As a rule reading fiction is as hard to me as trying to hit a target by hurling feathers at it. I need resistance to celebrate!

William James

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Little Rain
Số chương: 3
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7672 / 314
Cập nhật: 2023-10-15 21:53:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
Phiên lớn từ bữa nó treo toòng teng trên võng hỏi, “ mẹ ơi, sao anh Thơ khùng có ba, còn con hong có? ”.
-Có chớ con, ai cũng có ba hết.
Ngay lập tức, trên môi thằng nhỏ có câu hỏi khác đã thập thò, và dấu chấm hỏi quăng ra bỗng như xóc ngược cái móc nhọn vào cổ tôi, nghe đau đến trợn trạo miếng cơm, “ vậy ba con đâu? ”
Phiên không bao giờ để tôi nợ lại bất cứ câu hỏi nào của nó. Mà nó thì hỏi cho tôi nghẹt thở, cứng họng mới thôi. Nhưng tôi không muốn ngăn nó lại, bởi hỏi cũng là một vẻ đẹp. Mẹ ơi nước dưới sông chảy chừng nào mới xong, sao con chuồn chuồn này màu đỏ mà con kia lại đen, sao con chó Vện cũng già lại không có tóc bạc giống như ông Sáu? Trả lời muốn đứt hơi rồi, nhưng vừa dứt tiếng nó đã nhảy tọt vào câu hỏi mới. Hỏi và tin, và thích đào bới tận cùng.
Hồi nhỏ tôi cũng tin có tận cùng. Nhưng mẹ tôi không có tận cùng nào cho tôi, bởi trong lòng mẹ cũng bị tình yêu bỏ lửng một câu trả lời. Lớn lên tôi đánh mất vẻ đẹp hỏi, tôi dần từ bỏ nó, xa lánh nó. Bởi càng lớn càng hoang mang trước cái gọi là tận cùng, hoặc không có tận cùng hoặc tận cùng là cái gì đó mơ hồ, nhưng buồn. Cảm giác đó tôi trải qua rồi khi đi tìm cha tôi, lần đầu.
Giờ Phiên cũng đi tìm ba. Tôi kể có một người cha gánh trọng trách bảo vệ những đôi tay đẹp, những loài cây quý, những cái cây tỏa hương từ phiến gỗ chứ không cần đến hoa. Người xấu muốn cướp đôi tay của trẻ con để chúng khóc mà không có gì lau nước mắt, muốn đốn cây về chụm củi cho lửa… thơm. Anh ta phải chiến đấu với người xấu bao giờ xong mới về, mà có thể mãi mãi không về vì ngày càng có nhiều người xấu. Thằng Phiên ngồi mặt chảy ra, quần xoắn cao tới bẹn, đầu gối vượt khỏi lổ tai, ngẫm ngợi, “ tội nghiệp ba con thiệt, chắc ổng nhớ con…”.
Người xóm Cồn khen thằng Phiên có nhiều nét giống tôi, nhưng những khi kỳ cọ cho nó bên dòng nước, tôi chỉ xuống mặt sông xao động, nói, giống ba in hệt. Nó sung sướng lắm, “ trời, vậy là ba cũng đen thùi lùi vầy hả? ”.
Tuổi lên sáu Phiên nhận được từ tôi một món quà hơi đặc biệt, những chữ cái đầu tiên. Cái ca. Trái cà. Con gà. Nó không đến trường, một phần vì cồn không có trường. Nhưng bên kia sông có. Tôi không đưa Phiên qua vì nghi ngờ trường học làm những đứa trẻ biến mất. Tôi đã thấy trẻ con đi vào đó, và trở ra như những người lớn mệt mỏi, muộn phiền. Tôi giữ cho tuổi thơ Phiên đẹp như Phiên có. Hoang dã. Trong veo.
Thằng Phiên chấp nhận điều đó, vì qua sông có thể bọn người xấu nhận ra nó là con của chàng dũng sĩ, và bắt nó để ép chàng đầu hàng. Mà bên sông người ta không cho con nít tự ý vào nhà người khác, lục cơm nguội của người khác ăn, ngủ trên giường người khác… Họ không thích con nít nhấc chân như con chó vện, đái vô những bông bí, làm tụi nó héo quéo. Ở Cồn thì chuyện đó là bình thường, không sao hết.
Nhưng thằng Phiên hay nghĩ ngợi. Lúc suy nghĩ nó sẽ lấy cọng lông gà ngoáy lỗ tai, lim dim khoái cảm, sau đó nó gật gù, nếu đái vô bông bí thì bông bí sẽ ngộp thở, tội nghiệp. Tội nghiệp là câu đầu môi của thằng nhỏ. Chúng tôi không ăn những con cá nhỏ vì tội nghiệp, không nhổ cải đi bán vì tội nghiệp và kết quả là tôi có một giồng bông cải thắp nắng lộng lẫy giữa mùa mưa, khi trong túi lép kẹp tiền. Và những con cá mang bụng trứng no tròn sẽ được chúng tôi trả lại cho sông. Mấy bà tiên đi ngang Cồn, thấy Phiên tốt bụng quá nên tặng nhiều quà, những khi nó ngủ. Lúc thức dậy đã thấy trên vạc có cây viết chì, hay những cục kẹo xanh đỏ, cục đạn cu li, mấy củ khoai nóng hổi còn mặn bụi tro… Đôi khi nó giả bộ nhắm mắt ngủ để rình coi mặt bà tiên, nhưng tiên biết nó thở làm sao mới là ngủ thiệt. Ngủ giả thì tiên ghé làm gì.
