Thất bại lớn nhất là thất bại trong việc cố gắng.

William A. Ward

 
 
 
 
 
Tác giả: Kazuo Ishiguro
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5930 / 605
Cập nhật: 2016-05-05 19:46:01 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
ôi không chắc cái vụ "cận vệ mật" ấy kéo dài trong bao lâu. Khi chúng tôi nói lại chuyện đó trong thời gian tôi chăm sóc Ruth tại trung tâm Dover, cô ấy bảo vụ đó chỉ kéo dài khoảng hai ba tuần thôi, nhưng hầu như chắc chắn không phải vậy. Có lẽ cô hơi bối rối về chuyện ấy nên toàn bộ câu chuyện đã rút ngắn lại trong ký ức của cô. Tôi thì đoán rằng vụ đó kéo dài trong khoảng chín tháng, có khi một năm không chừng – khoảng thời gian chúng tôi bảy tuổi và sắp lên tám.
Tôi chẳng bao giờ biết chắc có thật Ruth là người phát minh ra vụ cận vệ mật, nhưng nhất định cô là thủ lĩnh. Bọn chúng tôi gồm từ sáu đến mười đứa, mỗi khi Ruth cho phép một thành viên mới nhập hội hoặc khai trừ ai đó thì con số này lại thay đổi. Chúng tôi tin rằng cô Geraldine là giám thị tốt nhất ở Hailsham, nên chúng tôi làm những món quà để tặng cô – tôi nhớ ngay đến một tờ giấy to trên đó dán đầy hoa ép. Nhưng lý do chính để hội chúng tôi tồn tại là để bảo vệ cô.
Vào thời điểm tôi nhập hội, từ rất lâu Ruth và những người khác đã biết về âm mưu bắt cóc cô Geraldine. Chúng tôi chẳng bao giờ biết đích xác ai đứng đằng sau vụ đó. Đôi khi chúng tôi nghi ngờ một số đứa con trai các lớp Cao, có lúc thì lại nghi bọn con trai ở chính khóa của chúng tôi. Có một giám thị chúng tôi không ưa lắm – một cô Eileen nào đó – mà có một dạo chúng tôi cho là đầu não của toàn bộ vụ này. Chúng tôi không biết vụ bắt cóc khi nào sẽ xảy ra, nhưng có một điều chúng tôi tin chắc, đó là khu rừng sẽ có vai trò trong cái mưu đồ ấy.
Rừng ở đây là khu rừng trên đỉnh ngọn đồi ngay sau ngôi nhà chính của Hailsham. Thật ra chúng tôi chỉ nhìn thấy một dải cay tối sẫm, nhưng nhất định hồi ở tuổi đó tôi không phải là người duy nhất cảm thấy sự hiện diện của nó dù ngày hay đêm. Mỗi khi xấu trời, khu rừng như hắt bóng trùm lên toàn bộ Hailsham; chỉ cần quay đầu hoặc đi lại phía cửa sổ là ta lại thấy nó lù lù đằng xa. An toàn nhất là ở phần trước ngôi nhà chính, bởi nhìn từ cửa sổ nào ra cũng không thấy khu rừng. Nhưng dù có vậy đi nữa, ta cũng chẳng bao giờ rũ bỏ được nó.
Có đủ thứ chuyện kinh khủng về khu rừng đó. Có lần, không lâu trước khi bọn chúng tôi đến Hailsham, một đứa con trai cãi nhau om sòm với bạn rồi bỏ chạy ra ngoài ranh giới của Hailsham. Hai ngày sau người ta phát hiện ra xác nó trên khu rừng nọ, bị trói chặt vào một thân cây, bàn tay và bàn chân bị chặt hết cả. Một lời đồn khác thì bảo có một bóng ma con gái lang thang qua những ngọn cây kia. Hồn ma đó vốn là học sinh ở Hailsham, một ngày nọ cô ta trèo qua hàng rào chỉ vì muốn xem ngoài kia thế nào. Chuyện đó xảy ra rất lâu trước khóa chúng tôi, hồi các giám thị còn nghiêm khắc hơn nhiều, thậm chí là tàn ác, thành thử khi cô ta muốn quay trở vào thì người ta không cho. Cô ta cứ lẵng nhẵng bên ngoài hàng rào, vật nài người ta cho vào lại, nhưng chẳng ai cho. Cuối cùng cô ta bỏ đi đâu đó, chuyện gì đó xảy ra và cô ta chết. Nhưng bóng ma cô ta vẫn luôn luôn lẩn quất trong rừng, nhìn đau đáu về Hailsham, mỏi mòn khao khát được vào trở lại.
Các giám thị luôn mồm nhắc đi nhắc lại rằng mấy câu chuyện đó thảy đều tầm phào. Nhưng các học sinh lớp lớn thị lại bảo rằng hồi nhỏ chính họ đã được nghe các giám thị kể như thế, và chúng tôi nên được biết sớm về cái sự thật khủng khiếp, như họ vậy.
Khu rừng kích thích trí tưởng tượng của chúng tôi nhiều hơn cả về ban đêm, khi ở trong phòng cả bọn đang cố ngủ thiếp đi. Ta hầu như có thể nghĩ mình nghe thấy tiếng gió rung xào xạc những cành cây, và nói ra điều đó thì chỉ tổ khiến mọi chuyện thêm tồi tệ. Tôi nhớ có một đêm, khi chúng tôi nổi đóa với Marge K. – con bé đã làm một việc gì đó khiến cả bọn bực mình suốt cả ngày – nên quyết định phạt nó bằng cách lôi nó ra khỏi giường, bắt nó phải quay mặt về phía cửa sộ và lệnh cho nó phải nhìn lên khu rừng. Đầu tiên con bé nhắm tịt mắt lại, nhưng chúng tôi vặn tay nó và cậy mi mắt nó ra cho tới khi nó nhìn thấy đường viền khu rừng xa xa, nổi bật trên nền trời sáng ánh trăng, chừng đó là đủ để nó khóc thút thít suốt đêm và khiếp đảm.
Tôi không nói rằng hồi tuổi đó chúng tôi cứ suốt ngày lo ngay ngáy về chuyện khu rừng. Chẳng hạn như tôi có khi hàng mấy tuần liền hầu như chẳng có lúc nào nghĩ tới nó, thậm chí có những hôm, một cơn can đảm đầy táo tợn còn khiến tôi nghĩ: "Làm sao chúng mình lại đi tin những điều vớ vẩn như thế được?" Nhưng rồi chỉ cần một chuyện nhỏ thôi – ai đó kể lại một trong những câu chuyện kia, một đoạn văn sởn da gà trong sách, thậm chí ai đó tình cờ nhắc ta nhớ lại khu rừng – là lại bắt đầu một thời kỳ mới chúng tôi bị cái bóng ma đó ám ảnh. Chẳng có gì lạ khi chúng tôi cho rằng khu rừng sẽ đóng vai trò trọng yếu trong âm mưu bắt cóc cô Geraldine.
Tuy nhiên, cụ thể thì tôi lại không nhớ chúng tôi đã có những bước thực tế nào để bảo vệ cô Geraldine hay không; hoạt động của chúng tôi luôn chỉ xoay quanh việc thu thập ngày càng nhiều bằng chứng về chính cái âm mưu nọ. Vì lý do gì đó, chúng tôi lấy làm hài lòng rằng việc đó sẽ ngăn không cho mối nguy nào sớm xảy ra.
Hầu hết "bằng chứng" của chúng tôi xuất phát từ việc chứng kiến những kẻ chủ mưu đang bày mưu tính kế. Chẳng hạn, một buổi sáng nọ chúng tôi ngồi ở một phòng học trên lầu hai quan sát cô Eileen và thầy Roger trò chuyện với cô Geraldine ở dưới sân. Một lát sau cô Geraldine chào hai người kia rồi đi về phía Vườn Cam, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục quan sát, thì thấy cô Eileen và thầy Roger chụm đầu vào nhau và trao đổi một cách lén lén lút lút, mắt nhìn chăm chăm vào dáng người cô Geraldine đang đi xa dần.
"Thầy Roger," thấy vậy Ruth thở dài, lắc đầu. "Ai mà đoán được rằng thầy cũng dính vào?"
Bằng cách đó chúng tôi lập danh sách những người chúng tôi biết có can dự vào âm mưu đó – các giám thị và học sinh nào mà chúng tôi tuyên bố là kẻ thù không đội trời chung của chúng tôi. Thế nhưng, hẳn bao giờ chúng tôi cũng biết những chuyện hư cấu của mình dựa trên cơ sở chông chênh đến thế nào, bởi chúng tôi luôn tránh đối đầu trực diện. Sau nhiều hồi thảo luận rất ghê, chúng tôi có thể xác định rằng một học sinh nào đó là kẻ chủ mưu, nhưng rồi chúng tôi luôn tìm ra một lý do để không cật vấn nó ngay, mà phải "đợi đến khi chúng ta có toàn bộ bằng chứng" đã. Tương tự, chúng tôi luôn nhất trí rằng không nên để cô Geraldine nghe thấy một chữ nào về những gì chúng tôi phát hiện được, kẻo cô lại lo lắng không đâu.
Sẽ quá dễ nếu cho rằng chính Ruth là người đã duy trì cái trò cận vệ mật này mãi một thời gian dài sau khi chúng tôi đã đủ lớn để thôi không chơi trò đó nữa. Quả vậy, cái vụ bảo vệ này rất quan trọng với cô. Cô biết về âm mưu đó trước tất cả chúng tôi rất lâu, bởi vậy mà cô có quyền lực to lớn; bằng cách nói bóng gió rằng chứng cứ thực sự đã có được từ lâu trước khi những người như tôi nhập hội – rằng có những điều mà cô chưa tiết lộ ngay cả với chúng tôi – cô có thể biện minh rằng mình có quyền quyết định thay cho cả nhóm. Nếu cô đã quyết định phải khai trừ ai đó mà cảm thấy có người phản đối, cô lại nói xa xôi một cách độc địa về những chuyện mà cô "đã biết trước." Không thể nghi ngờ gì, rằng Ruth rất muốn chuyện này tiếp diễn mãi. Nhưng sự thực là, những ai trong chúng tôi đã chơi thân với cô từ nhỏ, mỗi chúng tôi đều góp phần duy trì câu chuyện hoang đường đó, sao cho nó kéo dài càng lâu càng tốt. Những gì xảy ra sau cuộc tranh cãi om sòm về ván cờ chứng minh khá rõ điều tôi vừa nói.
o O o
Tôi vẫn cho rằng Ruth là một chuyên gia có hạng về cờ vua và chắc cô có thể dạy tôi chơi môn đó. Điều ấy chẳng phải điên rồ lắm đâu: mỗi khi chúng tôi đi ngang qua những học sinh lớp trên đang ngồi bên cửa sổ hoặc trên triền cỏ mà cúi mình xuống bàn cờ, Ruth thường dừng lại để quan sát một ván cờ. Và khi chúng tôi lại đi tiếp, cô thường bảo tôi về một vài nước mà cô nhìn ra nhưng cả hai người chơi không thấy. "Ếch ơi là ếch," cô vừa lẩm bẩm vừa lắc đầu. Điều đó càng khiến tôi thêm thích thú, và chẳng bao lâu tôi đâm muốn chính mình cũng được đắm vào những quân cờ sặc sỡ kia. Thế nên khi tôi tìm thấy một bộ cờ ở một buổi Bán hàng và quyết định mua – mặc dù phải mất rất nhiều thẻ đổi hàng –, tôi những mong Ruth sẽ giúp.
Thế nhưng mấy ngày sau, hễ tôi nhắc đến chuyện cờ quạt là cô thở dài, vờ như có việc gì đó rất gấp phải làm. Khi rốt cuộc tôi cản được đường cô vào một buổi chiều mưa và chúng tôi bày bàn cờ ra trong phòng bi-a, cô bắt đầu trình bày cho tôi một trò chơi hao hao giống cờ đam. Theo cô, nét đặc trưng của cờ vua là mọi quân cờ đều di chuyển theo hình chữ L – chắc cô suy ra vậy khi quan sát quân mã – chứ không theo kiểu nhảy ếch như cờ đam. Tôi không tin, và thất vọng lắm, nhưng tôi quyết định không nói gì mà cứ để vậy. Trong khoảng vài phút chúng tôi cứ kiểu ấy mà hạ quân của nhau trên bàn cờ, quân cờ nào khi tấn công cũng đều di chuyển theo hình chữ "L". Trò ấy tiếp diễn cho đến khi tôi cố hạ quân của cô và cô kêu lên rằng nước ấy không tính vì tôi đã chuyển quân của mình đến quân của cô theo một đường quá thẳng.
Đến nước ấy thì tôi đứng dậy, gói ghém bộ cờ lại rồi bỏ đi. Tôi không nói thẳng thừng ra là cô không biết chơi – dù thất vọng nhường nào đi nữa, tôi vẫn biết không nên đi xa đến thế – nhưng việc tôi đùng đùng bỏ đi chắc hẳn đã đủ hùng hồn đối với cô.
