Thất bại đến với ta không phải làm ta buồn mà giúp ta thêm tỉnh táo, không làm ta hối tiếc mà khiến ta trở nên sáng suốt.

Henry Ward Beecher

 
 
 
 
 
Tác giả: Eno Raud
Thể loại: Tuổi Học Trò
Dịch giả: Thu Hằng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 43
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 441 / 7
Cập nhật: 2019-12-06 08:59:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Canh Gác Đêm
ãi đến hôm sau tôi mới đến nhà Ô-lép.
- Cậu gặp chuyện gì vậy? - Ô-lép liền hỏi và tò mò nhìn vào mũi tôi.
Một cái gì đó làm tôi bỗng khó chịu, cứ y như là nó nhắc lại lời của Lin-đa.
- Chuyện gì có thể xảy ra với tớ nhỉ? - tôi cục cằn đáp vội khi hai đứa vào phòng. - Và nói chung xin cậu biết cho rằng chẳng có gì xảy ra với tớ cả.
- Thôi thì nói đi, - Ô-lép cười, - ở đâu sản xuất được cái mũi kỳ diệu như thế kia chứ. Giá mà tớ cũng được một cái mũi như vậy để đi dự hội hóa trang nhỉ.
Tôi đáp:
- Nếu cậu muốn thì ngay bây giờ có thể nhận được một cái mũi to hơn, tím hơn đấy.
Nhưng tôi nói câu ấy không có vẻ gì ác độc và cũng cười xòa, - rõ ràng là Ô-lép không hề có lỗi gì ở đây cả.
Thế là tôi đành phải kể cho Ô-lép nghe chuyện tôi và Gui-đô đánh nhau chiều hôm qua.
Ô-lép nghe và trở nên nghiêm nghị hơn. Khi tôi đã kể xong, cậu ta bảo:
- Biết không? Cậu cần phải thận trọng hơn.
- Cậu nói thì dễ, - tôi đáp. - nhưng thằng ấy đánh tớ trước và…
- Tớ không nói chuyện ấy, - Ô-lép cắt ngang lời tôi. - Hai, ba ngày nữa mũi cậu sẽ trở lại bình thường như cũ. Vấn đề không phải là ở cái mũi. Cậu cần phải thận trọng hơn khi nói năng.
Tôi bắt đầu hiểu.
- Cha của Gui-đô làm việc ở tòa thị chính, - Ô-lép nói tiếp. - Rất có thể lão sẽ hỏi Gui-đô xem ai đánh nó. Còn cậu… Đừng quên rằng cha cậu là ai. Nhất định bọn chúng sẽ theo dõi các gia đình Hồng quân. Nói thật nhé, cậu xử sự như một đứa trẻ con.
Thật không may, những lời Ô-lép nói quả đúng là như vậy. Mà lại còn “như một đứa trẻ con!” nữa chứ! Cái mũi sưng vù của tôi như sưng lên to hơn.
Tôi tìm cách biện bạch:
- Chẳng qua là vì tớ không nén nổi khi phải nghe cái điệp khúc càn rỡ của bọn Đức.
- Cậu vẫn còn phải nghe cái điệp khúc ấy, - Ô-lép phản đối. - Hay cậu nghĩ rằng ở trường sẽ nói khác đi? Cần phải bí mật. Nếu không biết giữ bí mật, chúng ta sẽ làm hỏng việc ngay.
- Ừ, - tôi đồng ý. - Cậu đúng.
Nhưng Ô-lép vẫn chưa nói hết ý.
- Cậu có biết chuyện gì đang diễn ra trên đất nước ta không? - cậu ta nói tiếp. - Cậu có nghe chuyện hào chống tăng ở Ta-rơ-ta không?
Không, tôi không nghe nói gì hết.
- Ở đó chúng nó bắn người, Ô-lép nói, - không những đàn ông, mà cả đàn bà và trẻ con. Cha tớ đã nói cho tớ biết. Còn tớ và cậu không phải những đứa trẻ ấy. Và nói chung cũng có những tiếng đồn như vậy về khu rừng của chúng ta. Hôm qua hình như cũng có một chiếc xe ô-tô mui kín chạy vào đó và ban đêm hình như có tiếng súng.
- Rợn thật, - tôi nói.
Sau đó mỗi đứa chúng tôi nghĩ một chuyện. Tôi nghĩ đến mẹ tôi.
