Love is the only satisfactory answer to the problem of human existence.

Erich Fromm

 
 
 
 
 
Tác giả: Kazuo Ishiguro
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5930 / 605
Cập nhật: 2016-05-05 19:46:01 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần II - Chương 10
ôi khi, những lúc lái xe trên một con đường dài quanh co giữa đầm lầy, hoặc có thể ngang qua hàng dãy những cánh đồng đã cày ải, bầu trời rộng lớn màu xám ngắt không thay đổi suốt từ dặm này qua dặm khác, và tôi lại nhận ra mình đang nghĩ tới bài luận của mình, bài luận mà lẽ ra tôi phải viết hồi đó, khi chúng tôi còn ở Nhà Tranh. Suốt mùa hè cuối cùng đó các giám thị thỉnh thoảng lại nói với chúng tôi về bài luận, họ cố giúp chúng tôi chọn chủ đề nào đó có khả năng hoàn toàn lôi cuốn sự chú ý của chúng tôi trong khoảng thời gian tối đa hai năm. Nhưng bằng cách nào đó – có lẽ chúng tôi đã nhận ra một điều gì trong cung cách của các giám thị – mà không ai thực sự tin bài luận lại có tầm quan trọng đến vậy, và rất ít khi chúng tôi nhắc đến chủ đề đó giữa chúng tôi với nhau. Tôi nhớ rằng khi đến gặp cô Emily để thông báo chủ đề tôi chọn là tiểu thuyết thời Victoria, thật ra tôi cũng chẳng nghĩ ngợi gì nhiều về chủ đề ấy và tôi nhận ra rằng cô cũng biết. Nhưng cô chỉ đăm đăm nhìn tôi bằng cái nhìn thấu suốt như mọi khi mà chẳng nói gì thêm.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đã chuyển sang khu Nhà Tranh, bài luận trở nên có một tầm quan trọng mới. Trong những ngày đầu chúng tôi ở đó, với một số người thì còn lâu hơn nhiều, dường như mỗi chúng tôi đều dính chặt vào bài luận, nhiệm vụ cuối cùng của chúng tôi ở Hailsham, như thể đó là món quà tự biệt các giám thị vậy. Qua thời gian, các bài luận đó sẽ phai mờ dàn khỏi tâm trí chúng tôi, nhưng trong một giai đoạn ngắn chúng đã giúp chúng tôi trụ được ở môi trường mới.
Nay mỗi khi nghĩ lại về bài luận của mình, tôi thường ôn đi ôn lại vài chi tiết trong đó: Có khi tôi nghĩ lẽ ra mình đã có thể có một cách tiếp cận hoàn toàn khác, có khi tôi lại nghĩ tới những nhà văn và những cuốn sách mà lẽ ra hồi đó tôi có thể tập trung vào. Tôi đang ngồi uống cà phê ở một trạm xăng, vừa uống vừa ngắm đường xa lộ qua khung cửa sổ lớn, thế rồi bài luận lại nảy ra trong đầu tôi chẳng vì lý do gì cả. Và tôi thấy hoàn toàn thoải mái khi ngồi đó nghiền ngẫm lại nó một lần nữa. Chỉ mới đây thôi thậm chí tôi còn nghĩ vui, hay mình lôi bài luận ra viết lại đi, khi nào mình không còn làm người chăm sóc nữa và có thì giờ. Nhưng rốt cuộc tôi cho rằng hẳn tôi cũng không nghiêm túc cho lắm về chuyện đó. Chẳng qua là chút hoài niệm cho qua thời gian mà thôi. Tôi nghĩ đến bài luận thì cũng chẳng khác nào tôi nghĩ đến một trận bóng rounders ở Hailsham mà trong đó tôi đã chơi đặc biệt cừ, hay một cuộc tranh cãi từ rát lâu mà giờ đây tôi có thể nghĩ ra tất cả những điều thông minh lẽ ra hồi đó mình nên nói. Toàn ở mức đó thôi – chỉ là mơ mộng vẩn vơ. Song như tôi đã nói, hồi chúng tôi mới đến Nhà Tranh thì chuyện không như vậy.