Có lẽ một ngày sau đó, tôi bước vào Phòng 20 ở tầng trên cùng của ngôi nhà, ở đó thầy George đang dạy lớp thơ. Tôi không nhớ lúc ấy mình đang cầm sách trong tay, và trong khi tôi tiến về chỗ Ruth và các bạn khác đang trò chuyện, có một mảng nắng chói đổ ngang qua những nắp bàn mà trên đó hội nọ đang ngồi.
Xét theo cái cách hội kia chụm đầu vào nhau, tôi biết rằng chúng đang bàn về chuyện cận vệ mật, và mặc dù, như tôi đã nói, vụ xích mích với Ruth chỉ mới xảy ra hôm trước, nhưng vì lý do nào đó tôi cứ đi thẳng về phía hội kia mà không nghĩ ngợi gì. Chỉ khi đã đứng ngay trước mặt chúng – có lẽ hội nọ đã trao đổi cái nhìn với nhau – thì tôi mới đột nhiên hiểu điều gì sắp sửa xảy ra. Nó cũng giống như cái khoảnh khắc nhỏ hơn một giây trước khi giẫm vào một vũng nước, ta biết rằng nó có đó, nhưng ta chẳng thể làm gì được cả. Tôi cảm thấy bị tổn thương ngay cả trước khi cả bọn im bặt nhìn chằm chằm vào tôi, ngay cả trước khi Ruth nói: "Ồ Kathy, cậu khỏe chứ? Nếu cậu không phiền, chúng mình đang có ít việc cần bàn. Chỉ một phút nữa là xong thôi. Xin lỗi nhá."
Cô chưa nói hết câu thì tôi đã quay lưng lại đi khỏi, tự giận mình sao lại tự dẫn xác vào chuyện này hơn là giận Ruth hay những người khác. Tôi rất đau khổ, chắc chắn vậy, mặc dù tôi không biết mình có thực sự khóc không. Và suốt mấy ngày sau, mỗi khi thấy nhóm cận vệ mật chụm đầu bàn bạc trong một góc hay đi ngang qua cánh đồng, tôi lại cảm thấy máu dồn lên má.
Thế rồi khoảng hai hôm sau cái lần bị hắt hủi ở Phòng 20, tôi đang bước xuống cầu thang ngôi nhà chính thì bắt gặp Moira B. ở ngay sau lưng. Chúng tôi bắt đầu nói chuyện – chẳng về chuyện gì đặc biệt – và cùng nhau ra khỏi ngôi nhà. Chắc hẳn lúc đó là giờ nghỉ ăn trưa bởi trong khi chúng tôi bước vào sân trước, có khoảng hai mươi học sinh đang tha thẩn loanh quanh, tụm năm tụm ba tán gẫu. Mắt tôi lập tức chuyển sang mé cuối sân trước, nơi Ruth và ba đứa khác trong nhóm cận vệ mật đang đứng với nhau, quay lưng về phía tôi, dán mắt về phía Sân chơi phía Nam một cách đầy chủ ý. Tôi đang cố nhìn xem có cái gì mà nhóm kia quan tâm đến vậy, nhưng rồi nhận rằng Moira ở bên cạnh tôi cũng đang quan sát chúng. Thế rồi tôi chợt nhớ ra chỉ mới một tháng trước Moira cũng là một thành viên của nhóm cận vệ mật và đã bị khai trừ. Trong khoảng vài giây sau đó tôi cảm thấy lúng túng ghê gớm vì hai chúng tôi đây giờ lại đứng cạnh nhau, cùng chung nỗi niềm vừa bị hạ nhục, thực sự là nhìn trực diện vào cái thân phận bị chối bỏ của mìn, có thể nói vậy. Có lẽ Moira cũng cảm thấy tương tự như tôi; dù thế nào đi nữa, chính cô là người lên tiếng phá vỡ sự im lặng.
"Cái vụ cận vệ mật này, thật xuẩn quá. Làm sao chuyện như thế mà chúng vẫn cứ tin cơ chứ? Cứ như chúng nó đang còn ở lớp Ấu không bằng."
Ngay cả giờ đây tôi vẫn thấy bối rối bởi sức mạnh dữ dội của cái cảm xúc trào lên trong tôi khi nghe Moira nói thế. Tôi quay lại phía cô, cực kỳ phẫn nộ:
"Cậu thì biết gì về chuyện đó chứ? Cậu chẳng biết quái gì hết, bởi cậu đã đứng ngoài từ lẩu từ lâu rồi. Nếu cậu biết chúng mình đã phát hiện được những gì thì cậu đã chẳng dám ăn nói ngớ ngẩn thế."
"Đừng nói vớ vẩn," Moira chưa bao giờ là kẻ dễ chịu lép về. "Chỉ lại một trò do Ruth bịa ra, thế thôi."
"Thế chính mình đã nghe người ta bàn về chuyện đó thì sao nào? Bàn chuyện bắt cô Geraldine đưa vào rừng bằng chiếc xe tải chở sữa ấy? Làm thế nào chính mình đã nghe được chúng bày mưu tính kế, chẳng liên quan gì đến Ruth hay ai hết cả?"
Moira nhìn tôi, giờ tỏ vẻ phân vân. "Chính cậu nghe được à? Làm thế nào? Khi nào?"
"Mình nghe chúng bàn bạc, rõ như ban ngày ấy, nghe từng chữ một, chúng không biết mình đang ở đó. Dưới chỗ cái ao thì chúng không biết mình có thể nghe được. Giờ thì cậu hiểu cậu biết cái gì rồi chứ?"
Tôi bước chéo qua trước mặt cô, bỏ đi, và khi đang đi ra sân chơi đông người, tôi ngoái lại nhìn hình dáng Ruth và những người khác, họ vẫn đang dán mắt về phía Sân chơi phía Nam. Và tôi nhận ra mình hoàn toàn không giận họ chút nào nữa; chỉ là hết sức bực mình với Moira thôi.
Ngay cả bây giờ, mỗi khi dong xe trên một con đường dài xám xịt và ý nghĩ tôi không hướng vào cái gì đặc biệt, tôi vẫn thường trở đi trở lại với những ký ức đó. Tại sao tôi lại thù địch đến thế với Moira B. hôm đó, trong khi Moira thực ra là một đồng minh hiển nhiên? Có lẽ là vì lúc đó Moira gợi ý rằng cô và tôi hãy cùng nhau vượt qua một ranh giới nào đó, còn tôi thì còn chưa sẵn sàng cho việc ấy. Có lẽ vì tôi cảm thấy rằng bên ngoài cái lằn ranh này có một cái gì đó rắn hơn, tối hơn, mà tôi không mong muốn. Không muốn cho tôi, không muốn cho bất cứ ai trong số chúng tôi.
Nhưng rồi những lúc khác thì tôi lại nghĩ rằng không phải vậy – chuyện ấy liên quan là liên quan đến tôi và Ruth, đến cái kiểu trung thành mà cô đã khơi lên trong tôi ngày đó. Và có lẽ chính vì vậy, dẫu có những lần tôi thực sự muốn, nhưng tôi đã chẳng bao giờ nhắc đến chuyện đó – chuyện xảy ra ngày hôm đó giữa tôi với Moira – trong suốt khoảng thời gian tôi chăm sóc Ruth ở trung tâm điều dưỡng Dover.
o O o
Tất cả những chuyện về cô Geraldine làm tôi nhớ lại một chuyện xảy ra ba năm sau đó, rất lâu sau khi ý tưởng về nhóm cận vệ mật đã nhạt đi rồi.
Lúc bấy giờ chúng tôi đang ở trong Phòng 5 ở tầng trệt mặt sau ngôi nhà, ngồi chờ một tiết học sắp bắt đầu. Phòng 5 là phòng nhỏ nhất, nhất là vào một buổi sáng mùa đông như hôm đó, khi các lò sưởi tản nhiệt lớn được mở phả đầy hơi nước lên cửa sổ, căn phòng trở nên thật là ngột ngạt. Có thể tôi cường điệu, nhưng trong ký ức của tôi, nếu muốn nhét trọn một lớp vào trong phòng đó thì chỉ còn nước học sinh phải chồng lên nhau theo nghĩa đen thôi.
Sáng hôm đó Ruth ngồi trên ghế phía sau một bàn học, tôi thì đang ngồi trên mặt cái bàn đó, thêm hai, ba đứa khác trong nhóm chúng tôi ngồi vắt vẻo lên hoặc tựa vào bàn. Sự thực là, có lẽ đúng lúc tôi đang nép mình để cho ai đó len vào bên cạnh, lần đầu tiên tôi nhìn thấy cái bao đựng bút chì.
