He who lends a book is an idiot. He who returns the book is more of an idiot.

Arabic Proverb

 
 
 
 
 
Tác giả: Agatha Christie
Thể loại: Trinh Thám
Nguyên tác: The Monogram Murders (2014)
Dịch giả: Tuấn Việt
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 257 / 35
Cập nhật: 2020-04-04 20:28:24 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9 - Chuyến Thăm Great Holling
áng thứ hai liền sau đó, tôi khởi hành đến Great Holling như đã được phân công. Ấn tượng của tôi khi đến là nơi đó giống mọi ngôi làng của nước Anh mà tôi đã đi qua, và chẳng có gì nhiều để mà nói. Tôi nghĩ các thành phố thường khác nhau nhiều hơn so với các ngôi làng, và các thành phố cũng có nhiều chuyện để nói hơn. Chắc chắn tôi có thể kể huyên thuyên về những điều thú vị của London. Có lẽ đơn giản vì tôi không thể thích ứng với những nơi như Great Holling. Chúng khiến tôi cảm thấy như vượt ra ngoài bản sắc của mình, nếu như tôi có một bản sắc. Tôi cũng không dám quả quyết điều đó.
Tôi được dặn coi chừng không tìm ra cái nơi có tên là King’s Head mà tôi sẽ ở trọ, và tôi đã không tìm ra thật. May thay, một chàng trai đeo kính với những đốm tàn nhang hình chiếc boomerang vắt ngang qua sống mũi và một tờ báo kẹp dưới nách đã ra tay giúp tôi. Anh ta chợt xuất hiện phía sau tôi, làm cho tôi giật mình.
“Ông bị lạc phải không?” anh ta hỏi.
“Chắc vậy. Tôi đang tìm quán trọ King’s Head.”
“À!” Anh ta nhoẻn cười. “Tưởng gì. Ông không phải người quê đây nhỉ? King’s Head nhìn từ ngoài phố trông giống nhà ở, cho nên ông không nhận ra là phải. Ông theo lối đi kia… ông thấy chưa? Ra đó, ông rẽ phải. Đi dọc đường, ông sẽ thấy bảng hiệu và lối vào.”
Tôi cảm ơn và sắp sửa làm theo lời chỉ dẫn của anh ta thì anh ta gọi giật lại: “Ông từ đâu đến vậy?”
Tôi cho anh ta biết. Anh ta nói: “Tôi chưa từng đến London. Ông đến nơi khỉ ho cò gáy này làm gì vậy?”
“Để làm việc,” tôi nói. “Anh nghe này, hy vọng tôi không quá thô lỗ, nhưng tôi sẽ rất vui nếu được trò chuyện cùng anh sau, chứ lúc này tôi phải ổn định chỗ ở cái đã.”
“Tốt thôi, tôi không giữ chân ông thêm nữa đâu,” anh ta nói. “Ông làm việc gì vậy? Ồ… tôi lại hỏi nữa rồi. Tôi sẽ hỏi ông sau nhé.” Anh ta vẫy tay rồi xuôi tiếp con phố.
Tôi lại quay sang tìm đường đến quán trọ King’s Head, và anh ta hét với theo sau: “Theo lối này rồi rẽ phải!” Lại thêm những cú vẫy tay hớn hở nữa.
Anh ta đang cố tỏ ra thân thiện và giúp đỡ. Đáng lẽ tôi phải tỏ ra biết ơn. Bình thường tôi luôn vậy, nhưng…
Thôi được, tôi xin thú nhận: tôi không ưa làng quê. Tôi không nói điều đó với Poirot trước khi đi, nhưng tôi đã nhủ thầm như thế rất nhiều lần suốt cuộc hành trình bằng tàu hỏa, và nhủ thầm thêm lần nữa khi bước ra khỏi cái nhà ga bé xíu. Tôi không ưa con phố hẹp duyên dáng nơi tôi đứng. Con phố đó lượn chính xác theo hình chữ S và có những ngôi nhà tranh nho nhỏ nằm dọc hai bên, trông phù hợp với các sinh vật rừng rú hơn là với con người.
Tôi không thích bị những người xa lạ hỏi han quá táo tợn ở ngoài phố, mặc dù tôi hoàn toàn ý thức về sự đạo đức giả của mình, bởi lẽ bản thân tôi đang ở làng Great Holling này chẳng phải để hỏi han những người xa lạ hay sao?
Giờ thì anh chàng đeo kính đó đã đi khỏi, quanh tôi chẳng còn âm thanh nào ngoài hơi thở của chính tôi và thi thoảng là tiếng chim hót. Ngoài những ngôi nhà, tôi thấy những cánh đồng và những ngọn đồi trống trơn ở xa xa. Cùng với sự im ắng, tôi lập tức cảm thấy sự cô đơn. Dĩ nhiên các thành phố cũng khiến người ta cô đơn. Ở London, ta nhìn những người đi ngang mà không thể biết trong đầu họ nghĩ gì. Mỗi người đều cực kỳ gần gũi và đồng thời cũng cực kỳ bí ẩn. Ở các làng xã, quy luật đó cũng đúng, nhưng trong đầu mọi người hình như chỉ có cùng một thứ.
Chủ của King’s Head là Victor Meakin, trông bề ngoài khoảng từ ngũ tuần đến lục tuần. Ông có mái tóc mảnh và bạc, từ đó hai đỉnh tai hồng hồng ló ra ngoài. Cả ông ta cũng háo hức khi nhắc đến London. “Cho phép tôi hỏi nhé, có phải ông sinh ra ở đó không, ông Catchpool? Hiện nay ở đó có bao nhiêu người sinh sống? Dân số ở đó là bao nhiêu? Ở đó có dơ bẩn lắm không? Dì của tôi từng đến London và nói ở đó rất bẩn. Dù vậy, tôi vẫn mong có ngày được đến đó. Nhưng tôi chưa từng nói với dì tôi chuyện này. Tôi không biết nói lý thế nào với bà ấy. Cầu Chúa ban phước cho bà ấy. Có phải mọi người ở London đều có xe hơi riêng không?”
Tôi thấy nhẹ nhõm vì dòng suối những câu hỏi huyên thuyên của ông ta đã giúp tôi khỏi phải trả lời. Sự may mắn của tôi kết thúc khi ông ta đi đến câu hỏi mà ông ta thực sự quan tâm: “Điều gì đưa ông đến Great Holling vậy, ông Catchpool? Tôi không hình dung nổi ông có chuyện làm ăn gì ở đây.”
Nói đến đó, ông ta dừng lại, và tôi không có lựa chọn nào khác là phải trả lời: “Tôi là cảnh sát,” tôi nói. “Đến từ Scotland Yard.”
“Cảnh sát ư?” ông ta vẫn duy trì một nụ cười không đổi, nhưng nhìn tôi với ánh mắt hoàn toàn khác: gay gắt, dò xét và khinh khỉnh, cứ như ông ta đang nghiên cứu tôi và rút ra những kết luận bất lợi cho tôi. “Một cảnh sát,” ông ta nói, với chính mình hơn là với tôi. “Vậy, tại sao cảnh sát lại đến đây? Một cảnh sát quan trọng từ London nữa chớ.”
Vì ông ta có vẻ không hỏi tôi trực tiếp nên tôi cũng phớt lờ, không trả lời.
Khi xách hành lý của tôi đi lên chiếc cầu thang gỗ xoan, ông ta dừng lại ba lần và quay lại nhìn tôi, chẳng vì lý do rõ rệt nào.
Căn phòng ông ta dành cho tôi trông trống trải và lạnh lẽo, thế mà lại dễ chịu: đó là sự thay đổi rất tốt sau những cầu kỳ, diêm dúa ở căn nhà trọ của Blanche Unsworth. Tại đây, may thay, không có những chai nước nóng và chăn đan sắp sẵn để tôi dùng. Tôi không thể chịu nổi những thứ đó. Chỉ cần thấy chúng thôi là tôi đã khó chịu. Theo tôi, vật ấm nhất trên giường bao giờ cũng là con người.
