Có 04 bước để đạt thành tựu: lên kế hoạch một cách có mục đích, chuẩn bị kỹ lưỡng, tích cực thực hiện, và kiên trì theo đuổi.

William A. Ward

 
 
 
 
 
Tác giả: Phi Long
Thể loại: Kiếm Hiệp
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1807 / 8
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12 -
iếng trống canh nơi trại lính điểm đầu giờ Hợi là cánh cửa trại mở toang, một toán người ngựa từ trong tiến ra, ánh đuốc cháy sáng của ba tên đi đầu sáng rực làm ta thấy rõ đấy là đám quân Minh lực lưỡng.
Quân tuần đêm? Đấy là toàn quân tuần đêm của trại quân tướng Hoàng Thành.
Cứ mỗi giờ là chúng đổi phiên nhau đi tuần một nhóm.
Trong trời đêm, tiếng vó ngựa phi dồn dập làm mất vía những đứa trẻ khóc bú, làm cho bà mẹ có dịp nhát con, Những người thiếu phụ không chồng trong nhà vắng, rùng mình khi cơn gió lọt qua cửa mỗi khi đoàn ngựa phi ngang nhà.
Họ lao láo mắt trong bóng đêm, lòng hồi hộp lo sợ cho chồng con anh em gặp phải lũ giặc tham tàn và sợ thình lình cánh cửa tung ra, lũ giặc tràn vào như thác chảy, những cảnh dâm ác hiện ra rồi mình là nạn nhân vô phúc.
Những ông lão bà lão run sợ khi nghe vó ngựa phi qua cổng nhà mình, họ hồi hộp nhớ đến cảnh tra khảo của giặc dù là họ đã bị khảo mấy lần ngày nay chẳng còn đồng nào nữa.
Những tràng nông, những đứa bé chăn trâu nằm trong chuồn trâu khi nghe tiếng vó ngựa phóng, họ nghiến răng trợn mắt, vỗ vào mình trâu như muốn nhảy lên lưng phi ra giết giặc trong khi những con trâu mắt lơ láo như sợ hãi kinh hoàng.
Ngày cũng như đêm... Đêm cũng như ngày... Dân Nam không yên dưới móng vuốt của giặc. Họ đau đớn căm hờn, lo sợ phập phòng cho tai nạn không biết xảy ra cho mình lúc nào.
Lòng yêu nước sôi sục trong huyết quản bao người. Ai ai cũng mong ngày vùng dậy giành sự sống tự do, thoát ách tham tàn của giặc.
Gió ngàn rít lên như những tiếng căm hờn của muôn lòng sôi réo, tràn trong đêm vắng loang ra khắp nước như giục lòng kẻ làm dân.
Đoàn kỵ binh oai vệ tiến tới trong đêm trường, ba ngọn đuốc soi đường sáng rực như ánh lửa tham tàn cháy ngùn ngụt trong lòng kẻ bạo ác.
Đến đầu thôn, bọn kỵ binh của giặc đi sát trong ven rừng nên chúng đề phòng cẩn mật, gươm giáo sáng lòe lấp lánh trong ánh đuốc khi chúng khoa lên như giáp chiến, nhưng những bóng cây lù lù kia không hề sợ hãi trước sự hăm dọa của bất cứ ai, chúng run lả, xạt xào như đùa cợt lũ giặc điên cuồng say máu.
Đi một quãng khá xa, toán kỵ binh quay về đường cũ, chúng tra gươm vào vỏ vì không còn e ngại gì nữa.
Chúng phi ngựa thật nhanh mong mau mau về trại, nhưng khi chúng đến ven rừng thì bỗng từ dưới đất vụt lên những sợi giây mây làm vướng chơn ngựa khiến lũ ngựa té nhào ném toán lính xuống đất.
Vừa lúc đó từ trong các lùm bụi không biết bao nhiêu mũi tên bay ra như cào cào làm toán lính giặc ngã như rạ.
Chúng không biết kẻ thù ở đâu mà bắn lại, trong khi toán nghĩa quân từ trong lùm trông rõ chúng nhờ ánh đuốc mà loạn xạ. Hơn năm mươi tên giặc bị loạt tên đầu đã ngã gục quá nữa, còn sót lại chúng chống cự gượng gạo vì bắn cung không có mục tiêu thì làm gì ai được.
Tên đầu giọc kinh sợ trước sự tấn công không thể ngờ nên hắn cố bò lại bên ngọn đuốc cháy mà tên đi đầu bỏ rơi xuống đất khi mũi tên vô tình cắm vào ngực hắn.
Ý định hắn là đốt mấy chiếc pháo báo hiệu cho đại trại hay để đem quân đến cứu, nhưng hắn vừa với tay đến cây đuốc là một mũi tên từ đâu bay vụt đến cắm vào lưng hắn và một mũi cắm vào cổ hắn làm hắn giẩy đành đạch như cá bị đập đầu.
Phút chốc không còn mũi tên nào trong bụi rậm bắn ra cả, khiến những tên giặc còn sót lại mừng rỡ, chúng đứng dậy vụt chạy về phía bên kia đường về tưởng nghĩa quân đã rút đi, nhưng khi chúng nhãy qua đám có thấp để núp vào rặng tre thì từ ven rừng những mũi tên vụt bay ra, tua tủa, trong khi trong bờ tre không biết bao nhiêu mũi tên vụt bay ra.
Hơn năm mươi tên giặc chết sạch, chỉ còn lại vài ba tên cởi áo trắng cắm trên ngọn giáo đưa lên cao ra hiệu đầu hàng.
Trong bóng tối một toán người vụt chạy ra bắt sống ba tên giặc, bắt lũ ngựa chạy bậy và cướp đoạt khí giới của lũ giặc đã chết rồi, cởi quần áo chúng ra mặc vào mình.
Trong ánh đuốc mập mờ ta thoáng thấy Từ Sinh và Vịnh đứng trong ven rừng thì thầm với nhau, còn Lê Phong phó tướng đang chỉ huy toán lính thi hành việc kia.
Chỉ một loáng những thây lũ giặc được quân lính mang đi mất, trên bãi có sạch cả những vết máu của giặc.
Đoàn nghĩa quân mặc áo của giặc, lên lưng ngựa của giặc và bắt ba tên giặc kia đi đầu Từ Sinh bây giờ lên ngựa cùng Vịnh đi ra và bảo ba tên giặc:
- Nếu ba ngươi đưa đường cẩn thận, xông vào trại theo quân ta thì ta tha cho tội chết. Nếu dọc đường mà ngươi có gì la lối thì chết ngay lập tức đó.
Ba tên kia kinh sợ luôn luôn dạ xin vâng lời chàng.
Thế là toán nghĩa quân giả quân giặc cỡi ngựa phi về trại lính tướng Hoàng Thành.
Trong bóng đêm mờ, đoàn kỵ mã tiến nhanh về phía đồn binh, vó ngựa dồn dập vang thanh âm loãng khắp xóm làng.
Gần đến cửa trại Từ Sinh phi ngựa lên đi sát bên ba tên kia và nói:
- Hãy làm theo lời ta thì tha cho ngươi được sống. Cải lại là chết ngay đỏ. Hãy nhớ mũi giáo sau lưng ngươi.
Nói xong chàng ra hiệu cho Lê Phong và Vịnh, tức thì Lê Phong chạy sát lên, còn Vịnh rẽ ngựa chạy về ngả khác.
Ba tên giặc bị đánh phải vâng dạ làm theo lời của Từ Sinh.
Chỉ trong một lúc nữa là đoàn kỵ mã đến trước cửa đồn binh tướng Hoàng Thành.
Từ Sinh nói như ra lệnh:
- Kêu mở cửa mau. Chậm trễ ta cho một gươm là chết ngay.
Vừa lúc đó ba mũi gươm nhọn kề ngay vào lưng ba tên tướng giặc.