Tôi nghĩ giả dụ có chuyện gì đó xảy ra với tôi, thì mẹ tôi sẽ ra sao. Chuyện gì đó đại loại như…
- Không, Ô-lép ạ, - cuối cùng tôi nói, - mặc tất cả những cái đó, chúng ta không thể yên lặng chịu đựng khi công lý của chúng ta bị chà đạp.
- Tất nhiên là không thể rồi, - Ô-lép nói. - Và chúng ta cần phải bí mật hơn nữa. Nhưng thoạt đầu biết thận trọng là thông minh hơn cả.
Cả hai đứa tôi đều thấy nặng nề, khó mà tiếp tục nói chuyện thêm.
Sau đó có tiếng gõ cửa. Tôi biết đó là mẹ Ô-lép vào. Tôi thích mẹ Ô-lép mỗi khi bước vào phòng đều gõ cửa. Điều đó nói lên rằng bà tôn trọng Ô-lép, mặc dù Ô-lép là con trai bà.
Mẹ Ô-lép bảo rằng quản trị ngôi nhà đã đến thông báo mọi người dân đều phải tham gia tuần tra ban đêm. Quanh đây hình như có những người đáng khả nghi lảng vảng. Nếu ai đang đi tuần tra đêm nhận thấy có gì đáng khả nghi thì phải huýt còi báo cho đội tuần tra Đức biết mà đến xem xét. Gác đêm là một việc làm tạm thời trong một tuần. Hôm nay đến lượt nhà Ô-lép phải gác từ 10 giờ đêm đến 2 giờ sáng. Còn từ 2 giờ sáng đến 6 giờ sáng sẽ đến lượt những người ở căn hộ khác.
- Mẹ đang không biết tính sao đây: mẹ phải trực ở bệnh viện, mà bố con thì ba tiếng đồng hồ nữa mới về.
Mẹ Ô-lép làm hộ lý ở bệnh viện, còn cha Ô-lép làm nghề lái xe; đôi khi ông vắng nhà cả tuần.
Nhưng Ô-lép đã biết cần phải thế nào rồi. Nhìn mặt cậu bạn, tôi đoán ra ngay: Ô-lép khoái gác đêm.
Cậu ta bảo:
- Đối với việc giữ gìn trật tự an ninh thì không được có lý do gì hết. Nếu mẹ của I-u-lô cho phép, thì chúng con sẽ cùng đi gác. Cậu đồng ý không hả I-u-lô?
Tất nhiên tôi đồng ý ngay.
Và thật không ngờ mẹ tôi cho phép tôi rất dễ dàng. Mẹ tôi bảo:
- Con không còn bé nữa, nên con hoàn toàn có thể nhập bọn với Ô-lép.
Mẹ tôi bắt tôi phải nhất thiết ở lại ngủ đêm ở nhà Ô-lép.
Trong khi đó, căn nhà chúng tôi ở cũng phải tổ chức gác đêm, có điều chủ nhà chúng tôi lại tự mình lãnh trách nhiệm đó. Bởi vì rất rõ ràng rằng lão ta không tin cậy giao phó một công việc quan trọng như vậy cho gia đình chúng tôi.
Chiều tối hôm ấy tôi khoác chiếc áo bành tô mùa thu vào người để khi đi gác không bị rét thấu xương và để đến nhà Ô-lép cho sớm sủa. Đúng 10 giờ đêm chúng tôi bắt đầu phiên gác.
Đêm sáng trăng và rất yên tĩnh. Chúng tôi đi khắp sân và quãng phố trước cửa nhà. Thỉnh thoảng chúng tôi ngồi xuống chiếc ghế dài rồi lại đi tuần. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện tào lao. Còn về công việc của chúng tôi, thì cả hai đứa, hình như lại không muốn bàn đến vào cái đêm trăng yên tĩnh như thế này.
- Kể cũng hay đấy, ai có thể là những nhân vật đáng khả nghi mà chúng ta cần phải canh phòng ở đây nhỉ, - cuối cùng tôi nói.
Và ngay khoảnh khắc ấy có một cái gì đó xuất hiện trong trí não tôi. Tôi bỗng nhớ đến những lời nói của Ma-ni-van-đơ Lô-ô-ba: “Chúng ta canh phòng, con ạ…”. Bây giờ đây tôi và bạn Ô-lép của tôi cũng đang đi canh phòng, hệt như lão Ma-ni-van-đơ và đồng bọn của lão vào cái hôm ấy ở ngã ba đường bên quán hàng. Có điều thay cho khẩu súng trường, chúng tôi có những chiếc còi. Nghĩ như vậy, tôi đâm ra lúng túng.
- Rõ ràng là canh gác ai rồi, - Ô-lép nói. - Đó là kẻ thù của bọn phát xít.
Thế là chúng tôi lại nói về công việc của mình.
Tự nhiên lúc ấy chúng tôi nghe thấy một loạt súng tiểu liên. Loạt súng nghe rất yếu và hình như ở rất xa.
- Ở rừng, - Ô-lép gần như nói thầm.
Tiếp đó chúng tôi lại nghe thấy một loạt súng nữa rất dài. Do chúng tôi lắng tai nghe nên âm thanh rõ hơn loạt đạn trước nhiều.
- Hình như bọn Đức giết người Do Thái nhiều hơn…
Tôi buột miệng nói vậy và liền hiểu ngay rằng nói như thế là không được.
- Lẽ nào người Do Thái không phải là người? - Ô-lép nói rất gay gắt.
- Tớ hoàn toàn không nghĩ thế, - tôi lúng búng đáp.
Thoáng nghe có những tiếng súng mới ở phía xa xa.
Đêm ấy là một đêm lặng lẽ, trăng rất sáng và rất rợn.
Tiếng súng ngừng hẳn vào lúc gần 1 giờ. Chúng tôi vẫn đi giữa hai bên là phố xá và vườn cây.
Và bỗng nhiên…
Công việc gác đêm của chúng tôi sắp xong. Chúng tôi đã đứng ở trước hiên nhà Ô-lép.
- Đứng lại! Ai đấy?
Đột nhiên có tiếng quát bằng tiếng Đức vang lên ở phố bên, nhưng vào cái đêm lặng lẽ như đêm nay thì nghe hết sức rõ.
- Đứng lại! Ai đấy?
Ô-lép liền huýt còi. Một hồi. Hai hồi. Ba hồi.
Có tiếng chân chạy về phía chúng tôi. Ngay sau đó ba người xuất hiện. Hai tên Đức và một tên cảnh sát người E-xtô-ni-a.
Bọn chúng dừng lại bên chúng tôi, thở nặng nhọc.
- Các anh huýt còi à? - tên cảnh sát hỏi.
- Vâng, - Ô-lép đáp. - Hình như có người khả nghi nào đó ở đâu đây.
- Đàn ông hay đàn bà?
Tôi cảm thấy giờ đây mọi chuyện với chúng tôi như trứng treo đầu đẳng. Người đàn ông - tất nhiên có thể là như vậy. Nhưng tại sao chúng lại hỏi: đàn ông hay đàn bà? Hẳn rằng chúng đang theo dõi một người đàn bà. Và chúng đã bị mất hút bà ta, hay nói khác đi là chúng chạy đến không kịp. Ô-lép đã phán đoán đúng như vậy.
- Đàn bà, - cậu ta đáp.
- Mụ ta chạy về hướng nào?
- Kia. - Ô-lép khoát tay đại khái dọc theo phố. - Đâu về phía kia thì phải. Hình như bà ta rẽ vào chỗ ngôi nhà màu vàng.
Chúng tôi biết chắc chắn không có ai rẽ vào ngôi nhà màu vàng ấy cả.
- Chạy tiếp, - tên cảnh sát quát bằng tiếng Đức.
Chúng chạy tiếp. Chúng tôi còn nghe thấy tiếng chúng quát ở gần ngôi nhà màu vàng:
- Đứng lại! Ai đó?
Cần nói thêm một chút. Ngôi nhà màu vàng ấy có bờ tường rất cao. Gần như là chúng tôi đã dẫn cuộc rượt đuổi vào ngõ cụt. Nhất định bọn chúng sẽ khám xét ngôi nhà. Mà ai ở trong ngôi nhà ấy cơ chứ? Đó không phải ai khác ngoài một mụ già người Đức mà cái năm ba chín do ốm yếu bệnh tật nên không thể cùng bọn Đức về nước theo tiếng gọi của Hít-le được.
Tim tôi đập loạn xạ. Tôi thấy mặt Ô-lép tái nhợt.
- Mạo hiểm quá, - tôi nói, - cậu thử nghĩ xem nếu bọn chúng biết là ta đánh lừa thì sẽ ra sao?
- Ở đây có thể liên lụy đến tính mạng, - Ô-lép đáp.
Cậu ta không nói gì hơn nữa.
Thế rồi sau đó những người sống ở căn hộ khác ra đổi ca cho chúng tôi. Tôi ngủ lại ở nhà Ô-lép. Tôi được sắp xếp sẵn chỗ nằm ngủ ở đi-văng.
Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối - Eno Raud Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối