Sometimes your joy is the source of your smile, but sometimes your smile can be the source of your joy.

Thich Nhat Hanh

 
 
 
 
 
Tác giả: Kazuo Ishiguro
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5930 / 605
Cập nhật: 2016-05-05 19:46:01 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ến cuối năm nay tôi sẽ không làm người chăm sóc nữa, và mặc dù được nhiều thứ từ công việc này, nhưng phải thú nhận rằng tôi sẽ rất mừng nếu có cơ hội được nghỉ ngơi – dừng lại để suy nghĩ và để nhớ. Tôi chắc rằng ít nhất một phần bởi điều này, bởi phải chuẩn bị cho sự thay đổi nhịp điệu, mà tôi cảm thấy thôi thúc cần sắp xếp lại cho thứ tự lớp lang tất cả những ký ức trước đây. Tôi cho rằng điều tôi thật sự muốn là thấu hiểu tất cả những gì đã xảy ra giữa tôi với Tommy và Ruth sau khi chúng tôi trưởng thành và rời khỏi Hailsham. Nhưng giờ đây tôi nhận ra rằng hầu hết những gì xảy ra sau này đều xuất phát từ thời chúng tôi ở Hailsham, chính vì vậy tôi muốn trước hết hãy rà soát lại thật cẩn thận những ký ức xưa đó. Ví như sự tò mò về Madame chẳng hạn. Ở một cấp độ, đó chỉ là trò đùa của mấy đứa trẻ chúng tôi. Nhưng ở một cấp độ khác, như các bạn sẽ thấy, đó chỉ là mốc khởi đầu của một quá trình cứ lớn dần lớn dần theo năm tháng cho đến khi chi phối toàn bộ cuộc sống của chúng tôi.
Sau cái ngày hôm đó, tuy không hẳn một điều cấm kỵ nhưng chúng tôi rất hiếm khi nhắc đến Madame ở trong nhóm. Điều đó chẳng bao lâu đã lan ra ngoài nhóm chúng tôi, lan đến hầu nhu tất cả các học sinh khác cùng khóa. Có thể nói rằng chúng tôi vẫn tò mò về bà ta như vậy nhưng tất cả chúng tôi đều cảm thấy, nếu dò la kỹ hơn về chuyện bà ta làm gì với tác phẩm của chúng tôi, liệu cái Phòng Tranh ấy có thật không, chúng tôi ắt sẽ bước vào một lãnh địa mà chúng tôi chưa sẵn sàng để bước vào.
Tuy nhiên, đề tài Phòng Tranh thỉnh thoảng vẫn rộ lên trong chốc lát, thành thử mấy năm sau, khi Tommy bắt đầu kể cho tôi nghe bên bờ ao về cuộc nói chuyện kỳ lạ của cậu ấy với cô Lucy, tôi cảm thấy có cái gì đó khuấy động ký ức. Chỉ mãi sau đó, khi đã bỏ Tommy ngồi trên tảng đá để vội vã đi về phía cánh đồng cho kịp chúng bạn, tôi mới nhớ ra chuyện đó là gì.
Cô Lucy đã nói điều này trong một buổi học. Chuyện đó tôi nhớ là bởi khi ấy nó đã khiến tôi bối rối, mà cũng bởi đó là một trong những dịp hiếm hoi Phòng Tranh được nhắc tới một cách công nhiên đến vậy trước mặt một giám thị.
Lúc ấy chúng tôi đang dở chừng cái mà về sau chúng tôi gọi là "tranh luận thẻ đổi hàng." Vài năm trước đây Tommy và tôi có thảo luận với nhau về cuộc tranh luận thẻ đổi hàng ấy, nhưng ban đầu chúng tôi không thể nhất trí với nhau về việc chuyện đó đã xảy ra khi nào. Tôi thì bảo hồi đó chúng tôi lên mười tuổi, anh lại cho rằng phải muộn hơn, nhưng cuối cùng anh cũng xoay sang đồng ý với tôi. Tôi thì tin chắc mình nhớ đúng: hồi đó chúng tôi đang học lớp Sơ 4, nghĩa là sau sự cố với Madame ít lâu, nhưng mãi ba năm sau đó thì mới đến cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bên bờ ao.
