If you truly get in touch with a piece of carrot, you get in touch with the soil, the rain, the sunshine. You get in touch with Mother Earth and eating in such a way, you feel in touch with true life, your roots, and that is meditation. If we chew every morsel of our food in that way we become grateful and when you are grateful, you are happy.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 10409 / 21
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 18 -
rúc ngồi dán mấy tấm tranh vẽ chuẩn bị cho tiết hội giảng của Bảo Hân mà cứ tủm tỉm cười một mình khi nghe bọn trẻ nói chuyện với nhau.
Con bé Hoài Phương nãy giờ cứ theo chọc Thúy Vi:
- Vi là vi trùng. Vi là vi trùng.
Thúy Vi ngồi làm thinh, lâu lắm nó mới rụt rè lên tiếng:
- Không phải! Vi là Thúy Vi.
- Phải, Vi là vi trùng. Ghê quá, hông ai thèm chơi... Vi là vi trùng...
Thằng Lễ Trí đang chơi xây dựng gần đó xen vào bênh vực:
- Nó m...à là v...i trù...ng... thì mầy là... si... đa, ma túy, x...ì... k...e.. hiểm... họ...a của mọ...i nhà, mọ...i người.
Không nhịn được, Trúc cười thành tiếng, cô gọi:
- Lễ Trí, ai dạy con vậy?
- Con c...oi t..i vi... c...ó con ma... t...úy... ở tr...ỏ...ng.
Trúc lắc đầu:
- Đúng là học trò của Bảo Hân! Đến cà lăm mà cũng mồm mép.
Hoài Phương! Không được chọc bạn nữa nghe chưa?
Cúi xuống làm tiếp công việc của mình, Trúc bỗng thoáng thấy như có người ngáng ngay cửa lớp.
- Xin lỗi...
Đứng vội dậy Trúc bước ra:
- Chị muốn tìm ai?
Người phụ nữ trẻ mỉm cười thân thiện:
- Tôi muốn thăm cháu Thúy Vi. Tôi là dì nó ở xa, đi công tác ngang...
Nghe đến tên mình Thúy Vi ngước lên nhìn. Thấy con bé không biểu lộ mừng vui gì cả. Trúc cũng làm lạ, nhưng nhớ lại tính con bé vui buồn gì cũng dấu kín trong lòng như bà cụ nên cô nói:
- Cháu Vi ngồi kìa! -- Rồi nhận ra hình như người xưng là dì lơ ngơ tìm kiếm con bé, Trúc ngạc nhiên:
- Nó mặc áo đầm xanh đó! Chị không nhận ra à?
Giọng người phụ nữ hơi nghẹn lại:
- Không! Tôi đi xa khi cháu Vi mới thôi nôi. Tội nghiệp! Trông nó ốm yếu quá.
Quay lại nhìn Trúc, cô ta ngập ngừng như van xin:
- Tôi có thể đưa cháu đi chơi mát chút được chứ?
Nhìn gương mặt đẹp có nhiều nét giống Thúy Vi, nhất là ở đôi mắt, Trúc hơi xiêu lòng, nhưng cô vẫn lắc đầu từ chối.
- Chị thông cảm, nội quy trường tôi hơi khó, ngoài cha mẹ, ông bà và người thân đưa rước hàng ngày mà giáo viên biết mặt ra, chúng tôi không dám giao trẻ cho ai khác.
- Vậy tôi ngồi chơi với nó ngoài ghế đá một chút chắc được?...
- Vâng! Giờ này là giờ chơi tự do, chị cứ trò chuyện với nó. Con bé này ít nói lắm! Nó thích ngồi một mình không thôi.
Ngoắc tay gọi Thúy Vi đến, Trúc dặn dò:
- Ngồi với dì ngoài ghế đá, không được đi đâu nghe chưa Vi.
Người phụ nữ ngồi xuống nhìn con bé rất lâu. Thúy Vi cũng yên lặng ngó trả lại rồi chậm chạp theo người dì bước ra ghế đá. Đúng là hai dì cháu đang làm quen nhau! Trúc lắc đầu ái ngại rồi tiếp tục phần việc của mình.
Bảo Hân dự giờ ở lớp Huyền Sương đã xong, cô về lớp mình. Thạch Thảo bước vào theo, mồm lách chách:
- Con Sương bữa nay bị tổ trác hay sao mà ăn nói thấy cười thiệt.
- Tổ nào mà trác, tại Sương có tật nói không đầu, không đuôi, không rõ ràng quen rồi!
Thạch Thảo ôm bụng cười ngặt nghẽo:
- Ha! Ha! Ha! Bà Trúc biết nó dạy sao hông. Trời ạ! Tui cố nín để đừng cười mà nín không được. Thật học trò của nó cũng bộp chộp y chang cô giáo.
