A book must be an ice-axe to break the seas frozen inside our soul.

Franz Kafka

 
 
 
 
 
Tác giả: Kazuo Ishiguro
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5930 / 603
Cập nhật: 2016-05-05 19:46:01 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 22
arie-Claude nói đúng," cô Emily nói. "Tôi mới là người mà các em cần nói chuyện. Marie-Claude làm việc rất nhiều cho dự án của chúng tôi. Và mọi chuyện chấm dứt kiểu này khiến cô ấy có phần vỡ mộng. Còn về phần tôi, dù thất vọng đến mấy đi nữa, tôi cũng không đến nỗi quá khổ sở về chuyện đó. Tôi nghĩ những gì chúng tôi đã đạt được xứng đáng được người ta tôn trọng. Nhìn hai em mà xem. Các em đã chứng tỏ được mình rất khá. Tôi tin chắc các em có rất nhiều điều kể cho tôi nghe khiến tôi cảm thấy tự hào. Các em bảo các em tên là gì nhỉ? Không, không, đợi đã. Chắc tôi sẽ nhớ thôi. Em là cậu trai tính khí nóng nảy. Tính khí nóng nảy, nhưng trái tim nhân hậu. Tommy? Tôi nói đúng không? Còn em, dĩ nhiên là Kathy H. Em đã làm người chăm sóc rất tốt. Chúng tôi nghe nói nhiều về em. Tôi nhớ cả, các em thấy chưa. Tôi dám nói là tôi nhớ tất cả các em mà."
"Chuyện đó ích gì cho chị hay cho chúng nào?" Madame hỏi, rồi sải bước từ chỗ chiếc xe lăn ngang qua chúng tôi mà bước vào bóng tối, theo tôi hiểu là để chiếm chỗ của cô Emily lúc nãy.
"Cô Emily," tôi nói. "Chúng em rất vui gặp lại cô."
"Các em nói thế nghe thật mát lòng mát dạ. Tôi đã nhận ra các em, nhưng các em có thể không nhận ra tôi lắm chứ. Thật ra, Kathy H ạ, có lần cách đây chưa lâu, tôi đi ngang qua lúc em đang ngồi trên băng ghế ngoài kia, lần đó nhất định là em không nhận ra tôi. Em liếc nhìn George, cái anh chàng to xác người Nigeria đang đẩy xe cho tôi. Ồ vâng, em nhìn rất kỹ anh chàng, và anh chàng cũng nhìn em rất kỹ. Tôi chẳng nói gì, nên em không biết tôi không được khỏe, nhưng tôi hy vọng cái món dụng cụ này không phải thứ gì sẽ vĩnh viễn dính chặt với tôi. Thật không may, các em thân mến ạ, vì lát nữa thôi có vài người sẽ đến để dọn cái tủ cạnh giường của tôi đi. Nó là một món đồ rất tuyệt. George đã gắn quanh nó một lớp đệm lót để bảo vệ rồi, nhưng tôi vẫn nhất định phải đích thân đi cùng nó. Với mấy người đó thì chẳng ai biết được chuyện gì. Họ phũ lắm, cứ quăng nó vạ vật trong xe, thế rồi chủ của họ lại bảo ngay từ đầu nó đã thế rồi. Đã một lần như vậy rồi, nên lần này tôi nhất quyết phải đi cùng. Cái tủ đẹp lắm, tôi có nó từ hồi ở Hailsham, nên tôi quyết tâm phải được giá một chút. Thành thử khi họ tới, tôi e rằng tôi sẽ phải để các em lại mà đi. Nhưng tôi có thể thấy, các em thân mến ạ, các em đến đây vì một việc mà các em quan tâm sâu sắc. Tôi phải nói, gặp các em tôi vui lắm. Cả Marie-Claude cũng vui, tuy nếu nhìn cô ấy thì các em chẳng bao giờ biết vậy cả. Có phải không, cưng? Ồ, cô ấy vờ không phải vậy, nhưng đúng là vậy đấy. Cô ấy cảm động vì các em đã đến tìm chúng tôi. Ồ, cô ấy dỗi đó mà, kệ cô ấy, các em ạ, kệ cô ấy. Giờ tôi sẽ cố trả lời những câu hỏi của các em càng thấu đáo càng hay. Tôi đã nghe tin đồn này không biết bao nhiêu lần rồi. Hồi chúng ta còn ở Hailsham, mỗi năm chúng tôi lại có hai, ba đôi cứ một mực tìm cách nói chuyện với chúng tôi. Một đôi thậm chí còn viết thư cho chúng tôi nữa. Tôi cho rằng một cơ ngơi rộng thế này chẳng phải quá khó tìm nếu các em đã có ý muốn phá vỡ các quy tắc. Thành thử các em thấy đó, cái tin đồ này, từ lâu trước thời các em, nó đã có rồi."
Cô ngừng nói, nên tôi lên tiếng. "Cô Emily ạ, điều chúng em muốn biết bây giờ là liệu tin đồn đó có thật không?"
Cô Emily vẫn nhìn chúng tôi đăm đăm thêm một lát, rồi thở một hơi dài. "Hồi còn ở chính Hailsham, mỗi khi có ai khơi chuyện này lên, tôi đều dập tắt nó ngay lập tức. Nhưng còn những gì các học sinh đã nói sau khi họ rời chúng tôi mà đi, tôi có thể làm gì được? Rốt cuộc, tôi đâm ra tin – mà Marie-Claude cũng tin vậy nốt, phải không cưng? – tôi đâm ra tin rằng cái tin đồn này không phải chỉ là một tin đồn duy nhất. Ý tôi muốn nói, chắc hẳn nó là một tin đồn mà người ta cứ tạo đi tạo lại từ đầu. Ta tìm đến tận nguồn của nó, dập nó đi, nhưng rồi vẫn không ngăn được nó lại nảy sinh chỗ khác. Khi đã đi đến kết luận đó rồi thì tôi cũng thôi không lo lắng về nó nữa. Marie-Claude chẳng bao giờ bận tâm về nó cả. Quan điểm của cô ấy là: "Nếu chúng nó đã ngốc đến vậy thì cứ để chúng tin." Ồ phải, đừng phô cho tôi thấy bộ mặt chua chát kia của cô đi. Ngay từ đầu quan điểm của cô đã là thế rồi. Sau nhiều năm, tôi không hẳn là đi đến một kết luận giống y như vậy. Nhưng tôi bắt đầu nghĩ rằng, ừ, có lẽ mình chẳng việc gì phải lo lắng. Nói gì thì nói, đó không phải việc của tôi. Một khi một vài đôi đã bị thất vọng rồi, những đôi còn lại dù thế nào thì cũng chẳng bao giờ thử nữa. Đó là một cái gì để họ mơ tới, chỉ là chút huyễn hoặc nho nhỏ. Có hại gì đâu? Nhưng với hai em, tôi thấy không phải vậy. Các em nghiêm túc. Các em đã suy nghĩ cẩn trọng. Các em đã hy vọng một cách thận trọng. Với những học sinh như các em, tôi thật sự thấy hối tiếc. Tôi hoàn toàn chẳng vui vẻ chút nào khi làm các em thất vọng. Nhưng chuyện là vậy đó."
Tôi không muốn nhìn Tommy. Tôi cảm thấy bình thản đến kỳ lạ, và mặc dù lời cô Emily nói lẽ ra phải làm chúng tôi thất vọng não nề, song ở chúng vẫn có một khía cạnh nào đó hàm ẩn một điều gì xa hơn thế, một điều gì bị kìm lại không nói, nó gợi ý rằng chúng tôi vẫn chưa được biết đến ngọn nguồn mọi chuyện. Thậm chí vẫn có khả năng là cô Emily không nói thật. Nên tôi hỏi:
"Vậy thì có phải không hề có chuyện tạm hoãn? Các cô không thể làm gì được sao?"
Cô Emily chầm chậm lắc đầu từ bên này sang bên nọ. "Tin đồn ấy không hề đúng sự thật. Cô rất tiếc. Cô tiếc lắm."
Đột ngột Tommy hỏi: "Tuy nhiên đã có khi nào nó đúng sự thật không, dù chỉ một lần thôi? Trước khi Hailsham đóng cửa?"
Cô Emily vẫn tiếp tục lắc đầu. "Tin đồn chưa bao giờ đúng cả. Ngay từ trước vụ bê bối Morningdale, ngay từ hồi Hailsham vẫn còn được coi là một ngọn hải đăng sáng chói, một ví dụ tiêu biểu cho thấy chúng ta có thể chuyển sang làm việc một cách nhân đạo hơn và tốt đẹp hơn, thậm chí ngay cả hồi ấy nữa, chuyện đó đã không đúng rồi. Tốt nhất là hãy nói cho rõ chuyện này. Người ta đồn thế là vì người ta mong muốn thế. Có vậy thôi. Này em, có phải mấy người kia đến chuyển cái tủ đi không?"
Chuông cửa reo, và có tiếng bước chân xuống cầu thang ra mở cửa. Có giọng đàn ông trong gian tiền sảnh hẹp, và Madame từ chỗ tối sau lưng chúng tôi bước ra, đi ngang qua phòng để ra ngoài. Cô Emily cúi người về phía trước trên ghế lăn, chăm chú lắng nghe. Rồi cô nói:
"Không phải họ. Lại là cái gã đáng sợ ở chỗ công ty trang trí. Marie-Claude sẽ lo vụ đó. Vậy là, các em thân mến ạ, chúng ta vẫn còn thêm ít phút nữa. Các em còn muốn nói điều gì với tôi nữa không? Dĩ nhiên chuyện này dứt khoát là trái quy tắc, và Marie-Claude lẽ ra đã không bao giờ được mời các em vào. Và tất nhiên là đáng lẽ tôi phải đuổi các em ra khỏi cửa ngay khi biết các em đang ở đây. Nhưng Marie-Claude dạo này không mấy bận tâm tới những quy tắc đó của họ nữa, và tôi phải nói rằng cả tôi cũng vậy. Thành thử nếu các em muốn ở lại thêm một chút thì xin mời."
"Nếu tin đồn đó chưa bao giờ đúng thì tại sao các cô lấy hết những tranh với thơ của chúng em đi?" Tommy nói. "Phòng Tranh cũng không hề hiện hữu hay sao?"
"Phòng Tranh? Ừ, tin đồn ấy quả là có phần nào sự thật. Đúng là có một Phòng Tranh. Và trong chừng mực nào đó Phòng Tranh vẫn còn. Dạo này nó ở ngay đây, trong căn nhà này. Tôi đã buộc phải lược bớt một số thứ. Tôi rất tiếc, nhưng không có đủ chỗ cho mọi thứ ở đây. Nhưng tại sao chúng tôi lấy tác phẩm của các em đi ư? Các em muốn hỏi là hỏi chuyện ấy phải không?"
"Không chỉ vậy," tôi nhẹ nhàng nói. "Trước hết, tại sao các cô làm toàn bộ việc này? Sao lại rèn luyện chúng em, khuyến khích chúng em, bảo chúng em làm ra tất cả những thứ kia? Nếu đằng nào chúng em cũng sẽ hiến tạng rồi chết thì tất cả những bài học kia để làm gì? Những cuốn sách và những cuộc tranh luận kia là để làm gì chứ?"
"Tóm lại là có Hailsham để làm gì chứ?" Madame lên tiếng từ phía lối vào. Bà lại đi ngang qua mặt chúng tôi về phía nửa tối của căn phòng. "Đó là một câu hỏi hay mà các em nên hỏi."
Cái nhìn của cô Emily dõi theo bà, và trong một lát cứ dán vào sau lưng chúng tôi. Tôi cảm thấy muốn quay lại để xem hai người đang trao đổi với nhau những cái nhìn nào, song có cảm giác gần như hồi chúng tôi còn ở Hailsham, chúng tôi cứ phải nhìn thẳng về phía trước hoàn toàn chăm chú. Rồi cô Emily nói:
"Phải, có Hailsham để làm gì chứ? Marie-Claude dạo này cứ muốn hỏi câu ấy mãi. Nhưng chỉ mới gần đây thôi, trước vụ bê bối Morningdale, cô ấy thậm chí không dám mơ đến chuyện đặt một câu hỏi như thế. Điều đó chẳng bao giờ nảy ra trong đầu cô ấy được. Cô biết là đúng vậy, đừng nhìn tôi như thế đi! Hồi đó chỉ có một người duy nhất muốn đặt một câu hỏi như thế, đó là tôi. Từ lâu trước vụ Morningdale, ngay từ đầu, tôi đã hỏi vậy rồi. Bởi vậy mà lại dễ cho tất cả những người còn lại, Marie-Claude, tất cả những người kia, họ cứ thế làm mà chẳng phải lo nghĩ gì. Học sinh các em cũng vậy. Tôi đã làm cái chuyện băn khoăn lo lắng hỏi thế này hỏi thế kia cho tất cả các em. Và chừng nào tôi còn kiên định thì không một nỗi hoài nghi nào xuất hiện trong đầu các em, bất cứ ai trong các em. Nhưng em, em thì đặt những câu hỏi, cậu trai thân mến ạ. Ta hãy trả lời câu hỏi đơn giản nhất, và có lẽ qua đó cũng sẽ trả lời luôn mọi câu hỏi còn lại. Tại sao chúng tôi lấy tác phẩm của các em đi? Tại sao chúng tôi làm vậy? Vừa rồi em có nói một điều thú vị, Tommy ạ. Lúc ban nãy em bàn chuyện này với Marie-Claude đấy. Em bảo đó là vì nghệ thuật em làm ra sẽ phát lộ bản chất các em. Bản chất bên trong của các em. Em đã nói vậy phải không? Ừ, về chuyện đó em không sai lắm đâu. Chúng tôi lấy tác phẩm của chúng em đi vì chúng tôi nghĩ chúng sẽ phát lộ tâm hồn của các em. Hoặc nói chính xác hơn, chúng tôi làm vậy để chứng minh rằng các em cũng có tâm hồn."
Bà ngừng nói, và một hồi lâu rồi Tommy với tôi mới nhìn nhau lần đầu tiên. Rồi tôi hỏi:
"Tại sao cô phải chứng minh một điều như vậy, hở cô Emily? Có ai đó cho rằng chúng em không có tâm hồn sao?"
Một nụ cười yếu ớt xuất hiện trên mặt bà. "Thật cảm động khi thấy em sửng sốt đến thế, Kathy ạ. Điều đó chứng tỏ rằng chúng tôi đã làm tốt việc của mình. Như em nói, tại sao ai đó lại nghi ngờ chuyện các em có tâm hồn? Nhưng em thân mến ạ, tôi phải nói với em rằng hồi chúng tôi mới bắt đầu mọi việc nhiều năm trước, không phải ai cũng nghĩ vậy đâu. Và mặc dù từ đó đến nay chúng tôi đã tiến được một quãng đường dài, đó vẫn không phải là cách nghĩ chung của mọi người, ngay cả bây giờ. Học sinh Hailsham các em, ngay cả khi đã ra ngoài đời như thế này, các em vẫn chưa biết được một nửa chuyện đó. Khắp đất nước này, ngay trong lúc này đây, đang có những học sinh được nuôi trong những điều kiện thật đáng lên án, những điều kiện mà học sinh Hailsham các em khó lòng hình dung nổi. Và giờ khi chúng tôi không còn làm nữa, mọi chuyện sẽ chỉ càng tồi tệ hơn thôi."