Cuộc tranh luận thẻ đổi hàng có lẽ là một phần của việc chúng tôi càng lớn thì càng đâm ra thích thu thập sở hữu cái này cái nọ. Đã từ nhiều năm – chắc tôi đã nói rồi – chúng tôi cứ nghĩ có tác phẩm được chọn trưng bày trong phòng bi-a, chưa nói gì đến chuyện được Madame mang đi, đã là thắng lợi ghê gớm rồi. Nhưng đến năm lên mười, chúng tôi bắt đầu có nhiều cảm nghĩ mâu thuẫn hơn về chuyện này. Các cuộc Trao Đổi, nơi chúng tôi dùng những cái thẻ nho nhỏ như một thứ tiền, đã khiến chúng tôi sành sỏi khi định giá những cái mình làm ra. Chúng tôi đâm ra bận tâm với những chiếc áo cổ lọ, với việc trang hoàng giường ngủ của mình, với việc làm cho bàn học của mình đậm cá tính riêng. Và dĩ nhiên, chúng tôi có những "bộ sưu tập" của riêng mình để quan tâm đến.
Tôi không biết ở chỗ các bạn hồi xưa liệu mỗi người đều có "bộ sưu tập" của mình hay không. Mỗi khi gặp những học sinh cũ từ Hailsham ra, sớm muộn gì ta cũng sẽ nhận ra rằng họ cứ mãi luyến tiếc những bộ sưu tập của họ. Dĩ nhiên hồi ấy chúng tôi coi đó là lẽ đương nhiên. Mỗi người chúng tôi đều có một cái rương gỗ trên có ghi tên mình, ta để nó dưới giường mình và cho vào đó những vật mình sở hữu – những thứ ta mua được ở các cuộc Bán hàng hay Trao đổi. Tôi nhớ cũng có một, hai học sinh không mấy quan tâm đến bộ sưu tập của mình, nhưng hầu hết chúng tôi đều hết sức chăm chút nó, đem các thứ của mình ra trưng bày, rồi lại cẩn thận đem những thứ khác cất đi.
Vấn đề ở chỗ, cho đến khi chúng tôi lên mười, ý nghĩ được Madame chọn cái gì đó của mình mang đi là một vinh hạnh lớn đã trở nên xung đột với cảm giác rằng chúng tôi đang đánh mất một món hàng lẽ ra bán được giá cao. Khi tranh luận về thẻ trao đổi, tất cả những điều đó cùng đến trong đầu mỗi chúng tôi.
Chuyện bắt đầu từ khi một nhóm học sinh, chủ yếu là con trai, rì rầm rằng mỗi khi Madame lấy đi cái gì đó thì bù lại chúng tôi nên nhận được thẻ trao đổi. Nhiều học sinh đồng ý, nhưng nhiều người khác bất bình với ý tưởng này. Chúng tôi tranh cãi với nhau hồi lâu, thế rồi một ngày kia Roy J. – lớn hơn chúng tôi một khóa và đã có nhiều thứ được Madame chọn mang đi – quyết định đến gặp cô Emily về chuyện đó.
Cô Emily là giám thị trưởng của chúng tôi, nhiều tuổi hơn các giám thị khác. Người cô không cao lắm, nhưng lối đi dáng đứng của cô, luôn luôn thẳng tắp, đầu ngẩng cao, có cái gì đó khiến ta cứ ngỡ rằng cô cao hơn thế. Cô có mái tóc bạc buộc đằng sau, song những lọn tóc cứ chực buột ra mà đung đưa qua lại quanh cô. Nếu là tôi thì chắc tôi đã phát điên vì mấy lọn tóc đó rồi, nhưng cô Emily chẳng bao giờ để ý, như thể chúng không đáng để cô khinh bỉ nữa. Khi chiều đến, cô là một cảnh tượng khá lạ lùng, với những món tóc lơi lỏng xòa xuống tứ phía mà cô chẳng buồn gạt đi khỏi mặt trong khi nói chuyện với ta bằng cái giọng bình thản và cân nhắc. Chúng tôi thảy đều hơi hãi cô và không nghĩ về cô như thường nghĩ về các giám thị khác. Nhưng chúng tôi xem cô là người công bằng và tôn trọng các quyết định của cô; và ngay cả hồi còn học các lớp Sơ có lẽ chúng tôi đã nhận ra rằng chính sự hiện diện của cô, dù có vẻ dễ sợ đi chăng nữa, vần là cái làm tất cả chúng tôi thấy an toàn đến vậy ở Hailsham.
