Cuộc chiến thật sự là giữa những gì bạn đã làm, và những gì bạn có thể làm. Bạn so sánh bạn với chính mình chứ không phải ai khác.

Geoffrey Gaberino

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1778 / 36
Cập nhật: 2017-08-29 15:43:50 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Nông Trường Khai Hoang Cát-Kê-Liên-Xki
HÚNG TÔI đi dạo một vòng quanh thị trấn Cát-kê-liên-xki. Rất đủ tư cách là một thị trấn. Lại cũng có thể nói rằng giữa những rừng ruộng đã khai hoang và chưa khai hoang, mênh mông, bát ngát, mù mịt, cả ngày đi không gặp một người, đây là một thị trấn hùng vĩ! Đường rất rộng, cũng rất lầy lội - tuy còn lầy lội, và cũng chỉ mới có trụ sở và trường học nhà ba tầng, nhưng nông trường đã cắm sẵn đất định ra và trồng cây thành hình những con đường khác lắm. Mà thật vậy, khi đã bước từ con số không đến lúc thành hàng chục vạn mẫu ruộng chỉ trong vài năm thì làm một thị trấn nhỏ, xây một thành phố nằm giữa thảo nguyên không thể gọi là khó được.
Chúng tôi vào cửa hàng bách hóa, cửa hàng bán thực phẩm. Người mua bán buổi chiều đương tíu tít. Chúng tôi đến nhà thương, trường học. Trường học vừa xong trường sở mới. Ban thanh tra quận về kiểm tra qui cách xây dựng.
Có một lúc, tôi đứng lại giữa ngã tư “đại lộ” khai hoang của thị trấn. Những cây mặt trời cao lêu đêu, mặt hoa tròn vàng, buổi chiều ngoẹo đầu buồn ngủ theo mặt trời. Tôi nhìn toàn cảnh suốt phố chính, hai bên lô xô mái mới, tường mới. Hiếm cây, không như những vùng đồng quê phì nhiêu, nhà đều dựng vách gỗ nằm ngang, kiểu nhà cổ Nga. Ở đây, nhà nào cũng mái ngói, tường xây. Nhưng vẫn giữ phong vị đặc biệt của làng Nga, cái thì màu vàng, cái màu xanh, cái màu đỏ, như từng miếng lụa màu, tùy thích mỗi nhà. Mỗi cái nhà giữa vườn cây xinh như một bài thơ nhỏ. Chúng tôi lại vào chơi một nhà gần nhất, ngay đầu ngã tư.
Chủ nhà, đồng chí Vat-gô-lơ-xơ, cán bộ kỹ thuật, đi vắng. Có vợ và bà mẹ ở nhà. Mẹ chồng, nàng dâu hớn hở chạy cả ra thềm hè đón chúng tôi. Nhà này do tay hai vợ chồng làm đấy, đã được hai năm nay. Khi mới đến đây làm việc, vợ chồng Vat-gô-lơ-xơ cũng ở nhà tập thể của nông trường. Nhưng, được nông trường khuyến khích, nhiều người đã ra làm lấy nhà ở. Làm xong nhà, đồng chí Vat-gô-lơ-xơ đón mẹ tận Ki-ep vào ở. Chị Vat-gô-lơ-xơ kể cho nghe rằng làm được cái nhà, thật khó nhọc, mà cũng thật thú vị. Anh chị em tổ sản xuất đã để giờ nghỉ giúp họ nung gạch, đào móng, đắp nền… Cứ thế dần dần dựng nên nhà cửa, như kiến tha lâu đầy tổ.
Căn nhà bốn buồng, có bếp hơi, có ống sưởi nước nóng chạy các phòng, có ra-đi-ô. Xung quanh nhà trồng hàng chục cây táo, cành lá đã rườm rà cả vào trong cửa sổ. Có hai cây đã ra quả. Trẻ con đã được chén táo vườn nhà từ mùa này. Chị Vat-gô-lơ-xơ đương cọ sân, bỏ đấy, tay còn cầm cả mảnh giẻ ướt cứ đi theo chúng tôi. Bà mẹ vừa ở bếp chạy ra, còn quấn cái khăn bếp ngang người, cứ vui vẻ cằn nhằn rằng chúng tôi mãi tận đâu đâu đến, sao chẳng ở chơi nhà ăn một bữa cơm! Một em bé đương chơi với con chó ở đầu nhà. Thấy khách lạ, nhưng trẻ con và chó vẫn mải đùa cười, không để ý. Cửa sau cài kỹ hai chiếc then gỗ. Mấy chú ngỗng nghịch ngợm đằng chuồng sau nhà cứ gãi mỏ vào cái then cửa rồi chỉ đành thò cổ lên nhìn vào mà thôi. Nhà trước vườn sau thật là ngăn nắp. Những tiếng động dịu dàng trong thanh vắng buổi chiều. Ở đây người ta có cả những cần thiết hàng ngày, nhưng hoàn toàn không có những ồn tạp dữ dội thành phố. Đây cũng là một lối sống kiểu mẫu của nông thôn điện khí hóa. Quả là một bài thơ, một bài thơ “bên suối” mong ước của những cặp vợ chồng trẻ, của hai người yêu nhau, bất cứ ở quê hương nào trên trái đất này.