Tôi lặng nhìn Phiên đẹp qua tuổi thơ bận rộn của nó. Buổi sáng đi dài xóm ngửi mùi khói bếp coi nhà nào có đồ ăn ngon nó sẽ ghé chơi. Sau đó tới giờ radio ca cải lương nó sẽ nghe với Thơ khùng, sẽ đứng một chân hay đứng bằng cả bốn chân tay, tùy hôm đó cả hai là vịt hay chó. Ngủ trưa lang chạ ở đâu đó, bất cứ giường nào võng nào của bất cứ ai, thức dậy nó sẽ tới chòi chơi với ông Sáu. Trên đường di chuyển giữa chỗ này qua chỗ nọ, gặp nhãn lồng chín nó ngoẹo đầu đớp ăn luôn trên cây như chim trao trảo, khỏi phải thò tay hái mắc công. Nó thử coi ổi chua hay không cũng bằng cách này, nhá cái răng chó nhọn hoắc lên những trái vẫn đang lủng lẳng trên cành, thấy vừa thì ăn, còn chát sẽ bỏ đó chờ thêm ít bữa. Vừa ta bà ăn chơi vừa ngó trời, thấy chuyển mưa nó chạy về nhà giúp tôi gom củi đem cất trong bếp, bắt mấy con gà con vô nhà.
Có khi nhìn thằng Phiên nằm ngủ, mấy con gà con cũng khoanh tròn trên bụng nó, tôi tự hỏi có gì đẹp hơn vậy. Có gì đẹp như trẻ con, gà con, như mạ vừa nhú lên, cỏ vừa vượt đất. Xanh lấm tấm. Xanh chưa thẳm. Mong manh.
Phiên càng mong manh. Nó thường ngoái lại cái chợ chúng tôi vừa rời khỏi, hí hửng xài luôn tiếng chửi thề vừa mới học ở đó, “ má nó, cục kẹo này ngon tàn bạo…”. Phiên thích ríu ran kể những chuyện giang hồ nó nghe được từ những chiếc ghe hàng bông tấp vô Cồn nấu cơm hay tránh giông, nó thường đứng dưới những cây bần quỳ già cỗi, ngó về bên kia bờ, đã thấy lốm đốm những mái nhà thay cho màu xanh của những bờ lá rậm. Ở đó có đứa con gái hay theo mẹ qua đây mua đồ rẫy về bán lại, con nhỏ lanh chanh, hay nhỏng nha nhỏng nhảnh kêu Phiên, “ quỡn đứng đó làm gì, xách giùm cái này coi...” Thằng Phiên lúng búng chạy mất, nhưng lén ngó theo khi xuồng họ đã buông bờ.
Nó thấy cái cồn Bần này dường như không đủ. Nó cô đơn, và không thể che giấu điều đó, giống như tôi.
10
“ Đồng cỏ bạn đang dạo chơi một ngày kia sẽ biến mất. Dòng sông bạn đang tắm một ngày kia sẽ biến mất. Tiếng chim hót ban mai một ngày kia sẽ biến mất. Những người thân yêu của bạn một ngày kia sẽ biến mất. Bạn có muốn giữ lại tất cả những gì mà bạn nghĩ là đẹp nhất, tinh tế nhất, quý giá nhất của thế giới này? Hãy tới làm việc với chúng tôi…”. Mẫu rao tuyển nhân viên vừa đa cảm vừa bí ẩn của Viện di sản thiên nhiên và con người khi đến tay tôi là một mảnh giấy gói thuốc Bắc, phảng phất mùi cam thảo. Tôi cất rất kỹ. Vào năm thứ ba làm việc ở Viện, có nhiều đêm tôi lấy ra đọc đi đọc lại, như nuốt trộng chúng, lục cục ở cổ họng, thấy đau.
Đó là quãng thời gian tôi sắp làm chuyên đề về thời thơ ấu của con người. Tôi muốn dõi theo một đứa trẻ từ khi sinh ra, khi toan tính, cám dỗ, vật chất chưa làm phai đi chất thánh thiện của nó. Tôi viết đề cương sau một thời gian đi xa hơn mọi cuộc đi xa. Tôi đón bất kỳ chiếc xe nào, vì những chuyến xe rời thành phố không mang anh theo nữa. Tôi cười nhiều hơn, và khi gặp anh bởi những chuyện buộc phải gặp, thấy cái nhìn ngạo nghễ đã hao hớt bởi sự dằn vặt, tôi buồn. Vì tôi đã giỡn với anh, hơi vô duyên khi một hôm nào nói, anh ơi, mình có con rồi.
