A book is like a garden carried in the pocket.

Chinese Proverb

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1914 / 59
Cập nhật: 2015-07-18 13:01:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
hẩm có một mái lều cố định hẳn hoi, lợp bằng ni-lông xanh nước biển, đứng co ro dưới một tàng cây to chắc chắn máy bay không tìm thấy.
Cái lều này giăng cố định chứ không hạ xuống hằng ngay như lều chúng tôi.
Phẩm không phải làm như chúng tôi, tức là sáng cuốn đi chiều mắc lại, trưa chỉ được giăng võng nằm dưới nắng hoặc trong vũng bóng mát luôn luôn di động theo góc độ mặt trời, ban ngày chỉ được giăng khi trời mưa to.
Lều của Phẩm có vẻ một cái nhà của kẻ “ăn lều” ở kiếp, không giống như bọn khách đi đường ăn xổi ở thì. Nó có nền đất vun cao, có đường mương chung quanh nền. Từ sợi dây căng lều đến cọc treo trên võng, nơi mắc ba-lô, thứ gì cũng tươm tất.
Phẩm có bếp với giàn củi sấy trên giàn bếp. Cái bếp của Phẩm xây theo lò Hoàng Cầm hồi kháng chiến chống Tây. Đào một lỗ tròn và một ống khói ngầm để dẫn khói thoát đi và tan trong lòng đất. Đặc biệt Phẩm có một cái soong con có thể nấu được cho ba người ăn, không biết Phẩm tìm ở đâu ra cái vật quý giá đó.
Trong lều có một hòn đá mặt phẳng vuông vắn để mỗi lần ngủ thức dậy bước xuống ngay đó đề phòng rắn chàm oạp. Chàm oạp ở đây khá đông. Chúng lẩn lút dưới lá khô. Mỗi một phát chàm oạp tặng cho đồng chí Trường Son thì có giá trị một cái vé tàu suốt qua bên kia thế giới Mác.
- Mận đâu? Mận Nghi Tàm đâu?
- Đây này! – Phẩm chỉ vào một khoảng trống giữa hai gốc cây to.
Sau một cuộc chạy đua việt dã mà kết quả là vác dao đi lại vác dao về, sức lực tiêu tan, hai đầu gối rã rời, tôi ngồi xuống một rễ cây gần đó và đưa mắt ngó cây mận thần thoại còn Hoàng Việt thì phát cáu, đòi trở về nằm nghỉ:
- Đường ra đâu?
- Anh cứ đi theo con đường mòn này đến ngã ba có một nhánh cây kéo quặt che bít đường. Anh chui qua đó mà đi thì ra đến nơi đóng quân. Nhớ đừng có rẽ qua lối không có cây che nghe. Đi theo đó sẽ lạc không biết đường về – Phẩm giải thích thêm – Ở đây phải nghi trang hết cả. Có làm ra không có, không có ra có anh ạ. Nếu để đường trống thì khách họ mò vào bất cứ lúc nào, quấy nhiễu liên tục không nghỉ được.
Hoàng Việt bỏ đi thẳng. Tôi nói vói theo:
- Anh về trước, tôi nghỉ chút sẽ về sau. Anh coi chừng dùm đồ đạc của tôi nghe. Hồi nãy gấp đi không kịp nhờ con bé giữ giùm
Phẩm hỏi tôi:
- Anh xem cây mận có đẹp không?
- Đẹp lắm!
- Độ vài năm thì em được ăn trái!
- Trời đất, cậu đinh ở đời đây sao?
- Em không có ý định đó, nhưng rủi chuyện sẽ xảy ra như vậy thì khỏi phải bất mãn hay ngạc nhiên.
Tôi nhìn cây mận. Thân cây như tăm hương, hai cái lá non, ba cái lá già mà một cái bị sâu ăn còn có một nửa. Phẩm đã cẩn đá chung quanh gốc cây. Bộ phận phụ thuộc trông có vẻ phong phú hơn cái cây, như con ngựa gầy đóng yên cương bằng vàng vậy.
Phẩm cho biết hắn đi moi phân lá trong những bọng cây để vun cho nó, nhưng tôi xem ra nó rất yểu tướng – dù lớn đã chắc có trái. Nhưng điều tôi nghĩ xa hơn là cái cây bị trồng ở đất lạ, không phải đất của giống nó. Cũng như bọn Nam kỳ chúng tôi đây. Đi tập kết. Khi ra đến đất Bắc vài tháng là đã thấy muốn về. Nhưng đường đâu nữa mà về. Phải đợi đến nay mới phản hồi cố quốc được. Khi đi bằng tàu. Được đón rước huênh hoang. Về thì lủi trốn như phường ăn trộm.
- Cậu ở đây có một mình à?
- Có một người bạn nữa chứ!
- Đâu nào?
- Kia kìa! – Phẩm trỏ một con khỉ con ngồi trên thân cây ở phía trên nóc lều.
Tôi bật cười. Nước mắt suýt trào ra. Con người bị đày đọa làm bạn với vật.
Phẩm nói:
- Em nhặt được nó trong một trận giông lớn. Sập cả lều, suối lũ. Cây to gãy nhánh và bật gốc. -Phẩm tiếp- loài vật này kể cũng hay anh ạ! Hồi còn đi học em có viết một bài chính tả tên là “Tình mẹ con con vượn.” Bài ấy có nội dung là con vượn mẹ bị thợ săn bắn bị thương nặng nhưng không buông con. Đến chết mới thôi. Và trước khi buông con vượn mẹ kêu lên một tiếng bi thương đến nỗi anh thợ săn trong lòng không bắt con nó… Con khỉ con này từ khi bị bắt tới nay em không phải cho ăn. Hằng ngày mẹ nó đều đến mang trái cây cho nó. Anh thấy đấy rừng bạt ngàn mà mình không tìm ra một thứ trái gì ăn được, thế nhưng con mẹ nó luôn luôn có trái chín ngon lành cho nó. Lắm lúc nó đánh rơi trên nóc lều em nhặt lấy nếm thử thì thấy rất ngon. Sau đó em quen đi, hễ thấy loại trái đó rơi trên nóc lều thì nhặt lấy ăn, không sợ trúng độc gì cả.
- Cậu ăn như thế, coi chừng sẽ mọc lông thành khỉ đó.
Phẩm cười:
- Em sống dưới sự bảo trợ của khỉ đột.
Đột nhiên tôi hỏi:
- Nè, cậu có xem phim Bạch Mao Nữ (của Trung Quốc) không?
- Có chứ. Hồi đó em chín mười tuổi gì. Xã em đang ở bước ba cải cách ruộng đất. Tức là đấu địa chủ. Phim Bạch Mao Nữ được chiếu cho đồng bào coi để nâng cao căm thù giai cấp địa chủ. Ý nghĩa là địa chủ biến con người thành con thú còn Đảng biến thú thành người.
- Nay mai sẽ có một cuốn phim Việt Nam tên là Bạch Mao Nam.
- Ở đâu chiếu vậy anh?
- Ở đây! Ở tại đường Trường Sơn. Không phải một mà hằng ngàn Bạch Mao Nam.
Cậu thanh niên đứng ngớ ra. Tôi thấy câu pha trò của tôi hơi ác nên cũng im luôn. Vừa đến đó thì có mấy nhánh cây khô rơi xuống nóc lều. Tôi ngó lên. Phẩm nói ngay:
- Mẹ nó đến đó!
- Thế à?
- Anh cứ đứng đây xem.
Tôi thấy con khỉ ngồi trong một đám lá rậm. Hình như tay nó ôm trước ngực mấy thứ gì. Phẩm thấy con vật không xuống ngay với con nó như hằng ngày thì bảo tôi:
- Có lẽ nó thấy người lạ nên sợ. Đâu anh trốn đi thử coi.
