Chướng ngại chỉ đe dọa được bạn một khi bạn rời mắt khỏi mục tiêu.

Henry Ford

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1914 / 59
Cập nhật: 2015-07-18 13:01:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
ường đi nắng sớm mưa chiều
Bao nhiêu lá rụng bấy nhiêu mạng người
Vào đây thì chết ở đây,
Bao giờ mộ mọc xanh cây thì về.
Nghe nước chảy như gần, nhưng đi hoài, dốc đổ đứng mà nước vẫn còn xa. Thu kêu:
- Em mệt quá!
- Tí nữa thôi mà! Cố lên!
- Đi hoài không tới.
- Thì anh đã có lần bảo em con đường này là con đường không đến mà.
Thu ngồi khụyu xuống một hòn đá. Lâu nay tôi hầu như quên khuấy đi rằng Thu là một người con gái và là một vũ nữ ba-lê đẹp có tiếng ở Hà Nội. Bỏi vì nàng chưa bao giờ cười tự nhiên. Nàng có cười chăng nữa thì đó chỉ là những cái cười chua chát.
Tôi ngồi xuống bên nàng. Nàng nhích ra:
- Có người ta đi lấy nước ở dưới bên kia.
- Đâu có ai đâu!
Tôi nói liều chứ không xem tới xem lui gì hết. Tôi ôm quàng ngang vai Thu. Thu gạt. Tôi ôm ngang lưng nàng và hôn vào gáy nàng. Trời ơi, lâu quá cái cổ ngà ngọc này chưa đón nhận những cái hôn. Đáng ra tôi phải hôn nàng hằng giờ hằng phút kiaa. Bây giờ hôn, tôi mới thấy lâu nay mình đã quên một việc làm hết sức tự nhiên. Thu ngả người ra. Gương mặt nàng ngửa lên. Mấy đốm nắng rơi trên tóc trên vai nàng rung rinh tan vỡ. Hương tóc đẫm mồ hôi của nàng mặn nồng say đắm lạ thường. Tôi áp môi tôi lên má nàng. Làn da như rực lên vì men tình đã dậy hay vì những đốm nắng thần kỳ. Tôi ấn môi tôi vào môi nàng. Nàng nhắm nghiền đôi mắt và đưa tay ghì đầu tôi xuống.
- Để anh làm cho chân em hết đau.
- Anh… anh!
Tôi bỏ nàng ra, quì xuống áp môi vào chân nàng, chỗ đau làm cho nàng rên siết hằng ngày. Nàng gập người xuống áp mặt vào lưng vào cổ tôi và xoa đầu tôi lia lia.
- Anh! Anh!
- Em đã bớt đau chưa?
- Cảm ơn anh!
Tôi đã hiểu lầm tôi lâu nay. Lâu nay tôi tưởng tới là sợi bún thiu. Nhưng hôm nay tôi mới biết tôi là lực sĩ. Tôi khỏe lắm. Bao nhiêu bệnh tật như đều biến đi hết. Tôi bế xốc nàng vào một lối mòn cách xa ven suối. Tôi đặt nàng lên những lớp lá vàng sắp lớp lên nhau như một chiếc nệm thần tiên.
- Thu!
Thu không đáp.
Những chiếc lá như trở mình xào xạc. Những ngọn cây như rung rinh. Những rễ cây như gồng lên như những bắp thịt. Gió ngừng bay và chim cũng không còn hót. Tất cả đều im phắc hoặc lẩn trốn để cho không khí tuyệt vời thuộc về của chúng tôi. Hơi thở Thu thơm nồng làm tôi choáng váng. Tôi lại hôn đôi bàn chân nhỏ nhắn và tơi tả và đầy những vết trầy xước của nàng.
Nàng nằm im lìm, mắt mở ra trân trối nhìn lên vòm lá xao động mà tâm hồn lại như dõi theo những chiếc hôn rứt thịt của tôi.
Cơn khát nỗi lên mãnh liệt. Bỗng nàng chụp tay tôi lại và kêu khẽ mấy tiếng gì rồi trở mình nằm nghiêng.
Nhưng một chiếc lá khi đã rơi xuống thì không bao giờ nằm nghiêng được trừ khi có một chỗ tựa. Chỗ tựa của nàng hiện giờ chỉ có thể là tôi nhưng chính tôi lại không thể để cho chiếc lá nằm nghiêng lâu hơn.
Thu bật khóc khi nàng buông tay tôi ra vì nàng biết không thể chống cự được hay chính nàng không muốn chống cự. Nàng khóc to lên…
… Bây giờ nàng đã nín, Nàng ngồi dậy vuốt tóc, bình tĩnh nói:
- Cả anh lẫn em đều có tội!
- Với ai?
- Với chính mình. Ngoài ra, em có tội với anh ấy. Còn anh thì có tội với Phương.
Tôi biết Thu hối hận. Nhưng tôi nói ngay:
- Anh sẽ yêu em, yêu thêm nữa!
- Không bao giờ! Đây là lần cuối cùng!
Tôi nói:
- Không phải tôi phản bội Phương một cách nhanh chóng. Và Thu cũng thế. Chúng ta đều có một quả tim trong quả tim chúng ta, nhưng em ạ, từ sau cơn sốt mà anh bi giao liên “chê,” anh thay đổi hẳn quan niệm về cuộc sống và tình yêu. Chúng ta bị làm những con vật hi sinh cho những tham vọng. Chúng ta có thể ăn cơm rồi chết, đêm ngủ rồi không dậy nữa, hoặc một trận bom, một mũi tên độc. Thế là xong. Anh bi quan đến cùng cực! Tôi tiếp – Em cũng chẳng khác gì anh đâu. Lại còn rất may rủi hơn anh nữa. Anh chàng của em, anh xin lỗi em nghe, biết đâu ở trong rừng hai năm nay cũng đã thay đổi quan niệm về cuộc sống và tình yêu. Em vào đến nơi thì thấy rằng sự trèo đèo lội suốì của em là vô ích.
Tôi chưa dứt lời thì nàng khóc to lên. Bỏ mẹ rồi. Ai bảo triết lý nhảm. Người ta đang yêu đắm đuối lại chọc gậy vào phá khuấy!
Tôi không nói nữa. Để cho nàng tuôn hết suốì lệ đến giọt cuối cùng tôi khẽ đỡ nàng đứng dậy.
Bất giác tôi nhìn lên ngọn cây. Một cặp khỉ đang ngồi lắc lẻo trên cành. Chứng đưa cho nhau những miếng mồi. Chúng vừa ăn vừa kêu chí chóe.