Bà lại ngừng nói, và trong một khoảnh khắc dường như bà đang dò xét kỹ càng chúng tôi qua cặp mắt nheo nheo lại. Cuối cùng bà nói tiếp:
"Dù sao thì ít nhất chúng tôi cũng đã lo được sao cho, những em nào mà chúng tôi chăm sóc, tất cả các em đều được lớn lên trong môi trường thật tốt. Và chúng tôi cũng lo liệu sao cho, sau khi đã rời chúng tôi, các em không phải gặp những điều khủng khiếp nhất trong những điều khủng khiếp kia. Chúng tôi chỉ làm được ngần ấy, ít nhất là cho các em. Nhưng còn cái ước mơ của các em, ước mơ rằng mình có thể được tạm hoãn. Một chuyện như vậy thì luôn luôn ngoài sức chúng tôi, ngay cả khi ảnh hưởng của chúng tôi lên cao nhất đi nữa. Tôi xin lỗi, tôi biết những gì tôi đang nói chẳng làm các em vui vẻ gì cho cam. Nhưng các em không được chán nản. Tôi hy vọng các em hiểu được chúng tôi đã có thể làm đến thế nào để chăm nom bảo vệ các em. Nhìn cả hai em bây giờ xem! Các em đang sống tốt, các em có giáo dục, có văn hóa. Tôi tiếc rằng chúng tôi đã không thể chăm nom cho các em nhiều hơn thế, nhưng các em phải biết rằng đã có thời mọi việc từng tồi tệ hơn đến mức thế nào. Khi Marie-Claude và tôi mới khởi sự làm, một nơi như Hailsham chưa hề có. Chúng tôi là nơi đầu tiên, cùng với Glennmorgan House. Vài năm sau thì có thêm Sauders Trust. Cùng nhau, chúng tôi trở nên mạnh mẽ, chúng tôi phản đối toàn bộ cung cách tiến hành chương trình hiến tạng vào lúc đó. Quan trọng nhất, chúng tôi chứng tỏ cho thế giới thấy, nếu các học sinh được nuôi dạy trong môi trường nhân đạo, có văn hóa thì lớn lên chúng sẽ có thể trở nên nhạy cảm và thông minh như bất cứ người thường nào. Trước đó thì, tất cả những người nhân bản – hay học sinh, chúng tôi thì thích gọi các em như vậy hơn – tồn tại chỉ để phục vụ nghiên cứu y khoa. Hồi đầu, sau chiến tranh, các em chủ yếu là vậy với hầu hết mọi người. Chỉ là những vật thể lờ mờ trong ống nghiệm mà thôi. Cô có đồng ý không, Marie-Claude? Cô ấy trầm lặng thế. Thường thì ta không thể buộc cô ấy ngậm tăm khi nói đến chủ đề này đâu. Sự có mặt của các em, các em thân mến ạ, hình như đã trói lưỡi cô ấy thì phải. Nào, bây giờ để trả lời câu hỏi của em, Tommy. Chính vì vậy chúng tôi mới thu thập tác phẩm của các em. Chúng tôi chọn những tác phẩm hay nhất rồi đem trưng bày ở những cuộc triển lãm đặc biệt. Hồi cuối thập niên bảy mươi, khi ảnh hưởng của chúng tôi đang ở đỉnh cao, chúng tôi tổ chức những sự kiện lớn trên cả nước. Bộ trưởng nội các này, giám mục này, đủ thứ nhân vật nổi tiếng đến dự. Đọc diễn văn, hứa hẹn tài trợ hậu hĩ. ‘Nhìn xem!’ chúng tôi nói. ‘Nhìn thứ nghệ thuật này xem! Sao các vị dám tuyên bố những đứa trẻ này là giống gì khác chứ không hẳn là người?’ Ồ phải, hồi đó phong trào của chúng tôi được người ta ủng hộ nhiều, xu thế đang nghiêng về phía chúng tôi."
Trong khoảng vài phút sau đó, cô Emily tiếp tục hồi tưởng lại những sự kiện khác nhau từ thời ấy, nhắc tới nhiều người mà tên họ hoàn toàn xa lạ với chúng tôi. Thực vậy, trong một khoảnh khắc, có cảm giác gần như chúng tôi lại đang lắng nghe bà ở một trong những buổi họp sáng hồi xưa và tự dưng bà nhảy sang những chủ đề khác mà không ai trong chúng tôi theo kịp. Tuy nhiên dường như bà có vẻ hạnh phúc, một nụ cười nhẹ nhàng đọng quanh mắt bà. Thế rồi đột nhiên bà dứt khỏi nó mà nói bằng một giọng mới:
"Nhưng chúng ta chưa bao giờ mất hẳn liên hệ với thực tại, phải không Marie-Claude? Không như các đồng nghiệp chúng ta ở Saunders Trust. Ngay cả trong những thời tốt đẹp nhất, chúng ta vẫn luôn luôn biết mình đang dấn vào một cuộc đấu tranh gian khổ đến thế nào. Và quả nhiên, vụ bê bối Morningdale xảy ra, rồi một, hai vụ nữa, ấy thế là chúng ta chưa kịp hiểu chuyện gì thì toàn bộ công lao khó nhọc của chúng ta bị người ta xóa sổ."
"Nhưng điều em không hiểu là trước hết tại sao người ta cứ muốn học sinh chúng em bị đối xử một cách tàn tệ như thế," tôi nói.
"Từ quan điểm của em ngày nay thì em sửng sốt như thế là hoàn toàn hợp lý, Kathy ạ. Nhưng các em phải cố hiểu vấn đề bằng cách đặt nó đúng thời điểm lịch sử. Sau chiến tranh, hồi đầu thập niên năm mươi, khi những đột phá lớn trong khoa học cứ theo nhau diễn ra nhanh đến thế, người ta chẳng có thì giờ đâu để xem xét kỹ, để đặt những câu hỏi tế nhị. Đột nhiên tất cả những khả năng mới mẻ kia bày ra trước mắt chúng ta, bao nhiêu là cách mới để chữa trị bao nhiêu căn bệnh trước kia không chữa được. Đó là điều mà thế giới chú ý hơn hết, mong muốn hơn hết. Nên suốt một thời gian dài người ta chỉ muốn tin rằng các cơ quan nội tạng kia xuất hiện chẳng từ đâu cả, nhiều lắm chúng cũng chỉ hình thành trong một thứ chân không nào đó. Phải, quả là có những tranh cãi. Nhưng cho đến khi người ta bắt đầu quan tâm đến… đến các học sinh, cho đến khi người ta bắt đầu quan tâm đến chuyện các em được nuôi nấng ra sao, trước hết là liệu các em có nên được sinh ra trên đời này không, đến khi đó thì đã quá muộn. Không còn cách nào đảo ngược quá trình được nữa. Làm sao các em có thể yêu cầu một thế giới vốn đã đâm ra coi bệnh ung thư là có thể chữa, làm sao các em yêu cầu được một thế giới như thế dẹp bỏ cái liệu pháp kia mà trở lại thời đen tối được? Không thể nào quay lại nữa. Dù người ta áy náy đến thế nào về sự hiện hữu của các em, mối quan tâm lớn nhất của người ta vẫn là con cái họ, vợ chồng họ, cha mẹ họ, bạn bè họ đừng chết vì ung thư, vì bệnh ở thần kinh vận động, vì bệnh tim. Thành thử suốt một thời gian dài các em cứ bị giữ trong bóng tối, và người ta cố hết sức để đừng nghĩ tới các em. Mà dù có nghĩ đi nữa, người ta cũng cố tự thuyết phục mình rằng các em không thực sự giống chúng tôi. Rằng các em thấp kém hơn con người, nên điều đó chẳng hệ trọng gì. Tình hình vốn dĩ như thế, cho đến khi cái phong trào nhỏ của chúng tôi xuất hiện. Nhưng các em có hiểu chúng tôi đứng lên chống cái gì không? Gần như là chúng tôi cố vẽ vòng tròn thành hình vuông vậy. Cả một thế giới kia, họ cứ yêu cầu các học sinh hiến tạng. Chừng nào còn như vậy thì vẫn luôn luôn còn một rào cản không cho người ta xem các em thực sự là người. Ừ thì chúng tôi đã chiến đấu chống lại nó suốt nhiều năm, và ít nhất, những gì chúng tôi giành được cho các em là nhiều sự cải thiện, mặc dù dĩ nhiên các em chỉ là một thiểu số chọn lọc. Nhưng rồi xảy ra vụ bê bối Morningdale, rồi lại những chuyện khác nữa, và chúng tôi chưa kịp hiểu chuyện gì thì tình hình đã hoàn toàn thay đổi. Không ai còn muốn thiên hạ thấy họ ủng hộ chúng tôi nữa, và cái phong trào nhỏ của chúng tôi, Hailsham, Glennmorgan, Saunders Trust, tất cả chúng tôi bị quét sạch."
"Cái vụ bê bối Morningdale mà cô cứ nhắc tới mãi là vụ gì thế, cô Emily?" tôi hỏi. "Cô phải kể cho chúng em, vì chúng em không biết vụ đó."
"Ừ, chắc cũng chẳng có lý do nào để các em không nên biết. Vụ đó chưa bao giờ là một chuyện gì to tát đối với thế giới ngoài kia. Nó liên quan tới một nhà khoa học tên là James Morningdale, khá có tài theo cách của ông ta. Ông ta làm việc ở một vùng xa xôi tại Scotland, chắc ông ta nghĩ rằng ở đó ông ta ít bị thiên hạ chú ý hơn. Cái mà ông ta muốn mang lại cho thiên hạ là sinh ra những đứa con có những tính chất được hoàn thiện. Trí thông minh ưu việt, khả năng thể thao ưu việt, đại loại thế. Dĩ nhiên còn có những người khác cũng nuôi tham vọng tương tự, nhưng cái tay Morningdale này, ông ta đã đẩy những nghiên cứu của mình xa hơn bất cứ ai trước đó, vượt xa ngoài ranh giới hợp pháp. Rồi thì người ta phát hiện được ông ta, chấm dứt việc làm của ông ta, và dường như đến thế là hết chuyện. Chỉ có điều, dĩ nhiên với chúng tôi thì không phải đã hết. Như tôi nói, nó chưa bao giờ trở thành một chuyện gì ghê gớm cả. Nhưng nó quả là đã tạo ra một bầu không khí nào đó, các em hiểu chứ. Nó nhắc nhở người ta, nhắc họ nhớ lại một nỗi sợ mà họ từng luôn luôn có. Tạo ra các học sinh, như các em chẳng hạn, cho chương trình hiến tạng là một chuyện. Nhưng cả một thế hệ trẻ em nhân tạo sau này sẽ có chỗ đứng trong xã hội ư? Những đứa trẻ rành rành là ưu việt hơn chúng ta ư? Ồ không. Điều đó khiến người ta sợ hãi. Họ chùn lại trước điều đó."
"Nhưng cô Emily ơi, những chuyện đó có liên quan gì đến chúng em?" tôi nói. "Tại sao Hailsham lại phải đóng cửa vì một chuyện như vậy chứ?"
"Chúng tôi cũng đã không thấy có mối liên hệ hiển nhiên nào cả, Kathy ạ. Ban đầu chúng tôi không thấy được. Còn bây giờ tôi hay nghĩ, chúng tôi thật đáng trách vì đã không thấy vậy. Giá như chúng tôi cảnh giác hơn, bớt mải mê với chính mình hơn, giá như chúng tôi cố hết sức vào giai đoạn khi tin về vụ Morningdale lần đầu tiên bị lộ ra, thì chúng tôi đã có thể tránh được điều đó. Ồ, Marie-Claude không đồng ý. Cô ấy thì cho rằng chuyện đó trước sau rồi cũng xảy ra dù chúng tôi có làm gì đi nữa, và cô ấy hẳn cũng có phần đúng. Nói gì thì nói, không phải chỉ có vụ Morningdale. Lúc đó còn có những chuyện khác nữa. Cái loạt phim truyền hình kinh khủng kia chẳng hạn. Tất cả đều góp phần vào, góp phần làm thay đổi xu thế. Nhưng tôi cho rằng chung quy lại, cái yếu điểm cốt yếu là thế này. Cái phong trào nhỏ bé của chúng tôi, nó luôn luôn quá mỏng manh, luôn luôn phụ thuộc quá nhiều vào ý thích thất thường của những người ủng hộ. Chừng nào tình hình còn thuận lợi cho chúng tôi, chừng nào còn có một tập đoàn hay một chính trị gia thấy mình có lợi khi ủng hộ chúng tôi, chừng đó chúng tôi còn trụ được. Nhưng luôn luôn phải đấu tranh mới được như thế, và sau vụ Morningdale, sau khi gió đã xoay chiều, chúng tôi không còn cơ hội nữa. Người ta không muốn ai nhắc cho họ nhớ thật ra chương trình hiến tạng được tiến hành như thế nào. Người ta không muốn nghĩ về những học sinh như các em, hay về chuyện các em được nuôi trong hoàn cảnh nào. Nói cách khác, các em thân mến ạ, người ta muốn các em phải quay trở lại bóng tối. Về lại cái bóng tối nơi các em từng ở trước khi những người như Marie-Claude và tôi xuất hiện. Và tất cả những nhân vật đầy thế lực từng có thời sốt sắng giúp chúng tôi đến thế thì bây giờ, dĩ nhiên, thảy biến đi đâu cả. Chúng tôi mất các nhà tài trợ, hết người này đến người khác, trong vòng có một năm. Chúng tôi đã cố hết sức để tiếp tục hoạt động, chúng tôi trụ thêm được lâu hơn hai năm so với Glennmorgan. Nhưng rốt cuộc thì, các em biết đó, chúng tôi bị buộc phải đóng cửa, và giờ đây hầu như chẳng còn dấu vết gì từ công việc chúng tôi đã làm. Nay thì các em sẽ chẳng bao giờ tìm thấy cái gì giống như Hailsham ở bất cứ đâu trên đất nước này nữa. Các em sẽ chỉ thấy, như từ hồi nào đến giờ, những căn "nhà" rộng thênh của chính phủ mà thôi, và thậm chí dù những cái "nhà" ấy nay đã tốt hơn phần nào so với trước kia, hãy cho tôi nói điều này, các em ạ, các em sẽ mất ngủ nhiều ngày liền một khi đã thấy những gì vẫn đang diễn ra ở một số nơi như thế. Còn về phần Marie-Claude và tôi, nay chúng tôi ở đây, chúng tôi rút lui về cái nhà này, và trên lầu chúng tôi có cả một núi những tác phẩm của các em. Chúng tôi chỉ có ngần ấy để nhắc chúng tôi nhớ lại những gì mình đã làm. Và cả một núi nợ nữa, mặc dù cái này thì còn lâu mới làm ta vui vẻ. Rồi những ký ức, có lẽ vậy, về tất cả các em. Và biết rằng chúng tôi đã cho các em được sống tốt đẹp hơn so với cái cuộc sống mà lẽ ra các em phải chịu."