Tôi bước lùi vô bụi gần đó và khẽ vạch lá nhìn lên. Một cái gai ác ó móc vào trán đau điếng. Nhưng không rên la vì muốn xem màn kịch khỉ rừng.
Quả nhiên con khỉ tuột xuống rất nhanh và cho con nó ăn rồi vọt đi nhanh. Tôi hết sức ngạc nhiên về mối tình loài vật và quan hệ giữa Phẩm và hai con khỉ này. Phẩm vẫn đứng đó nhưng con khỉ mẹ cứ tuột xuống rất tự nhiên, không sợ sệt.
- Vậy cậu cũng có bạn chứ nhỉ!
- Vâng, em cảm thấy đỡ buồn! Mặc dù chúng không biết nói, em cũng vẫn nói chuyện với chúng hằng ngày. Một ngày nào đó khi về Hà Nội, em sẽ đem nó theo như một kỷ niệm sống của những năm tháng ở Trường Sơn.
- Ấy chết! Tôi kêu lên – Cậu có buộc nó không vậy?
- Có chứ! Em đã nhặt được một khúc dây kẽm làm vòng đeo quanh cổ nó và dừng hai cái quai ba lô để buộc nó vào nhánh cây.
- Cậu xem kìa hình như dây đứt rồi, toòng teng ở cổ nó đó.
Phẩm hốt hoảng leo lên cây chụp con khỉ con. Tôi tưởng nó nhảy vọt theo mẹ nó ai dè nó vẫn ngồi im. Trong lúc Phẩm leo lên nó có thừa thì giờ để theo mẹ nó nhưng nó lại không đi. Khi Phẩm ôm con khỉ con xuống tới đất thì mẹ nó từ trên cao vun vút tuột xuống và kêu lên tỏô vẻ như vừa căm thù cái con người đã đem con nó đi vừa mắng trách con nó sao không chịu chạy thoát trong một cơ hội tốt như vậy.
Phẩm dùng dây mắc võng bằng ni-lông buộc cổ con khỉ con vào cọc lều. Mặt mũi nó trông cũng dễ thương, không có vẻ phá phách. Có lẽ nó cũng mến cái người đã cứu nó trong giông bão.
Con khỉ mẹ trên cây vẫn bò qua lại nhưng không dám xuống gần nóc lều. Phẩm vác đá ném, nó nhảy lên cao rồi dòm xuống chứ không chịu đi.
- Cậu để con khỉ mẹ đến có ngày sẽ mất con khỉ con.
- Em biết không gì mặn nồng hơn tình mẹ con. Nhất là loại khỉ rất gần với loài người. Nó cũng yêu mến và thù oán y như chúng ta vậy. Nhưng nếu một ngày nào đó, nó có đem con nó đi được thì cũng tốt thôi. Em sẽ buồn nhưng đặt ngược lại hoàn cảnh, nếu em là mẹ thì em cũng phải cứu con em và nếu em là khỉ con thì em cũng trốn theo mẹ em.
- Cậu là triết nhân à? Cậu nên nhớ rằng ở đây là Trường Sơn và chúng mình đói thịt đói cơm.
- Anh định quay con vật tí hon này à?
- Không! Tôi muốn bắt con mẹ nó cơ.
Tôi hội ý với Phẩm và Phẩm đồng ý.
Tôi nhanh chóng trở về lều. Hoàng Việt đang nằm queo trên võng. Hai ông họa sĩ người thì đang đi sưu tầm củi, kẻ lại đì lấy nước mới về sửa soạn nấu nướng. Cô vũ nữ thì lúc nào cũng sắp đổ suốì nước mắt ra. Cho ngập lụt trần gian. Tôi tung tin lạc quan:
- Có thịt rồi!
