chút ít. Bản mạch chính xác và ổn định này là nền tảng mà trên đó những mạch khác, các khuôn mẫu ngày càng phức tạp, có thể được xây dựng để hình thành bản sonataxô-nát của Mozart. Nếu kết cấu mạch chơi violin lý tưởng cũng được kết xuất thành bản sơ đồ chi tiết của người thợ điện thì trông nó sẽ giống như một cây sồi: một thân cây vững chắc của kỹ thuật phát triển thẳng lên, đâm nhánh vào không gian một cách trôi chảy và thuần khiết – một Itzhak Perlman đang bay vượt lên vòm lá của nốt nhạc thứ mười sáu.
Trong suốt quá trình tập futsal “không được chỉ dẫn” ở São Paolo, những mạch kỹ năng linh hoạt của các cầu thủ được kích hoạt với tốc độ và cường độ rất lớn. Trận đấu giống như một nhà máy sản xuất ra những pha đối đầu mà huấn luyện viên muốn chỉ dạy, kèm theo lợi ích là phản hồi thông tin được diễn ra ngay lập tức: khi một chuyển động không hiệu quả, cầu thủ bị mất bóng và kết quả bằng không; khi chuyển động có hiệu quả thì kết quả là cảm giác ngất ngây của chiến thắng. Dừng trận đấu lại để làm sáng tỏ một số chi tiết kỹ thuật hoặc khen ngợi sẽ làm gián đoạn dòng chảy của sự kích hoạt, thất bại và học tập có chủ ý. Đó chính là tâm điểm của việc tập luyện sâu các mạch linh hoạt. Những bài học mà các cầu thủ tự dạy mình luôn có sức mạnh lớn hơn bất cứ lời nói nào của huấn luyện viên.* Người mới học violin đại diện cho trường hợp ngược lại. Đây là mạch kỹ năng không chỉ cần được kích hoạt mà phải được kích hoạt một cách chính xác. Yêu cầu về đầu vào cao của huấn luyện phản ánh một thực tế sinh lý học rất quan trọng: mạch này sẽ tạo thành cái lõi của thân cây sồi. Các hành động của huấn luyện viên tạo ra một loại lưới mắt cáo, định hướng sự phát triển của cây non đến nơi nó cần đến một cách chính xác. (Nhân tiện, phải nói rằng điều đó không có nghĩa là quá trình này cần phải quá long trọng một cách không cần thiết. Các giáo viên của Suzuki tôi đã gặp thật duyên dáng và lôi cuốn, họ có thể biến việc giữ hộp đựng giày thành một trò chơi thú vị).
Những kỹ năng như bóng đá, viết văn và diễn hài kịch là những kỹ năng đòi hỏi hệ mạch linh hoạt, nghĩa là chúng yêu cầu chúng ta ươm trồng những bản mạch rộng lớn kiểu dây leo để có thể vượt qua những trở ngại không ngừng thay đổi. Trong khi đó, chơi violin, chơi golfgôn, thể dục dụng cụ và trượt băng nghệ thuật là những kỹ năng cần hệ mạch nhất quán, phụ thuộc hoàn toàn vào một nền tảng kỹ thuật vững chắc. Hệ mạch này cho phép chúng ta tái tạo một cách đáng tin cậy các nguyên tắc cơ bản của sự trình diễn lý tưởng. (Đây là lý do tại sao những người tự học vĩ cầm, trượt băng và các vận đông viên thể dục dụng cụ hiếm khi đạt đến đẳng cấp thế giới, và tại sao các nhà viết tiểu thuyết, viết hài kịch và cầu thủ bóng đá tự học lại luôn làm được). Quy tắc phổ quát vẫn vậy: huấn luyện tốt hỗ trợ việc xây dựng bản mạch mong muốn. Một huấn luyện viên Brazil trông có vẻ như bị động và một giáo viên dạy vĩ cầm tham gia rất sâu vào quá trình luyện tập của học viên tại Học viện Suzuki dường như sử dụng các phương pháp khác nhau. Khi quan sát gần hơn, chúng ta sẽ thấy rằng mục tiêu của họ giống nhau, của John Wooden hoặc Mary Epperson hoặc bất kỳ một huấn luyện viên nào khác cũng vậy: để vào bên trong khu vực tập luyện sâu, để tối đa hóa việc kích hoạt mạch điện nhằm tăng cường myelin đúng cho nhiệm vụ, và cuối cùng để đi được gần hơn đến ngày mà mỗi huấn luyện viên đều ao ước, khi học sinh trở thành giáo viên của chính họ. “Nếu được lựa chọn giữa việc bảo học sinh làm một điều gì đó với bảo họ tự tìm ra việc cần làm, tôi sẽ luôn luôn chọn phương án thứ hai,” Landsdorp nói. “Bạn sẽ làm cho mỗi đứa trẻ trở thành một người biết suy nghĩ độc lập, một người biết giải quyết vấn đề. Tôi không cần nhìn thấy chúng hàng ngày chỉ để thỉnh thoảng nói xen vào. Bạn không thể cho chúng bú mớm suốt đời được. Vấn đề là, chúng phải tự mình hiểu ra mọi việc."
Mật Mã Tài Năng Mật Mã Tài Năng - Danial Coyle Mật Mã Tài Năng