Ba tên nọ hô khẩu hiệu làm bọn kia mở cửa ra. Lẹ như chớp Từ Sinh phóng ngựa vào tức thì cả đoàn người ngựa phóng vô.
Mấy tên gát đang đứng nhưng bỗng ngã nhào vì những mũi tên từ đâu vụt tới ngay cổ họng chúng.
Từ Sinh kìm ngựa lại, ra hiệu là đoàn kỵ mã phá tan cửa như chớp nhoáng và trấn ở đấy một đội còn thì sấn theo chúa tướng như nước lở bờ.
Nghĩa quân xông vào trại thình lình đụng đâu giết đó như chém chuối.
Trong khi đó Từ Sinh phát lên ba tiếng pháo tức thì bao nhiêu quân phục sẵn xung quanh đồn lính chạy tràn vào như nước vỡ bò.
Lũ lính giặc đang ngủ thình lình bị nghĩa quân xông tới chém tràn đi, chúng thất kinh hồn vía lo chạy nhưng khó thoát khỏi. Những tên còn tỉnh lật đật tìm khí giới chống lại làm náo loạn cả lên.
Trong giây phút tất cả trại lính chỗ nào cũng có tiếng la hét ồn ào, tiếng gươm giáo chạm nhau nghe ghê rợn làm sao?
Từ Sinh thúc ngựa đến bảo Lê Phong:
- Tướng quân sang vây chặt dinh Hoàng Thành dặn tướng Huỳnh Phúc phải cố không cho hắn chạy thoát. Đêm nay ta diệt sạch đoàn quân tướng Hoàng Thành mới được.
Tiếng reo hò át mất tiếng vó ngựa phi của Lê Phong.
Còn Từ Sinh thúc ngựa chạy tràn ra ngoài sân trại. Tên giặc nào chạy ra là chàng chỉ cho nó một mũi tên là xong.
Quân lính của Từ Sinh thắng thế, giết giặc máu chảy như nước, nhưng chỉ có độ năm trăm nên không giết xuể cả trại lính to tác của Hoàng Thành trong đó có cả năm vạn tinh binh dù rằng chàng cho bốn mặt đánh vào.
Sau một lúc xô xát dữ dội, bọn giặc tìm được khí giới, chúng liều chết chống lại quân ta.
Tiếng reo hò dậy đất vang trời làm lê dân quanh vùng Lam Thôn hả dạ vì quân ta giết lũ tham tàn.
Từ Sinh xem tình hình tranh chiến một lúc, chàng thấy đánh lâu bất lợi nên thét to:
- Phỏng hỏa đốt kho khí giới và kho lương của giặc đi.
Quân lính định diệt cả bọn giặc để chiếm trại, nhưng bây giờ nghe Từ Sinh truyền lệnh họ đành phải cướp một mớ khí giới chất mau lên xe đánh chạy ra ngoài và nổi lửa lên.
Từ Sinh đốt luôn một lượt sáu tiếng pháo tức thì khắp các nơi quân lính nổi lửa lên.
Trong giây phút khắp các trại ngọn lửa bừng lên cao ngất. Bọn giặc nhớn nháo chạy trốn như chuột mà quân ta ít không làm sao cản trở nổi.
Từ Sinh phóng ngựa ra khỏi vòng trại quân lính cũng chạy theo. Họ vây quanh trại, hễ thấy tên giặc nào ló ra là dùng tên bắn, hay giết chúng bằng gươm giáo.
Quân giặc tuy bị đánh úp bất ngờ gần tan cả lực lượng, nhưng chúng là quân thiện chiến nên biết cách chống cự.
Sau một lúc tan tác như lá mùa thu, chúng gom lực lượng lại và đánh phá một vòng vây để chạy ra.
Từ Sinh thấy lũ giặc phá vòng vây nơi phía Bắc, chàng thấy chúng đông không biết bao nhiêu có gấp mười lần quân mình nên không muốn đuổi giặc cùng liền truyền lệnh cho hai viên bộ tướng chạy đến ra lệnh mở vòng vây cho giặc chạy.
Quân ta mở vòng vây cho giặc chạy ra, chỉ reo hò cho chúng mất vía và bắn tên lửa vào chúng.
Lũ giặc chạy tràn ra đạp nhầu lên nhau, chết không biết bao nhiêu, lớp bị tên bắn chảy da phóng tràn, la khóc om sòm trông ghê rợn.
Bây giờ cả trại lính phát cao ngọn lửa cháy ngất trời, ngọn lửa hừng hực nóng đốt mọi vật chung quanh sáng rực cả một vùng.
Từ Sinh nhìn quân giặc vỡ chạy tan tành, chàng có nhiều nghĩ ngợi và truyền lệnh cho bộ tướng rồi thúc ngựa chạy sang dinh tướng Hoàng Thành.
Bây giờ Huỳnh Phúc đang vây tư dinh của tướng Hoàng Thành, được Lê Phong tới truyền lệnh của Từ Sinh vây chặt thêm, nên nỗ lực siết chặt vòng vây.
Về phần tướng Hoàng Thành đang yên giấc, thình lình bị nghĩa quân tràn vào, nhưng nhờ bộ tướng và quân lính canh cẩn mật nên họ không làm gì nổi.
Nghĩa quân vây quanh bắn tên như mưa, khiến Hoàng Thành kinh sợ không dám xông ra, ông ta mang giáp đôi, cầm gươm sắt bảo vệ cho Lam Hà.
Còn Lam Hà nhìn ngọn lửa ngất trời bên trại lính, nàng không vui cũng không buồn vì tin ngày nầy sẽ đến.
Hoàng Thành khuyên nàng:
- Em chớ sợ, ta sẽ bảo vệ em.
Lam Hà không nói gì, nàng nghĩ đến lúc đoàn quân tràn vào bắt nàng và Hoàng Thành đem đến trước mặt Từ Sinh, nàng sẽ nói sao đây?
Ôi! Tủi nhục thay cho nàng. Dù nàng là vợ Hoàng Thành, là vợ tên tướng giặc tham tàn, nhưng nàng vẫn âm mưu phá hoại bao việc làm của hắn, nhưng nào ai biết cho nàng ngoài vị võ sư.
Bây giờ vị võ sư điềm tĩnh nói:
- Ta cho người đi cầu cứu tướng Chu Kiệt. Ông ta ở gần ta hơn hết.
Hoàng Thành nhìn bộ tướng và hỏi:
- Có ai dám xông ra khỏi vòng vây để cầu cứu không?
Một tên bước ra thưa:
- Tiểu tướng xin vâng mệnh.
Nói xong anh bước ra ngoài lên lưng ngựa vụt chạy ra, trong khi tướng Hoàng Thành truyền lệnh cho quân sĩ bắn bảo vệ cho hắn.
Từ Sinh vừa phi ngựa tới, chàng thấy một tướng giặc oai phong lẫm lẫm hắn hùng hổ phi ngựa tay múa giáo như bay đánh vẹt bọn lính mình nên nổi giận phi ngựa lại.
Tên giặc thấy chàng hắn xốc ngựa lại thét to lên một tiếng và phóng mạnh mũi giảo vào cổ họng chàng...
Từ Sinh nghiêng đầu né tránh, chàng rút gươm trường chém xẹt ngang hông hắn.
Chỉ nghe tên nọ rú một tiếng là hắn ngã nhào xuống ngựa trước sự hoan hô của đoàn nghĩa quân ca ngợi chúa tưởng mình.
Từ Sinh thét to nung lòng quân sĩ:
- Hỡi anh em, hãy bình tâm giết giặc. Ta đã phá tan đại trại của giặc rồi.
Quân sĩ reo hò vang dậy, lòng hăng hái tăng lên, họ quyết phải phá tan lũ giặc.
Bỗng nhiên một người phi ngựa vụt tới bên Từ Sinh và ghìm cương, nói khẽ:
- Thưa tướng quân, Chu Kiệt thấy lửa cháy nên kéo quân sang đây?
- Tướng quân Ngôn và nữ tướng Bạch Phượng đâu?
- Tuy hai tướng phục quân đón đánh giặc tơi bời, nhưng toán hậu quân của giặc tiếp ứng quá đông nên chỉ cầm cự mà thôi. Nếu không có địa thế tốt chắc quân ta phải thua vì quân giặc đông gấp mười lần hơn ta.
Từ Sinh bảo ngay:
- Cố giữ chặt không cho bọn chúng tràn tới đây. Khi nào nghe chín tiếng pháo nổ thì hãy rút quân cho chúng đi. Nếu Chu Kiệt kéo quân được đến đây, chúng dùng thế nội công ngoại kích là quân ta thua ngay. Đi nhanh lên và cẩn thận.
Tên quân bảo phi ngựa như bay. Còn Từ Sinh truyền lệnh cho hai bộ tướng sang toàn quân vây đại trại rút về, chớ đuổi theo tàn quân giặc.
Chàng ra lệnh cho Lê Phong:
- Tướng quân cho quân sĩ rút toán hậu tập rồi dùng tên lửa bắn vào dinh Hoàng Thành. Khi nào lửa bắt cháy là ta kéo lui về. Chớ đuổi giặc cùng mà nguy hiểm.Phần tôi phải tiếp ứng tướng Ngôn mới được.
Chàng phóng ngựa đi nhanh vùn vụt. Trong đêm mờ con ngựa chạy như bay khiến dân tình khắp vùng vừa nghe vó ngựa đã nghe tiếng rồi.
Tiếng reo hò của quân lính phía trước mặt làm Từ Sinh hăng hái, chàng vỗ bờm ngựa như khuyến khích con vật.
Một lúc sau Từ Sinh đã tới hậu trận của nghĩa quân, chàng thấy toán hậu tập đã kéo lui lần lần trong khi tiền quân hò hét bắn như mưa về phía giặc.
Biết Ngôn và Bạch Phượng ở phía trước, Từ Sinh thúc ngựa đến, chàng gặp Bạch Phượng đứng hò hét quân lính nên đến bên nói:
- Chúng ta lui cho rồi.
Bạch Phượng thấy chàng đến nên chào và nói:
- Xin tuân thượng lệnh.
Nói xong nàng ra hiệu cho quân bắn tên lửa tràn sang trận địa giặc.
Cùng lúc ấy Từ Sinh nghe chín tiếng pháo nổ long trời chàng hiểu ngay mấy toàn quân kia đã lui về rồi.
Nghe pháo nổ, đoàn nghĩa quân la to lên, bắn tên lửa như cào cào bay về trận địa làm chúng hoảng sợ chạy lùi lại.
Trong ánh lửa cháy sáng lòe, Từ Sinh thấy quân giặc đông không bao nhiêu, chúng cố tiến lên, nhưng quân mình chiếm đường đi hẹp, núp hai bên kẹt đá bắn ra ngay đường nên chúng không tài nào qua nổi.
Bây giờ tên lửa làm cháy cây có sáng rực cả vùng chắn ngang quân Từ Sinh và quân Chu Kiệt.
Chu Kiệt đích thân xông tới trước thét quân tràn tới nên quân giặc hăng hái phi thường, chúng liều lĩnh xông lửa tiến qua.
Thấy giặc đông gấp mười lần mình, Từ Sinh sợ bị ít quân phải thua nên bảo Bạch Phượng:
- Lui nhanh đi.
Chàng hạ cung trên vai xuống, rút mũi tên đặt vào dây và bắn về phía giặc.
Tên giặc nào qua khỏi lửa là bị tên nhào xuống chết ngay làm những tên đi sau sợ hãi không dám sấn tới nữa.
Bạch Phượng cho quân kéo lui xong, nàng nhìn lại thì thấy Từ Sinh đứng bắn giặc với hơn mười ba tướng hộ vệ, nàng nói mau:
- Ta lui cho rồi.
Chu Kiệt lúc ấy thấy quân mình vừa nổi tinh thần lại kém đi, anh ta bừng giận nên thét như sấm, cầm khiên cầm giáo phóng ngựa ngang rừng lửa tới trước và hò quân kéo theo tức thì toàn kỵ mã ở sau tràn tới như nước vỡ bờ.
Từ Sinh khen thầm anh ta can đảm nên hối bộ tướng bắn, nhưng họ đã hết cả tên mà chàng cũng hết.
Bạch Phượng lo sợ nói:
- Chạy mau còn kịp.
Vừa lúc đó quân giặc tràn tới, chúng bắn tên như cào cào bay về phía mọi người.
Bạch Phượng rú lên vì một mũi tên của giặc ghim vào yên ngựa nàng. Nàng nói:
- Nguy quá! Ta bỏ ngựa chạy bộ vào rừng là hơn, chạy ngựa chúng trông rõ lắm. Còn núp đây lại càng nguy hơn.
Từ Sinh lạnh lùng không nói, chàng nhổ mũi tên ghim trên yên ngựa của Bạch Phượng đặt vào dây cung rồi bắn một phát về phía tướng Chu Kiệt.
Bọn hạ tướng của chàng kêu lên tỏ sự mừng rỡ vì Chu Kiệt bị tên nhào xuống ngựa. Toàn quân hắn sợ hãi xúm lại vực chủ tướng lên.
Từ Sinh vẫy tay ra hiệu và phi ngựa vụt chạy nhanh, bọn hạ tướng chạy theo sát bên chàng nhờ cơ hội ấy.
Trên đường về Từ Sinh bảo Bạch Phượng:
- Hôm nay ta toàn thắng. Đốt tan cả trại tướng Hoàng Thành, giết quân lính hắn như phát rạ. Kho khí giới bị ta cướp khá nhiều, phần bị đốt cháy tan.
Bạch Phượng khen chàng:
- Tướng quân đáng bực lương tướng. Giặc sẽ chú ý đến bọn ta mà quên Bình Định Vương. Nhờ đó ông ta đủ thì giờ chỉnh bị lực lượng lại.
Nàng hỏi:
- Ta có chiếm được kho lương không?
- Tiếc là không làm kịp vì quân giặc đông như kiến. Chúng gấp mấy chục lần ta nên đành phải đốt kho lương ấy.
Bạch Phượng tiếc rẻ:
- Uổng quá. Vì ta chuyển vận được một mớ cũng đỡ cho ta.
Từ Sinh cười và nói:
- Chúng ta thắng giặc nhờ thình lình chứ không đủ sức lập trận chiến với chúng đâu. Bây giờ giữ yên căn cứ cũng là một việc khó khăn lắm. Khai chiến một lần như vậy là bọn chúng căm thù ta đến bực nào.
Gần cuối giờ Sửu, Từ Sinh mới về đến đại trại, chàng thấy đủ mặt các phó tướng, họ đang chờ chàng về.
Từ Sinh, Bạch Phượng và Ngôn đi ngay vào quan trướng cùng họp với mọi người Vịnh đứng lên nói:
- Chúng ta phá giặc một trận oanh liệt như thế, chắc chắn chúng sẽ trả thù ta.Vậy chư vị tướng quân có mưu kế gì giữ vững đoàn nghĩa quân ta?
Mọi người im lặng một lúc, không ai nói gì cả.
Từ Sinh nói:
- Tham mưu trưởng hỏi vậy, anh em ta ai có mưu mô gì chăng?
Nguyễn Lộc đứng lên nói:
- Tôi có ý kiến nầy:ngay bây giờ ta gởi thư cho tướng Trần Nhuế, Lê Ngã, Nguyễn Đặc, Đa Cấu, Công Chứng, Lê Hành xin họ khởi quân đánh ngay. Như vậy quân giặc bị hại khắp nơi, không thể đưa mũi nhọn ngay ta được và ta cũng lừa cơ đánh chúng làm tổn hại giặc thêm.
Từ Sinh nghiêm trang đáp:
- Chính tôi đã mạn phép anh em gởi thư cho các tướng ấy và nhờ họ khởi quân rồi. Chắc nay mai ta sẽ có tin ấy. Nếu họ cũng khởi quân thì lực lượng của giặc bị tản mác. Như vậy Bình Định Vương mời có thể ở yên Lữ Sơn mà chỉnh đốn binh mã chờ ngày khởi chiến.
Nguyễn Đạt lại hỏi:
- Thế là xong việc đỏ, nhưng còn việc ta thì sao? Ta làm y như kế hoạch định trước?
Từ Sinh gật đầu và hỏi:
- Tôi không thêm gì cả, nhưng anh em có ai muốn thay đổi kế hoạch.
Không ai nói gì cả, chỉ một mình Bạch Phượng lên tiếng:
- Theo tôi nghĩ kế hoạch cũ chu đáo lắm rồi. Bọn giặc không làm sao vào đây được.Ta sợ là một điều nầy...
Lê Phong hỏi ngay:
- Cô nương ngại điều chi?
- Tôi e giặc độ chừng căn cứ ta ở đây là chúng sẽ phong tỏa ra. Nếu chúng tuyệt đường đi lại của ta thì làm sao ta mua thêm lương thực cùng chuyển vận kim khí để đúc khí giới?
Mọi người đều thấy nàng lo như vậy là đúng, nhưng Từ Sinh bảo:
- Ngày nay ta đã sống ngần người nầy, năm nầy qua năm nọ. Ta đủ đất trồng trọt mà sống. Anh em yên tâm điều đó. Nhưng dù sao ta cũng phải cố len lỏi ra vùng giặc để liên lạc với người của ta và cứ giặc hở ra là ta tiến đánh ngay. Địa thế nầy dù chúng có thiên binh vạn mã cũng không làm sao vào đây được. Một người chúng ta núp trong kẹt đá bắn ra độc đạo thì giặc cũng không làm sao tiến được.Ta ở yên lấy khỏe cự mệt, cứ thủ hiểm thì chúng chẳng làm chi ta nổi.
Nguyễn Đạt nói thêm:
- Nhưng chúng ta phải về, có lý nào ở mãi rừng sâu nầy mà lập nghiệp: nếu giặc hở ra là ta tiến đánh, khi nào có đủ sức thì ta sẽ chiếm châu Trà Long nầy làm căn cứ.
Nguyễn Lộc gật đầu nói:
- Phó tướng nói phải, nhưng quân ta hiện nay không hơn ba ngàn tinh nhuệ, còn giặc có đến gần hai chục vạn thì ta làm gì nổi. Phải tất cả các nơi hợp sức lại đánh mới nổi và chúng ta chọn trong những vị tướng khởi nghĩa người nào có đủ tài đức mà tôn lên làm minh chủ để theo một đường, nghe một lịnh mới thành sự được Nếu kế hoạch của ai nấy làm thì ta yếu lắm, chống sao nổi một toán quân giặc, nhưng tất cả các đoàn nghĩa quân đều hợp sức thì thành công được.
Bạch Phượng nói mau:
- Theo tôi xét thì còn ai hơn Bình Định Vương nữa mà chọn cho thất công.
Nhà Vương có lực lượng lớn và có thế chống lại nổi với giặc. Nếu kẻ thắng giặc, cầm đầu trong nước Nam ta cũng phải là Lê Lợi chứ còn ai nữa.
Mọi người đều tản thành ý đó nên nói:
- Cô nương Bạch Phượng nói đúng lắm. Bình Định Vương có thể thống lĩnh hết các đạo nghĩa quân quét sạch lũ giặc.
Từ Sinh nói ngay:
- Nếu vậy từ đây chúng ta nên theo lệnh của người chăng?
Vịnh nói lớn:
- Theo ngay quyết là không? Hãy đợi lúc gần người đã, xem người hành động thêm điều gì cho ta thấy rồi sẽ theo cũng chưa muộn. Nếu ta để người chỉ huy ta ngay bây giờ e quân lính không phục mấy vì chúng không rõ thế lớn trong thiên.
Từ Sinh tán thành ý đó:
- Phải lắm ta nên chờ cho quân lính hiểu rõ rồi sẽ theo người cũng chưa muộn gì? Bây giờ ta cứ hành động theo sự hiểu biết của ta cũng được.
Bạch Phượng mừng thầm vì công mình đến đấy cũng không uỗng vì nàng đã đem về cho chúa mình một đoàn quân và một nhóm võ tướng kiêu hùng.
Từ Sinh bảo mọi người:
- Bây giờ việc đã xong, chúng ta đi nghỉ.
Mọi người chia nhau về phòng riêng.
Từ Sinh và Bạch Phượng trở lại tư trại vì chàng vời nàng ở chung một trại.
Hương Lan đón hai người với sự vui mừng, nàng nói như sung sướng vô cùng:
- Hai em làm chị vui vô hạn. Trận hôm nay vẻ vang cho ta biết bao.
Từ Sinh thấy mâm trà trên bàn, chàng hiểu chị mình lo cho mình nên bảo Bạch Phượng:
- Ta uống chén nước nóng rồi đi nghỉ.
Từ Sinh uống chén nước và chào chị rồi vào phòng thay chiến bào đẫm đầy máu giặc. Chàng đeo gươm đoản rồi đi ngả sau ra phía trại.
Bây giờ quân lính canh phòng nghiêm nhặt, tiếng mõ canh, tiếng hô khẩu hiệu vang trong đêm lạnh lùng.
Trời khuya lắm, sương xuống thấm ướt có cây, sáng đẫm dưới ánh trăng huyền ảo.
Từ Sinh đi vòng trại xem quân canh có cẩn mật không, chàng thấy quy tắc canh gác của quân lính rất hay, rất cẩn mật nên yên lòng trở về trại lính.
Sau một trận chiến to tát, quân lính có rất nhiều người bị thương tích, dù họ không ra giáp chiến với giặc như các trận khác.
Những người bị thương được săn sóc cẩn thận, họ nằm trong trại xung quanh có rất nhiều lương y chữa cho họ.
Từ Sinh vào trại hỏi thăm từ người và xem các lương y có săn sóc chu đáo cho quân lính chăng?
Chàng ngạc nhiên khi thấy Bạch Phượng có mặt trong trại ấy. Chính nàng, giúp các vị lương y săn sóc thương tích cho quân lính.
Từ Sinh cảm phục nàng, chàng hiểu nàng là người tận tụy với bổn phận, quên cả nhọc mệt sau cơn chiến trận mà đi săn sóc quân sĩ bị thương để nung lòng họ.
Lại có cả Hương Lan đang băng bó cho quân lính nơi góc trại khiến Từ Sinh mỉm cười sung sướng vì người thân của mình không là người xấu.
Bây giờ công việc tạm yên, Từ Sinh cùng Bạch Phượng về tư trại trước. Hai người bước đi dưới ánh trăng mờ, lòng vương vấn nỗi tình chan chứa.
Bạch Phượng nhìn chàng bằng đôi mắt âu yếm như phát lộ sự yêu đương thầm kín bấy lâu, làm chàng bối rối khác thường...
Bỗng Bạch Phượng hỏi:
- Anh không mệt sao?
- Tôi là đàn ông mạnh khỏe mà mệt gì? Chỉ ngại cho cô bị mệt vì làm việc quả sức.
Bạch Phượng bảo chàng:
- Ngày xưa có lúc em lặn lội trong rừng sâu nguy hiểm suốt đêm còn không ngại gì mệt huống chi ngày nay lâu lâu mời xông pha một ngày nào mệt gì đâu.
Nàng tiếp:
- Ân huynh phải nghỉ ngơi mới được. Làm việc quả sức như vậy có ngày đau yếu là phiền và thiệt hại cho cả đoàn nghĩa quân.
