Nếu bạn đã cố gắng hết sức mình thì bạn sẽ vẫn thanh thản ngay cả khi gặp thất bại.

Robert S. Hillyer

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8500 / 13
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7 -
ằm quay mặt vô vách, Bạch Đàn vờ như đã ngủ, nhưng thật ra cô không bỏ sót một lời nào của mẹ và dì Ngọc hết.
Mẹ cô thở dài hết sức thảm thiết:
- Anh Bá không muốn ở đây vì thái độ lạnh lùng chống đối của Bạch Đàn. Em không ngờ nó ích kỷ đến vậy, chỉ nghĩ tới bản thân, chả cần biết ba mẹ mình khổ sở thế nào. Nó cho rằng anh Bá dành hết tình thương em từng cho nó. Sao nó trẻ con và dại dột đến thế nhỉ? Cha ruột mà Bạch Đàn còn như thế, nếu em bước thêm bước nữa với người khác, không biết nó còn làm tình làm tội tới mức nào.
Bạch Đàn chua xót nghe mẹ thở than. Đúng là cô ích kỷ nhưng cô không thể chịu nổi khi nghĩ phải ở chung nhà, ăn cơm chung nổi và hít thở chung bầu không khí với ông ta.
Dì Ngọc lên tiếng:
- Nếu... ba nó không chịu ở đây, em tính sao?
- Ý ảnh muốn em đi theo..
- Không được. Hai mươi mấy năm không gặp nhau, em biết tí gì về nó mà theo? Hãy nhớ rằng trước đây nó bỏ em để cưới người khác.
- Đó là tại áp bức của gia đình. Ảnh cũng đâu có hạnh phúc.
- Hừ! Thằng đàn ông nào lại không nói thế. Sao em dễ dàng tha thứ quá? Nó từng là thằng không có lương tâm? Nó ruồng rẫy đứa con gái mười tám tuổi với cái thai trong bụng vì lý do hết sức đơn giản là gia đình không đồng ý. Hồi xưa chị không trách em vì em còn quá ngây thơ. Bây giờ gần bốn mươi tuổi đầu rồi, chả lẽ em vẫn còn nhẹ dạ như thuở đôi mươi?
Bạch Đàn nghe giọng mẹ thật lạ:
- Tình cảm của em từ xưa tới giờ vẫn không đổi. Em luôn tin rằng sẽ gặp lại ảnh. Giờ được gặp rồi em sẽ không xa anh Bá nữa đâu. Bị vợ con bỏ để đi xuất cảnh, ảnh bây giờ sống thui thủi một mình, em và ảnh đã có với nhau một đứa con, tại sao chị lại nghĩ rằng trở về với ba con Đàn là dại dột? Chả lẽ chị muốn em phải sống cô đơn như chị tới già? Hay là chị ganh tỵ với hạnh phúc của em?
Dì Ngọc quát lớn:
- Đủ rồi! Im đi! Mày nghĩ như thế thì tao không còn gì để nói nữa.
Đợi bà Ngọc đi ra ngoài Bạch Đàn mới nằm xoay lại. Cô nhìn lên trần nhà và hỏi:
- Ông ấy không muốn ở đây vì nghĩ là con chống đối mẹ à?
Bà Ngà giật mình:
- Kh... ông... ba con đâu nói gì, ông chỉ khổ tâm khi thấy con lẩn tránh. Ba mặc cảm là đã bỏ mẹ con mình hai mươi mấy năm nay, bây giờ ổng muốn chuộc lại lỗi lầm cũ.
- Bằng cách... rủ mẹ đi theo chớ gì? Dì Ngọc nói đúng, mẹ điên rồi nên mới tin lời ông ta.
Bà Ngà rít lên:
- Không được hỗn!
- Con không cho mẹ đi.
Bà Ngà dịu lại:
- Vậy hãy vui vẻ để ba về ở chung. Hồi nhỏ, con luôn ao ước có ba kia mà. Sao bây giờ lại kỳ vậy?
Bạch Đàn đáp:
- Vì trong suy tưởng của con, ba rất khác, với lại con quen không có ba rồi. Ông ta chỉ đem rắc rối đến mà thôi. Nghe con đi, mẹ cứ xem ổng như một người bạn cũ, lâu lâu đến thăm nhau...
- Con thừa biết không thể như vậy được mà. Tại sao con không muốn mẹ cha đoàn tụ?
Chẳng suy nghĩ Đàn trả lời ngay:
- Vì ông ta là người xấu.
Bà Ngà tái mặt:
- Lại nói bậy! Ba xấu ở điểm nào?
- Mẹ không biết sao?
- Mẹ không biết. Nếu con muốn đề cập tới chuyện ba đi lấy vợ thì đúng là con trách lầm rồi. Người đáng trách là ông bà nội...
Bạch Đàn đứng vùng dậy:
- Con chỉ trách bản thân mình thôi. Nếu mẹ đã quyết định thì con đành đồng ý để ổng về đây ở, dầu gì nhà này vẫn còn chỗ. Dì Ngọc sẽ thu vào một món tiền thuê phòng, mẹ khỏi rời nơi từng sống hai mươi năm, con lại có được một ông bố rất mực phong lưu.
- Con đừng mỉa mai như vậy! Mẹ luôn tin rằng con rất rộng lượng chớ không ích kỷ hẹp hòi.
- Đúng là con không ích kỷ hẹp hòi. Con khó chịu như vậy vì lo cho mẹ, chớ có phải vì con đâu.
Ngẫm nghĩ hồi lâu, bà Ngà khẽ nói:
- Nếu vì mẹ, con nên lễ phép, hiếu thảo với ba. Đời người ta ngắn lắm, mẹ đã hết nửa đời rồi, lẽ nào con muốn mẹ tiếp tục khổ suốt khoảng thời gian còn lại.