Một mối tình có trăm kiểu bắt đầu, cũng nhiều cách kết thúc, một trong những cách đó là cô gái nói, anh ơi, anh sắp làm cha đó nghen. Tình yêu chấm hết ở một cái vẫy tay không hẹn gặp, ở một phòng khám sản khoa kín đáo, hay ở một đám cưới bỡ ngỡ, vội vàng. Khi tôi nói câu đó, tôi giả đò rất bâng quơ, nhẹ nhõm, nhưng rủi quá, đang nai nịt máy móc để lội qua suối Nang Oi sùng sục nước, nên trong lúc quàng chéo sợi dây dù lên vai, tôi kịp thấy vẻ bất an, bối rối và bàng hoàng, đến nỗi tôi nghĩ, mình vừa nói mất cánh rừng nào sao ta, một người sinh ra tương đương với một mảnh rừng bị mất? Tôi tính khi qua bờ bên kia sẽ ôm bụng ngặt nghẽo cười, “ người ta nói giỡn mà có người tưởng thiệt, ha ha …”.
Nhưng lúc qua suối tôi gặp một tai nạn, gọi là nhỏ vì tôi chưa chết, gọi là lớn vì tôi suýt chết, nước đã dìm trôi một quãng, rồi quăng quật vào một gờ đá nổi bên bờ. Tôi thấy đau đớn rã rời, người ướt ròng, khóc như vắt nước mắt. Không phải vì sợ hãi, không phải vì mớ máy móc chuyên dụng đắt tiền đã ướt mèm, tôi khóc vì đã sang bờ nhưng không thể cười và nói em giỡn anh ơi….
Anh không dỗ, vơ vất ngó quanh vì anh biết lý do tôi khóc.
Chúng tôi chia tay nhau.
Thành phố mừng húm, nó níu tay anh lại. Những cuộc gặp thưa vắng đã làm an ủi cả hai. Lần cuối cùng gặp anh là hôm tôi trình bày đề cương “ thơ ấu đời người…”. Tôi gõ vào cánh cửa và đẩy nhẹ nó, thấy buồn, khi đây không phải là cánh cửa quen mở ra căn phòng quen gặp một người quen. Nó không có tiếng kêu kèn kẹt đầy bí hiểm như sắp mở ra một kho báu tuyệt vời. Phòng viện trưởng rộng hơn, sang trọng hơn với những chiếc ghế bọc nhung, lạnh lẽo, ngăn nắp, đèn nhiều hơn và Anh cô đơn hơn. Khi biết địa chỉ đứa trẻ tôi chọn để làm chuyên đề, Anh tần ngần:
-Em hy vọng gì khi tới đây? Có thể sẽ rất buồn…
-À, em có vài thắc mắc ở đó…
Tôi bỏ lửng vì thấy nó hơi riêng tư, liên quan tới tình yêu của mẹ tôi mà. Anh không hỏi nữa. Không biết dự cảm nào mà hôm đó anh bắt tay tôi rất chặt, làm tôi đau quá. Tôi tự hỏi sao khi đi giữa dòng suối ngầu sôi kia, khi thấy tôi chới với, anh đã chụp tay tôi rồi, cũng chặt như vầy, nhưng anh đã buông, anh thả những ngón tay anh cũng nhanh như khi nắm vậy. Tôi đã chìm ngay lúc ấy, dù sau đó anh sực tỉnh rướn theo, chới với tìm. Giữa dòng nước hung hăng, có con nhỏ chết trôi. Vào khoảnh khắc đó anh đã nghĩ gì, nghĩ gì, nghĩ gì? Tôi tự đưa ra nhiều giả thuyết, nhưng kiểu nào cũng có chút liên quan tới lời nói đùa kia, nó giống như sương mù làm con đường anh đi trở nên mù mịt. Anh mất bình tĩnh, muốn vùng vẫy rũ bỏ.
Giờ tự tôi khép tôi lại. Vừa kịp đón chuyến xe chiều đi tới một vùng đất đỏ, một quán nước quen, nơi có bé trai vừa chào đời, đứa em cùng cha khác mẹ với tôi.
11
Tôi thấy Phiên lần đầu khi nó mới hai mươi hai ngày tuổi. Tay chân nó ngắn khụi, tóc ít, da đầu mịt vảy cứt trâu. Nó ngủ nhiều, bú nhiều, bụ bẫm căng tròn, chân tay như mấy đoạn củ sen gắn lại, nhìn đâu cũng thấy ngấn đầy.
Tôi ghi lại hình ảnh mụ bà dạy Phiên cười nhoẻn trong giấc ngủ. Nó đái bổng lên trời. Nó mơn man vú mẹ. Trán nó lấm tấm rôm sẩy. Cổ nó bị hăm đỏ. Nó nhảy mũi hoài. Tôi thu tiếng khóc của nó lúc nửa đêm, tiếng nó mút sữa…
Tôi ở lại luôn nhà của cha tôi, gọi ông là chú Tư. Giữa kỳ làm chuyên đề, có lúc tôi đi công tác một nơi khác, lúc quay lại, ông hay hỏi “ ba má cô cũng mạnh giỏi? ”. Tôi gật đầu. Ông vui khi biết một viện tầm quốc gia chọn thằng nhỏ con mình làm nhân vật của họ. Trong ký ức ông không còn hình ảnh nào của tôi, đã đứt bằn bặt. Tôi không lấy điều đó làm buồn, vì năm đứa con gái lớn lên bên ông mà đôi khi còn bị lẫn lộn tên. Ông không yêu con gái, ông bà nội tôi cũng không yêu con gái, họ sinh con gái để chăm chút ông, cho ông cưỡi chơi, bắt nạt, trút những giận hờn. Họ khâu nút áo khi ông đánh nhau bị đứt, họ chịu đòn vì đã để ông trèo cửa sổ đi chơi. Ông không bao giờ là người có lỗi, vì ông là đứa con trai duy nhất của nhà buôn gạo nổi tiếng. Cả khi sự sản đó tàn rụi cũng không phải vì ông tiêu xài hoang phí, họ đổ lỗi cho thời cuộc. Tôi chắp vá những lời kể thảng hoặc, bất chợt từ những người sống quanh ông, cố hiểu tại sao ông lại dè sẻn tình thương từng giọt từng giọt một.
