We have to walk in a way that we only print peace and serenity on the Earth. Walk as if you are kissing the Earth with your feet.

Thich Nhat Hanh

 
 
 
 
 
Tác giả: Kazuo Ishiguro
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5930 / 605
Cập nhật: 2016-05-05 19:46:01 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14
hi ra ngoài, tôi thấy rõ ràng sự phấn chấn từ lúc chúng tội mới đặt chân đến đây đã hoàn toàn biến mất. Chúng tôi lặng lẽ đi, Rodney dẫn đường, qua những con phố nhỏ họa hoằn lắm mới có vài tia nắng xuyên xuống, những vỉa hè hẹp đến nỗi chúng tôi thường phải đi thành hàng một. Thật nhẹ người khi ta tới Đại lộ Chính, nơi sự ồn ào náo nhiệt khiến cho tâm trạng tệ hại của chúng tôi ít lộ rõ hơn. Khi băng qua một đoạn có vạch sang đường về phía nắng hơn, tôi thấy Rodney và Chrissie bàn với nhau chuyện gì đó, và tôi tự hỏi cái bầu không khí khó chịu này bao nhiêu phần là do họ vẫn tin rằng chúng tôi không chịu tiết lộ một bí mật lớn lao nào đó về Hailsham còn bao nhiêu phần là do Ruth đang chì chiết Tommy.
Rồi khi chúng tôi đã băng sang Đại lộ Chính, Chrissie thông báo rằng chị ấy và Rodney muốn đi mua thiệp sinh nhật. Rodney nghe vậy thì ngây người ra, nhưng Chrissie chỉ nói tiếp:
"Chúng mình thích mua cả lô cơ. Về lâu dài thì mua vậy bao giờ cũng rẻ hơn. Mà các cậu khi nào đến sinh nhật ai đó thì cũng luôn có sẵn." Chị ta chỉ tay về phía lối vào một cửa hàng Woolworth. "Ở đó có bán thiệp vừa khá đẹp lại vừa rẻ."
Rodney gật đầu, và tôi nghĩ có cái gì đó hơi nhạo báng trong khóe cười của anh ta. "Dĩ nhiên là các cậu sẽ có nhiều thiệp giống nhau," anh ta nói, "nhưng các cậu có thể tự vẽ minh họa lên mà. Làm cho nó thành của riêng mình, các cậu biết đó."
Cả hai cựu binh giờ đứng ngay giữa vỉa hè, để mặc những người đang đẩy xe hàng phải vòng tránh, đợi chúng tôi tỏ ra phản đối. Tôi có thể thấy Ruth giận dữ, nhưng nếu không có sự hợp tác của Rodney thì đằng nào chúng tôi cũng chẳng thể làm gì.
Thế là chúng tôi bước vào cửa hiệu Woolworth, và lập tức tôi thấy vui lên rất nhiều. Ngay cả bây giờ tôi vẫn thích những nơi như vậy: một cửa hàng lớn với rất nhiều dãy quầy hàng bày những món đồ chơi bằng nhựa sáng loáng, những thiệp mừng, hàng đống đồ mỹ phẩm, có khi cả một quầy ảnh nữa. Giờ đây, mỗi khi tôi đến một thị trấn và có chút thì giờ để giết, tôi thường đi tha thẩn đến một nơi như vậy, nơi ta có thể la cà tùy thích, không mua gì cả, mà những người bán hàng cũng chẳng để ý gì.
Dù sao thì chúng tôi cũng bước vào và chẳng mấy chốc đã tách nhau ra mỗi người xem một dãy. Rodney nán lại gần cửa ra vào, bên cạnh một giá to đầy những thiệp, còn xa hơn về phía trông, tôi thấy Tommy đứng lục lọi đống băng cát-xét dưới một tấm áp phích to in hình một nhóm nhạc rock. Sau khoảng mười phút, khi đang ở một nơi gần phía trong, tôi như nghe thấy giọng của Ruth nên bèn đi về phía ấy. Tôi đã rẽ vào dãy hàng đó – bày bán thú nhồi bông và những hộp xếp hình to – thì mới nhận ra rằng Ruth và Chrissie đang đứng trò chuyện tay đôi với nhau ở cuối dãy. Tôi không biết làm gì: tôi không muốn ngắt ngang họ, nhưng đã đến lúc chúng tôi phải đi và tôi không muốn lại quay lưng bỏ đi lần nữa. Thế là tôi đứng lại ngay chỗ mình vừa đi tới, giả vờ xem một hộp xếp hình và đợi họ nhận ra tôi.
Chỉ khi đó tôi mới nhận ra rằng họ đang nhắc lại chủ đề lời đồn đại nọ. Chrissie đang nói khẽ gì đó đại loại như:
"Nhưng suốt cái hồi các cậu ở đó, mình lấy làm lạ sao các cậu chẳng nghĩ nhiều hơn xem việc đó nên làm thế nào. Các cậu nên đến gặp ai, những chuyện như vậy."
"Cậu không hiểu," Ruth nói. "Nếu cậu là dân Hailsham thì cậu sẽ hiểu. Đó chưa bao giờ là chuyện gì to tát đối với chúng mình hết. Mình cho là lúc nào chúng mình cũng biết, hễ khi nào muốn xem xét chuyện đó đến nơi đến chốn, chúng mình chỉ việc về Hailsham bảo một tiếng mà thôi…"
Ruth nhìn thấy tôi và ngừng nói nửa chừng. Khi tôi đặt hộp xếp hình xuống và quay về phía họ, cả hai đều nhìn tôi một cách tức giận. Đồng thời, lại có cảm giác như tôi vừa bắt gặp họ đang làm một việc lẽ ra không nên làm, thế là họ rời nhau ra với vẻ ngượng ngùng.
"Đến lúc chúng mình đi rồi," tôi nói, vờ như không nghe thấy gì.
Nhưng Ruth không bị lừa. Khi đi ngang qua, cô nhìn tôi vẻ chê trách.
Thế nên đến lúc chúng tôi lại lên đường, theo chân Rodney tìm cái văn phòng nơi cậu ta đã thấy nguyên mẫu của Ruth hồi tháng trước, bầu không khí giữa chúng tôi càng tồi tệ hơn bao giờ hết. Đã vậy, Rodney lại hết lần này đến lần khác dẫn chúng tôi đi nhầm phố. Ít nhất bốn lần anh ta rất tự tin dẫn đường về phía một ngả rẽ ra khỏi Đại lộ Chính, để rồi thấy những cửa hàng và văn phòng càng lúc càng thưa thớt, thế là chúng tôi phải quành trở lại. Chẳng mấy chốc Rodney trông có vẻ co vào thế thủ và sắp sửa chịu thua tới nơi. Nhưng rồi chúng tôi đã tìm thấy.
Một lần nữa chúng tôi quay đầu và lại đang hướng về phía Đại lộ Chính thì bỗng Rodney đứng lại. Rồi anh ta lặng thinh chỉ tay về phía một văn phòng phía bên kia đường.
Đúng là nó, không nghi ngờ gì nữa. Không hẳn như trong mẩu quảng cáo trong tạp chí mà chúng tôi gặp trên mặt đất hôm nọ, nhưng cũng chẳng quá xa như thế. Có một mặt tiền rộng bằng kính ngang tầm mặt phố, nên bất cứ ai đi ngang qua đều thấy rõ bên trong: một phòng rộng không có vách ngăn với khoảng mươi, mười hai bàn làm việc quây thành những nhóm hình chữ L không đều. Có cây cảnh trồng trong chậu, máy móc sáng choang và những chiếc đèn bàn hạ thấp. Thiên hạ đi đi lại lại giữa đám bàn, hoặc tựa người lên vách ngăn mà tán gẫu cười đùa, trong khi những người khác thì kéo ghế xoay lại gần nhau, vừa uống cà phê vừa ăn bánh quy.
"Nhìn kìa," Tommy nói. "Đang giờ nghỉ ăn trưa, nhưng họ không đi ra ngoài. Cũng không trách họ được."
Chúng tôi vẫn nhìn chăm chú, nó trông như một thế giới thông minh sáng loáng, dễ chịu và tự tại. Tôi liếc qua Ruth thấy mắt cô chuyển từ khuôn mặt này sang khuôn mặt nọ phía sau lớp kính một cách xao xuyến.
"Được rồi, Rod," Chrissie nói. "Vậy ai là nguyên mẫu?"
Chị ta nói câu ấy với vẻ hầu như mỉa mai, như thể chị tin chắc toàn bộ chuyện này rốt cuộc chỉ là một sai lầm lớn của anh ta mà thôi. Nhưng Rodney điềm tĩnh nói, giọng hơi run vì phấn khích:
"Kia kìa. Trong góc kia. Mặc áo khoác màu xanh nước biển. Đang nói chuyện với bà to béo mặc đồ đỏ ấy."
Không phải ngay từ đầu đã rõ, nhưng càng nhìn lâu, chúng tôi càng cảm thấy dường như anh có lý. Người đàn bà trạc khoảng năm mươi tuổi, nhưng vẫn giữ được dáng khá chuẩn. Tóc bà ta sẫm màu hơn tóc Ruth – tuy cũng có thể là tóc nhuộm – và bà ta buộc tóc thành một cái đuôi ngựa giản dị giống như Ruth thường làm. Bà ta đang phá lên cười khi nghe bà bạn mặc đồ đỏ nói gì đó, và khuôn mặt bà ta, đặc biệt là khi bà ta vừa dứt tiếng cười vừa lắc đầu, trông lại càng giống Ruth lắm.
Tất cả chúng tôi cứ ngắm bà ta mãi, không nói một lời. Rồi chúng tôi bắt đầu nhận ra rằng ở một chỗ khác trong văn phòng có hai người đã để ý tới chúng tôi. Một người nhấc tay lên ngập ngừng vẫy chúng tôi. Điều đó phá vỡ cơn mê hoặc và chúng tôi tất tả bỏ đi, vừa hoảng hốt vừa cười rúc rích.
o O o
Chúng tôi lại dừng ở đoạn cuối phố, ai nấy đều phấn khích lên tiếng cùng một lúc. Ngoại trừ Ruth, thế đấy, cô cứ im lặng suốt. Khó mà đọc được khuôn mặt cô vào lúc đó, nhất định là cô không thất vọng, nhưng vui sướng cũng không. Cô cứ giữ một nụ cười nửa miệng, kiểu như nụ cười của bà mẹ trong một gia đình bình thường đang cân nhắc việc này việc nọ trong khi bọn trẻ vừa nhảy choi choi quanh bà ta vừa hét lên đòi bà ta bảo rằng ừ, các con muốn làm gì cũng được. Vậy đó, chúng tôi đi ra đây sau khi đã thấy, và tôi thấy vui khi có thể nói một cách thành thật, cùng những người khác, rằng người đàn bà chúng tôi vừa thấy kia hoàn toàn không p hải không đáng để chúng tôi tính đến. Sự thật là tất cả chúng tôi đều thấy nhẹ nhõm: mặc dù không tự nhận ra, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần để thất vọng. Nhưng giờ chúng tôi có thể quay lại Nhà Tranh, Ruth có thể được khích lệ từ những gì đã thấy, và những người khác trong bọn chúng tôi có thể ủng hộ cô. Và cái thế giới văn phòng nơi bà ấy hình như là lãnh đạo giống y hệt cái văn phòng mà Ruth vẫn thường tự mô tả cho mình. Mặc dù giữa chúng tôi ngày hôm đó có xảy ra chuyện gì đi nữa, nhưng trong thâm tâm, không ai trong chúng tôi muốn Ruth trở về nhà trong thất vọng, và khoảnh khắc đó chúng tôi đã nghĩ mình thế là an toàn rồi. Và chắc hẳn chúng tôi đã an toàn thật nếu chấm dứt chủ đề ngay lúc ấy.
Nhưng rồi Ruth nói: "Ta lại ngồi kia đi, trên bức tường ấy. Chỉ ngồi vài phút thôi. Khi họ đã quên chúng mình rồi, chúng mình có thể lại nhìn thêm lần nữa."
Chúng tôi đồng ý, nhưng trong khi chúng tôi đi về phía bức tường thấp bao quanh bãi đỗ xe nhỏ mà Ruth đã chỉ, Chrissie nói, có phần hơi quá nồng nhiệt:
"Nhưng cho dù không thấy được bà ta lần nữa, chúng mình đều nhất trí rằng bà ta là một nguyên mẫu. Mà cái văn phòng ấy mới thích chứ. Thích thật ấy."
"Ta đợi vài phút đã," Ruth nói. "Rồi sẽ quay lại."
Bản thân tôi không ngồi trên bức tường bởi vì nó ẩm và cứ bở ra, và bởi tôi cứ nghĩ ai đó có thể xuất hiện bất cứ lúc nào để quát mắng chúng tôi sao lại ngồi trên tường như thế. Nhưng Ruth thì ngồi lên tường thật, hai đầu gối thõng hai bên như đang cưỡi ngựa. Đến giờ tôi vẫn nhìn thấy hình ảnh sống động của mươi, mười lăm phút chúng tôi đợi ở đó. Chẳng ai nói gì về nguyên mẫu nữa. Thay vì vậy chúng tôi vờ như chỉ giết thì giờ chút đỉnh, như tại một điểm có phong cảnh đẹp giữa chừng một chuyến đi chơi nhàn tản vô tư. Rodney làm một điệu múa nho nhỏ để cho thấy cái cảm giác đó dễ chịu thế nào. Anh ta đứng lên tường, vừa đi vừa giữ thăng bằng một chập rồi cố tình ngã xuống. Tommy thì nói đùa về một vài khách qua đường, và mặc dù đùa chẳng buồn cười cho lắm nhưng tất cả chúng tôi cười vang. Chỉ có Ruth, suốt thời gian đó cưỡi trên bức tường, vẫn im lặng. Cô giữ nguyên nụ cười trên mặt, nhưng hầu như không cử động. Có một làn gió nhẹ làm rối tóc cô, và vầng mặt trời sáng sủa mùa đông làm cô nheo nheo mắt, nên ta không thể biết chắc cô đang mỉm cười vì những trò hề của chúng tôi hay chỉ nhăn mặt trong ánh nắng. Đó là những hình ảnh tôi vẫn còn giữ nguyên về những khoảnh khắc chúng tôi chờ đợi bên bãi đỗ xe đó. Chắc hẳn lúc đó chúng tôi đang đợi Ruth quyết định khi nào thì đến lúc quay lại nhìn lần thứ hai. Nhưng cô chẳng hề phải quyết định điều đó vì ngay sau đó đã xảy ra một chuyện.
Tommy, lúc đó vẫn đang đùa nghịch trên bức tường cùng với Rodney, đột nhiên nhảy xuống và im lặng. Rồi cậu nói: "Bà ta kìa. Chính bà ấy đấy."
Tất cả chúng tôi đang làm dở việc gì đều dừng cả lại mà quan sát dáng người đang từ phía văn phòng đi tới. Lúc này bà ta mặc áo khoác màu kem, vừa đi vừa cố cài khóa chiếc cặp da. Chiếc khóa bấm mãi không khóa được, khiến bà ta cứ phải chậm bước rồi lại đi tiếp. Chúng tôi tiếp tục quan sát bà ta như bị thôi miên trong khi bà ta bước qua mặt chúng tôi phía bên kia đường. Rồi khi bà ta rẽ vào Đại lộ Chính, Ruth nhảy xuống nói: "Để xem bà ta đi đâu."
Chúng tôi thoát khỏi cơn thôi miên và lật đật theo sau bà ta. Trên thực tế, Chrissie đã phải nhắc chúng tôi đi chậm lại kẻo ai đó có thể nghĩ chúng tôi là một băng trấn lột đang bám theo người đàn bà nọ. Chúng tôi đi dọc theo Đại lộ Chính, giữ khoảng cách hợp lý, vừa đi vừa cười rúc rích, né người tránh thiên hạ, rẽ ra rồi lại nhập vào nhau. Lúc đó chắc đã hai giờ chiều, nên vỉa hè đông nghẹt những người mua hàng. Đôi lần chúng tôi gần như mất dấu bà ta nhưng rồi vẫn theo kịp, đứng lảng vảng trước cửa sổ bày hàng trong khi bà ta ghé vào một cửa hiệu, len qua các xe đẩy và những người già khi bà ta lại bước ra.
Thế rồi người đàn bà rời Đại lộ Chính rẽ vào một con phố nhỏ gần khu trông ra biển. Chrissie cứ lo khi đã ra khỏi chỗ đông người thì bà ta sẽ để ý đến chúng tôi, nhưng Ruth vẫn đi, và chúng tôi theo sau cô.
Cuối cùng chúng tôi đến một phố hẹp thỉnh thoảng có một cửa hàng nhưng chủ yếu là những căn nhà bình thường. Chúng tôi lại phải đi thành hàng một, và khi một chiếc xe tải nhô ra ở phía bên kia, chúng tôi phải nép mình vào những căn nhà để nó đi qua. Chẳng mấy chốc trên toàn bộ con phố chỉ còn lại bà ta và chúng tôi, thành thử nếu quay đầu lại thì bà ta không thể nào không để ý đến chúng tôi cho được. Nhưng bà ta cứ mải miết đi, trước chúng tôi chừng mươi bước, rồi đi vào một cánh cửa – vào "Phòng Tranh Portway".