Bỗng một tiếng “phích.” Tôi nhìn xuống trước mặt tôi Một quả bứa chín bị cạp dở. Tôi nhặt lấy và trao cho Thu: “Trái chín của tình yêu đây em?”
… Con đường chập chùng rừng núi không tên đã dìm chết bao nhiêu người có tên, nhưng khi nằm xuống thì nấm mộ lại không tên.
Con đường mà tôi đang dẫm lên đây chỉ là một nhánh trong nhiều ngánh của con đường chính. Có lẽ là con đường dễ dàng nhất dành cho dân chánh nên so với các con đường khác thì nó không đáng kể là bao.
Sự thảm khốc của nó không phải chỉ do thiên nhiên gây ra, nghĩa là rừng thiêng nước độc mà còn do sự vô trách nhiệm của bọn lãnh đạo Hà Nội ham nghe báo cáo hồng và thích được vỗ tay.
Bộ Tổng tư lệnh được Tổng cục Hậu cần báo cáo là đường đi tốt lắm, trang bị quân sĩ rất đầy đủ, chiến sĩ và cán bộ rất phấn khởi khi được đi Giải phóng Miền Nam. Một cái báo cáo đã “láo” xa vạn dậm so với sự thật như vậy, nhưng khi “Bác” hỏi về con đường mòn “được vinh dự ” đội “tên Bác” như thế nào? thì Đại tướng Tổng tư lệnh tô thêm ít phấn hồng của bà Đại tướng nữa. Thành ra bác ngồi trong Phủ toàn quyền thấy cái ngày bác vô thăm thành phố rực rỡ tên vàng như gần gang tấc!
Cái gang tấc đó của giấc mơ Hồ Chí Minh dài bằng cả dãy Trường Sơn lót bằng xương trắng. Nhiều anh bộ đội mười sáu, mười bảy tuổi đã không kịp từ giã gia đình, chỉ được phát cho một hộp muối và mươi viên kí nín, dăm thìa ruốc thịt, thế là đi. Họ đâu biết con đường này dài bao nhiêu cây số và hiểm nguy, độc chướng như thế nào. Bác bảo đi là đi.
Sau cái chết của Trung đội phó Thưởng, đoàn của tôi vô cùng chán nản. Một cán bộ trung đội phó bị chỉ trích quá đáng, đúng ra là bị mạt sát, nhục nhã đã tự nổ AK vào đầu.
Sáng hôm sau, vẫn như lần trước, tôi bị đơn vị bỏ lại cùng với một đám sứt tay gãy gọng, nam có nữ có, họa sĩ có nhạc sĩ có. Và tôi là văn sĩ. Vậy là có thể thành lập một phân hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Trường Sơn.
Sốt gì sốt vậy? Tôi vượt được đúng ba mươi ngày thì sốt! Và từ đó hình như cơn sốt không rời tôi nữa. Và đứa nào cung sốt không đứa nào nguyên lành. Vô sốt rét bất thành tráng sĩ Trường Sơn.
Bạn đã từng thấy một người con gái đẹp ở Hà Nội – một vũ nữ ba lê – chẳng hạn. Sau một tháng leo núi và sốt rét, bây giờ nàng thê thảm đến mức độ bạn không còn muốn nhìn nữa. Tôi với nàng – Thu – quen nhau từ trong trường đi B. Thu là bạn của Phương người yêu tôi. Chúng tôi yêu nhau trong trường này…
Mỗi lần nhìn thấy Thu tôi lại nhớ Phương. Chắc có lẽ Phương bây giờ cũng như thế này.
Tôi nằm trên võng, mơ màng nghe tiếng nói của ai mà thức dậy. Tôi tự hỏi thầm: Sao mình côn sống? Mỗi lần mở mắt ra, thì đó là câu hỏi như kinh nhật tụng của Hồ chủ tịch mà mỗi người cán bộ đều xài trong kháng chiến.
Sao mình còn sống? Sao mình chưa chết?
Giá có Phương ở bên cạnh thì đỡ biết bao, mặc dù cả hai cùng sốt, nhưng đỡ cô đơn. Bạn đã từng biết cái cô đơn của bệnh nhân khi tỉnh giấc mà không có một ai bên cạnh hết không, hoặc có người mà người đó coi bạn như rác, hoặc không là gì cả. Người đó là giao liên. Họ chán cán bộ chiến sĩ đến độ là xem cán bộ chiến sĩ như cái nợ đời nợ kiếp. Nếu một người lỡ chết tại trạm cửa họ thì họ phải nhọc sức khiêng đi bỏ xa xa chỗ đóng quân. Tội nghiệp, họ không có sức. Họ cũng đau ốm và thiếu thốn như chúng tôi, chỉ khác là họ biết đường đi.
Họ là người ở đồng bằng không quen thủy thổ ở đây cũng như dân Hà Nội chứng tôi vậy.
Trong lúc tôi không còn nhờ vả được ai nữa thì một anh giao liên đến. Anh ta còn trẻ lắm, đâu hai mươi ngoài gì đó. Má hóp răng vêu, tay chân lòng khòng như tay chân vượn.
Anh ta đến ngồi bên võng tôi. Tôi không hiểu sao anh ta lại hỏi:
- Đồng chí có muốn ăn cháo hay uống nước gì không, tôi nấu dùm cho.
- Tôi khát nước quá trời!
- Mấy cữ rồi?
- Mấy chục cữ rồi thì có!
- Cách nhật hay cách hằng nhật?
- Liên miên trời đất, không còn biết đầu đuôi gì nữa!
- Đi ông Cụ à?
- Ừ, ông Cụ.
- Thế thì còn khước!
- Cậu ở đâu ta thế? Tôi dở giọng Bắc ra để bắt chuyện.
- Nghi Tầm Hà Nội!
- Hồ bơi Quảng Bá à?
- Vâng!... Sao anh trông quen quen là!
- Nhà cậu ở góc nào nào?
- Thì ở ven hồ, trên đường nhựa ngó xuống.
- Vậy gần trại sản xuất của Hội Nhà văn?
- Đúng đấy. Nhà em có vườn mận.
- Tôi nhớ ra rồi!
Quả thật tôi đã nhớ ra. Ở cái vườn mận đó, một người bạn tôi đã yêu một cô gái. Vườn mận nhiều bóng mát và trái rất sai. Hoa mận có nhụy trắng và thơm như nhụy đào. Vì cái vụ đi Nam mà mối tình này lỡ dở. Tôi có biết người con gái đó. Nàng đẹp chất phác nhưng là một vẻ đẹp ít thấy. Ở cái nhìn đầu tiên lòng anh nhà văn kia đã nảy nở ngay mối tình nửa chợ nửa quê.