Tám người chúng tôi rời Hailsham mùa hè đó rốt cuộc lại về chỗ Nhà Tranh. Những người khác thì đến Lâu đài Trắng ở vùng đồi xứ Wales hoặc Nông trại Liễu ở Dorser. Hồi đó chúng tôi không biết rằng tất cả những nơi ấy chỉ có mối liên hệ hết sức mong manh với Hailsham. Khi đến Nhà Tranh chúng tôi cứ ngỡ mình sẽ thấy một di bản khác của Hailsham dành cho những học sinh lớn, và có lẽ trong một thời gian chúng tôi vẫn tiếp tục thấy Nhà Tranh như vậy. Nhất định chúng tôi đã chẳng hề nghĩ gì nhiều về cuộc đời mình ở bên ngoài Nhà Tranh, về những kẻ điều hành nó, hay về chuyện Nhà Tranh tương hợp đến mức nào với thế giới bên ngoài. Hồi đó chẳng ai trong chúng tôi nghĩ vậy cả.
Nhà Tranh là phần sót lại của một nông trại từng ăn nên làm ra nhiều năm về trước. Có một ngôi nhà ở cũ, xung quanh là kho thóc, nhà phụ, chuồng trại, tất cả đều được cải tạo cho chúng tôi ở. Còn có những căn nhà khác nữa, thường là những căn phụ nằm ngoài, hầu như sắp sụp đến nơi nên chúng tôi chẳng dùng được gì nhiều nhưng vẫn cảm thấy một cách mơ hồ rằng mình phải chịu trách nhiệm về nó – chủ yếu là vì Keffers. Đó là ông già bẳn tính cứ mỗi tuần hai, ba lần lại lái chiếc xe tải nhỏ lấm bùn đến trông coi khu này. Ông ta chẳng thích chuyện trò nhiều với chúng tôi, lại có cái kiểu đi khắp nơi, vừa đi vừa không ngớt thở dài và lắc đầu tỏ vẻ ghê tởm ngụ ý rằng chúng tôi chưa đủ gọn gàng ngăn nắp để giữ cho nơi này sạch đẹp. Nhưng chẳng bao giờ chúng tôi rõ ông còn muốn chúng tôi làm gì nữa. Ngay từ hôm đầu chúng tôi về, ông đã đưa cho chúng tôi danh mục những việc cần làm, và các học sinh đã về đó từ trước – các "cựu binh" như Hannah gọi – từ lâu đã đặt ra một lịch trực luân phiên mà chúng tôi tuân thủ từng li từng tí. Thực sự là chẳng có gì nhiều để chúng tôi làm ngoại trừ báo cáo chuyện ống máng rò hoặc thu dọn sau những lần nước ngập.
Ngôi nhà ở cũ – trái tim của Nhà Tranh – có nhiều lò sưởi nơi chúng tôi có thể đốt các khúc gỗ đã cưa xếp đống trong nhà kho phụ. Không thì chúng tôi phải xoay xở bằng những bếp lo to hình hộp. Cái khó khi dùng các bếp lò này là chúng sử dụng bình ga nhỏ, mà khi trời thật lạnh thì Keffers lại chẳng mang nhiều bình ga tới. Chúng tôi vẫn hay đề nghị ông để lại cho chúng tôi nhiều nhiều để dự trữ, nhưng ông chỉ lắc đầu với vẻ u ám, như thể chúng tôi ắt sẽ dùng vô tội vạ hoặc gây ra nổ. Thành thử tôi nhớ, trừ những tháng hè ra thì phần lớn thời gian ở Nhà Tranh đều khá lạnh. Đi đâu cũng phải mặc hai, có khi ba cái áo ngoài, quần jeans thì cứ lạnh ngắt, cứng đờ ra. Đôi khi chúng tôi mang ủng suốt ngày khiến bùn và nước bẩn dây ra khắp các phòng. Keffers nhìn thấy cảnh đó lại lắc đầu, nhưng khi chúng tôi hỏi ông chúng tôi còn phải làm gì khi sàn nhà đã đến nỗi này, ông lại chẳng trả lời.