Phải có chút gan thì mới dám đi gặp cô Emily dù không bị gọi; còn đến gặp cô với cái yêu cầu kiểu như của Roy thì cầm bằng tự sát. Nhưng Roy lại không bị cô đuổi cổ đi một cách kinh khiếp như chúng tôi chờ đợi, và trong mấy ngày sau đó chúng tôi nghe kể rằng các giám thị cũng nói với nhau – thậm chí còn bàn cãi với nhau – về vấn đề thẻ đổi hàng. Cuối cùng người ta thông báo rằng chúng tôi sẽ được phát thẻ đổi hàng, nhưng số lượng không nhiều bởi có một tác phẩm được Madame chọn là "cả một vinh dự lớn." Điều này không thực sự làm hài lòng cả hai phe, nên tranh cãi vẫn tiếp diễn.
Chính trong bối cảnh đó mà Polly T. đã hỏi cô Lucy câu hỏi của nó vào buổi sáng hôm ấy. Chúng tôi đang ở trong thư viện, ngồi quanh chiếc bàn lớn bằng gỗ sồi. Tôi nhớ lúc đó có một thanh củi lớn đang cháy trong lò sưởi, và chúng tôi đang chơi trò đọc kịch có phân vai. Đến một lúc, có một câu trong vở kịch gợi cho Laura thốt lên một câu láu lỉnh về chuyện thẻ đổi hàng, cả bọn chúng tôi đều cười, cả cô Lucy cũng cười theo. Thế rồi cô Lucy bảo rằng, do tất cả mọi người ở Hailsham hầu như chỉ nói toàn chuyện đó, nên chúng ta nên quên cái trò đọc kịch có phân vai mà dùng thời gian còn lại của giờ học để trao đổi ý kiến về vấn đề thẻ đổi hàng. Và chúng tôi đang làm đúng như vậy thì Polly tự dưng hỏi độp một câu: "Cô ơi, rốt cuộc thì tại sao Madame lại mang đồ của chúng em đi vậy?"
Chúng tôi thảy đều im lặng. Cô Lucy ít khi nổi nóng, nhưng hễ khi nào cô nổi nóng là nhất định ta sẽ nhận ra ngay, và trong một thoáng chúng tôi cứ nghĩ Polly thế là tiêu rồi. Nhưng rồi chúng tôi nhận ra cô Lucy không giận, cô chỉ đang đắm chìm trong suy nghĩ. Tôi nhớ mình đã cảm thấy rất căm Polly sao lại ngu ngốc phá vỡ cái luật đã thành văn ấy, nhưng đồng thời lại thấy cực kỳ phấn khích muốn nghe cô Lucy trả lời ra sao. Và rõ ràng không phải chỉ mình tôi có những cảm xúc lẫn lộn ấy: hầu như ai nấy đều hằm hằm nhìn Polly, sau đó lại háo hức quay sang cô Lucy – tôi cho rằng lúc đó cô có phần không công bằng với con bé Polly tội nghiệp. Sau một lát dường như rất lâu, cô Lucy nói:
"Cô chỉ có thể nói với các em một điều là, Madame làm như vậy với lý do tốt. Một lý do rất quan trọng. Nhưng nếu cô giải thích cho các em bây giờ chắc các em không hiểu được đâu. Cô hy vọng một ngày nào đó người ta sẽ giải thích cho các em."
Chúng tôi không nài ép cô. Bầu không khi quanh bàn đã trở nên hết sức gượng gạo, và mặc dù chúng tôi rất tò mò muốn nghe thêm nữa, nhưng hầu như suốt buổi nói chuyện đó chúng tôi chỉ muốn thoát cho nhanh khỏi cái đề tài nguy hiểm này. Thế rồi, khoảnh khắc sau đó tất cả chúng tôi nhẹ cả người khi lại tiếp tục bàn – tuy có phần giả tạo một chút – về chuyện thẻ đổi hàng. Nhưng lời của cô Lucy vẫn làm tôi bối rối và tôi cứ nghĩ đi nghĩ lại về chúng suốt mấy ngày sau. Chính vì vậy chiều hôm đó bên bờ ao, khi Tommy kể với tôi rằng cậu ấy đã nói chuyện với cô Lucy, cô ấy bảo cậu rằng chúng tôi "chưa được dạy đầy đủ" về vài điều gì đó, thì ký ức về cái lần trong thư viện kia – cùng một, hai sự kiện nhỏ khác tương tự – lại bắt đầu khuấy động tâm trí tôi.
o O o
Nhân thể bàn về chủ đề thẻ đổi hàng, tôi chỉ muốn nói một chút về các buổi Bán hàng, chuyện ấy tôi đã nhắc mấy lần rồi. Các cuộc Bán hàng rất quan trọng với chúng tôi bởi nhờ vậy chúng tôi mới có được những thứ ở bên ngoài. Cái áo cổ lọ của Tommy chẳng hạn, cậu ấy cũng mua được từ một buổi Bán hàng. Chính ở đó chúng tôi mới mua được quần áo, đồ chơi, những thứ đặc biệt không phải do một đứa trong bọn chúng tôi làm ra.