Người giao liên lại hỏi tôi:
- Anh cần gì em giúp cho? – Anh giao liên không gọi tôi là đồng chí nữa.
Tôi chẳng biết cần anh ta giúp cái gì bây giờ. Cần thì rất cần nhưng cần nhất là ăn. Ăn gì? Cháo! Ai nấu? Ai cũng được, nhưng nấu thì không có ai.
Không mấy khi ai giúp ai nấu cháo hay nấu gì trên đường này. Hoặc hơn thế nữa, không ai giúp ai trong bất cứ việc gì đừng oán trách chi ai. Trước đây vài trạm tôi đã cùng nằm lại với ba thằng khác. Lúc đó một nhà quay phim cửa xưởng phim Hà Nội, lại cùng học chung một trường ngày xưa, đã không thèm ngó mặt tôi và đã không thèm tháp tùng vào đoàn bệnh nhân bọc hậu của tôi. Anh ta cũng ốm nằm lại nhưng đã vươn lên nổi. Khi gặp tôi và đám đồng hành bệnh lặc lè, anh đã làm mặt lạ và không đi chung. Anh ta giải thích như sau: “Mình bi kẹt kinh tế với mấy đứa kia!”
Mấy “đứa kia” nào tôi không biết, nhưng dù chúng nó là mấy đứa nào di nữa anh ta vẫn phải đi với chúng tôi để giữ tính cách tập thể của đoàn mà lúc ra đi nhà trường đã dặn dò. Anh ta nói vậy nhưng tôi hiểu rằng anh ta sợ đi chung với đám bệnh nhân yếu hơn anh ta rồi sẽ phải cán đán nhiều việc. Bọn tôi cũng bất cần. Sự giúp đỡ của anh ta nếu có thì cũng chẳng đi đến đâu mà phải cầu cạnh anh ta ráp vào với mình.
Trời còn có mắt, khi chúng tôi ngóc dậy nổi và “hành quân” một cách oai hùng thì lại gặp hắn nằm bẹp dí ở trạm trước mặt. Hắn có vẻ hối hận. Nhưng tôi đếch cần sự hối hận đó. Mày đã thế thì tao đáp lại mày thế. Hắn nhờ một đứa trong bọn tôi lấy dùm một lon nước ở suối dưới dốc. Hắn không bò nổi. Tôi đã từ chố thẳng thừng. Lại còn “cấm” không thằng nào được giúp hắn. Tôi chỉ huy có ba thằng nhưng cũng oai. Vì cái lệnh của tôi rất nhân hòa và địa lợi, có lẽ cả thiên thời nữa nên không đứa nào chống lại.
Hắn rất biết điều. Hắn không nài nỉ thêm. Mãi hôm sau, tôi ân hận – đến phiên tôi ân hận, nên đã lấy dùm hắn một guy-gô nước để ở đầu võng hắn nhưng nhất định không nấu. Tình đồng chí đến thế cũng đã là cao rồi.
Đó sự giúp đỡ, tình đồng chí trên con đường này đại khái nó hiện nguyên hình như thế đó.
Cho nên tôi hết sức ngạc nhiên khi nghe lời thăm hỏi của anh giao liên. Anh ta lấy lon đi múc nước và nấu dùm tôi. Bất cứ lúc nào người Trường Sơn cũng cần nước nóng nước sôi – để uống, để đổ vào bi đông mang theo dọc đường.
Uống nước sống là sốt ngay. Vì đó là uống vi trùng.
- Bây giờ có được trái mận cậu nhỉ! – Tôi kiếm chuyện nói xã giao.
- Ý, em sắp có mận rồi đấy anh.
- Mận gì?
- Mận nhà em.
- Sao cậu có ở đây được, bộ cậu phơi khô à?
- Không, em giồng lấy chứ!
- Làm sao trồng được, hạt đâu mà trồng?
Cậu giao liên cười:
- Chuyện lạ anh nhỉ, nhưng mà có thực.
Rồi cậu ta vui miệng tiếp:
- Em đã đọc một truyện dịch của nước ngoài rất thú vị. Như thế này: Có một anh thợ săn đi săn thú rừng. Anh chàng bắn suốt ngày, đã hết đạn nhưng không được con thú nào. Chiều đến, sắp đi về thì lại gặp một con nai tơ rất dạn, tưởng có thể bắt bằng tay được. Bắn thì chắc trúng trăm phần trăm rồi, nhưng không còn viên đạn nào. Chàng ta bèn nảy ra sáng kiến là hái một trái mận ăn rồi lấy hạt lắp vào súng thay cho đạn. Chàng ta nhắm đầu con nai mà đưa một phát. Con nai hoảng chạy mất tiêu. Mấy năm sau chàng ta lại đi săn. Chàng ta bất ngờ gặp một con nai trên dầu có cây mận, thay vì có bộ sừng chà gạc như những chú nai khác…
- Hay!thỉ! – Tôi nói.
- Trí tưởng tượng của nhà văn thật là kinh hồn. Chỉ đọc một truyện đó thôi em cũng thấy tinh thần sảng khoái lạ thường. Đó là một sự tưởng tượng chứ nào có chuyện gì như vậy dược, nhưng mỗi khi nói đến chuyện thiếu nhi thì em nhớ chuyện “Cây mận trên đầu con nai” kể trên.
- Rồi cây mận của cậu có ăn thua gì vô đó?
- Không ăn thua nhưng nó cũng là cây mận mọc lên trong sự bất ngờ.
Cậu giao liên đứng dậy nói:
- Để em đi vào trong chòi của em!ấy đem ra cho anh một ít củi.
- Ừ, tốt lắm. Củi ở đây còn khó tìm hơn củi ở Hồ Hoàn Kiếm!
- Anh nghĩ coi ngày nào cũng cả trăm người quơ củi nấu nướng như thế này, củi nào còn được.
- Cậu tên gì thế?
- Chính. – Chính vừa đáp vừa đi nhanh vào trạm.
Tôi nghĩ thầm. Nó là em của nàng Thơ vườn mận. Nó đâu đã đến hai mươi. Vậy mà trông như ông cụ non. Uổng quá, thằng bạn tôi đã đi vào rồi. Nếu nó ốm mà nằm lại đây thì anh rể và em vợ hụt đã gặp nhau. Con đường này ngoài cái chết thảm khốc, nó còn cho nhân loại những áng văn chương biệt ly không ai biết để viết ra. Cậu thanh niên này ít ra cũng mang một vết thương lòng trong khi trú ẩn tại cái hốc đá này. Và một cô gái Nghi Tầm cũng đã khóc thầm trong những đêm mưa hay trong những lần đi sang vườn mận.
Chính trở ra tay cầm mấy que củi chắc. Có nghĩa là không phải nhánh cây khô mà là những thân cây tươi đốn xuống rồi chẻ ra như củi bán ở mậu dịch củi Hà Nội.
- Cậu có cả củi ấy nữa cơ à?
- Đây là “thuốc” chống sốt đấy anh ạ?
- Thuốc gì lạ vậy?
- Không phải thuốc nhưng cũng như thuốc vậy. Anh biết sao không?
- Sao?
- Ở đây mà cứ treo mình trên võng ngủ hoài thì dễ sốt lắm anh ạ. Anh có kinh nghiệm thế không?
- Không! Nhưng làm sao cấm con người ta nằm võng được?
- Tự cấm mình tốt hơn chớ không ai cấm. Em nghiệm ra như thế cho nên tự bắt mình khổ sai. Ở đây đâu có việc gì làm ngoài việc chặt cây, đốn củi và chẻ ra làm củi. Vừa có lợi cho nấu nướng vừa có lợi cho sức khỏe. Con dao của em chắc cũng rèn ở một lò với dao anh chớ gì. Đúng là con dao của phố hàng Mã. Vậy mà em ngả nổi nhung gốc cây to bằng đùi mình. Thì chém bao nhiêu nhát? Phồng tay. Ba ngày. Bốn ngày. Anh biết không. Ngày nay không dứt thì ngày mai. Ngày nào cũng chém. Như vây là mồ hôi ra. Sốt rét không nhập vào người nổi. Ấy vậy mà cũng sốt. Còn bệnh mà nằm hoài như các anh vậy thì không bao giờ dứt cơn sốt. Sốt kéo dây thêm sốt.
Chính đã nấu sôi lon nước. Còn bao nhiêu thanh củi thừa hắn xếp lại một bên và bảo:
- Anh nấu cháo với mớ củi này. Đủ đấy! Anh uống một miếng nước nóng đi. Anh có chuôm kí nín không? Kí nín đảng bác phát không cắt cữ nổi. Anh đã mờ mắt chưa?
- Chưa. Mới vàng mắt thôi! – Tôi vạch mí mắt cho hắn xem..
Chính rót nước ra cái nắp gà mèn, nhưng tôi kêu: “Để pha tí trà.” Rồi móc gói trà trong ba lô ra, bốc một dúm bỏ vào lon nước, đậy nắp lại. Cái lon guy-gô (hộp sữa bột Hòa Lan) thế mà được việc lắm. Lúc sắp đi Nam tôi phải chạy tận chợ trời mua mấy cái. Tự nhiên loại hàng chiến lược này khan di. Dân đi B càng lúc càng đông. Nhà nước không có nhôm chỉ gò hộp sắt vừa nặng lại vừa rĩ sét cho nên chúng tôi đã trút cả lon muối và lon kho quẹt của đảng phát cho vào hai lon guy-gô. Còn hai ba cái khác thi để dành nấu nước, chứa nước đeo trong lưng như một cái bi đông thứ hai. Bi đông của Trung Quốc không đủ nước cho một chặng đường núi. Nhiều người phải chặt ống nứa chứa nước để mang theo ở những chặng dài gấp đôi chặng thường lại không có suối. Ống nứa tươi nặng bằng năm bi đông nước đầy. Đã yếu sức lại phải tải thêm các thứ đồ lề trên lưng cụp cả xương sống.
Trà Chính Xuân, mỗi tháng đi Nam được mua một gói “để về tặng bà con trong Nam uống cho biết mùi xã nghĩa thơm tho.”
Tôi dùng một que nứa cặp quanh thân guy-gô nghiêng rót trà ra nắp gà mèn và cái bát sắt tráng men made in Hungari đã xếu mếu, tróc sơn vì rớt nhiều lần trên đá và bị dẫm lên như chính chủ nó vậy.
Hai con ma sốt rét ngồi uống trà giữa rừng. Tôi ngồi trên võng, còn Chính thì ngồi trên cái rễ cây gồ ghề.
Gói trà đã khui ra từ lâu, đã mất nhiều hơi không được nguyên hương nữa nhưng rất tuyệt trần..Tôi uống bằng tư tưởng hơn là bằng môi. Tôi tưởng tượng tôi đang ngồi ở phòng trà Phố Huế Hà Nội uống nước cau khô pha trà hay trà xác ngâm nước cau khô mà tưởng tượng rằng mình uống trà “Trảm Mã” hoặc “Vũ di Sơn” cơ, nhưng bất cứ bằng tưởng tượng hay bằng môi thịt thì cũng không ngon bằng trà Trường Sơn này. Cái gì hiếm đều quí.
Nước ấm chạy vào từng mạch máu li ti. Tôi thấy ấm cả người và tỉnh cả tinh thần. Tôi hỏi:
- Còn cây mận của cậu ở đâu?
- Em trồng trong trạm.
- Hạt đâu mà trồng?
- Đó là chuyện lạ, lạ như truyện gã thợ sắn kia.
- Cậu kể còn thiếu. – Tôi rót trà cho Chính và nói.
- Em tên là Phẩm. Không phải Chính, nhưng vô đây em đã đổi tên Chính,
Tôi kể tiếp chuyện cây mận trên đầu con nai:
- Mấy năm sau gã thợ săn vô rừng. Lần này gã bắn được nhiều thú. Khi sắp sửa ra về, gã chợt thấy một chùm mận ngay trước mắt. Nước trong bi đông cũng cạn như bọn vượt Trường Sơn tụi này vậy. Gã bèn leo lên hái ăn. Nhưng gã chợt nghe cây mận di chuyển. Gã nhìn xuống đất thì thấy mặt đất cứ lùi lại phía sau. Hắn lấy làm lạ, nhưng sau khi nhìn kỹ thì thấy một con nai đang đội cây mận mà đi… Hóa ra cái hạt mận bi nhét vào sọ con vật nay đã trở thành cây. Gã lật đật nhảy xuống đất.
- Đâu phải! Khúc sau này là do anh tưởng tượng thêm ra… Chuyện em biết không ly kỳ như vậy đâu!
Tôi.cười.
Bữa trà trở nên vui vẻ và thân mật hơn. Tôi nhường lời cho Phẩm kể về cái hạt mận của cậu ta. Phẩm nói:
- Em đang học lớp mười một thì bị động viên. Em được đưa vô thẳng trong này. Ở trên hứa sẽ cho về Hà Nội học tiếp sau sáu tháng phục vụ ở Trường Sơn. Em vô đến đây một hôm nằm trên võng mằn mằn trong túi quần tìm cái gì nó cấn cấn bên đùi. À này, anh có nhớ cái hạt na của Văn Cao không?
- Hạt Na nào của Văn Cao?
- Cái hạt na “nằm lấp dưới chiếu không chết ai nhưng mà cấn lưng khó chịu” ấy mà!
- Không phải Văn Cao mà là Nam Cao, trong Sống Mòn, cậu muốn nói cái hạt na đó chớ gì!
- Vâng, em nhầm Nam ra Văn, vi hai ông ấy cùng “Cao” cả.
- Rồi hạt mận nằm dưới chiếu đâu?
- Không, em mò trong túi quần, bất đồ moi ra được cái hột mận nhà em. Em nảy ra ý nghĩ đem trồng nó và em đã trồng nó ở bên lều em trong kia kìa. Anh có rỗi, ủa anh có khỏe không, vào xem chơi cho đỡ nhớ Hà Nội.
- Không leo lên cây được chớ!
- Làm gì. Nó mới lên cao bằng gang tay thôi mà.
- Ừ để chốc nữa, có khỏe thì tôi vào. Mà không sợ lộ bí mật à?
- Không! Em có cái gì cần giữ bí mật đâu mà sợ. Nhưng dù sợ, chắc đã giữ được bí mật? Cũng như con đường này vậy, mình đã giữ được bí mật nó hay không? Mặc dù mình đã hết sức bí mật, đổi cả tên tuổi mọi người nhưng cả Hà Nội đều hay. Như em đây, em giấu với người yêu em nhưng cô nàng cũng biết.
- Đã có người yêu rồi cơ đấy à?
- Có lâu rồi chứ!
- Rồi sao?
- Đi có sáu tháng phục vụ giải phóng Miền Nam mà đâu có lâu. Bố em định em hết lớp mười hai mới làm lễ cưới cho chúng em.
- Sớm thế. Mới có mười tám.
- Chỉ mình em là trai trong gia đình nên bố em sốt ruột. Chị em đã nhở một lần. Thầy em hơi bất mãn.
- Nhỡ hồi nào?
- Với anh nhà văn ở Hà Nội, người miền Nam.
- Theo tôi biết thì mới yêu nhau sơ sơ thôi mà.
- Sơ sơ đâu mà sơ sơ. Chị em yêu anh ấy sâu đậm rồi. Hai bên đã hứa với nhau.
- Đi vô đây còn hứa nỗi gì?
- Nếu biết con đường như thế này thì chắc ảnh không hứa đâu. Anh biết đấy, đến em đây em cũng không dám hứa gì hết với người yêu của em kia mà.
- Thế ngộ ở ngoài đó người ta lấy chồng thì sao?
- Em mong thế.
- Cậu bi quan vậy.
- Anh lạc quan lắm hở?
- Lạc quan chứ!
- Anh lập trường vững nhỉ!
- Không vững mà lọt vô đây được à. Cậu cũng vững chớ thua gì tôi đâu.
Phẩm đang vui vẻ bỗng trở buồn dàu dàu:
- Vững gì em. Em muốn về đây chứ mà không biết làm sao!
- Hết hạn đăng ký rồi hả?
- Trên một năm rồi.
- Ủa sao ở trên không cho cậu về?
- Ở đây chỉ còn biết kêu nài với mấy cái đá tai mèo và mấy cây cổ thụ kia.
- Cậu thủ trại có một mình hay sao?
- Chứ anh nghĩ là mấy mình?
- Trời đất, ở như vậy chịu sao thấu?
- Không thấu cũng phải thấu chứ không thì ai thấu cho mình.
- Có bề gì ai tiếp cứu, giúp đỡ cho?
- Thì cũng chỉ có hai đồng chí Cổ Thụ và Tai Mèo! Chứ có ai đâu khác? Nhưng mà được cái là lúc nào cũng có khách nằm ở đây.
- Nhưng cậu coi họ là ma quỉ còn họ coi cậu là kẻ thù hoặc là trời con mà. Họ đâu có giúp cậu nếu cậu cần. Hơn nữa, cậu giữ bí mật chỗ ở của cậu, họ đâu có biết cậu ở đâu
Phẩm ngồi im. Có lẽ gã chợt nhận ra cuộc sống quái gỡ của gã ở đây.
- Em cũng không biết sao nhưng đã hơn một năm rồi, em sống như thế đó.
- Cậu không sốt à?
- Sốt? Không mà được à! Em coi kí nín là một trong mấy đồng chí gần gũi nhất của em.
- Xanh hay vàng?
- Vàng là đồng chí, xanh là đại đồng chí! Hồi mới vô bị cữ em cho một phát ba đồng chí vàng là cúp ngay. Nhưng sau vài cữ, nó lờn mặt, vàng bất lực, uống vô nhậm nhầy, không đi tới đâu cả. Một hôm một anh bộ đội cho ba viên xanh. Ôi chao, em bỏ hết vào mồm, tu ngụm nước...
- Ấy chết! Xanh mà cậu đi kiểu đó thì chết!
- Để yên em kể cho nghe. Thứ xanh ác thiệt anh ạ. Không biết của nước xã nghĩa anh em nào vậy. Tọng vô được một chốc thì tai em bắt đầu nghe ù ù, mắt em bắt đầu mờ và chập sau là em nghe như lửa cháy trong người. Cả người em nghe khô lên như rơm rạ giữa đồng. Em tuột hết quần áo nhảy xuống suối. Em ngâm mình luôn một hồi rồi lên võng, thiếp đi hồi nào không rõ. Đến chiều tối em giựt mình thức dậy thấy mình nằm bên bờ suối! Em mang máng nhớ ra rằng lúc mê sảng, khát nước, em đã bò ra bờ suối uống nước.
- Thế là đồng chí sốt rét không đến nữa hả?
- Không đến sao được.. Chì cách vài hôm là đến thăm em.
- Thế rồi cây mận làm sao?
- À quên! Em đem cái hạt mận tìm chỗ có đất phân đào xới, nhặt hết đá và nhét xuống đó. Hằng ngày em tưới cho nó tí nước. Em bảo nó: “Mận ơi? Hãy đến với anh!” Nó như nghe rõ lời than của em. Một hôm khi di chuyển về em ghé mắt thấy nó nứt mọng anh ạ! Trời ơi! Em mừng như đẻ được đứa con. Từ đó em thấy đỡ cô đơn. Lúc nào cũng dòm cũng ngó. Muốn cho nó vụt cao lên và có trái ngay cho em hái. Đó sự tích.cây mận của em không ly kỳ như cây mận đầu nai nhưng chắc chắn nó mang nặng tình hơn. Anh có muốn xem không, em dắt anh đi xem.