Nói vậy nghe như thật là tệ hại, nhưng thật ra chẳng ai trong chúng tôi nề hà chút nào sự bất tiện kia – là một phần của sự phấn khích được sống ở Nhà Tranh. Tuy nhiên, thực tình mà nói thì, đặc biệt là hồi đầu, hầu hết chúng tôi hẳn sẽ thú nhận mình nhớ các giám thị. Có dạo thậm chí vài người trong chúng tôi còn coi Keffers như một loại giám thị, nhưng ông ta hoàn toàn không phải. Khi ta lại gần chào lúc ông ta lái xe đến, ông ta giương mắt nhìn ta như thể ta là kẻ điên. Nhưng đây là một điều chúng tôi đã được nghe nói đi nói lại: rằng khi đã rời Hailsham thì sẽ không còn giám thị, nên chúng tôi sẽ phải chăm sóc lẫn nhau. Và nhìn chung, tôi có thể nói rằng Hailsham đã chuẩn bị cho chúng tôi khá kỹ về chuyện đó.
Hầu hết các học sinh mà tôi chơi thân ở Hailsham rốt cuộc đều về Nhà Tranh hồi mùa hè đó. Cynthia E. – cô bé trong Phòng Vẽ lần đó đã bảo tôi là "người kế tục hiển nhiên" của Ruth – thì hẳn tôi sẽ không buồn lắm khi xa nó, nhưng nó cũng đã đến Dorser cùng những người khác trong nhóm nó. Còn Harry, cậu con trai mà tôi suýt nữa đã làm tình, thì nghe nói đã đi Wales. Nhưng toàn bộ hội chúng tôi vẫn ở lại cùng nhau. Mà dẫu có nhớ những bạn khác đi nữa, chúng tôi có thể tự nhủ chẳng có gì ngăn chúng tôi đi thăm họ cả. Dù đã học bao nhiêu tiết địa lý có bản đồ với cô Emily, hồi đó chúng tôi vẫn chẳng thực sự có ý niệm gì về khoảng cách hay việc đến thăm một nơi nào đó dễ hay khó. Chúng tôi thường nói với nhau rằng khi cần sẽ quá giang xe các cựu binh khi họ đi đâu đó, nếu không thì khi đến tuổi chúng tôi sẽ tự học lái xe, chừng đó hễ muốn là có thể đi thăm bạn bè bất cứ lúc nào.
Dĩ nhiên thì trên thực tế, đặc biệt là trong những tháng đầu, chúng tôi chẳng mấy khi ra khỏi ranh giới Nhà Tranh. Thậm chí chúng tôi còn không dạo chơi vùng nông thôn quanh đó, cũng chẳng hề lân la tới làng bên cạnh. Chắc không phải vì chúng tôi sợ sệt gì. Tất cả chúng tôi đều biết sẽ chẳng ai ngăn nếu chúng tôi ra ngoài chơi, miễn chúng tôi quay về trong ngày và về đúng giờ đã ghi vào sổ của Kefflers. Mùa hè khi về đó, chúng tôi thường xuyên thấy các cựu binh gói ghém hành lý, ba lô rồi đi đâu đó mỗi lần khoảng hai ba ngày, với cái vẻ mà với chúng tôi dường như là thờ ơ đáng sợ. Chúng tôi thường sững người quan sát họ, tự hỏi liệu đến hè sang năm chúng tôi có sẽ làm đúng vậy không. Dĩ nhiên là có, nhưng vào những ngày đầu thì điều đó với chúng tôi có vẻ như không thể xảy ra. Bạn cần phải nhớ rằng mãi đến khi đó chúng tôi chưa hề ra khỏi địa phận Hailsham, nên chúng tôi thực sự hoang mang. Nếu bạn bảo tôi rằng trong vòng một năm tôi sẽ không chỉ đâm ra có thói quen đi dạo một mình thật xa mà còn bắt đầu học lái xe nữa, tôi sẽ nghĩ rằng bạn điên rồi.