Mỗi tháng một lần, một chiếc xe tải to màu trắng lại xuôi con lộ dài mà đến Hailsham, và ta lại sẽ thấy nỗi háo hức rộn ràng khắp trong nhà tới ngoài sân. Cho đến khi xe vào đến sân trong thì đã có cả một đám đông chờ sẵn, chủ yếu là bọn lớp Sơ, bởi khi đã qua tuổi mười hai mười ba thì tỏ ra háo hức quá lộ liễu như vậy cũng không hay lắm. Nhưng sự thực là chúng tôi thảy đều háo hức cả.
Nay ngồi nhớ lại, tôi thấy chúng tôi cứ rối rít lên như thế thật buồn cười làm sao, bởi thường thì các cuộc Bán hàng khiến chúng tôi thất vọng ê chề. Chẳng có món gì khả dĩ tạm gọi là đặc biệt, và chúng tôi dùng thẻ đổi hàng chỉ để đổi những thứ mặc đã sờn hay những món đồ sắp hỏng bằng những thứ chả hơn là mấy. Nhưng tôi cho rằng điều quan trọng là ở chỗ, trước kia ai trong chúng tôi cũng đã từng tìm thấy một cái gì đó ở một buổi Bán hàng, một món gì đó về sau sẽ trở thành rất đặc biệt: một chiếc áo khoác, một cái đồng hồ, một đôi kéo thủ công, chẳng bao giờ dùng tới nhưng chủ nhân vẫn rất tự hào đặt bên giường ngủ. Tất cả chúng tôi đều đã tìm thấy một cái gì như vậy vào một lúc nào đó, cho nên dù có vờ như không phải thế đi nữa, chúng tôi vẫn không rũ được cái cảm xúc hy vọng và háo hức thuở nào.
Thật ra, việc xúm xít bên chiếc xe tải trong khi người ta dỡ hàng còn có một lý do nữa. Việc ta làm – nếu ta là một đứa trong đám học sinh lớp Sơ kia – là cứ lẽo đẽo theo chân hai người đàn ông mặc đồ bảo hộ đang bê những thùng các-tông từ xe vào kho rồi lại ra xe, và luôn mồm hỏi họ có cái gì trong hộp vậy. "Nhiều thứ hay lắm cưng à," họ thường trả lời thế. Rồi nếu ta cứ hỏi gặng: "Có được mùa to không ạ?" thì sớm muộn họ cũng sẽ mỉm cười mà nói: "Ừ, đúng đấy cưng. Được mùa to thật đó," thế là chúng tôi sẽ ồ lên thích thú.
Những chiếc hộp thường được mở ở phía trên, nên liếc vào ta sẽ thấy mọi thứ, và đôi khi, mặc dù chúng tôi không dám mong, những người đàn ông còn cho phép ta nhặt một hai món ra xem kỹ hơn. Chính vì vậy mà cho đến khi cuộc Bán hàng được thực sự tổ chức sau đó khoảng một tuần gì đó thì đã có đủ thứ đồn đại giữa chúng tôi, có thể là về một bộ cánh nào đó, một băng cát-xét nhạc, và nếu có xảy ra rắc rối thì hầu như luôn luôn chỉ vì có mấy đứa đâm ra "kết" cùng một món như nhau.
Những buổi Bán hàng trái ngược hoàn toàn với bầu không khí lặng ngắt của những cuộc Trao đổi. Bán hàng thường được tổ chức trong Phòng Ăn, và luôn đông đúc, ồn ào. Thật ra vui phần lớn là nhờ chính cái sự xô đẩy nhau, í ới gọi nhau, và các buổi Bán hàng thường là vui vẻ dễ chịu. Ngoại trừ, như tôi nói, thỉnh thoảng mọi việc lại vượt ra khỏi tầm kiểm soát, khi các học sinh giành giật, níu kéo nhau, thậm chí đánh nhau. Khi đó thường thường các lớp trưởng sẽ dọa đóng cửa tất, và tất cả bọn tôi sẽ phải nghe cô Lucy thuyết cho một hồi ở cuộc họp toàn thể sáng mai.
Mỗi ngày ở Hailsham đều luôn luôn bắt đầu bằng một cuộc họp toàn thể, thường thì cũng ngắn thôi – dăm cái thông báo, có thể là một học sinh đọc một bài thơ. Cô Emily không mấy khi nói nhiều; cô chỉ ngồi thẳng tắp trên sân khấu, nghe nói gì cũng gật đầu, thỉnh thoảng lại liếc cái nhìn lạnh băng về phía bất cứ tiếng thì thào nào trong đám đông. Nhưng mỗi khi một cuộc Bán hàng có chuyện om sòm là sáng hôm sau mọi chuyện sẽ khác. Cô sẽ bắt chúng tôi ngồi xuống sàn nhà – thường thì trong cuộc họp toàn thể chúng tôi đứng – và sẽ không có thông báo hay đọc thơ đọc thẩn gì hết, chỉ có cô Emily sẽ nói chuyện với chúng tôi hàng hai mươi, ba mươi phút, có khi còn lâu hơn. Cô ít khi lên giọng, nhưng ở cô trong những lúc ấy có cái gì đó đanh thép nên không một ai trong chúng tôi, kể cả học sinh lớp Cao 5 dám ho he gì.
Có một cảm giác thực sự tồi tệ, rằng hình như cả đám bọn tôi đã khiến cô Emily thất vọng, nhưng dù cố đến mấy chúng tôi cũng không thể để tâm lắng nghe đến hết những bài diễn thuyết đó. Một phần là do ngôn ngữ của cô. "Không xứng đáng được hưởng đặc quyền" và "lạm dụng cơ hội" là hai cụm từ thường gặp mà cả Ruth và tôi đều nhớ tới khi hai chúng tôi ngồi trong phòng Ruth ở trung tâm điều dưỡng tại Dover và hồi tưởng chuyện xưa. Ý chung của cô Emily khá rõ: tất cả chúng tôi đều rất đặc biệt, bởi là học sinh Hailsham, thế nên nếu chúng tôi cư xử chẳng ra gì thì càng đáng thất vọng hơn. Tuy nhiên, ngoài cái đó ra thì mọi chuyện trở nên mù mờ. Đôi khi cô đang nói thao thao bất tuyệt thì tự dưng ngừng lại mà nói gì đó đại loại như: "Cái gì vậy? Nó là cái gì vậy? Cái gì mà có thể ngáng trở chúng ta?" Thế rồi cô đứng đó, nhắm mắt, mặt cau lại như thể đang cố tìm câu trả lời. Và dù chúng tôi cảm thấy bối rối khó xử, chúng tôi vẫn ngồi đó mong cô phát hiện ra trong đầu cô bất cứ cái gì cần phát hiện. Cô có thể sẽ trở lại bình thường với một nụ cười dịu dàng – dấu hiệu cho biết rằng chúng tôi sắp được tha – nhưng cũng hoàn toàn có thể đang im lặng thì cô sẽ bùng lên với một câu như: "Nhưng sẽ không ai bắt ép tôi được! Ồ không! Cả Hailsham cũng vậy, không ai ép buộc Hailsham được!"
Mỗi khi nhớ lại những thuyết giáo lê thê đó, Ruth đều nhận xét rằng nhiều khi chúng tối như hũ nút thế thì cũng lạ thật, bởi cô Emily mỗi khi đứng lớp đều nói năng rõ ràng đến không thể rõ hơn. Khi tôi kể rằng đôi khi tôi mơ thấy cô giám thị trưởng đi lang thang quanh Hailsham mà tự nói một mình, Ruth tỏ ra khó chịu, liền nói:
"Cô ấy không bao giờ như thế cả! Làm sao Hailsham có thể như vậy được nếu như người phụ trách cao nhất lại ấm đầu? Trí tuệ của cô Emily, thậm chí cậu có thể dùng mà bửa củi được ấy chứ!"