Bạch Đàn rầu rĩ làm thinh. Cô biết có nói gì với mẹ cũng vô ích, bà đang chìm đắm trong hào quang của hạnh phúc, thứ hạnh phúc ngỡ không đời nào có được này mới quý làm sao! Với mẹ bây giờ, ai nói gì cũng đều bị bà ghét, bà cho là ganh tỵ với bà. Nếu cô kể lại... chuyện đó thì việc gì sẽ xảy đến? Chắc chắn mẹ không tin cô đâu. Mà nếu tin đi chăng nữa, bà cũng không rời xa ông ta. Khi ấy, quan hệ mẹ con còn gì nữa đâu. Tốt hơn hết hãy làm sao cho bà vui lòng.
Bạch Đàn nói với giọng hết sức tự nhiên:
- Con sẽ cố gắng lễ phép, hiếu thảo. Mẹ cứ an tâm cùng ông ấy ở đây. Dầu sao ổng cũng là ba con mà.
Bà Ngà thở phào mừng rỡ:
- Ba sẽ rất mừng vì ông rất thương con.
Bạch Đàn lầm lì bước ra sân, cô gặp Giang ở ghế đá.
Anh đứng dậy mời cô ngồi.
- Lúc nãy tôi có tìm em nhưng dì Ngà bảo em ngủ rồi.
Đàn trả lời nhát gừng:
- Tôi vừa thức dậy đó chứ.
- Tối nay không đi dạy kèm... trẻ sao?
- Đã nghỉ gần cả tuần. Nói thật, tôi cảm thấy mệt mỏi quá. Với lại, bây giờ tôi đã có ba, ổng sẽ lo mọi thứ, tội gì phải phí sức.
Giang mỉm cười châm chọc:
- Bác Bá nói với em như thế à?
Đàn nhặt chiếc lá khô trên ghế xoay xoay trong tay rồi nói:
- Không! Tại tôi nghĩ vậy vì ba nào lại chẳng lo cho con.
- Em đúng là lạc quan.
Bạch Đàn thấy rõ Giang đang mỉa mai mình. Cô vụt hỏi:
- Chắc anh biết nhiều về ba tôi?
- Khá nhiều, nhưng tôi không nói đâu, em đừng hỏi mất công.
Bạch Đàn hất mặt lên trời:
- Vậy thì tôi đâu còn chuyện gì để hỏi anh nữa. Chán thật!
- Hình như em có thói quen tìm hiểu người này qua người khác thì phải.
- Ai cũng có thói quen đó chớ đâu phải riêng tôi. Quan trọng là kết quả kia. Tôi tin là anh sẽ kể với tôi vài điểm tốt về... bác Bá của anh.
Giang bật cười:
- Em ranh lắm. Nên nhớ rằng cái gì cũng có điều kiện đi kèm.
Đàn tỏ vẻ thách thức:
- Thì anh cứ nêu ra điều kiện xem sao.
- Rất đơn giản. Một chầu cà phê.
- Ngay bây giờ à?
Giang gật đầu:
- Uống cà phê đêm mới thú vị chứ.
Bạch Đàn so vai:
- Tôi chưa bao giờ vào quán ban đêm nên hoàn toàn không cảm nhận được thú vị đó.
- Vậy thì nên đi một lần cho biết. Tôi sẽ đưa em tới một caféteria đặc biệt.
- Anh tin là mẹ tôi đồng ý?
Giang tự phụ:
- Tôi là con trai của bạn bác Bá mà, dì Ngà sẽ đồng ý ngay.
- Ba tôi có uy vậy sao?
- Đương nhiên. Nhưng chỉ với mẹ em thôi.
Nghe cách nói của Giang, Bạch Đàn khó chịu, cô liên tưởng đến lời của Đại và nghi ngờ... nếu Giang đúng là người từng làm trái tim Hiền Thục tan nát thì anh quả là một kịch sĩ ngoại hạng. Bạch Đàn muốn lột bộ mặt hóa trang của anh ta ra, nhưng nếu thế cô cũng phải đóng kịch chả thua gì Giang mới được.
Nghiêng nghiêng đầu nhìn anh, Đàn hối:
- Vào xin phép... mẹ đi!
-... Anh đã xin rồi, chỉ chờ em sửa soạn cho thật đẹp thôi.
- Anh xin hồi nào?
- Lúc em... vờ ngủ chớ lúc nào. Mẹ còn nhờ anh thỉnh thoảng nên đưa em đi chơi cho khuây khỏa nữa đó.
Bạch Đàn hơi hẫng trước sự sắp xếp của Giang. Hóa ra, anh ta đã chuẩn bị trước chuyện này. Mẹ cô đồng ý một cách dễ dãi chỉ vì tin vào ông ta. Đàn chua chát nhìn gương mặt hí hửng của Giang và nhận ra chưa vào cuộc cô đã thua anh ta mất rồi. Nhưng Bạch Đàn không nản đâu. Cô vô nhà thay bộ quần áo ưng ý nhất. Tới bàn trang điểm của dì Ngọc, Bạch Đàn loay hoay với môi son, má phấn, mắt xanh.
Cô chợt nghe giọng mẹ hài lòng:
- Lúc nãy Giang có xin phép đưa con đi quán cà phê, mẹ đồng ý nhưng tiếc là con ngủ. Bây giờ cứ đi với nó cho vui. Thằng Giang thì mẹ an tâm.
Đàn buột miệng:
- Mẹ biết gì về anh ta mà an tâm?
Bà Ngà nói nhẹ nhàng:
- Ba con nói Giang là người tốt, vì không muốn lệ thuộc vào gia đình, nên mới sống riêng như vầy. Nó sớm tự lập, học hành tới nơi tới chốn, làm được nhiều tiền, không rượu chè, cờ bạc. Thời buổi này, con kiếm được người như Giang không phải dễ.
