Khi những suy nghĩ của bạn có mục đích, bạn đã được xếp vào nhóm người mạnh mẽ. Những người này xem thất bại là một trong những con đường dẫn đến thành công.

James Allen

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Oanh2
Số chương: 30
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1900 / 26
Cập nhật: 2015-11-01 19:35:41 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13: Mẹ
hông biết mọi đứa con trên đời có ai giống mình không, chứ mình từ bé đã thích ngửi mùi mồ hôi của mẹ. Mỗi lần ngủ, gối tay mẹ, hay rúc nách mẹ, cứ hít hít ngửi ngửi, rồi cười tít mắt.
Đời mẹ vất vả, chưa khi nào, chưa lần nào thấy mẹ được bình yên.
Cô gái quê lớn lên ở cái vùng thuần chất cấy lúa một nắng hai sương. Năm anh chị em, mẹ không phải là lớn nhất, nhưng lại chăm chỉ nhất. Bế em chẹo cả xương hông, đi cấy lúa đỉa cắn đầy hai bên bắp, mang cơm cho bố ngoài đầu làng, cũng phải cầm kéo học nghề cắt tóc. Chẳng có gì là không làm. Nhưng mẹ vẫn xinh lắm lắm. Gì kể:
- Mẹ mày chắt bóp từ trong máu. Cóp tiền mua được con chó con, nuôi được cho nó lớn thì bố và anh trai mang ra thịt. Mẹ mày khóc. Cả nhà bảo: cũng ăn mà, khóc cái gì? Thế là mẹ nhịn. Bà ngoại mua cho ba chị em gái ba tấm mía, hai gì ăn hết, mình mẹ mày dành dụm cất đi. Mấy ngày sau mía mọc mầm, không ăn được nữa, mẹ mày nhịn. Đi bộ đội, đến khi được nghỉ phép, về đến đầu huyện, đứng khóc vì không biết đường về nhà. Cả đời chỉ quanh quẩn trong cái làng bé con con bên bờ sông nước đục, một năm chỉ một vài lần được lên xã, nên cổ lỗ sĩ vô cùng.
Rồi mẹ chuyển ngành, đi học trung cấp Thương Nghiệp để ra làm thủ kho cho công ty Bách Hoá Hà Nội. Còn các gì, chẳng phải đi bộ đội, chẳng phải hô hào vì nhân dân quên mình, chẳng phải phấn đấu để được nhiều bằng khen, nhưng bà nào cũng làm một chân to trong toà án và sư phạm. Khi các gì mỗi người có hai cái nhà. Mẹ vẫn chui ra chui vào cái nhà lợp giấy dầu. Âu cũng là cái số. Ai bảo vì nhân dân quên mình!
Mẹ gặp bố, đồng ý lấy bố với tình thương nhiều hơn là tình yêu. Vì bố ốm yếu, đi khập khiễng và là đứa con bị kỳ thị trong gia đình. Lúc ấy, mẹ đã ba mươi hai tuổi. Nhưng nhìn mẹ, ai cũng tưởng mẹ chỉ mới hai nhăm. Mẹ trẻ và xinh đẹp.
Ngày nhà trai từ Hà Nội về quê xin cưới, các bá quan văn võ thi nhau thách cưới. Ở quê là thế, nhất là mẹ lại lấy được một.......anh Hà Nội, con ông to.
- Một trăm thúng bánh nướng, một trăm thúng bánh dẻo, mười cân chè ngon...
- Thôi, nhà bác không phải kể ra nữa đâu. Nhà chúng em cũng chỉ là bộ đội, không có nhiều thế đâu. Chỉ có cân chè Thái Nguyên với tút thuốc Điện Biên thôi, bác nhất trí thì để hôm tới ăn hỏi em cho cháu mang tới.
Nói rồi bà nội đứng dậy xin phép ra về. Lúc ấy, ông nội mình là vụ trưởng vụ 1 bộ Công Nghiệp Nhẹ. Bà ngoại thì hiền lành, các quân sư nói sao thì gật đầu vậy. Chồng mất rồi, hai anh con trai lớn thì đi bộ đội. Gả chồng cho cô con gái đầu tiên chẳng biết đâu mà lần. Nhưng nghe thấy bà nội mình nói thế cũng biết tự ái. Tự ái dấu trong lòng thôi.
Mẹ cuối tuần về làng, nghe tin thì uất quá, lên ngay Hà Nội để tìm cho được con người nhu nhược ấy, con người phụ bạc ấy. Nhưng rồi ông bà nội lại dỗ dành. Và loanh quanh vẫn dẫm phải...bố. Y như mình, loanh quanh thế nào vẫn dẫm phải người vô tâm như...chàng.