Nín cười để thở, Thạch Thảo nói tiếp:
- Không biết khi dạy mọi lúc mọi nơi, nó dạy như thế nào, mà hồi nãy nó chỉ vào con cua hỏi: Đây gọi là gì? Thì học trò dơ tay trả lời: Thưa... mu, cô!
Trúc cũng phì cười khi nghe Thạch Thảo kể. Nhìn Thảo đang hả hê, cô nhỏ nhẹ:
- Cười vừa thôi! Tới phiên mình dạy thế nào cũng có sơ xuất, thiên hạ lại cười lại.
Nhún vai đầy vẻ tự tin, Thảo nói:
- Dễ gì Thảo này để cho thiên hạ cười. Nói thật, khi lên một tiết hội giảng, mình chuẩn bị cả tháng, giáo án nằm trong đầu, điệu bộ diễn xuất nhuần nhuyễn còn hơn diễn viên. Lúc đó là thầy trò mình như đang trình diễn một tiết mục văn nghệ cho mọi người xem thôi, xem rồi chỉ còn việc vỗ tay tán thưởng chớ không còn biết chê ở điểm nào, vì tất cả đều hoàn hảo.
Bảo Hân mỉm cười nhìn Trúc, cô hơi nheo mắt ngầm thách thức thái độ huênh hoang của Thạch Thảo:
- Nghe chị Thảo nói em thấy rõ phần thưởng giáo viên đạt điểm cao nhất đợt thi này về tay chị rồi.
Thạch Thảo đẩy đưa:
- Chưa chắc đâu! Bảo Hân chưa dạy mà, làm sao chị dám chủ quan.
- Em mà nhằm gì! Hồn vía còn lạc ở đâu đâu, thi cho có phong trào vậy thôi.
Nghe Bảo Hân nói vậy, Thạch Thảo tính toán:
- Huyền Sương coi như rớt đài rồi, nghĩ tiếc cho nó, công anh Triều vẽ hình đẹp ơi là đẹp mà dạy như hạch. Còn Hân, Mai Chi, Hồng Hạnh với chị. Mỗi đứa ráng một chút thi cho vui, chớ ham gì cái giải nhất đó.
Nói đi cũng Thạch Thảo, rồi nói lại cũng Thạch Thảo:
- Có điều nghĩ tới công anh Triều xung phong làm cho mình cái ti vi, mà dạy không có hạng, sợ ảnh buồn, tội ảnh...
Trúc trề môi:
- Nó không buồn bã chuyện vớ vẩn đó đâu, đàn ông mà, người ta làm dùm rồi thôi, chỉ có người... nhờ mới nhớ tới hoài... cho khổ.
Thạch Thảo gượng cười không thèm ngó Trúc:
- Thôi! Mình về lớp nghe Hân.
Đợi Thảo đi khuất, Trúc mới lên giọng:
- Về đâu về cho rồi, thấy điệu bộ hí hửng khi thấy người khác rớt đài của nó mà chị bực. Hai đứa nó thân nhau là thế, bây giờ thì như chó với mèo.
Rồi Trúc ngậm ngùi:
- Nghĩ cũng khổ, trong ngôi trường kín cổng cao tường, chín mươi chín phần trăm là phụ nữ, có hơn phân nửa chưa chồng này bỗng lọt tọt xuất hiện một gã đàn ông cho rộn ràng nhiều chuyện.
Bảo Hân thấy hơi nhột khi nghe Trúc nói vậy. Cô thẳng thắn:
- Chị không quơ luôn cả em vào cái nhóm hơn phân nửa chưa chồng ấy chứ?
- Nếu muốn, em có thể tách riêng ra và đứng một mình như từ trước tới giờ em vẫn một mình. Ý chị chỉ ngậm ngùi khi thấy tuổi tác và thời gian cứ qua vun vút, mà lòng khao khát yêu rồi được yêu ở mỗi người lại bất tận, khó ai được đáp ứng như ý muốn. Thời gian giành cho công việc, thời gian ở trường tính ra hơn tám tiếng, thời gian vui chơi không có, giao tiếp không có, bạn bè ở đâu mà ra, rồi tình yêu ở đâu mà tới.
Bảo Hân mai mỉa:
- Lẽ ra chị qua công tác bên Phụ nữ thì hay hơn ngồi đây nghĩ lung tung, thắc mắc đủ thứ.
Trúc cười cười:
- Bên đó cũng toàn các bà không chồng chuyên lo việc thiên hạ. Mà chuyện gì chớ chị thấy "Chuyện chồng con khó nói lắm em ơi". Trên thế giới làm gì có nước nào đầu tư kinh phí vào việc lo cho phụ nữ khỏi ế chồng. Chịu thôi! Đôi lúc chị tin vào duyên số cho khỏi đau lòng.