- Mẹ nói kỳ thật! Con kiếm người như ảnh làm chi?
- Mẹ thấy nó để ý con, bởi vậy công việc gì cũng giúp. Giang đâu giống nhưng thằng con trai ăn cơm ở đây nó lễ phép, lịch sự. Bọn con gái trọ nhà này mê nó như điếu đổ. Nhưng mẹ để ý thấy nó luôn luôn lầm lì chả để mắt tới đứa nào, chỉ với con là nó quan tâm chăm sóc từng chút. Vậy là tốt rồi.
Đàn càu nhàu:
- Con chả thấy tốt gì cả.
Bà Ngà cười xòa:
- Thôi thôi, tại mẹ lỡ lời. Con đi đi, nhớ đem theo áo lạnh.
Bỗng dưng Bạch Đàn thấy thương mẹ quá. Bà đang lạc vào hạnh phúc nên nhìn mọi vấn đề quá đơn giản. Trước đây bà luôn sợ cô quen với bạn trai, bà răn đe, nghiêm cấm thậm chí để ý chuyện bạn bè của Đàn. Bây giờ bà lại tỏ vẻ khuyến khích cô giao du với Giang. Tình yêu làm bà thay đổi lạ lùng, từ khe khắt hận thù với đàn ông, bà đã trở nên bao dung rộng lượng.
Bạch Đàn hất mái tóc dài của mình ra sau và dịu giọng:
- Con sẽ về sớm, để mẹ khỏi phải trông.
Bà ngà xua tay:
- Ôi! Mẹ không trông đâu.
Đàn cố đùa cho thật tự nhiên:
- Tại sao vậy? Chắc một lát nữa ba sẽ tới chớ gì?
Mắt bà Ngà chợt vui hẳn lên khi nghe cô nhắc đến ba.
- Tối nay ba con có việc rất quan trọng. Ổng sẽ gặp người khác chớ không phải mẹ.
Bước ra tới sân, Bạch Đàn vẫn cố hỏi:
- Có ai quan trọng hơn mẹ nữa sao?
- Có chứ. Rồi từ từ con sẽ biết. Thôi đi đi, đừng để Giang chờ.
Bạch Đàn nhếch môi. Cô sẽ phải đóng kịch cho vừa lòng mẹ tới chừng nào đây?
Ra tới gần cổng. Đàn thấy Giang ngồi chống chân trên chiếc Dream.
Bên cạnh anh là Huệ. Con bé đang nói gì chả biết mà tay chân khua loạn xạ, đầu cổ thì lắc lư như lên đồng.
Thấy Đàn bước tới, Huệ trợn trừng mắt:
- Trời ơi! thật không ngờ! Phen này con Mai Ly lên cơn nhồi máu cơ tim vì mày rồi Bạch Đàn à. Công nhận tẩm ngẩm tầm ngầm mà ghê thật, người yêu của bạn cũng không tha.
Vốn ghét cay ghét đắng cái mồm lách chách của Huệ "xạo" và cũng chả ưa gì con nhỏ Mai Ly nổi tiếng khinh người, Bạch Đàn khinh khỉnh leo lên ngồi phía sau, tay ôm eo Giang thật siết.
Cô nũng nịu bằng giọng ngọt sớt:
- Mình đi anh!
Giang vừa đề máy xe vừa lịch sự:
- Tụi này đi nghe Huệ!
Rồi mặc con bé nhiều chuyện đứng ngẩn ngơ, Giang vọt xe đi thật êm. Bạch Đàn hả hê trong bụng khi tưởng tượng tới hình ảnh Huệ đang te tái chạy vào các phòng trọ và kể lại những gì vừa trông thấy. Ngày mai vô lớp, Huệ sẽ kể lại cho Mai Ly nghe, con bé sẽ khóc ngập lụt cả dãy hành lang của trường cũng nên.
Nhưng có thật Mai Ly yêu Giang không nhỉ?
Ngồi xích lại đằng sau một chút, Bạch Đàn hỏi:
- Anh là bồ ruột của Mai Ly à?
- Làm gì có?
- Sao nhỏ Huệ nói thế?
Giang chắt lưỡi
- Chậc! Cô ấy muốn nói gì chả được. Trước đây Huệ còn gán tôi với người đã chết thì đã sao?
Bạch Đàn nhấn mạnh:
- Nhưng rõ ràng anh có quen Mai Ly, nên con bé mới đến thăm anh hoài mà?
- Ba cô bé là giám đốc của tôi. Trước đây, tôi có tới nhà dạy kèm cho Mai Ly. Cô ấy tuyên bố với bè bạn tôi là người yêu... nhưng tôi nào có yêu Mai Ly đâu.
Đưa tay giữ nhưng sợi tóc bay bay, Bạch Đàn nói to cho át tiếng gió:
- Anh nên yêu đi. Nhà con bé giàu lắm.
Giang làm thinh, đợi qua đèn đỏ, anh mới bảo:
- Con gái nhà giàu nên cưới làm vợ chớ không nên yêu. Bác Bá đã từng nói thế với tôi. Ngẫm nghĩ lời bác ấy nói cũng thú vị đấy chứ.
Bạch Đàn nhếch môi cười:
- Thì ra anh cũng từng suy gẫm lời của ba tôi và rút ra cho mình một phương cách riêng rồi?
- Cưới một cô gái giàu si mê mình giống như được biếu một món đồ có giá, tôi chỉ cần động não để xem sẽ sử dụng món đồ ấy thế nào cho thật lâu dài mà thôi.
- Anh đã... động não chưa?
Giang nghiêng đầu phía sau:
- Chưa. Vì tôi chưa muốn lấy vợ.