Tôi không cãi. Nhất định là cô Emily hẳn phải sắc sảo nhạy bén đến kỳ lạ. Tỉ như, nếu ta đang ở tại một nơi trong ngôi nhà chính hoặc ngoài sân mà đáng lẽ mình không được đến thì bỗng thấy một giám thị đang lại gần, thường là ta có thể nấp vào đâu đó. Hailsham có lắm nơi để nấp, cả trong nhà lẫn ngoài sân: nào tủ, nào hốc, nào bụi, nào rào. Nhưng nếu đã thấy cô Emily đang tới, ta sẽ nản ngay bởi vì cô luôn biết ta đang nấp ở đó. Cứ như cô có giác quan thứ sáu vậy. Ta có thể chui vào tủ, đóng cửa kín mít rồi đứng im không dám cục cựa một ngón tay, nhưng rồi y như rằng tiếng bước chân cô Emily sẽ dừng lại bên ngoài tủ và tiếng cô sẽ cất lên: "Được ròi. Chui ra đi."
Chuyện như vậy có lần từng xảy ra với Sylvie C. ở một chiếu nghỉ cầu thang tầng hai, và vào đúng một trong những dịp cô Emily nổi trận lôi đình. Cô không bao giờ quát tháo với ta, chẳng hạn như cô Lucy khi lên cơn thịnh nộ, nhưng hễ cô Emily đã nổi giận thì dễ sợ hơn. Mắt cô nheo lại và cô thì thầm một cách phẫn nộ với chính mình như thể cô đang thảo luận với một đồng nghiệp vô hình xem hình phạt nào là đủ kinh khủng với ta. Cái kiểu cô làm vậy khiến cho ta nửa rất muốn nghe thủng cô nói gì nhưng nửa lại hoàn toàn không muốn. Nhưng với cô Emily thì thường không có chuyện gì kinh khủng xảy ra sau đó cả. Cô hiếm khi phạt cấm túc đối với ta, bắt ta làm những việc lặt vặt hay tước bỏ một số quyền. Nhưng đồng thời ta lại cảm thấy khiếp sợ, biết mình không còn được cô coi trọng nữa, và ta những muốn ngay lập tức làm điều gì đó để chuộc lỗi.
Nhưng vấn đề ở chỗ với cô Emily thì chẳng bao giờ đoán trước được gì. Sylvie lần đó lãnh đủ, nhưng khi bắt gặp Laura đang chạy ngang qua mảnh đất có mọc cây đại hoàng, cô Emily chỉ gắt lên: "Này em, không được qua đó. Ra chỗ khác," rồi đi khỏi.
Lại còn có lần tôi cứ ngỡ mình tới số với cô rồi. Lối đi bộ nhỏ vòng quanh phía sau ngôi nhà là nơi ưa thích của tôi. Nó dẫn qua tất cả những xó xỉnh, những phần nối thêm của ngôi nhà; ta phải lách mình qua những bụi cây, ta băng qua dưới hai vòm cung bọc ngà voi và ngang qua một cánh cổng hoen gỉ. Và suốt thời gian đi trên cái lối nhỏ đó ta luôn có thể nhìn qua các cửa sổ, hết cái này đến cái kia. Tôi nghĩ sở dĩ tôi thích cái lối đi này đến vậy một phần là do tôi chẳng bao giờ biết chắc liệu nó có phải là nơi chúng tôi được phép tới không. Nếu đang giờ học thì nhất định không được đi qua đó rồi. Nhưng nếu cuối tuần hay buổi tối thì chẳng bao giờ biết chắc mình có được qua đó hay không cả. Dù sao thì hầu hết học sinh đều tránh nó, và có lẽ cảm giác được thoát khỏi bất cứ ai là thêm một phần lý do khiến cái lối nhỏ lại hấp dẫn đến vậy.
Dù sao đi nữa thì tôi đang đi dạo một chút trên cái lối nhỏ ấy vào một buổi chiều nắng ấm. Dạo đó hình như tôi đang ở lớp Cao 3. Cũng như thường lệ, tôi liếc vào những căn phòng trống khi đi ngang qua, thế rồi tôi nhìn vào một phòng học thì bỗng thấy cô Emily đang ở đó. Cô chỉ có một mình, chầm chậm đi đi lại lại, tự nói thì thào một mình, chỉ trỏ và nêu nhận xét với một cử tọa vô hình ở trong phòng. Tôi cứ nghĩ cô đang diễn tập để chuẩn bị cho một tiết học hay bài phát biểu tại cuộc họp toàn thể và đã định đi ngang qua trước khi bị cô phát hiện, nhưng ngay khi đó cô quay sang nhìn thẳng vào tôi. Tôi chết điếng, nghĩ bụng mình tiêu rồi, nhưng rồi lại nhận ra rằng cô vẫn tiếp tục như ban nãy, chỉ có điều lần này miệng cô hướng về tôi. Thế rồi, hết sức tự nhiên, cô lại quay đi để nhìn chăm chú vào một học sinh tưởng tượng nào khác ở một chỗ khác trong phòng. Tôi lỉnh đi theo cái lối nhỏ và hôm sau cứ lo ngay ngáy không biết cô Emily sẽ nói gì khi gặp tôi. Nhưng cô chẳng hề nhắc tới chuyện ấy.