Giờ đây, tôi vẫn nhìn thấy nó như thể nó đang ở trước mặt tôi. Nó sáng loáng như một chiếc giày mới đánh xi; toàn thân nó phủ một màu nâu thẫm điểm những chấm tròn màu đỏ. Chiếc khóa ở mép trên có một cái ngù bằng lông để kéo. Tôi suýt nữa đã ngồi lên cái bao đựng bút chì nhưng kịp nhích ra, và Ruth nhanh chóng dẹp nó đi. Nhưng tôi đã nhìn thấy, mà cô cũng chủ ý để cho tôi thấy, và tôi nói:
"Ồ! Cậu kiếm đâu ra vậy? Có phải ở một cuộc Bán hàng không?"
Trong phòng rất ồn, nhưng đám con gái gần bên đều nghe thấy, nên chẳng mấy chốc đã có bốn, năm đứa bọn tôi nhìn chăm chăm cái bao đựng bút chì một cách ngưỡng mộ. Trong khoảng vài giây Ruth chẳng nói gì, chỉ cẩn thận dò xét những khuôn mặt vây quanh. Cuối cùng cô nói một cách đầy dụng ý:
"Cứ nhất trí như vậy đi. Tụi mình hãy nhất trí rằng mình đã mua ở một cuộc Bán hàng." Thế rồi cô cười với chúng tôi một nụ cười ranh mãnh.
Nghe chừng là một câu trả lời khá vô thưởng vô phạt, nhưng thực sự tôi cảm thấy như thể cô vừa đột nhiên đứng dậy đánh tôi, và trong mấy giây sau đó tôi cảm thấy vừa nóng bừng vừa ớn lạnh cùng một lúc. Tôi biết đích xác cô muốn nói gì bằng câu trả lời và nụ cười kia: Ruth đang bảo rằng cái bao đựng bút chì kia là quà của cô Geraldine.
Không thể nhầm lẫn gì về chuyện đó bởi nó đã manh nha từ mấy tuần rồi. Có một nụ cười nào đó, một cái giọng nào đó mà Ruth hay dùng – đôi khi kèm theo một ngón tay đặt lên môi hay một động tác giơ tay ra hiệu nói khẽ thôi theo kiểu phường tuồng – mỗi khi cô muốn nói bóng gió về một dấu hiệu ưu ái nào đó mà cô Geraldine dành cho mình: Cô Geraldine đã cho cô nghe một băng nhạc trong phòng bi-a trước bốn giờ chiều vào một ngày cuối tuần; trước đây cô Geraldine đã ra lệnh khi đi bộ ngoài đồng thì phải giữ im lặng, song khi Ruth đến gần cô thì cô lại nói chuyện với Ruth, sau đó thì cho phép cả bọn còn lại cũng được nói chuyện. Luôn luôn có những chuyện như vậy, chẳng bao giờ nói thẳng ra mà chỉ được ám chỉ xa gần bằng nụ cười và vẻ mặt "đừng nói gì thêm nhé" của Ruth.
Dĩ nhiên, chính thức mà nói thì các giám thị không được tỏ ra đặc biệt ưu ái với ai, nhưng vẫn luôn luôn có những biểu hiện thân ái nho nhỏ trong một giới hạn nào đó, và hầu hết những gì Ruth ám chỉ đều thuộc vào trường hợp này. Thế nhưng tôi vẫn không ưa mỗi khi Ruth nói bóng gió kiểu ấy. Dĩ nhiên tôi chẳng bao giờ biết chắc liệu Ruth có nói thật không, nhưng bởi cô không bao giờ thực sự "nói" ra điều đó mà chỉ nêu bóng gió nên chẳng bao giờ có thể truy Ruth cho ra lẽ cả. Vì vậy mỗi khi chuyện ấy xảy ra, tôi đành cứ để nó qua đi, cắn môi mà hy vọng cái khoảnh khắc đó sẽ qua mau.
Đôi khi, theo hướng diễn tiến của một cuộc trò chuyện mà tôi cảm thấy trước rằng Ruth lại sắp làm như vậy, tôi lại căng mình ra. Song dù vậy đi nữa việc đó vẫn tác động đến tôi với một sức mạnh nào đó, khiến trong vòng vài phút tôi không thể tập trung vào bất cứ điều gì đang diễn ra quanh mình. Nhưng vào buổi sáng mùa đông nọ trong Phòng 5 thì chuyện đó ập vào tôi hoàn toàn bất ngờ. Ngay cả sau khi tôi đã nhìn thấy cái bao đựng bút chì, ý nghĩ rằng một giám thị lại có thể đi tặng một món quà như vậy vượt ngoài mọi giới hạn đến nỗi tôi vẫn hoàn toàn không tin chuyện đó lại xảy ra được. Vì vậy, sau khi Ruth nói xong điều cô nói, tôi đã không thể mặc cho cơn cảm xúc của mình qua đi như mọi lần. Tôi chỉ chằm chằm nhìn cô, không cố công giấu giếm nỗi tức giận. Ruth, có lẽ nhận ra nỗi hiểm nguy, bèn nói nhanh với tôi theo kiểu thì thầm trên sân khấu, thì thầm… mà ai cũng nghe thấy: "Đừng nói gì nhá!" rồi lại mỉm cười. Nhưng tôi không thể cười đáp lại mà cứ nhìn chằm chằm cô. Thế rồi may sao, giám thị đến và tiết học bắt đầu.
Tôi chưa bao giờ thuộc loại trẻ con cứ nghiền ngẫm mãi chuyện này chuyện nọ hết giờ này sang giờ khác. Dạo gần đây thì tôi ít nhiều đâm ra vậy, song đó là do công việc tôi làm và do tôi phải lái xe hàng nhiều tiếng đồng hồ trong im lặng qua những cánh đồng trống vắng kia. Tôi không phải như Laura, kẻ suốt ngày làm trò hề nhưng lại có thể lo nghĩ suốt nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần lễ chỉ vì một điều nhỏ nhặt mà ai đó nói với cô. Nhưng sau buổi sáng nọ ở Phòng 5, tôi như rơi vào trạng thái bị thôi miên. Đang trò chuyện nửa chừng thì tôi lơ đãng nghĩ sang chuyện khác; hàng buổi học trôi qua mà tôi chẳng hề biết chuyện gì đang diễn ra. Tôi nhất quyết rằng lần này không thể bỏ qua cho Ruth được, nhưng suốt một thời gian dài tôi chẳng làm gì có tính xây dựng cả, chỉ quay đi quay lại trong đầu những cảnh tưởng tưởng trong đó tôi vạch trần cô và buộc cô thú nhận mình đã bịa ra tuốt. Thậm chí tôi còn tưởng tượng lờ mờ rằng chính cô Geraldine nghe được chuyện này và xạc Ruth một mẻ ra trò trước mặt mọi người.
Sau nhiều ngày như vậy tôi bắt đầu suy nghĩ một cách có cơ sở hơn. Nếu cái bao đựng bút chì không phải là quà của cô Geraldine thì nó ở đâu ra? Có lẽ Ruth có được từ một học sinh khác, nhưng khả năng đó cũng khó. Nếu nó từng thuộc về ai đó trước đây, dẫu là trước chúng tôi nhiều khóa đi nữa, thì một món đồ oách như vậy ắt không thể không có người để ý. Nếu biết rằng cái bao đựng bút chì đó từng chu du khắp cả Hailsham thì Ruth chắc chắn đã không liều bịa ra như vậy. Hầu như nhất định là cô đã mua được ở một cuộc Bán hàng. Nhưng cả ở đây nữa Ruth vẫn có thể không may ở chỗ có những người khác từng nhìn thấy nó trước khi cô mua. Nhưng nếu – đôi khi cũng xảy ra như vậy, dù không có khả năng cho lắm – cô đã nghe nói rằng đợt Bán hàng sắp tới sẽ có cái bao đựng bút chì và đã đặt mua trước với một lớp trưởng từ khi cuộc Bán hàng chưa được khai trương, thì cô sẽ có thể đường đường tự tin rằng chẳng mấy ai đã nhìn thấy nó.
Tuy nhiên, thật chẳng may cho Ruth, mỗi đợt Bán hàng đều có sổ ghi chép đã bán được món gì, ai mua, ghi lại tất. Tuy các sổ này không dễ gì đụng tới được – sau mỗi cuộc Bán hàng các lớp trưởng đều thu sổ mang về văn phòng cô Emily – nhưng cũng chẳng phải là thứ tối mật. Nếu tôi cứ lảng vảng gần một lớp trưởng trong cuộc Bán hàng lần sau thì liếc qua các trang sổ cũng không khó mấy.
Thế là tôi phác ra một kế hoạch, và hẳn tôi đã cứ trau đi chuốt lại cái kế hoạch đó suốt mấy ngày cho tới khi chợt nhận ra rằng thật ra chẳng cần thiết phải tiến hành tất cả các bước. Miễn là tôi đúng khi nghĩ cái bao đựng bút chì kia được mua ở một cuộc Bán hàng, vậy thì tôi chỉ cần làm mỗi một việc là trò chuyện thẳng thắn thôi.