- Nghe... tuyên bố vừa rồi của anh, ai dám ưng mà chưa với muốn.
- Thế tuyên bố ra sao mới được... ưng? Em dạy tôi đi!
Bạch Đàn bĩu môi:
- Xì! Mục đích của tôi đêm nay đã rất cụ thể. Anh đừng hòng chuyển đề tài.
Giang thở dài:
- Không hiểu sao tôi lại khổ vì em, một con bé đanh đá, chuyên môn gây sự nhỉ?
Bạch Đàn châm chọc:
- Câu nói này tôi đã nghe rồi từ người khác, bây giờ nghe nữa giống như phải xem một bộ phim dở lần thứ hai.
- Em ví von hay thật. Rất may là người nào đã nói câu này lần thứ nhất cũng dở như tôi vừa rồi. Đối thủ của tôi xem ra cũng tầm thường, chả làm rung động nổi trái tim em. Tôi có quyền hy vọng.
Bạch Đàn mím môi không nói nữa. Anh ta thừa kinh nghiệm tán gái, nói tay đôi với anh ta chỉ lỗ mà thôi.
Thấy Đàn đột nhiên im lặng, Giang khôn ngoan chuyển đề tài:
- Quán cà phê tôi sắp đưa em tới bề ngoài cũng bình thường thôi, nhưng những người lui tới đó mới đặc biệt. Họ toàn là văn nghệ sĩ, nghiệp dư cũng có, chuyên nghiệp cũng có. Vào đây vừa uống cà phê ngon, vừa thưởng thức món ăn tinh thần phù hợp. Tôi rất thích tới quán này.
- Và chắc không khi nào đi một mình?
Giang ngừng xe trước quán Tigôn. Anh nói:
- Em muốn nghĩ sao cũng được. Đứng đây chờ tôi một phút thôi.
Gởi xe xong, Giang tự nhiên nắm tay Đàn đi vào quán. Kéo ghế cho Đàn ngồi, anh hỏi:
- Uống cà phê nhé?
Đàn gật đầu, cô lơ đãng nhìn và tò mò đoán xem xung quanh mình ai là văn nghệ sĩ, nhưng cô chợt thất vọng khi thấy người nào trông cũng bình thường như nhau. Thậm chí có nhiều người trống giống dân chạy mánh.
Dường như đoán được ý cô, Giang nói:
- Tối nay không nằm trong ngày họp mặt nên khách ở đây là khách thường thôi. Tối thứ bảy tôi sẽ đưa em tới lần nữa. Hôm đó có mục giới thiệu tác phẩm mới của các cây bút trẻ.
Bạch Đàn nhún vai:
- Tiếc là tôi không quan tâm đến nhưng vấn đề đó. Với tôi, nó chả thực tế chút nào. Thời gian ngồi để nghe, để tán thưởng và đôi khi phải gây nhau, tôi làm được khối việc.
- Sống như em đúng là khô khan, già cỗi.
- Biết làm sao hơn khi tôi không được đời ưu đãi như những người khác.
Cô đột ngột đi vào điều mình quan tâm:
- Anh biết ba tôi từ hồi nào?
Giang nhíu nhíu mày:
- Chắc cũng phải ba năm. Lúc đó bác Bá khá giả hơn bây giờ nhiều.
- Hiện giờ ba tôi đang hùn vốn làm ăn với bác Nhung, đúng không?
Giang ra vẻ bí mật:
- Tôi nghe nói thế, nhưng chính xác đến mức độ nào thì thú thật tôi không rõ. Vì ngoài mẹ tôi ra, bác Bá còn nhiều bạn làm ăn khác và hầu như họ đều là phụ nữ.
Bạch Đàn ngập ngừng:
- Ý anh muốn nói là... là...
Giang xua tay:
- Không có ý tôi trong đây. Tôi chỉ nói những gì mình biết. Nhưng tôi chắc chắn một điều là bác Bá rất đào hoa. Không biết ai là vợ chính thức của ổng, nhưng già nhân ngãi non vợ chồng thì vô số. Bởi vậy khi biết bác ấy là ba của em, tôi ngạc nhiên kinh khủng.
- Có gì đâu đáng ngạc nhiên, ngoài tôi ra chắc ông ấy còn hàng lô những đứa con như vậy.
- Điều này chỉ có bác Bá mới trả lời với em được. Riêng tôi thì không thích nói về bác ấy, giữa chúng tôi cũng có những vấn đề khá rắc rối.
- Về lãnh vực nào? Tiền bạc ư?
Giang né tránh:
- Em hỏi làm gì? Tối nay tôi phải mời cho bằng được em tới đây là cũng vì bác Bá. Một lát nữa bác ấy sẽ đến, em muốn hỏi bao nhiêu tùy ý.
Bạch Đàn giận run lên:
- Tại sao anh lại gạt tôi như vậy?
- Tôi muốn cha con em hiểu và thông cảm nhau. Em luôn chống đối bác Bá, nhưng kỳ thật trong thâm tâm em lại suy nghĩ, để ý tới bác hơn ai hết. Em dối lòng mình và phủ nhận tình cảm ruột thịt đó vì lý do gì? Có phải vì trước đây bác đã ruồng rẫy dì Ngà với cái thai trong bụng không? Nếu đúng vậy thì em quá cố chấp.
Bạch Đàn mặt tái nhợt:
- Anh là ai mà chen vào chuyện gia đình tôi? Anh là gì mà phê phán tôi? Hừ! tại sao tôi cố chấp, ông ta biết rõ hơn tất cả, đừng bày đặt gặp riêng tôi làm chi. Tôi đã cố im lặng cho mẹ vừa lòng nhưng ổng vẫn chưa chịu. Anh làm ơn nói lại rằng: Tôi không đời nào quên nhưng gì tôi đã nhìn thấy.