o O o
Nhưng đó không thực sự là những gì tôi muốn nói lúc này. Điều tôi muốn làm lúc này là ghi lại đôi điều về Ruth, về chuyện chúng tôi đã gặp nhau và thành bạn ra sao, về những ngày đầu tiên chúng tôi ở bên nhau. Bởi dạo gần đây, những khi dong xe qua các cánh đồng vào một buổi chiều dài hoặc uống cà phê trước một cửa sổ đồ sộ trong một trạm xăng, tôi ngày càng hay nghĩ đến Ruth.
Ruth không phải là người tôi kết bạn ngay từ đầu. Tôi vẫn nhớ rằng hồi lên năm, sáu tuổi, tôi hay làm trò này việc nọ với Hannah và Laura chứ không phải với Ruth. Tôi chỉ có ký ức lờ mờ về Ruth vào cái thuở đầu đời ấy mà thôi.
Tôi đang chơi trong một hố cát. Có nhiều đứa khác đang nghịch cát với tôi, đông quá thành thử chúng tôi đâm cáu kỉnh với nhau. Lúc đó chúng tôi đang ở ngoài trời, dưới ánh mặt trời ấm áp, cho nên đó hẳn là hố cát ở khu chơi của bọn lớp Ấu, cũng có thể là bãi cát ở cuối hố nhảy xa ở Sân chơi phía Bắc. Dù thế nào đi nữa, lúc đó trời nóng, tôi thấy khát nước và không hài lòng khi trong hố cát có quá đông người. Ruth đang đứng đó, không phải trong hố cát cùng bọn tôi mà cách đó chừng một mét. Cô đang rất giận hai đứa con gái đứng đâu đó sau lưng tôi, về một chuyện gì đó đã xảy ra từ trước, nên lúc này cô đứng đó nhìn chằm chằm hai đứa kia. Chắc là cho đến thời điểm ấy tôi chỉ mới biết rất sơ sài về Ruth. Nhưng ắt hẳn cô đã gây cho tôi một ấn tượng nào đó, bởi tôi nhớ mình vẫn tiếp tục việc đang làm dở trên bãi cát, nhưng trong bụng tôi khiếp sợ khi nghĩ rằng Ruth có thể sẽ chuyển cái nhìn sang tôi. Tôi chẳng nói năng gì, nhưng tôi rất muốn cô nhận ra rằng tôi không cùng một bọn với mấy đứa con gái sau lưng tôi và chẳng hề can dự đến cái vụ gì đó khiến Ruth sửng cồ đến vậy.
Về Ruth hồi thời thơ ấu thì tôi chỉ nhớ được có thế. Chúng tôi học cùng khóa nên chắc cũng hay tình cờ gặp nhau, nhưng ngoài cái lần ở hố cát ra, tôi chẳng nhớ có khi nào tôi có liên quan với cô không, cho mãi tới khi chúng tôi lên lớp Sơ khoảng hai năm sau đó, khi chúng tôi tròn bảy tuổi và sắp bước sang tuổi thứ tám.
Sân chơi phía Nam là sân chơi hay được bọn lớp Sơ sử dụng nhất, và chính ở đó, nơi góc sân bên những cây dương, một hôm nọ vào giờ nghỉ ăn trưa Ruth bước lại gần tôi, nhìn khắp người tôi một lượt rồi hỏi:
"Cậu có muốn cưỡi con ngựa của mình không?"
Lúc ấy tôi đang chơi với hai, ba đứa khác, nhưng rõ ràng Ruth chỉ nói với tôi thôi. Điều đó làm tôi hết sức vui, nhưng tôi làm bộ xét đoán cô thật kỹ rồi mới trả lời:
"Thế tên con ngựa của cậu là gì?"
