Bread of flour is good; but there is bread, sweet as honey, if we would eat it, in a good book.

John Ruskin

 
 
 
 
 
Tác giả: Agatha Christie
Thể loại: Trinh Thám
Nguyên tác: The Monogram Murders (2014)
Dịch giả: Tuấn Việt
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 257 / 35
Cập nhật: 2020-04-04 20:28:24 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10 - Bia Miệng
ôi bước ra khỏi King’s Head mà thấy lòng nhẹ nhõm. Mưa lấm tấm rơi. Phía trước tôi, một người đàn ông mặc áo khoác dài, đội nón vừa dợm chạy, chắc là muốn về kịp nhà và vào được đó trước khi thời tiết xấu đi. Tôi nhìn băng cánh đồng phía sau một bờ rào thấp đối diện với quán trọ: một khoảng xanh mênh mông, ba phía bao bọc bởi những hàng cây. Cũng lại sự im ắng đó. Chẳng có âm thanh nào ngoài tiếng mưa rơi trên lá, chẳng có gì mà nhìn ngoài một màu xanh.
Một ngôi làng ở miệt vườn không phải là nơi sinh sống với ai muốn thoát khỏi những dòng suy tư, đó là điều chắc chắn. London luôn có xe hơi, xe buýt hay một khuôn mặt hay một con chó vùn vụt băng qua, tạo ra sự chuyển động nhất định. Giờ đây tôi thấy thèm sự chuyển động ấy biết bao, thèm bất cứ điều gì miễn không phải là sự bất động.
Hai phụ nữ đi ngang qua có vẻ cũng vội vã. Họ phớt lờ cái chào thân thiện của tôi, hối hả cúi gằm mặt bước đi. Chỉ khi tôi nghe phía sau lưng những từ như cảnh sát và Harriet, tôi mới tự hỏi phải chăng đó là do sự hiện diện mang tính hiện tượng của tôi, và tôi đã trách nhầm cơn mưa vốn hoàn toàn vô tội. Những người này chạy trốn thời tiết hay muốn tránh mặt viên cảnh sát từ London?
Thừa lúc tôi đang mải vận dụng các tế bào xám nho nhỏ của mình, như cách Poirot vẫn thường nói, để giải mã những tiết lộ rời rạc của cụ Walter Stoakley, phải chăng Victor Meakin đã rời quán trọ bằng cửa hậu, chặn từng người đi đường lại để thông báo về sự hiện diện của tôi trong làng, bất chấp lời dặn dò rành mạch của tôi? Tôi hình dung đó là một thú vui quen thuộc của ông ta. Ông ta quả là một gã kỳ lạ và khó ưa.
Tôi tiếp tục đi dọc con phố hình chữ S. Phía trước, một thanh niên xuất hiện từ một trong những ngôi nhà. Tôi vui mừng nhận ra đó là anh chàng đeo kính, mặt tàn nhang, người đầu tiên tôi gặp khi xuống tàu. Thấy tôi tiến đến, anh ta dừng phắt lại cứ như đế giày anh bị dính vào vỉa hè.
“Xin chào!” tôi cất tiếng. “Tôi đã tìm ra quán trọ King’s Head, cảm ơn anh đã giúp đỡ!”
Đôi mắt anh thanh niên mở lớn khi tôi đến gần. Anh ta trông như muốn lỉnh đi, rõ ràng chỉ vì lịch sự mà không làm như vậy. Nếu không phải là những đốm tàn nhang vắt ngang sống mũi, tạo thành hình thù rõ rệt của chiếc boomerang, tôi hẳn đã kết luận đây không phải là anh chàng mà tôi đã gặp khi trước. Cung cách của anh ta hoàn toàn thay đổi… hệt như sự thay đổi cung cách của Victor Meakin.
“Tôi không biết chút gì về kẻ đã giết họ đâu, thưa ông,” anh ta lắp bắp nói trước cả khi tôi kịp đặt câu hỏi. “Tôi chẳng biết gì cả. Tôi chưa từng đến London, như tôi đã nói với ông.”
Giờ thì không còn nghi ngờ gì nữa rồi: việc tôi là ai và lý do tôi đến Great Holling đã trở thành một điều mà ai ai cũng biết. Tôi thầm nguyền rủa lão Meakin.
“Tôi không phải đến đây để tìm hiểu về London,” tôi nói. “Anh có biết Harriet Sippel, Ida Gransbury và Richard Negus không?”
“E rằng tôi không thể đứng đây lâu, thưa ông.” Anh ta cứ mở miệng là thưa ông. Anh ta không như vậy hồi gặp nhau lần đầu, khi anh ta chưa biết tôi là cảnh sát.
“Ồ,” tôi nói. “Được thôi, lát nữa ta nói chuyện với nhau nhé?”
“Không, thưa ông, e rằng tôi không có thời gian.”
“Còn mai thì sao?”
“Không, thưa ông.” Anh ta nhai nhai bờ môi dưới.
