Having your book turned into a movie is like seeing your oxen turned into bouillon cubes.

John LeCarre

 
 
 
 
 
Tác giả: Eno Raud
Thể loại: Tuổi Học Trò
Dịch giả: Thu Hằng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 43
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 441 / 7
Cập nhật: 2019-12-06 08:59:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Những Người Hóa Trang
hiều mùng 9 tháng 11 mẹ tôi thấy tôi nói là sẽ ăn mặc hóa trang đi chơi thì ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao đang thời chiến mà tự nhiên con lại nghĩ đến chuyện ấy?
- Thì tục lệ mà mẹ, - tôi đáp. - Ô-lép cũng đi.
Chúng tôi đã chuẩn bị mặt nạ và xống áo. Tôi sắm vai con gấu, còn Ô-lép vai người luyện thú. Lý do thật dễ hiểu tại sao tôi không được nói. Tôi có cái mặt nạ con gấu mà tôi đã từng dùng vào ngày hội hóa trang ở trường. Tôi còn dự định mặc chiếc áo lông của cha tôi. Chiếc áo ấy mà lộn trái thì sẽ được bộ lông có khi còn tốt hơn lông gấu thật. Ô-lép tự làm lấy một cái mặt nạ. Cậu ta làm mặt nạ bằng giấy vẽ kỹ thuật dày và tô bột màu thật đậm. Cậu ta còn muốn mặc chiếc áo bành tô mùa đông đã cũ của mẹ. Chiếc áo dài đến gót chân, rất hợp với người luyện thú. Sau đó Ô-lép còn lấy ra một dây xích, bởi không thể dắt một con thú dữ bằng sợi dây bình thường được.
Mẹ tôi hỏi:
- Các con định đến nhà ai đấy?
- Chắc chắn là chúng con không đến nhà người lạ mẹ ạ - tôi đáp qua loa - bởi vì không thể tiết lộ bí mật của chúng tôi được.
Chúng tôi hoàn toàn không có ý định đi đến tất cả các nhà như những người chơi trò hóa trang vẫn thường làm. Không, đối với chúng tôi đây là một chiến dịch được gọi tên là cuộc “Đột nhập vào pháo đài địch”. Tất nhiên tạm thời mẹ tôi hãy khoan, không nên biết gì hết.
Chiều đến Ô-lép tới nhà tôi và hai đứa tôi lên đường. Khi ở ngoài phố chúng tôi không đeo mặt nạ ngay, sợ làm cho mọi người chú ý đến mình một cách không cần thiết. Mãi đến đầu đại lộ Mặt trời, chúng tôi mới sẵn sàng đủ lệ bộ để bắt tay vào chiến dịch: tôi biến thành con gấu, còn Ô-lép thì biến thành người luyện thú. Ô-lép gài cái xích vào cúc áo bành tô của tôi.
Tuy đường phố tối tăm, nhưng chúng tôi cũng nhanh chóng tìm được ngôi nhà số 7. Vào đến cửa trước Ô-lép bật diêm. Căn hộ số 2 ở ngay tầng dưới. Chiến dịch “Đột nhập vào pháo đài địch” có thể mở màn.
Tôi bấm chuông. Thật dài và tha thiết.
- Một, hai, ba. - Ô-lép đếm, và chúng tôi cùng ca lên.
Chúng tôi hát lặp lại các đoạn điệp khúc và tôi có thể nói không huênh hoang là ở trong phòng khách nghe rất to và rất rõ:
“Ta từ nơi xa
Vượt qua đầm lầy
“Bì bà bì bõm”
Vượt qua thảo nguyên
“Lộp bà lộp bộp”
Tay ta lạnh buốt,
Chân ta rất đau,
Mở cửa mau mau
Đón ta vào nghỉ
Ta - dân hóa trang.
Ta - dân hóa trang
Hãy mau mở cửa.
Nếu không chịu mở,
Phá cửa ta vào…”
Cửa không cần phải phá. Đích thần ngài Vê-li-ran-đơ mở cho chúng tôi.
- Hề - hề, - lão mỉm cười, - Các chú khách kiên nhẫn quá! Vào đây, vào đây! Làm sao lại có thể để các vị khách hóa trang đứng ngoài cửa được.
Tôi khệnh khạng bước vào cửa như con gấu. Ô-lép tay giữ xích nhìn theo tôi.
- Hề - hề, - ngài Vê-li-ran-đơ lại cười thành tiếng. Như vậy là nhà luyện thú cùng với con gấu xuất hiện ở nhà chúng tôi đấy. Nào chú bé sẽ nói gì nào, hay lắm! Nhân tiện ta thành lập một nhóm và sẽ tổ chức cuộc giải trí nho nhỏ.
Nhóm nào ở đây thì chúng tôi đã hiểu, bởi vì trên mắc áo thấy có treo những chiếc áo bành tô. Mà, không chỉ có áo bành tô, còn có cả áo dạ lính Đức nữa. Không khó khăn gì chúng tôi đã nhận ngay ra ngài Vê-li-ran-đơ có khách, mà khách nào thì không còn nghi ngờ gì nữa.
- Thế mới là món quà bất ngờ! Quá bất ngờ! - ngài Vê-li-ran-đơ nhắc lại và sung sướng mời chúng tôi vào phòng. Trông lão rõ ràng là đã uống rượu, hơn nữa còn uống nhiều là đằng khác.
Chúng tôi vào phòng khách. Tôi liền trông thấy ngay một con ngỗng ăn mừng ngày lễ béo ngậy đặt trên chiếc bàn dài. Thực thà mà nói bữa tiệc có vẻ to, từ trước tới giờ tôi chưa hề được thấy, thậm chí ngay cả trong thời bình, khi ở các cửa hàng cái gì cũng có đủ. Các chai nước giải khát đều hết nhẵn. Khi chúng tôi bước vào phòng một bầu không khí vui nhộn ồn ào bốc lên. Có người bắt đầu vỗ tay, có người lại mở ra-đi-ô.
Tôi hơi lo: biết đâu Ô-lép bỗng làm hỏng việc bởi vì trách nhiệm của nó trong chiến dịch này nặng nề hơn tôi rất nhiều. Chúng tôi đã thỏa thuận trước, dù thế nào tôi cũng không được mở miệng, ngay cả khi bị hỏi. Chúng tôi sợ bất chợt lão Vê-li-ran-đơ nhận ra tiếng tôi.
- Thưa các quý bà và quý ông! - Ô-lép bắt đầu.
Có lẽ không phải lo lắng gì cho cậu ta nữa.
- “Thưa các quý bà và các quý ông”, - lão Vê-li-ran-đơ dịch sang tiếng Đức.
- Xin phép các vị cho tôi được giới thiệu con gấu Mi-sơ-ca của tôi, - Ô-lép tiếp tục.
Lão Vê-li-ran-đơ lãnh trách nhiệm phiên dịch. Tôi đi khật khà khật khưỡng ở trong phòng và gật đầu chào cả bọn. Việc ấy làm cho không khí thật vui nhộn. Nói chung tôi có cảm giác rằng mua vui cho bọn này không khó và tôi thấy yên dạ hơn.
- Gấu Mi-sơ-ca của tôi có rất nhiều tài, - Ô-lép tiếp tục kể. - Ví dụ, nó biết đi xe đạp, nhưng chẳng may chúng tôi lại để quên xe đạp ở nhà; thành thử tiết mục này đáng tiếc là không trình diễn được. Bởi thế chúng tôi chỉ giới hạn chương trình bằng các điệu nhảy. Nào Mi-sơ-ca, biểu diễn đi!
Cậu ta rút chiếc ác-mô-ni-ca ra khỏi túi và thổi một điệu pôn-ca vui nhộn. Cái mặt nạ cậu ta đeo có khoét một lỗ thủng lớn vừa miệng để có thể thổi kèn ác-mô-ni-ca. Tôi giậm chân nhảy vòng quanh phòng và đôi lúc nhảy lung tung. Đến khi kết thúc điệu nhảy trong tiếng vỗ tay thì hai đứa tôi cúi đầu chào. Tôi và Ô-lép đã có thể ra về, nhưng Ô-lép nhập vai rất tốt, nên kêu lên:
- Các quý bà đáng kính! Các quý bà có thể thử nghiệm số mệnh. Người E-xtô-ni-a cổ thường tin rằng người phụ nữ nào vuốt được vào mình con gấu thì sẽ nhanh chóng được đi lấy chồng.
Khi lão Vê-li-ran-đơ phiên dịch xong câu ấy, thì một trận cười nổ ra. Các “quý bà” không cần phải phiên dịch câu ấy vì họ là người E-xtô-ni-a. Cười nhiều hơn cả là bọn đàn ông, bởi vì phần lớn đàn ông của nhóm này là người Đức.
Không quá khiêm tốn, bọn đàn bà, đứa nọ tiếp đứa kia đứng lên khỏi bàn, đi đến chỗ tôi, cười hi hí, vuốt tay vào bộ áo da gấu của tôi. Tôi gừ gừ đe dọa.
- Thận trọng đấy! - Ô-lép kêu lên. - Nó cắn đấy. Các vị đứng ở phía sau nó ấy.
Tôi đứng quay lưng về phía các quý bà đáng mến và quay mặt về phía giá sách của Vê-li-ran-đơ. Cặp mắt tôi nhanh chóng lướt trên các gáy sách. Ở đây có rất nhiều sách tiếng Đức. Do hồi hộp nên tôi không phân biệt rõ kiểu chữ gô-tích, nhưng con diều hâu xòe hai cánh và dấu thập ngoặc trên một số tập sách đã cho tôi biết rõ hơn tên tác giả và tên sách. Dầu sao tôi cũng đọc được hai cái tên quen quen: Ghê-ben… An-phơ-rét Rô-den-béc… Vâng, không còn nghi ngờ gì nữa, chúng tôi quả đã đột nhập được vào hang ổ của kẻ thù. Chúng tôi đã thấy quá nhiều. Có thể yên tâm ra về được rồi.
Ô-lép ngả mũ đi quanh nhóm, cái mũ nhanh chóng đầy những kẹo và táo… Trong mũ còn có cả tiền. Chúng tôi lễ độ chào - Ô-lép chúc mọi người vui vẻ.
- Hề … hề, đây đúng là một món quà bất ngờ vui vẻ, - ngài Vê-li-ran-đơ tiễn chúng tôi ra cửa và tán dương. - Chúc các bạn nhỏ mọi sự tốt lành. Chúc các cháu may mắn.
Ra đến phố, chúng tôi cởi bỏ mặt nạ và hít thật sâu luồng không khí tươi mát.
- Hay đấy, lão là ai nhỉ? - Ô-lép trầm ngâm nói.
- Lão là tên tay sai Đức, - tôi đáp. - Những gì còn lại không quan trọng.
Về đến nhà, tôi nói với mẹ tôi:
- Phải thận trọng với tên Vê-li-ran-đơ, mẹ ạ. Lão là gián điệp.
Mẹ tôi nhìn tôi chăm chú:
- Sao con biết?
- Chúng con ăn mặc hóa trang đi đến nhà lão, - tôi đáp.
Mẹ tôi im lặng và tái mặt đi.
Khi tôi kể xong mọi chuyện mà chúng tôi đã chứng kiến ở nhà Vê-li-ran-đơ thì mẹ tôi nhìn tôi với vẻ đặc biệt. Mắt mẹ không hiểu sao lại ươn ướt.
Và mẹ chỉ nói:
- Chính con cũng phải hết sức thận trọng, I-u-lô ạ.
Chiều tối hôm ấy, khi đã nằm vào giường có lẽ lần đầu tiên tôi mới nghĩ một cách nghiêm chỉnh thực sự là giờ đây mẹ tôi đang gặp bao khó khăn, và tôi quyết định các buổi chiều sẽ ở nhà với mẹ nhiều hơn để mẹ đỡ buồn và nói chung…
Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối - Eno Raud Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối