Love is the only satisfactory answer to the problem of human existence.

Erich Fromm

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Mai Sơn
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: lê lâm tuệ
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 24660 / 1533
Cập nhật: 2016-10-21 10:24:02 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1: Paris, 2005
ào thời điểm tôi bắt đầu tìm hiểu bà Ngô Đình Nhu thì bà đã sống lưu vong hơn bốn chục năm rồi. Năm 1963, ở đỉnh cao danh vọng của bà, tờ New York Times gọi vị Đệ nhất Phu nhân miền Nam Việt Nam ba mươi chín tuổi này là người đàn bà "quyền lực nhất" ở châu Á và so sánh bà với Lucrezia Borgia. Nhưng chính cái tiếng tăm Rồng Cái của bà đã mang đến cho bà sự khác biệt đích thực. Khi các nhà sư tự thiêu trên đường phố Sài Gòn, phản ứng của bà Nhu là tàn bạo không thể tả: "Cứ để họ tự thiêu, rồi chúng ta sẽ vỗ tay", bà mỉm cười nói. "Nếu các Phật tử muốn có thêm một cuộc nướng thịt, tôi sẽ hân hoan cung cấp dầu xăng và một que diêm". Vẻ đẹp nguy hiểm, với đôi mắt đen nhanh chóng trở thành biểu tượng của mọi sai lầm cho sự can dự của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam.
Bà Nhu biến dần khỏi đời sống công cộng sau tháng Mười Một năm 1963, khi chồng bà, Ngô Đình Nhu, và anh chồng bà, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm, bị giết chết trong một cuộc đảo chính được chính quyền Mỹ bật đèn xanh ủng hộ. Như Tổng thống John F. Kennedy giải thích với người bạn thân của ông, Paul "Red" Fay, Hoa Kỳ phải loại trừ anh em họ Ngô một phần vì bà Nhu. "Con chó cái đó", ông nói với bạn, "nó gây ra hết... Con chó cái đó chĩa mũi vào và làm mọi thứ ở đó sôi sục lên hết".
Đã có nhiều cuốn sách mổ xẻ biến cố tháng Mười Một năm 1963 và coi sự lật đổ anh em họ Ngô như yếu tố then chốt dẫn đến việc Mỹ leo thang chiến tranh ở Việt Nam. Nhưng những nghiên cứu lịch sử về vụ đảo chính phần lớn đã không nhìn ra vai trò của bà Nhu. Làm thế nào mà một người đàn bà thậm chí chưa tới bốn mươi tuổi - và cao chưa tới một mét sáu với giày cao gót - có thể thu hút sự chú ý hoàn toàn của một siêu cường như Mỹ, và lôi kéo nước Mỹ vào một cuộc xung đột sẽ kéo dài thêm một thập kỷ và lấy đi mạng sống của hàng triệu người?
Tôi đã ở Paris để tìm hiểu - mặc dù, tôi phải thừa nhận, tôi hơi lo lắng. Phóng viên hãng tin AP (Associated Press) Malcolm Browne, từng được giải Pulitzer, viết trong hồi ký của ông rằng, từ "kinh nghiệm cá nhân" ông biết bà Nhu "có thể là kẻ thù nguy hiểm nhất mà một người có thể gặp". Và đó chính là điều gây tò mò. Rồng Cái là hình ảnh tưởng tượng kiểu Tây phương về một người Đông phương - dâm dục, suy đồi, và nguy hiểm. Cái khuôn mẫu độc ác này đã đúc ra những người đàn bà châu Á quyền lực trước bà Nhu, như bà Tống Mỹ Linh, vợ Tưởng Giới Thạch và Từ Hi Thái Hậu. Vụ án phản quốc Tokyo Rose, giọng nói nữ của chương trình phát thanh tuyên truyền Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, vẫn còn in đậm trong ký ức chung ở Mỹ khi bà Nhu buộc tội những người Mỹ ở Việt Nam đã hành động như "những tên lính đánh thuê". Hậu quả là hình ảnh Rồng Cái mà công chúng thấy ở bà Nhu là một chiều, như một tên vô lại ria xoắn trong một kịch bản Hollywood tồi, mà như vậy thì hơi quá dễ dãi.