Từ đó đến nay tôi đã trở lại Phòng Tranh Portway mấy lần. Cách đây mấy năm chỗ đó đã đổi chủ và nay bán đủ thứ đồ mỹ nghệ: bình, lọ, đĩa, thú bằng đất sét. Hồi đó nó là những căn phòng rộng màu trắng chỉ treo toàn tranh – được bố trí rất đẹp, có nhiều khoảng trống giữa các bức tranh. Tuy nhiên, bảng hiệu bằng gỗ treo trên cửa thì vẫn là bảng đó. Dù sao đi nữa, chúng tôi quyết định vào, sau khi Rodney chỉ ra rằng nếu đứng tha thẩn trong căn phố đó chúng tôi trông sẽ đáng nghi đến thế nào. Vào trong hiệu, ít nhất chúng tôi có thể giả vờ mình đang xem tranh.
Chúng tôi bước vào thì thấy người đàn bà chúng tôi bám theo nãy giờ đang trò chuyện với một bà khác lớn tuổi hơn nhiều, tóc bạc, hình như là người phụ trách chỗ này. Họ ngồi hai bên một chiếc bàn làm việc nhỏ gần cửa ra vào, ngoài họ ra thì Phòng Tranh vắng ngắt. Không ai trong hai người để ý khi chúng tôi nối đuôi nhau đi qua, tản ra và cố tỏ vẻ bị những bức tranh lôi cuốn.
Thực ra, mặc dù vẫn đang bị ám ảnh bởi nguyên mẫu của Ruth, tôi bắt đầu thích các bức tranh và sự bình an vô hạn của nơi này. Có cảm tưởng như chúng tôi vừa đến một nơi cách Đại lộ Chính đến hàng trăm dặm. Tường và trần nhà sơn màu bạc hà, đay đó ta lại thấy một mẩu lưới đánh cá, hay một mảnh thuyền mục nát nhô cao gần đường gờ trang trí chạy quanh tường. Các bức tranh cũng vậy, hầu hết là sơn dầu màu xanh dương thẫm và xanh lục thẫm, có đề tài biển. Có lẽ vì đột nhiên cảm thấy thấm mệt – dù gì chúng tôi cũng đã đi suốt từ sáng tinh mơ đến giờ – nhưng tôi không phải là người duy nhất rơi vào trạng thái đôi chút mơ màng ở đó. Tất cả chúng tôi lang thang vào những góc khác nhau, nhìn đăm đăm hết tranh này đến tranh khác, chỉ thỉnh thoảng mới thì thào kêu lên kiểu như: "Lại xem cái này này!" Đồng thời, chúng tôi cũng nghe tiếng nguyên mẫu của Ruth cùng bà tóc bạc vẫn đang trò chuyện. Họ nói không to lắm, nhưng ở nơi đó giọng của họ dường như tràn lấp toàn bộ không gian. Họ đang bàn về một người đàn ông nào đó mà cả hai đều biết, về chuyện ông ta chẳng hiểu gì các con mình. Và trong khi chúng tôi vừa lắng nghe họ vừa thỉnh thoảng nhìn trộm về phía họ, từng tí một, một cái gì đó bắt đầu thay đổi. Điều đó diễn ra với tôi, và tôi có thể nói rằng nó cũng diễn ra với những người khác nữa. Nếu như chúng tôi chỉ dừng lại ở việc thấy người đàn bà qua lớp kính văn phòng, thậm chí nếu chúng tôi theo chân bà ta qua khắp cả thị trấn rồi mất dấu bà ta đi nữa, thì lẽ ra chúng tôi vẫn có thể trở về Nhà Tranh đầy phấn khích và thắng lợi. Nhưng lúc này, trong Phòng Tranh, người đàn bà ở quá gần, gần hơn nhiều so với chúng tôi từng muốn. Và chúng tôi càng nghe tiếng bà ta, càng nhìn bà ta, thì bà ta lại càng ít giống Ruth hơn. Đó là một cảm giác lớn dần lên trong chúng tôi một cách hầu như có thể sờ mó được, và tôi có thể nói rằng Ruth, đang đắm mình vào một bức tranh ở phía bên kia căn phòng, cũng cảm thấy nó thấm thía như bất cứ ai khác. Có lẽ vì vậy mà chúng tôi cứ la cà trong Phòng Tranh nọ lâu đến thế: chúng tôi đang trì hoãn khoảnh khắc buộc phải bàn luận với nhau.
Thế rồi đột ngột người đàn bà bỏ đi, và tất cả chúng tôi vẫn còn đứng vẩn vơ ở đó, tránh nhìn vào mắt nhau. Nhưng không ai trong chúng tôi nghĩ đến chuyện theo chân người đàn bà, và trong khi từng giây tích tắc trôi qua, chúng tôi dường như đều đồng ý, dù không nói, về việc giờ đây chúng tôi nhìn nhận tình huống như thế nào.
