Thành công là đi từ thất bại này sang thất bại khác mà không đánh mất lòng nhiệt tình của mình.

Winston Churchill

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1778 / 36
Cập nhật: 2017-08-29 15:43:50 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Kính Chào A-Đi A-Bê-Ba
HỮNG NGÃ BA
Ngã ba ngã tư ấy của vùng Trung Cận Đông, có gì khác. Những cái lạ thường của những phương trời khác nhau.
Không giống Trung Á, lẫn rừng hoang với đồng cỏ. Khác Trung Âu phì nhiêu ruộng như son phẳng lì.
Giữa hai bờ Hồng Hải, bên kia đã hết châu Á, phía này cũng chưa hẳn châu Phi. Mà châu Âu chỉ còn thấy mờ mờ hơi hướng.
Bay đêm trên Kô-oét, nhìn xuống lỗ chỗ những mồi lửa ống hơi các giếng dầu đỏ rực. Cô phục vụ báo tin A-ê-rô-phơ-lốt đương đưa quý khách qua Nam Y-ê-men. Tưởng ra dưới kia, cuộc cách mạng ngặt nghèo, quanh co, khốc liệt của thế giới Ả Rập và châu Phi đầy cạm bẫy đương diễn ra theo với đường bay.
Xung quanh cảng lớn A-đen, ô ruộng muối, cát trắng và sóng biển.
Vừa lúc nãy, trên U-krai-na, hơi tuyết còn ánh lên trắng tinh. Bây giờ, tăng cao, bụi nắng mịn như phấn. Cái nắng rưng rưng lên vàng rực. Những vệt cát mỏng mảnh trải xa đến chân trời, hiện ra những triền núi trơ trọi. Đầu núi đá nâu sẫm, không một chấm xanh cây, cứ vằn lên như sóng cát. Ngỡ những núi đá lẻ loi ấy vừa từ hành tinh nào rơi xuống, đứng trần trụi trơ ra đấy.
Có lẽ tới đây nơi chân mây cuối trời, cả đến thiên nhiên cũng chán chường, chẳng chịu dòm ngó tới, chỉ để rơi lại đôi ba quang cảnh hết sức bơ vơ: một mép biển, một vùng sa mạc nhợt nhạt, những ống lửa giếng dầu và một cây chà là xám mờ.
Nhưng cuộc sống con người thì không một phút thờ ơ. Đâu cũng sôi nổi, cũng tất tả. Đâu cũng chi chít những chứng tích ý nghĩa của lịch sử đời người.
Thành phố cảng Di-bu-ti trấn đầu ngõ vào Hồng Hải. Người đàn bà Ả Rập địu con trên lưng, chàng mạng đen che mặt, ngồi tựa tường trước nhà ga. Ở đất này, vài bước xuống qua vỉa hè đã sang nước khác. Một ông râu vểnh mặc váy đen không biết người Ả Rập, người Do Thái hay người Cuốc. Đầu quấn khăn trắng tày vố, hai tay khư khư ôm cái bát điếu, đôi mắt lờ đờ, chiếc xe điếu dài vẫn ngậm trên miệng. Người ấy sắp đi về Át-ma-ra ở Ê-rít-rê cách mạng hay sang bên kia với bọn tay sai đế quốc tại Sô-ma-li. Một người đi đường khoác con cừu quặp hai chân trên vai ung dung bước một, như sắp về đến nhà. Nhà anh ta ở Bắc Y-ê-men hay Nam Y-ê-men dân chủ nhân dân. Khắp nơi, cuộc sống đương dữ dội thay đổi.
Chủ nghĩa xã hội đã đến đương đầu với những thế lực già cỗi u tối ở đất này. Nam Y-ê-men, Ê-ti-ô-pi-a, Mô-dăm-bích, Ăng-gô-la, suốt Dim-ba-uê vào Nam Phi.
Những người vào lứa tuổi tôi đến đây tất phải nhớ ngày trước tàu Pháp sang thuộc địa châu Á, châu Đại Dương phải qua cảng Di-bu-ti. Các nước công nghiệp phát triển châu Âu đi cướp đất phía Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương bao giờ cũng qua đây. Di-bu-ti tôi chưa được thấy, nhưng từ thuở nào, bỗng dưng ở đâu đâu, mà dội đến trong kỉ niệm những niềm cay đắng, những gian truân của số phận và cuộc đời đất nước mình.
Qua các vùng đất giao tiếp châu Âu, châu Á, châu Phi sôi sục hôm nay, vẫn thấy được những hôm qua của lịch sử. Không chỉ trong trí nhớ, mà sờ sờ trước mặt mình thôi.
Đầu đường, có một bà già ăn mày, váy rách như tổ đỉa, ngồi tựa lưng một con la nhỏ. Mặt và mắt bà lão nhăn nheo như quả trám khô. Đầu bà già ăn mày ấy đội trùm hụp chiếc mũ sắt viền cạnh đã rỉ. Lính Mỹ, lính Pháp, lính Anh vẫn đội mũ ấy - đấy là mũ sắt quân đội khối Na-tô. Mũ này bọn chúng nó vứt đi, ai nhặt được thì đội.
Trên cửa Hồng Hải vào Ấn Độ Dương, bà lão hành khất đội chiếc mũ sắt của khối quân sự Tây Âu, bỗng nhiên mang một ý tứ sao mà mỉa mai - những thế kỷ vừa qua, quân lính các nước thực dân phương Tây ấy đã qua cửa biển này vào cướp của, cướp đất, giết người các vùng Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, châu Đại Dương.
Thời đại máu vấy mặt bọn giết người - thời đại đáng phỉ nhổ (mà bọn đế quốc không bao giờ biết xấu hổ với lương tri con người) tưởng như đã qua rồi thế mà vẫn chưa dứt.
Bà già ăn mày ở cảng Di-bu-ti kia hiện lên cùng một lúc với hình ảnh ông tổng thống Pháp, bà thủ tướng Anh và có lúc cả phó tổng thống Mỹ, không biết thế nào là nhơ nhuốc, đã từng đi thăm một vài hòn đảo thuộc địa cỏn con còn lại trên biển châu Đại Dương.
Khác nào bà già ăn mày ngồi đóng đinh câu rút ở cảng Di-bu-ti như đề muôn đời phỉ nhổ vào cái oai hùng đã qua của bọn kẻ cướp. Bà già đội mũ sắt quân đội Tây Âu. Không ai cho bà ăn nữa, bà ốm lắm rồi, sắp chết rồi.
Nắng cứ rực rỡ lên, thinh không càng trong vắt.
Tôi đương vào mỏm sừng Đông châu Phi. Ê-ti-ô-pi-a, cánh diều bay trên Đông Phi.
MÙA TRONG NĂM ĐẸP NHẤT TRÁI ĐẤT
ĐẾN ĐÂY TRƯỚC
A-đi A-bê-ba - “Đóa hoa mới” của Ê-ti-ô-pi-a nguy nga trên triền núi En-tô tô.
A-đi A-bê-ba mà tôi được nghe từ thuở thanh niên giữa khi bọn phát xít quốc tế lộng hành trước Cuộc chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Một hành động dã man đầu tiên của chúng nó đã xảy ra ở A-bít-xi-ni - Ê-ti-ô-pi-a ngày nay. Phát xít Ý xâm lược A-bít-xi-ni. Hôm nay còn thấy di tích anh hùng của nhân dân A-đi A-bê-ba tại quảng trường Si-đi Ki-lô - đài kỉ niệm bao nhiêu người dũng cảm đã hi sinh trong ngày 12 tháng hai 1937 giữa cơn trả thù man rợ của bọn khát máu, khi tên tướng phát xít Ý Gờ-ra-di-a-ni bị giết chết giữa thành phố.
A-đi A-bê-ba trên núi cao. Cả bốn phía ngoại ô tỏa xuống những thung lũng cánh đồng. Thành phố cổ kính và hiện đại này đã đứng nguyên trên núi đá và rừng bạch đàn ở độ cao hơn mặt biển hai nghìn năm trăm thước.
Những đàn quạ mỏ to dữ dội, bay ngược từng đàn lên thành phố.
Rừng bạch đàn đã đốn đi vẫn còn gốc, gốc sùi ra, to xù như đống đất, nhánh mới lại chồi lên lớn thành cây. Người vác củi bạch đàn lũ lượt đi với những con lừa nhỏ chở củi cành vào các phố.
Những bông hoa dó trắng nở tròn trước cửa nhà như ngù hoa cẩm cù. Những cây vạn tuế to cao khác thường bằng cây dừa lửa, gốc vừa hai người ôm, xòe lá che dọc đại lộ thông cù. Những cây xương rồng lực lưỡng, hoa tím li ti nở. Trên bờ rào gỗ vườn nhà ai nhô lên một nhánh hoa lau xám mờ. Những hoa loa kèn trắng - màu trắng, màu đẹp nhất đất nước.
Mùa xuân đương đến khắp Đông Phi. Hoa trắng bạt ngàn khắp nơi, thành phố, cánh đồng, sa mạc, đem niềm vui đến những con người đương thay đổi. Cách mạng đã đến châu Phi biết bao đau khổ lưu cữu từ nghìn đời đọng lại. Tôi thấm thìa thông cảm với Ê-ti-ô-pi-a trong cảnh xúc động đến rưng rưng nước mắt, khi trông lên tường phố thấy những áp-phích viết tay, những áp-phích in máy vẽ hình búa liềm với hàng chữ: “Chủ nghĩa Xã hội muôn năm! Nhân dân Ê-ti-ô-pi-a muôn năm!”. Chữ đẹp như múa, như mùa xuân đến xóa đi, lau đi những giọt nước mắt. Trông ra cây bằng lăng hoa tím, tưởng con chim gì líu lo rồi một đàn chim gáy hiền hòa bay qua. Hoa hồng đỏ, hoa loa kèn trắng và niềm yêu thương đem đến những ngày đẹp nhất trong một năm từ phía nam địa cầu lên.
Mùa xuân đương về khắp châu Phi. Cách mạng đã đến trong đau thương và trái ngược như số phận và cuộc đời con người ở đây. Cuộc chiến đấu giằng co đến từng căn nhà vách đất loang lở, tối thui, có những em bé đôi mắt trắng xanh đứng thập thò. Khách lạ đi qua, các em vừa ngượng nghịu vừa mạnh dạn bước ra, giơ bàn tay nhợt nhạt vẫy theo.
Những mái nhà lợp lá vạn tuế xám ngắt bên những tòa nhà kiểu mới. Con la cắm cúi thồ trên lưng những bó rơm, bó củi, những cái hũ sành, đi chen với chiếc xe Méc-sơ-đét, chiếc Phi-át, lẫn lộn trong đám người lam lũ trên đường phố - những người hốc hác như vừa thoát từ nhà ngục nào ra, quần áo rách bươm, khoác trên mình mảnh vải choàng “chen-ma” trắng đã ngả màu cháo lòng.
Tiếng nhạc ngẩn ngơ phảng phất. Gợi lại thuở hồng hoang Kinh Thánh (Kinh Cô-ran) từ khi thành phố này vừa thành hình, những người đầu tiên đi bộ - đến tận bây giờ đến đây, qua thác suối Am-bo lên hồ trên núi Đơ-brơ-gie-ít rồi xuống sông Nin Xanh.
Phía đông bắc thành phố, chợ Méc-ca-đo sầm uất nhất châu Phi.. Cạnh gian chợ kiểu mới, la liệt những lều vách lá. Đàn cừu lũ lượt, chen chúc dưới những mái lợp tôn.
Người Ả Rập ưa màu đen - choàng mặt đen, váy áo đen. Buổi sáng Bát-đa, những người đàn bà váy áo toàn đen ngồi ngẩn ngơ đầu ngõ. Nhưng châu Phi mênh mông lại yêu màu trắng - màu sa mạc và khoảng trời...
Chợ Méc-ca-đo bán nhiều vải, nhiều chuối. Nhưng ớt đỏ, ớt vàng còn nhiều hơn. Đầy rẫy người lê la không công việc, như ở mấy góc đường đầu các chợ Sài Gòn hồi mới giải phóng, mà còn đông gấp mấy nữa. Châu Phi gian khổ đến cùng cực, thế mà tất cả những xa hoa cho ai ở đâu vẫn kè kè bên cạnh. Trong cánh đồng, người ta gieo kê, chọc lỗ vảy hạt, nhưng các đồn điền ngay cạnh đấy, đều cày máy. Quần áo người trong làng mặc kỳ cùng đến rách không biết vá. Nhưng những khách sạn sang trọng, khách sạn A-đi A-bê-ba Hin-tơn mà người Mỹ còn quản lý, vẫn nhởn nhơ thế mặc dầu trước cổng đã có trạm gác của dân quân. Mai kia, những đài trang tráng lệ ấy sẽ là của chúng ta, của con em chúng ta. Cuộc chiến đấu đã bắt đầu. Đây bắt đầu châu Phi trẻ, đây cũng là mắt xích đầu tiên đế quốc tan rã ở Đông Phi.
Các nhà hàng lớn rải rác đường phố núi. Ghi-on, Hin-tơn A-phi-ca, Rát...
Thành phố A-đi A-bê-ba trên một vùng núi gần kề châu Âu đã được các hãng xây cất khách sạn quốc tế chú ý từ lâu. Trong khi châu Âu bạt ngàn băng giá thì nắng núi ở đây ấm và đẹp nõn nà. Bọn triệu phú ở châu Âu, châu Mỹ thèm cái nắng trên núi đó. Chúng nó đã tới. Chúng nó vừa từ bể bơi nước xanh lơ giữa vườn khách sạn A-đi A-bê-ba Hin-tơn lên nằm phơi nắng trên thảm cỏ tĩnh mịch. Và đứng trên lầu cao mới nhìn thấy ngoài hàng bờ rào hoa râm bụt tím đằng kia lô xô những mái sắt tây, thùng phuy, bạt che một vùng nhà nấm. Có đám trẻ con cởi trần, lấy gạch và vỏ hộp sữa xếp lên chia đôi bãi cỏ, chúng nó hét hết cỡ cổ, tranh nhau đá quả bóng quấn bằng giẻ. Quả bóng giẻ hay quả bóng cao su, sự hăng hái cũng không kém. Tiếng hò la, tiếng cười loạn cả cái xóm tiều tụy.
Trái ngược và dữ dội. Lại trông thấy những chiến sĩ tự vệ đi tuần khắp nơi: dọc đường, các chợ, cửa ga...
Buổi chiều nắng nhạt trong. Cánh đồng, bóng núi và đường phố ánh lên từng dải vàng. Sân bay quốc tế phía đông. Trên bãi bằng lưng núi đã lên đèn trắng ngần. Chập tối, nghe tiếng gà gáy trong ngõ phố nào đó và trông thấy trẻ con đi tha thẩn, như ở quê mình.
o O o
Ê-ti-ô-pi-a được khai sinh từ vương quốc A-xum đã tự hào với nền văn hóa ba nghìn năm trước công nguyên. Không phải châu Phi chỉ thuần cát trắng và những bộ tộc người từ thuở giờ tới nay vẫn thế. Không, châu Phi có nền văn hóa truyền thống thừa sức dạy cho những nước thực dân đã đến đô hộ châu Phi.
Thủ đô Ê-ti-ô-pi-a cách Hồng Hải có hơn trăm ki-lô-mét. Từ thế kỷ thứ ba, phía bờ biển vào, cũng là đường giao lưu của nền văn hóa A-xum - một nền văn hóa sánh ngang với ba triều đại huy hoàng đương thời: Ba-bi-lon, La Mã và Ai Cập.
Sự tích dựng nước của Ê-ti-ô-pi-a đã bắt đầu bằng câu chuyện thật mơ mộng - cũng như bao nhiêu cổ tích kỳ thú quanh thành Cổ Loa của chúng ta.
Năm 980 trước Công nguyên, hoàng hậu Sa-ba Ma-kê-đa, vợ góa vua trị vì Ê-ti-ô-pi-a nghe tiếng tài giỏi của vua Sa-lô-mông ở Giê-ru-da-lem. Chỉ nghe tiếng mà đã thầm yêu.
Một ngày kia, hoàng hậu Sa-ba được mời sang thành Giê-ru-da-lem làm khách quý của vua Sa-lô-mông.
Ngày vui ngắn chẳng tày gang. Trước khi Sa-ba rời Giê-ru-da-lem, Sa-lô-mông nói với người mình yêu:
- Tôi muốn có một đứa con với nàng.
Sa-ba đáp:
- Tôi không thể biết được điều đó.
Một chút nũng nịu làm duyên thôi. Vua Sa-lô-mông mở tiệc tiễn nàng và đêm ấy vua mời Sa-ba nghỉ lại trong cung của mình. Sa-ba nhận lời và nói: “Xin đừng ép tôi điều gì, nếu tôi không muốn”. Nhà vua nói: “Tôi cũng xin nàng đừng xâm phạm vật gì trong cung, tôi sẽ giữ lời hứa”.
Có điều là thức ăn trong tiệc tiễn có nhiều món dễ khát nước. Nửa đêm, Sa-ba trở dậy nhấc bình lấy nước uống. Sa-lô-mông đã đứng đấy từ bao giờ. Dáng hẳn cả người uống nước và người đến bắt lỗi khách cũng đã biết trước việc ấy rồi. Tình yêu là một cái gì mà người ta cứ làm ra cho thêm nhiêu khê, cho rắc rối...
Sa-ba Ma-kê-đa về sinh được một trai. Đến tuổi, nàng gửi con đi Giê-ru-da- lem để vua Sa-lô-mông dạy dỗ. Rồi người con trai đó trở về, lên ngôi vua, chính là Mê-lê-ni-a đệ nhất - triều đại mở đầu ba nghìn năm lịch sử và truyền thống huy hoàng của các dân tộc ở Ê-ti-ô-pi-a.
Ngày nay, đi qua cố đô A-xum, cánh đồng và dòng sông vẫn y nguyên. Như đương trở lại trong dĩ vãng. Những cột cao ba mươi ba thước. Những bậc đá hùng vĩ lên lầu cung vua Ta-kha Ma-ri-am.
Trên triền núi En-tô tô vắt ngang giữa nước, nghìn đời đã là trung tâm văn hóa dân tộc. Sau A-xum đã ra đời A-đi A-bê-ba. A-đi A-bê-ba có nghĩa là đóa hoa mới.
Đóa hoa mới A-đi A-bê-ba, thủ đô lịch sử và thủ đô cách mạng của cuộc sống mới hôm nay trên một đất nước cực kỳ gấm vóc, mà đầy rãy những trái ngược đến kiệt cùng.
Dọc bên này bờ Hồng Hải, cả Sô-ma-li và Kê-ni-a dồn về tiếp giáp phía tây Su-đăng. Triền núi Rát Đa-han chéo qua, dọc dài những thung lũng sâu, có sa mạc Đa-na-kin lẫn đồng cỏ hoang ở Ô-ga-đen.
Các dân tộc ở Ê-ti-ô-pi-a hai mươi lăm triệu người có nền văn hóa cổ nhất châu Phi. Từ thật sớm, Ê-ti-ô-pi-a đã trồng được các loại ngô rồi cao lương, kê, đậu, bông, thuốc lá, ớt là những vùng chè, cà phê. Cừu nuôi đàn và cừu nuôi trong nhà ở Ê-ti-ô-pi-a đứng thứ chín trên thế giới.
Cái giàu có là sự thật mà cái đói khát cũng là sự thật.
Người Ê-ti-ô-pi-a, từ 95 tới 98 phần trăm không biết chữ.
Hầu hết đất cày cấy trong cả nước là đất của nhà vua và hoàng tộc. Hơn ba mươi phần trăm là đất của nhà thờ và địa chủ. Chỉ còn vài phần cho hàng chục triệu nông dân.
Nhà cửa ở thủ đô A-đi A-bê-ba, bây giờ người ta tính lại, nhà vua, nhà thờ, công chức cao cấp, tư sản chiếm trên hai nghìn mẫu nhà ở. Có nghĩa là thành phố chỉ còn lại không được một phần trăm đất tư của mọi người bình thường.
Ê-ti-ô-pi-a bị hơn hai trăm chi nhánh công ty Mỹ các ngành bám khắp nước.
Bọn thống trị tàn phá cả xã hội. Nông dân cơ cực, ăn đói, ngủ lều. Mỗi buổi đi làm, nhai ít hạt đậu luộc rồi chiêu ngụm nước lã. Câu tục ngữ mỉa mai từ đời nào không biết: “Chỉ nằm mê thấy được ăn bơ cũng đã mắc phải bệnh hủi rồi”.
SÔI NỔI CHÂU PHI
Tôi bắt đầu nhận ra một vẻ gì thật quen thuộc. Trước nhất, tiếng hát. Những tiếng hát lạ tai mà sao thân thương.
Nhớ lại ở La Ha-ba-na, tôi gặp một người công nhân nhà máy làm xì gà. Ông già da đen ấy không biết tiếng Việt. Mà gặp tôi cũng là lần đầu ông trông thấy một người Việt Nam. Ông cầm tay tôi, cất tiếng thong thả, rất thong thả từng tiếng, ông hát bài “ Giải phóng miền Nam ”. Ở một nơi khác đất nước mình, nghe một người xa lạ, nói tiếng Việt nhẹ nhẹ không có dấu, tôi nghẹn ngào.
Tiếng hát rập rờn khắp bốn phía khắp nước Ê-ti-ô-pi-a. Tiếng hát đâu đâu cũng nghe. Đã thấy không ở đâu người da đen sung sướng như ở Cu Ba. Bây giờ chứng kiến rõ ràng là thoải mái ở Ê-ti-ô-pi-a. Tiếng hát, tiếng hát, người người đi trong tiếng hát tràn đầy.
Những giọng xa vời tiếng hát cổ xưa, tiếng hát chinh chiến, tiếng hát mãnh liệt chống chọi thiên nhiên dữ dội. Hát múa đi gặt, kéo bông, đánh cá, thật đẹp và dữ.
Chiếc đàn ma-xin-cô, tiếng trầm lên réo rắt, như tiếng hò mênh mông của người Mông Cổ. Tiếng ma-ra-cát lạo xạo, vời vợi vùng Trung Phi, tiếng của các dân tộc khát khao đi và kiếm cái sống. Dù người đương lặn lội trong băng tuyết phương bắc, người qua các vùng sa mạc hoang vu, người vượt rừng già, người vào đồng cỏ đến vùng đất mới xa xôi, đâu đâu cũng đều là tiếng đường trường, tiếng của đời sống và chiến đấu, dù phương trời nào thật khác lạ mà cũng rõ ràng một ý chí, một tâm sự như nhau.
Rạp chiếu bóng và sân khấu ấy ở khu vực giữa thành phố. Trước kia, đây là nơi giải trí sang trọng, đắt tiền. Bây giờ đây là câu lạc bộ của khu phố. Bà con kéo đến xem đông nghịt. Váy áo tơi tả, đỏ sạm đỏ rực, chốc lại chạy vào như lửa cuốn. Những đám trẻ con đen nhẻm, răng trắng tểnh, áo sơ-mi đứt hết khuy mà không biết, cứ giơ tay hát theo trên sân khấu một cách hết sức nhiệt tình.
Quốc huy Ê-ti-ô-pi-a hình búa liềm treo giữa rạp. Cờ búa liềm, tranh vẽ búa liềm, chỗ nào cũng thấy. Có cảm tưởng như đất nước này đương vui sướng khoe với mọi người: Chúng tôi đã có Chủ nghĩa Cộng sản, Chủ nghĩa Cộng sản đã đến với nhân dân Ê-ti-ô-pi-a.
Trên sân khấu, một chiến sĩ bộ đội nữ, mũ lưỡi trai, sơ-mi và quần đi trận xanh lá cây, ưỡn ngực đeo súng rất hãnh diện, vừa hát vừa vỗ súng, chốc lại giơ tay thúc đẩy cả nhà hát đứng lên hát theo. Hàng trăm hàng nghìn nữ chiến sĩ tự vệ quân phục xanh đã đứng lên hát theo. Chiến sĩ ấy hát vừa xong một bài, tiếng sấm vỗ tay lại kéo cô ra hát lại. Bài hát chiến đấu cứ thế cất cao mãi, không bao giờ muốn hết. Cô chiến sĩ hòa trong bóng người và tiếng hát bốn phía vang dội, thênh thang như cuộc đời từ đây chỉ có cây súng, cây súng bảo vệ cách mạng và một tâm hồn chiến sĩ.
Tiếng hát khắp rạp hết sức náo động. Hát và múa rỡn lên, rỡn lên.
Quán ăn La-li-bê-la - tên kỉ niệm một nhà thờ Cơ Đốc thế kỷ mười hai ở cố đô A-xum.
Các bạn hình như cảm thấy ăn uống ở khách sạn A-đi A-bê-ba Hin-tơn của chúng tôi đến hôm ấy có thể là vừa. Gian phòng kiến trúc hiên rộng kiểu Mỹ rồi cũng quen và cũng chẳng để ý cả những vặt vãnh kỳ quái. Quyển Kinh Thánh trên bàn ngủ đầu giường nào cũng có, bánh xà phòng và khăn tắm cũng Hin-tơn đem đến từ Mỹ. Hàng ngày mà những công thức ăn sáng, bữa trưa bữa tối có tính rập khuôn ở các khách sạn thế giới, cứ tẻ dần. Có thể thấy ở đây hay ở Bây-rút, Tân Đê-li, sân bay Vạt-tày, ở Đa-mát, ở Bát-đa cũng tương tự.
Đến các quán ăn dân tộc là một háo hức đến nơi chưa từng đến.
Nhà hàng La-li-bê-la, nhà vách tròn giống kiểu nhà vùng quê châu Phi lấp ló sau một quãng dốc núi, rồi vào bãi phẳng phố xá. Những chiếc ghế đẩu cục kịch bằng một khúc cây hũm cong giữa làm chỗ ngồi.
Nhấm nháp rượu khai vị - một thứ rượu trắng nhẹ như rượu cần, pha mật ong.
Một mâm đậy lồng bàn cói kín đáo được bưng ra. Cái mâm “ma-sốp” chân cao lênh khênh, đặt xuống giữa, thành chiếc bàn ăn. Nhưng chiếc lồng bàn chưa được mở, những thức ăn bên trong mâm còn là một chờ đợi thú vị.
Lót mâm, một mảng bộ kê, thành dày như miếng bánh đúc. Trên mặt, những miếng thịt gà rán, những nạm thịt bò tươi. Ở chính giữa, bát nước chấm và những quả ớt đỏ bày quanh. Khách véo miếng bột, lấy miếng thịt bò, chấm vào nước xốt và cắn ớt. Những lúc hào hứng, không có phong tục mời rượu mà mời ăn, các bạn quấn bột và thịt, đưa vào miệng nhau.
Rượu mật ong cứ uống từ từ.
Như trước mặt mình đương có một mâm tú ụ bánh cuốn Thanh Trì ăn với chả quế, chấm nước mắm cà cuống.
Rượu mật ong êm đềm, lư đừ...
Hết mâm ấy, mâm khác được đặt ra. Bánh bột lót mâm. Lại thịt cừu, thịt bò, cả sách, cả lòng. Những quả ớt nguyên đỏ tươi đặt quanh bát nước chấm. Khách rón mẩu bánh bột, lấy miếng thịt mát tươi... Tưởng như tay đưa vào đóa hoa đài trắng, cánh nhiều màu, nhị đỏ rực rỡ.
Những điệu múa nổi lên, người múa, người nhảy, người hát rộn ràng. Bàn tay và đôi mắt thoạt đầu e lệ rồi rầm rập tay và mắt quấn vào nhau. Những điệu múa tỏ yêu thương, những tay đôi trai gái tỏ tình. Cái đẹp và cái yêu của con người nồng nàn đôi mắt và ngón tay, một ngón tay trỏ dài cong. Đôi mắt trắng xanh trên khuôn mặt đen mát, vẻ đẹp nhất trên mình người yêu. Đôi mắt ấy, đôi mắt phẳng lừ, đôi mắt trắng xanh, đôi mắt nhởn nhơ.
Ở nhà bảo tàng, tôi đã được xem những tranh dân gian ngộ nghĩnh vẽ con mắt người to gần bằng cả khuôn mặt. Con mắt trắng ngần, trông vào người chỉ thấy những con mắt thơ ngây ấy.
Cô San Dao bảo rằng con mắt người châu Phi là tín hiệu tình cảm sớm nhất cho hai người nhận biết nhau. Thấy nhau từ xa, là đôi mắt, đôi mắt ấy thảnh thơi như mây mùa hạ. Màu da, dáng đi, có thể lẫn với bóng cây và cát bụi, nhưng đôi mắt anh và em, tận xa lắm. Chúng ta đã nhận ra nhau rồi. Tôi chợt hiểu ra tình cảm mỗi khác mỗi phương trời...
Những điều tưởng như mảnh vụn, nhưng lại là cuộc đời, cuộc đời đáng yêu được dệt nên từ đấy.
Cây hoa vuông đỏ khé. Những bụi xương rồng, hoa như rắc hạt sương tím. Nét mặt ngơ ngác hồn nhiên. Đêm trong thành phố. Con đường huỳnh quang qua trước mặt, trắng xanh. Phía núi đằng xa, đêm vồng sáng xanh trên sân bay.
Những em bé học sinh áo vàng khăn quàng đỏ cũng nhảy lên múa hát. Giữa đường, những cô tự vệ quân phục xanh thẫm vừa đi vừa hát múa, giơ tay, giơ súng.
Bây giờ, cả đến khách ăn cũng vào cuộc múa với mọi người. Anh chàng Sê-nê-gan viết kịch: Ma-ma-đu, đã cởi phăng áo ra nhảy với cô San Dao, hai người vừa bước tới, mỉm cười, đôi mắt trắng thăm thẳm. Tay đôi ấy múa vai, những đôi vai, những đôi vai, những làn ngực cờn lên như sóng.
Người xung quanh - những khách hàng và người làm trong các phòng ăn sôi nổi quá, đã bước ra trong bước múa và tiếng trống vỗ, tiếng đàn ma-xin-cô rập rờn. Tôi đương đi giữa châu Phi hoang sơ và cực kỳ trẻ trung.
Nhớ lại đêm ở khách sạn A-đi A-bê-ba Hin-tơn, mấy người khách du lịch nhảy những điệu rừng bắt chước châu Phi. Cái lực lưỡng khoáng đạt thật của bước nhảy châu Phi, rừng và sa mạc mênh mông một trời một vực khác với những cung cách bắt chước, đem gán kiểu dâm loạn của những đứa học trò tồi Âu Mỹ cho biết bao đường nét vô cùng khỏe khoắn, lành mạnh này.
Giữa náo nhiệt hân hoan đến thế, cô San Dao từ cuộc nhảy ra, đưa cho tôi một mảnh giấy.
Chữ viết ngoáy lên đằng sau một tờ biên lai trả tiền ăn:
“Đồng chí Việt
Đồng chí ở Việt Nam châu Á. Tôi ở Ê-ti-ô-pi-a châu Phi. Đường đi trên mặt đất thì xa lắm. Nhưng Chủ nghĩa Cộng sản đã đưa chúng ta đến bên nhau.
Chủ nghĩa Cộng sản muôn năm!”.
Những lời bồng bột chí tình của một người khách nào đấy giữa cuộc múa. Tôi không gặp mặt, tôi không biết anh là ai. Nhưng, cả những khi gặp mỗi người ngoài đường, tôi có cảm tưởng như ai ở Ê-ti-ô-pi-a cũng có thể nói câu tình nghĩa như thế.
Trời A-đi A-bê-ba ngổn ngang mây. Nhà và cây lẫn với đá. Xa xa, chỗ này mưa trắng như buông màn, chỗ kia nắng đem phơi áo được. Mây đen tản mạn bay lẫn vào trời xanh, trời xanh.
CÁC PHƯỜNG - CHIẾN LŨY NHÂN DÂN BẢO VỆ THÀNH PHỐ CỦA CÁCH MẠNG
Đơn vị hành chính cơ sở của thủ đô A-đi A-bê-ba là các phường.
Tôi được có dịp đi thăm nhiều phường. Phường 11 gần ngoại ô phía Tây Nam. Ba nghìn năm trăm hộ thực tế là một đơn vị nhân dân sản xuất và chiến đấu, bảo vệ cách mạng, bảo vệ cuộc sống tự do mà cách mạng đã đem lại được.
Những người ấy, vẫn những người bình thường ấy hôm trước, trên sân khấu, trong cuộc múa hay đứng gác sân bay quốc tế, hôm nay thấy ở đấy, sơ-mi trắng, choàng “cham-ma” trắng, mặt trổ râu đen ngòm.
Trên tường gian giữa trụ sở phường lỗ chỗ vết đạn. Cũng không ai để ý, đến khi hỏi các bạn mới kể. Việc ghê gớm mà nói ra như bình thường. Sáu tháng trước, trụ sở này đã bị bọn phản cách mạng tiến công. Trận đánh dữ dội lúc chập tối đã xảy ra trong nhà, ngoài sân, ngoài đường, cả đội tự vệ và nhân dân đã đuổi đánh chúng nó đến cùng, cho đến lúc bắt được tất cả bọn sống sót. Vết đạn còn lỗ chỗ đấy. Và còn đấy, ra đón chúng tôi, đồng chí chủ tịch phường người bé nhỏ, râu rậm. Trong trận chống chọi ngay ở trụ sở, đồng chí ấy đã bắn chết hai tên phản cách mạng. Cuối cùng, đồng chí bị thương, gãy cả hai cánh tay. Và nay vẫn là chủ tịch phường như sáu tháng trước kia.
Tôi bỗng nghĩ lại hơn ba mươi năm trước, Hà Nội trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Những bận rộn, những căng thẳng. Trong các vụ bắt cóc, giết người của bọn phản cách mạng, có giặc Tàu Tưởng, có thực dân Anh và Pháp bắt đầu đổ bộ lên Sài Gòn, nhưng tinh thần nhân dân Hà Nội và cả nước đã quyết định và vượt lên tất cả.
Hôm trước thăm Ủy ban nhân dân thành phố A-đi A-bê-ba. Trên mặt tường chính treo ảnh 175 ủy viên Ủy ban nhân dân thành phố và ủy ban phường đã bị bọn phản cách mạng giết. Trong số những chiến sĩ cách mạng hi sinh có mười lăm đồng chí nữ. Cuộc cách mạng Ê-ti-ô-pi-a mở đầu từ tháng hai 1974 tới nay đã trải bốn năm, bốn năm lúc nào cũng đẫm máu và quyết liệt. Vận mệnh nhân dân mới thực sự được trong tay nhân dân từ khoảng một năm trở lại đây.
Ba gian buồng văn phòng xảy ra trận đánh bảo vệ cách mạng ấy bây giờ để dùng làm lớp bình dân học vụ. Cái bảng đen treo cạnh những vết đạn mang một ý nghĩa khắc sâu.
Trụ sở liền nhau các lớp học chống nạn mù chữ, lớp vỡ lòng và thư viện phường. Những bãi cỏ trước sân nhà đã thành vườn trồng cải bắp và hành. Cửa hàng hợp tác xã mua bán của phường kề bên đường cái. Cửa hàng đương bán gạo, đậu răng ngựa, ngô và trứng gà. Người mua gạo đến xúc lấy, đặt gạo lên cân rồi đổ vào túi, đem ra trả tiền ngoài quầy.
Trên các bàn làm việc, những chiếc vỏ đạn đại bác làm bình hoa.
Những bụi chuối hoa đỏ chói vườn nhà ai hiệu mùa xuân rực rỡ đương vào thành phố. Núi chiều đã mờ sương quanh những ánh đèn đường, thế mà bóng nắng vẫn còn lồng trong đám mây trắng bay qua - hoàng hôn thành phố núi thật khác những chiều thành phố ở ta.
Trong nhà trẻ, cô giáo đương dạy các em đếm, các em hát. Tôi nhận ra một cách thú vị dáng dấp và vẻ mặt các em. Không chỉ có nét mặt mà phải nói trước nhất nét mặt linh hoạt, rạng rỡ. Và những con mắt thông minh, ngộ nghĩnh to thô lố.
Tiếng trẻ em hát. Tiếng thánh thót, tiếng hùng dũng, tiếng dịu dàng và chốc lại nghe một tiếng uy nghiêm mà tôi hiểu được... Anh-pê-ri-a-lít... Anh-pê-ri-a-lít... và những nắm tay bé nhỏ giơ lên rất náo nhiệt. Tôi bỗng nhớ quốc huy của nước Ê-ti-ô-pi-a mới, không hoa lá, không xanh trắng, chỉ có búa và liềm đỏ rực, chân thành và vô cùng hồn nhiên.
Giữ cho yên vui của con người, ngoài đường cái, đàn ông đàn bà thong thả đi. Áo choàng vải trắng thưa, bay lất phất, những người đi trong lòng đường như bóng sương đưa dài.
Lại trông thấy một người cõng một con cừu về nhà. Người đứng trong cửa nhìn ra, con cừu chui dưới chân cũng ngó ra, luẩn quẩn như con chó cạnh người. Trời tối rồi. Người ta vác cừu đã quen, mỗi chiều đến - như ta dồn về chuồng con gà con ngỗng ngoài bãi cỏ. Bụng con cừu no kềnh tựa vào gáy. Hai chân trước, hai chân sau quàng vào cổ, tay người quơ lên giữ lấy. Ở đây, con cừu trong mỗi nhà như con bò, con lợn ở ta. Có phần còn nhiều hơn. Chỗ nào có người, chỗ ấy người ta nuôi cừu - không phải chỉ có cừu đàn, mà cừu nhà. Cừu ngoan ăn cỏ, cỏ khô cỏ tươi, ăn lá ăn ngọn, đến mùa khô cằn, cả gốc rễ cỏ, cừu cũng rũi lên, nhá ngon lành.
Trong quán ăn, ông già nhà bếp đương hoa dao xả cả một con cừu luộc. Khách bưng đĩa đến lấy từng miếng. Cảnh no lành ấy ở hiệu ăn, ở chợ đâu cũng thấy.
Đấy là sinh hoạt phố xá phường 11 - cũng là đơn vị chiến đấu, mà thực tế vùng đất ấy đã là chiến trường. Trong hoàn cảnh vô cùng phức tạp, kẻ thù của cách mạng càng nham hiểm, hung ác. Nhưng cách mạng đã được bảo vệ dũng cảm và quyết liệt do chính tay người làm ra cách mạng.
o O o
A-đi A-bê-ba, thành phố núi, lúc mây rợp, lúc mưa lúc nắng. Như cách mạng Ê-ti-ô-pi-a đương ngổn ngang, sôi nổi. Như cách mạng châu Phi cực kỳ mãnh liệt và cũng vô cùng hồn nhiên. Ở đấy, có các bạn tôi A-tô, A-ka-la, San Dao...
1979
Ký Ức Phiên Lãng Ký Ức Phiên Lãng - Tô Hoài Ký Ức Phiên Lãng