Không một ai nhúc nhích. Vì tất cả đều từ bộ xương con nai trở về. Nghệ sĩ chỉ khỏe cái tâm hồn còn thể xác -yếu tố cần thiết nhất ở đây- thì lại chẳng đủ mạnh để giành giật những mẩu xương. Nghe tôi nói không ai tin.
- Ai muốn có thịt?
Vẫn không ai để ý. Tôi nói với Hoàng Việt:
- Thịt khỉ ăn tốt chứ anh Bảy.
- Ở đâu mà có? Há, cái lì ỉa lâu mà cố? – Hoàng Việt đã nghỉ khỏe có sức pha trò.
Tôi bật cười:
- Đến nước này rồi còn diễu!
Tôi bèn lôi Hoàng Việt đi. Hai đứa đến lều một “nhà quân sự” bị tụt hậu có cây AK mà tôi gặp và đi chung hai trạm vừa qua. Hắn cũng rất chán cái vũ khí của đảng này lắm rồi. Hắn dọa “Tôi sẽ đem đổi đạn lấy gà lợn, nếu cần tẩy cả súng tôi cũng cho đi nốt!” Hắn chẳng lau chùi. Hắn thường lót đít ngồi và treo cả ngoài lều mặc cho súng dầm mưa.
Bây giờ có cơ hội tốt cho hắn ta.
- Trớn! Đi với tôi! Có thịt ăn!
(Anh ta tên Trớn). Trớn ngồi dậy và trỏ cái gà mèn đang sôi sùng sục. Mấy cục xương nai đang nằm chìm trong bọt nước. Tôi lắc đầu.
- Ăn thua gì! – Tôi nói – Xách AK đi với tôi đi! Con thịt này khá lắm!
- Nai hả? Cái kiểu hồi nãy tôi chịu thôi. Suýt chém lộn, ớn quá!
- Không! Cứ đi rồi sẽ biết. Không phải nai!
Thấy Trớn miễn cưỡng, tôi bảo:
- Vậy cho mượn AK đi!
- Đấy! – Trớn hất hàm về phía gốc cây nơi khẩu súng đang nằm ngang dưới đất gác cái mõm đen ngòm trên rễ cây.
- Còn đạn không?
- Ba viên cuối cùng nằm trong băng.
- Một viên đủ rồi, cần gì đến ba? – Vừa nói tôi vừa chộp lấy cây súng và lôi Hoàng Việt đi.
- Có được gì, chia tớ tí nghe! – Trớn nói với theo.
- Chia chớ! Tứ lục! – Tôi cười vui vẻ.
Tôi vừa đi vừa kể cho Hoàng Việt nghe về cái hi vọng bừng sáng sẽ có được thịt khỉ sau khi hụt bữa thịt nai.
Khi vào đến sào huyệt của Phẩm thì kế hoạch đã được thực hiện xong hai bước đầu. Chỉ còn bước cuối cùng nữa là thu chiến lợi phẩm.
Phẩm đã buộc con khỉ vào chỗ cũ. Con mẹ đang lần dò xuống với con. Tôi kéo Hoàng Việt lủi vào bụi để phục kích.
- Thịt đó! Tôi vừa chỉ con khỉ đang tụt xuống gần con.
Số là Phẩm có khẩu các bin, nhưng đạn chỉ còn có một băng rưỡi. Hai băng hắn buộc vào nhau trở đầu và so le để lắp cho nhanh khỉ hữu sự. ‘ Phẩm không chịu chi một viên nào cho kế hoạch bắn khỉ.
Lúc nãy Phẩm càu nhàu, Phẩm không muốn thực hành cái kế hoạch tàn nhẫn mà chính y đã gợi ý (một cách vô tình cho tôi) nhưng tôi bảo: Lấy vật đãi nhơn chớ ai lấy nhơn đãi vật! Nếu tôi chết đói, cậu có vui lòng khi vui đùa với cặp khỉ đó không? Phẩm đau khổ ít nhiều nhưng sau cùng cũng cho tôi thi hành kế hoạch. Phẩm đem chú khỉ con buộc trên nóc lều để nhử khỉ mẹ. Tôi núp vào trong bụi rậm như phục kích Tây. Mũi súng nghếch lên và khe khẽ nạp đạn.