Chính vì thế Ruth và tôi đã có cuộc trò chuyện với nhau dưới mái hiên. Hôm đó sương mù, mưa bụi. Hình như hai chúng tôi đi bộ từ khu phòng ngủ về phía căn đình tạ, tôi không nhớ. Dù sao đi nữa, trong khi chúng tôi băng qua sân, mưa đột nhiên nặng hạt hơn, và do không gì phải vội nên chúng tôi nấp vào dưới mái hiên nhô ra của ngôi nhà chính, hơi chếch về một bên cửa trước.
Chúng tôi trú mưa ở đó một lát, chốc chốc lại có một học sinh từ trong sương mù nhô ra rồi băng qua cửa vào nhà, nhưng mưa vẫn không ngớt. Càng đứng đó lâu, tôi càng đâm ra căng thẳng bởi nhận ra đây chính là cơ hội mình chờ đợi. Tôi tin chắc rằng Ruth cũng cảm thấy một cái gì đó sắp diễn ra. Rốt cuộc, tôi quyết định nói thẳng, không úp mở.
"Ở buổi Bán hàng hồi thứ ba tuần trước mình có xem qua sổ. Ghi chép lại các thứ ấy mà."
"Sao cậu lại xem sổ?" Ruth hỏi nhanh. "Cậu làm thế để làm gì?"
"Ồ, chả có lý do gì cả. Christopher C. là một trong các lớp trưởng, nên mình chỉ nói chuyện với cậu ấy thôi. Cậu ấy là cậu dễ thương nhất ở lớp Cao, nhất định là thế rồi. Và mình chỉ lật lật mấy trang sổ, chỉ để có gì đó mà làm thôi."
Tôi biết rằng tâm trí Ruth đang căng ra, giờ thì cô đã hiểu đích xác tôi đang nói đến chuyện gì. Nhưng cô nói bình thản: "Sổ ấy thì có gì mà xem, chán ngắt."
"Không, thú vị lắm ấy chứ. Ai mua cái gì, mình biết hết."
Tôi vừa nói vậy vừa đăm đăm nhìn trời mưa. Thế rồi tôi liếc sang Ruth và thật sự bị sốc. Tôi không biết thật ra mình chờ đợi cái gì; dù suốt một tháng qua có tưởng tượng kiểu gì đi nữa tôi cũng không bao giờ hình dung được cái tình huống đó sẽ ra sao khi nó thực sự xảy ra, như lúc này. Giờ thì tôi đã thấy Ruth bối rối đến nhường nào; đầu tiên cô hoàn toàn không biết nói gì, sau đó thì quay đi, mắt rưng rưng sắp khóc. Thế rồi tôi bỗng thấy cách cư xử của mình thật hoàn toàn hỏng bét. Bao nhiêu là nỗ lực, bao nhiêu là dày công tính kế, tất cả chỉ để làm cho người bạn thân nhất của mình phải bẽ mặt. Cứ cho là cô đã bịa tí chút về chuyện cái bao đựng bút chì, thì đã sao? Chẳng phải tất cả chúng tôi suốt ngày chỉ ngong ngóng sao cho một giám thị nào đó vượt qua quy tắc mà làm một điều gì đó đặc biệt với chúng tôi sao? Một cái ôm thật tự nhiên, một lá thư đặc biệt, một món quà? Tất cả những gì Ruth đã làm là đẩy một trong những ước mơ vô hại đó xa thêm một bước, chứ thật ra thậm chí cô đã bao giờ nhắc đích danh cô Geraldine đâu.
Giờ thì tôi thấy khó xử, và lúng túng. Nhưng trong khi chúng tôi cùng đứng đó nhìn màn sương và cơn mưa, tôi không nghĩ ra được cách nào để sửa chữa sự tổn thất mà tôi đã gây ra. Chắc là tôi đã nói câu gì đó rỗng tuếch đại loại như "Thật ra mình cũng có thấy gì nhiều đâu," nhưng cái câu đó lửng lơ một cách ngu xuẩn trong không khí. Thế rồi, sau vài giây im lặng nữa, Ruth bỏ đi dưới trời mưa.
Mãi Đừng Xa Tôi Mãi Đừng Xa Tôi - Kazuo Ishiguro Mãi Đừng Xa Tôi