Ông dành dụm và chờ đợi. Phiên ra đời, ông xô ngang mọi trò vui chơi, suốt ngày luẩn quẩn loanh quanh chỗ Phiên nằm, ngây ngất nựng nịu, ngây ngất hôn hít, ngây ngất nói chỗ nào nó cũng giống ông, coi, tới nhảy mũi cũng giống… Những lúc đó tôi nghĩ, bữa nắn mình chắc mụ bà làm giữa chừng thì hết đất, hoặc làm đến đấy thôi thì bà đi ăn cơm, xong quên phứt luôn. Phải cố thêm nữa, chỉ cần gắn chút đất nhỏ xíu như trái ớt, tôi sẽ thành một đứa bé trai. Cha tôi sẽ ở lại. Tôi sẽ lớn lên trong vòng tay ông. Như cha Phiên thường ôm ghì nó, dụi mặt vào bụng nó, vào nách nó, trầm trồ đôi môi đỏ của nó.
Phiên dần lớn mà tôi vẫn chưa bớt ưu phiền. Những lúc lượn lờ quanh nó với chiếc Saisomat chuyên dụng, tôi thường chua chát nghĩ, không ai còn giữ chút ký ức nào về thời bé bỏng của tôi. Mẹ, ngoại tôi đã chết rồi, cậu mợ thì lườm nguýt cái hoang thai từ khi nó còn nằm trong bụng. Họ hàng, làng xóm xiêu lạc từ khi xóm nhỏ ngoại ô trở thành phố xá. Không ai nhớ da thịt tôi đã từng ấm mùi lửa than và thơm dậy sữa, không ai nhớ tôi đã đẹp như thế nào khi nằm mút tay và mằn chơi những ngón chân mình. Tôi có từng ăn đất không? Có từng đái dầm? Hay khóc mớ?
Tôi đã trôi đi không tăm tích giữa cuộc đời này, thỉnh thoảng có ai đó níu lấy rồi buông bỏ. Giờ tôi lại đi dành dụm một ký ức rực rỡ cho Phiên. Mỗi tháng cha nó nhờ tôi chụp cho tấm ảnh, “ để sau này nó lớn nó coi, chà, chắc nó mắc cười dữ lắm…”. Những mẫu tôi làm ông nhờ tôi in sang thêm một bản. Phiên lên một tuổi, cái quán nhỏ kiêm ngôi nhà chật chội đó vẫn còn không khí hội hè, một bà vợ vui vì không bị buộc phải sinh con, không phải tự è ạch đi bộ tới nhà bảo sanh bởi lỡ chửa em bé gái; mấy đứa con vui không bị đánh chửi, la rầy vì lỡ làm con gái.
Tôi gần gũi hết thảy tụi nó, trừ Trang. Chỉ vì Trang nhỏ hơn tôi ba tuổi. Chỉ vì cha bận bồng ẳm Trang nên không thèm quay về xóm Chiếc với tôi. Trang không làm gì tôi hết, nó còn không biết tôi là ai, nhưng khi nhìn nó tôi hơi giận. Hai mươi bốn tuổi, Trang dẫn đầu một bầy con gái chưa chồng. Cha nó coi đó như một gánh nặng, và ông trút vào Trang. Hàng ngày ông xúc xiểm cái mũi xẹp “ như cục bột quăng lên mặt cái phẹp ”, ông chì chiết nụ cười nó “ vô duyên vô dùng ”, ông căm ghét mớ tóc xoăn của nó “ lúc nào cũng rối bời như con khùng, ai dám lấy…”, như thể nó chắc chắn sẽ ế chồng.
Trang bỏ nhà đi ngay trong đêm chuẩn bị thôi nôi thằng em út. Cha tôi vẫn tỉnh bơ hối vợ ông nấu xôi chè, tỉnh bơ bưng thằng nhỏ Phiên đòng đưa trên võng, nhẹ nhõm như ông vừa mất con gà, hay thua một ván bài. Có sao đâu. Người đàn ông này chưa từng trải qua cảm giác mất mát.
Ngồi tiếp một tay đãi mớ đậu trắng tôi nghe cay đắng đầy ứ miệng. Tôi hầu như không nuốt nổi chúng. Tôi thấy mình ở đây thiệt vô lý hết sức nói. Tại sao tôi chọn thằng nhỏ nhà này để làm chuyên đề khi có hàng ngàn đứa trẻ khác? Tôi tìm kiếm, hy vọng gì ở đây?
Một bữa tôi gởi toàn bộ máy móc, những mẫu mình có về Viện bằng đường bưu điện, cả những mẫu thô chưa xử lý, lọc âm thanh... Lẫn lộn trong mớ đó hẳn có tiếng đập muỗi lép bép và tôi rủ, “ buồn quá, chị ẵm Phiên đi chơi nghen…”.
Thiên nhiên trừng phạt con người bằng cách biến mất, tôi chưa bao giờ quên Anh từng nói vậy. Tôi cũng bắt đầu hành trình biến mất, cùng Phiên.
Tháng Bảy năm đó mưa nhiều. Mấy bà già chung chuyến xe nói cữ này ở trên trời có cặp vợ chồng gặp lại nhau nên họ khóc tối tăm trời đất. Họ hỏi tôi, “ mưa gió vầy bồng con đi đâu vậy bây? ” Tôi cố giải thích thằng nhỏ này là em trai tôi, họ cũng ờ ờ nhưng chẳng có vẻ gì tin. Tuổi chúng tôi cách biệt quá lớn, mặt tôi lại đầy uẩn khúc. Tôi nghĩ, chuyện để Phiên làm con tôi cũng tốt cho việc bỏ trốn. Lúc đầu nựng nó kêu con ơi con mà mắc cỡ muốn chết, mà tê tái muốn chết, mình sẽ làm mẹ kiểu gì đây.
Có lần Phiên hỏi, hồi mẹ đẻ con chui ra chỗ nào, sau khi thấy chó vện đẻ mấy con chó con, lũ gà mái đẻ ra mấy cái trứng… tôi cười, nói tôi đẻ ngang hông, nó cứ rờ bụng tôi tìm sẹo. Tôi thương nó bằng những người đàn ông tôi thương cộng lại, dù đôi lúc tôi không phân biệt được, tôi mang Phiên đi cho cha tôi biết đau, hay vì giữ gìn vẻ đẹp trong veo của nó không cho nó trở thành bản sao của ông, không để những cám dỗ của cuộc đời làm tha hóa chất người, hay tôi mang Phiên đi để cho anh thấy quyền lực cũng mong manh lắm, vui cho buồn người ta lấy lại cho người khác, bằng chứng là Anh sẽ bị rầy rà lên xuống dù người gây tội chỉ là một nhân viên nhỏ nhoi của Anh.
Ở xóm Cồn không ai một lần nghi ngờ chuyện tôi là mẹ Phiên, ngay ngày đầu tiên ẵm nó đi ngang qua đám giỗ đó người ta gọi, “ trời đất, hai mẹ con sao lạc tới xứ hoang vu này? ”. Tôi có quên Phiên ở nhà họ thì chỉ nhận lời trách cứ nhẹ nhàng, “ cái cô này hồn vía không biết bỏ đâu…”
Chưa bao giờ có ai hỏi như gã đàn ông xa lạ kia hỏi:
-Thằng nhỏ này là con em, thật sao?
12
Cho tới khi chiếc xáng cơm rướn vào nằm thở khói ở bãi cồn, thì mảnh đất này chính thức nói lời mất mát. Tôi đã từng coi nó như khu bảo tồn của những vẻ đẹp, quý giá hơn những gì được lưu trữ ở Viện di sản thiên nhiên và con người. Bởi tất cả đang sống và đang thở.
Mười bốn năm, nhiều gia đình dọn tới rồi đi, họ coi như chốn nương náu tạm bợ. Vì tạm bợ nên họ không quay quắt vun vén, tranh giành. Đất ai lấy được của lau lách nấy trồng. Cửa để thả, suồng sã với gió và nắng trời, mùa mưa tới chỉ che hờ hững cái rèm bằng cao su rẻ tiền, hết mùa rách nát. Chị Thiện này nhận được món quà của thời gian — sự quên lãng — hớn hở về nhà, thì có chị Thiện khác chạy giạt tới, cũng thường nhón ngó về quê.
Ở đây, một nồi chè đậu xanh cũng múc cho cả xóm. Đi qua nhà sẽ có người ới lên trong sương sớm, “ mới bửng sáng thím (hay cô) đi đâu vậy? ”, thật ra đó chỉ là một câu chào theo kiểu xóm giềng quan tâm nhau. Tôi thích kiểu chào kỳ lạ này, cảm động như ngày xưa thằng bán vé số kêu bớ con Di. Tôi mê sự đáo để của thím Tư Đình, bữa chú uống rượu say, thím bóp nát trái chuối chín lòn vô giữa đùi chú, lúc tỉnh dậy chú nghe lạnh chỗ đó, sượng trân túm hai ống quần nhảy ào xuống sông. Tôi thích chị Thắm những ngày sực nức mùi xà bông thơm, cười ỏ ẻ khoe, “ bữa nay rằm, bà lớn đi chùa, ông chồng hứa qua chơi…”. Tôi đếm từng ngày để chờ ba Thơ khùng ra thăm con, ông dắt anh ra mé cồn, tắm rửa kỳ cọ, lục cục kể chuyện nhà trong khi thằng con trai cứ ngoái nhìn cái radio đặt ở một chỗ khô ráo gần đó, “con Bé Út lấy chồng rồi, phải bây đừng có khùng thì tao cưới nó cho bây, giờ con nít chạy đầy nhà…”. Ở đây, tôi thấy bình yên những khi ngồi câu trong chòi ông Sáu, đôi lúc nằm ngủ quên ở đó, để tóc và hơi thở chảy tràn quanh ông, có khi gác tay lên đầu gối ông mà không gợn lên chút nhục dục nào.
Kẻ ông già căm giận đã nằm sâu dưới ba tấc đất. Ông vẫn ở lại đất Cồn, có lúc tôi nghĩ, biết đâu vì hai mẹ con tôi. Những khi ông trút cá vào xô đựng của tôi, hay chơi xích đu lơ với thằng Phiên, bò ra bắn đạn cu li, làm diều cho nó thả… tôi hình dung Phiên sẽ cô đơn đến mức nào nếu không có người này. Mọi trò chơi trẻ con đều cần đến hai người. Đá dế cũng cần tay vỗ, mới vui.
Nhưng hơn ai hết, tôi biết không có gì vĩnh viễn. Sự biết này làm tôi hay buồn, khi ta ngồi cạnh nó, ta ở trong nó, cùng với nó, nghe thấy, chạm được nó, nhưng ta cũng đang mất nó, từ từ.
Ta không bao giờ mong muốn nhưng lại có cảm giác chờ đợi, vì biết nó đang đến. Người đàn bà mặn mà của xóm Cồn tắm xà bông thơm thường hơn, gọi Thơ khùng tới chơi thường hơn, và anh chàng ràng cái radio kè kè bên lỗ tai có bữa nằm ngửa xãi lai dang rộng chân tay nói, “ tui đang làm con chồng học tiếng người ”. Ba anh Thơ hết hồn, dọn anh đi tới một chỗ hoang dã khác, chỗ yên tĩnh để anh làm con gì cũng được, miễn đừng làm con chồng, tổn hao sức khỏe.
Đất Cồn vắng đi một người đẹp. Một tâm hồn miễn nhiễm với những vui buồn, tranh đua, khao khát. Người không thêm không bớt, vui vẻ với thế giới của mình trong chiếc radio, với một nửa trí khôn. Phiên nhớ Thơ, cuộc đi đó làm nó bắt đầu ngửi được mùi mất mát. Nó hay đứng xơ lơ bìa cồn ngó mênh mông. Trong tầm mắt nó, những chiếc xáng bắt đầu ngược xuôi gào rú, hút cát từ lòng sông, bất kể đêm ngày. Dòng chảy thay đổi đã ăn mòn đôi bờ, sông càng mênh mông. Đất cồn bị nước nuốt chửng từng mảng, sóng đánh vỡ tan bờ lá, đất lở mang theo những cây bần đã cho cồn cái tên Bần.
Và căn chòi của ông Sáu lặng lẽ biến mất trong một tối tháng ba lặng gió. Nó mang theo ông già rắn rỏi giỏi lặn lội. Tôi đau nhói bởi ý nghĩ, ông đã để mình chìm. Chiều hôm trước, một đám người tắm sông gần chỗ chúng tôi ngồi câu, ai đó chớt nhả với tôi, “ em ơi, ở chung với ông già thì em làm đàn bà sao được, xuống đây với anh đi…”. Tôi thấy ngọn câu của ông chao đảo. Mà tôi không biết nói gì với họ, mười mấy năm sống đất Cồn, tôi dường như không dùng tới những từ ngữ bốp chát, nặng nề. Sượng câm, tôi đứng lên về, và hình ảnh cuối cùng về ông Sáu mà tôi có khi ngoái lại là lưng ông bỗng cong khẳm, cảm giác hình như vai ông đổ xuống, run run.
Thằng Phiên khóc mướt, trong mớ nước mắt đó, tôi biết nó khóc cho những cổ tích đã chết rồi. Những bà tiên cũng chết ngắc. Nó đã khẩn cầu mấy ngày đêm liền, không tiên nào mang ông Sáu với anh Thơ khùng quay lại.
Tôi thấy mình đang mất Phiên. Mất từng ngày, khi cơ thể Phiên bắt đầu thay đổi, nó bể tiếng, nhổ giò. Nó choáng váng, ngây ngất với những khám phá trên người mình, từ chính mình. Nó không còn tắm truồng nữa, ngượng ngập và cô độc. Trên cồn, cả con chó xà mâu cũng có bạn tình, Phiên chỉ một mình. Một vài đứa trẻ đã theo cha mẹ đến đây, kết bạn kết bè với nó. Bỗng một sáng người ta nhổ nhà đi mất, nhổ đám trẻ theo cuộc đi mù mịt.
Trong nỗi thiếu thốn, khi chiếc xáng cơm khai thác cát sông ghé qua, thả những gã đàn ông xa lạ lên bờ, họ nấu nướng, tắm giặt, họ treo võng ngủ, họ nhậu nhẹt hát ca... Phiên nhanh chóng gắn bó với họ. Nó tò mò nghe họ nói chuyện đàn bà, chuyện những thành phố không bao giờ tắt đèn. Nó xuống xà lan chơi cát ướt, biểu diễn tài lặn lâu trong nước, tài treo ngược trên cây. Và một bữa đòng đưa thân mình trên nhánh ô môi, nó kể họ nghe về cha mình, sau đó khóc nức nở khi thấy họ bò lăn ra cười.
