I love to lose myself in other men's minds.... Books think for me.

Charles Lamb

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1914 / 59
Cập nhật: 2015-07-18 13:01:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 23
húng tôi chờ giao liên hai ngày liền mới có kết quả. Anh giao liên này là người lớn tuổi nhất trong số giao liên tôi gặp từ trước tới nay. Và lạ lùng thay anh là người ở gần bên nhà bà ngoại tôi. Nhờ một câu chuyện hỏi thăm vớ vẩn lấy lệ xã giao mà chúng tôi nhận ra nhau.
Từ đó có một sự biệt đãi của trạm đối với đoàn. Anh cho biết là bắt đầu từ trạm này thì ở mỗi chặng có hai giao liên dẫn khách đi, để rủi có người hi sinh thì còn người kia dắt đường. Tình hình từ đây trở vô “động” dữ lắm.
Mặc dù tình hình ở đây bị động trong mấy ngày liền nhưng khách ở trạm ngoài vẫn được đưa vô. Và bơi qua sông như bữa trước. Giao liên rút kinh nghiệm, bắt tất cả khách phải qua hết bờ bên này và dắt đi luôn một mạch tới chỗ đóng quân nhất định để tránh bị chụp như vừa rồi. Anh bạn đồng hương biệt đãi đoàn chứng tôi. Thay vì chúng tôi ở chung với khách, thì anh cho vào khu vực riêng rất bí mật của trạm.
Lần đầu tiên từ mấy tháng nay tôi được trông thấy một ngôi chòi gần giống cái nhà nghĩa là nó có hai mái. Ở đây có hai người giao liên, – anh trẻ tên Bé, còn người đồng hương của tôi tên Đăng.
- Vậy là hai mươi năm anh mới về quê. – Đăng nằm lên võng và nói.
- Đúng hai mươi năm 1945-1965.
- Em là thằng thiếu nhi được cô Hai Triêm cho cầm cờ đi đầu mỗi khi tập đi đều ở sân chợ đó, anh nhớ không?
- Tôi nhớ những buổi tập thiếu nhi chứ không nhớ chú.
- Vậy anh còn nhớ cô Hai Triêm không nào?
- Cổ là cô của tôi mà sao không nhớ.
- Bên ngoại sao lại cô? Cô chỉ bằng tuổi anh thôi mà!
- Ừ, cổ bà con bên nội tôi. Tuy cổ ngang tuổi nhưng vai lại lớn.
- Bây giờ bả làm lớn lắm!
- Tới chức gì lận?
- Bí thư chi bộ.
- Dữ vậy à?
- Bả lên tỉnh rồi. Hồi em ra đây nghe nói bả vô tỉnh ủy.
- Tôi cũng có thằng bạn học thuở nhỏ bây giờ cũng lên tới tỉnh ủy.
- Quê mình bây giờ tiến bộ lắm anh ạ. Anh về mà coi.
- Từ đây về tới mình lội mất bao nhiêu ngày nữa?
- Tới R thì chừng một tháng. Từ R tới quê mình chừng hai mươi ngày. Đó là nói đường suông sẻ. Khi có bị chụp thì lại vô kể ngày tháng.
- Chú ra đây bao lâu rồi?
- Hai năm!
- Đồng khởi năm nào?
- Sáu mươi! Giải phóng được ít lâu thì em đi.
- Ở nhà bà con mình mạnh khoẻ hết chớ?
- Dạ… mạnh hết anh ạ! Đăng lăn qua trở lại, trong bóng đêm tôi nghe tiếng võng ni lông sột soạt như sự trăn trở nội tâm của chàng trai. Một chốc Đăng nói:
- Có chuyện này buồn, tôi không muốn nói cho anh biết.
- Chuyện gì, chú cứ nói, trước sau gì tôi cũng biết.
- Cậu Tám bị trừ gian.
- Hả? – Tôi bật lên và chồm sang võng Đăng.
Đăng lặng im. Tôi gắt:
- Chú nói thật hả Đăng?
- Dạ thì vậy đó. Còn cậu Bảy thì bỏ đi Sài Gòn ở biệt trên đó.
Tôi choáng váng hết cả mặt mày.
Trời! Tôi không thể hiểu được! Tôi hỏi:
- Ai chủ trương vậy?
- Dạ thì mấy ông chi ủy chớ ai.
- Cậu tôi làm gì mà bị như vậy chớ?
- Dạ hồi đó mình mới nổi lên thì ai cũng hăng hết. Ai cũng đòi chia đất như ngoài Bắc. Trong này cứ nghe ngoài Bắc làm sao thì trong này làm vậy.
- Tại sao trong này biết chuyện ngoài Bắc?
- Dạ lén nghe đài chớ! – Đăng tiếp – Mấy ổng đòi lấy đất cửa Bà Tư (tức là Bà Ngoại tôi) chia cho tá điền. Cậu Tám bảo tụi chăn trâu chăn bò làm bậy chừng nào có lệnh cụ Hồ tao mới chia. Có vậy thôi rồi xảy ra chuyện đó
(Vậy tôi đi theo cách mạng để làm gì nhi? Tôi tự hỏi.)
- Thằng nào là chi ủy?
- Dạ ông Dinh, với mấy ông mướn ruộng của Bà Tư hồi xưa tới giờ.
- Nó có đong hột lúa ruộng nào đâu, kể từ hồi 45 tới 54, tới mùa là vỗ tuột.
- Dạ có đong! Mấy lúc sau Đồng Khởi, Mật trận bắt phải đong nhưng Bà Tư cũng như mấy người có ruộng cho mướn không dám lấy đúng qui định của Mặt trận mà một giạ chỉ lấy một lon sữa bò tượng trưng thôi. Nếu lấy đúng mức là lại có chuyện. Phép vua thua lệ làng mà anh. Bây giờ tất cả đều do chi ủy quyết định hết.
- Rồi Bà Ngoại tôi sống ra làm sao?
- Dạ tôi không biết, nhưng chắc cũng không đến nỗi nào đâu anh!
Tôi thực sự thấy ê ẩm cả tâm thần. Và chán nản. Từ bên ngoại đến bên nội tôi không có một người nào đứng ngoài hoặc đi ngược phong trào cách mạng. Riêng về sự cống hiến vật chất thì không một gia đình nào bằng. Vì Độc lập Tự do Hạnh phúc của dân tộc!
Tôi có hai người chú đi Vệ quốc đoàn hi sinh hồi 1947. Một người chú làm trung đoàn phó đã về Nam và hi sinh ở Kà Tum. Một người chú khác là kỷ sư nông nghiệp ở Miền Bắc. Riêng cậu Bảy tôi là Đoàn trưởng Thanh niên Cứu quốc tỉnh được chọn đi học ngoại quốc hồi kháng Pháp nhưng cậu không đi, dì Năm tôi là cán bộ huấn luyện Phụ nữ Cứu quốc có chồng là chiến sĩ Côn Đảo, hai vợ chồng đã đào tạo thế hệ cán bộ lứa tuổi tôi cho cách mạng trong tỉnh.
Nhà ông Nội, nhà bà Ngoại tôi không có lúc nào ngớt cơ quan và bộ đội đóng ăn dầm nằm đề khui hết bồ lúa này tới bồ lúa khác… Hồi còn lao đao thì cách mạng dựa vào dân, khi thành công rồi thì cách mạng quay lại ăn thịt dân. Cách mạng bên Nga bên Tàu bên ta đều thế cả!
Tôi không muốn hỏi gì thêm. Vì sợ nhiều chuyện không vui nữa sẽ làm cho tôi không đi nổi về tới nơi. Tôi nằm trên võng mà nghe như lơ lửng giữa mây. Và lên cơn đau thực sự, đau tim, đau óc, đau cả thể xác lẫn tinh thần.
Đăng hỏi:
- Anh có thuốc rét không cho tôi đỡ vài viên?
- Ở đây cũng sốt rét nữa sao?
- Vừa sốt vừa chói nước anh ạ. Bụng đứa nào đứa nấy bin rỉn giống như mắc cam tích, nhưng không có thuốc gì hết, chỉ uống rễ cây bồ hòn.
- Có kết quả không?
- Thì đau chân há miệng vậy chớ nhằm gì anh! Nghe người ta nói rằng hồi trước Tây nó đày người mình lên đây uống nước suối rồi rụng tóc, bụng to mà chết dần. Mình vì nhiệm vụ cách mạng phải đi chớ ớn quá anh ơi!