“Tôi hiểu. Và nếu tôi cố ép, tôi dám cá anh sẽ im thin thít hoặc nói dối, đúng không?” Tôi thở dài. “Dẫu sao tôi cũng cảm ơn anh đã trò chuyện vài lời. Hầu hết mọi người cứ thấy tôi là tất tả chạy theo hướng ngược lại.”
“Họ chẳng thành kiến gì ông đâu, thưa ông. Họ sợ thôi.”
“Sợ gì?”
“Đã có những cái chết. Chẳng ai muốn là người kế tiếp cả.”
Tôi không biết mình chờ đợi câu trả lời nào, nhưng không phải là câu này. Trước khi tôi kịp nói gì thêm, anh thanh niên đã băng qua tôi, đi xuôi theo con phố. Điều gì khiến anh ta tin rằng nhiều khả năng sẽ có cái kế tiếp? Tôi nghĩ đến câu nói của Poirot về chiếc khuy măng-xét thứ tư chờ sẵn trong túi của hung thủ để đặt vào miệng của nạn nhân tương lai mà thấy cổ mình chợt se lại. Tôi không thể cho phép có thêm một cái xác được sắp đặt nào nữa. Lòng bàn tay úp xuống…
Không. Chuyện đó tuyệt đối sẽ không xảy ra. Tự tuyên bố như thế, tôi cảm thấy dễ chịu hơn.
Tôi đi ngược xuôi con phố một hồi lâu, hy vọng sẽ gặp ai đó, nhưng chẳng ai xuất hiện cả. Chưa sẵn sàng trở về King’s Head, nên tôi đi đến tận cuối làng, nơi có đường ray xe lửa. Tôi đứng trên sân ga đi London, lòng buồn rầu vì không thể bước lên tàu và về nhà ngay tức khắc. Tôi tự hỏi không biết Blanche Unsworth nấu món gì cho bữa tối hôm nay, và Poirot có cho món đó là tạm được hay không. Rồi tôi buộc ý nghĩ của mình quay trở về Great Holling.
Tôi đã làm gì để mọi người trong làng quyết tránh mặt và phớt lờ?
Nhà thờ! Tôi đã đi qua khu nghĩa trang của nó nhiều lần mà không hề nhận ra, không hề nghĩ đến câu chuyện bi thảm về những cái chết cách nhau vài giờ của vị mục sư và người vợ. Sao tôi lại đãng trí đến vậy?
Tôi trở về làng và hướng thẳng đến nhà thờ – Nhà thờ Holy Saints, một tòa nhà nho nhỏ lát cùng một loại đá màu mật như ở ga xe lửa. Cỏ trong sân nhà thờ được chăm sóc kỹ. Đa số các ngôi mộ đều có hoa, trông tươi tắn như mới vừa được đặt.
Sau nhà thờ, ở mé bên kia bờ tường thấp có cánh cổng, tôi thấy hai căn nhà. Một căn hơi lùi sâu, trông như nhà mục vụ. Căn kia, nhỏ hơn hẳn, là một mái nhà tranh thấp và dài, phía sau hầu như nép sát vào tường. Không có cửa hậu, nhưng tôi đếm được bốn cửa sổ – những cửa sổ rất lớn đối với một căn nhà tranh – không nhìn ra đâu khác ngoài những hàng mộ. Phải gan lì lắm mới sống được nơi đây, tôi nghĩ.
Tôi mở cánh cửa sắt, bước từ phố vào sân nhà thờ. Nhiều bia mộ cũ đến mức không thể đọc được tên ghi trên đó. Một bia mộ mới và khá đẹp đập vào mắt tôi. Đó là một trong số ít ngôi mộ không được ai đặt hoa, và cái tên khắc trên đó đã khiến hơi thở tôi tắc nghẹn trong cuống họng.
Không thể tin nổi… Nhưng đúng là thế!
Patrick James Ive, mục sư quản nhiệm của địa phận, và Frances Maria, người vợ yêu dấu.
PJI. Đúng như tôi đã giải thích với Poirot: chữ tắt lớn hơn nằm ở giữa là họ. Và Patrick Ive từng là mục sư quản nhiệm của Great Holling.
Tôi rà lại những ngày sinh và ngày mất để kiểm tra xem mình có lầm lẫn không. Không, Patrick và Frances Ive cùng mất vào năm 1913, Patrick ở tuổi hai mươi chín và Frances ở tuổi hai mươi tám.
Chính là vị mục sư và người vợ đã chết bi thảm cách nhau vài giờ… Tên họ viết tắt của ông ta có trên ba chiếc khuy măng-xét tìm thấy trong miệng ba nạn nhân tại khách sạn Bloxham…
Chết tiệt! Poirot đã đúng, tôi miễn cưỡng thừa nhận. Có mối liên hệ. Phải chăng điều này có nghĩa ông cũng đã đúng về người phụ nữ tên Jennie? Cô ta có cũng có liên can sao?