Đã thưa vắng những câu hỏi mẹ ơi mẹ à, thằng Phiên lẳng lặng tìm hiểu tại sao những gì tôi nói đều không đúng. Nó ngoáy tai liên tục. Và tôi cũng liên tục để cơm khét, cá cháy. Tôi làm bể chén. Tôi thấy mình nghèo quá, mình chỉ có tình thương. Tôi chỉ có thể hứa những lời hứa nghèo, chừng nào hái bí mẹ mua cho con bộ đồ mới, chừng nào con lớn mẹ sẽ cho đi chơi thành phố, chừng nào kiếm nhiều tiền mẹ mua chiếc xe đạp cho con chạy lòng vòng cồn chơi. Hoặc lời hứa mịt mù kiểu như “ nghe lời mẹ rồi mẹ thương…”
Nhưng gã đàn ông trải đời trên chiếc xáng, người có mấy cái răng bịt vàng và nụ cười chói lóe nhăn nhở chỉ cần nói, “ Ê nhóc, mai qua chợ nhậu không, bên đó có mấy đứa con gái hết sẩy…”, ngay lập tức những hứa hẹn của tôi đã giãy chết. Chúng quá giản dị, tẻ nhạt và đơn điệu. Tôi thấy mình hơi tuyệt vọng khi làm bộ ngang qua đó, giận dữ nói, “ thằng con tôi còn con nít khờ ịt, mấy anh đừng làm hư nó. Phiên, về! ”. Trong một khoảnh khắc khi gã đàn ông vuốt ánh mắt trên cổ mình, tôi nhận ra mười bốn năm qua tôi vẫn là đàn bà. Và đẹp.
Lần đầu tiên tôi căm ghét mình. Gã bắt đầu tới lui ve vãn. Chiếc xáng tạt qua cồn thường hơn, rủ rê nhiều xáng cơm, xà lan khác. Dân xóm Cồn hớn hở bưng rau trái ra bán. Chị Thắm hớn hở tắm xà bông thơm, ngồi ngoài sân tỉa chân mày, chị tỏ ra buồn lòng khi chủ chiếc xáng ngậm cái tăm chỉ dừng lại nói mấy câu ỡm ờ, rồi vượt qua đám sậy thưa tới nhà tôi. Có đôi lần ghé lại, gã đã hỏi em nhớ tôi không, với ánh nhìn tràn đầy hy vọng. Tôi ước gì có thể trả lời, hoặc ngọt ngào rằng, em nhớ muốn chết, hoặc hứ nguýt xa xôi, sao không đi luôn đi… Và gã sẽ bớt nhẫn tâm.
Nhưng tôi không còn gì cho gã hết, dù là giả đò. Gã vẫn tin có ngày tôi khuất phục, vì gã điều khiển được thằng nhỏ Phiên, bởi những hứa hẹn hấp dẫn, đầy ma lực và cám dỗ. Gã biết đứa con trai mới lớn muốn gì, biết đứa con là điểm yếu của bà mẹ. Một bữa gã phát hiện ra tôi có điểm yếu khác, từ tờ giấy báo lót dưới đáy rương giữ gìn những kỷ vật của gia đình gã. Tôi ở đó, nằm xẹp dưới mớ đầu tóc mượn, bộ răng xương.
Gã đến tìm tôi.
13
Chiếc xáng tháo ra khỏi cồn rồi, Phiên về đứng dựa cửa ngó tôi lui cui trong bếp:
-Chú Sở kêu gả mẹ cho ổng.
-Vậy sao?
-Con nói mẹ con ghét chú. Ổng nói, mấy ngày nữa chú quay lại là mẹ thương liền.
Rồi Phiên hỏi, thiệt không mẹ. Tôi nói không, chú đó giỡn chơi thôi. Rồi thấy mắc nghẹn, ứa nước mắt. Phiên giờ hay dùng ba chữ “ thiệt không mẹ? ”. “ Người ta nói con không có ba, thiệt không mẹ? ”, “ Người ta nói trên đời này không có tiên, thiệt không mẹ? ”…nghe nhói lên sự hoài nghi, ngờ vực. Lòng tin vào tôi đã hao hớt.
Bữa cơm chiều bỗng lặng đi trong tiếng đũa khua, tiếng muỗng cạo nhói đít nồi. Trên mâm chỉ có cá rô kho khô mặn quắt với vài ngọn bí luộc. Cơm nhão như cháo. Chỉ vì khi vo gạo, tôi nhìn thấy mình trong lu nước chênh chao. Tôi không còn là đứa con gái trên bài báo nằm nơi túi áo. Mười bốn năm dài hơn tôi cảm thấy. Những người cùng có mặt trong bài báo đó, có còn không?
Cha tôi còn sống không, còn mỏi mòn tìm kiếm và hy vọng, hay đến lúc chết vẫn không biết được con trai ông đã bị bắt đi bởi con gái ông. Tôi đọc bài viết cũ lần thứ hai, thứ ba, và nhận ra Anh không hé lộ gì về nhân thân của tôi hết. Rừng cần anh giữ bí mật đó để giữ chúng. Lỗi quản lý không nghiêm để nhân viên phạm tội nhỏ hơn lỗi tạo điều kiện để nhân viên phạm tội.
Phóng viên chụp ảnh Anh tiều tụy ngồi ở bàn làm việc của mình, mực phai nhòe nhoẹt. Tôi nhớ, phía lưng Anh có tấm bản đồ tự nhiên rất lớn, choán hết cả một bức tường. Anh có bao giờ đứng trước nó và nghĩ tới tôi như tôi vẫn nhớ Anh từ cái chấm nhỏ nhoi trên đường kẻ ngoằn ngoèo màu lam — màu của những dòng sông. Tôi ngày ngày ngồi ở đó buông cái lưỡi câu chữ i và đôi khi thấy mình đang đợi, trời ơi sao người ta không tới tìm mình, còng tay, trói gô lại, dí súng vào đầu mình? Nhưng có một sự thật khiến tôi không đưa Phiên qua bên sông và la làng giữa chợ, “ thằng nhỏ này tôi bắt cóc nè, bớ bà con ai rảnh rỗi bắt tôi giao cảnh sát giùm ”, sự thật là không ai tìm tôi cả, họ chỉ tìm thằng nhỏ tên Phiên, nó mới là điều họ cảm thấy mất mát, không phải tôi.
Nên tôi giữ rịt Phiên ở chỗ đìu hiu này. Nên tôi không ngạc nhiên khi thấy nước mắt cha tôi ràn rụa trên mảnh báo. Phóng viên kể lại câu nói duy nhất của ông, “ tôi chỉ cần thằng nhỏ, tôi sẽ đổi bằng tất cả gia tài của tôi, mạng sống của tôi…”. Rủi là lúc đó tôi ẵm thằng Phiên trốn chui trốn nhủi, tờ báo không đến tay, phải đọc được biết đâu tôi đã đưa nó về và nói, thưa ông, tôi chỉ cần một lời xin lỗi.
Mảnh báo trong túi áo cựa quậy nhói ran, chừng ngó lại thì gạo ngâm lâu trong nước rã nát.
Ngoài sông, những chiếc xà lan vẫn chà đi xát lại làm xây xước mặt nước, vẫn kêu rú khoái trá, tục tằn man rợ khi sục những cái vòi vào thân thể sông, hút mòn xương máu nó, phơi tan hoang lòng nó. Làm xói lở bờ bến cuối cùng, lấy đi của tôi những thương yêu cuối cùng. Tôi không thể để tôi cũng mất. Tôi đặt mảnh báo cũ trước mặt Phiên, và kể cho nó nghe một câu chuyện. Tôi không muốn bất cứ ai kể và nó chạy về mếu máo hỏi, thiệt không mẹ, thiệt không?
-Người này là cha tụi mình — Tôi chỉ vào tấm ảnh lem luốc. Phản ứng duy nhất của Phiên là câm lặng. Khoảnh khắc đó tôi nhận ra em trai tôi cũng khiếm khuyết, tật nguyền. Phiên gần như không biết biểu lộ sự giận dữ, bàng hoàng, đau đớn… dù trong nó có tất cả cảm giác đó, bị chúng quăng quật trong lòng. Tôi không dạy nó cách đương đầu với những sự thật phũ phàng, thậm chí nó còn không biết cuộc đời này có thể tồn tại điều gì, ai đó xấu xa giống như tôi.
Thằng Phiên bỏ đi tìm ai đó có thể giúp nó biết giận dữ, phẫn uất như một con người đúng nghĩa. Ngoài kia vẳng lại tiếng khạc nhổ, tiếng nói cười ánh ỏi, tôi biết Phiên sẽ tìm được người, một người rất sẵn lòng nói cho nó biết nó đã bị tôi tước đoạt đi nhiều như thế nào. Một mái nhà yên ấm đông đúc với người cha hết lòng cưng chiều, những ngôi trường, những món đồ chơi hấp dẫn, những đứa con gái dễ thương, một cuộc sống tiện nghi hiện đại với những quán net, tiệm game dập dìu trên đường… Cái thế giới bên kia sông mà Phiên đã bỏ lỡ mười bốn năm đó mới thật sự là thiên đường. Và tôi đánh cắp.
Tôi biết trong bóng tối rập rờn trên những gương mặt người, gã đàn ông thua cuộc sẽ dồn cả sự giận dữ của mình vào Phiên, làm nó chật căng, nổ tung. Phiên của tôi đang nghĩ cách nào trừng phạt người chị nhẫn tâm của nó. Nhưng Phiên không biết điều đó cũng làm nó trở nên nhẫn tâm. Tôi không cam lòng, vẻ đẹp thiên thần mà tôi giữ gìn mười bốn năm qua không thể mất bằng cách như người đời thường đánh mất.
Quờ quạng trong bóng tối như một người mù, va đập vào trống không đau điếng, tôi lần dò vào bếp, bắc ấm nước lên cái cà ràng và nhóm lửa. Tôi chụm rất nhiều củi, chờ nước kêu ấm, nghĩ gió thổi hướng này chắc Phiên không thể nào bắt mùi được những nếp lá mục bắt đầu le lói cháy. Tôi đứng trong khói và tự hỏi, làm sao giữ được vẻ đẹp lộng lẫy này của khói, với mùi trứng kiến cháy cùng những con mối ú mềm, mùi lửa bén vào chiếc trái khế con rụng xuống nằm khô trong máng nước, mùi lửa liếm láp lên chiếc lông gà, cái quạt tàu cau giắt trên vách, chiếc chiếu đã đứt mất mấy sợi dây trân, và khói bắt đầu sẽ sàng bén vào những sợi tóc…
Khói này, là món quà cuối cùng tôi tặng em tôi. Nhưng khi nắm chúng lại, tôi chỉ nghe những ngón tay mình xỏ vào lòng tay của chính mình.
Khói Trời Lộng Lẫy Khói Trời Lộng Lẫy - Nguyễn Ngọc Tư Khói Trời Lộng Lẫy