o O o
Ngay cả Ruth cũng có vẻ e dè vào cái ngày rợp nắng khi chiếc xe buýt nhỏ thả chúng tôi xuống trước ngôi nhà nông trại, sau đó đánh vòng quanh cái ao nhỏ rồi biến mất trên triền dốc. Chúng tôi thấy những ngọn đồi đằng xa, làm chúng tôi nhớ lại những ngọn đồi xa xa ở Hailsham, nhưng các ngọn đồi này chúng tôi thấy có vẻ vặn vẹo kỳ quặc sao đó, như khi ta vẽ chân dung một người bạn, vẽ gần như đúng song không giống hẳn, và bộ mặt trên tờ giấy làm ta thấy ghê ghê. Nhưng ít nhất khi đó đang hè, không phải như Nhà Tranh vào mấy tháng sau, khi những vũng nước nhỏ đều đóng băng và mặt đất gồ ghề giá buốt thấu xương. Nơi này trông đẹp và ấm cúng, cỏ mọc um tùm khắp – một điều mới mẻ đối với chúng tôi. Chúng tôi tám đứa túm tụm vào nhau, nhìn Kefflers ra ra vào vào ngôi nhà chính, chờ ông ta bắt chuyện với chúng tôi bất cứ lúc nào. Nhưng ông ta không nói gì với chúng tôi, và tất cả những gì chúng tôi nghe được là tiếng lẩm bẩm bực tức đến kỳ cục của những học sinh đã sống ở đó từ trước. Có một lúc khi ra lấy cái gì đó ngoài xe, ông ta chỉ liếc nhìn chúng tôi với vẻ rầu rầu rồi quay lại ngôi nhà chính, đóng cửa lại sau lưng.
Tuy nhiên, chẳng mấy chốc sau các cựu binh, nãy giờ đã khoái chí quan sát bọn chúng tôi trong tình cảnh thật đáng thương – đến hè năm sau chúng tôi cũng sẽ làm y như vậy – liền bước ra nắm tay chúng tôi. Thực ra, nay hồi tưởng lại, tôi thấy họ đã cố gắng hết sức để giúp chúng tôi ổn định nơi ở mới. Dù vậy đi nữa, những tuần đầu đó vẫn thật kỳ lạ, và chúng tôi lấy làm mừng vẫn được ở bên nhau. Chúng tôi đi đâu cũng cùng nhau và hầu như suốt ngày chỉ đứng tần ngần bên ngoài ngôi nhà chính, chẳng biết làm gì khác.
Thật buồn cười khi giờ đây nhớ lại cái dạo ban đầu ấy, bởi mỗi khi nghĩ về hai năm ở Nhà Tranh, cái buổi đầu đầy sợ sệt, hoang mang ấy dường như chẳng ăn nhập gì với những gì đã diễn ra suốt thời gian sau đó. Nếu có ai nhắc tới Nhà Tranh bây giờ, tôi sẽ nghĩ đến những ngày vô tư lự cứ lang thang vơ vẩn hết phòng người này đến phòng kẻ nọ, cái kiểu lờ đờ uể oải khi buổi chiều chuyển dần thành tối rồi chuyển sang đêm. Tôi nghĩ đến những chồng sách cũ bìa mềm của mình, những trang sách xộc xệch như thể chúng từng thuộc về biển vậy. Tôi nghĩ đến cái cách mình đọc những cuốn sách đó, nằm ngửa trên bãi cỏ vào những buổi chiều ấm áp, tóc tôi – hồi ấy còn để dài – cứ luôn xõa xuống che mất tầm nhìn. Tôi nghĩ đến những buổi sáng thức dậy trong phòng mình trên tầng thượng Nhà kho Đen, nghe tiếng các học sinh ở ngoài sân đang cãi nhau về thơ hay triết học; hay những mùa đông dằng dặc, những bữa điểm tâm trong gian bếp ngùn ngụt hơi nước; những cuộc tranh cãi lan man quanh bàn ăn về Kafka hoặc Picasso. Bữa ăn sáng bao giờ cũng vậy; chẳng bao giờ bàn chuyện ai ngủ với ai đêm trước hay vì sao Larry và Helen không nói chuyện với nhau nữa.
Nhưng một lần nữa, mỗi khi nghĩ về chuyện ấy, tôi lại cảm thấy, rốt cuộc, cái bức tranh chúng tôi hồi những ngày đầu, đứng túm tụm vào nhau trước ngôi nhà chính, cũng không đến nỗi chẳng ăn nhập vào đâu như vậy. Bởi vì có lẽ, theo cách nào đó, chúng tôi không hẳn đã bỏ hình ảnh ấy lại phía sau như đã từng nghĩ tới. Bởi, đâu đó sâu bên dưới, một phần của chúng tôi vẫn cứ như vậy: e sợ cái thế giới quanh mình, và – dẫu vì điều đó mà chúng tôi khinh miệt chính mình đến đâu – chúng tôi vẫn không hoàn toàn có thể xa nhau.
o O o
Các cựu chiến binh, dĩ nhiên là chẳng biết gì về chuyện giữa Tommy và Ruth, cư xử với họ như thể đó là một cặp đã kết từ lâu, và điều đó dường như làm Ruth hết sức vui lòng. Trong những tuần đầu sau khi chúng tôi đến, cô phóng đại chuyện ấy lên, đi đâu cũng quàng tay ôm Tommy, đôi khi còn hôn hít cậu ấy trong góc phòng khi xung quanh vẫn có người. Ừ thì cái kiểu đó ở Hailsham không sao, nhưng ở Nhà Tranh thì trông thật non nớt. Các cặp cựu binh chẳng bao giờ tỏ vẻ trước mặt thiên hạ mà luôn luôn tế nhị, phải lẽ, như cặp bố mẹ trong một gia đình bình thường vậy.
Nhân thể, có một điều tôi nhận thấy ở các cặp cựu binh tại Nhà Tranh – một điều mà Ruth dù chú ý tìm hiểu đến đâu cũng đã bỏ qua không thấy –, là rất nhiều cung cách của bọn họ được sao chép nguyên xi từ truyền hình. Tôi hiểu ra điều đó lần đầu tiên khi quan sát cặp Susie và Greg – có lẽ là những học sinh lớn tuổi nhất ở Nhà Tranh và thường được cho là "phụ trách" nơi này. Có một điều đặc biệt mà Susie luôn làm mỗi khi Greg lại bắt đầu thao thao về Proust hay gì đó: cô ấy sẽ mỉm cười với tất cả chúng tôi, đảo tròn mắt và nói rành rọt từng chữ một nhưng chỉ vừa đủ nghe: "Lạy Trúa tôi!" 1 Truyền hình ở Hailsham khá hạn chế, ở Nhà Tranh cũng vậy, mặc dù chẳng có gì ngăn cản chúng tôi xem suốt ngày song không ai thực sự mê truyền hình lắm. Tuy nhiên có một chiếc máy thu hình cũ trong ngôi nhà chính và một chiếc khác ở Nhà kho Đen nên thỉnh thoảng tôi cũng xem. Chính vì vậy tôi mới nhận ra, cái câu "Lạy Trúa tôi!" kia là trong một bộ phim truyền hình nhiều tập của Mỹ, một trong những bộ phim mà hễ ai đó nói hoặc làm gì là lại có tiếng khán giả cười rộ lên. Có một nhân vật – một bà to béo sống ở nhà kế bên các nhân vật chính – làm đúng như Susie làm, chẳng hạn mỗi khi chồng bà ta bắt đầu cất giọng hùng hồn, khán giả sẽ đợi bà ta đảo mắt mà nói "Lạy Trúa tôi!" để lại phá lên cười sặc sụa. Khi đã phát hiện ra điều đó, tôi bắt đấu lưu ý đủ thứ khác mà các cặp cựu binh học từ các chương trình truyền hình: cái kiểu họ ra hiệu cho nhau, ngồi bên nhau trên ghế sofa, kể cả cái lối cãi nhau rồi đùng đùng ra khỏi phòng.
