Thành công là đi từ thất bại này sang thất bại khác mà không đánh mất lòng nhiệt tình của mình.

Winston Churchill

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1914 / 59
Cập nhật: 2015-07-18 13:01:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11
hấy Hoàng đau khổ lo âu thực sự, tôi không đùa nữa. Tôi cảm thấy buồn.
Thằng Lưu chết, vợ con không hay, gia đình không biết, mà chết ngay giữa thành phố Hà Nội. Riêng nhạc sĩ họ Phan thì tôi biết nhiều. Tôi và hắn rất tương đắc trong nhiều nhạc phẩm. Hắn làm nhạc bài nào cũng ném cho tôi làm lời, hoặc nhạc và lời của hắn thì hắn đưa cho tôi chữa tiếp.
Hắn có cô vợ Nhật Bổn lai đẹp lắm. Hồi ở trong Nam hai đứa được một cái giải thưởng hạng nhất về Âm Nhạc, hắn lãnh tiền chia cho tôi rồi về cất nhà ở Bạc Liêu chữa bệnh. Một lần gặp hắn ở Thái Bình, từ trong tiệm nước Chú Xồi đi ra. Hắn nói:
- Tao vừa làm xong một bài hay lắm!
Tôi nói ngay:
- Đưa tao làm lời kiếm một giải thưởng nữa ăn bánh bao với hủ tiếu Chú Xồi chơi.
Hắn xua tay:
- Mày không làm được.
- Bài gì mà dữ vậy??
- Rimifông tiến hành khúc!! Mày đâu có làm được!
Tôi hỏi:
- Ai bảo mày thế?
- Bác sĩ bảo phổi tao lủng hai ba lỗ rồi!
Khi ra Hà Nội hắn làm ở Đài Phát Thanh với tôi một lúc. Độ khoảng 1958, một buổi sáng, hắn lên gặp Ban Giám đốc Đài đòi giải thích cho hắn nghe: Tại sao Tổng tuyển cử hiệp thưong qua đã lâu mà không thấy nói gì? Ban Giám đốc – không rõ là ông nào, có lẽ Huỳnh Văn Tiểng – không biết cách nào làm cho hắn bớt nổi khùng, bèn bảo hắn chờ Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến nói chuyện cho toàn cơ quan nghe rồi đả thông tất cả. Nhưng hắn nổi khùng ngay nói tạt vào mặt Ban Giám đốc: “L..n vợ mấy ông là l…n người còn l…n vợ tôi là l…n bò. Các ông muốn tôi bỏ đi bao lâu cũng được!”. Rồi bất ngờ, hắn chụp lấy con dao rọc giấy trên bàn, vạch áo ra rạch sả ngực và cánh tay mặt của hắn. Rồi cứ để máu chảy ròng ròng ướt áo, hắn đi xuống phòng làm việc. Ai thấy cũng phải kinh tâm. Chỉ có mấy thằng Nam Kỳ …cục mới làm chuyện đó thôi.
Nhưng câu nói của hắn đã loan đi khắp Hà Nội. Nhất là ở Đài Phát Thanh ai cũng “ớn” ông nhạc sĩ “hăng xờ máu” này.
Ít hôm sau, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến nói chuyện về tình hình Miền Nam và hiệp thương tổng tuyển cử. Có một anh cán bộ Nam Kỳ… cục đứng lên chất vấn thẳng thừng không ai bụm miệng kịp:
- Xin thủ tướng cho chúng tôi biết… vậy chớ tại sao hồi chúng tôi xuống tàu, Trung ương có hứa hai năm về, nay đã bốn năm rồi! Thủ tướng có thể cho chúng tôi biết là chừng nào chúng tôi về Nam được không?
Thủ tướng Phạm Văn Đồng giận dữ, đáp:
- Làm cách mạng chứ phải làm thầy bói hay sao mà nói rõ ngày tháng cách mạng thành công? – Rồi ông ngoe nguẩy bước xuống bục không nói nữa.
Tôi có dự cái buổi nói chuyện đó. Bị hỏi bất ngờ, thủ tướng lúng túng nên đáp lời không được “biện chứng” lắm. Điều đó làm cho Ban Giám đốc xanh mặt.
Sau khi thủ tướng ra về, Ban Giám đốc bèn mời ông cán kỳ cục lên văn phòng không rõ để làm gì, nhưng sau đó anh chàng biến đi đâu mất. Từ đó mỗi lần có ông lớn tới Đài Phát Thanh nói chuyện, Ban Giám đốc đả thông trước: ” Các đồng chí có thắc mắc vấn đề gì, xin cho Ban Giám đốc biết trước, chúng tôi sẽ ghi chép từng câu và bẩm lên đồng chí trả lời chung một lúc, không nên hỏi lẻ tẻ!”
Trước đó cũng có một vụ động trời làm cho Đài Phát thanh trở thành một cơ quan nổi tiếng bê bối nhất Hà Nội. Tác giả vụ động trời này chính là tôi.
Tôi đã viết về vụ ấy rải rác ở nhiều báo hải ngoại, lần này xin ghi lại đầy đủ nhất vì vụ đó có dính liền tới vụ vượt Trường Sơn của tôi ngót mười năm sau.
Số là hồi chuẩn bị xuống tàu tập kết, tôi được cho đi làm phóng viên của tờ Quân Đội Miền Tây để viết những bài tường thuật về sự đón tiếp nồng nhiệt dân Nam Bộ tập kết của nhân dân Miền Bắc và của Bác Đảng ở bến Sầm Sơn. Mỗi chuyến đi ra vào chừng hai tuần lễ. Trong thời gian qui định cho cuộc chuyển quân ở bến Chắc Băng là ba tháng, tôi có thể làm con thoi ra vào ít nhất là năm chuyến, viết năm bài động viên quân dân Miền Tây mạnh dạn rứt áo ra đi.
Không vương thê nhi
Ra Miền Bắc nước tuyết rét mướt.
Tôi ra tới Sầm Sơn đi tìm tài liệu xong, chuẩn bị theo tàu trở vô viết bài cho toà báo lúc bấy giờ còn đóng ở Chắc Băng và hãy còn in báo rào rào. Giữa lúc đó thì tôi bị ở trên giữ lại, với lý do: Không cần loạt bài ấy nữa.
Tôi chới với ngay vì cái “lệnh phản lệnh” bất ngờ ấy. Tôi buồn lắm. Vì hai lẽ: lẽ thứ nhất là hứa với bạn bè còn trong Nam sẽ nhậu một trận đái ra rượu, mửa tới mật xanh trước khi xuống tàu. Lẽ thứ hai là gặp một số người Nam vừa ra còn nằm ở Sầm Sơn đã tỏ ý chán nản do đó tôi hoang mang và trong đầu, nói nào ngay chưa có ý định ở hẳn lại không đi tập kết, nhưng đã manh nha cái ý định đó rồi. Bây giờ bị giữ lại thì hết phương cục cựa.
Sau này tôi mới đoán ra ý đồ của ở trên là sợ tôi trở về Chắc Băng nói tùm lum chuyện này chuyện nọ làm nản lòng ba quân.
Cái ý đinh manh nha ấy lớn dần khi tôi vào làm ở Nông trường Trình Môn tỉnh Nghệ An và khi tôi ra công tác ở Đài Phát thanh. Tôi cảm thấy tôi không thể nào sống nổi trên đất Bắc. Cho nên một buổi sáng kia, tôi lấy chiếc xe đạp nội hóa sơn màu vàng hiệu Alpha của cơ quan, tôi đạp thẳng một hơi ra trụ sở Ủy Ban Quốc tế ở đường Đinh Lê gần Bắc Bộ Phủ, cạnh đường Ngô Quyền.
Tôi dựng xe đạp vào cái chòi gác trong đó đang thòi ra một cái đầu đội mũ sao vàng.
- Đồng chí đi đâu đây? – Người lính hất hàm hỏi,
- Tôi muốn gặp Ủy Ban Quốc tế.
- Có việc gì?
- Theo Hiệp đinh Giơ-ne thì trong vòng… tháng (tôi không nhớ rõ thời gian được ấn định này), người Nam lẫn người Bắc đều có quyền ra vào với sự giúp đỡ của Ủy Ban Quốc tế để định cư. Tôi muốn nhờ Ủy ban đưa tôi về Nam.
Người lính ngập ngừng một chốc rồi chồm qua cửa chòi gác ngó chiếc xe đạp. Xong, anh ta vui vẻ:
- Bữa nay… Ủy Ban đi vắng cả. Vậy phiền đồng chí trở về cơ quan. À mà quên, đồng chí làm ở cơ quan nào?
- Đài Phát Thanh.
- Ờ, ờ, ờ, từ đó tới đây cũng gần. Vậy đồng chí trở lại ngày mai, sẽ có người tiếp mà… đồng chí muốn Gia Nã Đại, Ba Lan hay Ấn Độ?
- Ai cũng được miễn Ủy Ban Quốc Tế thì thôi. Chào đồng chí.
Tôi lên xe đạp về cơ quan một hơi yên chí lớn mình sẽ được gặp Ủy Ban Quốc Tế ngày mai. Thực tình, từ ngày ra Miền Bắc tôi thấy không thể sống được. Cái Miền Bắc Độc lập Tự do sao nó không Hạnh phúc một tí nào, Hạnh phúc. Đó là cái gì? – Cơm ăn áo mặc, nhưng không phải chỉ có thế. Còn Tự do nữa chứ. Tự do là cái gì? Tôi không biết nhưng tôi cảm thấy cuộc sống ở đây không thoải mái. Nó như thế nào ấy, không phải cái mà mình mơ ước khi khởi đầu kháng chiến chống Pháp. Ngoài ra tôi còn nhớ nhà quá sức, không chịu nổi. Ở trong Nam tôi vẫn đi xa nhà – liên tục chín năm – nhưng tôi còn được thư từ, còn được nhắn nhe còn được biết cha mẹ tôi mạnh khỏe hay đau yếu thế nào. Còn ra đây bịt bùng bốn phía. Mà ngày về thì không có. Tương lai chỉ là một dấu hỏi không ai trả lời. Thế nên con đường lên Ủy Ban Quốc tế là con đường vừa nhanh vừa rẻ lại vừa hợp pháp.
Tôi vừa đạp xe về tới cổng Đài Phát Thanh ở số 52 Quán Sứ thi đụng một lô nào là trưởng phòng trưởng ban đứng giàn chào tôi.
- Đồng chí đi đâu đấy?
- Tôi đi tìm đề tài.
- Đồng chí ra Ủy Ban Quốc Tế phải không?
Tôi thấy không thể chối được nên chịu thật.
Tôi phải lên Ban Giám đốc. Tôi vẫn nói thật không chối quanh một chút nào. Mọi người đều ngẩn ngơ. Tôi hơi sợ nhưng vẫn không nguy biện gì về việc làm của tôi cả. Và đến giờ phút này tôi mới hiểu ra là đồng chí gác cổng người anh em Ủy Ban Quốc Tế đã “giúp đỡ” tôi, báo cáo bằng điện thoại về Đài Phát Thanh.
Ngay chiều hôm đó, một cuộc họp mặt toàn cơ quan. Người đông đến nỗi không có đủ chỗ, phải đứng cả bên ngoài hành lang. Một cuộc kiểm thảo vĩ đại. Có sự chứng kiến của toàn ban Giám đốc Đài: Trần Lâm, Nguyễn Kim Cương, Huỳnh Văn Tiểng (hai ông Phó là dân từ Nam tập kết ra Bắc). Chủ tọa phiên họp là Nguyễn Thanh Đạm, Thư ký Công Đoàn của Đài.
Tôi giơ mặt ra chịu đấm. Nhưng thật bất ngờ. Chẳng có “cú đấm” nào cả. Chỉ toàn “cú vuốt.” Nghĩa là không ai nói mạnh hoặc sỉ vả chỉ trích lập trường quốc tế của tôi. Đúng ra đó là chủ trương của Ban Giám đốc. Các ông ấy không muốn làm mạnh, sợ tôi liều mạng. Dân Nam Cờ mà. Bất mãn rồi thì gì mà không dám làm. Ngoài ra cũng có thể là vì trước đây ít tuần có một anh bạn của tôi cũng làm ở Đài này đã chui bằng đường nào không biết mà qua Lào, xổng tuốt về Sài Gòn. Đài Phát thanh Sài Gòn la om lên… Anh ta nói với tôi: “Tao nhớ vợ quá, chịu hết nỗi rồi”. Ít hôm sau thấy anh ta mất tiêu. Sau nghe ra anh ta đi đường Nghệ An lên Đô Lương.