- Để hôm nào đã, bây giờ chân cẳng đâu có bước nổi.
Tôi hơi tiếc. Nếu biết thằng em vợ hụt ở đây, chắc anh bạn tôi sẽ đổ nhiều tâm sự. Đoán chừng như thế, Phẩm nói ngay:
- Em nhận ra anh ấy chứ!
- Anh nào?
- Anh nhà văn người yêu của chị em!
- Trời đất, sao cậu không nói để anh em hàn huyên với nhau.
- Em nhận ra ảnh vì sao anh biết không. Vì ảnh mới vô đây hình thể chưa thay đôi nhiều, nên trông thấy ảnh là em biết ngay. Còn em ở đây hơn năm rồi, hình thù không còn ra cái giống gì nữa cho nên ảnh đâu có thể nhận ra.
Chúng tôi uống cạn guy-gô nước. Phẩm nấu thêm. Lại uống. Như rồng. Phẩm lại nói:
- Em không muốn ảnh nhận ra em là vì em nghĩ: Để làm gì? Con đường này, một khi đã dẫm lên là kể như phân nửa đã hi sinh cho Tổ quốc. Nhắc cho anh ấy một mối tình không có hi vọng gì hết thì để làm gì? Chỉ làm ảnh thêm bận lòng khi ‘bước chân trên đường gập ghềnh xa” thôi.
Lại uống hết guy-gô nước thứ hai. Tâm sự làm cạn mất ít nhiều nước suối. Chúng tôi bỗng trở thành bạn tri âm trong một điểm tình cảm: Hà Nội và tình yêu.
Hơn một tháng qua đi hơn hai mươi trạm, tôi chưa gặp một anh giao liên nào dễ thương và đáng tội nghiệp như Phẩm. Chẳng hiểu bao nhiêu học sinh đã “tình ‘ nguyện” đi vào con đường này để giải phóng Miền Nam này.
Vừa sắp sửa tiêu diệt lon nước thứ ba thì nhạc sĩ Hoàng Việt tới. Anh ta bị sái cái bánh chè, vì lội suối trợt ngã vào đá đâu mấy ngày trước. Anh đi trước tôi nhưng nằm lại đây vì cái bánh chè báo cô.
Trên đường này, ngoài “đồng chí sốt rét” thường xuyên ngự trong tim bạn, còn không biết bao nhiêu thứ bịnh khác có thể xì ra hoặc xảy tới bất cứ lúc nào. Nhất: là các ông bà có mầm mống thấp khớp thì càng lãnh ân huệ sớm. Gương mặt Hoàng Việt trông thảm não nhất. Anh đi Bungari mới về. Tốt nghiệp Nhạc viện Bê la Bát tốc, vừa hoàn thành bản giao hưởng “Quê Hương” đã được giàn nhạc giao hưởng Hà Nội trình bày ở nhà hát Thành phố như một sự tiễn chân nhạc sĩ. Hồi đó – cách không lâu -chừng hơn một tháng- Hoàng Việt da dẻ hồng hào, gương mặt đỏ au, hai má phính bơ sữa nước bạn về Quê Hương chưa có thì giờ tọp lại. Tóc đã hoa râm nhưng còn điển trai lắm. Các cô văn công đáp tới anh Bảy liền xì, xin dĩa nhựa và xin luôn chữ ký và tặng lại anh Bảy thứ nọ thứ kia để làm kỷ niệm… mang về Nam cho chi Bảy và các cháu.
Nhưng bây giờ thì ô hô! Một Hoàng Việt đầu bạc như lông chó cò -Anh tự vẽ chân dung ra như thế- ống quyển như hai cây gậy, bánh chè lung lơ như bạc đạn xe ba gác còn trái tim thì tồng phộc như một trái dừa chuột khoét. Tuy vậy Hoàng Việt không bi sốt rét hành hạ nặng nề như mấy đứa tôi,.
- Uống miếng trà anh Bảy! – Tôi mời một cách thiệt tình.
Hoàng Việt quơ mấy mớ xác trà chúng tôi vừa đổ ra trên.một mẫu ni lông đợi khi uống xong cữ trà thì đem phơi lại để uống keo thứ hai. Hoàng Việt bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến và vui vẻ nói:
- Chủ tịch Kim Nhựt Thành gởi cho tụi mình bốn mươi tấn sâm ở trạm tới. Ráng bò tới đó, mỗi đứa sẽ được lãnh một c… ủ.
- Co… hả? – Tôi chêm vào.
- Ê chú em? Đây là xứ nào vậy? – Hoàng Việt hỏi cậu giao liên.
- Dạ, em cũng không rõ là xứ nào! Em không còn nhớ em tên là gì nứa là! Chính hay Phẩm? Không biết cái nào là của cha mẹ đặt, cái nào là của đảng ban cho, nói gì đến địa danh, địa hình.
- Nếu bị địch tấn công bất tử cậu chạy ra khỏi khu vực trách nhiệm của cậu thì làm sao biết đường?.
- Không rõ! Vì chưa xảy ra!
Hoàng Việt về lều lấy trà thêm. Cậu giao liên có lẽ lâu lắm mới được uống trà nên thấy có trà thêm thì hăm hở đi múc nước suối. Lần này cậu ta gom tất cả được hai bi đông và ba hộp guy-gô.
Giờ này là giờ nào? Có lẽ trưa. Nhưng không ai còn đồng hồ nữa. Đồng hồ đã đi theo heo gà trong buôn hết cả từ lâu: Tôi còn một cái Movado waterproof nhưng vô tới đây hơi nước len vô bốc làm mờ mặt kiếng và cuối cùng là chết máy.
Mặc kệ, không cần giờ giấc. Có giao liên ngồi chủ trì uống trà thì dù lửa khói mù mịt cũng chẳng ai rầy.
Nếu người khác nấu, có một tí khói cũng bi la ó. Và nếu giao liên bắt gặp thì bị cảnh cáo nặng nề. Do đó một “hội viên” uống trà khác thấy cuộc họp có vẻ êm ấm lại vác xác tới.
Đó là một họa sĩ trẻ. Anh ta vừa tốt nghiệp trung cấp kỹ thuật thì “tình nguyện” đi Nam. Đáng lẽ để cho anh ta học thêm hơn là bắt anh ta tình nguyện. Nét bút của anh ta còn non lắm. Không biết đưa anh ta vào Nam để làm gì?
Anh ta rề lại chìa cái chén Hungari:
- Cho em xin tí uống thuốc.
