There is no such thing as a moral or immoral book; books are well written or badly written.

Oscar Wilde, Picture of Dorian Gray, 1891

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 568 / 0
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ình về.
Mẹ vẫn ngồi bên bàn viết như lúc Bình đi, đầu hơi cúi xuống bên những trang giấy đầy kín chữ.
Có đêm, gần hai giờ sáng, giật mình thức giấc muốn uống nước Bình thấy mẹ vẫn con người bên bàn viết như lúc đầu hôm, dáng gầy và lưng hơi cong. Bình đem nước cho mẹ. Mẹ mỉm cười, nụ cười đã có vẻ mệt mỏi. Còn ba thì quát lên khi nửa đêm bước ra khỏi phòng ngủ lụng thụng trong bộ Pyjama kẻ sọc màu xanh với chiếc bụng to đàng trước. “Viết cái gì mà cứ viết hoài. Hơn hai mươi năm rồi, lập đi lập lại những chuyện cũ rích”. Cũ à? Bình không hề thấy cũ. Bởi lẽ những câu chuyện của mẹ đã xảy ra vào lúc Bình chưa chào đời, vào thời mẹ Bình còn là một thiếu nữ mười bảy tuổi, quàng tiểu liên trên vai, nép người chạy dưới hàng dừa ven sông. Cô gái thường vòi vĩnh anh Tư Thanh kéo những bè lục bình màu tím nhạt. Cho nên người ta thì là Ngọc Lan, là Cúc, là Lài, là Dạ Lý Hương, còn Bình lại là Lục Bình. Nguyễn Thị Lục Bình! Mộc mạc và đơn giản làm sao. “Nhưng con của mẹ vẫn rực rỡ như hoa hồng nhung buổi sáng”. Mẹ khen Bình song không phải vì lời khen của mẹ mà Bình tự mãn. Bình vui vì hoa lục bình là kỷ niệm của cả hai người cho dù bây giờ, hơn hai mươi năm, sau những tháng ngày gian khổ ấy ba và mẹ không còn hoà hợp nữa.” Viết một bài được bao nhiêu tiền, tôi trả cho. Đừng có ngồi viết nữa”. Ba đi làm về, thay bộ đồ thể thao đi đánh tenis, ba bực dọc gắt gỏng, mai mỉa khi thấy mẹ đang đọc lại những trang bản thảo. “Đi làm cả ngày đã mệt rồi về nhà nghỉ ngơi cho khỏe, tội gì cứ đầy ải đầu óc suy nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác. người lúc nào cũng như ở trên mây”. Ba nói thì Bình thấy hơi quá đáng nhưng Bình cũng phải nhìn nhận mẹ như một người ở tận đâu, xa, xa lắm, bị lạc đến trần gian. Lúc nào mẹ cũng như bâng khuâng ray rứt, trăn trở kiếm tìm trong cuộc sống hiện tại một điều gì đó mà mẹ đã đánh mất trong dĩ vãng. Có phải là quê ngoại có con nước khi lớn khi ròng? Có phải là bác Mười, chú Bảy, má Sáu, cô Tư… Những nhân vật luôn lảng vảng trong các câu chuyện của mẹ? Hết thảy đối với Bình đều lạ lẫm như con đường mới mở. Ngoại mất rồi không ai còn muốn về nơi đó nữa dù dòng sông vẫn còn đó, con nước thì sáng chiều vẫn lên xuống. quê nội thì còn xa hơn nữa. Ở tận cùng đất nước. Nghe mẹ nói thì Bình có được về năm lên ba tuổi. Ba bận, lúc nào ba cũng bận. Tết ba không về được, đám giỗ ba cũng không được về. Hôm rồi chú Út lên chơi ba đi thành phố họp cả tuần lễ, bỏ mặc ở nhà mẹ loay hoay mua quà và thuốc uống cho bà nội. “Anh Tư mỗi ngày một khác”.
Nghe chú Út nhận xét mẹ chỉ cười buồn. Ba vẫn thường chê mẹ lỗi thời lạc hậu. “Cái thời em còn mặc quần vải đen với chiếc áo bà ba sờn vai đến cơ quan gõ máy đánh chữ lọc cọc đó, qua rồi!” “Phải! đã qua nhưng không có nghĩa là người ta phải đánh mất quá khứ. Cái gì cũng có giá trị của nó trong một khoảng thời gian nhất định”. Mỗi khi hai người tranh luận ba thường là người bỏ đi. Không biết có phải vì mẹ nói đúng? Có lần ba có ý định nuôi một con chó ngoại nhưng mẹ và Bình quyết liệt phản đối. Về chuyện này mẹ và Bình có quan điểm giống như nhau. Không phải Bình ngại thêm việc cho mình, mua chó phải tốn một khoản tiền không nhỏ và mỗi ngày phải mất vài lạng thịt bò cho nó ăn. Ba cứ hăng hái chạy theo mốt thời thượng như chiếc bụng của ba đang tích cực cạnh tranh với đồng nghiệp. “Nếu không có chỗ tiêu tiền thì để khoản tiền đó cho tôi mang vào trung tâm bảo trợ xã hội”. Giằng co cả tháng thì ba thôi không nghĩ đến chuyện nuôi chó nữa. Phải chi với chuyện viết lách của mẹ ba cũng nhượng bộ thì hay biết mấy. “Bà muốn ám chỉ ai? Cái tay giám đốc tiêu cực trong chuyện của bà đó. Tôi đâu có thèm đọc truyện của bà nhưng người ta dí vào mặt tôi bắt tôi phải đọc. Liệu hồn…”. Ba về khuya say rượu, hùng hổ gây sự với mẹ. Ba ném tung bản thảo lên, những tờ giấy bay như bươm bướm rồi rơi xuống dưới chân ba. Như chỉ chờ có vậy, ba giẫm lên không thương tiếc kèm theo những lời rủa xả: “Cái nhà này đâu có sống bằng những đồng bạc nhuận bút của bà… Dẹp hết! Bà phải chấm dứt… Bà sẽ lôi tôi lên giấy, bà sẽ bán tôi…” “Anh tư Thanh!” Mẹ quát to trong khi hai hàng nước mắt chảy dài trên khuôn mặt tái nhợt. Ba hơi khựng người lại như vừa nhận ra mẹ gọi ai đó quen quen. Còn Bình, cùng lúc với hình ảnh tư Thanh vào sanh ra tử, sống chết không màng vụt như khói thuốc tan vào khoảng không mờ mịt. Lần đó, Bình ngồi lượm những tờ bản thảo cho mẹ mà rưng rưng khóc. Đêm thật lạnh! Trong nhà hầu như không ai muốn thở. Ba ngã vật xuống giường ngủ say như chết, mẹ lại ngồi bên bàn nhưng không viết và không cả bật đèn. Trong bóng tối, thỉnh thoảng Bình nghe có tiếng thở dài. Bình về phòng riêng, úp mặt xuống gối.
Rồi bỗng dưng mẹ chợt nhận ra chẳng biết từ lúc nào ba không còn to tiếng, cáu gắt nữa. Ba chỉ gườm gườm, chỉ hầm hừ khi đi qua mẹ. “Ba con lúc này thật dễ chịu”. Mẹ cười vui vẻ nói với Bình. Con Bình không thể vui được. Mẹ không biết từ lúc nào ba thôi không gây gổ nữa nhưng Bình thì biết. Từ buổi tối Bình bắt gặp ba chở một cô gái tóc ngắn, mặc áo hở vai, vòng tay qua bụng ba thật chặt. Cô ta có lẽ chỉ lớn hơn Bình vài tuổi. Sáng hôm sau, Bình sửa soạn đi học, ba xách chiếc cặp đen ra đến cửa vụt quay lại. “Con thích thứ gì nói ba mua?” “ Con chẳng thích gì cả!” Bình nghe giọng mình nhạt nhẽo khô khốc. “Chuyện tối qua…” Ba nói rất nhỏ có lẽ vì sợ mẹ ở trong phòng nghe thấy. “Ba yên tâm, con sẽ không nói gì với mẹ”. Bình nhìn ba như nhìn kẻ lở đường xin bát nước. Ba chắc lưỡi phân bua. “Chặc! Không có gì đâu! Không có gì! Hôm nào có dịp ba với con sẽ nói chuyện nhiều hơn…”.
Bình trở nên buồn bã. Mười tám tuổi! Bình cảm thấy không còn vô tư nữa. Năm nay là năm cuối của Bình ở bậc trung học. Mẹ đã có ý định sang năm đưa Bình lên thành phố vào Đại học. Mẹ sẽ sống sao đây khi ngôi nhà chỉ còn lại mẹ và ba? Đôi lần Bình cũng hỏi tại sao Bình im lặng, không nói gì với mẹ. Bình không biết, Bình không thể trả lời mình. Có đêm, Bình mơ thấy hai mẹ con đứng ở ven bờ trông theo bè lục bình đang trôi giữa dòng sông, trên đó có mấy bông tim tím. Mẹ và Bình đứng trong bóng hoàng hôn đến khi bè lục bình mất hút cuối dòng sông. Tiếc ngẩn ngơ, Bình bật khóc nức nở. Choàng tỉnh, nước mắt còn đầy trên má. Bình nghe tiếng ngáy đều đều của ba từ phòng bên vọng sang lẫn trong tiếng đồng hồ tích tắc. Bình yên tâm hơn khi nghe tiếng mẹ hắt hơi. Có lẽ đêm trở lạnh mà vì mải mê viết mẹ quên không mặc áo ấm…
Bình đến ngồi xuống chiếc ghế trống bên kia bàn. Mẹ quay nhìn Bình rồi buông viết xuống vươn vai. “Con đi chơi về sớm vậy?” “Con đến nhà nhỏ Thuỷ lấy quyển sách. Tụi con chuẩn bị thi kỳ hai rồi đó mẹ”. Mẹ đưa tay vỗ trán. “Ồ! Mẹ quên mất! Đã thi kỳ hai rồi à? Có lẽ mẹ phải nghỉ viết một thời gian để chăm sóc sức khỏe cho con học thi. Con bớt làm việc nhà đi để có thời gian học. Để mẹ làm cho”. “Không sao! Mẹ đừng lo con biết thu xếp mà”. “À! Nhà mình còn trứng gà không con?” “Con mới mua hôm qua”. “Ờ! Mẹ muốn nấu chè trứng cho con ăn tối, thức khuya xót ruột lắm”. Mẹ xếp những tờ giấy ngay ngắn rồi đứng lên. “Ba con cũng thích ăn chè trứng. Tối nay hai mẹ con mình cùng đợi ba về ăn”. “Con không tiếp mẹ đâu nghen!” Bình nói với theo khi mẹ đi vào trong. Bình nghe mẹ nói câu gì không rõ. Lòng buồn rười rượi khi thấy mẹ hớn hở đi làm bếp. Hồi chiều, ba gọi điện thoại về nhà bảo không về vì có khách. Chiều nay không đi đánh tennis, Bình biết ba đi đâu. Có lẽ tối nay mẹ và Bình sẽ cùng ngồi bên nồi chè trứng đến gần sáng.
Bình cầm lấy tờ bản thảo mẹ đặt trên cùng đang viết dở dang. “Anh cầm cây tre dài cố chồm tới trước để kéo bè lục bình đang trôi trên sông. Cô gái đứng bên cạnh luôn miệng thúc hối khiến tay chân anh càng thêm lóng ngóng. Nước dưới sông hình như chảy xiết thêm, bè lục bình trôi ra xa hơn nữa. Anh cứ rướn người, rướn người thêm chút nữa, chút nữa. Rồi anh rơi ùm xuống nước. Cô gái đưa tay bưng miệng cười quên khuấy bè lục bình đã theo dòng nước trôi đi mất”.
Lục Bình Trôi Lục Bình Trôi - Sưu Tầm