Mặc cho bạn nghĩ gì về bà, bà Nhu đã trực tiếp thò tay nhào nặn lịch sử. Nhưng bà đã im lặng trong mấy chục năm. Dù nổi tiếng là bộc trực, bản thân người đàn bà này đã cho thế giới biết rất ít về mình. Bà Nhu đã đuổi phóng viên New York Times cuối cùng tìm cách tiếp cận bà ra khỏi thềm nhà mình ở Ý vì quá ồn ào. Chuyện đó xảy ra vào năm 1986.
Dù gần hai mươi năm đã trôi qua, không có lý do gì cho thấy tôi sẽ có thêm chút may mắn nào, tôi tự nhủ khi nhìn lên tòa nhà bên kia đường. Cách chỉ vài trăm mét sau lưng tôi, tháp Eiffel vươn cao sừng sững. Tôi cố giữ kín đáo khi đếm các tầng của tòa nhà. "Một bà già gan lì", tôi nghĩ. Theo những gì mà nhiều người biết, trong đó có những người được gợi là chuyên gia mà tôi đã phỏng vấn, bà Nhu đang sống trong một biệt thự xập xệ tường vôi trắng, đâu đó ở ngoại ô Rome. Đã từng có những đồn đoán về việc bà còn sống hay đã chết.
Nhưng tôi có lý do để tin rằng bà ở đây, giữa Paris.
Việc tôi tìm hiểu bà Nhu bắt đầu đơn thuần vì tò mò. Tôi ra đời năm 1976, khoảng mười bảy tháng sau khi kết thúc chiến tranh [Việt Nam]. Như hầu hết những đứa trẻ lớn lên trong những năm 1980, những hiểu biết đầu tiên của tôi về Việt Nam đến từ phim ảnh; người lớn chắc chắn đã không nói nhiều về nó; nó là một tạp âm của những cánh quạt máy bay trực thăng đập mạnh, những lều tranh bốc cháy, và những cánh rừng nhiệt đới bị bom na-pan tàn phá. Tôi giữ mãi ấn tượng đó cho đến năm thứ hai đại học, khi tôi ghi danh một học kỳ nước ngoài tại Đại học Quốc gia Việt Nam ở Hà Nội, mà tôi nghĩ chỉ học cho vui. Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo nên tiêm phòng bệnh thương hàn, uốn ván, và bệnh dại, cũng như mang theo thuốc chống muỗi và i-ốt. Cha tôi sửng sốt: "Cha đã trải qua những năm hai mươi tuổi tìm cách thoát ra khỏi Việt Nam, còn bây giờ thì con tìm cách bước vào đó!"
Đến trước năm 2003 tôi đã lấy được bằng thạc sĩ về châu Á học, đã sống ở Việt Nam hai lần, và nhận được học bổng của Bộ Giáo dục Mỹ, điều đó khiến tôi hết sức tự tin vào các kỹ năng tiếng Việt của mình - miễn là chỉ nói về những chuyện đơn giản, như thực đơn hay thời tiết. Nhưng khi nghĩ đến chuyện tìm một việc làm thực sự, tôi ước gì tôi đã làm nhiều hơn là lấy được chiếc bút CIA tuyệt đẹp tại hội chợ việc làm cho sinh viên.
Thay vì đối mặt với một tương lai bất trắc, tôi tìm thấy sự thoải mái ở nơi tôi luôn có - trong sách vở. Tôi không ngừng trở lại tầng hai Thư viện trung tâm của thành phố Boston, nơi lưu giữ những cuốn sách viết về Việt Nam. Bốn, năm người đàn ông trạc tuổi cha tôi mặc những cái áo choàng lỡ cỡ và những cái quần lùng thùng, thường ngồi quanh những chiếc bàn đặt cạnh các giá sách. Mùi cà phê thiu vương vấn trong không khí chung quanh họ. Thật khó để tôi hòa giải một Việt Nam tôi biết từ năm 2004 - những gương mặt thân thiện, chợ búa nhộn nhịp và những thành phố hiện đại, với một xứ sở - và cuộc chiến - đã chôn vùi quá nhiều cuộc đời. Những người đàn ông này có thể đã là gì nếu không có cuộc chiến tranh ở Việt Nam?