Ở nhà Vat-gô-lơ-xơ ra, chúng tôi tới đầu phố xem giếng nước. Giữa thảo nguyên xác xơ, giếng nước quý vô ngần. Thị trấn này có bốn giếng nước, ở nhà riêng, có cửa và khóa cẩn thận. Giếng là một đường thuốn sâu vào lòng đất 125 thước, mỗi giây đồng hồ lấy lên được mười lít nước đổ vào bể chứa.
Nhà thơ Ốc-ma-nốp cúi xuống, vốc tay vào vòi nước lạnh, vốc uống luôn mấy ngụm. Rồi cứ đứng ngây nhìn mãi, nhìn mãi dòng nước bật từ ruột đất lên. Nước ở đồng cỏ hiếm lắm. Ông già ấy chưa bao giờ thấy nước ở chỗ này. Ông già Ca-dắc Ốc-ma-nốp cứ run run nói, như khóc:
- Đã biết bao thay đổi sung sướng ở quê hương tôi. Nhưng chưa lần nào tôi đã uống một ngụm nước lành từ lòng đất sâu 125 thước lên. Ngày xưa, đây là đồng cỏ hoang. Hàng năm tôi vẫn chăn ngựa qua đây. Hôm nay, cũng đồng cỏ hoang này tôi trông thấy nước trong lòng đất mà chính quyền Xô Viết bắt phun lên, tôi lại ăn bánh mì, dưa đỏ, thịt vịt giữa nơi xưa người Ca-dắc không bao giờ dám nghĩ có ngày như thế này.
Nông trường Cát-kê-liên-xki được nhà nước cho vay vốn ba năm đầu. Vì có nhiều máy để làm cho nên công khai hoang cũng không đắt. Nông trường đã trả hết vốn vay Nhà nước từ 1958. Ngày nay, chẳng những đã tự túc được lương ăn, lại còn có lãi để ra. Nhưng không phải số thu hoạch từ 1955 tới nay chỉ tăng lên và cái gì cũng thuận lợi. Đã trải qua nhiều vấp váp gay go. Năm 1955 mới mẻ, nông trường bắt đầu gặt được mỗi hec-ta 700 cân. Năm 1956 thu mỗi hec-ta 1.460 cân. Sang 1957, nhiều cánh đồng đại hạn cháy khô (Hiện nay, nông trường Cát-kê-liên-xki đương xây một hồ chứa nước để tiêu diệt vĩnh viễn nạn hạn hán). Năm đại hạn, đổ đồng mỗi hec-ta chỉ được 250 cân. Vậy mà sang 1958, nông trường đã ra sức vượt lên được giải thi đua khá nhất các nông trường khai hoang toàn Ca-dắc-xtan. Và sang 1959, nông trường đã bán cho Nhà nước 33.000 tấn lúa - không kể số thóc để giống. Tính thành tiền số thóc bán cho Nhà nước từng năm - chưa kể tiền bán các thứ rau, thịt và thực phẩm khác, trông những con số sinh động ấy cũng thấy được sức sống nông trường:
1955 bán cho Nhà nước 1.700.000 rup (năm đầu).
1956 bán cho Nhà nước 10.120.000 rup.
1957 bán cho Nhà nước 2.700.000 rup (năm hạn hán).
1958 bán cho Nhà nước 20.400.000 rup.
1959 (đương bán, đã trên 17 triệu rup).
Năm hạn hán, công việc thất bại, phải vay tiền Nhà nước để trả công, có một số người chán nản bỏ đi nơi khác. Tới năm sau, nghe tin thu hoạch gấp bội, những người bỏ đi lại trở lại xin việc làm. Sau đấy, nông trường rút kinh nghiệm, tổ chức canh tác toàn diện hơn. Như vậy, nếu mất mùa lúa thì những thứ trồng trọt hoặc chăn nuôi khác có thể đỡ đòn cho chính vụ được.
Bởi vậy, mặc dầu ngay từ năm đầu, nông trường đã nuôi 356 bò, 2.100 cừu và nhiều ngựa. Sau năm đại hạn, lại phát triển chăn nuôi mạnh hơn nữa. Tới nay, đã có 2.000 bò (550 bò cái), 1.100 lợn, 54.000 cừu, 3.500 gà vịt, 600 con ngựa. Hoàn toàn trăm phần trăm người dân tộc Ca-dắc chuyên nghề chăn nuôi. Nuôi bò cái, lợn gà là công việc của các chị. Toán trưởng chăn nuôi là các cụ già Ca-dắc. Các cụ Ca-dắc chăn ngựa, bò, cừu giỏi tuyệt. Nhưng các phó toán và người phụ việc đều là thanh niên, vừa làm vừa được các cụ già truyền nghề. Những người chăn nuôi vẫn đi du mục, có nhà lều đem theo, như người du mục ngày trước. Có khi đi xa hàng mấy trăm cây số mới tìm được một đồng cỏ mỏng tuyết. Nhưng, khác ngày trước, bây giờ chỉ có công nhân nông trường làm nghề chăn nuôi đi du mục. Gia đình người ấy thì ở nhà tại thị trấn Cát-kê-liên-xki. Con nhỏ thì gửi ký túc xá. Và ngày xưa, người phải đi du mục là vì bị thời tiết và chủ nô đuổi hết vùng này qua vùng khác, bây giờ họ chỉ đưa cừu đi theo cỏ “gút san” (một thứ cỏ, cừu ưa ăn nhất). Mùa đông, đưa cừu đến những vùng tuyết còn mỏng, cỏ “gút san” vẫn mọc và cừu gặm cả cỏ lẫn tuyết mỏng, y như vừa ăn vừa uống. Và bây giờ không phải cứ rạc chân đi, bây giờ đã có ô tô tải cừu, ngựa và người đi tìm cỏ “gút san”.
Hiện nay, nông trường có trên một ngàn người lao động trong các tổ sản xuất. (Kể cả trẻ em và người già của gia đình công nhân là trên một vạn người). Những lúc vội việc như gặt hái, đào đắp hồ chứa nước thì các thành phố lớn lại gửi người các trường, nhà máy, cơ quan về làm giúp - hoặc là trong các dịp nghỉ hè, nông trường thường nhận học sinh đến tập làm.
Toàn nông trường chia thành bốn khu vực sản xuất, gồm có:
8 đội làm ruộng,
3 đội trồng rau,
3 nhà nuôi cừu, ngựa,
3 nhà nuôi bò sữa,
5 nhà nuôi lợn, gà vịt.
Trạm máy kéo có 130 máy kéo. Riêng việc trồng lúa, từ lúc gieo tới lúc gặt, hoàn toàn làm bằng máy.
Nông trường trả lương người làm theo hai cách: lương tháng và khoán. Hầu hết đã trả theo khoán. Nhưng quan trọng hơn cả là vấn đề thưởng năng suất, khi làm cùng thời gian ấy và ngắn hơn nữa, mà công việc đảm bảo chất lượng. Thưởng năng suất có một tác dụng quyết định cho nội dung thi đua. Tiền lương trung bình một người lái máy kéo, mỗi tháng 1.200 rup. Những nghề khó được trả cao hơn. Những nghề đơn giản trả ít hơn. Nhưng tiền thưởng năng suất nhiều khi nhiều hơn tiền lương. Một người lái máy kéo vượt năng suất có thể thu tiền thưởng được từ 2.000 rup tới 6.000 rup. Một người chăn nuôi vượt kế hoạch về lông cừu, về thịt, về giống má… có thể được thưởng từ 9.000 rup tới 10.500 rup trong khoảng đã được khoán việc.
Tôi đã giới thiệu vài con số ý nghĩa. Xem những con số trên, con số thu hoạch của nông trường Cát-kê-liên-xki, con số thu hoạch của mỗi công nhân, chúng ta đã thấy chắc chắn từng năm một tăng lên và tăng nhiều. Đời sống Cát-kê-liên-xki cứ sung túc trông thấy. Ai cũng biết những người đầu tiên đến đây khai phá, như chủ tịch Cô-sên-ny, đã đi xe trượt tuyết tới và ở lều căng giữa đồng hoang. Người Ca-dắc và người các nơi đến làm việc, nhiều lắm cũng chỉ xách theo vài vali quần áo mà thôi. Thế mà bây giờ, ở Cát-kê-liên-xki, nhà cửa mọc như bát úp, nhà nhà người người sầm uất, tấp nập. Trẻ đi học mỗi năm mỗi nhiều. Trường trung học hết lớp 10 có 400 học sinh; lớp tốt nghiệp đầu tiên đã thi ra trong năm nay. Đấy là lớp học cho trẻ, không kể những lớp học nghề thường xuyên mở, như lớp lái máy kéo, lớp lái máy gặt đập. Hiệu ăn, hiệu bách hóa, hiệu sách, câu lạc bộ và rạp chiếu phim hàng ngày mở, ngày nào cũng có hai buổi chiếu phim.
Tôi chú ý một số thống kê nho nhỏ trong gia đình. Con số biết nói nhiều:
Nhà nào cũng có ra-đi-ô;
36 nhà có máy vô tuyến truyền hình;
400 nhà có xe mô tô;
8 nhà có ô tô du lịch hiệu “Thắng lợi”.
Tôi tưởng rằng, từ thảo nguyên gió cuốn bay người, bay cả mùa màng đất cát, từ những người chỉ đem đến đây sức lực và trí thông minh, thế mà bốn năm qua, đã biến đổi được đồng hoang thành nơi đô hội đông đảo, tươi vui như thế. “Nông trường khai hoang Cát-kê-liên-xki - nhà thơ Ốc-ma-nốp bảo tôi, cũng tương đương như 726 cái nông trường khai hoang khác ở Ca-dắc-xtan”. Vậy thì những thay trời đổi đất trong nơi hoang vu này đương thành công rực rỡ như thế nào!
Trên thảo nguyên mùa đông thường có những buổi chiều rực đỏ và im lặng lạ thường. Những lúc ấy, bóng người đi trong cánh đồng đã gợi nên những ý nghĩa đặc biệt, như tôi đã trông thấy bóng nhà thơ Ốc-ma-nốp đương đi kia - những nét rất Ca-dắc trên khuôn mặt vuông, to, lưỡng quyền nở bạnh, nước da ngăm đen bóng như rám nắng. Đấy là một người Ca-dắc già đương lảo đảo cưỡi con lạc đà qua một vùng vừa cát vừa cỏ “gú san” hiu quạnh. Đấy cũng lại là nhà thơ Ca-dắc nổi tiếng đương cùng tôi đi chơi buổi trong chiều thảo nguyên đỏ rực và im lặng dị thường.
Tai tôi nghe thấy Ốc-ma-nốp kể rằng:
- Nơi đồng cỏ hiện nay là nông trường Cát-kê-liên-xki nằm giữa hai con sông Cát-kê-liên và sông Ac-say, trước kia chỉ có người du mục qua lại. Người đi hút bóng mất vào sa mạc. Hai dòng sông nhỏ ấy, mỗi năm tới đầu xuân tuyết tan, nước băng chảy qua rồi thì lòng sông lại cạn khô, lại như những con sông khó nhọc khác, nước mòn đi, biến lặng lẽ vào sa mạc ghê gớm. Mùa hè thì người du mục chúng tôi ở trên núi, mùa đông thì xuống quãng chỗ những nhà nuôi gà vịt của nông trường bây giờ. Tôi còn nhớ, từ chỗ nhà ga xe lửa rẽ vào đồng cỏ tới chỗ quãng đồi nuôi gà vịt, có một họ Ca-dắc Bai-tê-lêt-sơ rất nghèo thường trú chân ở đấy. Mỗi năm, họ Bai-tê-lêt-sơ ở trên núi xuống khi mùa đông đến, thấy nhà lều càng ít hơn, và những cái còn lại thì thủng rách hơn, khói thổi nấu càng thưa thớt nhiều. Tới Cách mạng tháng Mười thì chỉ còn vài nhà sống sót. Chao ôi, đó là dòng họ Bai-tê-lêt-sơ của tôi, mà hôm nay tôi còn sống sót đây. Không biết từ bao giờ, người Ca-dắc không biết trồng lúa, không có bánh ăn, không biết trồng bông, không có vải mặc. Cứ mùa thu tới thì ở đâu đâu cũng lại tìm về nơi đồng không ấm áp có lái buôn Trung Quốc vượt Thiên Sơn sang để bán cho lái buôn nào lông cừu, nào thịt cừu để đổi lấy tiền và đổi lấy vải. Nhưng bao giờ, bán hết các thứ có, cũng chỉ đủ ăn cho đến hết mùa xuân. Sau Cách mạng tháng Mười, không còn phong kiến chủ nô, ở nhà mái lều da trắng nữa. Dân tộc Ca-dắc vui sướng được ở một chỗ. Theo lời khuyên của Đảng, chúng tôi đã làm nhà ở và vạch lấy ruộng mà làm. Người Ca-dắc không bao giờ biết có ruộng đất, cho nên chúng tôi đã lập ngay những nông trang tập thể từ năm 1920. Bởi một lẽ dễ hiểu là dù chúng tôi đã có đất, nhưng có đất mà không đủ nông cụ, thành thử vẫn đói. Cho nên, phải cần có sức mạnh tập thể, phải tổ chức nông trang, chiến đấu dữ dội với thiên nhiên, mới có thể no ấm được. Từ trước, người Ca-dắc phải cùng ngựa và lạc đà vật lộn khó nhọc với đất mới ra được miếng ăn. Bây giờ người Ca-dắc đã bắt máy móc vật lộn với đất để phục vụ người Ca-dắc. Trước kia, đất ác như dì ghẻ. Bây giờ đất đã là mẹ và chúng tôi là con trai của mẹ rồi.
Chiều hôm nay, ông già Ốc-ma-nốp đề sổ lưu niệm nông trường mấy câu thơ:
Sông Cát-kê-liên yêu dấu
Tôi đã sinh ra trên bờ sông
Hôm nay trở lại
Rất nhiều thay đổi
Biết bao vui sướng
Được sống mà thấy những thay đổi này.
Cảm tưởng Ca-dắc-xtan ư? Ca-dắc-xtan, một dải lục địa đất đen lẫn đất vàng, quanh năm gió thổi bay cả đất, cả người, sa mạc và thảo nguyên mênh mông khuất tầm mắt, bao đời chỉ có người du mục đem cừu, ngựa và lạc đà lang thang khắp chân trời.
Tới Ca-dắc-xtan, tôi vẫn thấy những cảnh ấy, thấy những vùng đồng cỏ khi phẳng lặng, khi nhấp nhô như sóng biển xô đến tận cuối trời im lặng không viền một mép núi, một chân rừng. Cũng những cảnh ấy, nhưng tôi chỉ thấy sức người ghê gớm và dữ dội nhất. Tôi đã trông thấy những thành phố, những thị trấn giàu có. Người ta ở trong nhà, có trẻ con chơi trước cửa. Không đâu còn cuộc sống lang thang. Tôi đã chỉ thấy người và máy móc tấn công trời đất mà thôi. Thảo nguyên mênh mông cứ bị cạo trọc mãi, sa mạc hoang vu cứ bị đẩy lùi và đã rút được từ trong ruột đất lên những dòng nước quý báu mát trong. Ở đây, chỉ có con người là chiến sĩ, đương khống chế thiên nhiên. Nông trường khai hoang Cát-kê-liên-xki cũng như hơn bảy trăm nồng trường Cộng sản Chủ nghĩa tiến lên chinh phục hẳn cả đất trời.
Hôm giã từ Ca-dắc-xtan, ở sân bay An-ma A-ta, tôi đi lúc năm giờ rưỡi. Trời chưa sáng hẳn. Không trung, thưa thớt, nhưng chói lói những vì sao to, tạc ánh sao đêm xanh, rất xanh vào cửa sổ. May mắn và kỳ lạ, tôi đương đợi xem một buổi sáng đến trên trời cao.
Tôi đã thấy, và thấy rất lạ, một buổi sáng trên trời cao. Năm giờ rưỡi sáng An-ma A-ta mới là ba giờ rưỡi đêm Mát-xcơ-va. Khi máy bay từ phía tây bắc lên thì buổi sáng cũng từ phía tây bắc cùng lên. Cả một nửa trái đất phía sau lưng tôi ửng hồng, ráng ửng hồng cứ tỏa mãi lên đuổi bóng tối tan dần trước mặt. Ánh sáng và bóng đêm đuổi nhau cứ kéo dài, vì máy bay cứ bay cùng buổi sáng đương chạy lên. Cho tới Mát-xcơ-va thì trời Mát-xcơ-va vừa dựng sáng.
Ca-dắc-xtan cũng như buổi sáng đương lên mà tôi được trông thấy. Và khi sáng tưng bừng thì vừa tới Mát-xcơ-va, như Mát-xcơ-va. Đó cũng lại là cảm tưởng Ca-dắc-xtan của tôi.
Ký Ức Phiên Lãng Ký Ức Phiên Lãng - Tô Hoài Ký Ức Phiên Lãng