Books serve to show a man that those original thoughts of his aren't very new after all.

Abraham Lincoln

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 6
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1375 / 17
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1 -
ôi rút khỏi hang đá lúc chập choạng tối. Khi ấy tôi chẳng nghĩ được gì nhiều, ngoài việc làm thế nào thoát khỏi họ, những người khác tộc mà tôi rất sợ hãi. Rõ ràng họ đang trù tính hại tôi, nếu tôi không tự tìm cách giải thoát. Mới đầu tôi giả vờ ngủ, trong lúc họ xúm quanh đống lửa nướng những con chuột, những con nhái đá. Rồi họ uống rượu cần, ăn thứ thịt nướng khét mù ấy, thì thầm to nhỏ. Tôi cố nằm im, he hé mắt quan sát. Hình như họ đang bàn cách khử tôi, và tôi lạnh xương sống mỗi lần trong số họ có người bỗng dưng nói to, hoặc bỗng dưng đứng dậy. Cuối cùng rồi cũng êm. Họ lơ mơ say, nằm ngả ngốn ngủ. Tôi lựa thời cơ chuồn lẹ ra cửa hang. Họ là đám dân chạy địch càn, hoặc đại loại giống như vậy. Còn tôi, một chú lính miền Bắc mới vô, sau trận đánh đầu tiên, bị lạc đơn vị. Họ tóm được tôi khi tôi liều lĩnh mò vào đám rẫy cũ đào những khóm sắn, kiếm cái ăn. Ba khẩu súng chĩa vào tôi khi tôi đang hí húi dùng dao găm đào. Tôi kinh hoàng ngã bật ngửa. Họ dùng báng súng đè cổ tôi xuống. Tôi giãy giụa trong cơn tuyệt vọng, hoàn toàn bản năng. Họ trói tôi bằng dây dù, giật cánh khuỷu, đẩy tôi về hang. Tôi rên rỉ khóc vì khiếp sợ và vì không hy vọng van xin để thoát. Họ lầm lũi và lạnh lùng đến căng thẳng. Mỗi người cầm một con dao quắm đi ra, đi vào. Có người khoác cả cây cung, hình như để uy hiếp tôi. Tôi không thể tả được nỗi sợ hãi và tủi phận của mình, cho mãi tới khi có một người trẻ tuổi đi đâu đó về. Anh ta cũng trạc tuổi tôi. Người trẻ tuổi cởi trói cho tôi trong khi những người kia sôi nổi bàn tán gì đó. Hình như họ đang nói về tôi thì phải. Tôi không biết tiếng họ, chưa có khái niệm gì về phong tục tập quán cũng như lề lối sinh hoạt của họ. Tôi thấy người trẻ tuổi nhìn tôi không có vẻ ác ý và tôi nhìn lại, thầm hy vọng anh ta hiểu cho hoàn cảnh của tôi. Tôi thấy anh ta cũng đóng khố cởi trần, nét mặt cương nghị, từng trải nhưng non tơ và hiền hậu. Tôi lả người tựa vào vách đá sau khi dây dù được tháo và anh ta mỉm cười, nói tiếng Kinh:
- Mày tụt tạt, ưng theo địch à?
Tôi run lẩy bẩy, mếu máo, chẳng hiểu tụt tạt nghĩa là gì, nhưng qua cách nói của anh ta, đoán là xấu, liền nói:
- Không. Em không tụt tạt. Em bị lạc đơn vị.
Gần như cùng lúc tôi vừa nói xong, một ánh chớp nhóa ngay trước mặt sau tiếng “phựt!” khô khốc. Tôi co rúm lại. Mũi tên cắm phập củ sắn tươi trên gờ đá, phía sau gáy tôi. Họ cười rộ lên thích thú. Tôi vẫn run lẩy bẩy.
- Mày ở đơn vị nào?
Người trẻ tuổi kéo tôi dậy ngay ngắn, hỏi. Tôi nhanh nhảu trả lời:
- Em ở... ở Chín Nhăm.
- Tầm bậy! Tầm bậy quá! - Anh ta thốt lên và đứng dậy gãi ở khoeo chân. Một con vắt to mọng rơi xuống đất. Anh ta nhặt con vắt ném vào lửa rồi nhìn tôi, nói:
- Mày nói tầm bậy!
- Em ở Chín Nhăm thật mà. - Tôi phân bua.
- Bộ đội Chín Lăm không có tụt tạt! - Anh ta khẳng định rồi ngồi xuống, đối diện tôi.
Tôi vẫn run lẩy bẩy một cách thảm hại. Trong người tôi không có giấy tờ. Không có gì hết. Anh ta cầm củ sắn có mũi tên xuyên qua, nói gì đó với mấy người kia, rồi bảo tôi:
- Được. Còn thử thách coi cái đã! - Anh ta đặt củ sắn sát than lửa, nướng. Rồi vít cần rượu uống. Tôi len lén nằm xuống. - Làm cách mạng không phải bình thường đâu.
Anh ta liếc nhìn tôi làu bàu. Tôi im thít. Họ bắt đầu ê a hát. Mỗi người hát một phách, nhưng lại có vẻ cùng chung một nội dung. Tôi giả vờ ngủ. Lòng thầm mong họ cứ hát thế. Và sau đó tôi ngủ thật.
*
* *
Tôi bị họ bỏ quên trong xó tối có tới vài ngày. Tôi thấy người trẻ tuổi cùng mấy người đàn ông thay nhau đi, chiều chiều gùi về hang những gùi sắn lớn và vài thứ rau rừng. Còn mấy người đàn bà suốt ngày quẩn quanh bên đống lửa, với nồi súp sôi ùng ục, bốc mùi hăng hắc. Họ ăn sắn với thứ súp ấy. Tôi cũng được họ cho ăn, nhưng vừa chạm môi đã ói ra. Súp có mùi thum thủm rất dễ sợ. Cuối cùng tôi chỉ ăn sắn nướng với muối. Những người đàn ông về tới hang đá là sà ngay vào hút rượu cần. Họ uống được một lúc là nghiêng ngả hát ề à. Hát nhỏ và dai, tưởng như không bao giờ dứt, với một vài giai điệu đều đều, buồn não. Thỉnh thoảng có người nhớ tới tôi trong cơn say. Họ không bắn dọa tôi nữa. Nhưng họ nhảy nhót quanh tôi, như thể tôi là con vật sắp đem ra tế thần.
Máy bay Mỹ quần đảo suốt ngày đêm trên đầu. Chúng bắn đại liên cả đêm. Thỉnh thoảng bom nổ rung chuyển và sau đó là tiếng hú của đạn pháo. Nhưng ở trong hang đá này thì rất bình yên. Tôi sống trong trạng thái mê muội, u tối và nơm nớp lo sợ. Thực ra tôi không hẳn là tù binh. Nhưng càng không phải là khách. Những người đàn bà gần như chẳng chú ý tới tôi.
Họ cho tôi ăn và quên tôi ngay sau khi tôi nằm xuống chỗ của mình. Lúc nào tôi cũng mong người trẻ tuổi. Có anh ta, dù sao cũng bớt căng thẳng. Cái hang đá trên triền núi cao chất ngất này, vừa ngóc ngách lại vừa thoáng, rất lạ lùng là có một khe nước rỉ ra. Họ khéo léo bắc cái máng bằng nứa, nước chảy tong tỏng suốt ngày đêm, đủ cho việc nấu nướng và uống rượu cần. Hình như nhu cầu về nước của họ cũng chỉ có thế. Tôi bị ngứa ngáy khắp người và tôi rất thèm ánh sáng, thèm thoát được ra khỏi cái hang này, trước hết là tắm, còn sau đó muốn thế nào cũng được. Và tôi đã làm theo ý muốn của mình. Tôi ép người trườn theo lối mòn giữa hai khe đá sắc, định tuột xuống hố thì có tiếng hô, không to nhưng rất gắt:
- Đứng lại! Mày ưng trốn lũ tui theo địch à?
Tôi chưa kịp hoàn hồn thì bị hích một cú đau điếng, bằng mũi súng, từ phía sau. Và tôi ngã sấp. Tôi co rúm người vì sợ hãi. Ba bốn người xúm vào trói tôi như trói con vật. Họ nói gì đó gay gắt lắm. Người trẻ tuổi sau khi hô tôi đứng lại, giờ đây lạnh lùng cùng cánh đàn ông đẩy tôi về lại hang đá, không nói thêm lời nào. Anh ta lặng lẽ nhìn tôi. Tôi nằm quay mặt vào vách đá, khóc. Tôi khóc cho thân phận khốn khổ của mình. Trước khi vào Nam chiến đấu, tôi không thể hình dung được số phận tôi lại rủi ro theo kiểu này. Tôi khóc, nhưng lại sợ, nên chỉ co người, cố ghìm tiếng nấc.
Càng ghìm nén, hình như tiếng nấc càng bật ra to hơn. Và tôi hoảng hốt giụi mặt vào đầu gối. Chưa bao giờ tôi cảm thấy cô đơn, tủi thân đến chừng ấy. Hồi còn ở đơn vị huấn luyện, và cả khi hành quân vào Nam, tôi chỉ nghĩ tới những trận đánh lớn, những tiếng hô xung phong, và tôi luôn mơ trở thành dũng sĩ diệt Mỹ. Mọi điều giờ đây đảo ngược đến khủng khiếp thế này ư? Nó nhanh đến thế này ư? Giống như trong cơn ác mộng. Tôi đã đái ra quần từ lúc nào? Và tôi bị sặc khói đạn, đã bóp cò súng từ lúc nào? Rồi tôi vấp ngã trong khi cố ngóc dậy chạy theo bóng anh Tự và anh Hùng, nhưng chẳng thấy họ đâu cả. Hai người được phân công kèm tôi vì tôi là lính mới. Tôi rú lên khi bị hất vào bụi gai. Không còn súng. Không còn gì cả. Sau đó là khói và im lặng. Im lặng đến rùng rợn. Tôi không còn nhận ra địa hình và tôi không dám hành động gì. Sau đó là điên loạn, sợ hãi và hoang mang. Tôi chạy vào phía núi, leo ngược lên, chui được vào một cái lán cũ, người ta làm từ hồi nào và không biết để làm gì. Tôi cuống lên vì sợ hãi và chỉ có sợ hãi choán ngợp tôi. Đôi lúc tôi cảm thấy ứ nghẹn khi nghĩ tới anh Tự và anh Hùng. Tôi không thể tin được trận đánh ấy gọi là trận đánh. Chúng tôi phục kích và bị chúng phục lại! Tất cả chỉ có thế. Sau sự sợ hãi và hoang mang là tới đói. Tôi chỉ nghĩ tới cái ăn và cái uống. Tôi lần theo một con đường mòn, vừa mong gặp người lại vừa sợ hãi. Con đường ngóc ngách và hun hút dẫn tới những cây sắn già xen kẽ cây rừng. Tôi còn mỗi con dao găm và tôi hặm hụi đào sắn. Họ tóm được tôi không ồn ào trong khi chính tôi vô cùng hoảng loạn.
- Anh có tên gì? - Người trẻ tuổi sau khi uống rượu, ngồi sát vào tôi vừa cởi trói cho tôi vừa hỏi. Nhìn nét mặt anh ta, tôi biết, anh ta có vẻ thương hại tôi. Tôi quệt nước mắt cố ngồi dậy, lắp bắp:
- Em tên Bình. Còn anh? - Tôi mạnh bạo hỏi.
- Tui có tên Bin. - Anh ta toác miệng cười, gọi tôi là Bìn và bảo:
- Mình có chung tên, làm anh em theo phong tục được.
Tôi mừng quá, túm tay anh ta và “túm” lấy cái tên Bìn, mặc dù chưa hiểu phong tục thế nào. Tôi chỉ cảm thấy đây là dịp may sau chuỗi ngày chỉ còn run sợ và kinh hoàng ấy. Bin kéo tôi lại bên ghè rượu, nói rất nhiều với những người kia và họ ồ, à rối rít. Có người cao hứng vừa nhảy nhót vừa hát rồi một người huơ tay, kéo tôi, ấn cần rượu vào tay, bắt uống. Tôi run rẩy nhìn Bin cầu cứu, Bin bảo:
- Mình với anh uống chung một can.
Tôi không hiểu, nhưng không dám từ chối. Tôi rất sợ làm họ phật lòng, và tôi uống cùng Bin đến khi Bin buông cần, tôi mới dám buông cần theo. Tôi cảm thấy vị đắng và chua nồng của rượu cần xộc lên gờn gợn và tôi chếnh choáng. Từ bé, tôi chưa hề uống bia hoặc rượu lần nào. Hơn nữa, bụng tôi đang rất đói. Bin khoác tấm đồ hoa lên người tôi, bảo tôi nằm xuống, cạnh đống lửa. Và tôi ngủ say, đến nỗi, khi tỉnh dậy mới biết là mình đã ngủ suốt từ tối hôm qua tới chiều hôm nay.
- Anh có bắn súng giỏi không? - Bin hỏi trong khi tôi đang ăn sắn nướng với thứ súp đặc sệt quết lên lá chuối, đắng ngòm. Thực ra, nếu không có vị đắng ấy làm sao nuốt trôi?
- Có chứ. Mình bắn được. - Tôi tin rằng trả lời như thế đúng hơn. Tôi rất sợ Bin hiểu lầm.
- Một là anh ở lại đây làm du kích với tụi tui, - Bin nói trong khi đặt khẩu CKC trước mặt. - Hai là anh ưng tụt tạt?
Tôi nắm tay Bin đánh bạo:
- Mình ưng đánh địch mà.
Bin khoác súng lên vai bảo tôi đi theo. Tôi lo sợ nhìn Bin nhưng cũng ngoan ngoãn cùng Bin ra rừng. Bin định làm gì tôi? Tôi vừa leo lên những mỏm đá sắc, vừa nghĩ tới chuyện, nếu Bin có ý định hại tôi, tôi sẽ liều. Không còn con đường nào khác. Tôi cố ý đi cách Bin một quãng cần thiết, lén thủ một hòn đá bằng nửa nắm tay, nếu có chuyện, tôi sẽ ném cật lực vào mặt đối phương! Rồi tính sau.
Chúng tôi leo tít lên chỏm núi có nhiều cây bằng lăng, hoa rắc như mưa bụi. Dây leo chằng chịt trên những thân cây đại thụ và những mỏm đá chênh vênh. Có tiếng reo của thác đổ. Bin bảo:
- Thác Đăk-xút trên cao ấy.
Tôi ngước theo hướng chỉ của Bin và thầm nghĩ, giá được lên thác nhỉ. Từ bé tôi chưa hề được trông thấy thác nước. Bin đưa súng cho tôi bảo ngồi chờ. Tôi thấy Bin quan sát trên những vòm lá. Chợt một con sóc rúc lên. Nó đuổi một con sóc khác. Hai con cùng leo trên dây phía trước mặt. Bin ngoắc tay tôi, bảo:
- Anh bắn thử con sóc đi!
Tôi có cảm giác bỗng dưng con sóc to chạy sau dừng lại. Tôi chớp đúng khoảnh khắc ấy, giương súng, bóp cò. Cái dây rừng to bằng cổ tay bung ra, con vật rơi cùng tiếng reo của Bin:
- Anh bắn giỏi hung!
Tôi cũng hoàn toàn bất ngờ và tôi cho rằng, đó là sự may mắn tiếp theo giúp tôi chiếm được cảm tình của Bin và tốp người kỳ lạ này. Bin tụt xuống khe sâu, tìm bằng được con sóc. Nó bị nát bét phía sau. Tôi nghĩ tới mười ngày phép mà tôi được Trung Đoàn thưởng sau khi bắn bài ba đoạt giải nhất. Lần ấy, tôi đã hôn em dưới chân đê.
Tôi trở về hang đá cùng Bin với một niềm vui mới. Tôi cứ xấu hổ mãi vì sự đa nghi của mình đối với Bin. Tôi đã lén thả viên đá tự vệ ấy xuống khe ngay sau khi Bin đưa súng. Bin tả lại chiến công bắn con sóc ấy của tôi với mọi người. Họ nhìn tôi thân thiện hơn trước nhiều. Tôi cảm thấy tôi đang có khả năng được giải thoát. Họ lại ép tôi uống rượu. Tất nhiên tôi không thể từ chối.
*
* *
Tôi vẫn âm thầm nuôi ý định và mưu mô trốn khỏi họ, mặc dù giờ đây tôi đã nguôi ngoai, không còn cảm thấy cô đơn đến hoang mang, đến tuyệt vọng nữa. Nhưng tôi không thể cứ phải sống thế này! Cái khoảng cách giữa tôi và họ không còn quá cách biệt và điều ấy sẽ tạo cho tôi cơ hội. Những người đàn bà đã cười với tôi. Họ gồm bốn người và ba cháu nhỏ. Suốt ngày họ vẫn chỉ quẩn quanh với bếp lửa và nồi súp đắng. Sao lại thế nhỉ? Tôi không hiểu. Nhưng đúng là bếp lửa không nguôi rực rỡ nơi góc hang tối, thỉnh thoảng họ mới ra khỏi hang để bổ củi. Họ hạ những cây thẳng đuột bằng chiếc rìu nhỏ. Dáng họ vung rìu rất uyển chuyển và khéo léo, tựa như múa vậy. Củi tươi mà cháy rất đượm, đầu các thanh củi xùi ra thứ nước vàng vàng, thơm ngậy. Bốn người đàn ông kia, hình như là chồng của họ, cùng với Bin suốt ngày ra rừng kiếm cái ăn và nắm tình hình địch.