- Tí thôi hả?
- Vâng. Uống xong là cắt cữ, mai đi.
Anh ta tên Trịnh Văn Núi quê ở Ninh Bình đã hứa hôn với một cô gái ở quê tên là Lã Thị Đôi. Núi có cho tôi.xem ảnh hai người chụp chung trước khi anh ta vô trường đi B. Vào trường, anh cũng đổi tên như mọi người, anh bỏ Núi, lấy tên Đôi. Đôi! Núi Đôi. Đầy ý nghĩa, một cái tên. Nhưng bây giờ thì núi không đôi mà chỉ toàn núi chiếc hoặc núi chập chùng núi trùng trùng điệp điệp núi không dứt, núi cao núi thấp núi dọc núi ngang, mở mắt là thấy núi, lội suốt ngày vẫn còn núi, ngủ trên núi, uống nước dưới chân núi, thì ra núi chỉ thơ mộng trong thơ nhưng trên mặt đất này thì núi là cái đồ mắc dịch, càng thấy càng căm thù, càng leo càng to tiếng văng tục.
Tôi nhìn Núi, thấy cậu ta có vẻ thất sắc khác thường như thế nào ấy. Tôi bảo:
- Ngồi đây uống vài chén đã. Ai bắt đóng thuế Nông nghiệp đâu mà sợ!
- Cảm ơn anh, nhưng em thấy khó chịu quá, để em về uống thuốc đã.
Tôi ngó theo, anh chàng đi xiêu xiêu tay vịn vào thân cây sợ ngã.
Hoàng Việt nói:
- Thanh niên gì dở hơn ông già vậy?
Tôi nới:
- Cái sốt của nó hơi lạ anh ạ!
- Lạ thế nào mà lạ! Thì cứ ba chú “đòn xốc” ghim là đủ liều vi trùng vô máu rồi chớ lạ gì!
Còn mấy đội viên trong cái đoàn què quặt cửa tôi nữa là một họa sĩ trẻ khác tên Nguyễn Văn Ngữ. Ngữ có vợ có con. Độc đáo của anh họa sĩ này là từ bốn năm trạm trở lại đây anh ta không bao giờ dứt cữ sốt. Hết nóng tới lạnh. Hết lạnh tới nóng. Anh ta luôn luôn trùm phủ đầu bằng một cái khăn rằn và chụp mủ tai bèo lên, trông hì hợm như người Ả Rập.
Đội viên cuối cùng là một minh tinh đoàn vũ trung ương tên Thu. Thu bi trặc chân. Đi núi mà lại trặc chân! Ca múa mà lại trặc chân! Cái sự trặc chân quả là đại phản động. Đúng ra nó không nên đến mà nó lại đến và lại đến cho một vũ nữ trẻ đẹp, biến nàng thành cái nợ cho tất cả mấy thằng bệnh chúng tôi. Khiêng không xuể một cái trọng lượng như vậy thì đã đành rồi nhưng lại cũng không thể nằm lại đây mục võng chờ cho cô hết cái bệnh trặc chân để đi chung. Bây giờ lại thêm một ông nhạc sĩ sồn sồn lung lơ bánh chè ráp vào thêm cho chiếc xe giải phóng Miền Nam vốn đã ọc ạch rồi lại càng rơ thêm nữa. Nào, giải phóng Miền Nam, ta cùng quyết tiến bước.
Thế là ngũ quỷ. Một con số mà người Việt Nam đố kỵ cũng như người Pháp sợ con số mười ba, con số xui xẻo vô cùng.Chập sau Phẩm trở về vai mang, tay ôm.
Đây, những người “yêu nước” tha hồ yêu nước suối!. Các bố có muốn ăn thịt nai không?
Tất cả đều dựng đứng lên:
- Đâu nào nai đâu?
- Cậu có cạc-bin không?
- Nai gì? Thợ săn bắn bằng hạt mận của cậu chắc!– Mỗi đứa một câu rộ lên.
- Nai thiệt mà!
- Ở đâu?
- Người Thượng họ lóc hết thịt rồi còn cái bộ xương. Có đi thì em dẫn cho đi. Em cũng đi nữa!
- Ở đâu mới được, cái anh này cứ giỏi đùa!
- Em không đùa. Người Thượng họ đi săn về ngang qua suối em gặp mà.
- Rồi sao?
- Các anh có đi thì em dắt. Em biết hướng. Họ đi săn được, lâu lâu qua đây họ đổi cho em một ít nhưng em đâu có gì để đổi. Họ chỉ cho em cái bộ xương họ bỏ lại sau khi đã lóc hết thịt.
- Thì mau lên. Để trì hoãn người ta quơ hết.
- Không có ai dâu, ngoài em và các anh! Vậy cái vụ uống trà này đình lại nghe.
- Thì đình đứt đuôi đi rồi. Mau lên.
Cả tháng rồi đâu có được đi chợ Cửa Nam Chợ Hôm mua cái “hai nạng dưỡi” của cô hàng thi… ịt!
- Cái anh này, hai lạng rưỡi thịt “nợn” quốc doanh do cô hàng mậu dịch bán nhà dzăng phải nói cho chính xác, không được nập nờ hay biểu tượng hai mặt. Nói như mày vậy (ông nhạc sĩ lớn tuổi hơn tôi và quen biết nhau hồi kháng chiến chống Pháp nên gọi tôi như thế từ lâu) người ta tưởng cô mậu dịch bán cái hai “nạng dưỡi” của cô ấy cho mày, hiểu chưa?
Những bộ mặt thiếu chất nhờn đã lâu nghe câu đùa của ông nhạc sĩ đầu bạc cố cười cho vui cái không khí âm u chết tiệt.
Phẩm chạy về trạm trong lúc bọn tôi vẫn ngồi nhâm nhi trà dão vì không có ý đinh lãng phí thêm một bình trà mới.
Hoàng Việt nói:
- Kiểu này khó tin lắm. Nai đâu mà bỏ vậy. Tao đã từng ăn “nai” hai lần rồi. Lần thứ nhất một thằng cũng bảo tao cái kiểu này. Tao theo gót nó tới một vùng cỏ rậm nó trỏ vào cái dấu nai mới nằm bỏ đi, nó bảo “nhặt cỏ” đó về mà luộc ăn cũng có mùi nai vậy! Tao quạu thấy bà, muốn tống cho nó một bạt tai. Nó cười hề hề: Thèm thịt quá mơ ước tầm bậy vậy thôi! Lần thứ hai cũng thằng đó. Nó trỏ cho tao một cái đầu nai ở ven suốì ruồi bu xanh lè và bảo: Nếu mình đến sớm ba ngày có lẽ cái đầu nai này còn làm được một nồi hầm vĩ đại. Đó là hai lần ăn thịt nai của tao. Và lần này nữa, không biết nai ra sao.