Dù thế nào đi nữa, điều tôi muốn nói là chẳng bao lâu Ruth đã nhận ra rằng cái kiểu cặp kè với Tommy như thế là hoàn toàn không hợp đối với Nhà Tranh, thế là cô bắt đầu thay đổi cách xử sự trước mặt người khác. Và đặc biệt có một động tác mà Ruth nhặt được từ các cựu binh. Hồi còn ở Hailsham, nếu một cặp rời khỏi nhau, dù chỉ trong vài phút, đó là cái cớ để ôm ấp và hôn hít mùi mẫn. Tuy nhiên, ở Nhà Tranh, khi một cặp tạm biệt nhau, họ hầu như chẳng nói lời nào, chẳng màng đến chuyện ôm hay hôn. Thay vì vậy, người ta vỗ vào cánh tay bồ của mình gần chỗ cùi chỏ, nhẹ thôi, bằng mặt lưng mấy khớp ngón ta, kiểu như khi ta muốn lôi kéo sự chú ý của ai đó vậy. Thường thì con gái làm vậy với con trai, ngay khi hai người rời nhau ra. Cái tục này đến mùa đông thì không còn thịnh nữa, nhưng khi chúng tôi vừa đến thì nó đang là mốt và chẳng bao lâu Ruth cũng làm vậy với Tommy. Xin lưu ý bạn rằng đầu tiên Tommy chẳng hiểu chuyện gì, nên thường quay ngoắt lại nhìn Ruth mà hỏi: "Gì vậy?", khiến Ruth phải trừng mắt giận dữ nhìn cậu, như thể họ đang diễn một vở kịch mà cậu lại quên mất lời. Chắc là rốt cuộc cô cũng nói một câu với cậu, bởi chỉ sau một tuần hay gì đó là họ đã làm được khá chuẩn, ít nhiều giống hệt như các cặp cựu binh.
Thật ra tôi không tận mắt thấy người ta vồ vào cùi chỏ nhau như vậy trên truyền hình, nhưng tôi tin khá chắc rằng ý tưởng này từ đó mà ra, và cũng tin khá chắc rằng Ruth không nhận ra điều đó. Vậy nên chiều hôm ấy, khi tôi đang đọc Daniel Deronda trên bãi cỏ và Ruth đang chọc tức tôi, tôi quyết định rằng đã đến lúc có người chỉ điều đó cho cô ấy thấy.
o O o
Gần như đã sang thu, trời bắt đầu trở lạnh. Các cựu binh ở trong nhà nhiều hơn, nói chung là quay lại cái nếp họ từng có từ trước mùa hè. Song những ai đến từ Hailsham như chúng tôi thì vẫn ngồi ngoài trời trên bãi cỏ chưa cắt, bởi muốn kéo dài càng lâu càng tốt cái nếp duy nhất mà chúng tôi đã quen. Dẫu vậy, riêng buổi chiều hôm đó, có lẽ ba, bốn người khác ngoài tôi đang đọc sách ngoài vườn, và bởi tôi đi tìm một góc yên tĩnh cho riêng mình nên tôi khá tin chắc rằng những gì xảy ra giữa tôi và Ruth không bị ai nghe trộm.
Tôi đang nằm trên một tấm vải dầu cũ đọc cuốn sách Daniel Deronda, thì Ruth đi thơ thẩn ngang qua và ngồi xuống cạnh tôi. Cô nhìn bìa cuốn sách rồi gật đầu một mình. Thế rồi chừng một phút sau, đúng như tôi đã nghĩ, cô bắt đầu kể sơ qua cho tôi cốt truyện của Daniel Deronda. Cho tới lúc đó tâm trạng của tôi vẫn hoàn toàn thoải mái và tôi rất vui khi gặp Ruth, nhưng giờ thì tôi đâm bực. Cô đã làm thế với tôi đôi lần trước đây rồi, và tôi cũng thấy cô làm vậy với những người khác nữa. Một lý do là cái cung cách của cô: một cung cách vừa dửng dưng vừa thành thật, như thể cô chờ đợi người ta thực sự biết ơn sự trợ giúp của cô