Dứt lời, Bạch Đàn đứng dậy đi băng băng ra cửa. Giang vội vã chạy theo, anh không ngờ cô nóng nảy đến như vậy.
Giang cũng là đứa trẻ bị cha bỏ rơi từ nhỏ, nhưng anh không căm thù, oán ghét ba mình như Bạch Đàn. Có thể tại anh là đàn ông, tính tình lại bay bướm, nên anh thông cảm được và hiểu nỗi đam mê, thói đa tình của các đấng mày râu. Còn Đàn thì không...
Anh đưa tay kéo Đàn lại nhưng cô đẩy anh ra rồi bước lên chiếc xích lô đang trờ tới. Giang vội chạy vào bãi lấy xe. Khi anh dẫn được chiếc Dream xuống đường thì Bạch Đàn đã mất dạng.
o O o
Bà Ngà gằn giọng:
- Tôi đã bảo Bạch Đàn không có nhà sao cậu còn chưa chịu về?
Đại lầm lì:
- Cháu sẽ chờ đến khi nào gặp được cô ấy thì thôi.
- Được, nếu cậu muốn thế tôi cũng phải nói thật. Gia đình chúng tôi yêu cầu cậu đừng tìm Bạch Đàn nữa.
- Cô ấy đang dạy học tự nhiên nghỉ ngang, cháu muốn tìm hiểu lý do.
Bà Ngà thẳng thừng:
- Tôi không đồng ý nó dạy người lớn, lại từng có tiền án như cậu. Tiền... lương của nửa tháng sau tôi đã nhờ Bích Đông trả lại. Cậu nên tìm người khác. Tôi nói vậy cậu rõ lý do rồi chứ?
Đại bướng bỉnh:
- Nhưng cháu vẫn muốn gặp Bạch Đàn. Từ trước đến giờ cháu không làm gì buồn lòng cô ấy hết. Cháu chẳng hiểu sao bác lại bắt Đàn nghỉ dạy.
Bà Ngà cười nhạt:
- Điều này cậu tự hỏi mình thì tốt hơn. Làm sao tôi yên tâm khi biết con gái tôi kề cận một kẻ từng đâm người, ăn cắp xe và chuyên môn phá quậy, giao du với bụi đời hút xách như cậu. Trước đây Đàn dấu, bây giờ đã biết học trò nó dạy kèm là thành phần nào rồi, tôi không thể để nó dạy tiếp tục công việc này được.
Đại chua xót trước nhưng lời sắc như dao cạo của bà Ngà. Chắc chắn Giang đã nói về anh cho gia đình Bạch Đàn biết. Anh đâu thể trách mẹ cô được. Đâu ai muốn con gái mình tiếp xúc với hạng người có thành tích như anh.
Đại buồn bã nói:
- Nếu bác cương quyết không để Bạch Đàn giúp cháu đành chịu vậy. Xin phép bác cháu về!
Lủi thủi bước tới chiếc Win đỏ dựng ngoài cửa. Đại chợt nghe một giọng đàn ông khá quen vang lên thật ngọt:
- Chuyện gì vậy em?
- À... có người tìm... mấy đứa ở trọ.
Tò mò Đại quay lại, và buột miệng:
- Anh... Bá!
Người đàn ông có giọng nói ngọt ngào, trầm ấm giật mình nhìn sững anh rồi hỏi:
- Ủa!.. Đại phải không? Lâu quá mới gặp lại em. Khỏe chứ?
Đại thẫn thờ lặp lại:
- Vâng! Đúng là lâu quá. Hơn bốn năm rồi còn gì.
Rồi anh nhìn ông ta:
- Anh sống ở đây à?
- Ừ... Ờ... cũng chưa hẳn là vậy. Vợ con anh sống ở đây. Em vào tìm bạn gái à?
Đại nhìn phớt qua gương mặt ngạc nhiên lẫn bối rối của bà Ngà và đáp:
- Tôi lộn địa chỉ, cô ta ở chỗ khác.
Ông Bá cười to:
- Không phải em lộn đâu, chắc con bé em muốn tìm cho lộn số đó.
Đại soi mói:
- Anh vẫn sống bằng nghề cũ chứ.
Mặt ông Bá hơi đổi sắc:
- Anh bỏ nghề đó lâu rồi. Bây giờ lo dưỡng già với vợ con.
Đại hơi mỉa mai:
- Cỡ tuổi anh mà dưỡng già thì sớm quá. Nhưng dù sao cũng sung sướng, chỉ tội nghiệp cô Loan của tôi. Tự dạo ấy tới nay không ngóc đầu lên nổi vì nợ nần.
Ông Bá gượng gạo:
- Số cô ấy khổ thật... Ờ... mà thôi, lúc nào rảnh, anh em mình nói chuyện tiếp. Anh bận phải bàn với bà xã chút việc rất gấp.
Rồi bỏ mặc Đại đứng đó, ông kéo bà Ngà vào nhà, đóng nhanh cửa lại.
Tự dưng Đại nhớ tới dáng nhỏ nhắn của Bạch Đàn lúc cô ngồi khóc bên lề đường mà thương chết đi được.
Đúng là cô quá vô phúc nên mới gặp lại cha ruột của mình.