Do “năm bảy xôi nhồi thành một chõ” như thế nên tội của tôi đáng lẽ phải đi cải tạo mút mùa nhưng lại chẳng hề chi. Chỉ có một tiếng nói nặng của anh Phạm Tường Hạnh (bây giờ là nhà văn kêu rêu xã nghĩa to tiếng nhất nhì Sài Gòn), Hạnh nói rằng tôi “khờ khạo!” Thế thôi còn ngoài ra không ai nói gì kể cả các vị cò mồi được mớm trước cũng thun cổ… cò.
Nhưng như thế đâu đã yên thân cho cái thằng lên UBQT! Đâu vài hôm sau tôi lại được Ban Giám đốc mời. Ông Huỳnh Văn Tiểng, Phó Giám đốc Đài (bây giờ là tay tổ trong Câu lạc bộ Kháng chiến chống đảng kịch liệt ở Nam Kỳ Ha… ha… Té ra nhờ thời gian (ba mươi hai năm! Cũng hơi nhiều! mà tôi được minh oan. Vì rằng tôi trốn chạy xã nghĩa hồi đó là phải lý lắm – trước ông Phó Giám đốc những ba mươi hai năm!). Ông Tiểng đưa cho tôi xem một tờ báo của Sài Gòn tường thuật về vụ lên UBQT của tôi với dòng chữ tít rất to – (Rất tiếc tôi không được ông Tiểng cho xem tên tờ báo mà chỉ cho tôi xem bài báo: “Xuân Vũ lên UBQT đòi về Sài Gòn – VC đã được và đày đi nông trường!” Tôi nhớ nhất là chữ ĐÀY!!
Bằng một giọng rất nhỏ nhẹ gần như vỗ về. (Đó cũng là cá tính của ông. Ông rất to con nhưng nói rất nhỏ và câu rất ngắn. Khi cười chỉ nhếch môi). Ông Tiểng nói với tôi:
- Trong Sài Gòn địch đã biết hết, vậy anh phải lên đài nói vào trong đó để đính chánh cho Miền Bắc.
Một bài đã được ai đâu viết sẵn đưa đến cho tôi. Đại ý “Tôi, Xuân Vũ không có lên UBQT cũng không có bị đày.” Bài này phát đi phát lại suốt tuần trên làn sóng phát vào Nam từ 10 đến 10:30 đêm.
Cái sự đời như vậy đó. Khổ một nỗi là Phan Văn, kẻ rạch ngực đâm tay bằng dao rọc giấy và tôi, kẻ lên UBQT là đồng tác giả của một bản nhạc (Niềm Thương Mến) được giải thưởng Cửu Long năm 1950-51 chi đó, cho nên vô tình chúng tôi lại đồng tác giả của một bản “Niềm Ai Oán” sáng tác giữa lòng Hà Nội xã nghĩa không được giải thưởng nào, nếu có chắc chắn là giải thưởng Hỏa Lò.
Gần mười năm sau khi tôi được gọi vào trường đi B, sau khi bị các thứ tổ chức duyệt lý lịch từ đời ông cố tới đời con tôi (lúc đó tôi chưa có vợ, nếu không con tôi sẽ liên lụy), tôi vẫn còn nơm nóp lo sợ cho cái “gáp” UBQT của tôi đã tưởng bị xóa nhòa bằng một trăm thứ công tác phóng viên do tôi đảm nhận để chuộc tội tổ tông – nào dè đến cửa ải chót để lọt qua cổng trường đi B, anh thẩm vấn viên “mác” Năm Eo còn cười mũi với tôi:
- Hồi năm 56… đồng chí có lên UBQT xin về Nam phải không?
Tôi giật nẩy người, ú ớ. Hắn tiếp:
- Nhưng mà đồng chí đã công tác tốt liên tục một thời gian dài, (Tôi hú vía) cho nên tổ chức mới gọi. Về trong đó đừng tái phạm nữa.