vậy. Phải đấy, ngay từ hồi đó tôi đã lờ mờ biết cái gì ẩn đằng sau cung cách kia. Trong những tháng đầu tiên ấy, bằng cách nào đó ở chúng tôi đã hình thành cái ý nghĩ rằng việc chúng tôi hòa nhập tốt hay không ở Nhà Tranh – chúng tôi sao chép giỏi đến đâu – phần nào phản ánh ở việc chúng tôi đọc đã bao nhiêu sách. Nghe thì lạ, nhưng đúng vậy, đó chỉ lá ý nghĩ hình thành giữa chúng tôi, những người từ Hailsham đến mà thôi. Cái ý nghĩ đó được chúng tôi duy trì trong trạng thái mơ hồ – trên thực tế, nó khá giống cái kiểu chúng tôi nói về sex khi còn ở Hailsham. Ta có thể đi đâu cũng nói năng như thể ta đã đọc đủ thứ trên đời, gật đầu tỏ vẻ hiểu biết khi ai đó nhắc Chiến tranh và hòa bình chẳng hạn, và mọi người đều hiểu, sẽ chẳng ai hỏi vặn một cách quá ư lý trí xem có thật ta đọc nhiều như ta nói hay không. Bạn cần nhớ rằng bởi chúng tôi đã không ngừng gắn bó với nhau từ khi đặt chân đến Nhà Tranh nên không thể có chuyện ai đó trong chúng tôi đã đọc hết Chiến tranh và hòa bình mà những người còn lại không nhận thấy. Nhưng, cũng như đề tài sex ở Hailsham, có một thứ thỏa thuận ngầm rằng chuyện chúng tôi chui vào đâu để đọc thứ này hay thứ nọ thì được phép nằm trong vùng bí ẩn.
Như tôi nói, đó là một trò chơi nhỏ mà tất cả chúng tôi đều thích ở mức độ nào đó. Nhưng dù vậy đi nữa, chính Ruth là người đẩy trò đó đi xa hơn bất cứ ai. Cô chính là người luôn luôn giả vờ đã đọc hết bất cứ cái gì mà tình cờ ai đó đang đọc; cô cũng chính là người duy nhất có kiểu nghĩ rằng cách phô bày sự đọc hơn người của mình là đi đâu cũng kể với mọi người về cốt truyện những cuốn tiểu thuyết mà người ta đang đọc. Chính vì vậy mà khi cô bắt đầu kể về Daniel Deronda, mặc dù tôi cũng chẳng hứng thú với cuốn này lắm, tôi vẫn gấp sách lại, ngồi dậy nói độp thẳng với cô:
"Ruth, mình có cái này muốn hỏi cậu. Tại sao cậu luôn luôn đập vào tay Tommy như thế mỗi khi các cậu chào tạm biệt nhau? Cậu biết ý mình là sao rồi đấy."
Dĩ nhiên là cô chối mình không làm vậy, nên tôi liền kiên nhẫn giải thích xem tôi đang nói tới chuyện gì. Ruth nghe tôi nói hết rồi nhún vai.
"Mình chả nhận ra là mình làm vậy. Chắc là mình nhặt được từ đâu đó thôi."
Giá như vài tháng trước thì tôi đã cho qua – mà cũng có thể trước hết là tôi đã không nêu chuyện này ra nữa kia. Nhưng chiều hôm đó tôi cứ khăng khăng làm tới, giải thích cho cô rằng cung cách ấy là lấy từ một bộ phim truyền hình nhiều tập. "Cái đó thì đâu có đáng để bắt chước," tôi bảo cô. "Chắc cậu tưởng ngoài đời thật người ta làm vậy, nhưng sự thực làm gì có."
Ruth, như tôi hiểu, đang giận lắm nhưng chưa biết phản pháo ra sao. Cô ngó đi chỗ khác và lại nhún vai. "Thì đã sao?" cô nói. "Có gì to tát đâu nào. Bọn mình nhiều người cũng làm vậy đấy thôi."
"Thật ra cậu chỉ muốn nói là Chrissie và Rodney làm vậy."