"Đừng có cố yêu cầu chúng cám ơn chị," giọng của Madame cất lên sau lưng chúng tôi. "Sao chúng lại phải biết ơn chứ? Chúng đến đây là bởi muốn một điều hơn thế nhiều kia. Những gì chúng ta đã cho chúng, suốt ngần ấy năm trời, chúng ta đã chiến đấu thế nào cho chúng, chúng biết gì về những điều đó chứ? Chúng nghĩ tất thảy là Trời cho cả. Cho tới khi chúng tới đây, chúng chẳng biết gì về những điều đó. Tất cả những gì chúng cảm thấy bây giờ là thất vọng, vì chúng ta đã không cho chúng tất cả những gì có thể."
Không ai nói gì trong một lát. Thế rồi có một tiếng ồn vang lên ở bên ngoài và chuông cửa lại reo. Madame từ trong bóng tối tiến ra, đi ra ngoài tiền sảnh.
"Lần này thì ắt phải là mấy người đó," cô Emily nói. "Tôi sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng. Nhưng các em có thể nán lại thêm một chút. Mấy người đó sẽ phải mang cái tủ xuống hai lần thang. Marie-Claude sẽ trông chừng để họ không làm hỏng."
Tommy và tôi không thể tin rằng thế là hết. Không ai trong chúng tôi đứng dậy, nhưng cũng không có dấu hiệu nào cho thấy có ai sẽ giúp cô Emily đứng dậy khỏi xe lăn. Trong một khoảnh khắc tôi tự hỏi liệu bà có cố gắng tự đứng dậy không, nhưng bà vẫn ngồi yên, cúi người về phía trước như cũ mà chăm chú lắng nghe. Rồi Tommy nói:
"Vậy là chắc chắn không có gì hết. Không có chuyện hoãn, không có chuyện gì như vậy hết."
"Tommy," tôi vừa lẩm bẩm vừa liếc nhìn anh. Nhưng cô Emily nhẹ nhàng nói:
"Không, Tommy ạ. Không có chuyện gì như vậy hết. Cuộc đời các em đã được định thế nào thì phải cứ thế thôi."
"Vậy thì, điều cô muốn noi là tất cả những gì chúng em đã làm, những bài học, tất tất cả. Rốt lại thì tất cả là những gì cô vừa nói với chúng em sao? Không có gì hơn thế sao?"
"Tôi hiểu rằng trông có vẻ như các em chỉ là những con tốt trong một ván cờ," cô Emily nói. "Chắc chắn là người ta có thể coi như vậy. Nhưng hãy nghĩ xem. Các em là những con tốt may mắn. Đã từng có một thời thế nhất định, nhưng nay thời thế đó đã qua. Các em phải chấp nhận rằng đôi khi mọi sự xảy ra như thế trên thế giới này. Ý kiến của thiên hạ, cảm xúc của họ, nó lúc thế này khi thế khác. Chỉ ngẫu nhiên mà các em lớn lên tại một thời điểm nhất định trong cái quá trình này."
"Có thể đó chỉ là một xu thế xuất hiện rồi qua đi," tôi nói. "Nhưng với chúng em, đó là cuộc đời của chúng em."
"Phải, đúng vậy. Nhưng nghĩ mà xem. Các em may mắn hơn so với nhiều người trước các em. Và ai biết được những người đến sau các em sẽ phải đối mặt với những gì. Tôi xin lỗi, các em học sinh ạ, nhưng giờ tôi phải đi thôi. George! George ơi!"
Có nhiều tiếng ồn ngoài tiền sảnh, có lẽ vì vậy mà George không nghe thấy, vì không có tiếng trả lời. Tommy đột ngột hỏi:
"Có phải vì vậy mà cô Lucy bỏ đi không?"
Trong một thoáng tôi cứ nghĩ cô Emily vì đang chú ý đến những gì đang diễn ra trong tiền sảnh nên không nghe thấy anh hỏi. Bà tựa lưng trở lại vào xe lăn và bắt đầu từ từ di chuyển xe về phía cửa. Có quá nhiều chiếc bàn nhỏ để uống cà phê và ghế nhỏ đến nỗi xem ra không có lối đi, nên tôi đã dợm đứng dậy dẹp lối cho bà thì bà bỗng dừng lại.
"Lucy Wainright," bà nói. "À phải. Chúng tôi gặp chút ít rắc rối với cô ấy." Bà ngừng nói, rồi chỉnh chiếc xe lăn để quay lại đối diện với Tommy. "Một sự bất đồng. Nhưng để trả lời câu hỏi của em, Tommy ạ. Sự bất đồng đó không có liên quan gì đến những điều tôi vừa nói cho các em. Ít nhất thì cũng không có liên quan trực tiếp. Không, đúng hơn thì nên nói đó là một vấn đề nội bộ."
Tôi cứ nghĩ bà chỉ nói đến đó rồi thôi, nên tôi hỏi: "Cô Emily à, nếu được, chúng em muốn biết chuyện ấy, chuyện gì đã xảy ra với cô Lucy."
Cô Emily nhướn mày lên. "Lucy Wainright ấy à? Cô ấy quan trọng với các em sao? Tha lỗi cho tôi, các em thân mến ạ, tôi lại quên nữa rồi. Lucy không ở với chúng tôi đã từ lâu, nên với chúng tôi cô ấy chỉ là một nhân vật thứ yếu trong ký ức của chúng tôi về Hailsham. Mà cũng không phải là một nhân vật vui vẻ gì cho lắm. Nhưng tôi cũng vui, nếu trong ngần ấy năm mà các em vẫn thế…" Bà cười một mình và dường như đang nhớ lại chuyện gì. Ngoài tiền sảnh, Madame đang khá to tiếng với đám đàn ông, nhưng cô Emily lúc này dường như không còn quan tâm nữa. Bà đang lục lại ký ức mình với vẻ tập trung. Cuối cùng bà nói: "Cô ấy là một cô gái khá dễ thương. Lucy Wainright ấy. Nhưng sau khi ở bên chúng tôi một thời gian, cô ấy bắt đầu có những ý nghĩ kia. Cô ấy cho rằng học sinh các em cần được biết nhiều hơn. Biết nhiều hơn về những gì phía trước các em, các em là ai, các em sinh ra để làm gì. Rằng dù ta có làm gì mà nếu không được vậy thì chẳng khác nào lừa gạt các em. Chúng tôi đã cân nhắc quan điểm của cô ấy và kết luận rằng cô ấy lầm."
"Tại sao?" Tommy hỏi. "Tại sao các cô nghĩ thế?"
"Tại sao ư? Cô ấy có ý tốt, nhất định là vậy. Tôi có thể thấy các em rất thích cô ấy. Cô ấy có những tố chất của một giám thị ưu tú. Nhưng điều mà cô ấy muốn làm, nó quá mang tính lý thuyết. Chúng tôi đã điều hành Hailsham suốt nhiều năm, chúng tôi ý thức được cái gì có thể làm, cái gì là tốt nhất cho các học sinh về lâu dài, ở ngoài Hailsham. Lucy Wainright là nhà lý tưởng chủ nghĩa, chuyện đó không có gì sai. Nhưng cô ấy không có cảm quan về những vấn đề thực tế. Các em thấy đó, chúng tôi đã có thể cho các em một cái gì đó, cái gì đó mà ngay cả bây giờ không ai tước khỏi các em được, và chúng tôi đã có thể làm vậy chủ yếu là bằng cách che chở các em. Hailsham hẳn đã không phải là Hailsham nếu chúng tôi không làm vậy. Được lắm, đôi khi vì che chở các em mà chúng tôi giấu các em điều này điều nọ, chúng tôi nói dối các em. Phải, theo nhiều cách thì chúng tôi đã lừa gạt các em. Thậm chí cả bây giờ có khi các em vẫn có thể gọi thế được. Nhưng chúng tôi đã che chở các em suốt ngần ấy năm, chúng tôi đã cho các em tuổi thơ. Lucy khá có thiện ý. Nhưng nếu cô ấy được làm theo cách của mình thì hạnh phúc của các em ở Hailsham đã tiêu tan rồi. Nhìn cả hai em bây giờ xem! Tôi rất tự hào được thấy cả hai em. Các em đã xây dựng đời mình dựa trên những gì chúng tôi cho các em. Các em hẳn đã không thành các em ngày nay nếu chúng tôi đã không bảo vệ các em. Các em hẳn đã không đắm mình vào những bài học, các em hẳn đã không say sưa vẽ, say sưa viết. Nếu đã biết tương lai mình được định đoạt thế nào thì còn học, còn vẽ, còn viết để làm gì? Các em hẳn đã bảo chúng tôi rằng mọi thứ đều vô ích, và chúng tôi làm sao tranh cãi với các em đây? Cho nên cô ấy phải đi thôi."