Ông Bá là phường vô lại. Đại còn lạ gì ông ta, người chuyên môn mua bán xe ăn cắp và sống bám váy đàn bà, ham mê bài bạc, đã vậy còn quờ quạng với phụ nữ. Ở ông ta đầy rẫy thói hư tật xấu, nhưng trời phú cho bộ vó bảnh trai, miệng lưỡi khôn ngoan, lẻo mép và cái tài chinh phục phái đẹp. Cô Loan của anh dù có chồng rồi vẫn không thoát khỏi hấp lực của ông Bá, cô bán lần hồi của cải trong nhà để theo ông ta đánh bạc. Đàn bà mà mê bài bạc thì khi thua bán thân là thường. Cô Loan đã từng làm thế. Và ông Bá là người trung gian làm môi giới giới thiệu cô bán thân. Thật khổ cho bà cô Út của anh. Đại thở dài khi nhớ tới quá khứ. Hồi đó dân "thổi xế" bọn anh toàn gọi ông Bá là anh "Bá chấy". Gọi thế cho vừa lòng nhau thôi, chớ thật ra lão là người chuyên môn dìm giá chớ chả "Bá chấy" chút nào. Dù biết lão ta ém giá, nhưng khó đứa nào thoát khỏi cái mồm dẻo nhẹo nói hay đến mức con kiến trong hang cũng bò ra của lão.
Mua của dân chôm thì rẻ, đến hồi bán, lại vận dụng khoa ăn nói và cái mã phong nhã để bán cao, thu vào khối tiền. Thế nhưng tiền của bao nhiêu cũng chả đủ cho thói đàng điếm bài bạc.
Bây giờ ông Bá tấp vào mẹ con Bạch Đàn. Dầu biết rằng "Cây đa cũ, bến đò xưa" nhưng chắc chắn lão đàn ông thủ đoạn, gian xảo đó không đem lại điều gì tốt lành cho "vợ con" mà lão ta đã bỏ rơi, thậm chí quên khuấy hai mươi mấy năm nay.
Dứt khoát, Đại phải tìm hiểu cặn kẽ về ông Bá mới được.
Phóng xe về nhà, anh hỏi ngay:
- Cô Loan có tới không dì Tám?
- Có. Cô ấy chờ cậu. Hình như có thư hay bưu phiếu gì đó...
Chẳng đợi bà Tám nói hết, Đại vội lên lầu. Anh không quan tâm tới số tiền mà cả tuần nay cô Loan sốt ruột trông chờ. Anh tìm cô để hỏi chuyện khác.
Thấy bà cô mình ngồi coi video, Đại nói ngay:
- May quá! Cháu đang cần gặp cô đây.
Mắt không rời màn hình, bà Loan mỉa mai:
- Mày sợ tao lãnh tiền rồi chui vào sòng hả?
- Đâu có. Cháu muốn hỏi thăm chuyện khác.
Giọng bà Loan đầy cảnh giác:
- Chuyện gì?
Đại ngập ngừng:
- Cô biết nhiều về đời tư của ông Bá không?
- Tự nhiên sao lại hỏi về thằng chó chết đó? Mày định làm ăn với hắn nữa hả?
Đại châm thuốc hút rồi ngập ngừng:
- Cháu muốn lột mặt nạ lão ta. Muốn vậy phải biết rõ quá khứ, đời sống riêng tư của lão thì... lột mới trúng chứ.
Bà Loan bấm remote tắt tivi rồi hỏi:
- Mày cần biết gì về hắn nào?
Đại nhún vai:
- Tất cả. Nhất là những mánh khóe, thủ đoạn lão đã xử dụng với cô hồi đó.
Mặt bà Loan sa sầm xuống vì câu nói trắng trợn của Đại. Anh biết bà rất giận, nhưng nếu không... khích cho bà giận lên thì bà sẽ đời nào hé môi về gã đàn ông này.
Bà Loan siết hai bàn tay vào nhau:
- Lâu quá rồi, tao cũng không thích thú gì khi phải gợi lại chuyện khốn nạn ấy.
- Nhưng ít ra cô cũng phải cho cháu biết về lão Bá chứ? Trước đây cháu vẫn thấy lão sống lăng nhăng với điếm hoặc bám vào một bà sồn sồn lắm của nào đó. Vậy vợ con lão đâu?
Bà Loan ngả đầu vào lưng ghế xa lông, mắt lóe lên những tia giận dữ:
- Khi quen tao thằng chó ấy than rằng vợ nó ham giàu nên đã theo người khác đi vượt biên. Lúc ấy dượng Út mày bỏ bê tao ở với con Cúc bán bia ôm nên tao buồn, ngày nào cũng có mặt ở sòng bạc.
Nhếch môi đầy cay đắng, bà Loan tiếp:
- Chuyện gì phải xáy ra tự nhiên sẽ đến, tao đã u mê nghe theo lời thằng Bá, giờ chỉ còn một thân một mình, nhà cửa cũng không, chồng con cũng không. Mày hỏi tao, nó có mánh khóe, thủ đoạn gì hả?
Đại búng tàn thuốc xuống đất thay câu trả lời, lẽ ra anh không nên hỏi cô về ông Bá theo cách này. Anh chỉ nên hỏi về ông Bá thôi. Bắt cô ấy kể lại lỗi lầm của mình, đúng là tàn nhẫn. Nghĩ cũng lạ, ngang ngược bướng bỉnh như cô Loan mà lại nghe lời anh...
- Thật ra, hắn nhờ có bộ mã đẹp trai, mồm mép ngọt ngào nên giỏi làm phụ nữ động lòng. Đàn bà là chúa nhẹ dạ. Càng già càng nhẹ dạ khi được đàn ông quan tâm săn sóc. Sau này tao mới biết ngoài mình ra, thằng Bá còn rất nhiều người đàn bà, với mỗi người lợi dụng một thứ. Có bà đưa xe cho hắn đi, người thì thuê phòng cho hắn ở, kẻ lo ăn hàng ngày. Hắn cứ ung dung chạy mánh và xoay tiền đi đánh bạc. Những người đàn bà khờ khạo kia cũng như tao, cứ tưởng mình là người duy nhất được gã đàn ông hào hoa phong nhã ấy si mê.
Đại thắc mắc:
- Tại sao cô biết ngoài mình ra ông Bá còn lợi dụng những người khác nữa?
Bà Loan bỗng ré lên cười:
- Ha... ha... Nhờ bà mợ Nhung của mày đấy. Mẹ thằng Giang coi vậy chứ hay lắm đó.
Đại nhíu nhíu mày:
- Mợ Nhung cũng... cũng...
- Không! Bà ta không phải hạng phụ nữ nhẹ dạ, dễ bị đàn ông gạ gẫm. Ngược lại, bà là hạng đàn bà chuyên môn xỏ mũi đàn ông. Bác Hai mày cũng là dân bản lĩnh nên dù đã bị xỏ mũi cũng vùng ra được để ly dị và cưới vợ khác.
- Mợ Nhung đã nói gì với cô?
Bà Loan trề môi:
- Mụ ấy mà nói gì. Bao giờ gặp tao cũng chỉ nhờ vả, vòi tiền từ nước ngoài gởi về để nuôi con. Lần ấy bà đến với một giỏ xách, bà nói thẳng với tao đó là thuốc phiện. Nếu tao đồng ý cất giữ món này trong một tuần thì sẽ có hai chỉ vàng. Lúc ấy đang nợ như chúa chổm nên tao liều mạng gật đầu. Chuyện này xảy ra nhiều lần và lần nào tao cũng được nhận tiền sòng phẳng.
Đại chép miệng:
- Cô gan thật!
Bà Loan tỉnh bơ:
- Cũng như mày thôi. Không tiền đành phải liều.
Đại làm thinh. Anh xốn xang vì lời của bà Loan. Bà nói và không nghĩ vì ai mà anh không tiền, không chốn nương thân đến nỗi phải đi ăn cắp. Phải chi hồi đó cô Loan cho anh ở trong ngôi nhà này, phải chi hồi đó cô đưa những món tiền ba mẹ và anh em thằng Tâm gởi về cho Đại thì đời anh đã khác hơn nhiều rồi. Suốt hai năm trời cô không cho Đại lấy một phần. Tiền của anh, cô đem đi đánh bài, cung phụng cho lão Bá, đã vậy, còn nhẫn tâm dối rằng ba mẹ đã từ anh luôn nên chả hề gởi thơ cũng chẳng cho tiền, biến anh thành một người khác. Với cháu ruột, cô không chút tình cảm, nên thật tâm Đại cũng chả ưa gì cô, nếu không muốn nói là anh căm thù khi nhớ tới những gì cô đã đối với mình.
Anh hỏi tới để tránh phải suy nghĩ:
- Sau đó thì sao?
- Bẵng đi một thời gian lâu lắm bả không ghé nhà, tao mất một mối lợi nhưng đâu dám tìm mà hỏi. Á phiện chớ nào phải hàng lậu thường tình, tao nghĩ bà gặp rắc rối nên cũng lo.
Đại đang hoang mang không biết bà Nhung liên quan gì đến ông Bá thì bà Loan tiếp:
- Một hôm đi trên đường Ngô Gia Tự, tao gặp bả. Định phớt lờ cho rồi, ai ngờ bà Nhung kéo tao vào một quán cà phê khá sang. Sau ba hồi dông dài đủ thứ chuyện tầm phào, bà ấy vụt hỏi tao có biết quán cà phê này của ai không? Chưa kịp trả lời bả đã cười cười nói nhỏ: "Quán của vợ Ông Bá đấy!"
Đại kêu lên:
- Ủa! Vậy là vợ Ông ta không có vượt biên?
- Đúng vậy. Ngược lại chính Bá đã bỏ vợ con để vượt biên nhưng thất bại. Bà Nhung cho biết Bá và bà cùng hùn hạp buôn á phiện lậu, hắn không đồng ý gởi hàng cho tao nên bà ta phải tìm chỗ khác. Rồi bằng giọng kẻ cả, bà khen tao đã can đảm dứt bỏ gã đàn ông đó. Nếu không, một ngày không xa, thế nào cũng được nếm đòn thù của mụ vợ của nó. Qua lời của bà Nhung, tao mới hiểu mánh khóe của thằng chó chết ấy. Một khi người đàn bà nó bám váy đã hết tiền, Bá có nhiều cách để mụ ta rời xa nó. Cách sau cùng độc ác nhất là cho vợ con đi đánh ghen. Mụ vợ này cũng chẳng tha thiết gì với thằng chồng chuyên môn phá sản ấy, nhưng đàn bà nào lại không ghen, không ham tiền và không thích thể hiện quyền "vợ lớn" của mình, nên dù từ lâu "anh, ả đôi đường" mụ ta vẫn hăng hái tiếp ứng cho chồng mỗi khi hắn cầu cứu.
Giọng bà Loan chợt đanh lại:
- Dĩ nhiên mỗi lần như thế hắn phải trả tiền công sòng phẳng, nếu không khó yên thân với mụ ta.
Đại lắc đầu:
- Nồi nào úp vung nấy chẳng sai. Nhưng tới giờ ông ta và bà vợ ấy còn liên hệ với nhau không?
- Sao lại không. Họ là một liên minh, ma quỷ xứng đôi vừa lứa nhất. Thằng Bá tuy ăn ở với nhiều người nhưng tuyệt nhiên không có con rơi. Mụ vợ chính thức của nó đã từng tuyên bố nếu thằng Bá có con với ai khác, mụ sẽ... giết chết cả mẹ lẫn con.
- Chuyện này làm sao mụ ta kiểm tra được?
- Với mụ chằng đó chuyện gì mà không làm được. Chuyển thuốc phiện lậu từ Bắc vô Nam, mụ còn làm được kia mà.
Đại hồi hộp:
- Cô có chắc vợ chồng họ buôn thuốc phiện không?