- Sao chú lọt ra đây vậy?
- Mới đầu tôi chỉ xung phong đi lên khu thôi. Xã mình đi hai mươi người. Lên tới quận trốn hết phân nửa. Lên tới tỉnh còn một mình tôi. Chẳng lẽ bỏ về mất mặt Đồng Khởi nên tôi bấm bụng đi. Lên tới khu người ta đưa lên R. Lên R. họ lại đưa ra đây. Ở trên nói là ra đón bộ đội Miền Bắc vào. Toàn là súng to, không phải thứ Ngựa Trời như trong tỉnh mình hồi Đồng Khởi đâu! Nghe thế tôi phấn khởi quá chừng, nên đi thì đi. Đi tới trời cũng đi mà! Cho nên bây giờ kẹt ở đây, kêu trời không thấu. Ở trên chưa cho về.
- Bộ đội vô hằng ngày, thiếu gì đó!
- Tôi coi tướng mấy cậu này vô trong mình không chịu nổi trực thăng đâu anh.
- Tuy vậy nhưng rồi cũng quen đi chú ạ!
- Trông họ khờ quá.
- Ừ thì tân binh phải vậy chớ sao. Còn bộ đội thiện chiến vô sau! – Tôi hỏi tiếp – Chắc đêm qua mình thiệt hại nhiều phải không?
- Nghe họ bàn tán với nhau thì “đi” hết vài chục.
- Rồi bỏ luôn xác đó à?
- Chứ anh bảo tụi tôi làm gì? Cuốc xuổng đâu mà đào đất? Mà tay chân nào đào cho thấu. Đất ở đây không phải đất thịt như trong mình. Toàn đá sỏi. Đào chắc gãy cán cuốc hết.
- Nếu để vậy, mai mốt trạm ngoài đưa khách vô thấy cái cảnh người đi giải phóng chết nằm như rạ đó sao tiện?
- Bể điểm rồi. Tôi phải dời ngược lên và cắt đường mới. Trạm này trụ một chỗ lâu quá không dời, nên mới lộ.
Ở chặng này thì những chuyến đi vô không có thời dụng biểu nhất định. Cứ khách đến đông đông thì Đăng lại cho đi. Có lẽ vì máy bay bắn bến sông và trực thăng chụp cho nên trạm ngoài đánh hơi được nên không đưa khách vô. Hai ba ngày liền Đăng đi rồi về, không dẫn người khách nào theo cả. Bất cứ thứ gì trên con đường này cùng đều trợt ngoài đường rầy của sự lãnh đạo. Do sự nằm ỳ tại trạm mà nảy sanh vấn đề. Số là trong đội nữ binh có một cô học sinh Trưng Vương rất xinh, tên là Huyền. Không biết cậu giao liên trẻ (tên Bé) tò tí thế nào mà móc dính với cô Huyền. Và cậu Bé trình bày thật với thủ trưởng Đăng. Đăng bèn hội ý với Vân. Vân gọi Huyền tới hỏi đầu đuôi câu chuyện. Thì Huyền thú thật là hôm bữa bọn tôi nhậu ở trạm ngoài, Huyền vô tình đến gần đó và nghe Vân kể về chuyện bào chế cao đơn hoàn tán cho mấy ông kẹ. Huyền hoang mang và tìm cách thoát ly đoàn.
Vân gắt:
- Cô có nói với mấy cô kia không?
- Không ạ! Em chỉ giữ trong bụng và tự lo thân.
- Tôi chỉ bịa chuyện chọc vui mấy ông bạn của tôi thôi chứ trong cách mạng làm gì có chuyện đó!
- Vâng, em cũng nghĩ là cách mạng không coi người dân ta rẻ rúng thế.
- Thì tại sao cô lại muốn quay ngang không đi vô nữa?
- Em thấy các anh giao liên cực khổ nên em muốn chia xẻ với các anh ấy!
- Cô dắt khách được à?
- Dạ được chứ! Ở ngoài Bắc có nữ công nhân lái máy cày, nữ công nhân dệt, nữ công nhân hàn điện, tại sao em không làm được nữ giao liên trên đường này? Thì cũng như em đi từ trạm “một” tới đây vậy thôi! Đâu có khó gì!
Vân gặp tôi và kể lại câu chuyện trên. Tôi lôi Hoàng Việt đến. Ba đứa cùng ra rừng để bàn định. Cuối cùng là phải để Huyền ở lại thôi. Vì đó là “lô gích cách mạng” mặc dù bên trong vấn đề thì lại rất “phản lô gích”. Huyền đã tìm đường thoát từ khi nghe lỏm được chuyện bí mật đó. Đến bây giờ mới có cơ hội. Vân thở dài:
- Mình lấy lý do gì để không cho nó ở lại trạm?
- Nó đã biết chuyện đó rồi, nếu để nó đi, nó phụ nhĩ với đám kia thì hỏng kế hoạch của Phòng Dược của ông Dược sĩ hết ráo.
- Hay ta nói tung hê cả vấn đề bỉ ổi đó ra và cho các em tự tìm công tác mới?
- Đâu có được nhiệm vụ của tao là đi ra Miền Bắc lấy thuốc và tuyển chọn các cô. Trở vô mà không có gì hết, tao đứt đầu à?
- Mày đứng ở cửa giữa: Lương tâm và Cấp trên. Né bên này đụng bên kia.
- Cách mạng có nhiều cái kỳ cục lắm mày ạ, chỉ trong phạm vi y tế thôi tao thấy cũng chướng rồi. Nội các bệnh viện ở Hà Nội thì mày cũng đủ rõ rồi. Bệnh viện Việt Xô dành cho ông to bà lớn. Bệnh viện 108 (tức Đồn Thủy) dành cho mấy ông tướng bà tá, bệnh viện Việt Đức (tức Phủ Doãn) dành cho cán bộ nhèm, bệnh viện C dành cho nhân dân cá kèo. Vô tới trong R kỳ này mày sẽ thất vọng. Nó không có giống như thời kỳ chống Pháp nữa đâu nhé. Cùng đau một bệnh nhưng người này có thuốc, người kia lại nằm chờ chết. Nếu tao không nói thì có bao giờ mày tưởng tượng rằng trong chế độ mà người ta rêu rao là vì dân, do dân, của dân mà lại bắt con cháu nhân dân đi làm những cái máy sản xuất cao đan hoàn tán như thế này không? Trong lúc đó thì con cháu của các chả thì đứa đi Liên Xô đứa đi Đông Đức. Ở trong này thì cũng vậy. Lính không có gạo nấu mày thấy chưa, nhưng mấy ông kẹ thì tẩm bổ bằng sữa, whisky và… thịt người. (Tôi giật mình nhảy nhỏm) Chứ không à? Như tao nói đó, các cô em này không bị mấy ông ăn thịt là gì? Tao chán lắm! Nếu bắt tao làm mãi cái trò “phục vụ cách mạng” như kiểu này thì chắc tao về nhà nuôi vịt Tàu thôi mày ạ.
Đám cưới Bé-Huyền được tổ chức ngay trong trạm. Vân đem một ít đường cát ra đãi khách. Còn các cô nữ binh mỗi người mỗi món, hoặc một chiếc khăn tay, một cái kẹp tóc tặng bạn làm kỷ niệm. Tôi xé tập bản thảo đã dóm bếp gần hết, dán ba tờ làm một với hồ khuấy bằng bột gạo, dừng thuốc đỏ của ông dược sĩ kẽ cái khẩu hiệu “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” đè lên những chú ký của tôi ở dọc đường, ghim nó lên vách lá. Cái khẩu hiệu này tôi trông thấy hai ba lần ở “Phòng Cưới” góc đường Bà Triệu dùng làm đám cưới tập thể. May sao tôi còn nhớ. Nhưng khi nhìn căn chòi trống hoang chẳng có vẻ gì “vui duyên mới” cả, tôi xót thương cho cặp trai gái sinh bất phùng thời này, nên bày thêm ra cái bàn thờ Tổ quốc. Đó là cái bàn bện bằng cây rừng của Đăng dùng để ba lô. Tôi lấy tấm vải dù của tôi (do anh rể của Phương tặng cho tôi ở Hà Nội) dùng làm chăn đắp mấy tháng nay, trùm lên. Mấy cô em đi hái hoa rừng cắm vào một cái lọ hoa đặc biệt: đó là vỏ đạn cà nông 37 ly của trạm dùng uống nước trà. Để cho “quan khách” biết rằng đó là bàn thờ Tổ quốc, tôi lại xé thêm hai tờ bản thảo, một tờ tôi bôi thuốc đỏ và kí-nin làm cờ một tờ tôi kẽ hai chữ “Tổ Quốc” trong hai cái vòng thật tròn và to bằng vành chén sắt Hungari như kiểu chữ Nho.