Có một bài thơ trên bia mộ, bên dưới những cái tên và ngày tháng. Đó là một bài sonnet, nhưng tôi không biết bài này. Tôi bắt đầu đọc:
Bị vu cáo thì không thể xem là sai trái
Những người tốt vẫn mãi luôn là bia miệng
Mới chỉ đọc được hai dòng thì một giọng nói cất lên sau lưng tôi, ngăn tôi đọc tiếp.
“Tác giả là William Shakespeare.”
Tôi quay lại, thấy một bà trạc năm mươi tuổi có khuôn mặt dài hơi xương xẩu, mái tóc màu dẻ ngựa điểm những dải bạc lưa thưa, đôi mắt màu xanh xám tinh ranh và dò xét. Siết lại chiếc áo khoác sậm quanh cơ thể, bà ta nói: “Đã có nhiều tranh luận về việc có nên đưa cái tên William Shakespeare vào hay không.”
“Bà nói sao cơ?”
“Phía dưới bài sonnet. Cuối cùng thì đã có quyết định rằng những cái tên duy nhất trên bia đã là…” Bà đột ngột quay đi mà không nói dứt câu. Khi quay lại, đôi mắt bà đẫm ướt. “Vâng, đã có quyết định… người chồng quá cố của tôi, Charles, đã cùng tôi quyết định… Ồ, thật ra đó là tôi. Charles chỉ là người một lòng ủng hộ mọi việc tôi làm. Chúng tôi thống nhất rằng cái tên William Shakespeare thế nào cũng bị nhiều người chú ý, vì vậy không cần thiết phải khắc lên đó.” Bà gật gù với tấm bia. “Tuy vậy, khi thấy ông đứng đọc, tôi cảm thấy cần phải đến cho ông biết ai là tác giả của bài thơ.”
“Tôi cứ tưởng đang ở đây một mình,” tôi nói, lòng tự vấn cớ sao mình không hề biết bà ta đến dù đã quay mặt ra đường.
“Tôi vào bằng ngõ khác,” bà nói, lấy ngón cái trỏ ra phía sau. “Tôi sống trong ngôi nhà tranh. Tôi thấy ông qua cửa sổ.”
Khuôn mặt tôi hẳn đã tiết lộ những suy nghĩ riêng tư về khung cảnh ảm đạm của ngôi nhà, bởi lẽ bà mỉm cười và nói: “Tôi quan tâm gì đến cảnh quan? Không hề. Tôi sống trong ngôi nhà tranh là để trông mộ.”
Bà nói cứ như đó là một điều hoàn toàn bình thường. Hẳn bà đã đọc được suy nghĩ của tôi, vì bà tiếp tục nói: “Ông Catchpool ạ, chỉ có một lý do duy nhất mộ của Patrick Ive không bị đào xới lên. Đó là: mọi người đều biết tôi đang canh chừng nó.” Không hề báo trước, bà tiến đến tôi, chìa tay ra. Tôi bắt tay bà. “Margaret Ernst,” bà nói. “Hãy gọi tôi là Margaret.”
“Ý bà là… Bà cho rằng có những người trong làng muốn quấy nhiễu mộ của Patrick và Frances Ive?”
“Phải. Tôi thường đặt hoa ở đó, nhưng đã sớm nhận ra làm vậy là vô ích. Hoa rất dễ phá, dễ hơn một khối đá. Khi tôi ngừng đặt hoa, chúng chẳng còn gì để phá nữa ngoài bia mộ, nhưng tôi lại đang canh chừng nó ở ngôi nhà tranh bên cạnh.”
“Thật không ngờ đến nơi yên nghỉ của người ta mà có kẻ lại dám làm cái việc kinh khủng như thế,” tôi nói.
“Vâng, con người kinh khủng lắm, đúng không ông? Ông đã đọc bài thơ chưa?
“Tôi mới vừa đọc thì bà đến.”
“Giờ hãy đọc đi,” bà ra lệnh.
Tôi quay lại tấm bia và đọc toàn bộ bài sonnet.
Bị vu cáo thì không thể xem là sai trái
Những người tốt vẫn mãi luôn là bia miệng
Nếu ngờ vực là một món trang sức của cái đẹp
Thì nó cũng chằng khác chi quạ bay trong thiên đường ngọt ngào.
Chỉ cần ta tốt thì vu cáo chỉ có thể chứng tỏ
Rằng giá trị của ta lớn hơn và thời gian sẽ ủng hộ ta
Bởi lẽ loài sâu bọ chỉ yêu thích những nụ nào ngọt nhất
Và ta đã chứng tỏ sự trinh nguyên, trong trắng.
Ta đã vượt qua cạm bẫy của những ngày tươi trẻ
Không bị cám dỗ hay lao đến những chiến thắng
Nhưng ngợi khen sẽ chỉ xứng đáng với ngợi khen
Khi ta không bị trói buộc bởi lòng đố kỵ, vốn luôn được thả rông.
Và sự ngờ vực xấu xa không phủ bóng lên ta như một chiếc mặt nạ
Chỉ khi đó ta mới đến được những vương quốc của tình yêu.
“Để đưa lên bia mộ thì đó một bài thơ kỳ lạ.”
“Ông nghĩ vậy ư?”
“‘Bia miệng’ là từ rất nặng. Bài thơ có phải gợi ý rằng… nếu tôi không lầm… đã có những công kích nhắm vào Patrick và Frances Ive?”
“Có đấy. Vì vậy mới có bài sonnet. Chính tôi đã chọn. Có người khuyên tôi chỉ nên khắc hai câu đầu thôi, chứ khắc cả bài thì tốn kém lắm… làm như chi phí là quan trọng nhất không bằng. Loài người là một đám cục súc!” Margaret Ernst phát ra một tiếng khịt mũi ghê tởm. Lòng bàn tay bà đặt lên bia đã trông cứ như đang đặt trên đỉnh đầu của một đứa bé cưng. “Patrick và Frances Ive là những người tử tế, chẳng bao giờ muốn hại ai cả. Phải lặp lại điều này bao nhiêu lần mới được đây? Bản thân tôi không quen biết họ – Charles và tôi chỉ tiếp quản xứ đạo sau khi họ chết – nhưng đó là những gì ông bác sĩ làng nói, bác sĩ Flowerday ấy mà, mà ông ta là người duy nhất ở Great Holling này có những ý kiến đáng lắng nghe.”
Để xem mình có hiểu đúng ý bà ta hay không, tôi hỏi: “Vậy chồng bà là mục sư quản nhiệm hiện nay, sau Patrick Ive?”
“Không, ông ấy là mục sư quản nhiệm cho đến khi mất, cách đây ba năm. Bây giờ đã có mục sư quản nhiệm mới rồi: một lão mọt sách không vợ, luôn sống xa cách.”
“Còn cái ông bác sĩ Flowerday…?”
“Quên ông ta đi.” Margaret Ernst nói nhanh, và điều đó đã có tác dụng xuất sắc trong việc gắn chặt cái tên này vào đầu tôi.
“Được thôi,” tôi nói dối.
Tiếp xúc với Margaret Ernst đã hơn mười lăm phút, tôi nghĩ rằng việc ngoan ngoãn phục tùng là sách lược có lợi nhất.
“Tại sao bà nhận việc khắc chữ lên bia?” tôi hỏi. “Bà có họ hàng với vợ chồng Ives sao?”
“Buồn thay, chỉ vì chẳng ai quan tâm hoặc có khả năng làm việc đó.”
“Bà Ernst,” tôi nói, “ý tôi là… Bà Margaret… Bà đã khiến tôi cảm thấy được tiếp đón nồng hậu hơn rất nhiều trong ngôi làng này. Chắc chắn bà đã biết tôi là ai, và hẳn cũng biết lý do tôi đến đây. Chẳng ai chịu nói chuyện với tôi cả, trừ ông cụ ở quán trọ King’s Head, nhưng những gì ông ta nói chẳng có mấy ý nghĩa.”
“Chưa chắc tôi mong ông cảm thấy được chào đón nhiều hơn đâu, ông Catchpool.”
“Thì ít hơn vậy. Dù sao bà đã không tránh mặt tôi như tránh hồn ma kinh dị.”
Bà bật cười: “Ông ư? Kinh dị ư? Ôi, trời.”
Tôi không biết phải nói sao.
“Cái ông cụ nói năng chẳng mấy ý nghĩa tại King’s Head… ông ta có râu trắng đúng không?
“Phải.”
“Ông ta nói chuyện với ông vì ông ta không sợ.”
“Vì ông ta say quá nên không biết sợ ư?”
“Không phải. Vì ông ta không…” Margaret Ernst khựng lại, rồi nói trớ đi. “Ông ta không gặp nguy cơ nào từ vụ giết Harriet, Ida và Richard.”
“Còn bà thì sao?” tôi hỏi.
“Tôi thì vẫn nói với ông dù có nguy hay không.”
“Tôi hiểu. Bà gan dạ một cách lạ thường?”
“Tôi nhút nhát một cách lạ thường thì có. Tôi chỉ nói những gì tôi tin cần phải nói, và làm những gì tôi tin cần phải làm. Và nếu tôi bắt được một gợi ý nào đó rằng tôi phải im lặng thì tôi sẽ làm ngược lại.”
“Tôi nghĩ điều đó là rất đáng khen ngợi.”
“Ông có thấy tôi quá thẳng thừng không, ông Catchpool?”
“Không hề. Nghĩ gì nói nấy sẽ làm cho cuộc sống dễ dàng hơn.”
“Và đó phải chăng là lý do mà cuộc sống của ông chưa bao giờ dễ dàng?” Margaret Ernst mỉm cười. “À… tôi thấy rồi, ông không thích nói về bản thân mình. Thế thì tốt lắm. Ông có ấn tượng gì về tính cách của tôi, nếu như ông không phản đối câu hỏi này?”
“Tôi chỉ mới vừa quen bà thôi.” Trời ạ! Tôi nghĩ. Tôi không được chuẩn bị cho việc trò chuyện kiểu này nên điều tốt nhất mà tôi có thể nói là… “Tôi chỉ nói được rằng bà là người tốt, chỉ thế thôi.”
“Đó là một mô tả khá trừu tượng về một con người, ông nghĩ sao? Và cũng khá ngắn gọn nữa. Với lại thế nào là tốt? Về mặt đạo đức mà nói thì điều tốt nhất mà tôi từng làm hoá ra lại là hoàn toàn sai.”
“Thật sao?” Bà ta quả là một phụ nữ khác thường. Tôi quyết định thử vận may. “Nhân bà nói về việc làm ngược lại những gì người ta muốn bà làm… Ông Victor Meakin bảo rằng sẽ không ai nói chuyện với tôi. Ông ta hẳn sẽ rất mừng nếu bà không mời tôi vào ngôi nhà tranh của bà để uống tách trà, nhờ đó mà chúng ta có thể trò chuyện lâu hơn, tránh được cả mưa gió. Bà nghĩ sao?”
Margaret Ernst mỉm cười. Bà có vẻ thích sự táo tợn của tôi, như tôi đã thầm mong. Tuy nhiên, tôi nhận ra đôi mắt bà trở nên e ngại hơn.
“Ông Meakin cũng sẽ mừng không kém nếu ông noi gương hầu hết mọi người làng và từ chối bước qua ngưỡng cửa nhà tôi,” bà nói. “Ông ta luôn vui mừng trước sự bất hạnh của người khác. Chúng ta có thể làm ông ta hết mừng vì cả hai điều đó, nếu như ông có khuynh hướng nổi loạn.”
“Vậy thì tốt lắm,” tôi nói. “Với tôi, vấn đề coi như đã dàn xếp xong!”
“Xin cho tôi biết điều gì đã xảy ra với Patrick và Frances Ive,” tôi nói khi trà đã pha xong và chúng tôi đang ngồi bên ngọn lửa trong phòng khách dài và hẹp ở nhà Margaret Ernst. Đó là cách bà gọi tên căn phòng mà chúng tôi đang ngồi, mặc dù nó chứa nhiều sách đến mức cũng có thể gọi nó là phòng đọc. Trên một bức tường có treo ba bức chân dung – hai bức vẽ và một bức chụp – thể hiện một người đàn ông có vầng trán cao và đôi mày ngỗ ngược. Tôi đồ rằng ông ta là Charles, chồng quá cố của bà Margaret. Thật là dễ bối rối khi có đến ba ông như thế đang nhìn tôi chòng chọc, cho nên tôi quay đầu ra cửa sổ. Ghế của tôi cho phép nhìn rất rõ ra ngôi mộ của vợ chồng Ive, và tôi đoán đó cũng là chiếc ghế bà Margaret thường ngồi để canh chừng. Ở khoảng cách này, không thể nào đọc được bài sonnet. Tôi đã quên toàn bộ ngoài một dòng duy nhất – Những người tốt vẫn mãi luôn là bia miệng – vốn đã khu trú trong tâm trí tôi.
“Không,” Margaret Ernst nói.
“Không? Bà sẽ không kể cho tôi về Patrick và Frances Ive?”
“Không phải hôm nay. Có thể ngày mai tôi sẽ kể. Trong khi chờ đợi, ông có câu hỏi nào khác không?”
“Có, nhưng… cho phép tôi được hỏi, hôm nay hay ngày mai thì có khác biệt gì nhau?”
“Tôi cần có thời gian để cân nhắc.”
“Vấn đề là…”
“Ông định nhắc tôi rằng ông là một cảnh sát đang điều tra án mạng, và trách nhiệm của tôi là phải nói mọi điều tôi biết. Nhưng Patrick và Frances thì dính líu gì đến vụ án của ông?”
Tôi cũng cần vài trì hoãn và có những cân nhắc của riêng mình, nhưng tôi lại quá nôn nóng muốn thấy phản ứng của bà nếu tôi cho bà hay cái sự kiện mà tôi đã không nói với Victor Meakin, và vì vậy bà không thể nào biết trước.
“Ba nạn nhân, mỗi người đều có một chiếc khuy măng-xét vàng nhét trong miệng,” tôi nói. “Cả ba chiếc khuy măng-xét đều có khắc tên họ viết tắt của Patrick Ive: PIJ.” Tôi giải thích, như đã từng làm với Poirot, về việc chữ cái viết tắt cái họ lớn hơn hai chữ cái kia và nằm ở giữa. Không giống như ông bạn người Bỉ của tôi, Margaret Ernst chẳng có biểu hiện nào cho thấy bà tin nền văn minh sẽ lâm nguy bởi cách sắp xếp như thế. Bà cũng chẳng có vẻ sốc hay ngạc nhiên trước những gì tôi kể, và tôi thấy điều này khá bất thường.
“Giờ thì bà hiểu vì sao tôi quan tâm đến Patrick Ive rồi chớ?” tôi hỏi.