Ngay khi nói vậy tôi nhận ra mình đã phạm sai lầm; rằng cho tới trước khi tôi kể tên hai người kia, tôi đã dồn Ruth vào được chân tường, nhưng giờ thì cô thoát khỏi đó rồi. Cũng như khi ta đi một bước cờ và ngay khi nhấc tay ra khỏi quân cờ, ta nhận ra sai lầm mình đã mắc, và cảm thấy hoảng hốt vì vẫn còn chưa biết tầm cỡ cái tai họa mà ta đã tự khiến mình lâm vào. Còn ngờ gì nữa, tôi thấy một tia sáng lóe lên trong mắt Ruth, và khi lại lên tiếng, giọng đã hoàn toàn khác.
"Ra là vậy, cô Kathy bé bỏng tội nghiệp giày vò khổ sở là vì thế. Ruth không chú ý đầy đủ đến bé. Ruth có bạn mới rồi, bạn oách rồi, còn cô giữ trẻ thì chẳng hay chơi với bé…"
"Thôi đi. Dù sao thì đó cũng không phải cái kiểu trong gia đình ngoài đời thực. Cậu chẳng biết gì về chuyện đó đâu."
"Ôi Kathy, chuyên gia cự phách về các gia đình ngoài đời thực. Xin lỗi, xin lỗi! Nhưng chuyện là như vậy, phải không nào? Cậu vẫn cứ nghĩ theo kiểu đó. Cái đám Hailsham chúng mình cứ phải dính chùm nhau, co cụm vào cho chặt, không bao giờ được phép kết bạn mới."
"Mình chả bao giờ nói thế. Mình chỉ nói về Chrissie và Rodney thôi. Họ làm gì cậu cũng bắt chước theo, trông ngốc lắm."
"Nhưng mình nói đúng phải không?" Ruth vẫn không thôi. "Cậu bức xúc là vì mình xoay xở tìm cách tiến lên, tìm bạn mới. Một vài cựu binh khó mà nhớ nổi tên cậu, nhưng ai trách họ được nào? Cậu có bao giờ nói chuyện với ai đâu, trừ phi cùng là dân Hailsham. Nhưng cậu không thể đòi mình cứ nắm tay cậu hoài hoài được. Chúng mình ở đậy đã gần hai tháng rồi còn gì."
Tôi không cắn câu, mà nói: "Đừng có bận tâm đến mình, đừng có bận tâm đến Hailsham. Cậu ấy mà, cậu cứ để mặc Tommy trong lúc khó khăn. Mình có quan sát cậu, cậu đã làm thế mấy lần chỉ trong tuần này. Cậu để mặc Tommy khi cậu ấy lâm vào thế bí, trông cứ như một món phụ tùng thay thế vậy. Thế là không công bằng. Cậu và Tommy phải thành một cặp. Nghĩa là cậu phải chăm sóc cậu ấy chu đáo."
"Đúng lắm, Kathy, chúng mình là một cặp, như cậu nói. Và nếu cần có cậu xen vào thì mình sẽ bảo cậu. Chúng mình đã nói về chuyện đó, và chúng mình thỏa thuận rồi. Nếu đôi khi cậu ấy không muốn làm thế này thé nọ như Chrissie và Rodney, thì tùy cậu ấy. Mình sẽ không bắt cậu ấy làm bất cứ điều gì cậu ấy chưa sẵn sàng làm. Nhưng chúng mình thỏa thuận rồi, cậu ấy sẽ không ngăn mình. Dù sao thì cậu quan tâm cũng tốt." Rồi Ruth nói thêm, bằng một giọng khác hẳn: "Thử nghĩ mà xem, mình cho rằng thật ra cậu không đến nỗi lâu kết bạn đến thế, ít nhất là với vài người trong đám cựu binh."
Cô nhìn tôi chăm chú, rồi bật cười, như muốn nói: "Chúng ta vẫn là bạn phải không?" Nhưng tôi chẳng thấy có gì đáng cười trong câu nhận xét sau cùng của cô. Tôi chỉ nhặt sách lên rồi bỏ đi không nói một lời.
Chú thích
1.Nguyên văn: "Gawd hepl us." "Gawd" là một từ lóng, đọc trại từ chữ "God" (Thượng đế), dùng với ý mỉa mai hoặc nhại giọng kẻ quê mùa – ND.
Mãi Đừng Xa Tôi Mãi Đừng Xa Tôi - Kazuo Ishiguro Mãi Đừng Xa Tôi