- Vâng ạ!
Thế là lọt. Nhưng sự huấn luyện còn kéo dài ba tháng. Trong vòng ba tháng đó biết đâu tôi sẽ chẳng bị thẩm vấn tiếp nữa? Tôi cũng khôn. Tôi bèn tìm cách gặp hắn. Chiều thứ bảy không ai được ra khỏi trường mặc dù là người Hà Nội đi nữa. Nhưng tôi được ra. Mà tôi lại được xe hơi của Ủy Ban Thống Nhất của Trung tướng Nguyễn Văn Vinh tới chở đi công tác đặc biệt do đồng chí Năm Eo kể trên (có lẽ là bà con của Võ Văn Mờ, em của Võ Văn Mịt bán đất quê nhà mà lấy tiền tại Hà Nội – xin xem Xương Trắng Trường Sơn). Đồng chí Năm Eo ngồi xe ra khỏi cổng để đưa tôi về tận nhà… công tác đặc biệt. Chả có cái đếch gì đặc biệt cả. Tôi “hiến” cho đồng chí tất cả đồ đạc của tôi mua sắm trong vòng mười năm ở đất Bắc (Trước đây tôi cho anh Kim Lân nhưng ảnh không nhận món nào hết cả trừ hai cái chậu sành xưa để trồng kiểng chơi) gồm giường, tủ áo, võng và vô số bút giấy đặc biệt có đôi giày da nâu tôi mới đóng. Hắn xỏ vào và đi luôn. Rất vừa! Rồi gói đôi dép cao su cặp nách.
Thế là xong. Xong tất. Tưởng vậy ai dè chưa. Một hôm hắn lại gọi tôi lên văn phòng để phụ nhĩ một vấn đề cơ mật. Tôi sợ quá. Tôi nghi là cho gà ăn xong, gà quẹt mở…nhưng không, đồng chí ta chưa đến đỗi tệ như gà. Hắn cho tôi xem hồ sơ khám sức khỏe và nói:
- Bác sĩ Việt Xô bảo đồng chí có áp huyết cao, không leo núi được.
- Vậy hả đồng chí!
- Thì đây nè, đồng chí đọc thử.
- Đồng chí “lo” dùm tôi được không?
- Được mà. Để tôi bảo nó. Cái thằng bác sĩ Tào cà thọt chân, nó là em út của tôi. Nó đến Ban Thống Nhất khám cho cán bộ đi B. Nó dưới quyền tôi mà.
Đồng chí nói vậy có lẽ là để cho tôi biết là mọi việc ra vào trường đi B này là phải qua tay đồng chí cả và để cho tôi hiểu rằng số đồ tôi “hiến” cho đồng chí để lọt vô đây không nhiều lắm đâu – Nhất là đối với một người chạy trốn Miền Bắc xã nghĩa mười năm trước như tôi thì bao nhiêu lại không dám hiến để đi cho lọt.
Quả thật tôi đã lọt và đã về tận đây rồi, nơi chỗ tôi gặp ông Mặt Sắt và vừa uống trà nói chuyện bất mãn Hà Nội mà không sợ ai báo cáo lên trên vì những người ngồi quanh bình trà đều bất mãn như tôi hoặc hơn tôi.
Câu chuyện lúc nãy tới đâu rồi nhỉ?
À, tới chỗ nhạc sĩ Hoàng Lưu chết cứng trong hang không ai biết.
Lúc đó ai cũng bất mãn, ai cũng muốn về Nam. Không ai thiết tha với cái gọi là chủ nghĩa xã hội kỳ cục. Những anh chàng có vợ ở trong Nam thì ân hận nhưng không làm gì được, như ông bạn nhạc sĩ Phan Văn của tôi.
Sau vụ ăn vạ không ăn thua chi với Ban Giám đốc Đài Phát Thanh, tôi không thấy anh ta tới đây nữa. Một hôm gặp gặp anh ta đi xích lô chạy loong toong trên đường Tràng Thi, tôi ngoắc lại. Anh ta ngồi ôm một chiếc “contre basse” tổ bố. Đầu chải Tango ba tàu, quần áo trắng như tuyết. Giày cũng trắng. Kính trắng như thường lệ. Anh ta nheo mắt hỏi:
- Đi với tao không?
- Đi đâu?
- Hoà nhạc.
- Nhạc gì?
- Nhảy! Rồi tiếp – Tao ra khỏi đài lâu rồi. Này mày xem tao mang giày gì đây?
- Giày Bata chợ trời chớ giày gì mậy!
Anh ta giơ chân lên, cười:
- Peau de daim nghe (da con mang).
- Giày gì dã man vậy?
Anh ta cười khì khì:
- Nghèo quá. Kiếm ăn bữa đực bữa cái. Cho tao xin vài hào mua thuốc lá!.
Nghèo lắm nhưng nể tình bạn cũ, tôi móc hào bạc cho người “đồng tác giả” năm xưa. Từ đó tới sau không gặp nữa. (Mãi đến khi tới về Sài Gòn nghe anh em hồi chánh sau tôi cho biết Phan Văn cũng đã vô tới R. Tôi nghĩ: Đó là người Nam Kỳ cuối cùng trên đất Bắc được về quê bằng đường rừng. Nhưng tiếc thay chúng tôi không làm sao đứng chung tên cho một bản hát nào nữa. Nó mà “được” đi Nam, thì đúng là chuyến tàu vét.)
Đúng như ông Mặt Sắt nói hôm nào: “Đường Trường Sơn là nơi bộc lộ tất cả những khuyết điểm của đảng ta!” Chẳng những khuyết điểm mà còn những nỗi niềm tâm sự không dám nói ra trên đất Bắc.
Nằm ở đây, ghê rợn vô cùng. Ngoái ngược lại mười năm trên đất Bắc lại càng ghê rợn. Quá thật! Ghê rợn vô cùng. Kẻ nào đã nói rằng: “Chế độ ta vĩ đại, sống một ngày trong chế độ ta bằng sống hai mươi năm trong chế độ tư bản!” Có đúng như vậy không? Đúng rất đúng! Sống một ngày ở chế độ xã nghĩa đau khổ bằng sống hai mươi năm trong chế độ tư bản. Đói rét, ốm đau, bệnh tật, ly tán,… đủ thứ. Một ngày gộp lại bằng hai mươi năm. Sống một ngày già đi hai mươi năm. Đúng với cái nghĩa đó đó!
Tôi nghĩ bậy chơi vậy, khi nằm phơi nắng tuổi thanh xuân trên lưng đèo 1001, khi phơi sương tóc xanh trên đỉnh Cardamomes, khi vùi sâu nhiệt tình trong lòng suối độc. Vậy mà bây giờ – sau bốn mươi lăm năm xây xã nghĩa, mười lăm năm giải phóng, dân Việt Nam ở Miền Bắc còn thèm miếng cơm trắng còn dân Miền Nam thì vượt biên ào ào. Đúng là một ngày xã nghĩa bằng hai mươi năm tư bản.
Bạn đọc thân mến,
Có nhiều độc giả của Đường Đi Không Đến và Xương Trắng Trường Sơn “than phiền” rằng tại sao tác giả không ngăn chương mà cứ viết luôn một mạch 450 trang đọc mệt quá mà không buông sách được vì “không có chỗ nghỉ xả hơi.”
Xin cảm ơn độc giả đã “than phiền” nhưng kẻ cầm bút này cũng vẫn không ngăn chương gì hết ráo, vì cuộc sống ở Trường Sơn chỉ có trạm, có đồi, có dốc, có suối, có đói, có chết, có bom đạn, có kiết lỵ và thương hàn, có quáng manh và phù thủng,… mà những thứ này thì nó giống nhau hết cả. Ngày nào cũng thấy cũng chịu bấy nhiêu đó thôi, cho nên chương nào cũng giống chương nào, ngày sau giống ngày trước, ngày trước nữa lại giống ngày chưa tới. Bạn đọc, đọc những quyển hồi ký Vượt Trường Sơn không cần phải đọc từ trang đầu trang cuối, mà đọc từ trang cuối lộn ngược ra đầu cũng được, hoặc giở đâu đọc đấy, nó cũng y chang như nhau và nó cũng cho bạn một cảm giác kinh hoàng như nhau.
Một thằng bạn nối khố cửa tôi – cũng thuộc loại chồng Bắc vợ Nam – trong một “bữa chiêu đãi sữa trâu” của Viện Nông Lâm Súc ở Gia Lâm – hắn là Kỹ sư Nông Lâm Súc – (Chúng tôi gọi hắn là “Kỹ sư súc vật”) trong buổi “tiệc” sữa trâu (bổ hơn sữa bò! Báo Nhân Dân bảo thế!), nó đã nói với tôi một câu: “Muốn đất nước thống nhất thì chỉ có một cách. Đó là: Bắt vợ con của Ban Chấp hành Trung ương đảng quăng vô Nam hết thảy…” Là một tên độc thân nên tôi chưa lĩnh hội được ý tưởng cao siêu của hắn. Tôi hỏi:
- Nghĩa là sao?
- Mấy chả không có đồ chơi, mấy chả quýnh lên mấy chả tìm đủ mọi cách tiến hành. Còn như thế này mấy chả hưởng lạc tì tì, cao hổ cốt tẩm gân, sâm Triều Tiên bổ thận, thống nhất hay không thì cũng thế thôi! “
Đúng là một câu đùa… y như thật. Đảng, người nói: Lo trước dân, hưởng sau dân. Mô Phật! Tôi chưa bao giờ thấy câu này được đảng – tức là từ bác Hồ trở xuống đảng viên quèn – thi hành. Ngược lại: Hưởng trên đầu cha dân, dân kêu thây kệ mẹ! Hai mươi, ba mươi năm trước ở Hà Nội vẫn thế, bây giờ cũng cứ như thế và muôn đời sau, đảng còn, còn thế mãi.
Hai mươi năm sống trong chế độ “tư bổn bổn xứ Sài gòn đến chạy sang tư bổn kếch xù: Hoa Kỳ” tôi cũng có đau khổ chứ không phải chỉ có hạnh phúc, nhưng đau khổ của hai mươi năm ấy chưa bằng một góc tí tẹo của nàng Kiều Việt Nam. “Thanh lâu ba lượt, thanh y hai lần”. Vậy, tự do độc lập hạnh phúc có nghĩa gì? Ai cho ta các thứ ấy? Không cần phải trả lời. Hãy nhìn bốn mươi ngàn dân “boat people” của Việt Nam xà nghĩa đang ở Hồng Kông.
Đảng, tay phá hoại dân tộc lớn nhất lịch sử. Với cái búa Cải Cách Ruộng Đất hằng triệu sinh mạng hi sinh vô tội vạ, với cái liềm tập kết hằng mấy triệu gia đình ly tán, với cái đường mòn Hồ Chí Minh lại hằng triệu bộ xương phơi. Rồi tới “Giải phóng Miền Nam” đảng đã phá nát tan sự phồn thinh của một nửa đất nước và làm tan nát hằng chục triệu gia đình. Sáu mươi năm có đảng, có bác trên cõi đời này, dân tộc Việt Nam điêu linh cùng cực. Hãy nhìn, hãy nhìn thôi, hãy nhìn cũng đủ rồi, không cần phải suy nghĩ.
Hai mươi lăm năm trước tôi nằm trên dãy Trường Sơn mà đau hận cho dân tộc Việt Nam khôn cùng, bây giờ càng hận. Viết lại những dòng này, tôi mệt lắm, không khỏe khoắn nhanh nhẹn như viết bất cứ truyện nào khác. Vì sao? Vì tôi thấy lại tôi trên dốc, trên đồi, dưới suối, trong bệnh tật, trong lê lết, trong bi thương. Tôi như võ sĩ tả xung hữu đục giữa cái trùng vây đó. Tôi thấy tôi đang khát, đang sốt, đang run khi viết lại tập hồi ký đã mất này..
Tôi và Hoàng Việt cùng cô vũ nữ ba-lê được phái đoàn ông Sáu Mặt Sắt giúp chừng ba bốn chặng đường. Rồi họ rẽ sang lối khác. Có lẽ họ được xe hơi chở hay đi con đường nào đặc biệt khác không biết được. Nhưng có một điều – không biết may mắn hay rủi ro cho tôi, cho Thu! Đoàn ông Mặt Sắt cho Thu đi theo cùng với “anh Sáu.”
Trước đây có nhiều lúc tôi muốn Thu quay ra Hà Nội với Hồng, em trai của Thu gặp ở mấy trạm trước cùng với Thiếu tá Kim – Như vậy tôi sẽ nhẹ gánh dễ đi hơn. Nhưng bây giờ có người muốn nhấc cái gánh đó khỏi vai tôi thì tôi lại thấy nao nao tấc lòng.
Sáng mai Thu sẽ xa tôi.
Đêm nay là đêm không ngủ của hai đứa. Cơm chiều xong, Thu lên võng nằm, tóc nàng buông xõa xuống chiếc võng lắc lư như nhịp theo bài hát buồn não nùng.
Trời thương đôi ta đây, còn cho ta suốt đêm nay
Những ngày đôi lứa chia tay. nước mắt rưng rưng vì chua cay
Rồi mai đây xa nhau, ồ, em yêu dấu!
Anh khóc cho đêm này qua
Đêm nay là đêm cuối cùng của… đôi ta. …
Sao nàng chọn đúng bài hát và đúng lúc để hát vậy? Đó là tâm tư của nàng và của tôi. Chúng tôi sắp xa nhau và chỉ còn có đêm nay.
Tôi không thể ngồi yên nghe tiếng hát cứa đứt từng mạch tim tôi nữa.
Tôi sang ngồi ở đầu võng nàng. Mớ tóc đen huyền vẫn lắc tư phảng phất hương. Nàng vừa gội đầu dưới suối. Nàng muốn nhờ gió hong tóc cho mau khô.
Tôi khẽ nói:
- Thu! Mai em đi. Chúng ta xa nhau rồi.
- Đành thế thôi!
- Em có giận anh chuyện gì không?
- Có anh giận em thì có. – Tiếng nàng rơm rớm nước mắt – Em đã nghĩ kỹ rồi. Em đi với anh thì chỉ khổ cho anh thôi. Để em đi với đoàn ấy. Rồi vào trong kia cũng gặp nhau. Rồi lại khổ nữa. Nhưng chừng đó em là kẻ đau khổ nhất giữa hai chúng ta. Em biết anh yêu em, nhưng chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu. Vậy nên buổi chia tay này tuy có gây buồn cho anh lẫn em, nhưng sẽ vui về sau.
Tôi nâng tóc nàng lên tay tôi và thổi từng hơi dài.
- Anh làm cho tóc em mau khô nhé. Anh là gió đây!
- Không? Anh là “Mưa” mà.
- Ừ thì mưa? Tôi ôm quàng cả võng và người nàng vào tay tôi. Tôi nghiêng cả chiếc võng để áp mặt nàng vào mặt tôi. Gương mặt trắng như một mảnh giấy chờ tôi đề lên những câu thơ.
- Thu! Em đừng giận anh nghen!
Nàng ôm chặt đầu tôi vào ngực nàng, thổn thức khóc.
Trời tối hãi hùng. Rừng núi sâu thăm thẳm. Chúng tôi như hai hạt bụi hoang gặp nhau ghép vào nhau trong một cơn gió lạ. Tôi lên võng nàng, nhẹ tay buông màn. Không một hơi thở nào thoát ra khỏi vòm trời riêng của hai đứa tôi. Bỗng nhiên tôi quay đầu lại ôm riết hai ống chân mềm mại của nàng vào mặt tôi và đặt vào làn da mát rợi đó những chiếc hôn nồng nàn và thầm thì. Vừa thầm thì vừa hôn như mưa. Cả chiếc lều như chực đổ theo nhịp võng lắc lư.
- Thu! Thu! Chúc em chân cứng đá mềm. Anh sẽ gặp em ở cuối đường này.
Nàng ôm lấy tôi và nấc lên:
- Anh yêu em đi. Và đây là lần cuối!
Mạng Người Lá Rụng Mạng Người Lá Rụng - Xuân Vũ Mạng Người Lá Rụng