Meakin giới thiệu một vài đặc điểm của căn phòng như giường nằm và chiếc tủ gỗ to đùng. Tôi cố đáp lại bằng sự pha trộn phù hợp giữa ngạc nhiên và thích thú. Và tôi đã cho ông ta biết thực chất công việc của tôi ở Great Holling vì đằng nào cũng tới lúc tôi sẽ phải làm vậy thôi. Tôi hy vọng thỏa mãn được sự hiếu kỳ của ông ta và nhờ vậy mà ông ta sẽ nhìn tôi ít soi mói hơn. Tôi kể cho ông ta nghe về những án mạng ở khách sạn Bloxham.
Miệng ông ta méo xệch trong khi lắng nghe. Trông ông ta như đang cố không bật cười, mặc dù có thể là tôi lầm.
“Ông nói giết người ư? Tại một khách sạn sang trọng ở London? Chuyện lớn rồi! Bà Sippel và cô Gransbury bị giết ư? Còn ông Negus?”
“Ông cũng biết họ nhỉ?” tôi hỏi, cởi áo khoác ra, treo vào tủ.
“Ồ, vâng. Tôi biết họ chớ.”
“Chắc họ là bạn bè của ông?”
“Chẳng phải bạn bè, cũng chẳng phải kẻ thù,” Meakin nói. “Quản lý một quán trọ thì phải vậy thôi. Bạn bè và kẻ thù đều gây rắc rối cho ta. Thì bà Sippel và cô Gransbury đã gặp rắc rối rồi đấy thôi. Ông Negus cũng thế.”
Tôi nghe thấy gì trong giọng ông ta nhỉ? Một điểm nhấn lạ? Một sự thích thú?
“Xin thứ lỗi, thưa ông Meakin, nhưng… phải chăng ông thấy hài lòng khi nghe tin ba cái chết đó, hay đó là do tôi tưởng tượng ra?”
“Là ông tưởng tượng ra, ông Catchpool ạ. Đúng vậy.” Lời bác bỏ được đưa ra một cách chắc nịch.
Chúng tôi nhìn nhau trong khoảnh khắc. Tôi thấy những ánh mắt ngờ vực, lúc này đã hoàn toàn mất đi sự nồng nhiệt.
“Ông cho tôi biết vài cái tin và tôi thấy quan tâm, chỉ thế thôi,” Meakin nói. “Cũng giống như tôi quan tâm đến chuyện kể của bất cứ khách trọ nào. Quản lý một quán trọ thì phải như vậy mới đúng. Dù vậy câu chuyện giết người đó nghe cũng đáng sợ thật!”
Tôi quay đi và cứng cỏi nói: “Cảm ơn đã chỉ phòng cho tôi. Ông đã giúp tôi rất nhiều.”
“Tôi đoán ông đang muốn hỏi tôi hàng lô lốc câu hỏi, phải không ạ? Quán trọ King’s Head là của tôi từ năm 1911. Ông sẽ không tìm được ai tốt hơn để hỏi han đâu.”
“Ồ vâng, dĩ nhiên. Để khi nào tôi dỡ xong hành lý rồi ăn uống và duỗi chân đôi chút.” Tôi không thấy hào hứng với viễn cảnh phải nói chuyện dài hơi với gã đàn ông này, nhưng điều đó là cần thiết. “Còn điều này nữa, ông Meakin, rất quan trọng: xin ông vui lòng đừng kể lại cho ai khác tất cả những gì tôi vừa nói với ông. Tôi sẽ rất biết ơn.”
“Bí mật, đúng không ạ?”
“Không hề. Chỉ đơn giản là tôi muốn tự nói với mọi người.”
“Ông sẽ nêu những câu hỏi, đúng không ạ? Sẽ không ai ở làng Great Holling này nói được với ông bất cứ điều gì giá trị đâu.”
“Tôi biết chắc rằng điều đó không đúng,” tôi nói. “Chính ông vừa đề xuất sẽ trò chuyện cùng tôi đó thôi.”
Meakin lắc đầu. “Tôi không nghĩ vậy đâu, ông Catchpool. Tôi nói ông sẽ muốn hỏi tôi chứ đâu có nói tôi muốn trả lời. Tuy vậy, tôi sẽ nói thế này…” Ông ta chĩa ngón tay trỏ xương xẩu, phù lên ở phần khớp vào tôi. “Nếu ông vấp phải ba án mạng trong cái khách sạn sang trọng của các ông tại London và cứ khăng khăng trong đầu rằng ông là cảnh sát London thì tốt nhất ông nên ra ngoài để đặt các câu hỏi của ông chứ đừng có hỏi ở đây.”
“Ông muốn tôi đi khỏi đây ư, ông Meakin?”
“Hoàn toàn không. Kế hoạch của ông là việc của ông. Ở quán trọ này ông luôn được chào đón chừng nào ông còn muốn trụ lại. Không thành vấn đề với tôi.” Nói đoạn, ông ta quay lưng, bỏ đi.
Tôi bối rối lắc đầu. Thật khó mà hòa giải với Victor Meakin vì giờ đây ông ta không còn là cái người đã đón tôi khi tôi mới đến King’s Head, cái người đã lải nhải về London và bà dì ngại bẩn của mình.
Tôi ngồi lên giường rồi lập tức đứng dậy, cảm thấy nhu cầu hít thở không khí tươi mát. Giá như ở Great Holling có nơi nào khác để trọ ngoài cái quán trọ King’s Head này.
Tôi mặc vào chiếc áo khoác mới vừa cởi ra chỉ vài phút trước đó, khóa cửa phòng lại và bước xuống cầu thang. Victor Meakin đang lau khô mấy cái ly bia sau quầy rượu. Ông ta cúi chào khi tôi bước vào phòng.
Ở chiếc bàn chật kín ly bia cạn tại góc phòng có hai người nam ngồi đối diện nhau. Họ đang ráng hết sức tự đầu độc bằng bia. Cả hai đều là bậc thầy của nghệ thuật đong đưa trong tư thế ngồi. Một trong hai bợm nhậu này là cụ già lùn lụ khụ râu bạc trắng khiến người ta liên tưởng đến Ông-Già-Tuyết. Người kia là một gã thanh niên cường tráng, cằm vuông, không quá hai mươi tuổi. Hắn đang cố nói gì đó với ông già, nhưng miệng hắn đã bị rượu làm nhịu lại và không ai hiểu nổi hắn muốn nói gì. May thay, người bạn nhậu của hắn cũng không ở trạng thái sẵn sàng lắng nghe, cho nên có lẽ cũng là may khi thứ bị lãng phí là những câu nói tối tăm, vô nghĩa chứ không phải là những mẩu đối thoại tinh tế.
Bộ dạng gã thanh niên khiến tôi thấy thương hại. Sao hắn lại đi đến chỗ tàn tạ thế này? Trông hắn cứ như đang cố khoác vào một bộ mặt mà hắn sẽ sớm phải khoác vĩnh viễn nếu như không thay đổi nếp sống.
“Ông uống chút gì chứ, ông Catchpool?” Meakin hỏi.
“Để sau đi, cảm ơn ông.” Tôi mỉm cười ấm áp. Tôi đang cố tỏ ra mình là người vui tính với những gã mà tôi ghét hoặc không tin cậy. Việc đó không phải lúc nào cũng thành công, nhưng đôi khi họ cũng đáp lại tương tự. “Đầu tiên phải dành thời gian để duỗi cặp chân già này cái đã.”
Gã thanh niên say xỉn lảo đảo đứng dậy. Hình như hắn bất chợt nổi giận và nói câu gì đó bắt đầu bằng từ Không. Phần còn lại thì không ai hiểu nổi. Hắn loạng choạng băng qua tôi và bước ra phố. Cụ già từ từ đưa tay lên – một quy trình mất đến gần mười giây – cho đến khi ngón tay ông trỏ thẳng vào mặt tôi. “Anh,” ông ta nói.
Tôi mới đến làng Great Holling này chưa đầy một giờ, thế mà đã có hai người trỏ thẳng ngón tay vào mặt tôi một cách thô lỗ. Một biểu hiện chào đón thuộc về tập tục nơi đây chăng? Tôi không tin là thế.
“Xin lỗi, cụ muốn nói tôi?” tôi hỏi.
Ông-Già-Tuyết phát ra những âm thanh mà tôi có thể tạm dịch lại như sau: “Phải, là anh đó, anh là người tốt. Đến ngồi đây đi. Ngồi vào ghế này nè. Ngồi cạnh tôi này. Hãy ngồi vào ghế của cái thằng nhóc rách việc đáng thương kia, ngồi đi nào.”
Trong tình huống bình thường, sự lặp đi lặp lại sẽ làm tôi phát cáu, nhưng do quá mải miết với bài tập phiên dịch nên tôi khá dễ dãi.
“Tôi sắp đi một vòng quanh làng…” Tôi mở miệng nói, nhưng ông cụ đã quyết chí không cho tôi làm cái việc đó.
“Anh còn khối gì thời gian để đi lại mà!” ông ta gầm lên. “Đến ngồi đây ngay đi, chúng ta sẽ trò chuyện cùng nhau.” Tôi tá hỏa khi ông ta cất tiếng hát: “Đến ngồi đây. Đến ngồi đây. Ông Cảnh sát London lại đây.”
Tôi nhìn Meakin. Đôi mắt ông ta vẫn tập trung vào mấy ly bia. Cơn giận bốc lên trong tôi, và tôi nói với ông ta: “Mới cách đây mười phút tôi đã yêu cầu ông không nói về công việc của tôi với bất cứ ai.”
“Tôi có nói gì đâu.” Ông ta thậm chí chẳng thèm nhìn tôi.
“Ông Meakin, bằng cách nào mà ông cụ kia lại biết tôi là cảnh sát từ London nếu như không phải ông nói? Không ai khác trong làng này biết tôi là ai.”
“Ông không nên kết luận nhanh như thế, ông Catchpool ạ. Tôi nghĩ điều đó sẽ chẳng dẫn ông đến đâu cả. Tôi không nói một lời nào về ông cho bất kỳ một ai. Không một lời nào.”
Ông ta nói dối. Ông ta biết là tôi biết, thế mà ông ta cứ phớt tỉnh.
Bị đánh bại, tôi đến ngồi với cụ già lùn ở góc quán. Quanh ông ta là những thanh xà màu sậm treo lủng lẳng những món đồ bằng đồng, và trong vài giây ông đã tạo ấn tượng giống như một sinh vật kỳ dị tóc bạc phơ ngồi trong chiếc tổ thậm chí còn kỳ dị hơn nữa.
Ông ta bắt đầu nói như thể cuộc trò chuyện đã râm ran sẵn rồi: “…nó không phải người đường hoàng mà là một thằng rách việc, và cha mẹ nó cũng y như thế. Chúng không biết đọc, không viết nổi cái tên của mình, và thằng con chúng cũng thế. Không có một chữ Latinh nào trong đầu! Mới hai mươi tuổi mà trông nó kìa! Hồi tôi bằng tuổi nó… ôi, đã lâu lắm rồi. Vào cái thời xa xưa đó tôi là một chàng trai tuyệt vời, thế mà có những kẻ được Chúa ban cho phúc lành lại đi quẳng hết ráo xuống sông xuống biển. Chúng không nhận ra rằng sự vĩ đại nằm trong tầm tay mỗi người cho nên chúng chẳng cố gắng làm việc gì vĩ đại cả.”
Latinh hả? Thứ đó tôi có thể xoay sở đối đáp được. Còn lớn lao ư? Tôi tự nghĩ mình đã may mắn tránh thoát được nhiều thất bại nhục nhã. Chẳng có gì lỗ mãng trong giọng nói của cụ già này, bất chấp chiếc mũi bự màu vang đỏ và bộ râu sũng bia. Nếu không bị méo mó do nhậu nhẹt, giọng ông cụ có lẽ cũng dễ nghe, tôi nghĩ vậy.
“Vậy hồi đó cụ có làm được việc gì vĩ đại không?” tôi hỏi.
“Tôi đã cố và đã thành công vượt ngoài những ước mơ hoang đường nhất.”
“Thật sao?”
“À, nhưng đó là lâu lắm rồi. Mơ ước đâu có mất mát gì, và những ước mơ quan trọng nhất có thể không bao giờ thành hiện thực. Khi còn trẻ tôi không biết điều đó. Mừng là tôi không biết.” Ông cụ thở dài. “Còn anh thì sao, anh bạn tốt? Thành tựu lớn của đời anh là gì vậy? Phá được vụ án mưu sát Harriet Sippel, Ida Gransbury và Richard Negus ư?”
Ông ta nói cứ như đó là một mục tiêu tầm phào.
“Tôi không quen Negus, mặc dù có thấy anh ta vài lần,” ông cụ nói tiếp. “Tôi vừa đến làng thì anh ta bỏ đi. Người đến, người đi, cả hai vì cùng một lý do. Cả hai đều có trái tim nặng trĩu.”
“Lý do gì vậy?”
Bằng một động tác nhanh nhẹn, cụ già lùn rót một lượng bia không thể tưởng tượng nổi vào cuống họng.
“Cô ta không bao giờ bỏ qua được chuyện đó!” ông ta nói.
“Ai không bao giờ bỏ qua chuyện gì? Có phải ý cụ là Ida Gransbury không bao giờ bỏ qua việc Richard Negus rời bỏ Great Holling?”
“Việc mất chồng, như mọi người vẫn nói… Harriet Sippel ấy mà. Mọi người nói việc mất chồng khi còn rất trẻ đã khiến cô ta trở nên như thế. Tôi thì nói cái cớ đó thật dấm dớ. Không nhiều tuổi gì hơn cái thằng nhóc vừa ngồi cái chỗ anh đang ngồi. Quá trẻ để mà chết.”
“Cụ nói ‘khiến cô ta trở nên như thế’ có phải ngụ ý là… Cụ… hừm… cụ giải thích rõ hơn được không ạ?”
“Giải thích gì vậy, anh bạn tốt? Ồ, phải. Mơ ước thì chẳng làm ai mất mát gì, dù là nam hay nữ. Mừng là lúc vấp phải chuyện đó tôi đã già.”
“Xin lỗi, nhưng tôi muốn kiểm tra lại xem tôi hiểu có đúng không,” tôi nói, lòng thầm mong ông cụ sẽ bám theo vấn đề. “Có phải cụ nói rằng Harriet Sippel mất chồng khi còn trẻ, và do góa chồng mà bà ta đã trở nên… trở nên thế nào nhỉ?”
Tôi kinh hoàng khi ông cụ bật khóc. “Tại sao cô ta lại đến đây? Lẽ ra cô ta đã có một tấm chồng, nhiều đứa con, một mái nhà riêng, và một cuộc sống hạnh phúc.”
“Ai lẽ ra đã có những thứ đó?” Tôi hỏi, khá tuyệt vọng. “Harriet Sippel ư?”
“Nếu như cô ta đừng nói ra cái điều không thể dung thứ đó… Nó đã khởi đầu mọi rắc rối.” Như thể có một người thứ ba vô hình đã tham gia vào cuộc đối thoại và chợt hỏi một câu khác, ông cụ chau mày, nói: “Không, không. Harriet Sippel đã có chồng. Là George. Anh ta đã chết rồi. Chết rất trẻ. Một căn bệnh khủng khiếp. Anh ta còn trẻ hơn cái thằng nhóc rách việc vừa ngồi đây trước anh đấy. Stoakley.”
“Tên của gã rách việc đó là Stoakley?”
“Không, anh bạn tốt. Tên tôi mới là Stoakley. Walter Stoakley. Tôi không biết tên nó.” Ông già lùn luồn các ngón tay vào bộ râu rồi nói: “Cô ta dâng tặng cả cuộc sống cho anh ta. Ồ, anh biết không, tôi hiểu rõ vì sao. Anh ta là người có địa vị, dù anh ta có gây ra tội lỗi gì đi nữa. Cô ta hy sinh mọi thứ cho anh ta.”
“Cho… gã vừa rời đây ư?” Không, nghe không ổn. Gã rách việc đó chẳng có vẻ gì là có địa vị cả.
Thật may mà Poirot không tham gia vào cuộc trò chuyện này, tôi nghĩ. Những lời dông dài, lộn xộn của Walter Stoakley hẳn sẽ làm ông nổi điên.
“Không, không. Nó chỉ mới hai mươi tuổi, anh biết đấy.”
“Vâng, cụ vừa nói ít phút trước đây rồi mà.”
“Chẳng việc gì phải dâng tặng đời mình cho một tên vô tích sự, chỉ biết suốt ngày nhậu nhẹt.”
“Tôi đồng ý, nhưng…”
“Cô ta không thể lấy một thằng nhóc nào đó khi đã từng yêu một người có địa vị. Cho nên cô ta bỏ rơi hắn.”
Tôi chợt nảy ra một ý tưởng, lấy cảm hứng từ những gì người phục vụ Rafal Bobak đã nói tại phòng ăn của khách sạn Bloxham.
“Cô ta có lớn hơn hắn nhiều tuổi không?” tôi hỏi.
“Ai cơ?” Stoakley có vẻ bối rối.
“Người phụ nữ mà cụ đang nói đó. Cô ta bao nhiêu tuổi.”
“Dễ phải hơn anh đến chục tuổi. Khoảng bốn hai, bốn ba gì đó.”
“Tôi hiểu rồi.” Tôi không khỏi ấn tượng khi ông cụ đoán được chính xác tuổi của tôi. Nếu ông cụ đã làm được vậy, tôi suy luận, chắc chắn sẽ có lúc mình xoay xở rút ra được vài ý tứ mạch lạc từ ông cụ.
Trở lại với câu chuyện lộn xộn kia, tôi nói: “Vậy người phụ nữ cụ đang nói nhiều tuổi hơn cái gã rách việc vừa ngồi trên ghế này ban nãy ư?”
Stoakley chau mày. “Nói sao vậy, anh bạn tốt, cô ta lớn hơn thằng ấy đến những hai chục tuổi lận đó! Cảnh sát các anh toàn hỏi những câu kỳ cục.”
Một phụ nữ và một chàng trai trẻ: một cặp khập khễnh mà Harriet Sippel, Ida Gransbury và Richard Negus đã đàm tiếu tại khách sạn Bloxham. Chắc chắn tôi đã có bước tiến. “Vậy lẽ ra cô ta phải lấy gã rách việc, nhưng lại chọn cái anh chàng có địa vị kia?”
“Không, không phải cái thằng nhóc rách việc đó,” Stoakley mất kiên nhẫn. Rồi mí mắt ông cụ rung lên. Ông mỉm cười, nói: “À, nhưng Patrick! Anh ta có sự vĩ đại trong tầm tay. Cô ta thấy điều đó. Cô ta hiểu. Nếu anh muốn phụ nữ yêu anh, anh Catchpool ạ, hãy cho họ thấy anh có sự vĩ đại trong tầm tay.”
“Tôi không muốn phụ nữ yêu tôi, ông Stoakley ạ.”
“Tại sao không?”
Tôi hít vào một hơi sâu.
“Cụ Stoakley, xin cụ vui lòng cho tôi biết tên người phụ nữ mà cụ đang nói tới, cái người mà cụ mong đừng đến đây, cái người đã yêu một kẻ có địa vị và đã có một lời nói dối không thể dung thứ?”
“Không thể dung thứ,” cụ già lùn tán thành.
“Patrick là ai vậy? Tên họ đầy đủ là gì? Có phải viết tắt là PJI không? Ở Great Holling có người phụ nữ nào tên là Jennie không, cả hiện nay lẫn trước đây?”
“Sự vĩ đại nằm trong tay anh ta,” Stoakley rầu rĩ nói.
“Vâng, đúng vậy. Nhưng…”
“Cô ta đã hy sinh mọi thứ cho anh ta, và chớ có nghĩ rằng cô ta hối tiếc, cứ hỏi cô ta thì biết. Cô ta biết làm sao khác được? Cô ta yêu anh ta, anh biết đấy. Tình yêu thì khỏi có lý lẽ.” Ông cụ tự tóm lấy ngực áo của mình, xoắn lại. “Có thể dập nát cả trái tim đấy.”
Đó chính là điều tôi cảm thấy sau nửa giờ nữa tìm cách rút ra vài logic từ Walter Stoakley. Tôi đã cố cho đến khi không chịu đựng nổi nữa và đành phải đầu hàng.
Kỳ Án Dòng Chữ Tắt Kỳ Án Dòng Chữ Tắt - Agatha Christie Kỳ Án Dòng Chữ Tắt