Ruth tiến lại gần hơn một bước. "Con ngựa hay nhất của mình tên là Sấm," cô nói. "Mình không cho bạn cưỡi cậu ấy được. Cậu ấy nguy hiểm quá. Nhưng cậu có thể cưỡi con Mâm xôi miễn là cậu không được lấy cán roi thúc cậu ấy. Hoặc nếu muốn, cậu có thể cưỡi con nào khác cũng được." Cô tuôn ra một tràng mấy cái tên nữa mà na tôi không nhớ. Rồi cô hỏi: "Cậu thì có con ngựa nào không?"
Tôi nhìn Ruth và cẩn thận suy nghĩ trước khi trả lời: "Mình chả có con nào cả."
"Một con cũng không?"
"Không."
"Được rồi. Cậu có thể cưỡi con Mâm xôi, nếu thích thì cậu giữ luôn. Nhưng cậu không được lấy cán roi thúc cậu ấy đâu đấy. Và cậu phải đến ngay bây giờ."
Dù thế nào đi nữa, các bạn tôi đã quay mặt đi, làm tiếp cái đang làm dở. Thế là tôi nhún vai bỏ đi cùng Ruth.
Sân đầy nhóc những trẻ đang nô đùa, một số đứa lớn hơn chúng tôi, nhưng Ruth rẽ ngang qua bọn chúng một cách đầy kiên quyết, luôn luôn dẫn trước tôi một hai bước. Khi chúng tôi hầu như đã đến sát hàng rào lưới sắt ngăn giũa sân với vườn, Ruth quay lại bảo:
"Được rồi, chúng mình cưỡi ngựa ở đây. Cậu lấy con Mâm xôi."
Tôi nhận lấy cái dây cương vô hình mà Ruth chìa cho, thế rồi chúng tôi cưỡi lên hàng rào mà nhấp nhổm, lúc thì nước tế khi thì nước đại. Tôi đã quyết định đúng khi bảo Ruth tôi chẳng có con ngựa nào của riêng mình cả, bởi tôi cưỡi Mâm xôi được một hồi thì cô cho tôi thử cưỡi vài con khác của cô, lần lượt từng con, luôn mồm chỉ bảo tôi phải làm thé nào với nhược điểm của con này hay thói tật của con kia.
"Mình đã bảo mà! Cưỡi con Thủy tiên thì cậu phải ngả người ra phía sau! Nữa, ngả xa hơn nữa! Cậu mà không ngửa hẳn ra là cô ấy không thích đâu!"
Chắc là tôi đã làm rất tốt bởi cuối cùng Ruth cho tôi thử con Sấm, con ưa thích nhất của cô. Tôi không biết ngày hôm đó chúng tôi đã dành bao nhiêu thời gian với lũ ngựa; có cảm giác như lâu lắm, và cả hai chúng tôi hoàn toàn đắm mình vào trò chơi. Nhưng rồi, vì lý do tôi chịu không hiểu nổi, Ruth đột nhiên ngừng hẳn, bảo rằng tôi cố tình quần cho lũ ngựa mệt lử nên tôi phải trả từng con một về chuồng. Cô chỉ về phía một đoạn hàng rào, thế là tôi bắt đầu dẫn lũ ngựa đến đó, trong khi Ruth càng lúc càng có vẻ cáu tôi, bảo tôi làm cái gì cũng sai bét cả. Rồi cô hỏi:
"Cậu có ưa cô Geraldine không?"
Đó chắc hẳn là lần đầu tiên tôi thực sự nghĩ tới chuyện liệu tôi có ưa một giám thị không. Rốt cuộc tôi nói: "Dĩ nhiên mình ưa cô ấy."
"Nhưng cậu có ưa cô ấy thật không? Như thể cô ấy là người đặc biệt lắm ấy? Như thể cô ấy là người cậu thích nhất ấy?"
"Có, mình ưa cô ấy thật. Cô ấy là người mình thích nhất."
Ruth vẫn tiếp tục nhìn tôi một hồi lâu. Cuối cùng cô nói: "Được rồi. Trong trường hợp đó mình sẽ cho cậu làm một trong những cận vệ mật của cô ấy."
Lúc đó chúng tôi đã bắt đầu đi về lại ngôi nhà chính. Tôi cứ đợi cô giải thích xem ý cô là thế nào, nhưng Ruth không giải thích. Tuy nhiên, mấy ngày hôm sau tôi hiểu.
Mãi Đừng Xa Tôi Mãi Đừng Xa Tôi - Kazuo Ishiguro Mãi Đừng Xa Tôi