Giờ thì chúng tôi nghe rõ tiếng Madame quát tháo những người đàn ông. Chắc chắn bà đã nổi cáu lắm, nhưng giọng của bà vẫn lạnh lùng đến đáng sợ, và giọng những người đàn ông mà từ nãy đến giờ cãi lý với bà vụt im thin thít.
"Có lẽ tôi cứ ở lại đây với các em cũng không sao," cô Emily nói. "Marie-Claude làm mấy việc kiểu này hiệu quả hơn nhiều."
Tôi không biết tại sao tôi nói thế. Có thể vì tôi biết cuộc viếng thăm này sắp kết thúc rồi; cũng có thể vì tôi tò mò muốn biết đích xác cô Emily và Madame cảm thấy thế nào về nhau. Dù thế nào thì thế, tôi vừa hạ giọng nói với cô Emily vừa gật đầu về phía cửa:
"Madame chẳng bao giờ ưa chúng em cả. Cô ấy lúc nào cũng sợ chúng em. Kiểu như người ta sợ nhện hay một cái gì như thế."
Tôi đợi xem liệu cô Emily có nổi giận không, mà dù cô có giận thì tôi cũng chẳng bận tâm lắm nữa. Quả nhiên cô quay ngoắt sang tôi, như thể tôi vừa ném vào cô một quả bóng bằng giấy vo tròn, và mắt cô lóe lên theo cái lối khiến tôi nhớ lại hồi cô còn ở Hailsham. Nhưng giọng cô vẫn đều đều và nhẹ nhàng khi cô đáp:
‘Marie-Claude đã cho các em tất cả. Cô ấy đã làm việc, làm việc, làm việc không ngừng. Chớ có lầm về chuyện đó, em ạ. Marie-Claude đứng về phía các em và sẽ luôn luôn đứng về phía các em. Cô ấy sợ các em ấy à? Tất cả chúng tôi đều sợ các em. Bản thân tôi, hồi ở Hailsham, hầu như ngày nào tôi cũng phải kiềm chế nỗi kinh sợ các em. Có những lần tôi từ cửa sổ phòng làm việc nhìn xuống các em mà cảm thấy khiếp sợ đến nỗi…" Bà ngừng lời, rồi một cái gì đó trong mắt bà lại lóe lên. " Nhưng tôi quyết tâm không để những cảm xúc như vậy ngăn cản mình làm điều phải. Tôi đấu tranh chống lại những cảm xúc đó và tôi đã thắng. Giờ thì các em làm ơn giúp tôi ra khỏi đây với. George chắc đang cầm nạng đợi sẵn rồi."
Với mỗi người chúng tôi đỡ một bên, bà chầm chậm đi vào tiền sảnh, ở đó một người đàn ông to lớn mặc đồng phục y tá giật mình sợ hãi và vội chìa ra một đôi nạng.
Cửa trước mở ra ngoài phố và tôi ngạc nhiên thấy vẫn còn ánh sáng ban ngày. Giọng của Madame đang từ bên ngoài vọng vào, giờ thì bà nói năng bình tĩnh hơn với những người đàn ông. Có cảm giác đã đến lúc Tommy và tôi đi thôi, nhưng cái ông tên George đang giúp cô Emily mặc áo khoác trong khi bà đứng vững giữa hai cái nạng; chẳng có cách nào để chúng tôi len qua cả, nên chúng tôi đành đợi. Tôi cũng cho rằng hẳn lúc đó chúng tôi đợi nói lời từ biệt với cô Emily, có lẽ, dù sau chuyện gì đi nữa, chúng tôi vẫn muốn cám ơn bà, tôi không chắc. Nhưng cô Emily lúc này chỉ bận tâm đến cái tủ của bà thôi. Bà bắt đầu dặn dò gì đó có vẻ rất khẩn thiết với mấy người ở ngoài kia, rồi cùng George đi thẳng mà không ngoái lại chúng tôi.
Tommy và tôi nán lại trong tiền sảnh thêm một lát, không biết phải làm gì. Khi rốt cuộc chúng tôi cũng tha thẩn ra ngoài, tôi nhận thấy đèn đã bật sáng suốt dọc con phố dài mặc dù trời vẫn chưa tối hẳn. Một chiếc xe tải nhỏ màu trắng đang khởi động máy. Ngay phía sau là một chiếc Volvo đã cũ, cô Emily ngồi trong đó trên ghế dành cho khách. Madame đang khom người qua cửa sổ, vừa nghe cô Emily nói gì đó vừa gật gật đầu, trong khi George đóng cửa xe sau rồi đi vòng lên cửa dành cho tài xế. Rồi chiếc xe tải chạy đi, xe của cô Emily theo sau.
Madame quan sát hồi lâu những chiếc xe đang xa dần. Rồi bà quay lưng như để trở vào nhà, nhưng khi thấy chúng tôi đứng đó trên vỉa hè, bà ngừng phắt, gần như thụt lùi lại.
"Chúng tôi về đây," tôi nói. "Cám ơn bà đã trò chuyện với chúng tôi. Nhờ bà chuyển lời chào tạm biệt cô Emily hộ chúng tôi."
Tôi nhận thấy bà đang quan sát tôi trong ánh sáng nhá nhem. Rồi bà nói:
"Kathy H. Tôi nhớ em. Phải, tôi nhớ." Bà im bặt nhưng vẫn tiếp tục nhìn tôi.
"Chắc là tôi biết bà đang nghĩ tới cái gì," rốt cuộc tôi nói. "Tôi nghĩ là tôi đoán được."
"Tốt lắm," giọng bà mơ màng và cái nhìn của bà hơi mất tập trung. "Em đọc được ý nghĩ người khác đấy. Nói tôi nghe nào."
"Có một lần bà gặp tôi, vào một buổi chiều, trong khu ký túc xá. Lúc đó xung quanh không có ai, và tôi đang mở băng, nghe nhạc. Tôi đang vừa múa vừa nhắm mắt thì bà bắt gặp tôi."
"Tốt lắm. Đọc được ý nghĩ người khác thật. Lẽ ra em phải làm diễn viên mới phải. Mãi đến giờ tôi mới nhận ra em. Nhưng đúng vậy, tôi nhớ lần đó. Thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ về nó."
"Thú vị thật. Tôi cũng vậy."
"Tôi hiểu."
Lẽ ra chúng tôi đã có thể chấm dứt cuộc trò chuyện ở đó. Lẽ ra chúng tôi đã có thể chào từ biệt rồi đi. Nhưng bà ta tiến lại gần chúng tôi hơn, mắt vẫn đăm đăm nhìn tôi.