Từ Sinh cười, chàng nói:
- Tôi ít khi đau yếu nhờ xưa nay cực khổ đã từng quen cô ạ!
Đi gần đến tư trại, Bạch Phượng bảo chàng:
- Trời đẹp quá, ngoài vườn mấy khóm hoa chắc đã nở rồi.
Nàng vui vẻ nói:
- Em trồng mấy khóm Bạch Lan đẹp lắm. Anh muốn xem chăng?
Từ Sinh đáp khẽ:
- Đêm khuya lắm rồi. Còn một trống canh nữa là sáng. Ta nên nghỉ chứ cô đã mệt rồi.
- Em muốn đưa anh đi xem hoa rồi ta sẽ đi nghỉ cũng chưa muộn. Em có một chuyện riêng cần bàn với ân huynh.
Từ Sinh vào cổng trại và cùng Bạch Phượng đi lần ra vườn.
Trời đêm vắng lặng ánh trăng mơ màng soi những lá hoa ướt đẫm sương đêm như tràn nhựa sống.
Bạch Phượng đi bên cạnh chàng, nàng im lặng, nét mặt có vẻ buồn lạ thường như có tâm sự gì đau khổ.
Tự nhiên lòng Từ Sinh nao nao, chàng hỏi:
- Cô có chuyện buồn chăng?
Bạch Phượng dừng lại dưới tàng cây, nàng nhìn Từ Sinh trên đôi mắt đẹp tuyệt vời hai dòng lệ ứa ra.
Từ Sinh bối rối nói:
- Cô nương chớ làm thế.
Bạch phượng lau nước mắt mà nói:
- Ở đâu ai cũng nhận chúng ta rất thân với nhau và sự thật lòng em cũng thế ân huynh ạ! Nhưng em thấy ân huynh như không thương em.
Từ Sinh hiểu sự khổ tâm của nàng nên nói:
- Cô nương chớ hiểu lầm. Từ Sinh nầy bao giờ cũng quý mến cô nương như người bạn thiết.
- Đến ngày nay mà ân huynh vẫn không coi em là một tiểu muội, cho đến cách xưng hô cũng thế. Em tủi thẹn với mọi người và cảm thấy anh không thương em nên định giã từ ân huynh để đi nơi khác.
Nghe đến nàng đi, Từ Sinh như mất một thứ gì quan hệ cho đời sống, chàng nói mau:
- Chớ nghĩ quấy, tôi bao giờ cũng quý cô nương nhưng không lẽ bộc lộ ra e chúng bạn cười. Nhưng tại sao cô lại nói như thế trong hôm nay và đòi bỏ đi.
Bạch Phượng buồn bã đáp:
- Vì chiều nay trước khi giáp trận, đại huynh còn nghĩ đến Lam Hà, còn nghĩ đến nàng nhiều hơn ai hết. Chính ân huynh lo cho tính mạng nàng dù nàng phản bội chúng ta, trong khi ân huynh không lo cho ai dù em xông pha ra trận mạc.
Từ Sinh bây giờ mới thấy rõ đàn bà dù sao cũng còn một chút nhỏ nhen và tự ái, dù kẻ ấy là một kẻ cầm gươm lên ngựa. Bản tính của họ là thích người khác nghĩ đến mình và ích kỷ trong tình thương yêu.
Sự thật ngày nay Lam Hà chỉ còn một hình bóng trong lòng chàng, chàng không còn bao giờ nghĩ đến sự cùng nàng nối lại tình duyên dang dở. Chàng lo cho Lam Hà bị nguy trong khi hai bên giáp chiến cũng chỉ vì nghĩa mà thôi.
Bạch Phượng hiểu lầm mà sanh ra nghi ngờ chàng.
Nghĩ vậy Từ Sinh nghiêm trang bảo nàng:
- Chúng ta xả thân vì nghĩa vụ thì còn nghĩ gì đến ta nữa. Tôi lo cho Lam Hà là vì nghĩa mà thôi vì chính nàng giúp cho ta nhiều việc lớn. Nàng đã làm lộ cơ mưu Hoàng Thành cho ta làm hắn không nhìn được, nghĩ được sáng suốt nên ta mới hoạt động mạnh được, nàng chỉ có một tội phản bội một mình tôi mà thôi, chứ vẫn có công với dân.
Chàng cười và tiếp:
- Nhưng cô nương xét cho nàng điều nầy. Nàng không cùng tôi có một lời hứa nén nào, nàng đi lấy chồng thật ra không lỗi chi với tôi cả.
Bạch Phượng nghiêm mặt bảo chàng:
- Nhưng dù sao Lam Hà cũng là người có lỗi. Ta tha cho nàng, nhưng không nên nghĩ đến như xưa nữa.
Từ Sinh đáp ngay:
- Tôi nói thật, nàng có giết Hoàng Thành trở về đây, tôi cũng không bao giờ lấy nàng làm vợ. Cô nương chớ hiểu lầm. Tôi yêu những người con gái can đảm, đáng sống đủ cả phương diện, chứ không thế nào yêu người yếu đuối như Lam Hà. Tình nàng đã chết trong lòng tôi từ thuở nàng về làm vợ Hoàng Thành. Tôi còn nhớ hôm tôi đến đưa nàng đi, nàng không can đảm đi tức là nàng nhận là kẻ phản bội tôi kia mà. Dù hiểu rõ hoàn cảnh nàng, tâm lý nàng, nhưng tình tôi đã chết cùng ngay từ thuở ấy.
Chàng cười và nói:
- Lam Hà vì yếu đuối sợ sệt, không chịu tranh đấu nên nàng làm mất cuộc đời.Đời nàng đen tối cũng do nàng làm ra.
Bạch Phượng hả lòng, nàng nói:
- Ân huynh nói phải. Lam Hà tự làm mất đời nàng. Lẽ ra nàng phải rời dinh tên giặc kia khi ân huynh đến đón.
Từ Sinh hạ nhỏ giọng:
- Chúng ta hiểu nhau rất nhiều và kính mến nhau, ta sẽ vui vẻ với nhau sau này như ngày nay cô ạ! Chớ hiểu lầm mà buồn vô ích.
Bạch Phượng sung sướng nàng thầm nói:
- Sao ân huynh không gọi em là em. Em không đáng làm em đại huynh sao?
Từ Sinh nhìn nàng, chàng thấy rõ lòng yêu của nàng đối với mình đậm đà và bộc lộ quá rõ rệt. Nàng là một cô gái đức hạnh, kín đáo đến nay nàng tỏ như thế thì nàng đã yêu chàng vô cùng.
Từ Sinh không khỏi rung động trước người thiếu nữ đẹp đức hạnh, tài năng hoàn toàn. Chàng nghĩ đến ngày nàng là vợ mình và sung sướng cảm động, tự thấy mình có diễm phúc.
Rồi chàng nghĩ đến ngày xưa tình chàng yêu Lam Hà là do hoàn cảnh gần gũi gây nên. Chàng thương nàng trong cơn hoạn nạn và dần dần đến tình yêu tự nhiên của thời mơ mộng nẩy nở, chứ thật ra chàng không nghĩ đến khi thành đôi vợ chồng, chàng và nàng sẽ ra sức sống bên nhau.
Từ Sinh thấy mình sẽ khổ nếu lấy Lam Hà làm vợ, nàng sẽ làm chàng lụt chí và sẽ khiến chàng yếu đuối dần.
Bạch Phượng thật xứng đáng. Nàng quả là một người đáng với chàng, chỉ sợ chàng không xứng với nàng thôi.
Bạch Phượng bỗng nói bằng giọng dịu dàng:
- Em mong ân huynh nghĩ đến em vì em ngày nay mồ côi cha mẹ, chẳng còn ai là người thân yêu ngoài ân huynh ra.
Từ Sinh biết Bạch Phượng không mến Lam Hà vì Lam Hà lấy Hoàng Thành làm chồng trong khi Hoàng Thành là kẻ thù giết hại chú nàng. Nàng thù Hoàng Thành tận xương tủy và ghét luôn những ai thân hắn, nhứt là một thiếu nữ nước Nam thất thân với hắn nàng lại càng oán ghét hơn ai hết.
Chàng khẻ nói:
- Tôi bao giờ cũng kính mến cô. Chúng ta không cần phải oán ghét kẻ khác làm gì. Đành rằng Hoàng Thành là kẻ thù của ta, nhưng tôi khuyên cô không nên ghét kẻ vì hoàn cảnh mà theo hắn.
Bạch Phượng không nói gì, nàng đứng im, mắt nhìn ngàn cây rừng đứng im dưới trời ngoài vòng rào đại trại. Lòng nàng lâng lâng nỗi tình khác lạ, những cảm giác êm đềm làm xao xuyến tim nàng. Hồn nàng mở rộng như đón rước hương vị tình yêu tràn ngập.
- o O o -
Hoàng Thành ngồi giữa công đường, xung quanh là các bộ tướng và các tay mưu sĩ.
Hoàng Thành cất tiếng nói:
- Các ngươi nghĩ sao về việc đoàn nghĩa quân bí mật đó?
Không một ai trả lời làm Hoàng Thành nổi giận, hắn nhìn Tần, và thét to:
- Ngươi cũng không biết hay sao?
Tần kinh sợ, móp sát đất, kêu van:
- Bẩm tướng quân, kẻ hèn nầy quả tình không rõ đoàn nghĩa quân ấy ở đâu.
Hoàng Thành tức tối nói:
- Bọn mi thật vô dụng. Cả năm chỉ lo có việc ấy mà không xong. Đến khi chúng tràn tới tấn công quân ta mà chẳng tên nào biết trước. Ta còn dùng bọn ngươi làm chi nữa.
Tần kinh sợ kêu luôn miệng:
- Trăm lạy tướng quân tôi cố sức tìm cho ra manh mối, nhưng bọn nó kín đáo quá nên chưa tìm được. Có lẽ bọn nó từ xa đến đánh và kéo lui rồi.
Hoàng Thành càng giận dữ, hắn quát to:
- Khốn nạn cho mi, mau mau lui ra. Ta hẹn cho ngươi ba ngày phải tìm cho được tông tích bọn quân binh ấy. Nếu không chớ trách ta sao độc ác? Ta sẽ chặt đầu ngươi vì ngươi vô dụng.
Tần sụp lạy và dạ dạ rồi lui ra ngoài. Còn Hoàng Thành hỏi các tướng:
- Các ngươi nghĩ sao?
Một tên mưu sĩ nói:
- Thưa tướng quân theo tôi tướng quân giặc ẩn núp rừng sâu. Bây giờ ta cho quân do thám để biết chỗ quân giặc ở rồi kéo quân vào diệt chúng là xong.
Hoàng Thành cười gằn nói:
- Ta sai cả mấy chục tên do thám đi rồi, nhưng bọn nó không về được tên nào cả. Có lẽ chúng bị ám sát cả rồi. Bọn nầy quả lắm. Ta mà rõ chúng ở nơi nào thì ta quyết làm cho nó tận tuyệt chẳng còn lấy một tên nào cả.
Vừa lúc đó có tên quân mang vào cho Hoàng Thành một bức mật thư, ông ta xem xong liền nói với các bộ tướng:
- Sắp đặt canh gác trại cho cẩn mật và sắp cho ta một vạn quân tinh nhuệ ngay lập tức.
Nói xong Hoàng Thành đứng ngay dậy và lui vào hậu dinh.
Bấy giờ Lam Hà đang ngồi trong phòng thấy Hoàng Thành vào mà gương mặt còn tức giận nên hỏi hắn để dò xét:
- Phu quân sao có vẻ giận như vậy?
Hoàng Thành cười và đáp:
- Có gì đâu. Ta không bằng lòng bọn bộ tướng vô dụng của ta.
Lam Hà nghi ngờ có điều gì bí ẩn mà Hoàng Thành giấu mình nên hỏi thêm:
- Tướng quân định đi à? Thiếp ở nhà một mình sao?
Hoàng Thành ôm nàng tỏ vẻ thương yêu và nói:
- Ái nương chớ lo. Ta đi và về ngay ngày mai đây. Phải tiểu trừ quân nổi loạn mới yên được.
Lam Hà vờ hỏi:
- Quân nổi loạn nào, chúng ở đâu mà tướng quân phải đến đó.
- Bọn nổi loạn ngày nay khắp các nơi ái nương ạ! Khắp châu Trà Long nầy đã có bao nhiêu nơi nhưng quân ta dẹp gần xong cả rồi. Nay đem mười ngàn binh tinh nhuệ tiến đánh một đoàn quân tấn công ta hôm nọ và tiểu trừ chúng tận gốc thì vùng Lam Giang nầy mới yên. Các nơi đều nổi loạn nếu ta không ra sức thì sao cho chóng xong việc lớn. Dẹp xong loạn nầy thì đến hồi mồ mả cha ông ta phát lộc là ta lên làm vua nước Nam thì nàng sẽ là Hoàng hậu.
Lam Hà lo sợ cho Từ Sinh bị nguy, vì giặc vào bất ngờ, nàng vờ gọi thị tỳ vào.
Cô thị tỳ chính là cô bé Tâm người con gái đã bị giặc hãm hiếp, đánh đập cha mẹ cô. Chính cô còn bị giặc toan làm nhục lần thứ hai nơi chùa Bửu Minh, nhưng nhờ Bạch Phượng giết giặc cứu thoát nên cô tình nguyện theo giúp đoàn nghĩa quân để giết giặc trả thù.
Cô giữ việc đem tin quan hệ cho nghĩa quân nên sư cụ Bửu Minh cắt cô vào hầu hạ phu nhân Hoàng Thành để lấy tin cho chóng.
Bây giờ cô cúi chào và chờ lệnh.
Lam Hà truyền:
- Ngươi ra đem vào đây mâm rượu để ta tiễn tướng công ra trận nhé?
Tâm dạ dạ và lui ra và chỉ một lúc sau cô đem trở vào một mâm rượu đặt trên bàn rồi lui ra đứng ngoài cửa.
Lam Hà rót rượu, nước mắt nàng chảy xuống má vì đau đớn lo sợ cho mọi người, nhưng Hoàng Thành tưởng lầm nàng lo sợ cho mình nên vuốt ve nàng rồi an ủi:
- Ái nương chớ lo. Ta ra trận là thành công. Xưa nay có ai hơn ta đâu. Vả lại mệnh trời phò hộ ta, nào ai làm chi ta nổi.
Lam Hà dâng rượu cho Hoàng Thành và nói:
- Xin tướng quân giữ gìn quý thể và mau mau về cho em yên lòng.
Hoàng Thành cười và nói:
- Ta về mau chứ ở lâu làm gì. Ta thương nhớ ái nương không thể xa lâu được.
Lam Hà lại rót rượu.
Hoàng Thành uống một lượt ba ly nên đã ngà ngà liền nói:
- Ta lên đường. Ái nương yên lòng vì ta về sớm.
Nói xong hắn vuốt ve nàng rồi lui ra khi mang gươm vào lưng.
Lam Hà gọi to thì Tâm chạy vào, nàng bảo nhỏ:
- Mau mau đến cho sư cụ Bửu Minh hay Hoàng Thành sẽ đem mười ngàn quân đến đánh nghĩa quân. Hãy lo liệu cho chóng kẻo mang hại.
Tâm dạ dạ và lui ra, rồi làm như vâng lệnh phu nhân Hoàng Thành nàng lấy xe đi thẳng.
Tên đánh xe nguyên là nghĩa quân nên hiểu ngay chuyện đại sự nên đánh xe như bay đến những nơi mà Tâm muốn đến, rồi trở về thì thấy quân lính đã rần rộ kéo ra đại trại.
Tướng Hoàng Thành ngồi trên tuấn mã có mấy mươi bộ tướng hộ vệ chung quanh.
Đoàn quân giặc rần rộ lên đường.
Được tin bí mật, sư cụ Bửu Minh lật đật cho người phi báo cho Từ Sinh ngay.
Còn Từ Sinh hay được tin ấy chàng vội đánh trống báo động cho khắp các trại đến đại trại để nghe tướng lệnh.
Từ Sinh thấy các tướng đến một lượt, chàng nói to:
- Quân giặc đem mười ngàn quân tinh nhuệ đến đánh ta. Anh em có mưu kế chi chăng?
Nguyễn Đạt nói ngay:
- Quân ta đã phòng giữ các nơi hiểm yếu. Dù giặc có vào cũng không làm chi ta nổi. Tôi xin cùng một tướng nữa đem một đội quân ra phục nơi truông Suối Nứa để phá giặc lúc chúng chưa đi sâu vào nội địa của ta.
Từ Sinh đáp ngay:
- Tướng quân tính vậy cũng phải. Vậy có ai theo tướng Nguyễn Đạt chăng?
Huỳnh Phúc lên tiếng:
- Tôi xin giúp tướng Nguyễn Đạt.
- Vậy xin đi ngay. Tôi sẽ đem quân tiếp ứng và đánh ngang hông kẻ địch.
Đại tướng được lệnh lui ra ngoài rồi điểm binh kéo đi khí thế hăng hái làm sao.
Còn Từ Sinh hỏi những người còn lại:
- Anh em còn kế chi nữa chăng?
Nguyễn Lộc nói:
- Phần tôi phục binh chận nơi giặc chạy về mà đánh. Nếu ta đánh không nổi tiền quân chúng thì nổi hiệu pháo lên, tôi sẽ đem quân đánh mặt sau chúng để cứu ứng. Hai đầu đánh dồn lại thì chúng khó mà chống cự cho lại, như thế có thể thành công được.
Từ Sinh gật đầu nói:
- Tướng quân có lý lắm. Vậy nên đi nhanh cho kịp vì có lẻ Hoàng Thành ra quân rồi.
Nguyễn Lộc ra ngoài chạy một mạch về trại và kéo quân đi như chớp nhoáng.
Bây giờ Từ Sinh hỏi:
- Anh em còn mưu gì nữa chăng?
Lê Phong nói:
- Như thế tạm xong. Chúng ta nên thêm quân tiếp ứng cho hai đạo quân vừa rồi và đem một đạo quân đánh ngang hông giặc chia chúng ra làm hai thì chúng tài nào thoát khỏi.
- Vậy tướng quân yên lòng. Chính tôi sẽ cầm đạo quân tiếp ứng đỏ.
Bây giờ Vịnh mới nói:
- Tất cả kế sách đó đều là phương pháp ngăn giặc mà thôi, không phải là kế vạn toàn.
Ngôn nhìn Vịnh và hỏi:
- Tham mưu có kế chi hay chăng?
Vịnh nhìn mọi người và đáp:
- Theo tôi bây giờ phải có một người thuộc đường lối Lam Thôn về chỉ huy những tổ chức của ta trong thôn kéo đến vây quanh trại giặc mà tấn công khi quân giặc chiến đấu với ta. Như vậy dù chúng có thắng ta đi nữa cũng phải kéo về giữ nơi căn bổn thì ta thừa thế đuổi theo mời là thượng kế.
Bạch Phượng nói ngay:
- Đấy là kế vạn toàn, phải thi hành ngay.
Ngôn nói:
- Tôi xin lãnh việc ấy.
Từ Sinh bảo:
- Tướng quân am hiểu đường lối và là thủ lãnh đoàn quân trong thôn thì dễ mà hành động. Vậy tướng quân đem năm trăm kỵ binh tinh nhuệ và cố đánh cho mạnh khi nghe pháo nổ hai chập và pháo liên châu là kéo lui ngay vì giặc trở về. Ở lại sẽ bị nguy vì chúng sẽ nội công ngoại kích quân ta. Phải tiến cho nhanh, thoát cho chóng thì mới bảo vệ quân ta được.
- Tôi sẽ làm xong.
Vịnh nói mau:
- Việc làm của tướng quân tuy vậy mà khó khăn vô cùng. Sơ sẩy một cùng là hỏng cả việc lớn. Phải có một người mưu trí giỏi theo giúp mới xong. Tướng quân tánh nóng e lầm kế dụ địch của giặc.
Vịnh nói thế, nhưng khi nhìn quanh không thấy còn một ai nữa nên không biết làm sao.
Từ Sinh nhìn Vịnh và nói:
- Việc nầy nhờ Tham mưu giúp sức mới xong cho. Phần tôi phải ở lại để chống với tướng Hoàng Thành. Trận nầy nên công lớn là nhờ ở Tham mưu, xin người gắng sức một phen.
Vịnh gật đầu đáp:
- Nếu không còn ai thì tôi xin đi cùng phó tướng Ngôn để làm việc ấy. Tôi khuyên tướng quân một điều là phải hết sức đề phòng chớ xem thường Hoàng Thành mà nguy. Hắn là một tay thiện chiến và mưu mô vô cùng. Tôi muốn ở lại giúp tướng quân vì việc ấy. Nay đã thiếu người chỗ cần thì tôi xin đi vậy.
Bạch Phượng nói mau:
- Tham mưu yên lòng đi. Có tôi đây, tôi sẽ theo giúp tướng quân Từ Sinh, vì tôi đã mấy lần xáp chiến cùng Hoàng Thành tôi biết rõ tánh tình và mưu mô của hắn lắm.
- Vâng, tôi yên lòng tin cô nương. Hãy cố cho thành công. Hôm nay ta bại trận là tan cả đó Phải hết sức đề phòng mới được cho.
Ngôn gắt Vịnh:
- Đi cho chóng, nói thế đủ rồi.
Vịnh chưa an tâm còn dặn thêm:
- Tướng quân phải cẩn thận. Mười ngàn quân tinh nhuệ của giặc không phải là chuyện chơi. Nếu chúng chia ra làm ba bốn chặn mà tiến thì khó đánh, phải khéo mới xong.
Vịnh nói rồi mới cùng Ngôn ra ngoài và kéo đoàn kỵ binh đi đường tắt chạy về Lam thôn.
Cắt đặt đâu đó xong xuôi, Từ Sinh quay sang hỏi Bạch Phượng:
- Cô nghĩ sao?
- Chúng ta hy vọng thắng giặc mười phần, nhưng tướng quân nên truyền lệnh cho các tướng chớ khinh thường Hoàng Thành mà nguy. Chính em ngày trước bị nguy vì hắn, nhờ anh cứu em thoát chết nên em nhớ lắm.
Nàng cười và tiếp:
- Hôm nay cừu nhơn gặp cừu nhơn. Em sẽ cố hạ sát tên tướng giặc tham tàn ấy rồi sẽ tìm đến Chu Kiệt nữa là xong.
- Cô thù oán như vậy không nên. Tên giặc nào cũng là kẻ thù của ta cả.
Từ Sinh ra ngoài cùng Bạch Phượng và toán hộ vệ lên đường.
Ngồi trên lưng ngựa, Từ Sinh bảo mấy người lính hộ vệ phi ngựa đến bảo các tướng hãy cố giữ, chớ khinh thường giặc mà nguy.
Chàng quay sang bảo Bạch Phượng:
- Từ ngày nầy giặc đã rõ ta ở đâu. Chúng ta khó yên tâm như ngày trước.
Bạch Phượng quả quyết nói:
- Dù sao chúng cũng không làm chi nổi ta, nếu ta thủ hiểm và rình ra đánh lúc chúng bất phòng.