Tôi cũng đau khổ như hắn, có lẽ còn suy nghĩ nhiều hơn hắn. Tôi đã đọc một cái truyện của Maupassant hồi còn đi học. Có lẽ suốt đời tôi không thể quên. Đó là truyện “Tình Yêu” (L’amour). Truyện kể rằng một anh thợ săn vào rừng bắn được một con chim, con chim trống trong cặp chim đậu trên cành: một đôi vợ chồng hoặc tình nhân hạnh phúc. Con chim bị tử thương rơi xuống đất… Người thợ săn bước lại nhặt nó lên trong lúc con chim mái bay quầng trên đầu anh ta mà kêu lên những tiếng thảm thiết. Rồi đậu trên một nhánh cây thật thấp ngó xuống thi thể của tình nhân trên tay của kẻ thù. Anh thợ săn định giương súng bắn phát nữa nhưng bỗng nhiên anh ta thay đổi ý định. Anh ta bỏ dở cuộc săn và rời khu rừng không săn nữa.
Trời đất! Câu chuyện ác quá. Chỉ có ba trang sách. Thế mà đã gây cho tôi một vết thương lòng không lành được.
Bây giờ tôi lại làm gã thợ săn kia, có vẻ còn ác hơn. Vì tôi đã nhẫn tâm dùng con để nhử mẹ vào bẫy mà bắn. Đây kia, nó đang từ trên cao tụt xuống.
Nó đến với con nó nhưng hình như linh cảm nên không xuống gần như lúc nãy, chỉ ngồi ở giữa đường để nhìn con.
Hoàng Việt không mấy hăng hái lắm trước cái cảnh đó. Anh ta du học ở Bungari năm năm nên nhiễm cái tính yêu loài vật của người Âu Châu chăng?
- Đoàng! – Tôi nhắm mắt bóp cò.
Khi khói tan ở mũi súng tôi không còn thấy con khỉ nữa. Chỉ thấy con nó treo toòng teng ở đầu dây và la the thé vì bị dây siết nghẹt họng. Con khỉ mẹ đã vọt tuốt lên cao ngó xuống. Tôi nã luôn hai phát.
Con vật kêu lên. Tôi từ trong bụi vọt ra. Tưởng nó rơi xuống đất. Ai dè chỉ có máu đổ lộp độp trên lá và trên nóc lều. Thế là hết.
- Xui lắm. Bỏ đi! -Hoàng Việt nói- Đi về.
Không còn đạn. Cố nhiên là phải về. Vì con vật bị thương đã chuyền lên mút ngọn cây và lần mất. Không biết nó bị thương nặng nhẹ. Phẩm trèo lên gỡ chú khỉ con xuống đem buộc ở cọc lều mà không nói gì. Có lẽ anh ta ân hận vì đã cấu kết với tôi trong một âm mưu đen tối
Tôi và Hoàng Việt nhìn nhau. Phẩm nói:
- Anh báo cho anh em ngoài đó biết sáng mai tôi ra sớm. Hãy chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhất là đem theo nhiều nước vì đường dốc dữ lắm.
Vừa đi, Hoàng Việt nói:
- Còn tệ hơn cả cái đầu nai thối hôm trước.
- Tôi bất tài nhưng lại ác hơn anh thợ săn chim.
- Thợ săn chim nào?
- Ở bên Tây.
Cả hai cùng cười gượng sau hai lần chộp hụt nai lẩn khỉ
Mạng Người Lá Rụng Mạng Người Lá Rụng - Xuân Vũ Mạng Người Lá Rụng