Sinh mình ra trong cơn đẻ khó. Đau ba ngày mà không đẻ được. Đến khi nhảy ổ, bố biết tin mẹ xong rồi thì chạy tít về nhà báo tin, bỏ mặc mẹ vừa đau vừa đói, vừa lẻ loi trong bệnh viện. Ông bà nội thấy bảo đẻ con gái, giống ông nội như đúc mừng lắm, ăn cơm xong bảo nhau mai vào thăm. Chỉ có mỗi ông cậu của bố ở quê lên chơi, vội vàng đạp xe mấy cây số tìm mua cho mẹ bát phở. Mẹ kể: "mẹ mang ơn cậu ấy suốt đời, chẳng bao giờ quên."...
Hết cấp một, mình kể với mẹ:
- các bạn cùng lớp cứ trêu quần áo con mặc. Con chẳng mặc quần áo mẹ khâu nữa đâu. Mẹ mua cho con bộ quần áo mới đi.
Mẹ cười hiền từ nhìn mình thì thầm:
- Con chịu khó mặc lại quần áo của các cô các chú, mẹ sẽ khâu đẹp hơn. Bao giờ con lớn, mẹ sẽ cho con ăn diện nhất cái khu tập thể này.
Nói rồi mẹ lại ngồi chăm chú khâu cho mình cái váy đồng phục.
Ngày khai trường, cả trường mặc đồng phục áo trắng váy xanh đẹp ơi là đẹp. Chỉ có riêng mình mặc cái áo trắng cháo lòng và váy xanh màu bộ đội. Cô giáo nói:
- Em không đóng tiền mua đồng phục à? Vậy đứng cuối hàng nhé, kẻo lớp mất điểm thi đua.
Về nhà nước mắt ngắn nước mắt dài, chỉ có mẹ là hiểu. Mẹ mua đền bù cho con gái miếng đu đủ. Mẹ bảo:
- Bữa nào thấy có miếng vải nào giống của các bạn, mẹ lại khâu cho con cái váy khác. Còn áo trắng, các con hay nghịch bẩn, đằng nào chẳng giống nhau....
Năm mình học cuối cấp hai, mẹ về hưu non. Bố về mất sức. Chẳng còn biết sống kiểu gì. Bố không có ý định đi tìm việc làm. Bỏ mặc thùng gạo bao giờ vơi bao giờ đầy. Giấu tạm nỗi quyến luyến, mẹ lên Mộc Châu đi làm giúp việc cho anh trai cả. Ba năm sau mới về. Những năm tháng ấy, mình sắp thành một cô gái. Không còn chơi trò may quần áo cho búp bê nữa mà bắt đầu biết soi gương để tết hai bím tóc thật gọn gàng. Những biến đổi đầu tiên trong đời khiến mình hốt hoảng. Từ một hình chữ nhật trở thành hình cái lọ hoa, từ một nhúm cau trở thành cỡ bự, từ một.....trở thành....., từ một.....trở thành.
Học sinh ngày ấy tồ lắm. Mình mất chiếc dép do đi lội Hồ Tây còn đứng khóc cơ mà. Mình chưa nghĩ ra những bữa cơm no bụng hai bố con là tiền của mẹ. Mình chỉ biết không có mẹ ở bên, mà cũng không có ai đáng tin tưởng để mà hỏi: "Tại sao con thế này?"
Mình chỉ biết nhìn trộm bạn gái cùng lớp để bắt chước. Trong lòng tự dưng lại giận mẹ đến vô cùng. Những bức thư mình viết cho mẹ, ngày càng giận dỗi. Mình hét lên trong thư: "Mẹ bỏ rơi con, con ghét mẹ".
Cho đến khi mình cũng có một em bé của riêng mình, bỗng nhớ lại ngày ấy, chợt giật mình, không biết lúc ấy nước mắt mẹ nhiều đến ngần nào.
Hai năm sau, đúng ngày mùng một tháng mười một, đi học về đã thấy mẹ nằm ở giường, mình mừng rỡ chạy tới ôm lấy cổ mẹ. Thời gian xa cách quá nên không còn chỗ cho tự ái mà chỉ còn chỗ cho nhớ nhung.
- Mẹ, mẹ về! Mẹ ơi, mẹ về từ lúc nào thế? Sao mẹ biết hôm nay mà về. Mẹ ơi, mẹ say xe à? sao lại nằm mệt mỏi thế?
- Hôm nay á? -Mẹ lơ đãng hỏi lại- Hôm nay là ngày gì?
- Hôm nay là sinh nhật nó - Bố gắt.
- Mẹ, thế không phải hôm nay mẹ về vì sinh nhật bước sang tuổi mười tám của con ư? Mẹ, mẹ nỡ quên sinh nhật của con?
- Ừ, mẹ quên mất. -mẹ mệt mỏi trả lời rồi nằm quay mặt vào trong tường.
Khi Lấy Chàng (Nhật Ký Cô Dâu Trẻ) Khi Lấy Chàng (Nhật Ký Cô Dâu Trẻ) - Nguyễn Thị Thu Hiền Khi Lấy Chàng (Nhật Ký Cô Dâu Trẻ)