Giao liên Phẩm trở ra với dao găm giắt lưng và khẩu cạc bin trên vai. Không biết ai cho tin, nhưng khi chúng tôi vừa “hành quân” diệt xương nai thì có cả chục vị dân quân chánh đảng đuổi theo với khí thế hậm hực sát địch.
Phẩm chạy quanh chạy quẹo khi bỏ đường mòn băng càn bụi rậm khi lướt trên đường mòn. Đến vùng được lngườl Thượng chỉ định, Phẩm dừng lại tìm kiếm hồi lâu thì thấy cái xác con nai nằm lút trong một bãi cỏ cao.
Phẩm vừa chạy tới thì nhiều người lướt qua mặt Phẩm lao vào cái bộ xương đỏ loét của con thú! Họ róc lấy những mảng thịt lớn, còn giò, cổ, da thì bỏ lại cùng với cái bọng gồm hai bẹ sườn và bộ đồ lòng bên trong.
Cốp cốp cạch cạch. Kẻ chặt người lóc, người lại dùng tay bẻ lọi, dao chen tay, tay đan với dao. Ai ai cũng cố chộp cho được cái của trời càng nhiều càng tốt. Cuộc giành giật ban đầu đã xảy ra hăng hái cao độ và dần dần đi đến lấn lướt, người này hất người kia văng ra, người kia chen người nọ không cho chen vào. Bộ xương của con vật bỗng chốc trở nên bé nhỏ đối với các cái bao tử lép.
Hì hục, mải miết, ì ạch, quyết liệt – bỗng một tiếng kêu lên:
- Ối giời ơi, đất ơi! Nó chém đứt tay tôi rồi.
- Mặc mẹ mày quân tham ăn!
Không ai tỏ vẻ thương xót người vừa thốt ra tiếng kêu bi thương kia. Quả thật có người bị chém đứt tay. Nhưng vẫn không lùi bước, anh “thương binh” chỉ ném con dao ra phía sau giơ cái tay bị thương lên như để cho nó được ra ngoài vòng chiến, còn tay kia thì xòe ra bịt chỗ cục xương mông gần cái đuôi nai mà anh ta chặt tự nãy giờ chưa lìa, mà miệng thì la bài hải:
- Ê cục này cửa tôi nghe… Của tôi nghe!
Nhưng những nhát dao cứ phầm phập bổ bén cái bàn tay đang xòe ra cố giữ phần, làm anh ta kêu lên liên tục:
- Chặt xa ra! Trúng tay tôi… trúng tay tôi!
Nhưng người người đang say mê chém lia lịa đâu có kể gì khác ngoài miếng thịt. Sau cùng anh ta bị lấn văng ra. Anh ta cố bươn vô tranh lấy cái mông nhưng bất ngờ bị một chàng nắm áo lôi tuột anh ta ra. Anh ta thụi cho chàng kia một quả. Chàng kia bi đối xử kém tình quốc tế vô sản bèn đáp lời sông núi cho đồng chí “thương binh” một phát vào giữa trán. Vị thương binh đã mang vết thương chưa kịp băng bó, lại ăn một đấm thiên lôi ngã ngửa ra, bên chộp lấy con dao lồm cồm ngồi dậy chực đâm một phát trí mạng vào kẻ thù. Nhưng cũng may, anh giao liên quát như sấm: “Chết! Đánh nhau thế hả? ” Tiếng quát có tác dụng cảnh tỉnh cả hai thằng đồng chí đang tranh nhau một cục xương mông và cũng có tác đụng làm cho các người khác càng hùng hục chiếm đoạt. Tôi và Hoàng Việt, hai đứa cũng đã xâu vô được tận bộ xương, chém được vài nhát nhưng chẳng nạy được tí thịt xương nào thì bi lấn văng ra, không chen vào được nữa. Cả hai đành đứng ngó.
Một anh rứt được một khúc xương mông dài có đến năm bảy mắc xương sống còn nung núc những thịt đỏ loét ngon lành đi ngang qua mặt hai đứa tôi. Tôi bạo dạn hỏi:
- Chia cho tí đi ta.
Hoàng Việt tiếp:
- Cái đuôi còn lông không hè, đồng chí giao tôi làm dùm cho, mình chia hai.
Thằng đồng chí vô sản cùng lý tướng giải phóng Miền Nam và giải phóng toàn nhân loại như Ostrowski tác giả “Thép đã tôi thế ấy” nhắn nhủ – đã lạnh lùng quay mặt lại hất hàm:
- Còn bộ da đó. Có nhiều thịt lắm đem về… thuộc mà làm thắt lưng!
Mỗi người mỗi cục chiến lợi phẩm, kẻ vác cái giò trước, người xách giò sau, người một mảng bẹ sườn, kẻ lại rinh cả cái thủ cấp có cặp sừng chà gạc. Và đây là phần to lớn nhất mà một người có thể giật được từ bộ xương con vật.
Một người năn nỉ:
- Có đổi cho tôi cặp sừng lấy một bộ đồ lụa không?
- Bậy, bố non! Tôi sẽ nấu cao ngay tối nay đấy.
Nhiều người được tin trễ tuy xách dao chạy tới ngỡ ngàng khi thấy trận địa đã được dọn dẹp sạch sẽ không còn lại gì ngoài cái đống da và những mớ bầy nhầy. Cả cái bao tử cũng bị chiếm lãnh mất hồi nào.
Tôi và Hoàng Việt lẳng lặng trở về. Đói vẫn hoàn đói. Lại có phần khát hơn lúc chưa đi. Thành thử ra phí cả mấy lon trà giải khát.
Phẩm cũng không được tí thịt da gì. Nó chỉ đứng ra làm trọng tài bất đắc chí:
- Tôi không chú ý đến vấn đề đó! Tôi dẫn các bố đi để các bố kiếm ăn.
Không biết Phẩm nói thật lòng hay vì không thể chen chúc vô đám bắt hôi quá nhiệt tình nên đành nói túng để lướt qua sự bất lực của mình. Trên đường về, Phẩm dắt ông “kỹ sư linh hồn,”, nhà “nghệ sĩ âm thanh” và ông “đạo diễn màu sắc” đi vào phía sau lưng lều của anh ta. Có lẽ với ý định cho tôi xem cây mận của Nghi Tàm.
Mạng Người Lá Rụng Mạng Người Lá Rụng - Xuân Vũ Mạng Người Lá Rụng