"Hồi đó em nhỏ hơn bây giờ nhiều," bà nói. "Nhưng mà phải, đúng là em."
"Bà không phải trả lời nếu bà không muốn," tôi nói. "Nhưng có điều này luôn làm tôi bối rối. Tôi có thể hỏi bà không?"
"Em đọc được ý nghĩ tôi. Nhưng ý nghĩ em thì tôi không đọc được."
"Vâng, hôm ấy bà… xúc động. Bà quan sát tôi, và khi tôi biết mà mở mắt ra, bà vẫn nhìn tôi nghĩ bà đang khóc. Thực ra thì tôi biết, đúng là bà đang khóc. Bà vừa quan sát tôi vừa khóc. Tại sao vậy?"
Vẻ mặt Madame không thay đổi và bà vẫn nhìn đăm đăm vào mặt tôi. Cuối cùng bà nói, rất khẽ khàng, như thể sợ hàng xóm đang lắng nghe: "Tôi khóc vì khi tôi bước vào, tôi nghe thấy bản nhạc của em. Tôi cứ nghĩ có một học sinh ngốc nghếch nào đó mở nhạc rồi bỏ đi mất. Nhưng khi bước vào phòng ngủ của em, tôi thấy em, chỉ một mình, một bé gái nhỏ, đang múa. Như em nói, mắt thì nhắm lại, xa xăm, vẻ khát khao mong mỏi. Em đang múa như vậy một cách thật nồng nàn. Và còn âm nhạc, còn bài hát nữa. Có một cái gì đó trong lời hát. Hết sức buồn."
"Bài hát ấy tên là Mãi đừng xa mẹ," tôi nói. Rồi tôi thì thầm hát vài câu cho bà nghe. "Mãi đừng xa mẹ. Con ơi, con hỡi. Mãi đừng xa mẹ…"
Bà gật đầu như biểu lộ đồng tình. "Phải rồi, đúng bài ấy. Từ đó tới giờ tôi đã nghe một, hai lần. Trên ra-đi-ô, trên ti-vi. Mỗi lần nghe tôi lại nhớ lại cô bé kia, cứ múa một mình."
"Bà nói bà không phải là người đọc được tâm tư kẻ khác," tôi nói. "Nhưng có lẽ hồi đó bà là người như vậy. Có lẽ chính vì vậy bà mới chợt khóc khi thấy tôi. Bởi dù thật ra bài hát là về cái gì đi nữa, nhưng khi tôi múa thì trong đầu tôi, tôi có một dị bản riêng của mình về nó. Bà hiểu không, tôi hình dung rằng bài hát nói về một phụ nữ vừa bị người ta nói rằng mình không thể có con. Nhưng rồi cô lại có, và cô vui sướng quá, cô ôm đứa bé vào ngực mình thật chặt, chỉ sợ một điều gì đó xảy ra sẽ chia lìa hai mẹ con, và cô hát con ơi, con hỡi, đừng để mẹ xa con. Thật ra nội dung bài hát hoàn toàn không phải vậy, nhưng lần ấy tôi hiểu nó trong đầu như thế. Có lẽ bà đọc được tâm tư tôi, chính vì thế bà thấy nó buồn đến vậy. Lần ấy tôi không cho rằng bài hát buồn đến thế, nhưng bây giờ, mỗi khi nghĩ lại, tôi thấy đúng là nó hơi buồn thật.
Tôi nói với Madame, nhưng tôi cảm thấy Tommy nhích lại gần tôi, nhận thấy rõ lớp vải quần áo anh mặc, cảm nhận rõ mọi thứ về anh. Rồi Madame nói:
"Thú vị lắm. Nhưng hồi đó tôi cũng chẳng đọc được tâm tư người khác hơn gì bây giờ. Tôi khóc vì một lý do hoàn toàn khác. Khi tôi quan sát em múa lần đó, tôi thấy một diều khác. Tôi thấy một thế giới mới đang đến nhanh chóng. Khoa học hơn, hiệu quả hơn, thì đúng. Nhiều cách chữa hơn cho những căn bệnh trước kia. Hay lắm. Nhưng là một thế giới nghiệt ngã, độc ác. Còn đây tôi thấy một cô bé, mắt nhắm tịt, ghì chặt vào ngực mình cái thế giới tử tế và nhân hậu trước kia, cái thế giới mà trong thâm tâm cô biết rằng không thể còn lại nữa, cho nên cô ghì chặt nó vào lòng, cầu xin nó đừng bao giờ để cô xa nó. Tôi thì thấy như vậy đó. Thật ra đó không phải là em, không phải là điều em đang làm, tôi biết. Nhưng tôi nhìn thấy em và cảnh đó khiến tôi đau lòng. Tôi chẳng bao giờ quên được."
Rồi bà tiến lên cho đến khi chỉ còn cách chúng tôi một, hai bước. "Câu chuyện các em kể chiều nay, chúng cũng làm tôi xúc động." Lúc này bà nhìn Tommy, sau đó mới trở lại nhìn tôi. "Những kẻ đáng thương. Ước gì tôi giúp các em được. Nhưng giờ các em phải tự liệu lấy thôi."
Bà chìa tay ra, mắt vẫn đăm đắm nhìn mặt tôi, đặt tay lên má tôi. Tôi cảm thấy toàn thân bà run rẩy, nhưng bà vẫn đặt nguyên bàn tay ở đó, và tôi lại thấy những giọt lệ xuất hiện trong mắt bà.
"Tội nghiệp các em," bà nhắc lại, hầu như chỉ thì thầm. Rồi bà quay lưng bước vào nhà.
o O o
Trên đường về chúng tôi hầu như không nói gì đến cuộc gặp vừa rồi với cô Emily và Madame. Có chăng chúng tôi cũng chỉ nói về những điều chẳng quan trọng mấy, như chúng tôi thấy họ già đi bao nhiêu, hoặc về thứ này thứ nọ trong nhà họ.
Tôi chỉ chọn đi những con đường tối nhất mà tôi biết, nơi chỉ có ánh đèn pha của chúng tôi chọc thủng màn đêm. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng gặp ánh đèn pha xe khác, những khi đó tôi có cảm giác như chúng thuộc về những người chăm sóc khác, họ đang lái xe về nhà một mình hoặc có thể cùng một người hiến ngồi bên cạnh, giống như tôi. Dĩ nhiên tôi nhận ra rằng những người kia, họ cũng dùng những con đường này; nhưng đêm đó, tôi cảm thấy dường như những con đường phụ tối tăm kia của đất nước này chỉ tồn tại cho những kẻ như chúng tôi, trong khi các xa lộ lớn đèn điện sáng trưng với những bảng quảng cáo đồ sộ và những quán cà phê thượng hạng thì dành cho tất cả những người khác. Tôi không biết liệu Tommy có nghĩ điều gì tương tự vậy không. Hẳn là có, bởi có một lúc anh nhận xét:
"Kath, em đúng là biết toàn những con đường kỳ khôi thật."
Anh vừa nói vậy vừa bật cười khẽ, nhưng rồi ngay lập tức anh dường như lại chìm vào trầm tư. Rồi trong khi chúng tôi đi dọc một lối mòn đặc biệt tối ở đằng sau một nơi chẳng biết là nơi nào thì bỗng anh nói:
"Anh nghĩ cô Lucy nói đúng. Không phải cô Emily."
Tôi không nhớ khi đó mình có nói gì đáp lại không. Nếu tôi có nói gì đi nữa, chắc chắn đó cũng không phải một điều gì sâu sắc lắm. Nhưng chính khi đó tôi mới lần đầu tiên nhận ra nó, một cái gì đó trong giọng anh, hay có thể trong cung cách của anh, một cái gì đó làm rung những chiếc chuông báo động ở xa xăm. Tôi nhớ khi đó mình đã rời mắt khỏi con đường ngoằn ngoèo mà liếc sang anh, nhưng anh vẫn ngồi đó trầm lặng, nhìn thẳng ra đằng trước, vào màn đêm.
Vài phút sau đột ngột anh nói: "Kath này, mình dừng chút được không? Anh xin lỗi, anh cần ra ngoài một chút."
Nghĩ rằng anh lại bị say xe, tôi hầu như đỗ xe lại ngay lập tức, va mạnh vào một bờ giậu. Nơi này tuyệt không có một ánh đèn, và thậm chí dù đèn xe chúng tôi vẫn mở, tôi cứ lo ngay ngáy nhỡ ra có chiếc xe nào ngoặt chỗ đường vòng mà va phải chúng tôi. Chính vì vậy mà khi Tommy ra khỏi xe và biến mất vào bóng tối, tôi không đi cùng anh. Lại nữa, trong cung cách của anh ra khỏi xe có cái gì đó đầy chủ định, cho tôi hiểu rằng dù đang cảm thấy khó ở, anh vẫn muốn tự mình xoay xở lấy. Dù sao thì đó là lý do để tôi vẫn ở lại trong xe, và đang tự hỏi không biết có nên dịch xe lên đồi một chút nữa không thì tôi nghe tiếng thét đầu tiên.
Đầu tiên thậm chí tôi không nghĩ đó là anh ấy thét, mà có kẻ điên khùng nào đó đang nấp trong các bụi cây. Tôi vừa mới ra khỏi xe thì lại nghe tiếng thét thứ hai rồi tiếng thét thứ ba, đến khi đó thì tôi nhận ra chính là Tommy thét, mặc dù không phải vì vậy mà tôi bớt phần luống cuống. Trên thực tế, trong một khoảnh khắc, có lẽ tôi đã gần như hoảng loạn, vì chịu không biết Tommy đang ở đâu. Tôi hầu như chẳng thấy gì, và khi cố đi về phía phát ra tiếng thét, tôi bị một bụi cây dày không thể vượt qua ngăn lại. Rồi tôi thấy một lối mở để qua, và bước ngang qua một cái rãnh, tôi đến gần một hàng rào. Tôi cố trèo qua hàng rào rồi đặt chân xuống mặt bùn ướt nhão.
Giờ tôi thấy quang cảnh xung quanh rõ hơn nhiều. Tôi đang ở trên một cánh đồng, và tôi thấy ánh đèn của một ngôi làng nào đó xa trong thung lũng. Gió ở đây thật mạnh, một cơn gió tạt ào ào vào tôi dữ dội đến nỗi tôi phải vươn tay bám lấy cọc rào. Trăng chưa tròn hẳn nhưng cũng đủ sáng, nên tôi thấy khá rõ, ở cách đó không xa lắm, gần nơi cánh đồng bắt đầu đổ xuống, hình dáng Tommy đang nổi cơn thịnh nộ, gào thét, vung tay đá chân loạn xạ.
Tôi cố chạy đến với anh, nhưng bùn níu chân tôi xuống. Bùn cũng cản trở cả anh, bởi vì có lúc, khi vung chân lên đá, anh trượt và ngã lăn vào bóng tối, tôi không nhìn thấy nữa. Song những lời chửi thề chẳng ra đầu ra đũa vẫn tuôn ra không ngừng, nên ngay lúc anh gượng đứng dậy được thì tôi cũng đến được chỗ anh. Tôi thoáng thấy khuôn mặt anh dưới ánh trăng, bùn đóng bánh và méo xệch vì cuồng nộ, rồi tôi túm lấy hai cánh tay anh đang vung tít lên mà ghì thật chặt. Anh cố giãy tôi ra, nhưng tôi vẫn ghì chặt, cho tới khi anh không la hét nữa và tôi cảm thấy anh không định vùng vẫy nữa. Rồi tôi nhận ra anh cũng đã choàng tay ôm lấy tôi. Và chúng tôi cứ đứng như thế, trên đỉnh cánh đồng kia, lâu tưởng đến hàng thế kỷ, không nói gì hết, chỉ ôm nhau, trong khi gió cứ quật tơi bời vào chúng tôi, giật đùng đùng quần áo chúng tôi, và trong một khoảnh khắc, có cảm giác như chúng tôi ôm nhau như thế bởi đó là cách duy nhất để chúng tôi không bị gió cuốn phăng vào đêm tối.
Khi rốt cuộc chúng tôi cũng rời nhau ra, anh lẩm bẩm: "Anh xin lỗi, Kath." Rồi anh bật một tiếng cười yếu ớt và nói thêm: "Cũng may là trong cánh đồng này không có bò. Chứ không thì chúng nó đã sợ xanh mật."
Tôi biết anh đang cố hết sức để làm tôi yên lòng rằng giờ anh đã hoàn toàn ổn, nhưng trong ngực anh tiếng thở vẫn nặng nề và chân anh vẫn run run. Chúng tôi cùng đi trở lại chỗ xe, cố không trượt ngã.
"Anh hôi như phân bò ấy," cuối cùng tôi nói.
"Lạy Chúa tôi, Kath. Làm sao anh giải thích chuyện này với người ta đây? Đến nước này thì chúng mình phải lẻn vào cửa sau mất."
"Anh vẫn phải ký tên vào sổ kia mà."
"Trời ơi là trời," anh nói, rồi lại bật cười.
Tôi tìm thấy ít giẻ rách trong xe và chúng tôi lau bớt những chỗ bùn dính bê bết nhất. Nhưng trong khi tìm giẻ, tôi đã lấy từ chỗ để hành lý sau xe ra chiếc túi thể thao đựng các bức tranh thú vật của anh, và khi chúng tôi lại khởi hành, tôi để ý thấy Tommy cầm luôn cái túi vào xe.
Chúng tôi lái xe một hồi, không nói gì nhiều, cái túi đặt trong lòng anh. Tôi cứ đợi anh nói gì đó về những bức tranh: thậm chí tôi còn nảy ra ý nghĩ rằng anh lại đang sắp nổi cơn tam bành lần nữa, đó là khi anh vứt hết các bức tranh ra ngoài cửa sổ xe. Nhưng anh vừa nắm chặt cái túi bằng cả hai tay như thể muốn che chở nó vừa nhìn đăm đăm vào con đường tối mịt cứ trải ra trước mặt chúng tôi. Sau một lúc im lặng dài, anh nói:
"Anh rất tiếc vì chuyện vừa rồi, Kath ạ. Anh là một thằng ngốc, đúng là thằng ngốc." Rồi anh nói thêm: "Em đang nghĩ gì vậy Kath?"
"Em đang nghĩ," tôi nói, "về chuyện hồi đó, ở Hailsham, hồi anh còn hay nổi khùng lên như vậy, bọn chúng em không hiểu nổi tại sao. Bọn em không hiểu nổi sao anh lại có thể đâm ra như vậy. Và em có ý này, chỉ là ý nghĩ thôi. Em đang nghĩ có lẽ lý do khiến anh thường như vậy là vì ở mức độ nào đó anh đã biết."
Tommy nghĩ một hồi rồi lắc đầu. "Đừng nghĩ vậy Kath. Không, bao giờ cũng chỉ tại anh thôi. Tại anh là thằng ngốc. Chỉ có vậy thôi." Rồi một thoáng sau, anh bật cười nhỏ mà nói: "Nhưng ý đó cũng hay đấy. Có lẽ đúng là anh biết thật, ở đâu đó sâu bên trong. Biết cái gì đó mà bọn các em không biết."
Mãi Đừng Xa Tôi Mãi Đừng Xa Tôi - Kazuo Ishiguro Mãi Đừng Xa Tôi