Địch thả biệt kích khắp núi khắp rừng, Bin bảo tôi thế. Máy bay chúng thả bom liên hồi. Pháo từ các cao điểm giội nát những chòm rừng nghi vấn. Chúng tôi ở đây, một địa thế bất ngờ, thật khó có thể hình dung được con người lại có thể len lỏi trên cái triền núi cao dốc đứng này để ở. Tôi không thể không tắm và họ đã cho tôi hai quả bầu khô đựng nước, ra phía sau tảng đá rửa ráy. Họ vẫn chưa cho tôi ra khỏi hang đá.
Một buổi chiều khi tôi vừa lơ mơ tỉnh dậy đã thấy Bin và cánh đàn ông ngồi trước cửa hang với cái vẻ nghiêm trang ít thấy. Tôi lân la lại gần Bin và nhận ra trên tảng đá lớn, có một cụ già ngồi hút rượu cần. Cụ hút rượu chậm rãi, trong một cái ghè nhỏ xíu. Tôi chưa bao giờ thấy một cụ già, già tới chừng ấy. Cụ ngồi trên tấm dồ, ở trần, da trên người cụ nhăn nhúm dễ sợ. Nó vừa khô vừa mốc thếch. Cụ không có râu, tóc lưa thưa, đôi mắt nhỏ tinh anh liếc nhìn tôi và tôi lạnh xương sống vì cái nhìn ấy. Tôi có cảm giác đôi tai cụ xệ xuống vai với một cái lỗ kéo dài bỗng dưng động đậy. Cụ khẽ rung rung người. Tôi nép sát vào Bin. Bin bảo:
- Anh đừng sợ. Book KRă đấy.
Tôi không hiểu.
Bin giải thích:
- Già Phới đấy.
Tôi cung kính tới trước cụ, chắp tay cúi chào. Cánh đàn ông bật cười. Cụ già thả tay xuống, miệng chóp chép nhai cái gì đó. Nếp da trên cổ cụ chợt rung rung, phát ra thứ âm thanh tựa như tiếng rít. Cụ duỗi chân rồi huơ tay. Một người cầm cái tẩu đã nhồi thuốc sẵn, gắn vào môi cụ. Người khác cầm thanh củi đượm than châm cho cụ bập thuốc. Cụ bập chậm rãi nhưng chắc. Khói thuốc từ từ lan ra hai bên mép.
- Lũ mình có nhiệm vụ bảo vệ Book KRă Phới.
Bin nói và tôi hiểu. Bảo vệ già Phới là một nhiệm vụ thiêng liêng.
- Già Phới bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? - Tôi hỏi.
Bin nhăn mặt. Cậu ta bảo các già làng khác hồi còn nhỏ đã thấy Book KRă Phới già thế này rồi, ai mà đếm được tuổi. Rằng già Phới đang kỳ thay răng, thay tóc, tôi khẽ rùng mình.
- Có tình hình mưa to, nắng to, khổ hung đấy.
Bin nói với nét mặt rất nghiêm trọng.
- Sao thế nhỉ?
Tôi hỏi ngớ ngẩn.
- Sao gì? Nó thay tóc, thay răng, không phải bình thường đâu. - Tôi hiểu và hỏi lại:
- Bin à, thế mấy hôm rồi già Phới ở đâu?
- Ở trong rừng trong núi chớ ở đâu. - Bin phản ứng. - Anh hỏi lung tung quá!
Tôi câm họng. Họ dìu già Phới vào hang, đặt già ngồi bên đống lửa. Bin lại bảo tôi đừng sợ, cứ ngồi gần già Phới coi thử. Già Phới hiền lắm, vì già Phới là của chung dân làng mà. Tôi cố ra vẻ tự nhiên ngồi sát già. Già khẽ gật gật đầu. Bin cầm tay tôi đặt vào lòng bàn tay già Phới, nói gì đó. Già Phới nhếch môi cười, nhưng chẳng ra cười. Tôi run rẩy nhìn Bin, Bin ghé tai tôi, nói nhỏ:
- Nó yêu cầu anh có tình cảm trước mặt nó đó.
Tôi không hiểu. Bin giải thích:
- Nó ưng anh có hành động ăn thề đấy.
- Làm thế nào được, Bin? - Tôi cầu cứu cậu ta.
- Bình tĩnh thôi. - Bin nói.
Cánh đàn ông khiêng vào ghè rượu mới. Tôi có cảm giác họ có vô vàn rượu cần giấu quanh đây. Họ rộn ràng mở ghè, cắm cần, rộn ràng mời già Phới. Già chỉ nhấp môi rồi đưa cho tôi. Tôi nhìn Bin. Bin cười, bảo:
- Anh uống đi. Hôm nay có yêu cầu to cho anh đấy.
Người ta đặt can. Mỗi can đổ hết một quả bầu loại nhỏ nước lã. Tôi bặm môi hút, lòng tự nhủ, có chết cũng phải uống. Không thể để họ mếch lòng. Bin nghiêng cổ nhìn can đã rời khỏi mặt nước trong ghè rượu, nói:
- Tốt hung rồi, cho anh nghỉ ngơi được.
Tôi tựa lưng vào vách đá, cảm thấy hơi men đang bốc lên mặt, rồi lên đầu. Họng tôi hình như có cục gì đó lờm lợm đang dâng lên, dâng lên. Tôi cố nuốt cái cục buồn nôn ấy xuống. Họng tôi chợt nóng như có lửa, trời đất chao đảo, đổ hoa cà, hoa cải, xoay chong chóng. Tôi nghe có tiếng cười, tuy nhỏ nhưng rất rõ. Có một bàn tay rất mềm níu cổ tôi rồi hình như tôi được đỡ nằm xuống với một động tác nhẹ nhàng. Rồi tới một bộ ngực đàn bà đầy ứ trùm lên mặt tôi. Tôi ngộp thở. Lại tiếng cười. Thoáng cái, tôi sặc sụa vì người ta đổ nước lạnh ồng ộc từ quả bầu rất to vào mặt tôi. Tôi co người rên rỉ. Chợt tôi bị dựng dậy. Người ta ấn vào mồm tôi cái cần rượu.
- Anh uống nữa đi, không phải uống rượu để ngủ đâu!
Tôi nghe rất rõ tiếng Bin và tôi lại uống. Hình như có bầy kiến lửa từ trong vòi rượu thi nhau chạy vào người tôi, bò tới khắp các thớ thịt, rồi đồng loạt đốt. Tôi ngắc ngoải hút rượu một cách rồ dại. Đúng là rồ dại. Và tôi vẫn còn nghĩ được, thà chết còn hơn sống mà cứ nơm nớp. Say thì say! Tôi tự khuyên. Họ dựng tôi đứng lên. Tôi lảo đảo tựa người vào vách đá, loáng thoáng nghe tiếng rì rầm, loáng thoáng cảm thấy không khí nghiêm trọng và ai đó ấn vào tay tôi vật gì nặng trịch. Tôi sững người, ngã lăn ra đất. Có tiếng cười của phụ nữ và tiếng hát trầm của đàn ông. Tôi cố không để say, ít nhất là trong suy nghĩ. Bin lôi tôi dậy lần nữa. Tôi quờ tay nắm chắc gộc củi đỏ rực Bin vừa đưa. Bin bảo:
- Anh Bìn! Anh có dám cho lửa ăn chỗ đùi này không?
Không hiểu sao tôi lại bỗng có nghị lực đứng thẳng lên và tôi nhận rõ họ muốn gì. Tôi giật phanh cúc áo, ưỡn ngực, gí gộc củi đỏ nhòe vào da thịt mình. Tôi nghe có tiếng “xèo xèo” và tiếng rú. Không phải tiếng rú của tôi mà là của phụ nữ. Có ai đó giằng gộc củi khỏi tay tôi và Bin ôm ghì tôi, áp ngực cậu vào ngực tôi như để che chở. Tôi đổ xuống tay Bin, không phải vì run sợ mà vì say rượu. Đúng là say rượu. Khi tỉnh dậy, tôi thấy tôi nằm cuộn khoanh trong tấm dồ, sát chân già Phới, toàn thân nhầy nhụa những máu và mật ong. Người ta đổ mật ong vào vết thương cho tôi. Tôi khát. Tôi sờ soạng tìm bầu nước. Một cánh tay mềm nâng đầu tôi dậy, đặt miệng tôi vào miệng quả bầu đựng nước. Nước ngọt chạy rân rân, mát lịm. Tôi tỉnh, nhưng đầu đau nhoi nhói.
- Bin đâu rồi? - Tôi hỏi.
Chị ta không hiểu. Tôi cố ngồi dậy. Người đàn bà đặt bàn tay già Phới lên vai tôi. Tôi không dám cựa quậy.
Cánh đàn ông đã ngủ như chết. Có tiếng nổ rất đanh của pháo khiến tôi tỉnh hoàn toàn. Tôi hiểu tôi đang ở đâu và đang lâm vào tình cảnh thế nào. Người đàn bà chúm môi thổi lửa. Khuôn mặt chị ta bầu bầu. Hoa lửa bay chới với trong hang đá tối đen. Mấy chú nhỏ ngủ như những con chuột con khẽ cựa quậy. Tôi ngả người xuống định ngủ tiếp, chợt thấy người đàn bà vạch vú. Bộ ngực đồ sộ của chị ta từ từ áp vào miệng già Phới. Già Phới bú! Tôi nín thở quan sát, cảm thấy hai bắp đùi chị ta rướn lên, xích sát đầu tôi. Tôi lặng lẽ xoa xoa hai bắp vế ấm nóng ấy cho tới khi thiếp đi, trong trạng thái bình yên đến vô cùng. Hình như tôi mơ thấy một dòng sông, nước trong leo lẻo. Một con cá rất to uốn lượn nâng tôi lên khỏi mặt nước. Con cá mềm mại đùa giỡn với tôi và tôi trườn mình trong làn nước ngọt lịm. Đâu đó rất xa như có tiếng ai hát. Giọng hát êm đến nỗi, tôi tưởng như mình được bay lên. Đầu tôi đã gối lên đùi người đàn bà. Chị ta đang thổi đinh-yơng. Chị kia nằm chống tay lên má hát. Đinh-yơng là nhạc cụ chỉ dành riêng cho đàn bà con gái, sau này tôi mới biết. Đó là một chùm ống nứa được bó kết lại giống như cái khèn. Người đàn bà ngồi hơi nghiêng, đầu lắc lắc thổi. Âm thanh bập bùng thoáng nhẹ như lời tâm sự phát ra từ tít sâu trong tâm tưởng con người. Nó rung lên, chập chờn phía sau giọng hát rất êm với giai điệu mềm đến nao lòng. Già Phới cũng đã ngủ. Tôi se sẽ trườn đầu ra khỏi đùi người đàn bà. Chị ta nâng đầu tôi đặt trở lại. Hai người đàn bà ngừng thổi đinh-yơng và hát. Họ rì rầm tâm sự. Tôi chìm vào giấc ngủ thật sâu của tuổi mười tám...
*
* *
Sau chừng một tuần được bôi nước mật, vết thương trên ngực tôi khỏi hẳn, để lại một vết sẹo dài, một cái dấu son chứng giám cho lời thề nguyện của tôi được gia nhập cộng đồng, được làm con Bah Nar. Tôi học tiếng Bah Nar, học việc của người đàn ông Bah Nar. Tôi đã từ bỏ ý định trốn khỏi họ, nhưng trong lòng vẫn khắc khoải mong có dịp tìm trở về đơn vị. Bin dẫn tôi vào rừng săn thú, kiếm cái ăn, và tôi đã phát hiện ra khả năng săn bắn của mình không đến nỗi tồi. Chúng tôi bám địch, dựa theo hai triền núi, luồn sâu vào rừng già. Bin chỉ cho tôi ký hiệu các bãi chông thò và bật thử một cái thò cho tôi coi. Đó là một cái cần bằng thân cây to cỡ cổ tay uốn cong lẫn trong bụi. Đầu cần cắm một mũi lao sắc nhọn vót từ cây le già. Khi chạm vào dây bẫy, lẫy tuột khỏi dây, cần bật mạnh, đập vào thân cây phía trước, mũi lao phóng đúng tầm ngực người ta, chết không kịp kêu một tiếng. Tôi rùng mình thốt lên:
- Khiếp nhỉ! - Bin co người rút mũi lao ra khỏi thân cây, nói:
- Con mang, con nai, con cọp có chết rồi đấy.
Tôi như đứa trẻ, cái gì cũng phải hỏi Bin. Chính Bin là người thầy đầu tiên dạy cho tôi biết sống trong cuộc chiến, cần phải làm gì và cần phải tránh những thứ gì. Bin dẫn tôi lên chốt Mỹ, nơi chúng mới đổ thêm đồ tiếp tế. Tôi bám theo Bin. Bin luồn lẹ và tôi cũng luồn lẹ. Bin bảo:
- Cho anh coi thằng Mỹ tắm nước xe bay, tức cười lắm.
Chúng tôi ép mình trên những hõm đá, rồi trườn lên, trườn lên, tới khi áp sát bãi đổ quân của Mỹ trên đỉnh núi thì dừng lại. Thấy tôi run, Bin bảo:
- Coi chơi thôi mà, sợ gì.
Tôi trấn tĩnh, gật đầu. Những chiếc trực thăng bay vòng tròn. Một chiếc chúi mũi xuống, nghiêng nghiêng. Nó xoay quanh, loay hoay một lúc rồi đứng im trên không. Tôi nhìn rõ cả thằng lái, thằng xạ thủ lăm lăm súng. Vòi nước phun xoe xóe xuống bãi
trống. Những tên Mỹ từ trong các chiến hào liều lĩnh ào ra, trần như nhộng, vừa tắm vừa la hét inh ỏi. Một số khác khuân những thùng hàng tiếp tế tập trung ở một góc bãi. Khi chiếc máy bay bốc lên cao, bọn Mỹ hò nhau nhào về các công sự. Bin bảo tôi nằm chờ. Cậu trườn theo thân cây đổ rồi theo cái rãnh đầy lá khô vừa bị cánh quạt trực thăng táp vào. Bin bò hướng lên. Trời nắng như đổ lửa. Đất khô bắt nước bốc mùi nồng khé. Tôi cố cưỡng lại cơn run, tì súng vào một gốc cây. Bin làm trò gì thế này? Tôi vừa sợ vừa giận Bin. Liều lĩnh để làm gì? Bóng Bin đã khuất trong đám cây đổ ven bãi trống. Nếu Bin có chuyện gì tôi sẽ giải quyết thế nào? Tôi cố nén mình xuống, nén nghĩ ngợi hoang mang. Nhưng sao lại thế nhỉ? Nằm đây xem đủ chán rồi, lại còn mò vào nữa để làm gì? Biết trước thế này chắc tôi cũng bò theo Bin. Có tiếng súng nổ chát chúa, tiếng hò la của bọn Mỹ. Đạn nổ liên hồi. Tôi không thể phân biệt được tiếng súng gì. Tôi ghìm người dưới gốc cây, miệng cắn chắc một mẩu gỗ từ lúc nào. Bọn Mỹ bắn có tới năm phút, và tôi thấy lâu vô cùng. Liệu Bin có việc gì không? Có thể chúng phát hiện ra Bin? Nếu không chúng bắn làm gì? Chợt tôi giật thột quay súng lại khi có một viên sỏi ném vào tôi từ phía sau. Bin ôm một bao gì rất to, toác miệng cười, vẫy tôi. Mồ hôi túa ướt sũng quần áo và tôi nhẹ bẫng người, trườn trở lui.
Chúng tôi theo cái khe khô chuồn xuống suối. Bin ném cái bao khi chúng tôi tới chỗ an toàn, nói:
- Mình no, thằng giặc Mỹ bị đói rồi!
Hai anh em tôi mở bao đồ hộp ra “liên hoan”. Thịt hộp, ca hộp, sữa gói, cafê, ca cao, đường viên, muối gói, đủ thứ… Kể cả những viên xăng khô, thuốc lá Salem mỗi gói bốn điếu, hút vào tê lưỡi vì mùi bạc hà. Bin ăn, Bin uống rất thành thạo. Còn tôi thì khỏi nói, cái gì cũng lạ. Bin bày cho tôi cách ăn, cách uống. Đó là bữa tiệc trong chiến tranh đầu tiên của tôi. Một bữa tiệc vừa lạ lùng, vừa ngon và vừa có cái gì đấy giống như sợ, chứ không phải sợ. Bin hỏi:
- Thằng Mỹ có buôn làng không nhỉ?
Câu hỏi đột ngột của Bin chứa đựng một cái gì đấy rất sâu xa. Tôi ngước nhìn Bin nhai kẹo cao su, một thứ kẹo nhai để mà nhai nhưng ngọt và thơm vô cùng. Tôi chợt nghĩ ra cách trả lời:
- Nó không gọi là buôn làng. Nó gọi là thành phố. To lắm.
Thực ra, tôi trả lời như thế chẳng đáp ứng được gì cho Bin. Bin có gương mặt hơi vuông, mắt sáng, đầy lông tơ. Giá Bin được đi học, chắc Bin giỏi hơn tôi rất nhiều.
Chúng tôi lèn đồ hộp vào hai cái bồng bằng bao cát, để đem về cho già Phới, cho lũ đàn bà con nít. Bin ngáp dài, nói:
- Mình ưng ngủ quá.
Chúng tôi chui vào bụi mắc võng. Bin ngủ ngay sau khi võng đung đưa được vài nhịp. Còn tôi thì không ngủ được. Tôi nghĩ liên miên về những ngày qua, cả về miền Bắc với những ngày trọ học sơ tán, với những đêm lần mò ra đồng ăn trộm khoai tây của hợp tác về luộc. Tôi nhớ cái hôn ở chân đê hôm được về thưởng phép. Tối hôm ấy tôi rủ được cái Hằng đi chơi và tôi hôn nó ngay sau khi tới gốc cây đề ở chân cống Thiên Bồng. Tôi chẳng thấy sướng gì. Cái Hằng giãy giụa trong tay tôi và tôi quyết hôn bằng được, thế thôi. Rồi nó chạy. Tôi chạy theo nó về làng. Ấy thế mà khi trở lại đơn vị, tôi khoe với chúng bạn rằng, tôi đã có người yêu.
- Nói phét, - tiểu đội trưởng Lâng quả quyết. - Tao đố mày hôn được cái Thiêm con bà chủ.
Tiểu đội trưởng Lâng đã ngoài ba mươi, có vợ và một con. Anh rất khoái bày trò cho cánh tôi tán tỉnh các cô gái nơi đóng quân. Nhà chúng tôi trọ có cô Thiêm rất xinh, đang học lớp chín. Thiêm thường đi học về muộn. Tối hôm ấy ở bãi tập về, tiểu đội trưởng bảo tôi:
- Mày giả vờ ở lại tìm lựu đạn bị mất, tao về trước, tuyên bố phạt mày không cho ăn cơm tối.
- Để làm gì?
- Để mày ăn cơm với con Thiêm, tha hồ mà tán.
Tôi làm y lời anh. Trời chập choạng tối, tôi còn nằm trên gò hóng gió thì cô Thiêm ra gọi. Cô bảo các anh ấy đi họp hết rồi, về ăn cơm với cô cho vui. Tôi giả vờ buồn, lủi thủi xách súng theo cô về. Thiêm bảo:
- Anh Lâng ác thế!
Tôi vẫn làm mặt buồn đi sau cô. Gần tới nhà, tôi nói:
- Thiêm ăn cơm đi, tôi không dám ăn đâu.
Không ngờ cô Thiêm giận dỗi khóc. Tôi sợ quá đứng ở bụi tre dỗ Thiêm. Lúc ấy tôi biết anh Lâng đang theo dõi tôi, có thể cả thằng Khôi, thằng Hiễn nữa. Tôi mạnh bạo cầm tay Thiêm. Thiêm thút thít khóc rồi vùng vằng khi tôi liều lĩnh kéo cô vào lòng, hôn. Thế mới gọi là hôn. Tôi quên rằng tôi đang diễn kịch. Thiêm níu cổ tôi chặt quá khiến tôi ngạt thở. Hai đứa cùng ho. Anh Lâng và thằng Khôi lừng lững đi qua, vừa đi vừa đằng hắng. Thiêm chạy về nhà. Tôi lủi thủi về theo, trút quần áo ra giếng tắm giặt. Chợt Bin cựa quậy trên võng rồi cậu ngồi dậy, giụi mắt, hỏi:
- Anh Bìn không ngủ à?
Tôi sực tỉnh, nhìn Bin ngơ ngẩn.
- Mình ưng tắm quá. - Bin nói.
- Tắm thì tắm. - Tôi phụ họa.
Hai anh em tôi cởi truồng nồng nỗng, xuống suối. Bin vốc từng hụm nước tự hất lên mặt, lên người, rồi mới nhào xuống, trong khi tôi đã đằm mình dưới nước. Bin ngậm nước phun vào mặt tôi, bảo:
- Anh Bìn có thắc mắc tui nhiều không?
Tôi cười:
- Có đấy, làm gì nào?
Bin té nước tới tấp vào mặt tôi. Tôi lặn.
- Anh Bìn có chơi nước giỏi hung. - Bin nói khi chợt nghe có tiếng đề pa và sau đó là tiếng hú, rồi tiếng nổ của đạn pháo. Pháo bắn liên hồi. - Thằng Mỹ phát hiện mất đồ hộp cho pháo bắn lung tung đấy.
Chúng tôi lên bờ, ngồi hút thuốc. Chợt Bin đứng dậy:
- Anh Bìn ngồi đây, tui leo lên cây coi địa hình.
Nói rồi Bin thoăn thoắt leo lên tít ngọn cây gì vừa to vừa cao. Tôi hồi hộp chờ. Một lúc sau Bin xuống, bảo:
- Anh chờ nhé, em đi lấy dù.
Bin xưng “em” nghe rất ngộ. Tôi cuốn võng chờ. Bin đem về mấy tấm dù pháo sáng màu đỏ và trắng. Bin mừng rỡ:
- Mình tổ chức làm cờ trêu chọc.
Tôi không hiểu. Tôi làm theo Bin. Chúng tôi rọc những tấm dù, lấy phần dù màu đỏ, dùng dao găm chọc lỗ, lấy dây dù luồn qua, như khâu, vì không có kim. Mảng dù được ghép lớn như một lá cờ. Hai anh em kiếm một cây cao. Bin trèo lên, cột vào một cành cây như là cột cờ. Rồi chúng tôi kéo lên. Lá cờ bay trên chỏm rừng. Chúng tôi khoác bồng chạy theo suối, một lúc sau dừng lại, Bin vừa thở vừa nói hồ hởi:
- Được rồi đấy, tha hồ cho mày bắn thí xác!
Tôi thở không ra hơi. Bin nhìn tôi cười, xốc bồng leo lên một mỏm núi. Tôi leo theo.
- Mình leo lên dông coi thử.
Đúng lúc ấy tiếng máy bay trinh sát L19 bay vè vè. Rồi tiếng phản lực và sau đó là bom. Bom nổ rung chuyển. Tôi giật bắn người mỗi lần có đợt bom và nhất là tiếng gầm rít, tiếng hú của máy bay phản lực. Ở ngoài Bắc tôi đã chạy báo động nhiều lần, nhưng không sợ bom mà chỉ sợ tiếng rít ấy. Có tới hai tiếng đồng hồ, hết bom rồi pháo. Rồi lại bom. Chỏm rừng ấy thành đồi trọc. Tôi leo theo Bin lên một chạc ba cây để nhìn xuống ung dung. Thật là một trò chơi ngẫu hứng không thể hình dung được.
Làng Đê Chơ Rang của Bin giờ đây không còn được như xưa nữa. Nó phải chia thành nhiều tổ, mỗi tổ vài gia đình, vài du kích, vài trẻ nít, vài ông bà già, chiếm lĩnh một vài khe núi, một vài suối nước, một vài chỏm rừng. Bộ đội chủ lực ở trong hậu cứ, thỉnh thoảng hành quân xuống đánh to trên đường 14 và đường 19 hoặc các căn cứ Mỹ ở Chư Thoi, Chư Dệt, Măng Yang. Sâu nữa là đánh Plei-Ku. Bộ đội tỉnh, bộ đội huyện đánh các chốt, các đồn dân vệ. Còn du kích thì lo bảo vệ dân làng, chỉ đạo bà con bám đất. Làm rẫy to không được thì làm rẫy nhỏ. Đơn vị tôi là của Mặt Trận B3 tăng cường xuống tỉnh, chuyên đánh đường giao thông. Lẽ ra hôm ấy tôi chạy lên phía Tây thì về được hậu cứ của đơn vị. Nhưng tôi lại chạy xéo, hướng lên cánh rừng phía Đông Bắc, thành thử lọt vào tay du kích. Có lẽ đơn vị cho rằng tôi mất tích rồi!
Tôi cứ ngẩn ngơ nghĩ ngợi mãi về cái điều oái oăm ấy. Và tôi nói với Bin. Bin nhăn mũi bảo:
- Làm du kích không phải chuyện bình thường đâu mà anh tính toán.
- Nhất định rồi. - Tôi phải nói hùa theo.
- Một là du kích cũng đánh địch, - Bin giải thích. - hai là bộ đội hy sinh, bộ đội chết có bổ sung nhanh. Còn du kích, - Bin chun mũi. - phức tạp hung mà.
- Phức tạp là thế nào? - Tôi hỏi.
Bin chau mày, cố tìm từ:
- Nó phải chờ lũ con nít biết lớn mới bổ sung tốt chớ.
Tôi “à” một tiếng cảm thấy thật ngộ nghĩnh quá. Cái lối lập luận của Bin chẳng có cách nào tranh luận được. Đúng là miễn bàn! Thỉnh thoảng thấy tôi có vẻ buồn buồn, Bin gợi chuyện:
- Anh Bìn có bắt vợ chưa?
Tôi bật cười. “Bắt vợ” có lẽ là lấy vợ đây, tôi nghĩ và trả lời:
- Mình chưa bắt được vợ.
- Chờ đánh xong thằng giặc Mỹ à? - Bin lại hỏi.
- Ừ. Đánh xong thằng Mỹ mình còn đi học nữa. - Tôi tâm sự.
- Học xong đại học rồi lấy vợ cũng chưa muộn.
- Biết lâu, biết mau. - Bin nói. - Biết sống, biết chết!
Cái cách diễn đạt của Bin dần dần tôi cũng quen, cũng hiểu.
- Chắc là không lâu đâu. - Tôi nói, không phải để động viên Bin, mà thực ra để tự trấn an mình. Tôi cảm thấy nghèn nghẹn ở nơi họng, nước mắt cứ chực trào ra. Trước đây tôi không thế. Tôi không nhớ từ khi lớn lên tôi có khóc lần nào, chỉ vì một lời nói hay một cuộc tâm tình. Tôi được hưởng sự nuông chiều của cả nhà, đến mức tôi không biết ân hận là gì. Ngay cả cái hôm nhận được giấy báo trúng tuyển, u tôi vì lo lắng cho sức khỏe và tính khí chẳng ra gì của tôi mà khóc, tôi cũng không thấy mủi lòng. Tôi tránh cái nhìn và những lời dặn dò lặp đi lặp lại của u, không phải vì tôi quá cảm động mà vì tôi không thích nghe nữa. Ấy vậy mà giờ đây, cứ hơi tý là tôi muốn trào nước mắt.
- Anh Bìn có được học chữ bao lâu? - Chợt Bin lại tò mò hỏi.
- Mình học mười năm. - Tôi trả lời cho qua chuyện. Bin trố mắt nhìn tôi như thể tôi là kẻ xa lạ đang giễu cợt cậu.
- Anh giỡn tui à? Làm cái gì học mười năm?
- Học văn hóa.
- Chô cha, tui tưởng có một năm đủ lâu hung mà.
Tôi hiểu ý Bin muốn nói gì, nhưng quả tình, tôi không thể giải thích ngay cho cậu hiểu được rằng, học xong mười năm phổ thông, người ta còn phải học tiếp năm bảy năm đại học nữa. Tôi tự thấy hình như mình mắc lỗi vì đã khoe ra mười năm học, trong khi Bin chưa có một ngày ngồi trên ghế nhà trường. Có lẽ sự lúng túng của tôi đã giúp Bin hiểu ra ý nghĩa của sự thực. Cậu toác miệng cười:
- Chậc. Ở miền Bắc có sướng hung nhỉ.
Tôi kể miền Bắc có nhiều nhà máy to, nhiều cánh đồng rộng, nhiều con đường lớn, nhiều hợp tác xã cao cấp, nhiều nông trường, công trường… Cái gì ở miền Bắc cũng to, cũng đẹp. Bin cố hiểu, cố hình dung. Nhưng nhìn mặt cậu, tôi biết, dẫu tôi có nói thế nào thì cậu cũng chỉ lơ mơ hiểu được là đẹp là to. Không thể kể cho Bin hiểu theo sự mong muốn của mình. Và tôi một lần nữa trở nên lúng túng. Vốn từ Bah Nar của tôi không đủ diễn đạt và vốn từ tiếng Kinh của Bin cũng không đủ lĩnh hội. Cuối cùng Bin chộp vai tôi, reo lên:
- Tui nói thiệt, tui ưng miền Bắc to đẹp hung. Mai mốt thống nhất tui ưng bắt vợ miền Bắc to đẹp. Anh Bìn có trách nhiệm lo giúp tui chuyện đó nghe.
Tôi bắt tay Bin “quyết tâm nhất trí”. Rồi chúng tôi cùng cười vang. Rõ ràng Bin đã giải tỏa cho tôi bằng khả năng khôi hài hóm hỉnh của mình.
Lạc Rừng Lạc Rừng - Nguyễn Kỳ Viên