Bảo Hân càu nhàu:
- Dẹp chị đi cho rồi! Bố con bé Mỹ Ngà lẽo đẽo theo hoài, chị không ưng, ở một mình rồi lý sự cùn.
Nhìn ra sân trường, cô ngạc nhiên:
- Chị Trúc! Con bé Thúy Vi ngồi với ai vậy?
- À! Dì nó! Buồn cười thật, dì ghé thăm cháu mà không biết mặt, cứ ngơ ngơ đi tìm.
Bỗng dưng cô quay ra nhìn lần nữa cái dáng gầy gầy đang ôm con bé Vi vào llòng.
- Phải dì nó không đó?
- Sao lại không! Mặt giống như cắt mà để qua. Con bé Vi giống mẹ.
Hân hỏi:
- Chị biết mẹ nó không?
- Ờ không! Mấy năm liền toàn thấy ba nó đưa đón. Có thấy cũng thoáng qua thôi!
Bảo Hân bậm môi ray rứt:
- Anh Triều mở cổng cho chị ta vào à?
- Đâu có! Sáng nay nó đi học cái gì đó, chị nào thấy mặt mũi nó đâu.
Bảo Hân nhanh chóng quyết định:
- Chị đem Thúy Vi vô và nói với dì nó tới giờ học rồi. Em muốn ôn kiến thức cho học trò để chuẩn bị hội giảng.
Trúc gật đầu, bước tới bên ghế đá. Hân không biết Trúc nói gì mà dì của Thúy Vi dắt con bé bước vào lớp. Bảo Hân nghênh mặt lên như sẵn sàng đối phó khi thấy cô ta đẹp quá. Vẫn là đôi mắt đen to của Thúy Vi, nhưng đôi mắt này thăm thẳm, sâu lắng, sống động vô cùng, chính nó làm Bảo Hân thấy ở người phụ nữ này có nét quyến rũ và hấp dẫn thật kỳ lạ. Trái tim Hân đập liên hồi khi nghĩ Triều đã từng đau khổ vô cùng vì người đàn bà này.
- Xin lỗi đã làm phiền các cô. Bây giờ tôi gởi trả lại Thúy Vi. Cảm ơn các cô rất nhiều.
Hân mỉm cười xã giao, cô ngọt ngào:
- Tôi sẽ nói với anh Mẫn là dì... gì kiếm thăm bé Vi?
Đôi mắt đen to ấy hơi bối rối:
- Ồ! Cần gì phải nói lại hở cô?
- Dạ cần chứ, vì các cháu hay kể chuyện ở lớp cho phụ huynh nghe. Giáo viên phải nắm hết mọi sự việc mới giải đáp hết thắc mắc của cha mẹ các cháu, nếu không sẽ bị phản ảnh là không theo sát học trò...
- Cô cứ nói... có dì Năm ở Sóc Trăng ghé ngang thăm cháu rồi về ngay.
- Vâng! Tôi nhớ rồi.
Trúc tò mò nhìn theo người khách:
- Bộ em nghi không phải dì con Vi à?
- Ờ! Em nghi! Chị nhớ đừng nói gì với anh Triều về bà dì Năm con Vi nhé.
- Sao kỳ vậy?
- Bữa nào rảnh em kể chị nghe, bây giờ để em dạy lại mấy bài hát cũ một chút.
Nhìn Triều ngồi trầm ngâm bên điếu thuốc kiểu quên trời quên đất và quên cả có cô đang ở kế bên, Bảo Hân hơi tự ái. Cô vờ đứng dậy:
- Em về à nhe.
- Sao lại về. Còn sớm lắm mà. Lại đây ngồi với anh.
Hân nghiêng nghiêng đầu nhõng nhẽo:
- Em ghét cái điếu thuốc trên tay anh.
- Anh vứt nó ngay tức thời.
- Em ghét cái vẻ suy tư khó hiểu của anh.
Triều cười cười:
- Thì em phải làm sao cho anh đừng như vậy nữa.
Hân phụng phịu:
- Anh không tự vứt nó đi được sao?
- Được chớ, nhưng anh chưa muốn.
Đứng dậy, Hân nói như gần khóc:
- Nếu vậy em về là phải rồi. Anh đâu cần tới em.
Đợi Hân ngoe nguẩy bước ngang chỗ mình ngồi, Triều mới vươn tay ôm cô lại. Giọng anh trầm xuống:
- Đừng bỏ anh một mình những lúc như vầy.
Tựa đầu vào vai anh, Hân bỡ ngỡ:
- Có chuyện gì vậy Triều?
- Không! Không có chuyện gì hết. Nhưng tâm hồn con người rắc rối lắm. Anh cũng vậy. Đôi khi anh sợ ở một mình.
- Anh đi đâu từ sáng đến tận giờ tan học, về tới lại ngồi như mất hồn.
Nhớ tới người dì của Thúy Vi, Hân lo lắng:
- Phải có chuyện gì xảy ra. Em linh cảm là anh đã gặp...
Triều để tay lên môi Hân ngăn cô lại:
- Gặp ai? Sáng nay học xong anh ghé tạt về nhà. Anh gặp anh Cường, ngồi nói chuyện với ảnh cả buổi mới té ra nhiều chuyện làm ăn lý thú mà với khả năng mình, anh tin anh sẽ làm được.
Bảo Hân ngập ngừng:
- Ý anh muốn đề cập tới việc mở cơ sở sản xuất đồ chơi phải không?
Triều gật đầu, giọng phấn chấn hẳn lên:
- Anh không mơ ước gì cao xa, to lớn. Anh thích có một cơ sở sản xuất những đồ chơi do anh thiết kế. Với những mẫu mã tự anh sáng tạo, cô vợ bé bỏng của anh tha hồ dạy, đám con nít mẫu giáo tha hồ chơi. Rồi con của mình nữa. Nó sẽ làm quen với đồ chơi từ trong bụng mẹ, mới tưởng ra thôi mà đã mê...
Lấy đuôi bím tóc quẹt vào mũi Triều, Hân cười trêu anh:
- Ước mơ anh không cao xa, to lớn nhưng hơi tham. Hiện thời vợ cũng chưa có, cơ sở cũng còn nằm ở đâu đâu mà đã sướng mê khi nghĩ tới con. Xấu thật!
- Anh đã ba mươi mà chẳng có gì trong tay. Tụi bạn anh vợ con hạnh phúc, nhà cửa xênh xang, xe cộ bóng loáng. Còn anh vẫn chưa làm được gì có ích cho mọi người. Suốt mấy năm ròng với bao nhiêu nghề ngỗng linh tinh, anh gần như phí tuổi trẻ và thời gian vô ích.
- Tại anh chưa bắt đầu thôi. Em lại nghĩ chính những nghề ngỗng anh cho là linh tinh đó là vốn sống thực tế cho công việc của anh sau này.
Triều có vẻ nghĩ ngợi:
- Ba anh coi bộ tán đồng ý kiến của anh, ông không nói nhiều mà chỉ ngắn gọn quyền hành đưa ra một câu như quyết định. "Tính toán đâu đó cụ thể coi như thế nào, rồi gia đình lo cho".
Bảo Hân reo lên:
- Vậy thì hay quá!
Triều nghiêm mặt:
- Anh thấy chẳng hay chút nào! Anh ngán ngẩm khi nghĩ mình sẽ lại rơi vào vòng kềm tỏa mà mình đã thoát ra bấy lâu nay, nếu anh đồng ý cho gia đình đầu tư vào công việc anh đang tính toán gầy dựng. Anh không muốn ba anh nghĩ rằng cuối cùng anh cũng phải quay đầu về nhờ vả gia đình...
- Sao anh lại suy ra như vậy cho khổ? Bắt đầu công việc lớn có gia đình hỗ trợ là tốt, em cho rằng anh cố chấp với bác trai trong khi bác luôn lo lắng cho anh, bác khổ vì anh đã bướng bỉnh làm trái ý bác, để tới ngần ấy tuổi vẫn trắng tay.
- Đủ rồi Hân!
Triều hậm hực nạt ngang làm cô ngỡ ngàng. Hân chưa kịp hiểu vì sao thì anh đã nói bằng giọng thật gay gắt:
- Không ai biết rõ ông bố bằng đứa con, em từng nói như vậy, bây giờ em quên rồi sao? Anh đâu phủ nhận tình thương yêu của ba mình. Nhưng anh không phải là đứa trẻ, cũng không muốn mình là đứa trẻ luôn được đặt để trước sự sắp xếp của người lớn. Em từng nghe anh nói như vậy nhiều lần rồi mà! Sao em lại khuyên anh nên làm theo ý ba mình.
Hân bướng lên, cô đứng phắt dậy:
- Em chẳng khuyên anh như vậy bao giờ. Em chỉ thật lòng nói điều mình nghĩ. Anh cho là anh đúng hay sao, nếu anh từ chối sự đầu tư của gia đình, anh sẽ lấy đâu ra vốn để mở các cơ sở trong mơ ấy.
- Anh còn bạn bè, họ sẽ cho anh vay vốn.