"Cuộc đời đầy tình cờ", cha tôi thường nói, như một câu thần chú. Ông nói câu đó như để an ủi. Đó là cách ông xoa dịu cảm giác ngây thơ của tôi về bất công, và là cách ông hiểu thế giới này. Cha tôi nhận được lệnh gọi nhập ngũ qua bưu điện vào năm 1966, ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Ông đã được nhận vào học sau đại học và được cấp lương của trợ giảng, nhưng ủy ban quân dịch đã bác đơn xin hoãn nhập ngũ của ông. Các thông số của cha tôi gần như bảo đảm ông vào bộ binh ở Việt Nam, nên giống như nhiều người cùng chung hoàn cảnh, ông nộp đơn vào trường Sĩ quan và được nhập ngũ. Ông gặp nhiều thuận lợi hơn, vì là sĩ quan tình nguyện, so với một anh lính quân dịch đi tuần.
Chỉ vài tuần trước khi đến hạn phải trình diện trại huấn luyện, cha đang xem truyền hình trong phòng khách ở nhà ông bà tôi. Tổng thống Lyndon Johnson xuất hiện trên màn hình và thông báo mở rộng diện hoãn thi hành quân dịch đối với các thầy giáo cao học. Cha nhảy cẫng lên khỏi ghế và ôm chầm lấy bà tôi; nhanh nhẹn và bình tĩnh, ông gọi cho ủy ban quân dịch địa phương, xác nhận hoãn nhập ngũ, rồi lấy quần áo trong các túi xách ra.
Ông bị các sĩ quan tuyển quân, những người nóng lòng muốn đạt chỉ tiêu, và Don bạn ông, trách móc. Don và cha tôi cùng đi đến trường đại học mỗi ngày suốt bốn năm. Họ là láng giềng của nhau trong khu ngoại ô của người lao động ở Seattle, và sống ở nhà cha mẹ mình để tiết kiệm tiền phòng và tiền cơm tháng. Họ từng băn khoăn học vấn của họ sẽ thế nào khi xuất thân từ gia đình nghèo. Don cũng có một chỗ trong chương trình sau đại học. Ông lẽ ra có thể sử dụng quyền hoãn nhập ngũ như cha tôi.
Nhưng Don cho rằng hoãn dịch chẳng để làm gì. Ông thuyết phục cha tôi trở lại đăng ký, "Chỉ để cho xong quách cho rồi", ông lý luận. Họ sẽ thực hiện một chuyến đi nghĩa vụ ngắn ngủi ở Đông Nam Á trước khi sống phần đời còn lại của mình.
Hai tuần sau khi Don có mặt ở Việt Nam, chiếc máy bay trực thăng chở ông bị bắn rơi và ông thiệt mạng.
Khi còn là một cô gái, tôi thường nhón chân lên kệ sách trong phòng khách để lấy cuốn Time-Life bìa nâu nói về chiến tranh Việt Nam. Những tấm ảnh kinh khủng và hấp dẫn, gợi cho tôi nhiều câu hỏi mà người lớn khó có thể trả lời hết. Có một tấm ảnh chụp một cảnh sát người Nam Việt Nam bắn vỡ đầu một người đàn ông và một tấm chụp một cô bé trần truồng bỏng lửa đang chạy trên đường. Nó là một cuộc chiến tranh mà tôi sẽ không bao giờ tìm hiểu, tôi nghĩ vậy, nhưng thay vì gấp sách lại, tôi cứ thường xuyên mở ra đọc. Tấm ảnh tôi thích nhất là của Larry Burrows chụp bà Nhu năm 1962. Với những lọn tóc đen và móng tay sơn bóng nhoáng, bà nổi bật lên giữa đám đông mặc binh phục màu lục vàng thời chiến. Mặc chiếc áo dài truyền thống Việt Nam, màu trắng tinh khiết, và với cái eo nhỏ xíu, có thể nói bà là người đàn bà thanh nhã ngoại trừ khẩu súng lục màu đen mà bà giương lên, nhắm và sẵn sàng bắn. Có lần người anh chồng của bà, Tổng thống Ngô Đình Diệm, nghi ngờ sự kín đáo của cái áo vét vừa khít thân hình mảnh dẻ của bà Nhu, ý nói đến sự hở vai hở cổ của nó, nghe nói bà đã làm ông cứng họng bằng câu trả lời khinh thị: "Không phải cổ anh lòi ra mà là cổ tôi. Nên anh im đi giùm".
Sự tò mò về bà Nhu của một thiếu nữ như tôi dần dần chuyển thành sự nhìn nhận một vấn đề rất thời đại. Một người đàn bà ăn mặc hoàn hảo và chăm sóc vẻ ngoài sẽ luôn bị buộc tội là thiếu nghiêm túc về những chính sách xã hội đang thay đổi. Ngày nay, Michelle Obama bị chỉ trích vì hai bắp tay và tóc ngang trán, nhưng bà chỉ là Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ gần nhất vật lộn với các câu hỏi về phong cách và quyền thế. Jacqueline Kennedy, người cùng thời với bà Nhu vào năm 1963, là một biểu tượng Mỹ về thời trang, sự thanh lịch, và yêu kiều. Lúc đó, bà cho rằng phụ nữ nên đứng ngoài chính trị vì "họ không phù hợp". Jackie tự hào về cuộc hôn nhân "châu Á" của mình và hoàn toàn không phản đối bà Nhu, kẻ "đam mê quyền lực một cách kỳ dị".
Việc thiếu những câu trả lời dễ dàng về bà Nhu bảo đảm rằng ý đồ của tôi vẫn còn cho đến khi tôi nhận ra mình ngồi trong thư viện hàng giờ không biết làm gì. Đi ngang qua những cái nhìn chằm chằm trống rỗng của các cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam, ngồi cùng tôi cạnh các giá sách, tôi bắt đầu ráp nối câu chuyện cuộc đời của người đàn bà mà mọi người nói là đã gây ra quá nhiều rắc rối.
Tôi vẫn chỉ có những nét phác thảo về câu chuyện bà Nhu khi tôi đặt chân xuống Paris hai năm sau. Tôi đã lần theo một dấu vết mờ nhạt dựa trên bài báo của một người mà tôi chưa từng nghe tiếng, đăng trên một trang web tiếng Việt ít người đọc. Tác giả nói đã phỏng vấn bà Nhu, người mà ai cũng biết là sống ẩn dật, trong căn hộ của bà ba năm trước, năm 2002. Tôi đã tính bác bỏ tuyên bố đó, nhưng tác giả đã nói chính xác về căn hộ tầng mười một có cửa sổ nhà bếp nhìn ra tháp Eiffel. Chi tiết mô tả đó nhắc tôi nhớ đến một chuyện.
Trong khi sục sạo đống hồ sơ của Clare Boothe Luce ở thư viện Quốc hội vài tháng trước, tôi tìm thấy một lá thư của bà Nhu, đánh dấu bưu điện năm 1964. Luce từng là tác giả, nghị sĩ Mỹ, và, với tư cách một người ủng hộ kiên định những chính kiến cực bảo thủ của Đảng Cộng hòa ở Washington, bà có vẻ là bạn của bà Nhu. Địa chỉ người gởi được viết nguệch ngoạc ở mặt sau bì thư cho tôi ấn tượng đầu tiên về lối viết chữ nét mảnh của bà Nhu. Khi tôi đọc đến chỗ nhà có khoảng không nhìn ra tháp Eiffel, tôi nhớ lại mình đã cẩn thận phỏng theo nét chữ ngoằn ngoèo của bà vào sổ tay: Đại lộ Charles Floquet. Tôi chưa từng nghĩ rằng bà có thể vẫn còn sống ở đó, nhưng giờ đây tôi tự hỏi, tại sao không?
Một cái liếc nhìn và tôi biết tôi sai. Tòa nhà tráng lệ trên đại lộ Charles Floquet nơi bà từng sống, trông như chỗ trú ẩn của một nhà độc tài bị truất phế cho đến khi nhẵn túi. Nhưng nó chỉ có tám tầng. Thậm chí khi xét đến thiên hướng châu Âu về thiết kế tầng lầu bên trên tầng trệt tầng thứ nhất, tòa nhà này vẫn còn thiếu tầng mười một mà lâu nay tôi tìm.
Tôi gần như bỏ cuộc ngay chỗ này. Ngay cả khi bài báo viết đúng và bà Nhu đang sống ở Paris, phải có đến hàng trăm tòa nhà kiêu hãnh với khoảng trời nhìn ra tháp Eiffel? Có thể bà ở cách đây một dặm mà vẫn nhìn thấy nó. Cái tháp này là vật duy nhất nổi bật giữa một thành phố bằng phẳng như thế. Đúng lúc tôi ngước nhìn đường chân trời để nguyền rủa cái mỹ học của thành phố đẹp nhất thế giới này, tôi chợt nghĩ một điều điên rồ. Tôi ngồi xuống băng ghế đá gần đó và nhìn quanh. Một thành phố thấp như thế đơn giản là không có nhiều tòa nhà mười một tầng - nhất là ở khu vực này của Paris. Tôi phải đi tiếp cho đến khi tìm ra một tòa nhà như vậy.
Tôi vừa qua khỏi một dãy nhà thì thấy chúng: ba tòa nhà giống nhau, một sai lầm nửa thế kỷ, gần đại lộ Suffren dọc bờ sông Seine. Tất cả đều là bê tông và những góc cạnh đã xiên lệch. Không sao - tôi choáng váng khi nhìn thấy chúng, vì mỗi tòa nhà cao đến mười hai tầng lộng lẫy. Tại tòa nhà đầu tiên, tôi thấy một gói nhỏ của một phụ nữ ăn mặc xuềnh xoàng đang quét cầu thang. Tôi ngập ngừng tiến đến gần cô nói "Excusez moi" (tiếng Pháp: Xin lỗi bà) và hỏi tiếp, hết sức lịch sự, có một bà già người Việt sống trong tòa nhà của cô ở tầng mười một không. Cô ngừng tay đủ lâu để chỉ cái tòa nhà kế bên. "Tôi chắc là cô đang tìm người đàn bà ở số 24", cô vừa nói vừa cười mỉm và lắc đầu. Có thể tôi hoang tưởng, nhưng hình như cô ta đang cười cợt tôi.
Cô ta không phải là người đầu tiên nghi ngại tôi. Khi tôi thổ lộ với giáo sư cố vấn cao học của mình rằng tôi đang đi tìm Rồng Cái, bà đã ném cho tôi cái nhìn trịch thượng - tôi nghĩ vậy, vì, như những người khác, bà cho rằng bà Nhu đơn giản chỉ là một chủ đề quá ngớ ngẩn. Tôi đã mất nhiều thời gian để hiểu rằng, vị giáo sư cố vấn của mình, người đã sống ở Sài Gòn suốt thời kỳ tham chính của bà Nhu và nhìn thấy bạn học của mình bị cảnh sát Nam Việt Nam bắt giữ, đã không nghĩ bà Nhu là một đề tài đáng xem lại.
Nhưng bây giờ tôi gần đến nơi rồi. Phấn chấn bởi một cái gì đó như là sự tự tin, hoặc có lẽ là sự lạc quan ngây thơ, tôi bấm chuông chỗ người bảo vệ ở số 24 đại lộ Suffren, và khi bà xuất hiện, tôi toét miệng cười nhìn bà. Sau khi bà để tôi vào trong, tôi thả lên bàn cái phong bì mỏng màu xanh đề tên Bà Ngô Đình Nhu.
"Cô muốn cái gì?" bà bảo vệ làu bàu hỏi. Bà hơi thiếu lịch sự thôi chứ không hẳn thô lỗ, nhưng tôi không quan tâm. Bà khẳng định bà Nhu ở trên lầu.
"Xin bảo đảm bà ấy nhận được cái này giùm tôi", tôi nhẹ nhàng đáp. Bên trong phong thư là mẩu viết ngắn cẩn thận đề nghị một cuộc phỏng vấn và một trong những tấm danh thiếp chạm nổi do tôi tự làm phòng khi cần tỏ ra mình chuyên nghiệp. Ngày mai, bà Nhu sẽ biết đích xác tôi là ai. Khi tôi đi ngược về ga tàu điện ngầm, tôi đã lướt qua trong đầu những gì tôi sẽ nói khi bà gọi cho tôi: Tôi rất muốn làm cho câu chuyện về bà sáng rõ, tôi rất hy vọng lấp đầy những khoảng trống của lịch sử, và tôi dám nghĩ rằng chúng ta có thể bảo lưu phần nào di sản của Rồng Cái. Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ rằng bà ấy có thể có những kế hoạch của riêng mình.
Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền Lực Bà Rồng Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền Lực Bà Rồng - Monique Brinson Demery Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền Lực Bà Rồng