“Vâng, tôi hiểu.”
“Thế bà có kể cho tôi về ông ta không?”
“Như tôi đã nói ban nãy: có lẽ để ngày mai. Ông uống thêm trà nhé, ông Catchpool?”
Tôi xin bà thêm trà, và bà rời khỏi phòng. Một mình trong phòng khách, tôi ngẫm nghĩ về việc liệu có quá muộn không nếu tôi bảo bà gọi tôi là Edward, và nếu chưa muộn thì liệu đây có phải là lúc tôi nên đề nghị? Tôi cân nhắc việc đó dù vẫn biết không nên nói gì cả, cứ để bà ta tiếp tục gọi tôi là ông Catchpool. Đó là một trong những thói quen vô nghĩa của tôi: tự hỏi phải làm gì khi đã biết chắc điều mình sắp làm.
Khi Margaret trở ra với tách trà, tôi cảm ơn bà và yêu cầu bà cho biết về Harriet Sippel, Ida Gransbury và Richard Negus. Sự thay đổi thật khó tin. Bà không tìm cách úp mở nữa, mà kể cho tôi một cách nhiệt tình nhất về hai trong số ba nạn nhân – một câu chuyện đủ để lấp đầy nhiều trang giấy. Thật tức điên lên được, cuốn sổ tay tôi mang theo đến Great Holling lại nằm trong chiếc vali trong phòng tôi ở King’s Head. Đây quả là một thách thức cho trí nhớ của tôi.
“Harriet có bản tính tốt, theo như vô số những tàng thư trong truyền thuyết của làng,” Margaret nói. “Tử tế, rộng lượng, luôn tươi cười, lúc nào cũng đùa vui và trợ giúp bạn bè, lối xóm, chưa bao giờ ích kỷ, rất thánh thiện, luôn kiên quyết nghĩ tốt về mọi người, nhìn mọi thứ dưới ánh sáng tích cực nhất. Có người còn nói bà ta ngây thơ và cả tin. Tôi thì không dám chắc mình có tin tất cả những điều đó hay không. Không ai hoàn hảo hơn Harriet-trước-khi-thay-đổi. Tôi tự hỏi không biết đó có phải là sự đối nghịch với con người mà bà ấy về sau hay không…” Margaret chau mày. “Nói cho ngay, có lẽ đó không phải là sự xoay chuyển từ thái cực này sang thái cực khác, nhưng khi rỉ tai nhau, người ta thường kịch tính hóa tối đa mọi thứ, đúng không ạ? Tôi thì nghĩ rằng khi mất chồng ở độ tuổi quá trẻ thì ngay cả một người có bản tính vui vẻ nhất cũng có thể thay đổi. Harriet rất yêu George, người ta bảo thế, và ông ta cũng hết lòng với vợ. Ông ta mất vào năm 1911 ở tuổi hai mươi bảy – một hôm đang đi trên đường thì tự nhiên ngã chết, dù trước đó luôn là tấm gương mẫu mực về sức khỏe. Một cục máu đông trong não. Harriet trở thành góa phụ ở tuổi hai mươi lăm.”
“Quả là một cú sốc lớn đối với bà ấy,” tôi nói.
“Vâng,” Margaret tán thành. “Mất mát lớn như thế có thể để lại hậu quả khủng khiếp. Thật thú vị khi có người mô tả bà ta là ngây thơ.”
“Tại sao bà nói vậy?”
“‘Ngây thơ’ là nói về một cái nhìn lệch lạc, tô hồng về cuộc sống. Nếu người ta tin vào một thế giới hoàn toàn nhân ái và rồi tai họa tồi tệ nhất ập xuống, người ta có thể thấy oán giận và buồn rầu như thể mình đã bị lừa gạt. Và dĩ nhiên khi người ta rất đau khổ, việc oán trách và khủng bố người khác trở nên dễ dãi hơn rất nhiều.”
Tôi đang cố che giấu sự bất đồng của mình thì bà ta bổ sung: “Tôi nói là với một số người thôi, chứ không phải tất cả. Tôi nghĩ ông là loại thà hại mình còn thấy dễ chịu hơn, đúng không ông Catchpool?”
“Hy vọng tôi chẳng làm hại ai cả,” tôi ngẩn ngơ nói. “Vậy phải chăng tôi nên hiểu cái chết của người chồng đã có tác động không tốt lên tính cách của Harriet Sippel?”
“Đúng vậy. Tôi chưa bao giờ biết Harriet thuở ngọt ngào, tử tế. Harriet Sippel mà tôi biết là một phụ nữ hằn học và sùng tín. Bà ta coi cả thế giới này, và hầu như tất cả mọi người, là kẻ thù đáng ngờ vực. Thay vì chỉ thấy cái tốt, bà ta thấy toàn cái xấu đe dọa khắp nơi nơi, và hành xử cứ như mình có trách nhiệm phải phát giác và đánh bại cái xấu. Nếu có người mới đến làng, bà ta sẽ tin ngay rằng người này có chiều hướng xấu xa nào đó. Bà ta sẽ nói ra những ngờ vực của mình với bất cứ ai chịu nghe, rồi xúi giục họ tìm kiếm những dấu hiệu. Ai cũng bị bà ta bới ra những mặt xấu. Nếu không tìm thấy thì bà ta bịa ra. Niềm vui duy nhất của bà ta sau khi George qua đời là lên án người khác, cứ như bà ta cảm thấy mình tốt đẹp hơn nếu làm vậy. Mắt bà ta lấp lánh mỗi khi đánh hơi thấy điều xấu xa…”
Margaret Ernst rùng mình.
“Cứ như, vắng bóng chồng, bà ta đã tìm thấy thứ gì khác khơi dậy niềm đam mê và bám riết vào nó. Nhưng đó là một niềm đam mê tăm tối và hủy diệt, xuất phát từ hận thù chứ không phải tình yêu. Điều tồi tệ nhất là mọi người lại túm tụm quanh bà ta, sẵn sàng đồng ý với những cáo buộc không lấy gì làm hay ho đó.”
“Tại sao họ lại như vậy?” tôi hỏi.
“Họ không muốn là người kế tiếp. Họ biết Harriet bao giờ cũng có một con mồi. Tôi nghĩ bà ta khó ở yên được một tuần mà không có đối tượng để hướng sự hận thù đoan chính của mình vào.”
Tôi chợt nhớ anh thanh niên đeo kính đã từng nói: “Không ai muốn là người kế tiếp.”
Bà Margaret nói: “Họ thấy vui khi bà ta lên án bất cứ kẻ đáng thương nào bị nhắm tới, miễn sao bà ta không chú ý đến họ nữa. Suy nghĩ của Harriet về bạn bè là thế đấy: đó là những ai vào hùa với bà ta để nói xấu những kẻ mà bà ta cho rằng đã gây ra một tội ác lớn nhỏ nào đó.”
“Tôi nghĩ bà đang mô tả loại người có khả năng kết cuộc là bị sát hại.”
“Vậy sao? Tôi thì lại nghĩ loại người như Harriet Sippel sao ít bị sát hại đến thế.” Margaret Ernst nhướn mày. “Tôi hiểu. Tôi lại gây sốc cho ông nữa rồi, ông Catchpool. Là vợ mục sư, lẽ ra tôi không nên nói vậy. Tôi đã cố gắng là tín hữu Cơ Đốc tốt, nhưng tôi cũng có những nhược điểm, ai mà chẳng thế. Nhược điểm của tôi là không khoan dung đối với sự không khoan dung. Nghe mâu thuẫn, phải không ông?”
“Nghe như một câu nói nhịu. Bà có thể cho tôi biết bà ở đâu vào tối thứ năm tuần trước không?”
Margaret Ernst thở dài, nhìn ra của sổ. “Ở nơi tôi vẫn luôn luôn ở: ngồi chỗ ông đang ngồi, nhìn ra mộ.”
“Một mình?”
“Vâng.”
“Cảm ơn bà.”
“Ông có muốn tôi kể về Ida Gransbury ngay bây giờ không?”
Tôi gật đầu với ít nhiều lo lắng. Tôi tự hỏi sẽ cảm thấy thế nào nếu như cả ba nạn nhân hóa ra đều là những quái vật thù hận khi còn sống. Câu nói CẦU CHO HỌ KHÔNG BAO GIỜ YÊN NGHỈ chợt thoáng qua đầu tôi, nhanh chóng tiếp nối bởi lời kể của Poirot về lần gặp gỡ đầu tiên giữa ông và Jennie, sự quả quyết của cô ta về việc công lý chỉ được thực thi khi nào cô ta chết…
“Ida là một ả mộ đạo đến kinh khủng. Biểu hiện ra ngoài thì cũng hệt như Harriet, nhưng cô ta bị dẫn dắt bởi nỗi sợ và niềm tin vào những luật lệ mà mọi người phải tuân theo chứ không là nỗi lo bị hại. Khác với Harriet, Ida không xem việc tố giác tội lỗi của kẻ khác là niềm vui. Cô ta xem đó là bổn phận đạo đức của một tín hữu Cơ Đốc tốt.”
“Khi nói đến từ ‘sợ’, có phải ý bà là sợ sự trừng phạt của các đấng thiêng liêng?”
“Ồ, dĩ nhiên, nhưng không chỉ có thế,” Margaret Ernst nói. “Ai cũng có quan điểm riêng luật lệ hay quy định, dù luật lệ có là như thế nào. Người hay nổi loạn như tôi thì luôn ghét sự gò bó, ngay cả những gò bó hợp lý nhất. Nhưng cũng có người cần đến chúng vì như vậy họ cảm thấy an toàn hơn, được che chở hơn.”
“Và Ida Gransbury là loại người thứ hai?”
“Tôi nghĩ vậy, đúng đấy. Nhưng cô ta không nói thế đâu. Cô ta luôn chăm chăm thể hiện mình là một phụ nữ đức hạnh tuyệt đối. Không thể có khiếm khuyết ô nhục nào của con người nơi Ida! Tôi tiếc rằng cô ta đã chết, dù cô ta gây ra những tác hại không kể xiết lúc còn sống. Không như Harriet, Ida tin vào sự chuộc tội. Cô ta muốn cứu rỗi những người có tội, trong khi Harriet chỉ muốn sỉ vả họ và nâng tầm của mình lên qua tương quan so sánh. Tôi nghĩ Ida luôn tha thứ cho tội đồ nào thể hiện rõ sự ăn năn hối cải. Cô ta thấy yên lòng với sự sám hối theo đúng chuẩn mực Cơ Đốc. Nó củng cố thế giới quan của cô ta.”
“Những tác hại không kể xiết mà Ida gây ra là gì vậy?” tôi hỏi. “Hại ai cơ?”
“Ông về đi, câu đó để ngày mai hẵng hỏi.” Giọng bà vừa độ lượng vừa quyết đoán.
“Hại Patrick và Frances Ive ư?”
“Để mai đi, ông Catchpool.”
“Bà nói sao về Richard Negus?” tôi hỏi.
“E rằng chẳng có gì nhiều. Ông ta bỏ Great Holling mà đi ngay sau khi Charles và tôi đến. Tôi nghĩ ông ta là một nhân vật có uy ở làng này. Tiếng nói của ông ta được lắng nghe và mọi người hay xin lời khuyên của ông ta. Ai cũng nói về ông ta một cách vì nể, ngoại trừ Ida Gransbury. Cô ta không nói lời nào về ông ta sau khi ông bỏ cô, chạy khỏi Great Holling.”
“Quyết định hủy hôn là của ông ta hay của cô ta?” tôi hỏi.
“Của ông ta.”
“Làm sao bà biết cô ta không nói gì về ông ta sau đó? Biết đâu cô ta có nói với người khác chứ không nói với bà?”
“Ồ, Ida sẽ chẳng đời nào nói với tôi về Richard Negus hay bất cứ chuyện gì. Tôi chỉ biết qua lời của Ambrose Flowerday thôi, ông bác sĩ của làng ấy mà, nhưng ông ấy là người đáng tin nhất trần đời. Chỉ cần Ambrose để hé cánh cửa phòng tiếp bệnh của mình là ông ấy nghe ngóng được tất tật mọi chuyện đang diễn ra.”
“Có phải cũng cái ông bác sĩ Flowerday mà tôi cần phải quên đi? Chắc tôi phải quên luôn cả tên thánh của ông ta quá.”
Margaret Ernst phớt lờ nhận xét lém lỉnh của tôi. “Có những nguồn đáng tin cậy cho tôi biết, sau khi bị Richard Negus bỏ, Ida quyết không bao giờ nhắc hay nghĩ gì về ông ta nữa,” bà nói. “Bề ngoài cô ta không có dấu hiệu buồn bã nào. Mọi người có bàn bạc chuyện này. Họ nói cô ta thật mạnh mẽ và dứt khoát. Cô ta tuyên bố từ đây sẽ dành trọn tình yêu cho Chúa. Cô ta thấy đặt niềm tin vào Chúa luôn tốt hơn là đặt vào người trần.”
“Bà có ngạc nhiên không nếu biết Richard Negus và Ida Gransbury đã cùng nhau dùng bữa trà tối tại căn phòng khách sạn của cô ta ở London tối thứ năm vừa qua?”
Margaret Ernst trợn tròn mắt. “Chỉ hai người dùng bữa trà với nhau thì, vâng, tôi ngạc nhiên lắm. Ida là loại người luôn đưa ra những lập trường dứt khoát và không bao giờ vi phạm. Nhưng xem ra cả Richard Negus cũng thế. Đã quyết không lấy Ida làm vợ thì ông ta khó mà đổi ý. Theo tôi nghĩ, ông ta phải thể hiện sự ân hận rất sâu sắc và tỏ tình lại lần nữa thì họa may mới thuyết phục được Ida chịu gặp riêng.”
Nghỉ một lúc, Margaret Ernst nói tiếp: “Nhưng vì Harriet Sippel cũng có mặt tại cái khách sạn London đó, tôi đoán cả bà ta cũng hiện diện trong bữa trà chiều hôm ấy?”
Tôi gật đầu.
“Vậy thì rõ. Ba người họ chắc chắn có chuyện gì đó phải thảo luận. Chuyện này ắt là quan trọng hơn cả lập trường của mỗi bên trong quá khứ.”
“Bà có ý tưởng đó là chuyện gì không?”
Margaret Ernst nhìn những hàng mộ qua cửa sổ. “Có thể tôi sẽ có vài ý tưởng khi ông ghé nhà tôi ngày mai,” bà nói.
Kỳ Án Dòng Chữ Tắt Kỳ Án Dòng Chữ Tắt - Agatha Christie Kỳ Án Dòng Chữ Tắt