Vân làm chủ hôn bên gái, Đăng, bên trai. Hoàng Việt và tôi được mời làm thượng khách, các cô nữ binh vừa làm khách vừa làm người nhà.
Các cô nấu đến gần hai chục cái gà mèn cơm. Các cô làm bánh với một ít bột gạo của tôi và Hoàng Việt. Đám cưới gì lại không có bánh? Chỉ có đám cưới tập thể ở Phòng Cưới Bà Triệu thôi. Thật mỉa mai chua xót cho Bà Triệu phải nhìn thấy con cháu mình cưới nhau bằng nước chè xanh và thuốc lá suông với năm mẩu chuyện khào nhạt hơn cả khói thuốc và chè xanh.
Hoàng Việt bỗng gợi ý: “Còn rượu cồn không ông dược sĩ? ”
Thế là Vân lại pha pha chế chế rượu tân hôn. Hoàng Việt cười:
- Tụi nó còn trẻ thì khỏi dùng “đậu phộng Hà Tĩnh hả?
Tôi cũng cười:
- Và khỏi ngậm sâm.
Cô dâu và chú rể mặc quần áo mới nhất của họ. Huyền thì tra chiếc áo pô-pe-lin trắng cổ bẻ bánh bèo, quần vải đen Liên Xô loại hai thước một năm cho mỗi đầu người trên mười tám tuổi, chân mang dép cao su cải tiến (tôi không biết là cải tiến như thế nào so với dép của tôi, nhưng nghe gọi thế thì hay thế), tóc chải phùng và may quá, có được một cái hoa nhựa mầu hồng gắn trên tóc. Còn Bé thì mặc áo bộ đội (chắc của anh lính nào đổi chác hay tặng, quần tây của Hoàng Việt vừa cho, cái quần ni lông đi pa-tanh bị thủng đít vừa vá xong. (Cũng may là chú rể không phải mặc cái quần tiều của giao liên). Tóc chàng rể được tỉa bớt bằng lưỡi lam của tôi với bàn tay ông thợ cạo Hoàng Việt.
Như thế là đã chu tất lắm rồi. Một cái đám cưới nếu có ở giữa rừng Trường Sơn, không thể hơn được đám này.
Khổ tâm nhất là ông chủ hôn đàng gái phải đứng lên công nhận đôi tân hôn và với tư cách chỉ huy, ban huấn từ cho chúng. Vân nói lại mấy cái công thức muôn đời ở các đám cưới tập thể và kết luận:
- Hai em nên gắn bó với nhau trong tinh thần cách mạng, sửa chữa khuyết điểm cho nhau, khuyến khích nhau hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giao phó để đáp lại ơn Bác và Đảng. Không có Bác Đảng các em không được như ngày nay.
Tôi đứng bên cạnh Vân. Tôi phục lăn hắn.
Tôi không hiểu hắn thay lưỡi hồi nào mà nói năng trôi chảy như vậy, nói láo mà y như thiệt. Xin bạn đọc tạm ngưng uống rượu cồn pha nước suối giây lát.
(Về sau khi tôi về hồi chánh ở Sài Gòn, tôi gặp hắn. Hắn “dông” trước cả tôi cơ, đâu năm 1967 gì đó. Hai vợ chồng đổi tên khác, Vân ra Bảy, Phụng ra Ba. Anh Bảy và chị Ba. Cộng lại thành Mười có nghĩa là – theo y giải thích- mười năm xã nghĩa có đầy đủ chứng cớ để cho vợ chồng Bảy Ba chào thua cách mạng. Anh Bảy làm cho Sở Thẩm vấn của Mỹ ở Biên Hòa, đi Honda dame, vợ có thêm hai con trai rất bụ bẫm. Hai vợ chồng đến tận Trung tâm Chiêu hồi Trung ương ở Thị Nghè rước tôi và sáu anh chàng nghệ sĩ của đoàn Văn công Giải phóng mới “chia tay” với Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ – về nhà đãi một bữa thịt bò, ngồi dưới đất ăn và uống bia và say và ói suốt đêm thứ bảy và ngày chủ nhật. Anh Bảy và chị Ba vui mừng vô cùng. Anh Bảy nhắc lại chuyện đám cưới Bé-Huyền. Tôi hỏi:
- Sao mày ban huấn từ “ngọt” vậy?..
- Mày xem tao đóng kịch tài chưa? Tụi mày làm văn nghệ thua tao xa. Tao đóng kịch suốt mười năm ở Miền Bắc, bốn năm năm trong R.
Tôi nói:
- Hồi đó nhìn cái mặt nghiêm trang của mày, tao suýt bật cười. Bây giờ đinh làm nghề gì? Mở tiệm thuốc Tây đi! Món này hốt bạc dữ lắm!
- Nhưng tao đâu có bằng dược sĩ dược siết gì. Mấy chục năm trời chỉ làm ba cái huyết des chiens đó thôi. Ra Bắc thì cũng mặc bơ-lu trắng coi oai lắm nhưng chẳng biết thêm một tí gì về dược, vào R thì bào chế cao đơn huờn tán luôn ba năm. Cái thứ đó mà đem áp dụng ở SàiGòn thì ở tù mục xương. Tao định làm chơi Sở Mỹ ít lâu lấy tiền mua xe nước mía điện mày ạ. Thứ này làm giàu mau lắm. Bán nước đá lạnh nêm tí nước mía. Tao có thằng bạn thuở bé học trường làng với nhau, bây giờ nó có tới ba cái nhà lầu và năm xe nước mía bán ở các rạp hát bóng, còn nhà nó có năm chiếc Suzuki và Honda, một jeep bầu, Honda để đi nhậu, Jeep để mua mía đám. Tao cởi cái áo dược sĩ rỡm lâu rồi. Nè, có thằng bác sĩ Hiền mới “dzô” tao nghe đài SàiGòn nói đó. Nó ra ở Đà Nẵng. Nếu nó về Trung tâm của mày thì đưa lại nhà tao nhậu. Nó là dân “rau” nhưng chơi được lắm!)
Xin mời bạn đọc trở lại mâm rượu cồn của tiệc cưới.
Bữa tiệc khá rôm rả, thức ăn thì có ruốc, cơm trắng, thức uống thì có rượu y dược, tráng miệng được món bánh cục bánh hòn do bàn tay của nữ binh chế tạo. Còn giường và phòng cho đôi tân hôn thì hai đứa nó tự lực tạo lấy. Ông trưởng trạm Đăng phải dời ra rừng để chúng chiếm hữu căn nhà, nhường cho chúng mắc võng.
Về lều riêng, Hoàng Việt cười với tôi.
- Đ.m. ngủ võng đây rồi không biết tụi nó làm sao? Hai đứa đều là “tân binh” cả!
- Anh không nhớ câu ca dao trào phúng rất hay của Miền Bắc hay sao?
- Câu gì?
- Chồng còng mà vợ cũng còng. Nằm giường thì chật nằm nong thì vừa!
- Nằm nong là nằm ở dưới đất, nó không có “nắc nư” như thuyền thúng của tỉnh “Hà Lam Linh” mày biết không? Còn đây là võng, nó nhảy sóng như ghe bầu rồi mần ăn làm sao? Mày có kinh nghiệm gì rỉ tai thằng nhỏ tí.
- Anh đừng lo, nghề dạy nghề mà! Cuối cùng nếu nằm giường không ổn thì nó lại nằm nong chứ gì! Cũng như anh vậy, có ai dạy anh ngậm sâm không?
Hoàng Việt cười hắc hắc, rung rinh cả mảng tóc bạc.
Tôi nhận ra anh có bộ mặt quái gỡ trong cái cười. Nó giống như một mảnh đá tàn ong hình cái lá vông dựng ngược. Mắt thụt mất; răng vàng ềnh khói thuốc xếu xáo mất trật tự thì lại nhô ra như dọa con nít; hai cái vành tai rộng, trái tai dài, chui trốn dưới mớ tóc bạc trắng như bông, dường như chúng không muốn đón nhận một thứ âm thanh phản âm nhạc nào trong cuộc đời này nữa, còn cái cổ thì đúng là cái cổ Hoàng “Cò.” Nó như cây que chỉ đủ sức chịu nổi chiếc kẹo con. Chiếc áo đã rộng thùng thình như áo khính.
- Ta lợi dụng thời gian này mà xén bớt ba cái bùi nhùi trên đầu cho nó nhẹ đi, anh Bảy bà trẻ.
- Ý bậy nà, để làm “quản xung cơ” khi đội bom trộm chớ?
- Anh lúc nào cũng nghĩ tới cái point d’orgue (*) đó hết trọi
(*) Ký hiệu trong âm nhạc có nghĩa dừng lại bao lâu là tùy hứng.
- Hồi nào mậy?
- Quản Xung Cơ là mớ tóc huyền mọc trên lạch Đào Nguyên chứ đâu phải mọc trên đầu. Đó là danh từ y tế có định nghĩa như sau: “Quản xung cơ là một mớ lông thưa hoặc dày tùy từng người mọc ở bộ phận sinh dục của đàn ông hoặc đàn bà có tác dụng làm cho sự cọ xát giữa bộ phận sinh dục của hai bên gây ra nhiều cảm giác hơn là những người không có nó. Nhưng người đời cho rằng nếu ai gặp loại không có “quản xung cơ” thì rất xui xẻo. Sự thực đây chỉ là vấn đề khoa học thực tế không phải khoa học huyền bí như người ta tưởng!”
Hoàng Việt cười ầm lên:
- Đọ ọ… Tao chỉ nói vắn tắt thôi còn mày thì thêm mắm dặm muối, viết cả một đoạn tùy bút, thấy chưa? Khẩu dâm tế nhị hả mậy?
- Nè, anh nói thiệt tui nghe quản xung cơ của mấy em mắt xanh mũi lõ ở bên xứ Bún-cà-ri nó màu gì?
- Mặt sao ngao vậy. Tóc màu gì “quản” màu ấy, cũng như râu của mày vậy. Chẳng lẽ tóc mày đen, râu mày lại hoe à?
Tôi sực nhớ ra mấy tuần nay tôi không cạo râu mà không thấy khó chịu gì. Cái gì lặp lại trong ta vài lần đều có thể thành thói quen. Thói quen ở Hà Nội là ăn khoai lang sáng ăn ngô trưa ăn bắp chiều, thói quen ở đây là sáng dậy vác ba lô lên vai, bụng đói meo nếu không để dành được tí cơm chiều qua, và leo núi v.v… Sáng ở Hà Nội, thức dậy là súc miệng, cạo râu, mặc quần áo sạch vào. Sáng ở đây là không súc miệng, không cạo râu mà vừa rút lại quai dép vừa ngóng cổ chờ giao liên.
Đáng lẽ tôi phải dẫy đi mớ cỏ hoang trên mặt tôi để cho cái đám cưới quang đãng hơn, nhưng tôi cũng không nhớ. Không cạo râu, đói, đã trở thành thói quen từ hồi nào cũng không nhớ nốt. Đến tên thật cũng còn quên mà?
Một hôm Đăng kể cho tôi một chuyện khác ở Quê hương Đồng Khởi của tôi. Đăng nói:
- Anh có biết ông Nhứt Chậm không?
- Nhứt Chậm nào?
- Nhứt Chậm ở giáp ranh hai làng ở gần Cổ Cò. Anh nhớ không?
- Nhớ! Rồi sao?
- Ổng ở trong chi ủy đó. Hồi trước Đồng Khởi ổng có vay tiền của vợ chồng bà Hai Đối để mua trâu làm ruộng. Anh biết ông bà Hai Đối không?
- Biết. Ổng mần ăn và hà tiện dữ lắm.
- Vì vậy ổng có tiền cho Nhứt Chậm vay. Nhứt Chậm cũng có bà con với Hai Đối nữa. Vậy mà Đồng Khởi xong, Nhút Chậm bắt vợ chồng Hai Đối thủ tiêu. Ai cũng thấy kỳ cục. Nhưng Nhứt Chậm bảo: Hai đứa nó là gián điệp! Thế là không ai dám xì xầm. Vợ chồng ổng hiền như cục đất, có biết gián điệp là cái giống gì!
- Còn ai bị như vậy nữa không?
- Còn chớ. Còn nhiều. Mấy ông chi ủy mình ghê lắm. Muốn nói gì nói muốn làm gì làm. – Đăng ậm ờ một chút rồi tiếp — Tôi nói chuyện này ra chắc anh buồn lắm.
- Chuyện gì nữa?
- Anh còn người cô phải không?
- Phải!
- Cũng bị kiểu cậu Tám.
- Hả?
- Họ giết mất rồi. Cũng hồi sau Đồng Khởi.
- Tại sao?
- Vì hai lẽ. Một là cô có cái radiô. Hai là một “ông nội” chi ủy ve vãn, cô bảo “Ai mà ưng cái đồ chăn trâu! ” Họ giết để lấy radiô và rửa thù tiếng chửi.
Tôi ngồi lặng im, hết biết nói sao. Lại cũng đồ chăn trâu giết hại dòng họ tôi.
Một buổi sáng thức dậy, Vân được mấy cô nữ binh báo cáo có ba bốn cô đi đâu mất. Vân đoán ngay nguyên nhân bèn gọi Huyền tới hạch hỏi:
- Cô có nói gì với mấy cô bạn không?
- Dạ, em không có nói gì hết.
- Tại sao mấy cô kia đi đâu?
- Dạ, em không biết.
- Cô thèo lẻo thì cô chịu trách nhiệm, nghe! Tại cô thêu dệt câu chuyện nghe lóm đó nên mấy cổ sợ mà trốn chớ gì!... Tôi đã bảo là cách mạng thiêng liêng lắm, không bao giờ có cái chuyện như vậy đâu. Tôi bịa chuyện chơi cho vui… ý mà… chuyện đó có thiệt nhưng ở bên Tàu bên Tây gì ấy, bên mình Bộ Chính trị và các đồng chí lãnh đạo chính phủ là những người đạo đức song toàn đâu có làm chuyện quái gỡ đó.
Huyền cúi mặt. Vân gắt:
- Mấy cô ấy trốn đi đâu?
- Dạ họ nói họ trở về Hà Nội!
- Xùy! Vô tới đây rồi không có đường về nữa đâu. Cô không thấy câu ca dao bên anh lính chết nằm dưới mô đất lòi chân ở trạm năm trạm sáu gì đó à?
- Dạ em nhớ chớ.
“Vào đây thì ở lại đây
Bao giờ mộ mọc xanh cây thì về!”
- Vậy sao còn đòi về?
- Dạ, em chắc mấy chị ấy nhớ nhà!
Vân quát:
- Đi giải phóng Miền Nam không có cái vụ nhớ nhà! Nghe rõ chưa?
- Dạ rõ!
Tuy la quát như vậy nhưng Vân không làm gì được. Đăng và Bé chia nhau đi lùng và tìm lại được hai cô. Đó là cô Thúy và cô Hương. Cả hai đều là nhân viên bệnh viện và cũng trạc tuổi Huyền.
Vân than với tôi:
- Đổ bể tùm lum rồi!
- Tao thấy như thế là tốt đó.
- Tốt à?
- Chứ sao! Mày nên có biện pháp tích cực để giải quyết vấn đề này.
- Thi hành kỷ luật?
- Khồ…ồng! Kỷ luật đéo gì. Có kỷ luật chăng là kỷ luật tụi …khác kia!
Vân lặng thinh, đầu gục thấp. Tôi bảo:
- Nói toạc mẹ nó ra cho các cô ấy rõ và hứa là vô tới trong kia sẽ…
- … sẽ gì?
- … sẽ gì đó thì tùy mày hoặc tùy ở trên ở dưới nào đó. Bảo cho họ biết là cách mạng không có cái lối “ăn thịt người” như thế được.
Vân thở dài thườn thượt.
- Kẹt quá đi mất! Kẹt quá!
Mạng Người Lá Rụng Mạng Người Lá Rụng - Xuân Vũ Mạng Người Lá Rụng