Ngờ vực nhìn Triều, Hân hỏi tới:
- Bạn bè ở đâu, sao em không hề nghe anh nhắc đến? Nhắm họ sẵn lòng không khi anh chưa có một cái gì làm cơ sở để họ tin hết.
Bị Hân dồn vào thế bí, Triều bực dọc:
- Những lúc như vầy anh luôn cần có em, nhưng đâu phải để bị em tấn anh tới chân tường bằng những câu hỏi thách thức như thế này. Lẽ ra em phải động viên, khích lệ anh chứ Hân.
Im lặng một chút Hân nói:
- Em là người thành thật, em không thích nói dối. Em đâu thể động viên anh bằng lời suông trong khi anh chưa có gì cả. Điều cần thiết nhất là anh phải thực tế. Anh vẫn có thể nhận vốn từ gia đình, kèm theo những điều kiện tự do, độc lập gì đó... vân... vân... do anh yêu cầu mà Triều.
- Nhưng anh không thích như vậy.
- Anh thật cố chấp!
- Có lẽ em nói đúng!
Triều ngồi tựa lưng vào gốc cột bên kia, hai chân hơi duỗi ra trên hành lang, trông anh cô độc làm sao! Hân ngồi ở gốc cột bên này, chống tay dưới cằm buồn rầu... Cô yêu người đàn ông nào tính khí cũng thất thường, lạ đời hết.
Thuấn bất chấp mọi thứ, làm việc miễn là nhiều tiền thì tốt. Với anh tất cả được tính ra bằng tiền. Tình yêu, hôn nhân, danh dự, sự nghiệp đều được mua bằng tiền. Anh tỏ vẻ tự hào chớ không ngượng ngập dấu diếm ai điều đó hết.
Triều thì khác hoàn toàn. Ở anh lòng tự trọng, tự cao choán lĩnh hết thảy. Anh là người đàn ông ngạo nghễ không muốn bị khuất phục bởi ai dù đó là cha mình, chính vì vậy nên anh sống hơi tùy thích, coi rẻ đồng tiền hơn tình yêu và danh dự, chính vì vậy đến từng tuổi này anh vẫn còn lận đận, lao đao. Anh như con thuyền căng gió không neo, không bến. Hân lo lắng bâng khuâng... Biết mình có đủ sức làm một bến đỗ hay không? Biết anh có cần một bến đỗ hay không?
Đến ngồi kế bên Triều, cô dịu dàng gỡ điếu thuốc trên môi anh vứt ra bãi cỏ, Hân nhìn thẳng vào đôi mắt rất đàn ông của Triều và nghe anh đều giọng:
- Em nhìn anh và đang so sánh anh với ai đó...? Em chợt nhận ra anh chỉ là gã ngông cuồng nhưng dở ẹt. Và em hối tiếc?
Không trả lời Triều, Bảo Hân hỏi lại:
- Anh cũng đang nhìn em rồi so sánh em với Thúy Vũ chẳng hạn. Anh cũng chợt nhận ra em vụng về, không giống chút nào với người con gái anh từng yêu. Và anh chán nản?
Hân thấy Triều hơi nhíu mày, anh nhắm mắt lại mệt mỏi. Nếu như anh là Thuấn và nếu như cô là Bảo Hân hồi đó, chắc cô đã giận lẫy bỏ về rồi. Nhưng Triều khác Thuấn một trời một vực, anh chưa bao giờ làm cô giận cả, với lại tính Hân bây giờ cũng đằm rồi, cô không mỗi chút mỗi hờn nữa, cô thích nhường nhịn và lo lắng, chăm sóc Triều hơn là thích anh chiều chuộng mình. Hình như Hân muốn chứng tỏ cô là người lớn chín chắn trong tình yêu. Khi đã yêu thật sự, người ta phải biết cùng nhìn về một hướng chớ ai lại đi nhìn vào mắt nhau để tìm những nhân ảnh còn sót lại của qúa khứ như cô và cả Triều vừa rồi.
Đan tay mình vào tay Triều, Hân nhỏ nhẹ:
- Chiều nay hai đứa làm sao ấy! Nhất định là anh còn chuyện gì đó chưa nói hết với em.
- Sao tự nhiên em lại nhắc đến Thúy Vũ.
- Điều đó làm anh buồn à?
- Không! Phải nói là điều đó khơi lại trong anh nỗi buồn xưa cũ thì đúng hơn.
Hân dọ dẫm:
- Nếu như bây giờ anh gặp lại chị Vũ thì anh sẽ xử sự thế nào?
Triều tránh né câu trả lời:
- Đúng là chiều nay hai đứa làm sao ấy! Nói chuyện khác đi Hân. Hỏi những câu xa vời anh mệt óc quá!
Vừa tính buột miệng nói rằng "Không xa vời đâu vì Vũ đã xuất hiện rồi!" Nhưng Hân kịp im lặng, cô chợt lo thắc thỏm khi nhận ra rằng Triều vẫn cố dấu cô tình cảm của anh đối với Thúy Vũ. Cô ta đã đến đây, và đã đi về đâu tận Sóc Trăng như lời cô ta nói (chớ không phải là dì Năm nào của Thúy Vi cả ). Nhưng ai dám chắc rằng Thúy Vũ sẽ không trở lại, và nếu cô ta trở lại, ai dám bảo đảm rằng Triều sẽ trơ như đá, vững như đồng khi nhìn thấy người yêu xưa cũ của mối tình đầu đời.
Hân lo lắng nhìn anh, tay anh vẫn đan vào tay cô ấm áp ân cần, nhưng hình như cô cảm nhận có chút gì đó hờ hững không nồng nàn, âu yếm như mọi ngày. Làm sao cô dám chủ quan nghĩ rằng Triều đã quên người xưa, khi anh bỏ ra hàng tháng trời mày mò nghiên cứu sáng tạo từ chiếc xích đu chiều dọc, rồi hớn hở bế con bé Vi lên ngồi để không phải lo nó sẽ té nữa... Mọi người cho là Triều yêu trẻ con nên mới làm được việc đó, riêng Hân, cô nghĩ rằng anh yêu riêng con bé Vi thì chính xác hơn.
- Anh nghĩ chị Bích có thể giúp anh.
Đang chìm đi trong những suy nghĩ làm lòng đau nhoi nhói, Hân ngơ ngác khi nghe lời không rõ đầu đuôi của Triều. Cô hỏi:
- Chị Bích? Anh muốn nói giúp cái gì?
Triều có vẻ khó chịu khi nghe cô hỏi, anh chặc lưỡi:
- Chậc! Thì giúp việc làm ăn chớ chả lẽ giúp việc tìm một người yêu, em không quan tâm tới những lo nghĩ của anh hay sao ấy.
- Có chứ! Nhưng em chả hiểu chị Bích sẽ giúp mình bằng cách nào.
- Chỉ là Hiệu trưởng, chỉ quen các hiệu trưởng khác trong các buổi họp ở phòng ở sở. Anh sẽ đề nghị chị Bích giới thiệu sản phẩm mà anh đã làm cho trường mình với các trường bạn. Nếu họ vừa ý mình sẽ làm gia công theo đơn đặt hàng, theo anh biết đa số các trường mẫu giáo đều thiếu đồ chơi và các mẫu mã đồ chơi. Đầu tiên có thể giới thiệu một số mẫu xích đu, đu quay mà anh đã có mẫu.
Bảo Hân dại dột nói chen vào:
- Em lại tưởng anh chỉ làm cái xích đu dọc duy nhất cho bé Thúy Vi ngồi chứ.
Đang hứng khởi với tính toán của mình, Triều sa sầm mặt xuống:
- Biết đến chừng nào em mới hết tật ghen tuông hả Hân? Em nghĩ anh làm cái xích đu đó vì Thúy Vi sao? Anh nói thật, nếu đứa bé té hôm trước là Lễ Trí hay Hoài Phương anh vẫn làm chiếc đu dọc đó. Tất cả những món đồ chơi anh làm đều xuất phát từ tình cảm rất chân tình và trong sáng chớ không hề ích kỷ như ý nghĩ của em. Thật khổ ghê! Đang nói chuyện làm ăn em lại đâm hơi kéo qua ba chuyện ghen tuông.
Nghe Triều nhắc đến Lễ Trí là cháu của Thuấn, rồi cả Hoài Phương là cháu của Định, Hân hơi ngượng, cô biết anh thầm trách cô lòng dạ đàn bà chật hẹp đó thôi! Thừ ra với nỗi ân hận, Hân muốn đi đâu cho rồi, nhưng đôi chân cô cứ ì ra một chỗ. Triều cầm tay cô áp vào má mình:
- Anh yêu em! Anh từng đau đớn khổ sở biết bao nhiêu khi nghĩ rằng mãi mãi anh không được có em. Bây giờ có em, được em yêu và được yêu em rồi, anh điên dại gì nghĩ đến ai khác.
Giọng Triều nghiêm trang khác thường:
- Anh yêu em! Em tin không?