Vừa lúc đó một người phi ngựa thật nhanh từ phía trước đến và giật cương ngừng lại ngay trước mặt Từ Sinh và nói:
- Thưa tướng quân, giặc đã ra khỏi trại và kéo về cánh rừng. Chúng theo đường truông lớn để đến ta.
Bạch Phượng cười và nói:
- Hoàng Thành thông binh pháp lắm. Lẽ nào hắn chịu đi độc đạo kìa! Nàng hỏi:
- Giặc kéo đi như thường à?
- Dạ không, chúng đi đến đâu thì có bọn tiền đạo phá rộng đường xá cho xe ngựa đi. Khó mai phục gần được vì giặc cho quân do thám rất kỹ.
Từ Sinh bảo ngay:
- Anh giỏi lắm, thật đáng khen. Hãy đi làm phận sự. Nếu có tin gì xin lập tức cho tôi hay.
Tên quân do thám phi ngựa thật nhanh về phía giặc và mất hút đi.
Từ Sinh bảo Bạch Phượng:
- Quân giặc đi như vậy thì chúng đến chỗ phục binh của ta ít ra cũng đến sáng mai. Ta thừa thì giờ sắp đặt.
Bạch Phượng và Từ Sinh đến chỗ Nguyễn Đạt phục binh thì thấy quân lính núp rất khéo, dẫu quân giặc tài đến đâu cũng khó mà xét nổi. Vả lại nơi truông Suối Nứa sầm uất vô cùng, dù giặc có tài trời khi lọt vào đây cũng bị nguy.
Bạch Phượng bảo khẻ Từ Sinh:
- Quân ta quen việc phục binh lắm, Hoàng Thành sẽ bị thua phen nầy, nhưng theo em tưởng chúng ta nên phái một đạo binh đêm nay lén đánh nơi đóng quân tạm nghỉ của tướng Hoàng Thành còn hơn.
Từ Sinh cười và nói:
- Tôi tin đêm nay Hoàng Thành canh chừng nghiêm mật lắm. Ta không thể nào đánh nổi đâu vì lính ta đã ít còn phải chia ra năm bảy đội rồi. Vả lại ta cần giặc kiên thủ mới có lợi. Hãy để chúng ngủ yên và ngày mai chúng chịu chết cũng không muộn màng chi đâu. Hoàng Thành thông binh pháp lắm. Lẽ nào hắn để ta tấn công khi hắn đi vào nội địa ta sao?
- Nhưng quân lính hắn bị mỏi mệt đêm nay thì ngày mai chúng sẽ mệt mà không đánh nổi.
Từ Sinh nói ngay:
- Nhưng Hoàng Thành sẽ không đánh ngày mai nếu quân lính hắn mệt đêm nay. Có lẽ hắn cho gọi thêm quân và như vậy ta có thể bị nguy.
Chàng đi xem xét tất cả các nơi phục binh như kế hoạch định sẵn, truyền mưu lược cho những viên phó tướng thì trời đã gần tối.
Quân thám do luôn luôn về báo tin Hoàng Thành nên Từ Sinh hiểu quân giặc tiến gần đến nội địa của mình rồi.
Chàng trở về lên đỉnh núi Đôi ngồi nghỉ, trong khi quân lính ở khắp các nơi dùng lương khô và ngủ ngay tại chỗ phục binh chờ sáng.
Bóng đêm mù mịt phủ xuống núi rừng bí mật thâm u, Từ Sinh và Bạch Phượng đứng trên đỉnh núi Đôi và nhìn quanh, họ thấy ánh lửa trại của Hoàng Thành lấp lánh sáng.
Từ Sinh im lặng một lúc lâu, chàng nói:
- Hoàng Thành đem mười ngàn quân tinh nhuệ như thế đến đánh ta thì chỉ báo thù tuyệt hận của hắn to lắm. Trận phá trại, cướp dinh ngày trước làm hắn tức tối đến hôm nay. Trận nầy nếu ta không rõ trước là có thể bị nguy với hắn.
Bạch Phượng hỏi:
- Vị võ sư bận đi, còn ai ở trong dinh tướng Hoàng Thành mà cho ta hay tin tức?
Từ Sinh nhìn núi rừng một màu đen bao phủ, chàng khẽ đáp:
- Chính Lam Hà đã giúp ta, mà lần nầy không phải lần đầu.
Cả hai cùng im lặng, mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng.
Trong bụi cây tiếng chim rừng rúc những giọng buồn rợn rợn, thỉnh thoảng vài trận gió đêm lướt qua, cây rừng rùng mình xào xạc lá gieo vào không khí những âm thanh lạnh lẽo làm cô đơn kẻ đứng giữa núi cao rừng rậm cảm thấy mình nhỏ bé hơn, vũ trụ bí mật mênh mông đầy bí hiểm.
Bạch Phượng đứng gần vào Từ Sinh, giọng nói của nàng như không thoát ra cửa miệng:
- Đêm buồn quá.
Từ Sinh không đáp lại, chàng đứng yên một lúc và nói:
- Ngày mai nơi đây trường át chiến sẽ diễn ra. Khu rừng nầy sẽ nhuộm màu tử khí và giọng suối Nứa kia sẽ nhuộm máu kẻ tham tàn.
Bạch Phượng sờ chuôi gươm, nàng nói:
- Em phải so gươm cùng Hoàng Thành, quyết một mất một còn với hắn.
Từ Sinh lắc đầu bảo:
- Không nên làm vậy. Một khi hổ đã vào bẫy thì ai cũng có thể giết nó được cần gì đến kẻ giỏi. Vả lại xung quanh Hoàng Thành có cả trăm tướng cạnh khỏe mạnh tài giỏi ta xông vào đánh hắn là dại.
Bạch Phượng không dám cãi, nàng đáp:
- Anh bảo sao cũng là phải. Em đâu dám cãi lệnh trên. Nhưng em buồn là đến ngày nầy anh cũng chưa gọi em là em. Nếu một mai rủi chết đi em cũng còn ân hận vì chưa rõ lòng anh.
Từ Sinh cười, chàng nói:
- Ta còn sống lâu cô ạ! Không nên nóng nảy làm gì? Cô đổi tánh nhiều lắm đó.
Bạch Phượng thở dài nói:
- Có lẽ vì sống đơn độc một mình giữa rừng sâu, có lẽ vì đời em không còn ai là người thân yêu ngoài anh nên em nghĩ nhiều về anh. Chúng ta không thể nào xa nhau được anh ạ? Chúng ta cùng sống chết với nhau suốt đời.
- Tôi cũng mong ước được như thế, nhưng xét thấy không dám đèo bồng.
Tự nhiên hai giọt lệ trào ra khóe mắt Bạch Phượng, nàng sung sướng với hạnh phúc đầu tiên đến thình lình. Có lẽ nhờ canh núi cao rừng rậm giữa đêm buồn lạnh khêu gợi tình bí ẩn của chàng trai trẻ, có lẽ chàng cảm thấy ngày mai không định được nên không giữ được lòng mới thổ lộ nàng đôi chút.
Tiếng mõ canh trong trại như nhắc nhở cho hai người nhớ giờ khắc.
Từ Sinh bảo nàng:
- Chúng ta chia tay nhau. Cần phải yên nghỉ sớm để ngày mai còn bao nhiêu việc.
Bạch Phượng lui vào trại yên nghỉ, còn Từ Sinh đi một vòng quanh trại, xem lính canh gác ra sao rồi cũng vào trong nghĩ ngơi.
Rừng núi về đêm buồn âm u. Hơi lạnh lan tràn khắp chốn nhưng đoàn nghĩa quân dùng ngọn lửa lòng yêu nước sưởi ấm tâm hồn chờ ngày mai đem máu đào nhuộm tươi non sông đất nước.
Lưỡi Gươm Cứu Quốc Lưỡi Gươm Cứu Quốc - Phi Long