Bà Loan nhìn Đại chăm chú:
- Mày mà dính vô cái vụ này là chung thân đó con.
Anh cười xòa:
- Cháu hỏi vì tò mò thôi chớ ngu dại gì mà dính vào, trong khi cháu đâu túng thiếu như xưa.
Bà Loan làm thinh, mãi lúc sau anh mới nghe bà nói tiếp:
- Theo bà Nhung thì vợ chồng thằng Bá có buôn thứ đó, dĩ nhiên chỉ thỉnh thoảng thôi.
- Chuyện này xảy ra lâu chưa?
- Trước khi tao... tự tử. Hừ! Nó biết tao hết tiền nên ruồng rẫy, đã vậy còn nhẫn tâm bắt bà Nhung gởi hàng chỗ khác để tao đói. Thằng khốn nạn!
Đại hỏi:
- Bây giờ họ còn bán á phiện không?
- Làm sao tao biết được. Tao thấy dạo này thằng Bá coi bộ suy sụp, tiệm cà phê của con vợ ế ẩm, dầu gì nó cũng già rồi, cái thời của nó cũng đã qua. Không chóng thì chầy thứ trời đánh đó cũng đi ăn mày. Tao đang nóng lòng chờ tới ngày đó đây.
Đại ngao ngán nhìn bà Loan. Lúc nào cô ấy cũng độc miệng rủa người này ác, mắng kẻ nọ hiểm trong khi bản thân mình cũng dữ dằn chẳng thua ai.
Anh chợt nghe bà Loan hỏi:
- Này! Chắc mày chưa cần tiền?
- Cháu vẫn còn đủ tới cuối tháng.
- Vậy để... cô giữ phần mới gởi về cho nghe?
- Nhưng lúc nào cháu cần, cô phải đưa ngay đấy.
Bà Loan liếc Đại:
- Gớm! Mày làm như cô hay hẹn lần hẹn lựa lắm không bằng.
Rồi bà ca cẩm:
- Chẳng hiểu mấy ông bà ở bển nghĩ sao mà không chịu lấy nhà này làm khách sạn mini. Tiền của đổ vào xây lại đâu phải ít, thế mà cứ để trống không, chắc ở bển nghĩ mỗi tháng gởi về cho cô cháu mình vài trăm đôla là dư sống hay sao ấy. Nếu ngôi nhà này còn là của tao thì tao đã làm ra khối tiền.
Nghe bà Loan chắt lưỡi như Thạch Sùng tiếc của, Đại tủm tỉm cười... Cách đây một năm, lúc anh gần được mãn tù, bác Hai và Tâm có về, bác anh đã trả cho cô mấy trăm triệu để mua lại ngôi nhà này vì lúc đó cô đang thiếu nợ lúc đầu và đang muốn bán ngôi nhà cũ kỹ đã xuống cấp trầm trọng.
Hai người có vào trại giam thăm anh, lúc đó Đại mới biết suốt bốn, năm năm qua, tháng nào gia đình, họ hàng cũng gởi tiền cho anh nhưng cô Loan đã chặn lại và nướng hết vào sòng bạc. Ngày đó anh hận cô Loan kinh khủng, hận đến mức anh thề sẽ không xem cô là cô ruột của mình. Nhưng anh đã không giữ được lời thề khi gặp lại cô trong phòng cấp cứu ở bệnh viện. Cô Loan tự tử khi mấy trăm triệu bán nhà phút chốc cũng đi mây về gió. Chồng bỏ, con không có, nhân tình thì cao chạy xa bay, cô chỉ còn Đại là ruột thịt. Anh đã lo lắng, chăm sóc cô. Những lúc ấy, ân hận và luôn miệng nguyền rủa bản thân cũng như nguyền rủa ông Bá. Nghĩ lại ông ta đáng bị rủa lắm chứ!
Đại chợt lo khi nhớ tới Bạch Đàn. Cô không thể đối chọi lại với ba ruột mình. Ông ta là người sẵn sàng bán rẻ con, nếu có lợi.
Anh lại hỏi bà Loan:
- Ông Bá và bà vợ lớn có mấy đứa con?
- Một thằng con trai duy nhất. Thằng quỷ nhỏ ấy giống tánh ba nó y hệt. Sở khanh, đàng điếm và phá sản. Xin tiền, thằng Bá không cho, nó sẽ quậy. Mà thằng này quậy còn bạo hơn ba nó nhiều. Bởi vậy, quả báo nhỡn tiền không sai chút nào. Ờ! Sao tự nhiên mày lại hỏi về thằng cha Bá?
Đại gãi đầu:
- Tại sáng này cháu thấy ổng đi với một bà... nên muốn hỏi cô cho biết vậy mà.
Bà Loan bĩu môi:
- Một ngày nào đó nó sẽ chết vì đàn bà. Tao tin như vậy.
- Cô không hận ổng nữa sao?
Bà Loan bật cười khan:
- Dẹp chuyện này đi mày. Đừng nên khơi lại đống tro còn than âm ĩ chứ.
Rồi bà đổi giọng châm chọc:
- Nghe nói nữ gia sư dạy Anh văn của mày bỏ nhiệm sở rồi hả? Học kiểu này có tới Tết Marốc mới thi đậu.
Đại nhăn nhó:
- Việc của cháu, cô đừng có xen vào. Khổ thật, mới nói chuyện với cô một chút đã "cua răng" rồi.
Bà Loan xua tay:
- Vậy mày đi đâu thì đi cho tao coi phim tiếp.
Đại uể oải bước xuống nhà. Anh cũng không biết phải đi đâu bây giờ. Nhưng dứt khoát anh sẽ tìm Bạch Đàn cho bằng được.
Lời Yêu Thương Lời Yêu Thương - Trần Thị Bảo Châu