Hân thổn thức gật đầu. Đây là lần thứ nhất anh nói yêu cô, điều đó làm cô xúc động. Hai người đến với nhau tự nhiên vì đã hiểu nhau, nhưng Triều chưa bao giờ ngỏ lời yêu kể cả những lúc anh khát khao hôn như nuốt lấy môi cô, hay nhẹ nhàng nâng niu hôn từng nụ nhỏ lên trán, lên má, lên mắt cô. Hân tấm tức:
- Em nghĩ mình không xứng với tình yêu của anh, chính vì không xứng nên em luôn khổ sở vì lo lắng ngày nào đó anh lại bỏ em.
- Đừng nghĩ như vậy! Với anh, yêu không phải chỉ nói bằng lời và cũng không phải là chuyện đùa chơi qua đường, anh muốn tạo một cuộc sống ổn định cho hai đứa, anh muốn em tin tưởng và không mặc cảm với bè bạn, gia đình vì người mình yêu là một gã gác cổng. Điều anh lo nghĩ nhiều nhất hiện nay là việc tìm hướng đi cho tương lai. Anh muốn được đóng góp khả năng công sức của mình một cách tích cực hơn, vì suốt mấy năm ròng anh sống thờ ơ quá, anh gần như vô trách nhiệm với đời.
Ngẫm nghĩ một chút, Triều nhếch môi:
- Nếu không được hoà nhập vào thế giới trong sáng của trẻ thơ, nếu không được ở môi trường mà mọi người xung quanh luôn cần tới mình như ở đây, có lẽ anh đã là người khác mất rồi!
Hân tựa đầu vào ngực Triều, cô nhấn mạnh:
- Ở đây mọi người cần anh, nhưng anh phải nhớ em là người cần nhất!
Anh cười:
- Anh cũng mong là như vậy. Vì anh luôn cần có em bên đời.
Nhìn Triều, Hân nhắc nhở:
- Ngày mai anh gặp chị Bích và nói ý định này với chỉ xem sao. Em hy vọng chị ấy có thể giúp được... mình.
Nheo mắt Triều trêu cô:
- Còn anh, anh hy vọng em đừng ghen, khi thấy anh cho ra đời hàng loạt kiểu xích đu khác nhau.
Hất bím tóc qua một bên Hân trả đũa:
- Lúc đó em lo chóng mặt với ba mớ xích đu của anh, làm sao mà dám ghen!
Nhìn đồng hồ cô nói nhỏ:
- Em phải về, để mẹ chờ cơm tội nghiệp.
- Dạo này bác trai vẫn vắng nhà suốt hả Hân?
Buồn buồn, cô đáp:
- Vâng! Và em không biết làm sao cho mẹ đỡ khổ. Em luôn bị dằn vặt khi nghĩ rằng em là người trực tiếp gây ra mọi đổ vỡ trong gia đình.
Triều an ủi:
- Em không nên nghĩ vậy, vì khó có ai sống hai mặt được suốt đời, bác trai cũng thế, không lẽ bác giữ mãi được bí mật của mình sao? Cô nhân tình chớ đâu phải con búp bê đâu mà có thể cất vào tủ kiếng. Sao em không tính tới chuyện sẽ gặp và nói chuyện với bác.
Không dấu được sự hốt hoảng, Bảo Hân lo sợ:
- Gặp ba em à! Để nói về chuyện của mình hả?
Nhìn cô đầy thương xót, Triều lắc đầu:
- Đâu có! Anh chỉ nghĩ đơn giản là nếu em chịu khó gặp bác để xin lỗi, để năn nỉ về hành động hăm dọa trước đây của em rồi thừa cơ hội van xin, ỉ ôi, mong mỏi bác trở về với bổn phận với trách nhiệm, biết đâu bác trai sẽ nghỉ lại.
Thở dài, Hân nói:
- Không dễ như vậy đâu! Ba em chỉ nghĩ lại khi con nhỏ Thục Như bỏ ổng.
Giọng Triều vẫn lạc quan:
- Vậy thì em đi gặp Thục Như. Nếu anh nhớ không lầm, thì chưa bao giờ em gặp Thục Như, kể từ lúc em biết cô ta quan hệ với bác trai.
Hân đắn đo:
- Đi gặp Thục Như! Mới nghĩ tới thôi em đã thấy khó chịu và chẳng thú vị chút nào.
- Đây có phải là chuyện ghé thăm bè bạn cũ bình thường đâu mà thú vị hả Hân.
Gượng gạo cười, Hân chua chát:
- Em hiểu! Giống như đi đánh ghen dùm mẹ.
- Anh không cho là sự việc tệ như vậy. Nhưng anh cứ suy nghĩ nếu anh là em, anh sẽ hành động ra sao để gia đình không đi đến chỗ tan vỡ hoàn toàn. Chúng ta phải vớt vát những gì còn giữ được rồi hàn gắn lại, vẫn hơn để tan nát, trôi dạt.
Hân lắc đầu:
- Em chán quá Triều à! Dù bây giờ em đã khôn ra để không tô hồng, bôi xanh cuộc đời, không thần tượng hóa bất kỳ ai, nhưng em vẫn không thể hết căm hận ba mình. Ba thừa biết em khổ vì vừa mất Thuấn, vừa phải chịu đựng sự im lặng dối trá, sống hai mặt như ba cho trong nhà yên ổn, nhưng ba vẫn thản nhiêm xem đó là hậu quả việc làm của em. Cũng có thể bây giờ ba bấp chấp, ông sống trọn vẹn cho ông chớ không còn nghĩ gì tới gia đình nữa. Em đuối sức rồi, em không biết phải làm sao đây!
- Hay là Hân nói thật cho anh Lâm và chị Quỳnh biết, cả ba anh em sẽ bàn tính.
- Anh Lâm sẽ mắng như tạt nước vào mặt em. Ảnh nóng tính lắm!
- Nhưng em sẽ nhẹ nhõm khi đã được người thân chia sẻ nỗi khổ của mình.
Giọng Hân ray rứt:
- Khi vui muốn hưởng trọn một mình, nay khổ lại muốn chia đều.
Triều nghiêm nghị:
- Em nghĩ lẩn thẩn không giải quyết được gì hết, phải dứt khoát xem mình cần làm sao để thay đổi tình trạng hiện nay. Sự việc chỉ có thế, không còn gì để bàn luận, thở than hết!
- Em ước gì mình được mạnh mẻ như anh.
- Anh không mạnh mẽ đâu! Anh vẫn có những điểm yếu khi nghĩ tới ba mình. Anh rất thương ổng nhưng anh không muốn bị đặt để theo ý ổng. Từ giờ trở đi anh sẽ chứng tỏ khả năng mình qua công việc, cho ba anh hiểu, con trai út của ông không đến nổi tệ. Bảo Hân! Anh mong em sẽ cố gắng làm sao đó cho gia đình em yên ấm trở lại.
- Em sợ khó được lắm Triều.
Nhìn đôi mắt tuyệt vọng của cô. Triều ân cần nói:
- Anh luôn luôn ở bên em. Chúng ta không thiếu được tình cảm của gia đình mặc dù đã có lúc ta khó chấp nhận cách sống, lối nghĩ của người lớn. Bây giờ em chưa đồng ý cách nghĩ của anh đâu, nhưng rồi em sẽ thấy lời anh nói là đúng.
Thấy Hân làm thinh, Triều tiếp:
- Chắc em cho rằng anh mâu thuẫn khi bảo gia đình là cần thiết nhưng chính anh lại từ chối việc giúp vốn của gia đình chứ gì? Anh không mâu thuẫn đâu vì với anh gia đình phải là chỗ dựa vững chắc về tinh thần, còn vật chất, tốt nhất ta nên tự lập.
- Em hiểu ý tốt của anh. Nhưng em không dám tưởng tượng xem chuyện gì sẽ xảy ra khi em kể mọi việc cho anh Lâm và chị Quỳnh nghe. Em vẫn sợ anh Triều à!
- Không phải em sợ! Tại không có động lực thôi! Anh chẳng muốn nhắc chuyện cũ nhưng sao trước kia em lại dám gặp bác trai để làm một cuộc đổi chác, thương lượng? Phải chăng động lực tình yêu làm em không còn biết sợ phải trái gì cả?
Chẳng ngờ Triều lại lôi chuyện làm tày trời ngày xưa của mình ra, Hân tái mét mặt vì giận:
- Em thành thật kể với anh những lỗi lầm cũ của mình để chứng tỏ lòng em đối với anh ra sao, chớ không phải để bây giờ anh lôi ra bắt bí em. Mỗi người có hoàn cảnh sống riêng, nếu anh thấy khó chịu vì em bất hiếu với mẹ cha, ích kỷ với bản thân thì đừng yêu nữa.
Dứt lời cô bước vội xuống sân, Triều chụp tay cô lại:
- Em hiểu sai ý anh rồi.
Hân bướng bỉnh vùng ra:
- Cứ cho là như vậy đi! Nhưng em cũng phải về, chiều lắm rồi còn gì.
Thở dài, Triều buông tay cho Hân đi. Anh nhìn theo cái dáng thanh thanh của cô ngồi trên chiếc xe và cho nó thả con dốc ngoài cổng mà xót xa...
Em vẫn còn là cô bé tự cao xốc nổi, em làm anh phải lo, phải khổ vì yêu em.
Lấp Lánh Mưa Bay Lấp Lánh Mưa Bay - Trần Thị Bảo Châu