Cuối cùng bà tóc bạc bước ra khỏi bàn và nói với Tommy, người đang đứng gần bà hơn cả: "Bức tranh ấy đặc biệt đẹp. Đó là bức tôi thích nhất."
Tommy quay sang bà ta bật cười. Rồi khi tôi vội vã lại gần để đỡ cho cậu, bà tóc bạc hỏi: "Các cháu là học sinh à?"
"Không hẳn ạ," tôi nói trước khi Tommy kịp trả lời. "Chúng cháu chỉ thích xem thôi."
Bà tóc bạc rạng rỡ hẳn lên, rồi bắt đầu kể cho chúng tôi nghe nhà họa sĩ mà chúng tôi đang xem tranh có liên quan thế nào với bà, kể hết về sự nghiệp của họa sĩ đó từ trước đến nay. Điều này ít nhất có tác dụng phá vỡ cái trạng thái như bị thôi miên mà chúng tôi rơi vào trước đó, và chúng tôi xúm lại quanh bà để nghe, như hồi ở Hailsham chúng tôi vẫn làm khi một giám thị bắt đầu nói. Điều đó khiến bà tóc bạc càng nói mãi, và chúng tôi cứ gật đầu rồi lại ồ à trong khi bà kể chuyện những bức tranh đã được vẽ ở đâu, họa sĩ thích làm việc vào lúc nào trong ngày, một số bức được vẽ mà không có phác thảo. Thế rồi cũng đến lúc bài diễn thuyết của bà đi đến một chỗ như là kết thúc tự nhiên, và chúng tôi thảy đều thở dài, cám ơn bà rồi đi ra.
Con phố bên ngoài quá hẹp nên mất một hồi chúng tôi vẫn chưa thể nói chuyện với nhau đến nơi đến chốn, và tôi nghĩ tất cả chúng tôi đều biết ơn điều đó. Trong khi xếp hàng một ra khỏi Phòng Tranh, tôi thấy Rodney đi đầu, hai tay dang rộng theo kiểu phường tuồng, vẻ như anh ta đang phấn chấn như lúc vừa mới đến thị trấn. Nhưng làm thế chẳng có gì thuyết phục, và ngay khi bước vào một con phố rộng hơn, tất cả chúng tôi đứng lại, tụm vào nhau.
Một lần nữa chúng tôi lại quá gần một vách đá. Và cũng như trước, nếu cúi mình qua lan can, ta thấy những đường mòn dẫn quanh co về phía mặt biển, chỉ có điều lần này ta thấy khu dạo chơi ở dưới xa, với những dãy quầy hàng ghép ván.
Trong khoảng vài phút, chúng tôi chỉ nhìn ra biển, mặc cho gió quất vào mình. Rodney vẫn cố tỏ ra vui vẻ, như thể anh ta quyết tâm không để vụ này làm hỏng một chuyến dã ngoại vui. Anh ta đang chỉ cho Chrissie cái gì đó dưới biển, phía xa nơi chân trời. Nhưng Chrissie ngoảnh mặt khỏi anh ta mà nói:
"Nào, mình cho rằng chúng ta đều đồng ý, phải không? Đó không phải là Ruth." Chị ta bật cười khe khẽ rồi đặt một tay lên vai Ruth. "Mình rất tiếc. Chúng mình đều rất tiếc. Nhưng chúng mình không đổ lỗi cho Rodney được. Dù sao thì thử vậy không phải là vô ích. Cậu phải thừa nhận rằng khi mình nhìn thấy bà ta qua cửa sổ thì quả thật là…" Chị ta không nói hết câu, rồi lại đặt tay lên vai Ruth.
Ruth không nói gì, chỉ khẽ nhún vai, gần như để gạt cái đụng chạm kia đi. Cô nheo mắt nhìn ra xa, nhìn trời hơn là nhìn nước. Tôi biết cô đang đau khổ, nhưng ai không biết rõ cô thì cũng có thể cho rằng cô đang suy tư.
"Xin lỗi Ruth," Rodney nói, và anh ta cũng vỗ nhẹ lên vai Ruth. Nhưng anh ta có một nụ cười trên mặt như thể chưa khi nào anh ta chờ đợi sẽ bị buộc lỗi về bất cứ chuyện gì. Đó là cái kiểu người ta xin lỗi khi đã cố làm cho ta một ân huệ nhưng rồi chẳng đi đến đâu.
Quan sát Chrissie và Rodney lúc đó, tôi nhớ mình đã nghĩ rằng, thì vâng, họ cũng tốt thôi. Họ tử tề theo cách của họ và đang cố làm cho Ruth vui lên. Thế nhưng, đồng thời tôi cũng nhớ mình đã cảm thấy – cho dù chính họ mới là những người đang nói, trong khi Tommy và tôi im lặng – một cái gì đó gần như là phẫn uất đối với họ, phẫn uất thay cho Ruth. Bởi dù họ có cảm thông đến mấy, tôi vẫn nhận ra rằng trong thâm tâm họ thấy nhẹ nhõm. Họ nhẹ nhõm là vì mọi chuyện đã diễn ra như vậy; rằng họ ở vào cái thế có thể an ủi Ruth, chứ không phải đứng trơ khấc đó trong khi Ruth thì đâm hy vọng tràn trề. Họ thấy nhẹ nhõm rằng họ sẽ không phải đối mặt, một cách gay gắt hơn bao giờ hết, cái ý niệm rằng có đủ thứ khả năng dành cho học sinh Hailsham chúng tôi nhưng không dành cho họ. Tôi nhớ khi đó mình đã nghĩ, thật ra thì Chrissie và Rodney, họ khác với ba chúng tôi đến nhường nào.
Rồi Tommy nói: "Mình chẳng thấy có gì khác nhau cả. Chúng mình chỉ vui một chút thôi mà."
"Vui một chút với cậu thì có thể, Tommy" Ruth lạnh lùng nói, vẫn nhìn thẳng trước mặt. "Nếu đó là nguyên mẫu của chính cậu thì cậu đã chẳng nghĩ vậy."
"Chắc là mình vẫn nghĩ vậy thôi," Tommy nói. "Mình chả thấy chuyện đó quan trọng gì hết. Dù cậu có tìm được nguyên mẫu của cậu, cái người mà quả thực người ta dùng làm mẫu để làm ra cậu ấy. Dù có vậy đi nữa, mình cũng chẳng thấy có gì khác nhau hết."
"Cám ơn vì đóng góp thâm trầm của cậu, Tommy," Ruth nói.
"Nhưng mình nghĩ Tommy nói đúng," tôi nói. "Nếu cho rằng cậu sẽ có một cuộc sống y như nguyên mẫu của cậu thì xuẩn lắm. Mình đồng ý với Tommy. Chuyện này chỉ là vui một chút thôi. Chúng mình chẳng nên lấy làm nghiêm trọng quá."
Tôi cũng chìa tay đặt lên vai Ruth. Tôi muốn Ruth cảm thấy sự tương phản với lúc Chrissie và Rodney chạm tay lên vai cô, và tôi cố tình chọn cũng đúng chỗ ấy. Tôi chờ đợi một phản ứng nào đó, một dấu hiệu nào đó cho thấy Ruth tiếp nhận sự cảm thông của tôi và Tommy cũng như cô đã không tiếp nhận từ các cựu binh. Nhưng cô chẳng tỏ gì, thậm chí không nhún vai như đã làm với Chrissie.
Đâu đó sau lưng, tôi nghe tiếng Rodney đi đi lại lại, gây tiếng động để mọi người hiểu anh ta đang lạnh cóng vì gió mạnh. "Hay giờ chúng mình đi thăm Martin đi?" anh ta nói. "Căn hộ cậu ấy ngay đằng kia thôi, sau mấy căn nhà kia ấy."
Ruth bỗng thở dài quay sang chúng tôi. "Nói thật, mình đã biết từ đầu là nghĩ thế ngốc lắm."
"Ừ," Tommy nồng nhiệt nói. "Chỉ là vui tí thôi mà."
Ruth bực tức nhìn cậu ta. "Tommy, làm ơn câm miệng đừng nói gì về chuyện ‘vui tí thôi’ đó nữa đi. Chả ai nghe đâu." Rồi quay sang Chrissie và Rodney, cô nói tiếp: "Hồi đầu khi các cậu kể với mình chuyện đó, mình không muốn nói. Nhưng nhìn xem, có bao giờ như vậy đâu. Người ta chẳng bao giờ, chẳng đời nào dùng những người như bà ấy cả. Nghĩ mà xem. Bà ta cần gì như vậy chứ? Chuyện đó chúng mình ai cũng biết, vậy sao chúng mình không nhìn thẳng vào nó chứ. Chúng mình không được lấy mẫu từ loại người ấy…"
"Ruth," tôi kiên quyết cắt ngang. "Đừng."
Nhưng cô vẫn nói tiếp: "Điều đó chúng ta ai cũng biết. Chúng ta được lấy mẫu từ những thứ rác rưởi. Nghiện ngập, đĩ điếm, rượu chè, lang thang đầu đường xó chợ. Có khi còn bị kết án không chừng, đó là chưa kể còn bị bệnh tâm thần. Chúng ta từ đó mà ra đấy. Chuyện đó chúng ta ai cũng biết, vậy sao không ai nói? Một bà như vậy á? Thôi nào. Ừ, phải đó, Tommy ạ. Chỉ vui tí thôi. Ta hãy vờ vịt cho vui một tí. Cái bà ở đằng kia, bạn của bà ta, bà già chỗ Phòng Tranh ấy. Sinh viên mỹ thuật, bà ta tưởng chúng mình là sinh viên mỹ thuật. Các cậu tưởng nếu bà ta biết sự thật chúng mình là ai thì bà ta vẫn sẽ nói chuyện với chúng mình như thế sao? ‘Xin lỗi, các cháu tưởng bạn của các cháu là mẫu nhân bản vô tính à?’ Bà ta sẽ quẳng chúng ta ra khỏi cửa ấy. Chúng mình biết vậy, thành thử tốt hơn hết là cứ nói ra. Nếu muốn tìm nguyên mẫu, nếu thật sự muốn tìm cho đến nơi đến chốn, các cậu phải tìm ở thành phần cặn bã ấy. Tìm trong thùng rác ấy. Dòm xuống toa lét, rồi các cậu sẽ biết tất cả chúng mình từ đâu ra."
"Ruth," giọng Rodney điềm tĩnh và hàm chứa một lời cảnh cáo. "Ta hãy quên chuyện đó mà đến thăm Martin đi. Chiều nay cậu ấy nghỉ làm. Các cậu sẽ thích cậu ấy, cậu ấy tếu lắm."
Chrissie choàng tay ôm lấy Ruth. "Nào, Ruth. Làm như Rodney nói đi."
Ruth đứng dậy và Rodney bắt đầu đi.
"Các cậu cứ đi đi," tôi nói khẽ. "Mình không đi đâu."
Ruth quay lại nhìn tôi một cách thận trọng. "Cậu thì biết gì chứ? Ai là người đang giận dỗi đây?"
"Mình không dỗi. Nhưng đôi khi cậu nói toàn chuyện vớ vẩn Ruth ạ."
"Ồ, xem ai đang giận dỗi này. Kathy tội nghiệp. Cô bé chẳng bao giờ ưa nói thẳng cả."
"Chẳng liên quan gì đến chuyện đó hết. Mình không thích đến thăm một người chăm sóc. Chúng mình không nên làm thế, đã vậy thậm chí mình còn không quen anh ta."
Ruth nhún vai và trao đổi cái nhìn với Chrissie. "Thôi được," cô nói. "Chẳng có lý gì đâu chúng mình cũng phải dính lấy nhau. Nếu Tiểu cô nương đây không thích đi cùng chúng mình thì cô nương không phải đi nữa. Cứ để cô ấy tự đi chơi vậy." Rồi cô cúi mình về phía Chrissie mà nói thầm sao cho tất cả đều nghe: "Khi nào Kathy đang có tâm trạng thì cứ làm thế là hay nhất. Cứ để nó lại một mình, nó đi bộ một lát là nguôi thôi."
"Nhớ quay lại xe trước bốn giờ nhé," Rodney bảo tôi. "Không thì cậu sẽ phải quá giang mà về đấy." Rồi anh ta bật cười nhỏ. "Thôi nào, Kath, đừng dỗi nữa. Đi với chúng mình đi."
"Không. Các cậu đi đi. Mình không thích."
Rodney nhún vai rồi lại bước đi. Ruth và Chrissie theo sau, nhưng Tommy không nhúc nhích. Chỉ khi Ruth nhìn cậu ấy chằm chằm, cậu mới nói:
"Mình ở lại với Kath. Nếu chúng ta tách ra thì mình sẽ ở lại với Kath."
Ruth nhìn cậu giận dữ, rồi quay lưng đi thẳng. Chrissie và Rodney nhìn Tommy bối rối, rồi cuối cùng cũng cất bước.
Mãi Đừng Xa Tôi Mãi Đừng Xa Tôi - Kazuo Ishiguro Mãi Đừng Xa Tôi