A lot of parents will do anything for their kids except let them be themselves.

Bansky

 
 
 
 
 
Tác giả: Eno Raud
Thể loại: Tuổi Học Trò
Dịch giả: Thu Hằng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 43
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 441 / 7
Cập nhật: 2019-12-06 08:59:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Một Ngài Kỳ Lạ
ột buổi sáng chủ nhật có một người lạ mặt đến nhà chúng tôi.
Tôi lại phải ra mở cửa. Đứng bên kia cửa là một người tầm thước, ăn mặc chỉnh tề. Ông ta nhấc mũ chào và nói:
- Vê-li-ran-đơ.
Tôi hoàn toàn không hiểu ông ta muốn nói gì, nên đáp lại:
- Đây là nhà ông Pi-khơ-lát ạ.
- Rất tốt, - cái “ngài” lạ lùng đó lách vào cửa.
- Ông cần gặp ai? - tôi hỏi.
- Được, được, - lão nói và bắt đầu cởi áo bành tô, - ngoài phố lấm tấm mưa. Hề… hề…
Quả là một dạng lạ lùng.
May sao, mẹ tôi đã kịp bước ra. Cái lão lạ kỳ đó quay mặt về phía mẹ tôi, mặt mày rạng rỡ và lại xưng tên:
- Vê-li-ran-đơ.
Mãi đến bây giờ tôi mới biết Vê-li-ran-đơ là họ của cái con người này.
- Ông cần gặp tôi phải không? - mẹ tôi hỏi.
- Vâng, vâng, - lão nói. - Chắc hẳn, nếu tôi không nhầm thì bà là bà Pi-khơ-lát?
- Vâng, - mẹ tôi đáp. - Pi-khơ-lát là tôi đây. Mời ông vào.
Ngài Vê-li-ran-đơ bước vào phòng khách và ngồi xuống đi-văng.
Kể ra thì tôi có thể sang phòng cha tôi - gần đây phòng của cha tôi có rộng hơn phòng tôi một chút, - nhưng tôi không muốn để mẹ phải ở lại một mình với con người lạ lùng này.
- Bà hẳn thấy đấy, - ngài Vê-li-ran-đơ bắt đầu nói, - tôi muốn nhờ bà một việc, một việc rất to lớn. Tôi nghĩ rằng bà sẽ không từ chối, bà Pi-khơ-lát ạ. Bà rất đôn hậu, hẳn bà sẽ không từ chối vào cái thời kỳ nặng nề như bây giờ, mà chúng ta, một dân tộc nhỏ bé cần phải gắn bó với nhau. Có đúng thế không hả bà Pi-khơ-lát?
Tôi nhận thấy mẹ tôi có vẻ khó chịu, không ưa gì khách. Tôi cũng không thích thú gì cuộc thăm hỏi này.
- Bà hẳn thấy đấy, - ngài Vê-li-ran-đơ nói tiếp, - tôi rất thích nghề trồng vườn. Chính vì hồi này có những chuyện khủng khiếp như vậy, nên tôi lại càng đặc biệt thích thú nghề trồng vườn. Việc trồng cây có cái gì đó thật tuyệt diệu. Ta cứ chăm sóc cây cối đi, rồi ta sẽ quên hết tất cả. Ta sẽ quên cả chiến tranh, cả chính trị. Tự ta, tưởng như cũng biến thành một phần nhỏ bé của thiên nhiên vĩ đại. Vôn-te-rơ [14] đã từng nói: “Mỗi người cần phải trồng cho mình một vườn cây”. Mà cái chính: nghề trồng vườn là một việc làm trong sạch. - Vâng, vâng. Quả thật tay có lấm đất, nhưng tâm hồn trong sạch.
[14] Nhà văn và nhà triết học Pháp 1694 - 1778 - N.D.
- Dù sao thì tôi vẫn chưa hiểu tôi cần phải giúp gì ngài, - mẹ tôi nói.
- Ồ, vâng! Hẳn bà biết đấy, tôi nghe nói là bà có cả một tủ sách về nghề trồng vườn và…
- Ông nghe ai nói vậy? - mẹ tôi hỏi xen vào.
- Ồ… ở cái thành phố nhỏ bé của chúng ta thì ai mà chả biết chuyện đó! Miễn là người đó có nghiên cứu chút ít về nghề trồng vườn. Mà đối với chúng tôi thì có thể nói thế này: bà là người có tiếng. Người trồng vườn không những tái tạo mà còn sáng tạo. Chính là sáng tạo và cải tạo thiên nhiên. Nghiên cứu thiên nhiên, thâm nhập vào những bí mật của thiên nhiên.
Lão nói dông dài mãi, cuối cùng vẫn phải đi vào vấn đề:
- Tôi sẽ rất cảm ơn bà, nếu được bà cho mượn tạm một thời gian mấy cuốn sách về nghề trồng vườn. - lão mỉm cười vẻ có lỗi, - có điều không thật đặc biệt khoa học lắm. Bắt đầu, tôi sẽ đọc cái gì đó gần như là mở đầu.
Tôi nhận thấy mẹ tôi có ý nghi ngờ.
- Nói chung là tôi không cho mượn sách, - mẹ tôi nói lưỡng lự. - Nhưng nếu như ông thật hết sức…
- Bà Pi-khơ-lát, xin bà hãy tin rằng đối với tôi quả thật việc đó hết sức quan trọng, - Vê-li-ran-đơ nói. - Tôi sẽ rất cảm ơn bà.
Mẹ tôi đi đến bên giá sách. Lão Vê-li-ran-đơ liền theo sau.
- Sách về nghề trồng vườn ở đây, - mẹ tôi chỉ cái ngăn sách ở giữa. - Nhưng tôi không biết ông đặc biệt cần cuốn nào.
Người khách của chúng tôi nhìn các gáy sách.
- Ồ…ồ! - lão kêu lên. - “Điều khiển việc trồng cây và nuôi ong”! Chắc hẳn đây là cuốn từ điển bách khoa về công việc của bà? Không, không! Tôi không mượn cuốn này. Một cuốn sách quý giá như thế này không nên cho một người hoàn toàn lạ lẫm mượn. Có thể để một dịp nào đó sau này, khi ta đã quen biết nhau hơn.
Câu nói cuối cùng của lão vang lên làm tôi rất khó chịu. Và qua nét mặt của mẹ tôi, tôi có thể hiểu rằng mẹ tôi không đặc biệt hứng thú gì cái việc đi sâu vào mối quan hệ quen biết này.
Cuối cùng lão Vê-li-ran-đơ tìm được một tác phẩm đã cũ, căn cứ theo nội dung và độ dày của cuốn sách thì hình như thích hợp đối với lão để bắt đầu học hỏi. Nhưng lão không đi khỏi giá sách, mà vẫn chăm chăm chú chú tiếp tục nhìn các gáy sách. Mà không phải chỉ riêng trong lĩnh vực trồng vườn đâu. Lão có vẻ quan tâm cả đến những cuốn sách khác. Lão nói:
- Tôi nhận thấy bà có khá nhiều sách về giáo dục học. Chắc hẳn ông nhà là nhà giáo.
- Nhà tôi là giáo viên.
- Thế đấy. Vâng… Thời buổi này giáo viên là khó khăn lắm. Hoàn toàn khó khăn. Nhưng mà ông nhà dạy trường tiểu học hay trung học?
- Nhà tôi không có nhà. Nhà tôi bị động viên rồi.
- Ái chà, thế đấy, - ngài Vê-li-ran-đơ nói và lập tức tỏ vẻ nghiêm nghị. - Vâng - vâng. Bao nhiêu người ưu tú của chúng ta giờ đây đều ở đó. Ở miền Đông. Sẽ qua đi cái thời bao nhiêu cũng không đủ, và sẽ có lúc cơn dông tố từ đó bay về quét sạch không khí ngột ngạt.
Trước khi ra về lão Vê-li-ran-đơ dứt từ trong cuốn sổ tay ra một mảnh giấy và viết vào đó số điện thoại của lão: 22 - 34.
- Nếu bà cần đọc cuốn sách này, xin bà gọi điện thoại cho biết. Tôi sẽ mang lại ngay.
- Quyển sách này tôi không cần đến đâu, - mẹ tôi nói.
- Thôi thì tôi cũng mong rằng bà tin tôi. Cuốn sách không mất được đâu. Dù gặp bất cứ hoàn cảnh nào. Như vậy là tôi sẽ được phép lại nhà bà khi đã đọc xong cuốn sách này chứ?
- Vâng, xin mời, - mẹ tôi đáp, nhưng nét mặt biểu hiện hoàn toàn ngược lại.
- Nghìn lần cảm ơn bà. Tôi không biết sẽ trả ơn bà thế nào đây?
Tôi tiễn lão ra cửa. Lão đội mũ rồi không hiểu sao lại thấy cần thiết phải vỗ vào vai tôi và bảo:
- Hãy cất cao đầu lên, anh bạn trẻ! Mọi việc sẽ kết thúc tốt đẹp.
Thế rồi cánh cửa sau lưng lão đóng sập lại.
Khi tôi quay vào phòng, mẹ tôi bảo:
- Mẹ nghi ngờ lão không phải là người bình thường.
Nhưng tôi lại hoàn toàn nghi ngờ một chuyện khác. Và tôi vội vàng đến nhà Ô-lép để trao đổi suy nghĩ.
Tôi đã gặp may: tôi bắt gặp Ô-lép đúng lúc cậu ta định đi vắng, nhưng cậu ta liền bỏ ngay dự định đó và chăm chú nhìn tôi.
- Cậu muốn nói gì phải không?
- Cũng có đôi điều đấy.
Rồi tôi kể cho Ô-lép nghe chuyện ngài Vê-li-ran-đơ đến nhà tôi. Tôi tả lại cho Ô-lép nghe thật chính xác. Ô-lép chăm chú nghe tôi, chốc chốc lại bảo tôi nhắc lại một vài chi tiết.
- Mẹ tớ cho rằng lão không có mặt thường xuyên ở nhà, - tôi kết thúc.
- Điều đó nghe thì có vẻ như thực đấy, - Ô-lép nói. - Nhưng ở đây vẫn có gì đó khang khác.
- Tớ cũng cảm giác như thế.
- Lời bóng gió của lão về miền Đông gây một ấn tượng lạ lùng thế nào ấy. Dù sao thì nói như vậy với người lạ là nguy hiểm. Làm cho người ta chú ý đến lão nghĩa là lão tỏ ra chú ý đến cậu đấy.
- Tớ cũng nhận thấy rõ điều đó.
- Một cuộc thăm viếng lạ lùng. Tại sao một ngài gàn dở nào đó lại đến nhà cậu đúng vào cái thời buổi bọn gián điệp Đức đang lùng sục khắp thành phố? Tại sao trước đây lão không quan tâm đến nghề trồng vườn?
Ô-lép có những ý nghĩ hệt như tôi. Bước đầu chúng tôi chỉ đưa ra những giả thiết xem lão là ai. Chúng tôi không hề biết một tí gì về lão.
- Này cậu, - Ô-lép bỗng nói. - Tớ sẽ mượn quyển danh bạ điện thoại ở nhà bên cạnh. Chúng ta sẽ xem xem cái loại người ấy sống ở đâu.
Thế là ngay lập tức chúng tôi hăm hở lục tìm ở quyển danh bạ điện thoại, nhưng chúng tôi liền gặp phải thất vọng thứ nhất: trong cuốn danh bạ không có tên họ Vê-li-ran-đơ. Chúng tôi ngạc nhiên. Có họ Ven-đơ-man và Ven-mơ-re nhưng không có họ Vê-li-ran-đơ.
- Rõ ràng lão viết số điện thoại là 22 - 34, - tôi ngạc nhiên nói.
Chúng tôi chán nản im lặng. Cuối cùng Ô-lép tìm ra lối thoát:
- Cuốn danh bạ không dày lắm, vì vậy ta sẽ tìm xem nhà ai có số điện thoại đó.
Chúng tôi bắt đầu bằng trang thứ nhất, ở vần “A”, không có số nào như vậy. Ở vần “B” cũng thế. Sang đến vần “C” thì hầu như không có ai. Hết vần “C”đến vần “Đ”. Chúng tôi tìm ngay được số điện thoại ấy: Đráp-kin Đa-ni-en, đại lộ Mặt trời, số 7, phòng 2… 22 - 34.
Chúng tôi nhìn nhau. Như vậy là nghĩa lý gì?
Đa-ni-en Đráp-kin là thầy giáo dạy toán của chúng tôi. Các học sinh thường gọi thầy là “Đráp-xơ”.
Kết luận thật đơn giản: thầy giáo của chúng tôi chạy giặc, còn lão Vê-li-ran-đơ đến ở căn hộ của thầy.
Một vấn đề mới phát sinh: vậy trước đây Vê-li-ran-đơ ở đâu?
Thêm một vấn đề nữa hiện thực hơn: tại sao chính quyền mới lại chia nhà cho Vê-li-ran-đơ, một khi tên này đang chờ đợi cơn dông bão từ miền Đông, từ nước Nga tràn tới?
Những vấn đề này đòi hỏi phải được giải đáp.
- Chúng ta cần phải đến đó, - Ô-lép bàn.
- Đến đâu? - tôi không hiểu.
- Đến đại lộ Mặt trời, nhà số 7.
- Ừ phải… nhưng… làm thế nào?
- Ta phải nghĩ cách gì đó.
Và chúng tôi đã nghĩ ra.
Chúng tôi bỗng nhớ sắp đến ngày 10 tháng 11 - ngày lễ Mác-tơ. Theo tục lệ cổ, vào buổi chiều ngày lễ trẻ con sẽ đến các nhà và ăn mặc hóa trang, sẽ không có ai ngạc nhiên khi thấy những người ăn mặc hóa trang ấy đi đến cả những căn nhà không quen biết.
Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối - Eno Raud Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối